Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

47. Cả Đêm, Rừng Sālā Không Ngủ

19/03/201408:33(Xem: 27712)
47. Cả Đêm, Rừng Sālā Không Ngủ
blank

Cả Đêm, Rừng Sālā Không Ngủ


Thế là đến chiều tối, đức Phật và chúng tỳ-khưu mới tới được nơi dự định. Trăng vừa lên, sương mù bàng bạc, không gian như trải một màn lụa mỏng. Đất trời thanh sạch như không nhiễm một chút bụi trần, có lẽ là do có sự hiện thân của một nhân cách siêu việt chăng? Cái đó để thiên nhiên và siêu nhiên trả lời. Tuy ai cũng cảm nhận có một cái gì đó rất lạ lùng, nó ở ngoài tế bào não và lý trí suy nghiệm.

Sau một hồi tới lui hít thở không khí trong lành, đức Phật bảo tôn giả Ānanda chuẩn bị chỗ nằm giữa hai cội cây sālā hùng vĩ. Ấy là lấy cành lá quét dọn xung quanh hai cội cây, gấp tấm tăng-già-lê làm hai, tôn giả chọn hướng rồi trải dài theo như thân người. Đức Thế Tôn nằm xuống trong tư thế nghiêng về bên vai phải, đầu hướng về bắc, mặt hướng về tây, lưng ở phía đông và chân thì duỗi về nam. Chư tỳ-khưu chừng mấy trăm vị thì ngồi rải rác cả rừng cây, bao quanh đức Thế Tôn. Gần đức Phật nhất là chư tôn giả Ānanda, Upāli, Anuruddha, Mahā Cunda, Upavāna... Và chư vị trưởng lão ai cũng biết là Thế Tôn chọn chỗ này, giữa hai cội cây sālā này, và ngay đêm nay, đức Chánh Đẳng Giác sẽ Niết-bàn.

Cả rừng cây sālā cũng trở nên trầm mặc, dường như chúng cũng cảm nhận được thời khắc linh thiêng, trọng đại. Rồi đột nhiên, có cái gì rùng rùng chuyển động và có cái gì siêu nhiên tác động mà cả rừng cây sālā bỗng trổ hoa trái mùa, từng chồi, từng nhánh vươn dài ra, đầy gốc, đầy thân, hoa bung nở, ngào ngạt hương. Lát sau, cánh hoa rơi rụng trên y áo của đức Phật và phủ nhẹ lên thân ngài. Cả mấy trăm vị tỳ-khưu ngơ ngác ngắm nhìn hoa rơi, đầy người, đầy rừng. Lát sau nữa, nhạc trời réo rắt, bay bổng như hằng ngàn giai điệu cùng hợp tấu từ hư không đổ tràn xuống. Lại có một loại hoa lạ lùng nhiều sắc màu, lấp lánh sắc màu, từng đợt, từng đợt, nhẹ nhàng chao lượn giữa rừng cây rồi như đồng loạt phủ quanh chỗ nằm của đức Tôn Sư. Và rồi, bột hương không biết từ đâu, lấp lánh bụi vàng thơm nồng nàn cũng đồng rơi xuống, rải vàng khắp nơi... Dường như người, trời, thiên nhiên, ai cũng muốn cúng dường đức Phật trong giờ khắc nghiêm kính linh thiêng này...

Tôn giả Anuruddha chợt cất tiếng nói:

- Tiếng nhạc kia là của chúng Càn-thát-bà muốn cúng dường đức Phật. Hoa trời kia tên là Mandārava(1), là chúng thiên nữ của thiên chủ Đế Thích cúng dường; bột hương chiên đàn kia là của chúng dạ-xoa nữ của Tứ Trấn thiên vương cúng dường... Thế là Phạm thiên, Đế Thích, thiên vương, Tứ Đại thiên vương, chúng chư thiên, càn-thát-bà, dạ-xoa... đồng vân tập đến rừng cây này rồi - bạch đức Tôn Sư! 

Đức Phật nói:

- Ừ, Như Lai thấy rồi!

Tôn giả Ānanda cảm khái:

- Ôi! Hoa vi diệu, hương vi diệu, nhạc trời vi diệu đều muốn cúng dường đức Thế Tôn cả!

Đức Phật bảo:

- Này Ānanda! Họ cúng dường tùy theo tâm ý của họ, sở thích của họ; nhưng như vậy cũng chưa thật sự biết cách cúng dường Như Lai đâu!

- Xin đức Đạo Sư hãy cho đệ tử hiểu sâu về tôn ý? Thế nào là biết cách cúng dường, bạch Thế Tôn?

- Nếu có tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni nào, cận sự nam, cận sự nữ nào biết thành tựu chánh pháp và tùy pháp, sống chơn chánh trong chánh pháp và hành trì đúng chánh pháp; làm được như vậy mới thật sự biết kính trọng, kính lễ, biết cúng dường Như Lai. Ông phải học tập như vậy, hành trì như vậy và sau này cũng phổ cập rộng rãi cho tứ chúng hiểu cách cúng dường chơn chánh, đúng pháp và luật như vậy, này Ānanda! 

Tôn giả Ānanda khẽ cúi đầu, ghi nhận.

Lúc ấy, tôn giả Upavāna đang đứng hướng phía trước mặt đức Phật nên ngài khẽ bảo:

- Này Upavāna! Ông hãy đứng sang một bên!

Tôn giả Ānanda nghe vậy, tự nghĩ trong lòng: “Tôn giả Upavāna là bậc thánh vô lậu, trước đây đã từng nhiều năm làm thị giả khá chu đáo, hết lòng với đức Đạo Sư! Không biết, tôn giả đứng hầu một bên như vậy mà lại bị đức Đạo Sư quở trách: Hãy đứng sang một bên!? Không biết có nhân, có duyên gì không nhỉ?!”

Đức Phật đọc được tâm ý ấy, ngài mỉm cười:

- Rất đông chư vị thiên thần ở mười phương thế giới tụ hội để chiêm ngưỡng Như Lai. Cho đến mười hai do tuần xung quanh Kusinārā, Upavattana, rừng sālā thuộc dòng họ Mallā, không có một chỗ nào, nhỏ cho đến đầu một sợi tóc, một hạt cải mà không đứng đầy những thiên thần có uy lực tụ họp. Một số chư vị thiên thần ở hướng mà tỳ-khưu Upavāna đang đứng, họ than phiền rằng: “Chúng ta từ rất xa đến chiêm ngưỡng Thế Tôn. Thật là hy hữu, chư vị Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện ở đời; và tối hôm nay, trong canh cuối cùng, Thế Tôn sẽ nhập diệt. Nhưng nay, vị tỳ-khưu có oai lực (vì ngài đã đắc tứ thánh quả) này lại đứng ngang trước Thế Tôn, khiến chúng ta không thể chiêm ngưỡng ngài trong giờ phút cuối cùng”. Đấy là nhân, đấy là duyên, này Ānanda!

- Thế thì hạng chư thiên nào tâm còn phàm tục mà “than phiền” như vậy, thưa Tôn Sư?

- Đấy đúng là hạng chư thiên có tâm tư phàm tục. Và còn có hạng chư thiên ở giữa hư không, ở trên đất còn nhiều phàm tâm hơn thế nữa. Những vị này khóc than, với đầu bù tóc rối, với cánh tay duỗi cao, thân bổ nhoài, lăn lộn qua lại: “Thế Tôn nhập diệt quá sớm, Thiện Thệ nhập diệt quá sớm, vậy là con mắt pháp biến mất giữa thế gian tối tăm này rồi!”

- Có hạng chư thiên nào không than phiền, không khóc than sầu muộn không, thưa Tôn Sư!

- Có chứ, và có rất nhiều! Do những vị này đã làm nhẹ đi, rỗng đi, diệt ba phần, diệt bốn phần vô minh và ái dục – thì họ biết quán như thực tướng: “Các hành là vô thường, làm sao sự kết hợp hữu vi lại có thể khác được!” Họ tự hỏi như vậy, mà thực ra họ đã thấy như vậy.

- Thật là kỳ diệu, bạch đức Tôn Sư!

Ngẫm nghĩ một lát, tôn giả lại thưa:

- Thuở trước, sau mỗi mùa an cư, chư tăng các phương về hầu thăm Thế Tôn. Trong số họ có những vị trưởng lão, đại trưởng lão với công hạnh tu tập vững chắc; vững chắc về trí tuệ, vững chắc về thiền định, vững chắc về tri túc biết đủ, vững chắc về thần thông, vững chắc về trì luật, vững chắc về kinh pháp... Nay Thế Tôn nhập diệt rồi, đệ tử không còn có dịp tiếp dẫn họ, giao du với họ, thân cận với họ để học hỏi, để tôn trọng, để cung kính những đức lớn, tâm lớn, tuệ lớn kia nữa rồi!

- Ông còn đấy, này Ānanda! Ông hãy cung kính, tôn trọng kho tàng kinh pháp ở trong tâm trí, cộng với sở văn, kiến văn của ông do tư duy mà có, chiêm nghiệm mà có, thẩm sát mà có, kia mà!

Tôn giả cúi đầu, lại nói nữa:

- Đấy là thiệt thòi nhỏ, có tính cách cá nhân, còn một thiệt thòi lớn hơn, là cả châu Diêm-phù-đề này, khi Thế Tôn diệt độ rồi, chẳng còn đâu là nơi chốn để chư thiên, nhân loại, tứ chúng cung kính, đảnh lễ, chiêm ngưỡng và cúng dường nữa, bạch Thế Tôn!

- Cũng còn đấy, cũng có đấy, này Ānanda! Là bốn thánh tích còn lại. Chỗ “Như Lai đản sanh” là một thánh tích. Chỗ “Như Lai chứng ngộ dưới cội bồ-đề” là một thánh tích. Chỗ “Như Lai chuyển pháp tại Vườn Nai” là một thánh tích. Chỗ “ Như Lai diệt độ giữa hai gốc cây sālā” này là một thánh tích.

Sau này, những ai trong thời gian đi hành hương chiêm bái bốn thánh tích ấy với tâm thâm tín, với tâm hoan hỷ - mà từ trần, mà trút hơi thở - thì người ấy, vị ấy sẽ được hóa sanh vào cõi thiện thú, cảnh giới chư thiên ngay tức khắc. Đấy không là lợi lạc tối thượng cho chúng sanh hay sao, này Ānanda!

Dường như ngại rằng không còn cơ hội để học hỏi nữa, tôn giả lại thưa tiếp:

- Chúng đệ tử sẽ xử lý thân xá-lợi của đức Tôn Sư như thế nào?

- Các ông đừng có lo lắng, để tâm về xá-lợi của Như Lai! Là một tỳ-khưu, một sa-môn hữu học, mỗi người hãy tự nỗ lực, tinh tấn để tự cứu độ mình, sống không phóng dật, cần mẫn trên con đường giác ngộ, giải thoát - đấy là mục đích cần yếu và tối thượng. Có những học giả sát-đế-lỵ, những học giả bà-la-môn, những học giả gia chủ thâm tín Tam Bảo, những vị này họ sẽ lo chu đáo về thân xá-lợi của Như Lai.

- Thế còn cái kim thân của Thế Tôn hiện giờ đây, chúng đệ tử phải làm sao?

Đức Phật lại phải ân cần giải thích:

- Xử sự thân Chuyển luân Thánh Vương như thế nào thì hãy xử sự thân Như Lai như vậy.

- Vậy “pháp táng thân” của đức Chuyển luân Thánh vương ấy như thế nào, bạch Thế Tôn!

- Theo cổ lệ từ ngàn xưa, thân của Chuyển luân Thánh vương được vấn tròn bằng năm trăm lớp vải quý, vải thơm các loại. Rồi được đặt trong một hòm dầu bằng sắt, hòm sắt này được một hòm sắt khác đậy kín. Một giàn hỏa gồm mọi loại trầm hương được xây dựng lên, thân của đức Chuyển Luân được đem thiêu. Và tại ngã tư đường, bảo tháp của vị ấy được xây dựng lên để tôn trí xá-lợi cho dân chúng lễ bái, cung kính, cúng dường. Đấy là cách “pháp táng thân” của vị Chuyển luân Thánh vương còn lưu lại trong cổ sử.

Vậy, thân của Như Lai cũng nên thực hiện như thế. Và sau này, những ai đem hoa, vòng hoa, trầm hương, các loại hương liệu đến cúng dường, đảnh lễ bảo tháp với tâm thâm tín và hoan hỷ thì những người ấy sẽ được lợi ích, hạnh phúc dài lâu, này Ānanda!

- Thế những ai trên đời này được vinh hạnh xây dựng bảo tháp để cho thế gian cung kính, lễ bái, cúng dường, bạch Thế Tôn!

- Chỉ có bốn hạng người là được phép xây dựng bảo tháp. Phật Chánh Đẳng Giác là một. Phật Độc Giác là hai. Phật Thanh Văn Giác là ba. Đức Chuyển Luân Vương là bốn, này Ānanda!

- Vì lý do gì, nhân gì, duyên gì mà bốn vị ấy được xây dựng bảo tháp còn những vị khác thì không, bạch Thế Tôn?

- Vì họ có công đức lớn với thế gian. Và vì những ai, sau này, cung kính, lễ bái, cúng dường bảo tháp với tâm thâm tín, hoan hỷ thì họ sẽ được an vui, lợi lạc lâu dài. Đấy là nhân, đấy là duyên, này Ānanda!

Hỏi xong những câu hỏi quan trọng về hậu sự của đức Phật, tôn giả Ānanda đi khuất ra phía xa, lặng lẽ khóc, tự nghĩ mà tủi thân: “Ta nay vẫn còn là kẻ hữu học, còn phải tự lo tu tập. Nay bậc Ðạo Sư sắp diệt độ rồi, còn ai trên đời này thương tưởng ta nữa!”

Thấy Ānanda vắng mặt lâu, đức Phật hỏi:

- Ông Ānanda đi đâu, không thấy.

Tôn giả Anuruddha trả lời:

- Vị ấy tủi thân, đang đứng khóc, bạch Tôn Sư.

Đức Phật lại gọi vào rồi dạy:

- Như Lai đã nói tại đền miếu Cāpāla rồi, rằng là “không thể có một sự kiện, một hiện tồn sanh, trú, hữu vi, biến hoại nào mà không diệt mất”. Vậy, buồn rầu, khóc than, bi lụy thì có ích gì đâu, có đi ngược lại được với định luật hữu vi đâu – hãy nói cho Như Lai xem với nào?

- Đệ tử biết nhưng vẫn sầu não!

- Trước sau ông cũng vào dòng Bất Tử thôi, vì công đức của ông quá lớn, nó sẽ huân tụ một năng lực vĩ đại để chuyển ông vào dòng mà!

- Đệ tử tự xét có công đức nào đâu, nội tâm vẫn cứ trào vọt cảm xúc, không tự chủ được.

Đức Phật cất giọng trầm ấm:

- Đã lâu ngày, ông đối với Như Lai, với thân nghiệp đầy lòng từ ái, lợi ích, an lạc, có một không hai; vô lượng với khẩu nghiệp đầy lòng từ ái, lợi ích, an lạc, có một không hai; vô lượng với ý nghiệp đầy lòng từ ái, lợi ích, an lạc, có một không hai. Tác thành được ba công đức lớn lao ấy, sao lại gọi là không có công đức? Thôi đừng tự khiêm nữa! Đừng tủi thân nữa! Hãy cố gắng tinh tấn lên, ông sẽ chứng bậc vô lậu, một thời gian ngắn nữa thôi!

Rồi Thế Tôn lại nói với đại chúng:

- Chư vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác quá khứ hay vị lai - những bậc Thế Tôn ấy đều có những thị giả tối thắng như Ānanda của Như Lai hiện nay vậy.

Sao được gọi là thị giả tối thắng? Vị tỳ-khưu thị giả tối thắng là người có trí và hiểu rõ: Lúc này là đúng thời để vị tỳ-khưu này, vị tỳ-khưu-ni này, vị cận sự nam này, vị cận sự nữ này, vua chúa này, quan đại thần này, gia chủ này, giáo chủ ngoại đạo này... yết kiến Như Lai!

Và ngoài ra, vị tỳ-khưu thị giả như Ānanda còn thu hút tứ chúng bởi khả năng kỳ lạ của mình. Ấy là khi một tỳ-khưu, một tỳ-khưu-ni, một cận sự nam, một cận sự nữ... được diện kiến Ānanda, được nghe Ānanda thuyết pháp - họ đều hết sức mừng vui, hoan hỷ, tươi rạng nét mặt. Nếu gặp được Ānanda, diện kiến Ānanda nhưng Ānanda lặng thinh, không nói gì, và pháp cũng không thuyết thì họ vô cùng buồn bã, nét thất vọng hiện rõ trên từng khuôn mặt. Đấy không là điều kỳ diệu, lạ lùng, hy hữu của vị thị giả tối thắng này hay sao?

Có rất nhiều tiếng cười vui lan nhẹ giữa rừng cây. Và tôn giả Ānanda của chúng ta, nhờ năng lượng mát mẻ, vô phiền xung quanh tác động, nên đã cảm thấy thân tâm thư thái.

Tôn giả quay sang một yêu cầu:

- Thế Tôn chớ có diệt độ tại đô thị nhỏ bé, hoang vu và vắng lạnh này. Có những nơi khác to lớn hơn như Campā (Chiêm-bà), Rājagaha (Vương Xá), Sāvatthi (Xá-vệ), Sāketa (Sa-kỳ), Kosambī (Kiều-thưởng-di), Bārāṇasī (Ba-la-nại) – là những kinh đô, những thành phố đông đúc, phú cường, thạnh mậu. Tại chỗ ấy, có đại chúng sát-đế-lỵ, có đại chúng bà-la-môn, có đại chúng gia chủ rất thâm tín Tam Bảo, các vị này sẽ cúng dường thân xá-lợi Như Lai.

- Chớ có nói như vậy, này Ānanda! Chớ nói rằng đô thị này nhỏ bé, hoang vu, vắng lạnh. Thuở xưa có vị vua tên là Mahā Sudassana (Ðại Thiện Kiến), là một đức Chuyển Luân Vương, là vị pháp vương, trị vì như pháp, thống lãnh bốn thiên hạ, chinh phục, hộ trì quốc dân, đầy đủ bảy báu. Cũng tại đây, tại Kusinārā này là kinh đô của vua Mahā Sudassana, với tên gọi là Kusāvatī (Câu-xá-bà-đề); phía đông và phía tây rộng đến mười hai do tuần, phía bắc và phía nam rộng đến bảy do tuần. Kinh đô Kusāvatī này rất phồn thịnh, phú cường, dân cư đông đúc, dân chúng sung mãn, thực phẩm phong phú – không thua gì thành phố Āḷakāmandā của chư thiên đâu. Suốt ngày, suốt đêm, kinh đô Kusāvatī này, vang dậy chín loại tiếng: Là tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe, tiếng trống lớn, tiếng trống nhỏ, tiếng tỳ bà, tiếng hát, tiếng xập xõa, tiếng chuông. Và tiếng thứ mười là lời mời gọi mọi người, bạn hữu xung quanh: “Hãy uống đi, hãy ăn đi” do ai cũng hào sảng, do ai cũng sung mãn tài lộc ,vật thực!

Nói đến đây, đức Phật thấp giọng xuống:

- Các ông có biết vị vua tên là Mahā Sudassana (Ðại Thiện Kiến) là ai không? Chính ông ta là một tiền thân của Như Lai vậy. Sở dĩ Như Lai chọn diệt độ ở đây, còn để lại một bài học về tồn vong, thịnh suy của hữu vi pháp, của thế gian pháp nữa đó. Một bậc giác ngộ, xuất trần, rốt lại phải kinh qua tất cả, chiêm nghiệm tất cả, và cuối cùng, xả ly tất cả!

Thấy đại chúng yên lặng, có vẻ lãnh hội bài học, đức Phật nói tiếp:

- Này Ānanda! Trời đang sáng trăng, ông và thêm vài vị tỳ-khưu hãy đi vào Kusinārā, thông báo với dân chúng dòng Mallā, nói rằng, đêm nay, vào canh ba, Như Lai sẽ diệt độ tại rừng cây sālā, phía đông, giáp ranh thành phố. Ông chỉ nói thế thôi. Còn mọi việc khác, hãy để dành cho các Vāseṭṭhā!(1)

Không lâu sau, từng đoàn người, từng toán người, với đèn đuốc kéo dài trên những con đường đi về rừng cây sālā. Một số trong họ khóc lóc sầu muộn, tiếc thương với những cảm xúc khó nói nên lời. Một số thì lặng lẽ, trầm mặc nhưng dáng bước đi có vẻ không được tự chủ cảm xúc. Và ai ai cũng muốn đảnh lễ đức Tôn Sư lần cuối.

Tôn giả Ānanda tự nghĩ: “Nếu ta để dân Mallā ở Kusinārā đảnh lễ Thế Tôn từng người một, thì suốt đêm cũng không xong. Ta nên để cho họ đảnh lễ theo từng gia tộc”.

Và quả vậy, theo cách sắp xếp ấy, chừng đầu canh hai, mọi người đã thỏa nguyện. Sau đó, lác đác có ít người về còn đa phần thì ở lại, họ ngồi đầy những nơi có thể ngồi được.

Tuy nhiên, đêm ấy vẫn có một du sĩ ngoại đạo từ xa, tên là Subhadda cứ khăng khăng muốn gặp đức Phật cho bằng được. Sợ đức Phật mệt, tôn giả Ānanda nói nhỏ mọi người tìm cách ngăn cản.

Đọc thấy tâm ý của Subhadda là thành khẩn, đức Phật bảo cho ông ta vào. Và câu hỏi của Subhadda là như sau:

- Bạch Thế Tôn! Hiện tại trên toàn cõi châu Diêm-phù-đề này, có sáu giáo phái, sáu vị giáo chủ nổi danh cùng đệ tử của họ đang hoằng hóa, giảng nói khắp nơi. Họ là những vị hội chủ, giáo trưởng, sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng, ngưỡng mộ như các ngài Pūraṇa Kassapa, Makkhali Gosāla, Ajita Kesakambalī, Pakudha Kaccāyana, Nigaṇṭha Nātaputta và Sañjaya Belaṭṭhiputta. Tôi muốn hỏi Thế Tôn, là trong các vị ấy, ai là người đạt đạo, ai là người đã giác ngộ như các vị đã tự cho như vậy; hay một số họ đã giác ngộ, đạt A-la-hán quả còn số khác thì chưa?

Đức Phật nói: 

- Thôi này Subhadda! Hãy để vấn đề ấy sang một bên vì chúng thật vô ích và phù phiếm. Nếu ông có biết rõ điều ấy, thì phiền não, khổ đau ở trong ông vẫn không giải quyết được, có phải vậy không?

- Bạch, đúng như thế!

- Bây giờ ông hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ những điều Như Lai sắp nói đây! Những điều đơn giản thôi, nhưng nó là trọng tâm của con đường thoát khổ.

- Tâu vâng!

Khi biết ông du sĩ đã sẵn sàng, đức Phật nói đến những pháp căn bản nhất mà cũng rốt ráo nhất. Ngài không thuyết giảng cao xa, dài dòng mà chỉ nói vắn tắt, giản đơn. Ngài không nhắc đến khổ đế, tập đế, diệt đế mà chỉ nói đạo đế là con đường diệt tận khổ đau phiền não - đấy là bát chánh đạo. Ngài nói rằng, trong pháp và luật nào không có bát chánh đạo là không có đệ nhất sa-môn, đệ nhị sa-môn, đệ tam sa-môn, đệ tứ sa-môn. Ngược lại, pháp và luật nào có bát chánh đạo, có người thực hành bát chánh đạo, có người thành tựu bát chánh đạo thì bốn loại sa-môn kia thật không kể xiết, không thể đếm hết được. Và ông nên lưu ý rằng, sáu giáo phái, sáu giáo chủ mà ông vừa kể tên, trong hệ thống tư tưởng của họ, pháp và luật của họ, không hề có bát chánh đạo, không biết gì về bát chánh đạo. Vậy thì chứng đắc, giác ngộ, giải thoát, quả vị A-la-hán có hay không thì ông có thể tự trả lời được rồi đấy!

Như một tấm vải trắng dễ nhuộm màu, thời pháp ngắn gọn của đức Phật đã thấm nhuận tức khắc vào tâm trí Subhadda. Vui mừng xiết bao, hoan hỷ xiết bao khi ông đã thấy được con đường, ông bèn quỳ gập xuống xin nhận đức Phật làm Đạo Sư. Và ông lại còn muốn xuất gia nữa.

Đức Phật nói:

- Trước kia, ông sống và tu với ngoại đạo. Theo pháp và luật của Như Lai – thì trường hợp của ông, muốn xuất gia, muốn thọ đại giới thì phải sống biệt trú bốn tháng, sau đó mới được tăng-già xem xét.

- Đệ tử sẵn sàng biệt trú bốn năm, bạch Thế Tôn!

- Thế là tốt! Bây giờ ông đã là cư sĩ áo trắng của Như Lai rồi đó.(1)

Du sĩ Subhadda này được xem là đệ tử cuối cùng của đức Phật vậy.

Trong không gian và cả núi rừng đều yên lặng, sau câu chuyện của Subhadda, đức Phật nhìn trời nói:

- Bây giờ đã sang canh ba, Như Lai sắp ra đi rồi đấy. Vậy trong chúng tỳ-khưu có ai muốn hỏi gì không? Có thắc mắc gì, có vấn nghi gì về pháp và luật thì đây là lúc nên đem ra hỏi nhất.

Thấy ai ai cũng im lặng, ngài nói tiếp:

- Nếu ai đó ngại ngùng không dám hỏi thẳng Như Lai thì có thể nhờ bạn đồng phạm hạnh hỏi hộ? Nếu không hỏi thì sau này đừng có hối hận. Và nếu không hỏi thì sau này đừng than van rằng: Ôi, ta không còn đạo sư, ta không còn được nghe lời giáo huấn của đạo sư nữa!

Cả rừng người thảy đều yên lặng.

Đức Phật lại nói:

- Pháp và luật - Như Lai đã trăm phương ngàn cách khéo giảng, khéo thuyết. Như Lai cũng đã vận dụng thiện xảo thuyết ngôn, trình bày, phân tích chi ly, cặn kẽ. Mai này, pháp và luật ấy là thầy của các ông, là đạo sư của các ông đó! 

Thấy sự yên lặng kỳ lạ của chúng tỳ-khưu, tôn giả Ānanda thốt lên:

- Thật kỳ diệu và hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Đệ tử tin rằng trong chúng tỳ-khưu này, không có ai nghi ngờ, phân vân, thắc mắc gì về pháp và luật; cũng không có ai nghi ngờ, phân vân, thắc mắc gì về đức Phật, đức Pháp, đức Tăng cả.

Đức Phật gật đầu, mỉm cười:

- Ông nói đúng! Ông và cả đại chúng có niềm tin như vậy là đúng. Ông và đại chúng không phân vân, nghi ngờ, thắc mắc gì là đúng. Tại sao vậy? Vì Như Lai vừa hướng tâm, và vừa thấy biết rõ ràng, cả mấy trăm vị tỳ-khưu hôm nay, tại rừng sālā hoa nở ngạt ngào hương này, người thấp nhất thì cũng đã đi vào dòng, chắc chắn không còn rơi vào bốn đường khổ, và trong mai hậu, năm bảy kiếp sau, sẽ đặt bàn chân trên đỉnh đồi cao của giải thoát và tự do.

Nói đến ngang đây, đức Phật sửa lại dáng nằm sư tử, tay phải làm gối kê cao hơn một chút, thoảng giọng lời rất nhẹ:

- Này Ānanda! Ông còn sống bốn mươi năm nữa trong giáo hội, vậy sau này, nếu xét thấy có những giới điều nào xem ra là quá tiểu tiết, nhỏ nhặt thì tăng-già có thể bỏ bớt đi, không ảnh hưởng đến định và tuệ giải thoát đâu.

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn!

- Còn nữa, hãy ghi nhớ cho kỹ, đây là lời nhắn gởi, khuyên nhủ đến hàng hậu học sa-môn: “Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật”.

Ðó là lời cuối cùng của đức Đạo Sư.

Rồi Thế Tôn chánh niệm, an trú hơi thở, tức khắc đi vào sơ thiền. Xuất sơ thiền, vào nhị thiền. Xuất nhị thiền, vào tam thiền. Xuất tam thiền, vào tứ thiền. Xuất tứ thiền, vào định không vô biên xứ. Xuất không vô biên xứ, vào định thức vô biên xứ. Xuất thức vô biên xứ, vào định vô sở hữu xứ. Xuất vô sở hữu xứ, vào định phi tưởng phi phi tưởng xứ. Xuất phi tưởng phi phi tưởng xứ, vào diệt thọ tưởng định...

Tôn giả Ānanda chăm chú quan sát, đến ngang đây, tôn giả nói với tôn giả Anuruddha:

- Thế Tôn đã diệt độ rồi, thưa tôn giả.

- Chưa! Thế Tôn chưa diệt độ. Ngài mới đi vào diệt thọ tưởng định thôi, này hiền giả!

Rồi đức Phật xuất diệt thọ tưởng định, xuống phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Xuất phi tưởng phi phi tưởng xứ, xuống vô sở hữu xứ định. Xuất vô sở hữu xứ, xuống thức vô biên xứ định. Xuất thức vô biên xứ, xuống hư không vô biên xứ định. Xuất hư không vô biên xứ, xuống định tứ thiền. Xuất tứ thiền, xuống định tam thiền. Xuất tam thiền, xuống định nhị thiền. Xuất nhị thiền, xuống định sơ thiền. Xuất sơ thiền, lên định nhị thiền. Xuất nhị thiền, lên định tam thiền. Xuất tam thiền, lên định tứ thiền. Từ trong tứ thiền thâm sâu tịch mặc, không thấy một dấu hiệu gì, như một làn gió nhẹ đi qua, biệt tăm, ngài đi vào vô dư y, tịch diệt Niết-bàn.

Ngay giây khắc ấy, đại địa chấn động, rung động, sấm trời chớp giật điện quang, hoa sālā bỗng dưng rơi rụng đầy đất, đầy rừng. Chư vị tỳ-khưu đa văn đã được nghe giảng nói, rằng là, đây là điềm báo triệu khi một đức Chánh Đẳng Giác ra đi, là một trong tám nhân, tám duyên, là hiện tượng tự nhiên liên hệ với định luật tâm, định luật pháp.

Thấy biết như thế nào thì mặc dầu, nhưng khi bậc Đại Giác chợt nhiên vắng bóng trên thế gian, có người bàng hoàng, ngơ ngác, có người an tĩnh, điềm nhiên cũng là lẽ thường.

Đại phạm thiên Sahampati có vẻ thấy rõ sự thật khi thốt lên bài kệ:“Chúng sanh ở trên đời. Từ bỏ thân ngũ uẩn. Bậc Đạo Sư cũng vậy. Ðấng Tuyệt Luân trên đời. Bậc Ðại Hùng Giác Ngộ. Như Lai đã diệt độ”.

Còn thiên chủ Sakka, là môt thánh đệ tử:“Các hành là vô thường. Có sanh phải có diệt. Ðã sanh, chúng phải diệt. Nhiếp chúng là an lạc”.

Tôn giả Anuruddha là bậc thánh vô lậu:“Không phải thở ra vào. Chính tâm trú chánh định. Không tham ái tịch tịnh. Sa-môn hướng diệt độ. Chính tâm tịnh bất động. Nhẫn chịu mọi cảm thọ. Như đèn sáng bị tắt. Tâm giải thoát hoàn toàn”.

Tôn giả Ānanda do chỉ mới vào dòng:“Thật kinh khủng bàng hoàng. Thật râu tóc dựng ngược. Khi bậc Thiện Toàn Năng. Bậc Giác Ngộ nhập diệt”.

Thế là cả rừng cây sālā, người, gió, cành lá... chợt trở nên lao xao không còn yên tĩnh nữa. Dù nhiều vị tỳ-khưu đã Nhập Lưu rồi nhưng vẫn tuôn trào cảm xúc, không làm chủ được mình. Có vị la to lên, hét to lên ai cũng nghe: “Mặt trời mặt trăng tắt rồi. Con mắt thế gian tối đen rồi!” Có vị lặng lẽ sụt sùi, lẩm bẩm: “Hai vị thượng thủ ra đi, bây giờ lại thêm Tôn Sư ra đi nữa, có sự trống vắng thê lương nào hơn hoàn cảnh hiện nay chứ! Ôi! buồn quá!”

Tôn giả Anuruddha thấy khu rừng như nhuốm màu tang tóc, ngài đứng lên, nói giọng lớn, khuyên nhủ mọi người:

- Thôi, chư hiền giả cùng cận sự hai hàng! Chư vị chớ có sầu não, chớ có khóc than nữa. Phải chăng chư vị không biết, nghe lời dạy bảo của đức Thế Tôn? Và câu nói cuối cùng của đức Đạo Sư là gì? Là “Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật”. Chư hiền giả có còn nhớ không?

Đại chúng nghe lời, quan cảnh yên lặng và trang nghiêm trở lại. Tôn giả Anuruddha đã quen với công việc trong cuộc ra đi vĩ đại của tôn giả Sāriputta nên cắt đặt ngay phận sự cho các vị trưởng lão:

- Tôn giả Upāli và tôi sẽ thay nhau thuyết pháp cho đại chúng để giữ sự thanh tịnh và trang nghiêm bên kim thân của đức Đạo Sư. Chư tôn giả Ānanda, Upavāna, Mahā Cunda thì hãy đi vào thành Kusinārā, thông báo rộng rãi cho các tộc Mallā là đức Thế Tôn đã tịch diệt Niết-bàn. Cứ thông báo vậy thôi là các Vāseṭṭhā họ tự biết phải làm những gì.

Rồi sự việc diễn tiến, thời gian như ngưng lại. Trời đã sáng. Trong không gian tĩnh lắng và rừng cây sālā trầm mặc chỉ còn nghe vọng pháp âm của nhị vị tôn giả như những hồi chuông tỉnh thức cho kẻ ở lại thấy rõ định luật như thực của lẽ sống chết, tụ tan, sinh diệt của hữu vi pháp. Ngàn xưa cũng vậy và ngàn sau cũng vậy. Và đấng Siêu Việt ra đi, đã khéo xuất ly, như làn khói ngang trời mất tích giữa không gian vô tận; như cánh gió qua rừng cây, tan vào non xanh, không hề lưu dấu. Vô hành, vô trú, vô vi, vô tạo tác chính là chỗ về, là nơi an nghỉ tuyệt đối của các bậc xuất trần đã làm xong mọi bổn phận tại thế. Vô ngôn, vô đối, vô khả tỷ.



(1)Kinh điển dịch âm là hoa Mạn-thù hay hoa Mạn-đà-la.

(1)Tên gọi chung của tộc người Mallā của Kusinarā, cũng gọi Mallā của Pāvā.

(1)Sau này, đúng bốn năm, tôn giả Ānanda cho ông thọ đại giới, và nhờ tu tập, nhờ tinh cần, nhờ hướng tâm đúng, ông đắc quả vị A-la-hán.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/01/2020(Xem: 6388)
Cuộc Triển lãm Kinh sách Phật giáo hai nghìn năm tuổi tại Thư viện Anh Quốc, khai trương vào ngày (25 tháng 10 – 23 tháng 02 năm 2020), sẽ khám phá nguồn gốc, triết lý và sự phù hợp đương đại của Phật giáo từ khi bắt đầu phía bắc Ấn Độ vào thế kỷ thứ 6 trước Tây lịch để có hơn 500 triệu Phật tử trên khắp thế giới ngày nay.
01/08/2018(Xem: 12677)
Một kỷ nguyên mới canh tân kỹ thuật đang lan tràn khắp thế giới và đang tiến đến trưởng thành, đó là mạng lưới thông tin toàn cầu internet (world wide web), một hệ thống truyền thông và môi trường học có sức mạnh. Không nên xem Internet chỉ là một phương tiện mới để truyền bá Giáo Pháp với một hình thức mới, mà Internet còn có tiềm năng là một căn cứ cho một cộng đồng Phật Giáo trên mạng (online) cống hiến những giá trị xã hội và tâm linh cho mọi người.
01/01/2018(Xem: 42167)
Đại Bảo tháp Phật giáo cổ xưa Nelakondapalli ở huyện Khammam đang ở giai đoạn cuối của việc tu sửa. Với kinh phí khoảng 6 triệu Rupee, Cục Khảo cổ học và Bảo tàng đã thực hiện công việc để Đại Bảo tháp khôi phục lại vinh quang ban đầu và để bảo tồn kiến trúc cổ xưa này cho hậu thế. Di tích Phật giáo này, tọa lạc cách thị trấn Khammam khoảng 22 km, là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng nhất của bang Andhra Pradesh. Đại Bảo tháp đồ sộ, vốn đã tồn tại qua nhiều thế kỷ của sự hao mòn, đang được tu sửa sau khi cư dân và các sử gia địa phương nhiều lần cầu xin để bảo tồn di tích lịch sử có tầm quan trọng lớn lao về khảo cổ học này. Cục khảo cổ học cho biết loại gạch đặc biệt được đặt làm cũng như các vật chất kết nối tự nhiên đã được sử dụng để tăng cường cho cấu trúc của Đại Bảo tháp. (bignewsnetwork – April 18, 2015)
20/04/2017(Xem: 7456)
Với tôi, tiếng Nhật là ngoại ngữ thứ 3 mà tôi phải học (sau tiếng Anh và tiếng Pháp) vào năm 1972 khi tôi mới đến Nhật. Lúc ấy hầu như tôi không biết một tiếng Nhật nào cả. Là một Tăng Sĩ của Phật Giáo Việt Nam, năm 1971 sau khi học xong Trung Học Đệ Nhị cấp tại Việt Nam, vì thích đi du học tại Nhật Bản nên tôi liền đến Tòa Đại Sứ của Nhật tại miền Nam Việt Nam để tìm hiểu và nộp đơn xin du học. Kết quả là vào ngày 22 tháng 2 năm 1972 tôi đã đến Nhật.
21/12/2015(Xem: 8226)
Mùa hạ năm Ất Mùi – 2015, khi đến dự hội nghị giảng sư của học viện, Thượng tọa tổng thư ký TW Giáo hội Phật Giáo Việt Nam giao cho chúng con nhiệm vụ liên lạc với ban tổ chức Diễn đàn Quốc Tế Sùng Thánh – 2015 để chuẩn bị cho phái đoàn của học viện tham dự diễn đàn. Từ hội nghị Hội đồng trị sự TW ở Sài Gòn, Thượng tọa tổng thư ký gọi điện về báo chốt danh sách thành viên phái đoàn để chính thức báo cho ban tổ chức diễn đàn làm thiệp thỉnh. Sau khi dự hội nghị Hội đồng trị sự trung ương trở về, Hòa thượng viện trưởng lại giao cho chúng con thêm một công việc lớn là xây dựng chương trình, liên lạc, bố trí sắp đặt để sau khi tham dự diễn đàn kết thúc, phái đoàn sẽ thực hiện chương trình tìm về tổ đình nơi Sơ tổ Thiền phái Tào Động Việt Nam đã cầu đạo và đắc pháp.
28/08/2010(Xem: 61196)
Quyển 6 • Buổi Pháp Thoại Trên Đỉnh Cao Linh Thứu (Gijjhakūṭa) • Ruộng Phước • Tuệ Phân Tích Của Tôn Giả Sāriputta • MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI CHÍN (Năm 569 trước TL)- Mỹ Nhân Giá Mấy Xu? • Chuyện Cô Sirimā • Móc Cho Con Mắt Đẹp • Ngạ Quỷ Mình Trăn • Cùng Một Nguyên Lý • “Hớt” Phước Của Người Nghèo! • Ghi chú đặc biệt về hạ thứ 19: • MÙA AN CƯ THỨ HAI MƯƠI (Năm 568 trước TL)-Phước Cho Quả Hiện Tại • Bảy Thánh Sản • Chuyện Kể Về Cõi Trời • Hóa Độ Gia Đình Thợ Săn • Nhân Duyên Quá Khứ
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]