Niệm Phật Đường Đông Lâm, tọa lạc Núi Phù Dung, quận Thuyên Loan, Tân Giới, Hồng Kông, câu đối sơn môn do đại hộ pháp Hà Diệu Quang viết, và Thư pháp của Pháp sư Trúc Ma. Bảo tháp Xá lợi của Thái Hư Đại Sư trong khuôn viên Niệm Phật Đường Đông Lâm được trùng tu năm 1975 do chính Pháp sư Trúc Ma vận động tài chính góp quỹ xây dựng.
Pháp sư Trúc Ma (1913-2002), nguyên quán Nhạc Thanh, một thành phố cấp huyện thuộc địa cấp thị Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Hoa. Được biết, Ngài là người sáng lập, cha đẻ Trung tâm Phật học Hán truyền tại Malaysia. Nhiều vị cao tăng Phật giáo tại Malaysia là đệ tử của Ngài, và Ngài đã từng Tuyên dương Diệu pháp Như Lai tại các nơi như Hồng Kông và Ma Cao, có mối quan hệ hữu nghị thâm hậu với Hồng Kông và Ma Cao.
Pháp sư Trúc Ma tục danh Trần Đức An sinh năm 1913, tại Nhạn Đãng Sơn, thị trấn Hồng Kiều, quận Nhạc Thanh, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Từ phụ và Hiền mẫu của Ngài đều là những Phật tử thuần thành. Ngài đã có nhân duyên thâm diệu với Phật pháp và tuệ căn nhiều đời, năm 12 tuổi Ngài đảnh lễ Trưởng lão Hòa thượng Bạch Vân cầu thế phát xuất gia tu học Phật pháp, và được Hòa thượng Bản sư ban pháp danh Mặc Thành (默誠) tự Thủ Chí (守志).
Năm 1925, Ngài phát tâm làm thị giả phục vụ cho Trưởng lão Pháp sư Chi Phong bế quan nhập thất tại Tổ đình Phổ Giác Tự, Vĩnh Gia, Ôn Châu, Chiết Giang; Trong thời gian này, Trưởng lão Pháp sư Chi Phong đã giảng dạy "Độc cổ văn Thi từ" (讀古文詩詞), "Thủy Chung Tâm Yếu" (始終心要) và "Vĩnh Gia Chứng Đạo Ca" (永嘉證道歌).
Năm 1926, Ngài thị giả hầu Trưởng lão Bạch Vân Thượng nhân tại Tổ đình Tĩnh Tông Tự, Tứ Minh, Mai Khư, và học tập kinh sám trong một năm.
Năm 16 tuổi, do phúc đức nhân duyên nhiều đời, tuệ căn bén nhạy nên được các vị tôn túc và trưởng lão Hòa thượng Pháp sư Đế Nhàn niệm tình đặc cách cho thụ tam đàn cụ túc giới tại Tổ đình Quan Tông Tự. Ninh Ba, một thành phố trực thuộc tỉnh của tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Sau đó, Ngài học tại Phật học viện Mân Nam, Tổ đình Nam Phổ Đà, thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.
Năm 21 tuổi, Pháp sư Trúc Ma tốt nghiệp Phật học viện Mân Nam, Ngài theo Thái Hư Đại Sư đến Đồng bằng Triều Sán, vùng ven biển phía đông của tỉnh Quảng Đông để phụ trách thị giả hầu và ghi chép những kim ngôn diệu ngữ khi Thái Hư Đại sư tuyên thuyết Diệu pháp Như Lai.
Khi Phật học viện Vũ Xương (昌佛學院), Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, Trung Hoa chiêu sinh sinh viên khoa nghiên cứu, Ngài quay trở lại Phật học viện Vũ Xương để nghiên cứu, tại đây có các các vị tăng sĩ sáng giá và sau này trở thành danh tăng Phật giáo Trung Hoa như các vị Trần Không, Vy Hàng, Lực Định, Ấn Thuận, Chỉ An, Nguyệt Diệu . . . Trong thời gian này, Pháp sư Trúc Ma đã đăng các bài báo trên các tạp chí Phật giáo như "Hải Triều Âm" (海潮音) dưới bút danh Nhạn Đãng Sơn tăng, Triện Hương Thất chủ, Vy Lâm, Tuệ Hải. . . Các bản thảo được xuất bản vào thời gian này, được đăng trên các tạp chí Phật học "Vô trước và Học thuyết" (無著的學説), "Tô Đông Pha và Tư tưởng Phật học" (蘇東坡的佛教思想). Đồng thời Pháp sư Chi Phong đảm nhậm Chủ biên Nguyệt san "Hải Triều Âm" (海潮音), Pháp sư Trúc Ma Trợ Lý Thư Ký Tòa Soạn.
Năm 1934, Pháp sư Chi Phong từ chức Chủ biên Nguyệt san "Hải Triều Âm", và trở về Ninh Ba, Chiết Giang, tại Tổ đình Kim Tiên Tự, Từ Khê, Ninh Ba, Ngài kiến lập "Giảng xá Bạch Hồ" (白湖講舍), chiêu sinh giảng dạy, Pháp sư Trúc Ma đồng đến Ninh Ba để hỗ trợ trong việc giảng dạy Phật học. Ngài trở về nguyên quán thăm phụ thân, nhưng hỡi ôi cụ Thân sinh Trần Hồng Mai đã vãng sinh Lạc quốc, Ngài rất thương cảm đau lòng, tâm thành kính thắp hương tế mộ phần của phụ thân, sau đó Ngài trở lại Ninh Ba.
Tại Tổ đình Kim Tiên, Từ Khê, Ninh Ba, Ngài biên soạn hai tác phẩm "Luận Phật giáo và Tri nan Hành dị" (論佛教的知難行易) và "Ý Thơ trong lý Thiền" (詩意與禪理).
Năm 1936, Ngài phụ trách thị giả hầu và ghi chép lại những lời thuyết pháp của Thái Hư Đại sư tại Hồng Kông, Quảng Châu và các nơi khác, sau đó, Ngài trở về Ninh Ba. Tại Tổ đình Từ Khê, một thành phố cấp huyện thuộc địa cấp thị Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang.
Vào mùa xuân năm 1937, do di tích Bạch Hồ chuyển đến Tổ đình Duyên Khánh Tự, Tứ Minh Sơn, Ninh Ba. Ngài dự định đi du học tại Nhật Bản, chưa kịp đi thì Sự kiện Lư Câu Kiều (盧溝橋事件, Rokōkyōjiken) xảy ra vào ngày 7 tháng 7 năm 1937, được xem là sự kiện mở đầu Chiến tranh Trung-Nhật, Pháp sư Trúc Ma và các đồng môn huynh đệ trong Phật học viện Mân Nam đều hóa trang tham gia vào "Hội Từ Khê Ủng hộ Kháng chiến chống Nhật" (慈溪抗日後援會), nhằm công tác tuyên truyền kháng chiến chống Đế quốc Nhật xâm lược. Khi tình hình chiến sự thay đổi, Ngài chuyển đến Vũ Hán, tham gia "Đội Tăng lữ Cứu hộ" (僧侶救護隊) và được gửi đến tiền tuyến Hà Nam để phục vụ công tác cứu hộ. Năm sau, Ngài từ tiền tuyến Hà Nam trở về Vũ Hán.
Hoạt động cứu quốc tại Vũ Hán thời gian ngắn, Pháp sư Trúc Ma và Pháp sư Tuệ Vân từ Phật học viện Vũ Xương đi về phía nam đến Quảng Châu và chuyển đến Hồng Kông. Ngài và Pháp sư Mặc Thiền đã tham gia vào "Hiệp hội Phật giáo Cứu tế Người Tỵ nạn tại Hồng Kông" (香港佛教救濟難民會), nơi Ngài hoạt động công tác cứu tế người tỵ nạn tại Hồng Kông.
Trong thời Chiến tranh Trung-Nhật (1937–1945), một cuộc xung đột quân sự giữa Trung Hoa Dân Quốc và Đế quốc Nhật Bản; Ngài xông pha ra tiền tuyến và tham gia công tác tuyên truyền chống Đế quốc Nhật, cứu nạn cứu hộ trong chiến tranh.
Năm 1938, Ngài đến Hồng Kông, và được bầu đảm nhiệm Ủy viên Văn phòng Thường trú, Hiệp hội Phật giáo Cứu tế Người Tỵ nạn tại Hồng Kông. Từ thời chiến đến sau chiến tranh năm 1953, Ngài đảm trách Tổng biên tập Tạp chí "Giác Âm" (覺音), Ngài sáng lập Tạp chí "Vô Tận Đăng" (無盡燈); tại Ma Cao, Ngài đảm trách trên cương vị Phó Viện trưởng kiêm Chủ nhiệm Giáo vụ Phật học viện Thê Hà, tọa lạc tại Tổ đình Thê Hà Tự, thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.
Đạo lực hoằng dương chính pháp Phật đà của Ngài đã ảnh hưởng quan trọng trong giới nhân sĩ trí thức Phật tử ở Hồng Kông và Ma Cao. Ngài là cao đệ và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Thái Hư Đại sư, và Ngài đã tham gia hiệu đính "Thái Hư Đại sư toàn tập" (太虛大師全集).
Vào mùa xuân năm 1939, Trưởng Đạo tràng "Đông Liên Giác Uyển" (東蓮覺苑), Hồng Kông Cư sĩ Lâm Lăng Chân (楞真居士) đã thành tâm cung thỉnh Ngài đến Đạo tràng Công Đức Lâm, Ma Cao để chiêu sinh khai giảng "Ban Nghiên cứu Phật học" (佛學研究班). Đồng thời Ngài đảm nhiệm Chủ biên tạp chí "Nguyệt san Giác Âm" (覺音月刊), tuyên dương văn hóa Phật giáo. Vào thời điểm này, tại Quế Lâm, Quảng Tây, nhị vị Pháp sư Đạo An, Cự Tán đã thành lập tạp chí nguyệt san "Sư Tử Hống" (獅子吼); tạp chí "Giác Âm" (覺音) và "Sư Tử Hống" là những ấn phẩm Phật giáo rất quan trọng.
Năm 1943, Ngài đã cùng với nhị vị Trưởng lão Pháp sư Đại Tỉnh, Trưởng lão Pháp sư Chi Phong từ Thượng Hải, trở về phía bắc Nhạn Đãng sơn, Ôn Châu, Chiết Giang để tránh quân đội Nhật Bản, sau Tết Trung Thu, Ngài đi về hướng bắc và lần đầu tiên đi từ Mao Cao đến Hồng Kông. Ngày hôm sau, quân Nhật đổ bộ vào Cửu Long, Hồng Kông. Kết quả là cuộc hành trình của Pháp sư Trúc Ma đã bị chặn lại, và Ngài đã phải đành tỵ nạn tại Đạo tràng "Đông Liên Giác Uyển" (東蓮覺苑), Hồng Kông. Vài tuần sau, Ngài xuống một chiếc thuyền nhỏ trở lại Ma Cao và trú tích tại Đạo tràng Công Đức Lâm, ẩn cư tu hành.
Năm 1945, Ngài hốt nhiên bị một cơn sốt nặng, sốt cao thập tử nhất sinh, đang trong cơn hấp hối, nguy cấp đến tính mạng, bấy giờ Ngài tỉnh táo chuyên xưng Thánh hiệu "Bồ tát Quán Thế Âm" (觀世音菩薩), suốt bảy ngày đêm, đổ mồ hôi như tắm, cơn sốt liền thuyên giảm, bệnh lành hẳn.
Tại Ma Cao, Ngài đã trải qua ẩn tu 5 năm tại Đạo tràng Công Đức Lâm, đến năm 1948, Cư sĩ Doãn Pháp Hiển (尹法顯居士) thành lập "Phật học xã Ma Cao" (澳門佛學社), cung thỉnh Pháp sư Trúc Ma cố vấn, và mời Ngài lưu lại đây để diễn giảng kim kinh ngọc kệ hoằng hóa đạo Nhiệm mầu và hạnh đức Như Lai.
Pháp sư Trúc Ma là một vị "Tăng sĩ Văn nghệ sĩ Trí thức" (文藝僧) nổi tiếng, Ngài không chỉ thiện nghệ trong thơ văn mà còn yêu thích thảo Thư pháp bằng bút lông, trong thời gian hoằng dương Phật pháp tại Hồng Kông, Ma Cao, Ngài đã ngẫu hứng sáng tác hơn 100 bài thơ, Ngài là bậc thầy ba thể loại tuyệt vời Thơ, Thư pháp, Hội họa. Ngài đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm tranh hội họa, thư pháp để gây quỹ cho sự nghiệp hoằng dương Phật pháp, các tác phẩm thư pháp, hội họa của Ngài đã được sưu tập và lưu giữ tại các Đạo tràng Phật học.
"Trúc Ma" (竺摩) thực tế chỉ là bút danh, là sự kết hợp giữa tên tuổi của nhị vị Thánh tăng Trúc Pháp Lan (竺法蘭), Trúc Diếp Ma Đằng (竺摄摩腾) là những vị cao tăng Phật giáo Ấn Độ, người có công truyền bá Phật pháp vào Trung Quốc.
Năm 1940, họa sĩ, nhà giáo dục nổi tiếng, Tiên sinh Cao Kiếm Phụ (1879-1951) đã giới thiệu Pháp sư Trúc Ma tham gia vào các hoạt động "Thanh Du hội, Ma Cao" (澳門清遊會), Pháp sư Trúc Ma đã kết duyên Bồ đề quyến thuộc Phật pháp với nhiều văn nhân danh sĩ nổi tiếng. Tiên sinh Cao Kiếm Phụ đã viết tiêu đề của Tạp chí "Giác Âm" (覺音) do Pháp sư Trúc Ma tổng biên tập. Do đó, Pháp sư Trúc Ma đã cảm hứng đề thơ:
謝高劍父先生為題覺音:
一代高名老畫師,
游神藝苑寄幽思,
遙山近水雲林軸,
殘月曉風柳永詞.
海北諸家多冷落,
嶺南三傑獨嶔崎.
拈毫為我才揮手,
紙落雲煙龍躍姿.
Cảm tạ Tiên sinh Cao Kiếm Phụ viết tiêu đề của Tạp chí Giác Âm
Nhất đại cao danh lão hoạch sư,
Du thần nghệ uyển ký u tư,
Dao sơn cận thuỷ vân lâm trục,
Tàn nguyệt hiểu phong liễu vĩnh từ.
Hải bắc chư gia đa lãnh lạc,
Lĩnh nam tam kiệt độc khâm khi.
Niêm hào vy ngã tài huy thủ,
Chỉ lạc vân yên long dược tư.
Việt dịch:
Danh tiếng một đời lão họa tiên,
Vườn thần nghệ thuật gửi niềm riêng,
Nước biết mây xanh mây núi cuộn;
Trăng khuya gió sớm liễu tùng duyên.
Chư gia biển Bắc chừ phai nhạt,
Quái kiệt trời Nam độc hạo nhiên,
Khoa tay lả lướt vài ba nét;
Khói cuộn rồng bay với bút nghiên!
Thích Nguyên Hiền dịch
Thời gian làm Sứ giả Như Lai tại Ma Cao, ở địa phương này Pháp sư Trúc Ma thân cận với Tiên sinh Cao Kiếm Phụ, hai người qua lại với nhau rất thân thiết và thắm tình đời ý đạo; Pháp sư Trúc Ma nhờ Tiên sinh Cao Kiếm Phụ chia sẻ về kỹ năng hội họa và thư pháp, còn Tiên sinh Cao Kiếm Phụ thỉnh giáo Pháp sư Trúc Ma chia sẻ về nghĩa thâm diệu Phật pháp và yếu chỉ Thiền tông.
Năm 1946, tam thập dĩ lập 33 tuổi, Pháp sư Trúc Ma có một giấc mộng, trọng mộng thấy thường xuyên thụ trì đọc tụng Địa Tạng Bản Nguyện Tôn kinh, khi mỗi ngày tụng được ba bộ Địa Tạng Bản Nguyện Tôn kinh, cho đến ngày thứ 49, Ngài lại có một giấc mộng khác, giấc mộng cho biết Ngài từ giã trần gian Ta bà lúc 32 tuổi "nay đã tăng thêm một năm tuổi nữa" (今已增加一年又多了), Ngài ngẩng đầu lên, chợt nhìn thấy Đức Bồ tát Đại Nguyện Địa Tạng Vương, liền nghe danh hiệu vang vọng "Nam phương Thế giới, ông có hàng nghìn vạn cơ hội để vượt qua. . ." (南方世界, 汝有千萬可渡之機 . . .). Ngài cho rằng đây là một ẩn ý "Nam phương Độ chúng" (南方渡眾).
Năm 1951, tại Ma Cao, Pháp sư Trúc Ma sáng lập tạp chí "Vô Tận Đăng" (無盡燈), Ngài viết lời tựa: tạp chí "Vô Tận Đăng" (無盡燈) với ý nghĩa "một người hoằng truyền Phật pháp, để khai sáng đạo mầu cho hàng trăm triệu và vô tận người, như một ngọn đèn duy nhất, mồi sáng thêm nhiều ngọn đèn, đèn mồi đèn vô tận, ánh sáng chiếu cùng khắp vô cùng tận". Thời gian Pháp sư Trúc Ma trú tích tại bang Penang, Malaysia, Tạp chí "Vô Tận Đăng" (無盡燈) vẫn tiếp tục xuất bản tại vùng Đông Nam Á này, Phật pháp như những ngọn đèn sáng mồi đèn vô tận, ánh sáng chiếu cùng khắp vô cùng tận.
Đầu tiên, bộ "Thái Hư Đại sư Toàn tập" (太虛大師全書) được xuất bản tại Hồng Kông, ban đầu nhị vị Pháp sư Diễn Bồi, Pháp sư Tục Minh đảm nhiệm việc hiệu đính. Toàn bộ sách này gồm 64 quyển, 7 triệu chữ, khi hiệu đính và xuất bản quyển thứ 26, sau đó, nhị vị Pháp sư Diễn Bồi, Pháp sư Tục Minh đáp lời mời đã sang Đài Loan hoằng pháp, phần còn lại là trách nhiệm của nhị vị Pháp sư Trúc Ma, Pháp sư Long Căn đảm nhiệm hiệu đính tiếp. Pháp sư Trúc Ma đã đối chiếu và hiệu đính xong quyển thứ 8, 9 và 26 quyển.
Năm 1953, Trưởng lão Hòa thượng Minh Thường sáng lập "Phật học viện Thê Hà" (棲霞佛學院), Hồng Kông, Ngài được mời đảm trách cương vị Phó Viện trưởng Phật học viện Thê Hà, và Pháp sư Long Căn đảm nhiệm hiệu đính phần còn lại bộ "Thái Hư Đại sư Toàn tập" (太虛大師全書). Lãnh đạo tại Phật học viện Thê Hà chưa đầy một năm, mùa xuân năm 1954, Pháp sư Trúc Ma được cung thỉnh đến "Long Hoa Phật giáo xã"(龍華佛教社), Thái Lan để chủ trì lễ khai quang bảo tháp Xá lợi của Thái Hư Đại sư, Ngài đã rời nơi cư trú Kông và Ma Cau hơn 10 năm.
Sau khi đến thủ đô Bangkok, Pháp sư Trúc Ma diễn giảng Diệu lý Như Lai tại hai Đạo tràng Phật giáo Long Hoa xã và Phật học Trung Hoa xã, đồng thời tổ chức các cuộc triển lãm Thư pháp và Hội họa.
Học viện Bồ đề ở bang Penang, Malaysia ban đầu được thành lập bởi Trưởng lão Ni Phương Liên sáng lập, sau đó được sự quản lý của các vị Cư sĩ Ngô Khoan Định, Cư sĩ Trần khoan Tông. Tại Học viện Bồ đề được sự bảo trợ của các Cư sĩ Vương Lộng Thư, Cư sĩ Trần Thiểu Anh, sau đó biến thành trường Tiểu học chính quy, và sau đó là trường Trung học cơ sở. Học viện Bồ đề thường cung thỉnh các vị cao tăng trú tích, có khi đến 10 vị. Chư tôn tịnh đức Tăng già Phật giáo Trung Hoa vân du phương Nam thường trú tích tại đây, như các vị trưởng lão Hòa thượng Đạo Giai, Từ Hàng, Diễn Bản, Pháp Phảng, và thế hệ sau này như các vị Pháp sư Bản Đạo, Trí Thông, Tùng Niên, Tuệ Tăng, đều lưu trú tại đây để giảng kinh thuyết pháp.
Năm 1954, Pháp sư Trúc Ma rời Hồng Kông và Ma Cao, nơi Ngài đã trú tích hơn 10 năm, Ngài tiếp tục hành trình vân du miền Nam Vương quốc Thái Lan để hoằng dương Phật pháp. Vào ngày 4 tháng 5 năm đó, Ngài bay từ thủ đô Bangkok đến bang Penang, Malaysia, và trở thành vị Đạo sư dạy học tại Trường Trung học Bồ đề. Kể từ đó, Ngài đã kết duyên Bồ đề quyến thuộc Phật pháp tại Malaysia và vùng Đông Nam Á.
Trong thời gian giảng dạy tại bang Penang, Malaysia, Ngài đã biên soạn ba bộ sách Giáo khoa Phật học, cho bậc Trung học cơ sở, ngay lập tức được các trường Trung học Phật giáo ở các nơi Hồng Kông, Ma Cao và cả vùng Đông Nam Á sử dụng ba bộ sách Giáo khoa Phật học của Ngài, đã ảnh hưởng rất sâu rộng trong các trung tâm Phật học.
Năm 1950, tổ chức lễ Khánh thành Trường Trung học Hàn Giang (韓江中學) và Trung tâm dịch vụ Cứu thương Ước Hàn (聖約翰救傷隊, John Ambulance), Tiến sĩ Lê Đông Phương, Hiệu trưởng Trường Trung học Hàn Giang đã đặc biệt cung thỉnh Pháp sư Trúc Ma quang lâm chứng minh pháp sự trai đàn, chủ lễ nghi thức cầu nguyện Quốc thái dân an, Thiên hạ thái bình. Đây là một động thái chưa từng có, bởi Trung tâm dịch vụ Cứu thương Ước Hàn (聖約翰救傷隊, John Ambulance) được thành lập bởi những người Thiên Chúa giáo, nó đã được chủ trì bởi các vị Mục sư và Linh Mục trong hơn một trăm năm. Số lượng Phật tử chỉ chiếm hai phần ba phục vụ tại Trung tâm dịch vụ Cứu thương Ước Hàn (聖約翰救傷隊, John Ambulance).
Pháp sư Trúc Ma là vị lãnh đạo cộng đồng Phật giáo Malaysia và rất được kính trọng, Ngài đã sáng lập và lãnh đạo Tổng hội Phật giáo Malaysia (đổi tên thành Tổng Liên đoàn Phật giáo Malaysia vào năm 1963).
Năm 1959, Đại hội thành lập Tổng hội Phật giáo Malaysia được tổ chức tại chùa Cực Lạc, bang Penang, đích thân Thủ tướng đầu tiên Malaysia Tunku Abdul Rahman chủ trì buổi lễ khai mạc. Điều này thực sự hiếm thấy tại Malaysia, nơi Hồi giáo quốc đạo, và đây đã mở ra một trang sử vàng son trong lịch sử Phật giáo tại Malaysia. Tổng hội Phật giáo Malaysia đã cực lực tranh để được Thủ tướng chính phủ thuận cho phép tổ chức Đại lễ Vesak nơi công cộng, và cuối cùng ước nguyện của Ngài đã thành hiện thực vào năm 1962.
Năm 1963, Ngài cùng 13 vị tăng sĩ Bản Đạo, Chân Quả, Kinh Tinh, Kim Minh, v.v đã khởi xướng việc mua đất, làm đường để sáng lập cơ sở Tổng hội Phật giáo Malaysia.
Ngoài việc đoàn kết, thống nhất lực lượng Tổng hội Phật giáo Malaysia, đồng thời tích cực bảo vệ thanh danh của Phật giáo. Năm 1966, bộ phim "Văn Tố Thần (文素臣) của Hãng phim Shaw công chiếu tại Malaysia, nội dung có nhiều lời xúc phạm đến Phật giáo và làm tổn thương nhục mạ các vị tăng sĩ trong đạo Phật, khơi dậy sự phẫn nộ trong công chúng và trong giới Phật giáo đồ, lãnh đạo tối cao của Tổng hội Phật giáo Malaysia, Pháp sư Trúc Ma nỗ lực tranh luận trong hài hòa ái ngữ từ tốn với lý do chính đáng, và cuối cùng bị chính quyền cấm lưu hành bộ phim “Wen Suchen”, duy trì hình ảnh thanh bạch của Phật giáo.
Pháp sư Trúc Ma định cư tại bang Penang, Malaysia, ban đầu kiến tạo Tinh xá Trúc Viên (竺園精舍) đối diện Trường Trung học Bồ đề, sau này do chúng đệ tử quy y quá đông, Ngài đã xây dựng thêm một đạo tràng mới và đặt tên "Giảng đường Tam Tuệ" (三慧講堂), nghĩa là y cứ Văn, Tư, Tu tức tôn chỉ tam Tuệ, do xem, nghe Phật pháp, Tư duy Phật pháp, Tu hành Phật pháp, mọi người chuyển mê khai ngộ, lìa sự mê hoặc chứng chân tính.
Pháp sư Trúc Ma chủ trương "Đề xướng Giáo dục Phật học, Đào tạo nhân tài hoằng pháp" (提倡佛教教育, 培養弘法人才), Ngài lãnh đạo Tổng hội Phật giáo Malaysia, và thành lập Học học viện Malaysia vào năm 1970 và đảm trách cương vị Viện trưởng trong hơn 30 năm, cho đến khi viên tịch, Ngài đã giáo dục đào tạo vô số nhân tài cho cộng đồng Phật giáo tại Malaysia, như Đào, Lý đơm hoa kết trái khắp thiên hạ.
Trong hơn 10 năm từ Honolulu (檀香山),thủ phủ của tiểu bang Hawaii của Hoa Kỳ trở về Penang, Malaysia, Ngài thường đó đây vân du, và bận rộn hoằng pháp các quốc gia Malaysia, Singapore, Hong Kong và các nước Đông Nam Á khác.
Vào tháng 7 năm 1971, Tổng hội Thanh niên Phật giáo Malaysia được thành lập tại thủ đô Kuala Lumpur, Cư sĩ Công Thôi Phó được đề bạt làm Chủ tịch, và cung thỉnh Ngài Cố vấn.
Vào ngày 8 tháng 9 năm 1973 (13/8/Quý Sửu), lễ kỷ niệm Sinh nhật Hoa giáp (lục tuần) của Ngài, các giới danh lưu và tứ chúng đệ tử ở Penang, khoảng 3.000 người đã tổ chức mừng Sinh nhật, chúc Khánh tuế Sư phụ Trúc Ma. Trong ba ngày tổ chức yến tiệc thiết đãi hơn 800 khách, ban tiếp lễ nhận được 40 vạn kim tê, trừ chi tiêu mấy vạn kim tệ, còn lại 37 vạn kim tệ xung vào quỹ tài trợ cho Phật học viện Malaysia.
Qua tuổi lục tuần, Trưởng lão Pháp sư Trúc Ma, ngoài việc tiếp tục giảng kinh hoằng hóa nhiều nơi khác nhau ở Singapore và Malaysia.
Vào giữa tháng 5 năm 1976, Ngài sang Hồng Kông để chủ trì lễ khánh thành trùng tu bảo tháp Xá lợi Thái Hư Đại sư, tọa lạc tại Phù Dung Sơn, quận Thanh Loan. Việc trùng tu bảo tháp Xá lợi Thái Hư Đại sư do đích thân Trưởng lão Pháp sư Trúc Ma quyên góp quỹ xây dựng. Trong năm này, Ngài lại sang Australia. Tổ chức "Nghiên cứu Phật học Trung Hoa xã" (中華佛學研究社) tại Australia, Chủ tịch Cư sĩ Liêu Anh Nguyên lễ thỉnh Ngài quang lâm diễn giảng Diệu pháp Như Lai. Ngài đã hu hóa tại Australia hơn 20 ngày và sau đó trở về Penang, Malaysia.
Vào tháng 5 năm 1978, đệ tử thế độ xuất gia Trụ trì Thích nữ Kế Dung đã trùng kiến Trí Thiện Am, Thái Lan và Khánh thành, cung thỉnh Trưởng lão Hòa thượng Bản sư Trúc Ma chủ trì khai quang điển lễ, nhân dịp này, Ngài đăng đàn truyền thụ Sa di ni thập giới. Sau đó, vào ngày tháng 6 năm này, đáp lời thỉnh cầu của Pháp sư Pháp Tham, Trụ trì ngôi già lam Từ Ân Tự, San Francisco, Hoa Kỳ, Ngài chủ trì khai quang điển lễ và đăng lâm bảo tọa diễn giảng "Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh" (般若波羅蜜多心經). Sau đó, cùng với Pháp sư Hằng Ẩn từ Vạn Phật Thánh Thành, Ngài đã đến Los Angeles tham quan Công viên Disneyland, Hoa Kỳ.
Vào mùa xuân năm 1979, Pháp sư Trúc Ma bế quan nhập thất bách nhật (100 ngày) tại Giảng đường Tam Tuệ, Malaysia, thời gian này, Ngài biên soạn hai tác phẩm "Tâm Kinh Giảng Thoại" (心經講話) và "Phật Học Vấn Đáp tập 2" (佛學問答第二輯) và tu bổ và hiệu đính tác phẩm "Phổ Hiền Thập Nguyện Giảng Thoại" (普賢十願講話).
Vào mùa xuân năm 1980, Ngài lại tiếp tục Pháp sư Trúc Ma bế quan nhập thất bách nhật (100 ngày) tại Giảng đường Tam Tuệ, thời gian này, Ngài biên tập trước tác. Vào tháng 6 năm này, Theo lời thỉnh cầu của nhị vị hộ pháp Phật tử Cư sĩ Lạc Cửu và Cư sĩ Phùng Công Hạ thuộc "Giáo hội Phật giáo Thế giới" (世界佛教會), Ngài đến Thành phố Vancouver, một đô thị hải cảng duyên hải thuộc tỉnh British Columbia, Canada để tuyên dương Diệu pháp Như Lai.
Tại Giáo hội Phật giáo Thế giới, Ngài diễn giảng "Kinh A Di Đà" (阿彌陀經), sau khi viên mãn Pháp hội, Ngài trở về bang Penang, Malaysia.
Vào tháng 4 năm 1982, lần thứ hai, Ngài được cung thỉnh đến thành phố Vancouver, Canada, Tại Giáo hội Phật giáo Thế giới, Ngài diễn giảng "Thiên Thai Chỉ Quán" (天台止觀), Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Thế giới, Cư sĩ Lạc Cửu Vãng sinh Cực Lạc Quốc vào tháng 4 năm này, Pháp sư Trúc Ma chủ trì Đại Pháp hội Mông Sơn, siêu tiến Cư sĩ Lạc Cửu.
Năm 1996, bức Thư pháp do Ngài viết "Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh" (般若波羅密多心經) được sưu tập và trưng bày tại Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan.
Theo thống kê, Pháp sư Trúc Ma đã trú tích tại bang Penang, Malaysia gần nửa thế kỷ, Ngài đã truyền Tam quy y, Ngũ giới, Thập thiện, Bồ tát giới cho hơn bảy vạn người, trong chúng đệ tử có rất nhiều danh nhân, chẳng hạn như cựu Thủ hiến bang Penang, Cư sĩ Hứa Tử Căn (許子根). Đích thân Ngài thế độ xuất gia và truyền giới cho 135 đệ tử, và nhiều đệ tử xuất gia thế hệ kế kế thế truyền trì pháp mạch truyền đăng tông môn pháp phái, trở thành những danh hiệu Thiền sư, Pháp sư.Luật sư nổi tiếng, tiếp tục phát huy sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh.
Ngoài Malaysia, Pháp sư Trúc Ma đã vân du hoằng pháp tại các quốc gia Singapore, Indonesia và Hoa Kỳ. Năm 1998, Pháp sư Trúc Ma trở thành vị tăng sĩ Phật giáo đầu tiên được trao tặng Tước vị Hoàng gia "Datuk".
Sau khi thất thập cổ lai hy (ngoài 70 tuổi), các hoạt động đối ngoại của Ngài giảm lần, khi trú tích tại Giảng đường Tam Tuệ, bang Penang, hoặc trú tích tại Phật Duyên Lâm, Tin Chew, Ngài tùy duyên hóa độ. Tự lợi mình lợi người trong hóa duyên hành đạo. Trưởng lão Pháp sư Trúc Ma thuở nhỏ thông tuệ, đồng chân nhập đạo, bình sinh ngoài việc Sứ giả Như Lai hoằng dương chính pháp Phật đà, Ngài còn họa vẽ thư pháp để kết thiện duyên với thập phương bách tính trăm họ.
Ta bà quả mãn, hóa duyên ký tất, thuận thế vô thường, Trưởng lão Pháp sư Trúc Ma đã an nhiên trút hơi thở, thể nhập Chân như tại Giảng đường Tam Tuệ vào ngày 4 tháng 2 năm 2002. Thế thọ 90 Xuân. Tăng lạp 77 Hạ. Hơn 40 năm hoằng dương Phật pháp tại Malaysia, đương thời tại địa phương, Đức hạnh cao cả của Ngài tỏa khắp muôn phương, được sự tôn kính của tăng tín đồ Phật tử.
Di sản của Ngài để lại cho hậu thế "Trưởng lão Trúc Ma Phật học Toàn thư" (竺摩長老佛學全書), "Triện Hương Thất Văn Tập" (篆香室文集), và những trước tác của Ngài đã lưu truyền rộng rãi.
Là một vị tăng sĩ tài năng với kiến thức Phật học uyên thâm và nghệ thuật cao thâm tuyệt hảo, Pháp sư Trúc ma chẳng những đặt nền móng cho Phật giáo Hán truyền tại Malaysia và thậm chí toàn bộ Đông Nam Á, mà còn ảnh hưởng đến nhiều thế hệ tăng, tín đồ Phật tử của Ngài những năm đầu trú tích hoằng pháp ở Hồng Kông và Ma Cao, cũng đã kết duyên Bồ đề quyến thuộc Phật pháp với những nơi này.
Clip video
雁蕩山僧朱摩長老紀念特輯
https://www.youtube.com/watch?v=wo-nrtv1L-Y
雁蕩山僧 竺摩法師
https://www.youtube.com/watch?v=TOT-DhZnCog
Thích Vân Phong biên dịch
(Nguồn: 佛門網有限公司)