Vu Lan về …nhắc ta “Nghiệp quả”!
Kính bạch Thầy, rất hoan hỷ khi nhìn thấy lễ hội Vu Lan tại Tu viện Quảng Đức đã hoàn mỹ viên mãn trong lúc các chùa lớn đồng tổ chức chung một ngày 18/8/2024 tức rằm tháng bảy. Kính chia sẻ bài thơ khi đọc lại các bài giảng trong mùa Vu Lan về cách...
Nhân quả khác với số phận, ta có thể thay đổi được!
Thật sai lầm khi cho rằng khó chuyển thánh tử phàm
Vì phải nhận chịu
tất cả nghiệp báo do quá khứ đã làm
Hãy thay đổi tư tưởng này mà tu tập để chuyển hoá !
Bất cứ vấn đề nào,
có đủ nhân duyên mới hình thành quả!
Ngay trong hiện tại,
cùng tạo một nhân nhưng quả lại khác nhau (1)
Nếu biết sám hối , dừng ngay sẽ giảm bớt phần nào
Người có đạo đức, có trí tuệ,
có tu tập, sẽ đủ khả năng hoá giải nghiệp!
Thật ra mức độ dụng tâm, cố ý tác hại
mới là tố nhân khủng khiếp !
Hãy tư duy minh bạch, phù hợp tuỳ lúc, tuỳ thời
Chớ buông trôi theo số phận,
cố gắng làm lại cuộc đời !
Đừng bị nghiệp quá khứ, vận mệnh
khiến nhầm lẫn, ngộ nhận đáng tiếc.!
Điều quan trọng,
để có thể chuyển hoá thực tiền sự sai biệt!
Cần chủ động luôn tạo nghiệp mới thiện lành.
Hằng ngày khéo vận dụng hoàn cảnh xung quanh
Lỡ giận ai đó, vui vẻ tha thứ đừng cắn đắng
Cần trực diện nội tâm mỗi phút giây yên lặng
Đừng can thiệp trên nó, hãy mở rộng lòng từ
“Nghiệp chướng vốn tánh Không” sẽ sớm giải trừ
Thấu suốt được, khẳng định ….kiên quyết, cố gắng nổ lực !
Vượt qua mọi chướng duyên, chuyển hoá tâm thức
Không vội vàng nhìn nhận phân tích đúng sai
Xem mọi việc xảy ra như bình thường mỗi ngày
Và nhìn nó với một sự thanh thản, trong vắt,
Thì bạn ơi, hình phạt dẫu nhận lãnh
Bậc thánh không hề bận tâm vướng mắc !
Mùa Vu Lan Hiếu Hạnh -PL2568
Phật tử Huệ Hương
______________________
(1) Trong kinh Tăng chi bộ (chương III, phẩm Hạt muối), Đức Phật có nêu trường hợp hai người cùng tạo nghiệp nhân giống nhau nhưng nghiệp quả lại khác nhau. Đối với người có đạo đức, có tu tập, có trí tuệ thì nghiệp quả mà họ phải nhận chịu nhỏ hơn, nhẹ hơn, ít hơn (về mức độ và thời gian) người không có đạo đức, không có tu tập, không có trí tuệ. Điều này cũng giống như khi bỏ một nắm muối vào chén nước, nước trong chén bị mặn và không uống được. Nhưng cũng bỏ nắm muối tương tự như thế xuống một dòng sông, nước của dòng sông nhiều không vì nắm muối đó mà trở nên mặn và không uống được. Đức Phật dạy như sau:”Này các Tỳ-kheo, có người thân không tu tập, giới (đạo đức) không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, tâm hạn hẹp, kém trí đức, người như vậy dù làm nghiệp ác nhỏ cũng đủ tạo quả báo đưa vào cảnh khổ.
Này các Tỳ-kheo, có người thân được tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, là người có trí đức lớn, tâm quảng đại, cao thượng, người như vậy dù có lầm lạc hoặc sơ suất, lỡ làm việc ác nhỏ tương tự, nghiệp ác ấy đưa họ đến cảm thọ ngay trong hiện tại và không tạo quả báo trong đời sau”.
(2) Đức Phật cho biết, nếu như có một người tạo nghiệp sát sinh nhưng biết việc mình làm là ác, bất thiện, người ấy ăn năn hối cải, từ đó về sau không tái phạm nữa, đồng thời tu tập chánh kiến, phòng hộ các căn, tinh tấn thiền định, thiền quán, phát triển bốn tâm vô lượng từ, bi, hỷ, xả, nhờ sự tu tập đó mà người ấy thoát khỏi quả báo ác nghiệp.