Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vu Lan thắng hội

11/04/201312:02(Xem: 5062)
Vu Lan thắng hội

Những mùa Vu Lan

Vu Lan thắng hội

Thích Đức Niệm

Nguồn: Thích Đức Niệm

Mỗi năm đến rằm tháng bảy không ai bảo ai, thiên hạ đều biết đó là mùa Vu-Lan báo hiếu. Dù cho người đang sống ở chân trời góc biển, tha hương lưu lạc phương nào, hễ mỗi khi tiết trời thu về, là biết sắp đến rằm tháng bảy, ngày Vu-Lan báo hiếu, tự nhiên cảm thấy lòng nao nao bùi ngùi thương nhớ mẹ cha, quê nhà, làng nước và những người thương thân.
Người sống trên đời ai mà chẳng có mẹ cha? Không có mẹ cha thì làm sao có thân ta? Nếu không có mẹ mang nặng đẻ đau tảo tần xuôi ngược nuôi nấng ẵm bồng thì làm sao ta sống? Mẹ cha không săn sóc nâng niu chiều chuộng nuôi cơm đút sữa thì làm sao con lớn khôn? Mẹ cha đã không quản ngại hy sinh những thứ ngon ngọt của đời mình để cho con được hưởng trọn vẹn tình thương, được ấm no hạnh phúc. Con được ấm no mạnh khỏe vui chơi là cha mẹ thấy đời hạnh phúc, thêm nguồn hy vọng. Cha mẹ đã cho con bao kỷ niệm êm đềm, ngọt bùi tươi mát. Cha mẹ đã lắm lần tan nát ruột gan khi con trái gió trở trời, biếng ăn mất ngủ khóc la dẫy dụa hoặc con không vâng lời cha mẹ biếng nhác học hành, ham mê theo bạn bè lêu lổng chơi bời hút sách. Lòng cha mẹ lúc nào cũng nghĩ đến con, thương con, tha thứ cho con, lo tìm hết cách để xây dựng tương lai cho con. Cha mẹ lúc nào cũng đặt hết hy vọng nơi con một ngày kia khôn lớn thành danh sự nghiệp ở đời. Vì thương lo cho con mà nhiều lúc cha mẹ quên chính bản thân mình. Thế nên, những ai là người con hiền thảo thì lúc nào cũng nên để tâm thương nhớ mẹ cha, nhất là vào mùa Vu-Lan.
Mùa Vu-Lan báo hiếu mà không được gần cha mẹ thì lòng con thảo cháu hiền thương nhớ vô cùng, cảm thấy thiếu thốn bất an. Vô phước cha mẹ qua đời, mùa Vu-Lan về khiến cho lòng con càng thêm ngậm ngùi nuối tiếc nhớ thương, hướng vọng đến đất mẹ quê hương để dòng nước mắt âm thầm tuôn chảy cho vơi đi nỗi nhớ niềm thương:
Mẹ cha ở lại quê nhà
Tai trời ách nước con ra xứ người
Tháng năm đành đoạn đầy vơi
Vu-Lan thắng hội bùi ngùi nhớ thương
Chư Tăng tự tứ mười phương
Thành tâm con nguyện cúng dường mẹ cha
Bình an trong cõi Ta-bà
Lâm chung nhờ Phật thoát ra luân hồi
Thân nầy nguyện xẻ làm đôi
Nửa phần cha mẹ, nửa ngôi Phật đài.
Người con hiếu thảo thương cha mẹ bao nhiêu thì thương quê hương, thương đạo đức truyền thống bấy nhiêu. Kinh nói: “Hiếu là pháp chí đạo, hiếu là đầu trong muôn hạnh lành”. Nên thương cha mẹ như thương đạo. Nếu chẳng may cha mẹ qua đời, Vu-Lan về, lòng càng cảm thấy ngậm ngùi nuối tiếc hướng vọng đất mẹ quê hương để dòng nước mắt âm thầm chảy cho vơi đi thương nhớ. Một nhà thơ đã nói lên lòng kính yêu cha mẹ trinh nguyên thuần khiết như lòng yêu quý đạo:
Tôi yêu mẹ già như yêu đạo
Lòng mãi thương hoài suốt tháng năm
Giọt lệ âm thầm rơi kín đáo
Trong như là những ánh trăng rằm
Dù mẹ còn ở đời hay đã khuất bóng, tình thương của mẹ đối với con lúc nào cũng trong sáng như ánh trăng rằm, tươi thắm như hoa hồng, trinh nguyên thanh khiết thơm ngọt như nhụy sen. Tình mẹ thương con vượt ngoài thời gian và tràn khắp không gian nơi chốn. Cho dù con có khôn lớn, nhưng đối với mẹ thì lúc nào cũng vẫn thấy con mình còn bé thơ, lúc nào cũng trải tình thương che chở giúp đỡ cho con, như bóng mát cổ thụ, như ánh trăng rằm đêm thu. Tình mẹ lúc nào cũng che mát bao trùm ngọt dịu và bất diệt. Bởi thế, nên khi con gặp tai biến hay sống trong hoàn cảnh bất hạnh cô liêu hoặc những chiều hoàng hôn phủ xuống, lòng con cảm thấy bồi hồi nhớ mẹ nhớ quê hương, bất giác kêu mẹ, thì ngay đó hình ảnh mẹ và tình thương của mẹ ảnh hiện nơi lòng con, con cảm thấy tinh thần có nơi nương tựa, lòng cảm nghe an ổn như được nguồn an ủi êm đềm, vơi đi cô liêu trống lạnh:
Giày vẹt gót áo sờn vai thắm lạnh
Mỗi chiều Trường-Sơn núi đồi cô quạnh
Mẹ hiền ơi! Con chợt nhớ quê mình
Con có lớn khôn lập thành gia thất xuất giá tùng phu, hoặc thi hành nghĩa vụ của người trai thời loạn ở chốn rừng sâu núi thẳm hay nơi biên thùy để bảo vệ biên cương, mà lòng thương nhớ cha mẹ ruột thắt từng đoạn, gió núi sương lạnh khi hoàng hôn phủ xuống thì:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Nhớ về quê mẹ ruột đau chín chiều
Hoặc:
Mẹ hỡi mẹ! Chiều nay con buồn lạ
Hình bóng cha và mẹ đã xa rồi
Xa cha mẹ con mất cả bầu trời
Lời an ủi bữa cơm chiều đoàn tụ
Mẹ khuyên nhủ. Ôi! Vô cùng ngọt dịu
Cha dạy răn, cha hiểu được lòng con
Mà giờ đây còn rừng thẳm núi non
Vu-Lan đến, lòng con thương nhớ lạ!
Người con còn cha mẹ, sống gần cha mẹ mà lòng không cảm thấy êm đềm nhẹ vui an ủi, như thế là con không tiếp nhận được suối nguồn tình thương của cha mẹ. Như thế là người con không có ý thức, quả tim không rung động, bẽ bàng hiếu đạo, thiếu bản chất người hiền. Kinh Đại-Tập nói: “Người sanh ra đời không gặp Phật mà biết hiếu kính phụng dưỡng cha mẹ tức là phụng sự Phật. Phật nói người có tâm hiếu là có tâm Phật. Người có hạnh hiếu là có hạnh Phật”. Ngược lại thì không khác với cây, đá, súc sanh, ác quỷ, trùng dòi, oan trái.
Bởi cha mẹ tạo cho con thân nầy, đem hết tâm sức tận lực săn sóc nuôi nấng con. Kinh thi nói: “Vô phụ hà hổ, vô mẫu hà thị”. Nghĩa là, không cha thì con cậy ai mà được an ổn, không mẹ thì con nhờ ai mà sống để được lớn khôn. Hỡi những người con! Xin để một vài phút cho lòng lắng đọng tâm tư, tự suy nghĩ: Khi tiếng khóc chào đời, lúc còn bé thơ, chúng ta nhờ ai mà được ẵm bồng vỗ về êm ấm, để sống còn đến ngày nay? Khi lớn khôn nhờ ai mà ta được no cơm ấm áo yên tâm học hành? Rõ ràng có phải hoàn toàn là công ơn cha mẹ không? Vậy mà nỡ nào bất nhẫn thờ ơ bẽ bàng với cha mẹ? Lại vọng cầu không tưởng sùng bái thần linh thượng đế đâu đâu không phụng thờ cha mẹ? Lý rõ như ban ngày, sự thật hiển bày trước mắt. Thế nên, người con thảo cháu hiền phải sáng suốt ý thức, phải tỉnh giác làm tròn bổn phận làm con. “Người trung hiếu đứng trong trời đất phải có danh gì với núi sông”; phải nằm lòng câu: “Ngàn năm lòng con còn ôm hận, mỗi lần nhắc hiếu nhớ mẹ hiền”; phải ghi nhớ “Công cha như núi Thái-Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”; lòng phải biết cảm xúc bâng khuâng “Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân”.
Nhớ cha mẹ suông thôi nào có đủ!? Thương cha mẹ bằng lời nói thở than hay khóc kể nào có thực! Hiếu kính cha mẹ bằng hình thức thiểu não khóc than, để cho đời thầm khen giả tạo nào có trọn đạo hiếu? Mà nhớ thương cha mẹ phải bằng thực tế tâm tình và nghĩa cử chân thành mới thực sự hiếu kính nhớ thương. Nghĩa là khi cha mẹ còn sống nên chăm sóc cha mẹ ăn uống thuốc thang, sớm hôm thăm viếng, khuyên cha mẹ phát tâm quy y Tam-Bảo, làm việc phước thiện, tin nhân quả luân hồi nghiệp báo.Một khi cha mẹ qua đời, tùy theo khả năng mình mà đem hết sức hết lòng tụng kinh niệm Phật ăn chay, cố gắng làm lành bồi đức cúng dường Tam-Bảo, trai tăng, ấn tống kinh điển, nguyện đem tất cả công đức lành làm được hồi hướng cầu siêu độ cho cha mẹ. Ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường, mới thực là noi theo gương hiếu hạnh Mục-Kiền-Liên tôn giả. Người con phải biết lo đền trả ơn sanh thành dưỡng dục mẹ cha như vậy họa hoằng mới trả được phần nào ân đức sanh thành, bằng không, người con sẽ mang lấy quả báo khổ đau trong vô lượng kiếp về sau. Nhưng điều báo hiếu có ý nghĩa nhất là người con phải biết tu tâm sửa tánh làm lành, vun bồi phước đức bố thí, cúng dường:
Chữ hiếu đền trả làm sao
Cho tròn bổn phận công lao sanh thành
Làm con phải biết tu hành
Nhất nhơn thành Phật siêu sanh cửu huyền.
Cha mẹ cực khổ tu bổ cho con cái thân thể hình hài, nuôi con khôn lớn mà con vì danh lợi ái tình bè bạn dục lạc sanh tâm vong ân bội nghĩa bỏ bê cha mẹ già yếu hẩm hiu hoặc ngăn cản không cho cha mẹ tu tâm dưỡng tánh hành thiện tạo phước, thì đó là oan gia nghiệp chướng, quỷ sa tăng của cha mẹ chứ không phải là con. Sư trưởng nhọc công tận tụy dạy dỗ cho ta kiến thức, vun bồi cho ta tinh thần đạo đức nên danh nên phận. Ơn cha mẹ, ơn sư trưởng là hai trong bốn trọng ơn của người con hiếu thảo, của người Phật tử chơn chánh có tâm thành hướng thiện. Ơn nặng chưa đền, nghĩa sâu chưa trả thì ba đường ác đạo thật khó thoát qua. Ân cha mẹ, ân sư trưởng chưa tròn thì luân lý chưa cho phép lương tâm đạo nghĩa hoàn thành nhân cách. Thế thì làm sao có được phước đức để cầu được đạo quả giải thoát! Xưa nay những người hoàn thành nhân cách, thành bậc thánh hiền, trước tiên hoàn thành hiếu đạo.
Rằm tháng bảy là ngày mười phương chư Tăng tự tứ, ngày chư Phật hoan hỷ, vì thấy hàng đệ tử xuất gia đã tròn đầy ba tháng an cư chuyên tâm tinh tấn tu hành giới đức thanh tịnh, ngày trưởng tử Như-Lai tăng trưởng hạ lạp thọ tuế, cũng còn là ngày kỷ niệm Mục-Kiền-Liên tôn giả cứu mẹ là bà Thanh-Đề thoát vòng ngạ quỷ. Nên rằm tháng bảy Vu-Lan mang ý nghĩa trọng đại, là ngày giải cứu tội khổ cực hình của thân nhân và vạn loại sanh linh. Do đó có câu: “Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân”.
Trên đời bất cứ vật gì thân yêu quý giá đến đâu, nếu có mất đi còn có cơ hội tìm lại, chứ cha mẹ một khi đã qua đời rồi thì vĩnh viễn không có cơ duyên hội ngộ.
Hôm nay nhân dịp Vu-Lan mỗi người con thảo cháu hiền trầm tư thử tự hỏi lòng mình đã có nghĩa cử nào hoặc lá thư, hoặc gói quà, hoặc cành hoa hoặc lời thương kính dâng tặng cha mẹ chưa? Nếu không may cha mẹ đã qua đời thì người con đã thành tâm thương nhớ cha mẹ chưa? Nếu thật tâm thương nhớ cha mẹ thì nên dâng hương cúng dường Tam-Bảo, hoặc làm phước để tỏ lòng báo hiếu mẹ cha, hoặc thiết lễ cúng dường trai tăng, hoặc tụng kinh niệm Phật ăn chay để hồi hướng công đức đến cha mẹ. Như thế mới thật sự là người con hiếu. Bằng không có nghĩa cử nào như thế thì thật là người con quá đỗi vô tình vô tâm, tránh sao cha mẹ khỏi âm thầm buồn tủi thân phận vô phước vì đứa con quên gốc quên nguồn!
Ân cha mẹ báo đền chưa?
Sao theo ác đảng, tin bừa thần linh
Làm người phải biết ân tình
Mẹ cha là đấng tạo mình lớn khôn
o Điều gì mình không ưa thích thì đừng làm cho người
o Ngọt ngào hơn gắt gỏng
o Lời ngọt lọt tận xương
o Lời ngọt dịu dễ xiêu lòng người
o Lời ngay thẳng thường trái tai, nhưng không hại.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/08/2011(Xem: 4903)
Sự truyền ngôi báu của vua Hùng cho hoàng tử Tiết Liêu đã chứng tỏ rằng, từ ngàn xưa, cha ông ta đã biết lấy sự hiếu đạo để làm tiêu chí, và làm thước đo nhân cách...
02/08/2011(Xem: 4296)
Tôi còn nhớ những lần ngồi tô màu vẽ ở bàn ăn trong nhà bếp. “Mẹ, xong rồi. Hãy nhìn tranh của con này”. “Ồ, đẹp quá”, mẹ trả lời, và tiếp tục với công việc đang làm.
02/08/2011(Xem: 5203)
Ba đã ra đi rất tuyệt vời, khiến con cảm thấy Phật pháp thật nhiệm mầu và hiểu rõ mình cần chuẩn bị tư lương cho tôt trước khi xác thân tan rã. Ba ơi!
01/08/2011(Xem: 11537)
Mùa báo hiếu sao quên thân phụ Luôn nhắc mình lòng nhủ nhớ ơn Công cha như núi Thái sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
01/08/2011(Xem: 5034)
Tôi mới chuyển nhà đến một nơi ở mới không bao lâu, và cứ mỗi ngày vào lúc trời gần sáng ở lầu trên vang ra tiếng đóng cửa rất mạnh, và kế tiếp là âm thanh của một tràng tiếng chân...
01/08/2011(Xem: 13930)
Mỗi người con khi rời xa gia đình, đều mang theo mình là cả một trời thân thương trong lời ru, trong tình thương, trong ánh mắt, trong trái tim bà mẹ.
01/08/2011(Xem: 6615)
Đức Phật của chúng ta đã dạy rất nhiều về đạo hiếu trong khắp cả các kinh điển. Chúng ta là Phật tử thì phải tâm tâm niệm niệm báo đền ân đức cha mẹ...
31/07/2011(Xem: 5258)
Một điều đáng chú ý là trong ngày hội Vu Lan Bồn, ngoài lễ nghi dâng cúng hương hoa, vật thực lên đức Phật, chư Tăng để cầu nguyện cho cửu huyền thất tổ...
31/07/2011(Xem: 5872)
Cùng chung một niềm tri ân vô hạn, ôn lại lịch sử, nhớ gương hiếu hạnh của người xưa, lòng chúng ta rung động vì mối cảm hoài đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.
31/07/2011(Xem: 12856)
Mùa Vu Lan lại về, tôi bồi hồi xúc động. Ai cũng có một người mẹ trong trái tim. Sương mù và mưa ngâu. Nhớ thương và xót xa một cái gì đã mất.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]