Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vu Lan phát nguyện

11/04/201312:01(Xem: 4289)
Vu Lan phát nguyện

Những mùa Vu Lan

Vu Lan phát nguyện

Thích Đức Niệm

Nguồn: Thích Đức Niệm

Đã mấy độ Vu-Lan rồi, mà người đây vẫn còn ngồi trên đất khách. Hồi tưởng lại lần bấm đốt tay, chưa chi đã hơn mười lăm năm xa cách quê hương. Biết bao nỗi nhớ niềm thương chĩu nặng cõi lòng.
Nhớ thương thầy xưa chùa cũ, bạn đạo hiền hòa. Nhớ thương mái chùa uốn cong tịch mịch chan chứa tình thương. Nhớ thương thương nhớ chuông chùa hôm sớm nhẹ ngân hòa điệu với nếp sống người dân hiền lành. Nhớ làng mạc nhà tranh vách lá, cây đa đầu làng, dòng sông nhỏ uốn khúc dọc theo con đường đá sỏi từ làng ra tỉnh. Nhớ vườn cây trái bên cạnh cánh đồng bát ngát lúa mạ xanh tươi. Nhớ tiếng cười hồn nhiên của những thôn nữ cùng hòa vui với các chú mục đồng. Nhớ những đám rừng cây khô vàng, ruộng đồng đường xá loang lổ hầm hố bởi bom đạn chiến tranh tàn phá gây nên. Nhớ những nấm mồ chiến sĩ vô danh. Nhớ đến mộ phần của cha mẹ bị nứt bể bởi tiếng nổ của đại bác kinh hoàng. Nhớ ơi là nhớ, thương ơi là thương! Nhớ thương cha mẹ biết dường nào! Giờ đây hai đấng sanh thành dưỡng dục ở đâu? Sao đã mấy mươi năm hành đạo mà người con này vẫn không sao thấu rõ mẹ cha hiện giờ sanh ở thế giới nào? Nhớ thương thầy bạn, các người vắng bóng dần trên cõi trần gian như lá vàng trước gió cuối thu.
Mẹ ơi! Giờ đây mẹ cha đang ở nơi nào? Ngày con còn bé nhỏ mới lên bốn tuổi, chưa đến cái tuổi chạy chơi, chưa đến cái tuổi vào đời, chưa có đủ trí khôn để tự lực cánh sinh, thì mẹ đã vội lìa bỏ con ở lại cõi trần thế để về bên kia thế giới. Trước khi mẹ nhắm mắt trút hơi thở cuối cùng, mẹ còn gắng sức thu lấy năng lực dạy chị Hai con lần chót: “Thôi đi con, đừng khóc nữa! Mẹ biết mẹ không thể nào còn sống với các con. Con có thương mẹ thì thay mẹ dạy dỗ các em. Con muốn báo đền ơn mẹ, thì con nên giúp cha con lo việc nhà và khuyên em con phát tâm xuất gia đầu Phật tu hành theo gương đức Mục-Kiền-Liên!” Đây là mấy lời cuối cùng của mẹ nói với chị Hai trước khi vĩnh biệt cõi đời! Lời trăn trối này của mẹ tôi cách đây đúng bốn mươi năm vẫn còn thâm trầm khắc sâu trong tâm khảm tôi, hiện rõ trong đầu óc tôi. Nhất là mỗi độ Vu-Lan rằm tháng bảy, khi tụng kinh Vu-Lan và kinh Báo-Trọng-Ân Phụ-Mẫu thì lời nói cuối cùng của mẹ, hình bóng mẹ hiền, hình ảnh hiếu hạnh của ngài Mục-Kiền-Liên, dung nghi hiền hòa của thầy bổn sư lại sống dậy, chiếm trọn cả tâm hồn tôi.
Thầy tôi là nhà tu hiền hòa chơn chất. Cha tôi là người cương trực ưa thích việc từ thiện giúp đời. Mẹ tôi là người tánh tình dễ dãi vui cười hỷ xả bao dung. Thân tôi tuy ở đây, ở dưới mái Phật-Học-Viện Quốc-Tế đơn sơ hiền hòa thanh tịnh trên đất khách quê người, mà lòng vẫn bâng khuâng hoài tưởng đấng sanh thành, những bậc ân nhân. Để đỡ bớt nhớ thương, tôi đã học theo tâm hạnh Phật pháp lòng vô thượng, mang đại nguyện hoằng dương chánh pháp lợi sanh, hầu mong bòn mót được chút phước lành, nguyện hồi hướng về cha mẹ và sư trưởng cùng pháp giới chúng sanh, để gọi là đền ơn sanh dưỡng giáo huấn giúp đỡ trong muôn một. Tôi luôn luôn nghĩ rằng các ngài vẫn còn hoạt hiện trong lẽ chết như sống, hiển linh bên cạnh mình.
Vì vậy, trên con đường hành đạo hoằng pháp, có những lúc gặp phải chướng ngại hiểm nguy, tôi thành tâm quỳ trước Phật đài khấn nguyện đức Từ-Phụ Thích-Ca từ bi gia hộ; tôi cầu thỉnh Long-thần Hộ-pháp Bát-bộ Thiên-long hộ trì; tôi một lòng thiết tha mời gọi cha mẹ về để giúp đỡ tôi. Nhờ vậy, tiền hung hậu kiết, chướng nạn nào cũng qua, tâm nguyện nào rồi cũng thành tựu. Tôi tuyệt đối tin vào thần lực của Phật và Bồ-Tát. Tôi hoàn toàn tin vào sức hộ trì của Long-thần Hộ-pháp và cha mẹ tôi. Tôi tin vào ánh sáng chân lý có thừa năng lực quét sạch bóng tối vô minh của tâm thức. Tôi tin vào lương tri tâm lực và khả năng của chính tôi. Tất cả tin tưởng đó cho tôi nhẫn lực để thực hiện tâm nguyện của mình trên đường hành đạo.
Tôi biết rõ tâm nguyện của các Ngài lúc nào cũng thương những ai có lòng phụng sự đạo đức và đạo lý giác ngộ cứu độ quần sanh. Người mang tâm nguyện phụng sự chân lý đạo đức giác ngộ là người xông pha vào trận mạc của ma quân. Thế nên, khi Phật còn ở đời, Ngài đã bao lần khuyên dạy đệ tử: “Nhẫn nhục là chiếc áo giáp tốt nhất để cho người tu hành khắc phục chướng duyên, thăng tiến trên đường giác ngộ giải thoát”. Tôn-giả Xá-Lợi-Phất, Mục-Kiền-Liên, Phú-Lâu-Na là những chiến sĩ của trí huệ từ bi tuyệt vời, gương sáng muôn đời cho những ai nguyện cống hiến đời mình cho sự nghiệp hoằng pháp. Người mang đại nguyện hoằng pháp lợi sanh đối với vấn đề gian nan nguy hiểm chướng ngại khó khăn thì không thành vấn đề. Sứ mạng hoằng pháp lợi sanh là sứ mạng thiêng liêng, cho dù có tan xương nát thịt tưởng cũng chưa đền được bốn ân nặng. Thế nên, trưởng tử Như-Lai phải lấy Mục-Kiền-Liên, Phú-Lâu-Na làm gương soi sáng cho đời mình để thăng tiến trên đường hoằng pháp.
Một hôm tôn-giả Phú-Lâu-Na xin Phật tự nguyện đến xứ Du-Na là xứ man rợ nguy hiểm để hoằng pháp. Phật hỏi Phú-Lâu-Na rằng: “Nếu đến đó hoằng pháp mà bị người nhục mạ, mắng nhiếc thì con đối trị với họ bằng cách nào?”
Phú-Lâu-Na thưa: “Bạch Đức Thế-Tôn, đệ tử nghĩ rằng họ đối với con như thế thì còn quá tốt. Vì họ chỉ chửi rủa chứ không dùng gậy cây đánh đuổi.”
Phật lại hỏi: “Nếu họ dùng gậy cây đánh đuổi hoặc dùng gạch ngói đá sỏi ném vào người con thì con nghĩ sao?”“Bạch Đức Thế-Tôn, họ vẫn còn là người tốt, vì họ chưa nhẫn tâm gây thương tích cho đệ tử”.
-Nếu họ gây thương tích cho con thì con nghĩ sao?
-Vẫn còn là người tốt, vì họ chưa giết hại đệ tử.
-Nếu họ giết con?
-Vẫn còn là người tốt, vì họ chấm dứt cái thân tứ đại giả huyễn này để cho con sớm được đạo quả Niết-Bàn, đó là một cơ hội hiếm có để cho con sớm được đền đáp tứ trọng ân.
Trước đại chúng, đức Phật khen: “Phú-Lâu-Na quả xứng đáng và chân chánh là đệ tử của ta trong hạnh hỷ xả vong thân cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh”.
Các Ngài đích thực đã trở thành những chiến sĩ của đạo pháp cao siêu, chiến sĩ của từ bi vô lượng, chiến sĩ của tình thương và giác ngộ muôn loài. Các ngài trọn đời đã hy sinh cho chân lý giác ngộ. Mục-Kiền-Liên tôn-giả đã xả thân trên đường hoằng pháp khi đức Phật còn tại thế. Phụng sự đạo pháp chỉ thuần chơn phụng sự đạo pháp là chánh niệm phụng sự đạo pháp. Phụng sự đạo pháp đừng cầu mong dễ dãi thuận duyên. Dễ dãi thuận duyên sẽ là nguyên nhân sâu kín và gốc rễ của ngã mạn ích kỷ và tham sân. Mang tâm niệm lợi danh ích kỷ phụng sự đạo pháp, thì đạo pháp bị danh lợi hóa sẽ trở nên hẹp hòi nhân ngã đua tranh phân tán tan hoại. Nghĩ đến cá nhân hơn đạo pháp thì chân lý đạo pháp sẽ thành tham vọng cá nhân, đưa cá nhân vào rừng tội lỗi, đưa đạo pháp vào hố thẳm phân ly suy đồi. Các bậc cổ đức đã chẳng dạy: “Tà nhân thuyết chánh pháp, chánh pháp biến vi tà”. Nghĩa là, kẻ tà nói chánh pháp, chánh pháp biến thành tà pháp đó sao?
Thế nên, trên đường tu tập, hành đạo hoằng pháp phải cẩn trọng nhận định chánh tà, phải cẩn trọng trong việc thân gần thầy bạn. Nếu hành giả tu Phật chỉ muốn cầu an hưởng nhàn, ham vui tạp sống, ngồi tán gẫu để ngày tháng trôi qua, thì vô tình bội bạc tâm chí cầu đạo, đi xa dần đạo giác ngộ, chỉ lại rơi sâu vào trong biển thức thị phi, si mê lầm lạc! Như thế thật là oan uổng một đời, không lợi ích gì cho chính bản thân, mà đối với đạo pháp chỉ tạo thêm tổn thương, đối với đời vô hình chung trở thành loài ma quân phá hại nhân tâm, phá hại niềm tin Phật pháp.
Kẻ viết nầy đã sớm xuất gia theo thầy học đạo từ thuở tuổi mới mười ba xả thân làm điệu, đầu còn để chỏm. May mắn có chút duyên lành “sanh phùng trung quốc, trưởng ngộ minh sư”, phụng sự nhiều bậc cao tăng thiền đức, sớm tiếp nhận trí đức từ các ngài. Giờ đây các ngài nguyện mãn, xả báo thân để nhập đại thể pháp thân, đã lần lượt về cảnh Phật. Bạn đồng tu ở cái thuở sơ tâm học đạo có đến gần trăm, với thời gian trên đường hành đạo cũng rơi rớt dần theo năm tháng. Nay ngồi gẫm tính lại bạn lữ đạo tình đếm không hết đầu ngón tay. Thế mới hay tổ xưa khuyến giáo: “Xuất gia nan tịch liêu đạm bạc, gian tân khổ huất đẳng sự”. Nghĩa là, người xuất gia khó lắm, ngày ngày phải sống trong cảnh cô liêu đạm bạc, phấn đấu với bao nỗi khó khăn nhọc nhằn.
Bạn cùng trường cùng lớp cả thảy năm mươi hai, đã mai một theo thời gian, giờ đây quanh đi nhìn lại chẳng còn ai! Đường đời như dòng thác đổ, lắm nỗi thịnh suy thăng trầm tan hợp! Thảo nào cổ nhân đã nhắn nhủ: “Cuồn cuộn trường giang đăng lưu thủy, thảo hoa đào tận anh hùng, thịnh suy thành bại chuyển đầu không, thanh sơn y cựu tại, cơ độ tịch dương hồng” – Giòng đời trôi mãi như nước sông cuồn cuộn chảy, như thác đổ đá ghềnh cuốn trôi nhận chìm bao kẻ anh hùng tuấn tú đắm mê dục vọng. Núi vẫn xanh, bao lần bóng chiều hoàng hôn phủ, thành bại thịnh suy, khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.
Thế nào là khéo tu? - Khéo tu là biết chọn thầy lựa bạn; biết hạn chế tham muốn, biết quý chuộng người thật học chân tu hiền đức ; biết dứt khoát từ bỏ tâm tánh bè phái địa phương a dua ích kỷ; biết xả kỷ lợi tha; biết hy sinh quyền lợi cá nhân để phụng sự cho lý tưởng đai nghĩa cao cả; biết giữ tâm niệm phân biệt chánh tà, phát nguyện tu trì bất xả. Như thế là khéo tu. Thế nào là vụng tu? Vụng tu là lầm tin theo tà sư bạn ác, kết bè phe phái, tham mê danh lợi, thích tụ năm dụm bảy phê bình chỉ trích người xả thân phụng sự chánh pháp hành đạo thành quả hơn mình. Cố chấp tư kiến, mù quáng lẽ phải, không nhận chánh lý, tâm nghĩ danh lợi ý đồ chức quyền trên trước. Như thế, thân tuy hành đạo mà tâm chưa vào đạo. Vậy là vụng tu.
Kính lạy đức Thế-Tôn! Ngài là bậc từ bi hỷ xả vẹn toàn. Ngài đã xả bỏ tất cả vinh hoa phú quý tột đỉnh của bậc đế vương, để mang tình thương trải rộng cho muôn loài. Thế mà suốt cuộc đời hoằng pháp của Ngài có được mấy lúc không bị phá hoại đâu? Huống nữa là kẻ phàm phu như con đã chọn lấy con đường của Ngài mà đi, thì phải chấp nhận chông gai nguy khó. Nhưng con vững tin rằng chân lý thắng tà ngụy, ánh sáng mặt trời phá tan mây mù, bầu trời quang đãng sẽ sáng lạng huy hoàng! Bão tố hung hăng chẳng mấy lúc. Trời lại trong sáng huy hoàng với nhật nguyệt trăng sao.
Kính bạch Mục-Kiền-Liên tôn-giả, trong công cuộc hoằng pháp lợi sanh, phát huy ánh đạo từ bi giác ngô, Ngài đã góp sức đắc lực, là cánh tay trái của đức Thế-Tôn, và Ngài đã bỏ mạng trên đường hoằng dương chánh pháp độ sanh bởi thế lực vô minh tà giáo cường khấu bức ngặt. Tuy thân tứ đại của Ngài chấm dứt, nhưng gương hy sinh vì đại nghĩa của Ngài ngời sáng mãi mãi muôn đời. Con quyết theo gương hy sinh cao cả của Ngài, nguyện dâng trọn đời cho công cuộc xiển dương chánh pháp.
Kính thưa cha mẹ! Cha mẹ đã khổ cực vì con, để cho con được khôn lớn. Cha mẹ đã cho con cái thân nầy để ngày nay con dùng nó phụng sự đạo pháp và chúng sanh. Ân cha mẹ như trời cao bể cả, con nguyện gắng tu, chăm học, đem hết năng lực của mình để phụng sự đạo cả, những mong đền trả phần nào ân đức cù lao. Nhờ ơn đức Phật, ơn sư trưởng đã cho con biết được đường tu, đủ trí phân định chánh tà, không bị mê lầm sa ngã vào thầy tà bạn ác, ngoại đạo ma quân. Ơn đàn na thí chủ đã giúp đỡ vật dụng hằng ngày để nuôi sống thân nầy, nhờ đó con yên tâm chuyên lo tinh tấn phát triển minh tâm kiến tánh giữ vững pháp thân huệ mạng. Ơn các bậc minh quân tử sĩ đã hy sinh giữ gìn lãnh thổ quốc gia. Ơn các Thánh-tử-đạo đã vị pháp thiêu thân, xả bỏ mạng sống quý báu để bảo tồn đạo pháp. Chính nhờ sự hy sinh cao cả của các vị mà thủy thổ, chỗ ở tu hành được bình yên, đạo pháp được vĩnh tồn hưng thạnh.
Kính lạy đức Thế-Tôn Từ-Phụ! Kính lạy Mục-Kiền-Liên tôn-giả người con hiếu hạnh muôn thuở! Kính lạy tôn-giả Phú-Lâu-Na! Kính thưa cha mẹ! Bao nhiêu người đã chết để cho con được sống. Bao nhiêu người đã nằm xuống để cho con được đứng dậy đi. Bao nhiêu người đã khổ cực quỵ ngã để cho con được yên thân tu hành. Bên kia Thái-bình-dương quê hương đang chìm đắm trong rách nát đói nghèo sau hơn ba mươi năm chiến tranh chết chóc! Đồng bào quyến thuộc đang ngày đêm khổ cực! Thầy bạn đang bị bức bách tù đày! Quê hương dân tộc đạo pháp đang dẫy dụa dưới ách thống trị của cường quyền tặc khấu vô thần! Kính lạy đức Thế-Tôn! Kính thưa cha mẹ! Con không thể nào dễ dãi với chính con để sống qua ngày đoạn tháng, bàn chuyện phù phiếm thị phi. Con luôn luôn tự cảnh giác sống trong tỉnh thức trong chánh niệm quyết không để bị lôi cuốn đi theo con đường bè phái quyền danh lợi dưỡng hại đạo phá sản niềm tin chánh pháp. Vì vậy, dù trên đường hành đạo, trong sự nghiệp đào tạo tăng tài, trên vai nặng gánh trách nhiệm hoằng pháp lợi sanh có gian nan nguy hiểm dồn dập trăm ngàn lần, con nguyện vẫn một lòng sắt son kiên tâm quyết theo con đường đức Phật, noi gương hiếu hạnh và tinh thần vô úy, Bi, Trí, Dũng của Ngài Mục-Kiền-Liên, tôn-giả Phú-Lâu-Na hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh. Hình ảnh Bồ-Tát Thích-Quảng-Đức ngồi trong lửa hồng hy sinh đời mình cho đạo pháp. Hình ảnh những vị Thánh-tử-đạo, trong đó có những người là bạn con, đã hy sinh cho lý tưởng đạo pháp. Những hình ảnh oai hùng rực sáng muôn đời đó cứ hiện rõ trong tim óc con, thúc dục nơi lòng con như nhắn nhủ: “Uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây; làm con phải hiếu, phụng sự chánh pháp chớ không phụng sự cá nhân; hiến dâng đời mình cho lý tưởng giác ngộ giải thoát, cho đại nghĩa hoằng pháp lợi sanh”.
Do đó, con nguyện phụng sự đạo pháp và chúng sanh bằng cách đào tạo tăng ni trở thành những người chân tu thật học, sống cho lý tưởng giác ngộ lợi tha. Cụ thể hóa cho tâm nguyện hoằng pháp nầy, con nguyện in những kinh sách Phật giáo giá trị để trang trải cho mọi người trong khắp bốn phương cầu học đạo tiến tu. Con nguyện đem hết khả năng trọn đời mình cho sự nghiệp hoằng pháp. Nơi nào chúng sanh cần thì đến giảng đạo, hướng dẫn tu hành. Chúng sanh hết cần thì đi. Đến đi tùy nhân duyên, nhẹ nhàng thanh thoát như gió thoảng cành trúc, nhạn qua mặt hồ. Không mảy may tham đắm, chấp trước vướng bận ân tình thân sơ. Tất cả đều xả ly, gạt bỏ thị phi ngoài tai, chỉ còn lại niềm tin và tâm nguyện. Nguyện dâng trọn niềm tin và tâm nguyện cho lý tưởng lợi tha giác ngộ giải thoát. Dâng trọn tâm tư lên đức Phật.
Hôm nay nhân mùa Vu-Lan, trong làn khói trầm hương quyện tỏa, trong khung cảnh thiêng liêng nguyện cầu, con xin cúi đầu chí thành chí kính đảnh lễ Tam-Bảo, phát nguyện trọn đời theo gương hiếu hạnh và gương hy sinh vì đạo pháp và chúng sanh của Phú-Lâu-Na, của Mục-Kiền-Liên tôn-giả. Con nguyện đem đời con làm đất che chở tất cả muôn loài. Con nguyện đem con làm nước rửa sạch tất cả ô uế của trần gian. Con nguyện con là cây chổi quét phủi tất cả bụi trần phiền não của chúng sanh. Con nguyện con là ngọn đuốc đốt rụi gai gốc, phá trừ vô minh, soi sáng đường đi cho mọi người. Con nguyện con là dòng suối mát cho thế nhân tắm mát giải thoát. Nguyện lấy tâm Phật làm tâm mình; lấy hạnh Phật làm hạnh mình; lấy nguyện Phật làm nguyện mình.
Nguyện đức Phật, Bồ-Tát, anh linh tu sĩ, hồn thiêng đất nước, liệt thánh tử đạo và cha mẹ hiển linh phò hộ cho đất nước sớm thanh bình, dân tộc sớm thoát khỏi màn lưới thế lực ác nghiệt đói khổ nô lệ của hữu thần vô thần vô minh dục vọng phi nhân áp bức, để có được đời sống an lành thịnh vượng, và hộ độ cho con chân cứng đá mềm, đủ nghị lực tâm chí sắt son, ngõ hầu khắc phục khó khăn, thuận duyên thực hiện trọn vẹn hạnh nguyện hoằng pháp lợi sanh, để báo đền ân sâu nghĩa nặng tứ trọng ân trong muôn một. Tất cả tâm tư thành kín dâng trọn lên mùa Vu-Lan phát nguyện.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 5698)
Khi nghĩ về công ơn sanh thành dưỡng dục, thì chúng ta đã tạo nên một mạch nguồn của ân đức, của nghĩa trọng tình sâu, của dòng tâm thức luân lưu bất diệt. Một suối nguồn của thơ ca, của tiếng nhạc trầm hùng, lúc sâu lắng lúc thì nhẹ nhàng đi vào nhân thế vừa bất hủ vừa rung động thức tỉnh. Thế mới biết, giấy mực trần gian chẳng viết lên nỗi hai chữ “Mẹ ơi” cho trọn vẹn.
10/04/2013(Xem: 4821)
Giáo pháp của đạo Phật sâu thẳm được ví như đại dương mênh mông. Cửa vào đạo có muôn ngàn lối, hành giả khi bước vào nếu không trang bị đức tin vững vàng chắc sẽ choáng ngợp bởi sự uyên áo, sâu kín và pháp mầu vi diệu. Nếu thế thì con đường vào đạo của chúng ta thì sao, những người đầy nghiệp lực và hệ lụy của tham ái?
10/04/2013(Xem: 4467)
Với cái nhìn tuệ giác, Đức Phật quán chiếu trong vòng nghiệp duyên của chúng sanh, Ngài đã thấy được không có một chúng sanh nào tồn tại độc lập, mà ngược lại lưu chuyển trong vòng tương duyên với nhau. Tất cả vì vô minh, mà chúng sanh không thấy được Ngài. Trong kinh Báo Phụ Mẫu Ân diễn tả, có lần Đức Phật đi trên đường và thấy bên lề đường một đống xương khô, Ngài đã lễ lạy đống xương ấy.
10/04/2013(Xem: 4605)
Là Phật tử, mỗi người chúng ta luôn mang tâm nguyện tiến tu trên con đường giải thoát và giác ngộ, việc trước nhất thể hiện ý nghĩa đó là cần phải học Phật. Có học Phật cặn kẽ, rõ ràng và căn bản, chúng ta mới có cơ hội để tiếp nhận ánh sáng của đức Phật tỏa chiếu muôn nơi mà không e sợ đi lạc đường, lầm lối, dẫn vào tà đạo, và mới có thể mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong cuộc sống cho chính mình và cho tha nhân.
10/04/2013(Xem: 4177)
Truyền thống giáo dục của Phật giáo có ba hình thức căn bản, gồm: khẩu giáo, thân giáo và ý giáo. Tùy theo căn cơ của người đệ tử mà các bậc thầy có thể sử dụng nhiều phương thức hướng dẫn khác nhau, nhưng thân giáo vẫn là quan trọng hơn cả cho thầy lẫn trò. Trở về khoảng thời gian Đức Phật còn tại thế, sự thuyết giảng của Ngài chưa bao giờ có hình thức giảng dạy như hình thức viết lách như chúng ta hiện nay.
10/04/2013(Xem: 5056)
Ánh sáng giác ngộ được hiểu như là một sự dập tắt vô minh, vọng tưởng điên đảo trong tâm trí của con người, là sự biết rõ sự thật về nguyên nhân và kết quả, nhận thức và hành động, con người và môi trường xung quanh. Giác ngộ là sự hiểu biết chân chánh, thấy rõ bản chất như thật của sự vật, vạn pháp. Giác ngộ còn có nghĩa là đoạn tận khổ đau, dứt trừ những tập khí phiền não bao trùm đời sống của con người trong nhiều kiếp sống, là sự thoát ly những con đường dẫn chúng sanh lên xuống trong sáu nẻo luân hồi trong vô minh bừng cháy.
10/04/2013(Xem: 5282)
Bát Chánh Đạo hoặc Bát Thánh Đạo là giáo lý căn bản của Đạo đế (trong Tứ Đế) gồm ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Đây là những phương tiện hành trì phổ biến sâu rộng chung cho Ngũ thừa Phật giáo. Trong bài pháp Tứ đế đầu tiên đức Phật giảng tại vườn Lộc Uyển, về phương pháp hành trì hay Đạo đế, con đường dẫn đến an vui Niết bàn. Đức Phật đã long trọng chỉ Bát thánh đạo cho năm bạn đồng tu là nhhóm Kiều Trần Như.
10/04/2013(Xem: 4374)
Chúng ta thấy rất rõ, từ cái nhìn của một người dù không phải là Phật tử , khi họ thấy chiếc y màu vàng đắp trên người của các vị Tăng Phật giáo, họ vẫn dễ dàng nhận biết được đó là tu sỹ Phật giáo, một cái nhìn quán tính, đã ăn sâu trong ký ức của mọi người. Đó là hình ảnh hiện thân của Đức Phật, và ngày này vẫn được tiếp nối trong Phật giáo. Ít nhất, hình bóng này, người bình thường cũng dễ dàng nhận biết và phân biệt được. Như Phật tử chúng ta có dịp thấy chư Tăng Nam tông ở các nước theo truyền thống Nam tông như Thái lan, Tích Lan, Miến điện, Lào và Campuchia v.v... và một bộ phận nhỏ ở Việt nam.
10/04/2013(Xem: 4586)
Đức Phật thường được ca tụng như một bậc vĩ nhân. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, bởi vì vĩ nhân thường được hiểu như những bậc kỳ tài xuất chúng trong một lĩnh vực nào đó, hoặc có thể là nhiều lĩnh vực, mang lại lợi lạc cho con người trong một mức độ nào đó. Có thể là một vĩ nhân ở phương Đông nhưng chưa hẵn là kỳ tài ở phương Tây.
10/04/2013(Xem: 7107)
Kinh Hoa Nghiêm nói rằng: "Tín là gốc của Đạo, là mẹ đẻ của mọi thứ công đức, nuôi lớn hết thảy gốc của Thiện". Đối với tôn giáo nói chung, đức tin phần lớn là bước đầu tiên để con người phát sinh lòng mến yêu đạo. Trong đạo Phật, tín là một trong những điều kiện căn bản để thành tựu các công đức lành (Tín- Hạnh- nguyện). Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng nói: Tin ta mà không hiểu ta là hủy báng ta.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]