Số 14-7/HĐĐH/HC/TB Phật Lịch 2566, Sydney ngày 22/07/2022
Thông Bạch Vu Lan
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính gởi: Chư Tôn Hòa Thượng, Chư Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni,
Quý thân hào nhân sĩ, thiện hữu tri thức,
Cùng quý đồng hương và chư Thiện nam Tín nữ Phật tử,
Kính bạch chư Tôn Đức,
Kính thưa quý liệt vị,
Hằng năm mỗi độ Thu sang,
Lá vàng rơi rụng ngỡ ngàng quạ kêu.
Lòng người con hiếu đìu hiu,
Nhớ về Cha Mẹ sớm chiều trông mong.
Những đứa con lặn lội đường xa nhìn quê hương mịt mờ tận chân trời không hẹn ngày về. Ơn nghĩa sanh thành không sao đền đáp. Nhớ Mẹ ta xưa đắng cay nặng nhọc chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm. Mẹ đã sinh ra ta và nuôi lớn tấm hình hài bằng dòng sữa ngọt, đã trộn chung những giọt mồ hôi lam lũ của Cha để lo toan từng miếng cơm manh áo. Có những lúc con ho ruột Mẹ tan tành, con sốt lòng Mẹ như bình nước sôi. Nhưng đến khi con khôn lớn trưởng thành thì Cha Mẹ đã già nua tiều tụy, đồi mồi nhuốm màu thời gian.
Vì cảm niệm ân sâu nghĩa nặng của Mẹ Cha nên Tôn giả Mục Kiền Liên, một đại đệ tử của Đức Phật, sau khi tu tập và chứng đắc đạo quả A La Hán. Khởi đầu công cuộc hoằng pháp lợi sanh của một người xuất gia, Ngài đi tìm Mẹ để báo hiếu và cứu khổ. Mẹ của Ngài là bà Thanh Đề đang bị thọ quả báo trong A Tỳ địa ngục, do lúc sinh tiền Thân mẫu Thanh Đề vì niềm tin dị biệt đã đem lời phỉ báng Phật, hủy nhục Tăng, khinh khi nói xấu người chân chánh xuất gia tu hành, mưu toan hãm hại thanh danh của Tăng chúng, làm cho người khác mất chánh tín đối với Tam Bảo. Vì vậy mà nhân quả luân hồi, phải nhận lấy sự báo ứng không sao tránh khỏi. Duyên khởi truyền thống Vu lan trong Phật Giáo cũng từ sự kiện lịch sử này.
Đức Phật, bậc toàn giác đã thấy rõ trọng ân của Cha Mẹ là hơn hết trong bốn ân lớn của con người. Đó là ân Cha Mẹ, ân Tam Bảo, ân Quốc gia và ân Chúng sanh. Vì vậy Ngài từng dạy rằng: "Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế", nghĩa là: “Cha Mẹ còn sống trong nhà cũng như Đức Phật còn trụ thế”. Ngài còn dạy chúng đệ tử trong Kinh Đại Tập rằng: “Hiếu với Mẹ Cha tức là kính Phật. Nếu ở đời không có Phật thì hãy khéo thờ Cha Mẹ. Khéo phụng thờ Cha Mẹ như phụng thờ Phật vậy”. Cha Mẹ chúng ta tuy còn là phàm phu nhưng công ơn cù lao sinh thành dưỡng dục, đã chịu biết bao đau khổ vì con đã hy sinh tất cả đời mình cho con cái. Ân ấy, đức ấy đối với người con so sánh to lớn bằng một vị Phật giác ngộ đem đạo mầu hóa độ nhân gian. Chỉ có Đức Phật, một bậc Thầy của Trời, người, Giáo chủ cả cõi Ta Bà đã dạy bảo đệ tử của mình nên đem Cha Mẹ sánh bằng vị trí tối tôn của Đức Phật. Ngài còn dạy trong Bồ Tát Giới Kinh cho đệ tử rằng: "Hiếu thuận với Cha Mẹ, Sư Tăng, Tam Bảo, hiếu thuận pháp chí đạo. Hiếu gọi là giới, cũng gọi là cấm ngăn".
Ngày nay chúng ta nhờ tắm gội thấm nhuần trong dòng cam lồ của Phật pháp, càng hiểu rõ công Cha nghĩa Mẹ, càng thấu tỏ ân đức sanh ra và nuôi dưỡng con cái mà hễ ai có sinh con, nuôi con mới hiểu hết nỗi lòng của Cha Mẹ. Một người có đủ nhân cách là người luôn nhớ ơn, biết ơn và báo ơn. Đạo đức đầu tiên người đó phải có là lòng hiếu thảo với Cha Mẹ. Cho nên trăm ngàn hạnh tốt của con người, hạnh hiếu là trên hết.
Hạnh phúc cho những ai đang còn Cha Mẹ để có cơ duyên đền đáp phụng dưỡng hầu hạ, ngõ hầu báo hiếu thâm ân. Những ai bất hạnh không còn Cha Mẹ thì nỗ lực hướng thiện, hành đạo tu tập theo Phật pháp, để an lạc cho bản thân, lợi ích cho cộng đồng xã hội, hồi hướng công đức cho Cha Mẹ đời này và nhiều đời trước cùng bà con quyến thuộc trong nhiều kiếp.
Với hoàn cảnh tha phương ly hương nơi đất khách, chúng ta vẫn còn được duyên lành, có những đạo tràng, chùa chiền do chư Tăng Ni từ từ gây dựng qua bao nỗi dâu bể thăng trầm của thế sự. Đó là nơi cho quý Phật tử quay về nương náu tinh thần, an tịnh tâm linh, vun bồi đạo hạnh.
Trong lúc toàn thế giới đang trong cơn hoành hành vì đại dịch, thiên tai nhân họa khắp nơi, chiến tranh binh lửa triền miên, không ngừng nghỉ. Chỉ vì tham vọng ngông cuồng của con người, do vô minh sai sử. Hơn ai hết, người Phật tử chúng ta hãy dừng lại tâm phóng túng, không đua chen danh lợi, không tranh chấp hơn thua, không vinh-nhục khen-chê, không vui-buồn được-mất. Mạng sống vô thường, nhanh hơn nước chảy xuống dốc, hôm nay còn đó, khó bảo toàn được ngày mai. Chúng ta vui cười sao được khi biết đầu mình đang cháy ? Bóng tối phủ vây sao không tìm ánh sáng. Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, hãy tự mình nương tựa nơi mình, nương tựa nơi Chánh pháp, đừng nương tựa một nơi nào khác.
Chư Tôn Đức Tăng Ni, quý thành viên tự viện tùy nghi, tùy duyên, tùy hoàn cảnh tổ chức thiết trí đàn tràng Vu Lan thắng hội để thập phương bá tánh, Phật tử khắp nơi câu hội về chùa góp phần cầu nguyện. Cầu nguyện cho Cửu huyền thất tổ, quá cố nội ngoại tôn thân, Cha Mẹ hiện tại đã quá vãng, Cha Mẹ nhiều đời cùng lục thân quyến thuộc.
Cầu nguyện cho các anh hùng vị quốc vong thân, các chiến sĩ trận vong, nhân dân nạn vong, đồng bào tử nạn vì đã trải qua các cuộc chiến tranh, thiên tai địa chấn, lũ lụt cuồng phong, đại dịch mạng vong, cùng pháp giới chúng sanh, sớm gặp đặng ánh hào quang Chư Phật, thoát khỏi chốn u đồ, siêu sanh về Tịnh Độ.
Cầu nguyện thế giới sớm hòa bình, người người được an cư lạc nghiệp, cõi âm được siêu thoát, cõi trần được an vui, người còn cùng kẻ mất, hàm triêm đồng lợi lạc.
Nam Mô Vu Lan Duyên Khởi Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát.
TM. Hội Đồng Điều Hành
Hội Chủ
Thượng Tọa Thích Tâm Minh