Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tản Mạn Về Lễ Vu Lan

26/08/202313:36(Xem: 2506)
Tản Mạn Về Lễ Vu Lan
TẢN MẠN VỀ LỄ VU LAN

Vu-lan-001

 

Ngày lại qua ngày, bình minh lên rực rỡ, hoàng hôn xuống đìu hiu. Nước vẫn chảy về đông nhưng vòng tuần hoàn chưa bao giờ gián đoạn. Đời vẫn sanh diệt liên lỉ, dù có thô tháo bạo liệt hay dịu êm lặng lẽ. Ta vẫn còn nơi này nhưng đang trên đường đi đến điểm cuối của vòng đời. Đến để rồi đi, đi để mà đến, dòng sanh tử luân hồi chưa từng dừng dù chỉ một sát na. Cái dòng tâm thức luôn dịch chuyển trong ba cõi sáu đường, chỉ một số vô cùng ít ỏi chứng thánh quả thì mới có thể hết trôi lăn. Cái xác thân vật lý này cũng giống như tất cả các loại vật chất khác, nó không hề mất đi, nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác. Hiện giờ thì nó còn là thân thể nhân dáng người nhưng một khi hơi thở vào ra dứt thì nó lại trở về với đất, nước, gió, lửa trong đất trời.

Không gian vô hạn độ, thời gian vô thủy vô chung, trên cái dòng thời gian miên viễn ấy con người chế ra ngày, giờ, tháng, năm, mùa màng… làm cột mốc. Trên dòng thời gian ấy, con người có những lễ hội để vinh danh, tưởng nhớ hay kỷ niệm những sự kiện trong đời sống của mình. Thiên hạ có vô số những ngày hội, mỗi chủng tộc, mỗi quốc gia, thậm chí mỗi địa phương đều có những lễ hội riêng của mình. Cộng đồng Phật giáo cũng không ngoại lệ, ngoài những lễ hội chung như ngày Phật đản sanh, thành đạo, niết bàn… Cộng đồng Phật giáo bắc truyền còn có ngày lễ hội riêng như lễ Vu Lan chẳng hạn. Điều này phản ảnh quan điểm, cách nhìn nhận khác biệt của hai dòng truyền.

Lễ Vu Lan là một lễ hội lớn và quan trọng trong Phật giáo bắc truyền, lễ Vu Lan còn gọi là lễ hội hiếu, bắt nguồn từ điển tích ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ. Tất cả những dân tộc và những quốc gia chịu ảnh hưởng văn hóa Tàu, chịu ảnh hưởng Nho giáo đều rất coi trọng chữ hiếu, theo Nho giáo thì hiếu là phải phụng dưỡng cha mẹ, vâng lời cha mẹ, lấy vợ lấy chồng, sanh con đẻ cái, nối dõi tông đường… thậm chí cực đoan đến độ: “Phụ xử tử vong/ tử bất vong bất hiếu” hoặc như: “Bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại”. Hiếu của Nho giáo rất lệch lạch, khiếm khuyết chứ không trọn vẹn như chữ hiếu trong nhà Phật. Với Phật giáo thì hiếu không chỉ chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ, hiếu thì thuận thảo những điều đúng chứ không phải mù quáng nghe theo những lời quấy quá. Hiếu không chỉ chăm lo vật chất mà còn quan tâm đến tinh thần, hướng cha mẹ về Phật pháp, hướng cha mẹ theo chánh pháp, tạo điều kiện cho cha mẹ thực hành Phật pháp. Hiếu với cha mẹ không chỉ lo cho hiện tiền mà còn lo cho việc tương lai. Chuyện ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ là một điển hình vậy.

Ngày lễ Vu Lan, các chùa bắc tông tưng bừng rộn ràng mừngng hội hiếu, cờ ngũ sắc phất phới bay trong gió, hương trầm thơm ngan ngát, hoa quả tươi bày biện đẹp mắt. Phật tử về chùa  lễ Phật dâng hương thì thầm khấn nguyện, lòng hướng về ba ngôi tam bảo, cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền mạnh khỏe, an lạc; cầu nguyện cho ông bà tổ tiên siêu sanh tịnh độ. Cầu Phật, bồ tát gia hộ cho tất cả chúng sanh. Cầu nguyện là tấm lòng, tuy nhiên cầu nguyện suông thì không thể thành, cầu nguyện phải thực hành những điều Phật dạy. Cầu nguyện còn phụ thuộc vào phước báo và nhân duyên…

Có một số người lên tiếng bài bác lễ Vu Lan, cho là văn hóa Tàu, trong phật giáo không có lễ này... Các vị ấy quên rằng Phật giáo có tính khế cơ khế lý, truyền đến đâu thì kết hợp với văn hóa, truyền thống bản địa ở đấy. Thời đức Phật còn tại thế thì không có lễ Vu Lan, điều ấy đúng nhưng Phật giáo cũng như tất cả mọi sự việc ở thế gian này, luôn luôn biến thiên vì thế gian này vốn vô thường. Khi Phật giáo truyền đến Trung Hoa thì sau đó mới có lễ Vu Lan, tuy nhiên căn bản vẫn là nhân sinh quan của Phật giáo. Lễ vu Lan đầy ý nghĩa nhân văn như thế, thấm đượm từ bi, hỷ xả và tinh thần giải thoát. Lễ Vu Lan đề cao chữ hiếu, đem Phật pháp đến với thế nhân.

Địa ngục ở đâu? Địa ngục, hỏa ngục, hàn ngục, biên địa địa ngục… địa ngục cũng có vô số tên gọi khác nhau. Về sự thì quả thật có địa ngục, về lý thì địa ngục ngay chính trong tâm ta, bởi vì cũng từ tâm địa mà ra. Bà mẹ của ngài Mục Kiền Liên bưng bát cơm lên ăn thì bát cơm hóa lửa, đó là cảnh giới của địa ngục, đây là mặt sự, còn về mặt lý thì đó chính là cái tâm tham lam, keo kiệt, bỏn sẻn vậy! Ngài Mục Kiền Liên và thần lực thập phương tăng chú nguyện để bà được sanh thiên, điều này có trái với kinh Phật dạy không? Kinh suy niệm về nghiệp viết: “Không có ai có thể làm cho mình thanh tịnh hay uế trược, thanh tịnh hay uế trược là chính do mình”. “Phước hay họa cũng tự mình tạo nên” và vô số những dạy về nhân quả, về những tấm gương thánh nhân phải gánh lấy hậu quả khi cái quả chín mùi! Ngay cả dòng họ Thích Ca bị vua Tỳ Lưu Ly tàn sát mà đức Phật cũng không thể cứu được kia mà! Thật ra thì chẳng phải thập phương tăng dùng thần lực đưa bà mẹ ngài Mục Kiền Liên lên cõi trời mà chính là dùng thần lực để thức tỉnh tâm bà, khiến bà chuyển đổi tâm niệm, một khi tâm niệm chuyển đổi thì hỏa ngục hóa hồng liên. Giáo pháp nhà Phật đã dạy: “Chánh báo tùy theo y báo mà chuyển” là vậy! Ngày hôm ấy không chỉ mỗi bà mẹ Mục Kiền Liên mà vô số những tội nhân cùng cảnh ngộ, cùng duyên phần phước phận được giải thoát theo.

Ngài Mục Kiền Liên là một đại đệ tử của đức Phật, ngài là đệ nhất thần thông, là tấm gương hiếu thảo. Người ta thường nói đức Phật có mười vị đệ tử nổi tiếng, mỗi người đại diện cho một mặt nào đó, ví dụ như ngài Xá Lợi Phất thì là trí huệ đệ nhật, ngài Kiều Trần Như thì là khai ngộ đệ nhất… Thật ra thì các ngài đồng năng, đồng giải, đồng hành… không phải ngài Xá Lợi Phất đệ nhất về trí huệ thì các ngài kia trí huệ không bằng! Tất cả đồng nhau, mỗi người đại biểu cho một phương diện.

Ngày lễ Vu Lan hôm nay cũng như những ngày lễ Vu Lan của ngàn năm trước. Những người con Phật lòng xốn xang lay động khi tưởng nhớ Phật, người đã đến thế gian này để khai mở con đường giải thoát cho loài người. Lòng thương nhớ cha mẹ hiện tiền, nhớ ông bà tổ tiên quá vãng… Nếu như ai được sống gần gũi cha mẹ, có cơ hội phụng dưỡng cha mẹ đó là cái phước lớn, là cơ hội để thực hành hiếu đễ, huân tập công phu. Hãy tận dụng cơ hội, hãy phụng dưỡng cha mẹ, hãy tạo điều kiện cho cha mẹ già sống vui vẻ trong lúc cuối đời, hãy tạo điều kiện để cha mẹ được về chùa lễ Phật. Những người con sống xa cha mẹ âu cũng là nhân duyên sâu xa nào đó trong quá khứ, nhớ thương cha mẹ mà không được gần gũi, một cái ôm, một cái cầm tay cũng không được thì nói gì đến dâng ly nước hay bát cơm. Thương nhớ cha mẹ lắm nhưng vì khoảng cách địa lý xa diệu vợi thì biết làm gì hơn ngoài việc lên chùa lễ Phật dâng hương và cầu nguyện. Những người con sống xa cha mẹ chỉ tiếc mình là thân bị thịt không có thần thông để vượt qua khoảng cách trùng dương! Nhớ thương cha mẹ vốn thường trực nhưng mỗi khi lễ Vu Lan về thì lòng lại nao nao, dường như đó là cộng hưởng của sóng âm trong trời đất với sóng lòng.

Vườn chùa ngày lễ Vu Lan đẹp và rộn ràng, những tà áo dài thướt tha, những người con Phật ăn mặc nghiêm trang, những bậc cha mẹ già được con cháu chở đến chùa lễ Phật, những em thiếu nhi như những bông hoa múa điệu dâng hương cúng dường...Nhiêu đó đủ cho lòng người thơ thới an lạc, thiên địa quỷ thần hoan hỷ, trời đất phong quang. Bức tranh ngài Địa Tạng tay cầm châu, tay cầm gậy vàng vừa oai nghiêm vừa hiền từ chi lạ. Ngài là bậc giáo chủ cõi U Minh, lời thệ nguyện của ngài là lời thề vô tiền khoáng hậu, chưa từng thấy bất cứ ở đâu, chưa từng có ở trong những tôn giáo đã xuất hiện trên thế gian này: “Địa ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sanh độ tận phương chứng bồ đề”. Thật chẳng có ngôn từ nào của con người có thể tán thán hay nghĩ bàn được, chỉ có cách duy nhất là mượn lời kinh để nói: “Bất khả thuyết, bất khả tư nghị”.

Ngày lễ Vu Lan, những con người xa quê, xa cha mẹ lòng buồn và thương nhớ. Biết cha mẹ già thân thể suy hao từng ngày, những cơn đau nhức đang hành… dù biết thời gian của cha mẹ già không còn nhiều nhưng cơ hội gần gũi, cơ hội về không có bao nhiêu, đó cũng chính là nỗi khổ “ái biệt ly khổ” mà đức Thế Tôn đã dạy chúng ta. Tất cả những gì mình đang thọ nhận hay bị nhận là cái quả vốn có nhân từ sâu xa mà mình không có khả năng biết. Còn tất cả những gì mình đang làm (tam nghiệp) hôm nay thì sẽ cho cái quả  mai sau. Sống xa cha mẹ âu cũng là cái quả, là nghiệp lực đã thành, một khi quả đã chín mùi, nghiệp đã thành thì không thể thay đổi, dù có thần thông như Phật cũng đành chịu thôi!

Ngày lễ Vu Lan, những người con ở xa thương nhớ cha mẹ, lòng vẫn luôn hướng về cha mẹ, hướng về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Ngày hội hiếu lên chùa lễ Phật, cầu cho cha mẹ sống khỏe và vui với con cháu, cầu cho mọi người an lạc, cầu cho quốc độ mình đang sống hòa bình, cầu cho cố quận mình sớm được dân chủ, tự do và nhân quyền được tôn trọng.

 

Tiểu Lục Thần Phong

Ất Lăng thành, mùa Vu Lan 2023

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/08/2011(Xem: 4185)
Khi chúng ta ngừng lại sự nói năng và suy nghĩ để chuyên chú vào hơi thở vào-ra, chúng ta đang an trú trong quê hương đích thực của mình...
05/08/2011(Xem: 4906)
Mỗi năm đến mùa Vu Lan báo hiếu, người Phật tử tại gia thường noi gương hiếu thảo của Tôn giả Mục Kiền Liên báo đáp công ơn cao dày của cha mẹ đã qua đời cũng như còn tại thế...
04/08/2011(Xem: 6377)
Hàng năm, chúng ta vâng lời Phật dạy, làm người con thảo, nên thường dâng tứ sự, cúng dường trai tăng lên Thập Phương Thường Trú Tăng để hồi hướng phước báo đến Cha Mẹ...
03/08/2011(Xem: 4790)
Hôm nay, mùa Vu Lan báo hiếu lại trở về trên xứ Việt, hòa chung với niềm vui lớn này, xin được san sẻ cùng em đôi điều về đạo hiếu của con người.
03/08/2011(Xem: 6481)
Danh từ Vu Lan hay Vu Lan Bồn là tiếng dịch âm từ chữ Phạn Ulambana vốn có nghĩa là “Ngày hội cứu những oan hồn bị treo ngược.”
03/08/2011(Xem: 5210)
Người đời thường hay bảo nhau “Cháu của bà Nội mà tội cho bà Ngoại” nhưng Mệ Nội tôi có lẽ không đủ phước báu để được hưởng cái đặc ân đó. Trái lại, Mệ đã một lòng chăm nom và dạy dỗ đàn cháu Nội trần ai khoai củ này, thật tội nghiêp!.
02/08/2011(Xem: 4838)
Bàng bạc trong kinh điển Hán tạng (H) và Pàli tạng (P) là ơn nghĩa sanh thành, thâm ân dưỡng dục, hiếu đạo trong hiện tại, hiếu đạo ở vị lai, tội báo bất hiếu...
02/08/2011(Xem: 4757)
Tay bưng bát mì mà nước mắt tuôn trào từ khi nào, tôi thả đôi đũa rơi xuống đất, lâu lâu xoa nhẹ vết sưng to hơn cái bánh bao trên chân của mẹ, nước mắt cứ từng giọt từng giọt rơi xuống đất…
02/08/2011(Xem: 6088)
Công ơn của cha mẹ đối với các con thật to lớn như trời cao, biển rộng, nào là mớm cơm cho ăn từng bữa, nào là săn sóc cho con từng giấc ngủ canh khuya...
02/08/2011(Xem: 4809)
Sự truyền ngôi báu của vua Hùng cho hoàng tử Tiết Liêu đã chứng tỏ rằng, từ ngàn xưa, cha ông ta đã biết lấy sự hiếu đạo để làm tiêu chí, và làm thước đo nhân cách...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]