Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Gửi người Bố yêu!

21/08/202419:38(Xem: 888)
Gửi người Bố yêu!

bo me hoa lan (1)
Gửi người Bố yêu!

Hoa Lan

 

 

                                             

 

Đoản văn này tôi viết để tặng riêng cho người Bố yêu quý của tôi, người mà tôi chưa từng nhớ mặt nhưng chắc chắn đã gọi tiếng bố đầu đời. Bố tôi mất quá sớm, khi mới tròn hai mươi bảy tuổi đời và con thơ đang cầm bầu sữa chập chững biết đi, nên tôi không giữ được một hình ảnh nào của bố tôi trong trí óc. 

 

Nhưng kỷ niệm về Bố do mẹ tôi kể lại thì nhiều vô số kể, cộng thêm óc tưởng tượng của một con bé chưa từng được thấy mặt bố, tủi thân đến như thế nào? 

 

Bố tôi quê ở Thái Bình, thuộc làng Thượng Tầm, huyện Ngọc Châu, nơi thiên hạ hay đùa gọi là Thái Lọ và không nói được chữ "tr", khi bị bắt phải đọc câu:

 

Con trâu trắng bên bờ tre trụi. 

Ăn no tròn như cái trống treo.

 

Đấy là người nhà quê thôi, chứ được đi học ai lại nói ngọng bao giờ! 

 

Bố tôi có bốn anh chị em, mỗi người cách nhau đúng bốn tuổi. Bà chị cả và cô em út đã được gả chồng từ lâu, người cùng làng cùng tỉnh để khỏi hát câu: "Má ơi đừng gả con xa...". Do đó bà nội tôi chỉ tập trung vào hai cậu con trai là bác tôi và bố tôi, lo cho ăn học thành tài. 

Vai trò của ông nội tôi trong việc dạy dỗ hai cậu quý tử, không được nhắc tới! Chỉ nghe bà nội tôi than phiền, ông chỉ thích đi đánh tổ tôm và sóc đĩa. Hôm nào thua bạc lại về đòi tiền, có hôm lấy trộm cả con lợn béo dành cho ngày Tết của gia đình đem đi bán. Tuy nhiên ông nội tôi cũng là người có học chữ Tây và có chức sắc trong làng, chẳng thế sao ông lại bị Việt Minh nửa đêm vào nhà gõ cửa dẫn đi với tội danh làm Thông ngôn cho Tây và một đi không trở lại.

 

Nhờ thừa hưởng “gen” học hành của tổ tiên để lại, bố tôi học rất nhanh và thi đâu đậu đấy một mạch đến bằng Tú tài. Thời ấy được gọi là ông Tú cũng hiển hách lắm! Nhưng làm trai thời tao loạn, làm sao bố tôi chịu ngồi yên khi cả tỉnh Thái Bình chìm sâu vào cảnh "Tiêu thổ kháng chiến". Bốn chữ này tôi nghe được từ miệng bác tôi, khi ông cầm cái chầy thật to đập nát cái bể xi-măng đựng nước sau nhà ở Nha Trang để xây bể mới, vừa đập ông vừa lẩm bẩm:

 

-   Cả tỉnh Thái Bình ông còn đập nát huống chi là cái bể cỏn con này!

 

Tôi nghe xong sợ quá, không biết bác mình nói gì bèn gặn hỏi và được câu trả lời:

-  Thì lệnh Tiêu thổ kháng chiến, phá tan các làng xóm chứ còn gì nữa!

 

Vào những năm 1947, khi bố tôi vừa tròn mười chín đôi mươi, cuộc chiến giữa hai phe Quốc Cộng đã bắt đầu quyết liệt. Quốc đây đại diện cho chính quyền bảo hộ của vua Bảo Đại, nội cái tên bảo hộ thôi cũng biết là một chính phủ bù nhìn của mẫu quốc, dân gian hay gọi là Thực dân Pháp. Cộng đây là Việt Minh, lính của Cụ Hồ, mà dân gian có người không ưa đã gọi là "Cáo Già". 

 

Dưới chiêu bài "Toàn dân kháng chiến chống Pháp", Cụ Hồ đã chiêu dụ khá nhiều trai trẻ bỏ thành phố vào bưng đi kháng chiến, trong đó có bác và bố tôi. Họ đã tham gia chiến dịch "Tiêu thổ kháng chiến" ngay tại nơi sinh quán của mình, phá tan tành cái tỉnh Thái Bình theo mệnh lệnh của một thế lực vô hình nào đó? 

Chỉ thời gian ngắn sau, họ đã tỉnh ngộ trước những cảnh tượng khủng bố, giết người thủ tiêu không gớm tay của Việt Minh. Cộng thêm thù nhà, bố đã bị Việt Minh bắt đi thủ tiêu, nên cả hai anh em đã đi đầu quân vào các trường huấn luyện Sĩ quan của chính phủ Quốc gia Việt Nam.

 

Bố tôi vào trường Võ bị Liên quân Đà Lạt với khóa 3 Trần Hưng Đạo năm 1950. Ông được đào tạo thành chỉ huy cấp sĩ quan Trung đội trưởng, nên đánh trận rất hay được lên lon vù vù. Mẹ tôi kể, mỗi lần về phép thăm nhà, bố tôi hay giục vợ sửa soạn đi mua lon mới vì sắp được lên chức. Cuộc đời bố tôi ngắn lắm, nếu cứ kể tiếp như thường tình, thay lon lên chức vài ba lần là đến tin tử trận ngay, tôi còn gì để viết nữa! 

 

Thôi, để hoài niệm về Ông! Tôi sẽ kể lại những gì người thân và bạn bè của Ông thương tiếc về một con người rộng lượng, tài hoa lẫn đào hoa nhưng chết trẻ. Ai cũng tiếc thương! 

Nhưng ai sẽ là người đau đớn nhất sau cái chết của Ông? Tính ra đến hai nhân vật yêu thương Ông nhất, đó là bà nội và mẹ của tôi. Không thể phân biệt cân đo tình cảm của hai người đối với bố tôi, chỉ biết rằng sự ra đi đột ngột của ông đã đem đến cho họ một sự mất mát đến cùng cực. Mẹ tôi chỉ muốn đâm đầu vào xe điện đang chạy ở Hà Thành, nhưng tôi là động cơ duy nhất khiến bà bỏ ngay ý định điên rồ ấy! 

Còn bà nội tôi cả ngày chỉ ngồi khóc lóc kêu gào: "Ối giời ơi là giời! Giời cao đất dầy ơi! Sao tôi khổ thế này? Tuyến ơi là Tuyến!... Sao con nỡ bỏ mẹ ra đi sớm thế! Làm sao mẹ sống nổi nữa đây!". Mẹ tôi đang não ruột cũng phải khuyên giải cho Cụ bớt gào. Kể đến đoạn này, mẹ tôi cũng phải bật cười cho tình cảnh bi đát của ngày xưa, cười ra nước mắt đấy mà!

 

Mẹ tôi kể về tính hào phóng với bạn bè, thuộc hạ cấp dưới của bố tôi là vô bờ bến. Vừa lãnh lương ra, phần nào đưa cho vợ, phần nào biếu mẹ đã rạch ròi, còn riêng phần mình bỏ túi thì chỉ vài ngày chưa nóng túi đã hết sạch. Chỉ cần vài anh Hạ sĩ quan nào đó đến gãi đầu gãi tai năn nỉ:

-  Thưa Sếp! Vợ em mới đẻ! Túng quá! Sếp cho em mượn vài trăm gửi về quê, cuối tháng lãnh lương em trả!

 

Nói thế ai chẳng móc ví ra cho mượn, nhưng cuối tháng lương cậu ta đã bị khấu đầu trừ đuôi từ những chỗ khác hết cả rồi, làm sao bố tôi nỡ đòi! 

 

Còn những chuyện xin tiền lẻ ngoài đường phố thì đầy ra đấy! Cũng do mẹ tôi kể lại, hôm ấy nghỉ phép về dạo chơi Hà Thành, bố tôi gặp một chàng thanh niên ăn mặc bảnh bao với bộ com-lê tạm gọi là sang trọng, đến vỗ vai năn nỉ xin tiền:

-   Đại Úy có tiền lẻ cho em xin ít chục, đói quá Đại Úy ơi! 

Chắc anh chàng nhìn chiếc lon trên cầu vai của bộ quân phục bố tôi mặc trên người nên gọi đúng chức vụ. 

 

Bố tôi ngắm anh ta từ đầu đến chân rồi cười bảo:

-   Anh xem bộ đồ vét anh đang mặc trên người còn sang trọng gấp mấy quần áo của tôi, vậy sao lại xin tiền tôi! 

 

Anh chàng liền phanh chiếc áo vét ra, để lộ cái áo sơ mi bên trong rách bươm như sơ mướp:

-   Ông anh xem đấy! Em là dân Hà Nội phải giữ thể diện khi ra đường, giấy rách phải giữ lấy lề anh ạ!

 

Thế mà bố tôi cũng động tâm trước cơn đói của anh chàng hay giữ thể diện và móc ví cho anh tiền để tờ giấy rách ấy còn giữ được bản lề. Chắc bố tôi vừa sống sót qua trận đói năm Ất Dậu 1945 tại Thái Bình, nên nghe đến chữ đói là động tâm. 

 

Sang đến chuyện tình diễm lệ giữa bố tôi và mẹ tôi, có rất nhiều điều thú vị để viết. Họ hay hẹn hò nhau đi dạo Hồ Tây tại Hà Thành, đi qua các hàng liễu rũ dọc hai bên bờ hồ đầy thơ mộng, gặp hàng quán bên hồ sà vào gọi một đĩa Bánh Tôm Hồ Tây, gọi một đĩa bánh xơi hết cả rổ rau. Mẹ tôi rất tâm đắc về điểm này, nên kể lại cho tôi nghe đến chục lần không biết chán!

 

Bố tôi khá điển trai, mặt vuông chữ điền rất nam tính lại thể thao đá banh trong đội tuyển. Ông hay gửi ảnh mặc quần áo thể thao ngồi trên trái banh trước khi ra sân, tặng mẹ tôi với dòng chữ: "Tặng Lan". Đến khi tôi chào đời, ông nghỉ phép về thăm tôi và đặt cho tôi cái tên "Lan Hương" nghĩa là Hương của em Lan yêu quý của ông!

 

         
bo me hoa lan (2)
          -  1952 -   
bo me hoa lan (3)     
- 1953 -
 

Cuộc đời làm vợ của mẹ tôi chỉ vỏn vẹn được hai năm, nhưng bà bảo, gần chồng chỉ khoảng một tháng là tối đa, vì bố tôi đi đánh trận rất xa lâu lâu mới về phép thăm nhà. Trận cuối cùng rất nổi tiếng, đánh dấu cho một hiệp ước đình chiến ký kết tại Genève năm 1954, chia đôi đất nước lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới Bắc Nam. Đó là trận đánh Điện Biên Phủ mà bên thắng cuộc đã ăn mừng reo hò với bài "Hò kéo pháo" vẻ vang. Sư đoàn của Bố tôi bị pháo kích vỡ tan tại thung lũng tử thần của địa danh Điện Biên Phủ. Xác của Ông được đưa về bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội để chờ ngày tẩm liệm.

Theo hình ảnh đám tang mẹ tôi còn giữ lại, một đám tang theo nghi thức quân đội thật to lớn và vĩ đại tràn ngập các vòng hoa phúng điếu và các xe nhà binh chở đầy lính tráng đi tiễn đưa người chỉ huy đến nơi an nghỉ cuối cùng với lá cờ vàng phủ lên nắp quan tài.

Bố tôi lúc sống rất yên hùng và cả khi chết cũng rất oai hùng!

 

 

              

bo me hoa lan (4)
-  1954 - 

bo me hoa lan (5)
-  1954 -

 

Sau đám tang của bố tôi, cả nhà đang hoang mang trong tình huống mới, đi hay ở? Mẹ tôi không muốn để ông bà ngoại tôi ở lại miền Bắc, vì đã rõ bộ mặt tàn ác hay thủ tiêu người của chế độ Cộng sản. Trong nhà hai họ đã có biết bao nhiêu người bị thủ tiêu rồi. 

Mẹ tôi chạy về Hải Dương khuyên nhủ ông bà ngoại nên di cư, nhưng ông còn tiếc mấy căn nhà để lại cho mỗi đứa con một cái và một đống tiền giấy chất đầy cả bao tải sắp phải đốt, sắp trở thành giấy lộn. 

Đang dùng dằng nửa ở nửa đi như thế, bác tôi được giải ngũ trở về thúc giục mọi người:

-   Mau mau sắp xếp quần áo, ngày mai có xe jeep đến đón đi Hải Phòng. Ông đã bảo rồi, ở lại là chúng thịt hết cả nhà đấy! 

Trên chiếc Tầu há Mồm di cư vào Nam, dòng họ nhà tôi chỉ vỏn vẹn có năm người, chia thành hai gia đình nhỏ, hai mẹ con tôi một hộ, bà nội và bác tôi với cậu con trai một hộ. 

Mẹ tôi kể, cuộc hành trình di cư từ cảng Hải Phòng đến Nha Trang chẳng mấy xa, cũng tốn đến ba ngày ba đêm lênh đênh trên biển. Dân di cư chen chúc nhau cả ngàn người trên khoang tàu, say sóng nôn mửa đến phát khiếp!


bo me hoa lan (6)
Chiếc Tàu “Há Mồm” chở người di cư năm 1954.

Ông quan Tây nào cởi giày nhà binh ra leo lên giường ngủ, sáng dậy chỉ có nước chửi thề vì kẻ nào gian ác đã dám nôn mửa vào đôi giày. Bác tôi thuộc diện sĩ quan nên cũng xin được một cabin cho gia đình, chuyến vượt biển đầu đời của tôi diễn ra trong bình yên và tốt đẹp. Tuy mọi người vẫn than phiền rằng tôi hay khóc dạ đề khiến thiên hạ mất ngủ! Và tôi có thể đổi lời bài hát Nỗi lòng người đi của nhạc sĩ Anh Bằng: “Tôi xa Hà Nội năm tôi một tuổi khi vừa biết đi…“.

Đến giờ tôi vẫn chưa hiểu rõ tại sao gia đình tôi lại chọn Nha Trang làm đất dung thân chứ không phải Sài Gòn? Trong khi các bà chị họ của mẹ tôi tất cả đều định cư ở Sài Gòn. Muộn rồi! Đâu còn ai để hỏi nữa đây? 

Thuở ấy, đất đai ở Nha Trang rẻ lắm, đất rộng người thưa lại thêm câu vè "Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận", nên cái đám người di cư này tha hồ xây nhà đuổi cọp về rừng. 

Nhà tôi nằm trên một con đường định mệnh về chính trị, cứ mỗi thời đại đổi thay là bị đổi tên đường. Lúc năm 54 đường có tên Ngô Đình Khôi, một nhà cách mạng bố của một Cụ Lớn. Sau năm 63 đường đã thay tên là Nguyễn Tường Tam, một nhà cách mạng Quốc Dân Đảng hay nhà văn lớn trong Tự Lực Văn Đoàn. Sau 75 đường phải thay tên, lần này là tên một ông quan anh hùng dám chỉ mặt quân thù nói câu bất hủ: "Ta thà làm quỷ nước Nam, còn hơn làm vua đất Bắc", Trần Bình Trọng. Hy vọng cái tên đường này sẽ ở lại vĩnh viễn. 

Mẹ tôi được ưu tiên vào làm thơ ký cho Sở Tạo Tác gần ga xe lửa của thành phố Nha Trang, sáng xách ô đi tối xách về, cuộc sống của ba thế hệ chúng tôi rất hài hòa và hạnh phúc. Mẹ tôi xem mẹ chồng như mẹ ruột, bà nội tôi đóng vai người mẹ chăm sóc nuông chiều tôi, còn mẹ tôi đóng vai bố thật là nghiêm khắc. Bà hay đem ca dao tục ngữ ra để răn dạy như:

"Nuôi con chẳng biết dậy răn.

Thà rằng nuôi lợn béo lăn lấy tiền", hay "Bé không vin cả, lớn gẫy cành".

Ra vào phải đi thưa về trình rất quy tắc. 

 

                      


bo me hoa lan (7)
- 1952 - 

bo me hoa lan (8)
            - 1960 -         

   

 

Chẳng là lúc bé tôi hay nghịch ngợm leo trèo, đúng như câu phán của bà nội tôi: "Bà mụ nặn lầm ra con bé này rồi! Phải chi ra thằng cu thì đúng hơn". Phải rồi các cụ chỉ mong tôi là con trai để nối dõi tông đường và để mẹ tôi có chỗ nương tựa tuổi già không phải đi thêm bước nữa. Ai lại ở chung với con rể bao giờ! 

Thế mà mẹ tôi vẫn thủ tiết thờ chồng, nuôi dạy con gái cho nên người cho đúng với câu khấn Bà thường suýt xoa van vái trước bàn thờ bố tôi trong những lần giỗ Tết: "Anh có sống khôn chết thiêng, về phù hộ cho con bé được khỏe mạnh, ăn no chóng lớn. Em hứa sẽ nuôi con ăn học thành tài để anh được ngậm cười nơi chín suối".

Cũng vì lời hứa này mà mẹ tôi đã từ chối không biết bao lời cầu hôn của các chàng hay trồng cây si trước nhà.

 

Rồi ngày hạnh phúc nhất đời của Bà cũng đến, cái ngày tôi được học bổng Quốc Gia cho đi du học sang Đức với ngành Hóa học thực phẩm. Hàng xóm láng giềng cản ngăn, khuyên mẹ tôi nên chọn rể hiền chứ một mẹ một con như thế sao để đi xa. Nhưng mẹ tôi vẫn nhất quyết lo cho tương lai của cô con gái, ở nhà gả chồng rồi lại góa bụa như mẹ nữa sao? Tình hình chính trị của những năm đầu 70 rất căng thẳng, ngày tôi bước lên máy bay sang Đức là ngày mẹ tôi thắp hương bên bàn thờ bố tôi khấn vái: "Em đã làm tròn bổn phận với anh, mong anh được ngậm cười nơi chín suối!".

 

 

Hoa Lan.

Mùa Vu Lan 2024.

 

 

 

 

 

             

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/08/2011(Xem: 6193)
Tiếng “mẹ” “cha” ôi sao quá giản dị, quá mộc mạc. Thế nhưng, ẩn chứa bên trong sự mộc mạc, giản dị ấy là cả tình yêu thương bao la, là sự hy sinh bất tận...
20/08/2011(Xem: 4396)
PGVN cùng là hệ phái Bắc Tông, vì thế có nhiều điểm tương đồng gặp nhau và dễ chấp nhận nhau, từ đó trở thành thói quen trong nhận thức lẫn trong hình tượng.
14/08/2011(Xem: 4819)
“Cha” và “mẹ” (hoặc “ba, má” hay “bố, mẹ” ) thường là các từ đơn đầu tiên mà chúng ta bặp bẹ nói được. Điều đó có lẽ là đương nhiên, vì người dạy cho chúng ta những tiếng đầu tiên thiêng liêng ấy, đâu ai khác ngoài Cha Mẹ chúng ta. Những âm đầu tiên đó, chúng ta phát ra đâu được tròn trịa là “bố” “mẹ” đâu, mà chỉ là những chuỗi âm tương tự mà thôi.
13/08/2011(Xem: 4103)
Ân cha, nghĩa mẹ quả thật bao la, rộng lớn, chính vì thế mà trong Kinh Vu Lan Đức Phật đã khuyên dạy các hàng đệ tử: “Dù vai trái cõng cha, vai mặt mang mẹ...
13/08/2011(Xem: 5359)
Đạo Phật quan niệm, khi vẫn trong cảnh sanh tử lưu chuyển, thì hiện đời có cha mẹ; quá khứ, tương lai trong bao đời sanh tử lại có vô số mẹ cha.
13/08/2011(Xem: 3965)
Tháng Bảy âm lịch, mùa Vu Lan cũng là mùa báo hiếu của con cái với ông bà, cha mẹ. Tuy nhiên, nhịp sống hiện đại cùng với cuộc sống bận rộn khiến nhiều người không có thời gian quan tâm đến ông bà, cha mẹ. Và nhiều người lý giải rằng, trong các gia đình hiện đại, không hẳn mọi thành viên đã hoàn toàn thờ ơ với chữ hiếu, nhưng biểu hiện của nó cũngthay đổi ít nhiều.
13/08/2011(Xem: 4829)
Hằng năm vào dịp Rằm tháng Bảy, các Phật tử cử hành lễ Vu Lan báo hiếu một cách trang trọng, đầy cảm động, theo truyền thống Phật giáo Bắc phương, đó là một sinh hoạt tôn giáo bao hàm rất nhiều ý nghĩa. Sự tích báo hiếu này phát xuất từ kinh Vu-lan-bồn, qua tấm gương cứu mẹ của tôn giả Mục-kiền-liên, vào thời đức Phật còn tại thế, ở nước Ấn-Độ...
13/08/2011(Xem: 5118)
Tiết Vu Lan bâng khuân nhớ Cha công dưỡng dục, mùa Báo hiếu bùi ngùi thương Mẹ đức cù lao... Thích Hạnh Tuệ
12/08/2011(Xem: 13954)
Bà Thanh Đề là mẹ của ngài Mục Kiền Liên (cũng gọi là Mục Liên). Bà tính tình tham lam, độc ác, không tin Tam Bảo, tạo ra nhiều tội lỗi nặng nề, gây ra nhiều "nhân" xấu nên khi chết đi chịu "quả" ác, bị đày vào ác đạo, sinh làm loài ngạ quỷ, đói khát triền miên trong đại địa ngục.
12/08/2011(Xem: 4190)
Chỉ còn ít ngày nữa là Vu Lan năm 2011 lại đến. Vu Lan diễn ra ở thời điểm lạm phát làm giá cả nhảy vọt như con ngựa bất kham. Giá cả leo thang, ít nhiều làm sứt véo đến mớ rau, bữa cơm gia đình mẹ. Nhìn mẹ chép miệng, nghe mẹ than “ chợ bữa này ít người” , “ mua gì cũng mắc ” mà mình cảm thầy buồn buồn trong lòng. Chẳng biết làm sao để gửi mẹ nhiều tiền hơn. Để mẹ khỏi phải suy tư, trăn trở chuyện cơm áo thường ngày. Đạo làm con, ai cũng muốn làm tròn chữ Hiếu. Hiếu để đền đáp công ơn của cha mẹ
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]