Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vu Lan phát nguyện

11/04/201312:01(Xem: 4309)
Vu Lan phát nguyện

Những mùa Vu Lan

Vu Lan phát nguyện

Thích Đức Niệm

Nguồn: Thích Đức Niệm

Đã mấy độ Vu-Lan rồi, mà người đây vẫn còn ngồi trên đất khách. Hồi tưởng lại lần bấm đốt tay, chưa chi đã hơn mười lăm năm xa cách quê hương. Biết bao nỗi nhớ niềm thương chĩu nặng cõi lòng.
Nhớ thương thầy xưa chùa cũ, bạn đạo hiền hòa. Nhớ thương mái chùa uốn cong tịch mịch chan chứa tình thương. Nhớ thương thương nhớ chuông chùa hôm sớm nhẹ ngân hòa điệu với nếp sống người dân hiền lành. Nhớ làng mạc nhà tranh vách lá, cây đa đầu làng, dòng sông nhỏ uốn khúc dọc theo con đường đá sỏi từ làng ra tỉnh. Nhớ vườn cây trái bên cạnh cánh đồng bát ngát lúa mạ xanh tươi. Nhớ tiếng cười hồn nhiên của những thôn nữ cùng hòa vui với các chú mục đồng. Nhớ những đám rừng cây khô vàng, ruộng đồng đường xá loang lổ hầm hố bởi bom đạn chiến tranh tàn phá gây nên. Nhớ những nấm mồ chiến sĩ vô danh. Nhớ đến mộ phần của cha mẹ bị nứt bể bởi tiếng nổ của đại bác kinh hoàng. Nhớ ơi là nhớ, thương ơi là thương! Nhớ thương cha mẹ biết dường nào! Giờ đây hai đấng sanh thành dưỡng dục ở đâu? Sao đã mấy mươi năm hành đạo mà người con này vẫn không sao thấu rõ mẹ cha hiện giờ sanh ở thế giới nào? Nhớ thương thầy bạn, các người vắng bóng dần trên cõi trần gian như lá vàng trước gió cuối thu.
Mẹ ơi! Giờ đây mẹ cha đang ở nơi nào? Ngày con còn bé nhỏ mới lên bốn tuổi, chưa đến cái tuổi chạy chơi, chưa đến cái tuổi vào đời, chưa có đủ trí khôn để tự lực cánh sinh, thì mẹ đã vội lìa bỏ con ở lại cõi trần thế để về bên kia thế giới. Trước khi mẹ nhắm mắt trút hơi thở cuối cùng, mẹ còn gắng sức thu lấy năng lực dạy chị Hai con lần chót: “Thôi đi con, đừng khóc nữa! Mẹ biết mẹ không thể nào còn sống với các con. Con có thương mẹ thì thay mẹ dạy dỗ các em. Con muốn báo đền ơn mẹ, thì con nên giúp cha con lo việc nhà và khuyên em con phát tâm xuất gia đầu Phật tu hành theo gương đức Mục-Kiền-Liên!” Đây là mấy lời cuối cùng của mẹ nói với chị Hai trước khi vĩnh biệt cõi đời! Lời trăn trối này của mẹ tôi cách đây đúng bốn mươi năm vẫn còn thâm trầm khắc sâu trong tâm khảm tôi, hiện rõ trong đầu óc tôi. Nhất là mỗi độ Vu-Lan rằm tháng bảy, khi tụng kinh Vu-Lan và kinh Báo-Trọng-Ân Phụ-Mẫu thì lời nói cuối cùng của mẹ, hình bóng mẹ hiền, hình ảnh hiếu hạnh của ngài Mục-Kiền-Liên, dung nghi hiền hòa của thầy bổn sư lại sống dậy, chiếm trọn cả tâm hồn tôi.
Thầy tôi là nhà tu hiền hòa chơn chất. Cha tôi là người cương trực ưa thích việc từ thiện giúp đời. Mẹ tôi là người tánh tình dễ dãi vui cười hỷ xả bao dung. Thân tôi tuy ở đây, ở dưới mái Phật-Học-Viện Quốc-Tế đơn sơ hiền hòa thanh tịnh trên đất khách quê người, mà lòng vẫn bâng khuâng hoài tưởng đấng sanh thành, những bậc ân nhân. Để đỡ bớt nhớ thương, tôi đã học theo tâm hạnh Phật pháp lòng vô thượng, mang đại nguyện hoằng dương chánh pháp lợi sanh, hầu mong bòn mót được chút phước lành, nguyện hồi hướng về cha mẹ và sư trưởng cùng pháp giới chúng sanh, để gọi là đền ơn sanh dưỡng giáo huấn giúp đỡ trong muôn một. Tôi luôn luôn nghĩ rằng các ngài vẫn còn hoạt hiện trong lẽ chết như sống, hiển linh bên cạnh mình.
Vì vậy, trên con đường hành đạo hoằng pháp, có những lúc gặp phải chướng ngại hiểm nguy, tôi thành tâm quỳ trước Phật đài khấn nguyện đức Từ-Phụ Thích-Ca từ bi gia hộ; tôi cầu thỉnh Long-thần Hộ-pháp Bát-bộ Thiên-long hộ trì; tôi một lòng thiết tha mời gọi cha mẹ về để giúp đỡ tôi. Nhờ vậy, tiền hung hậu kiết, chướng nạn nào cũng qua, tâm nguyện nào rồi cũng thành tựu. Tôi tuyệt đối tin vào thần lực của Phật và Bồ-Tát. Tôi hoàn toàn tin vào sức hộ trì của Long-thần Hộ-pháp và cha mẹ tôi. Tôi tin vào ánh sáng chân lý có thừa năng lực quét sạch bóng tối vô minh của tâm thức. Tôi tin vào lương tri tâm lực và khả năng của chính tôi. Tất cả tin tưởng đó cho tôi nhẫn lực để thực hiện tâm nguyện của mình trên đường hành đạo.
Tôi biết rõ tâm nguyện của các Ngài lúc nào cũng thương những ai có lòng phụng sự đạo đức và đạo lý giác ngộ cứu độ quần sanh. Người mang tâm nguyện phụng sự chân lý đạo đức giác ngộ là người xông pha vào trận mạc của ma quân. Thế nên, khi Phật còn ở đời, Ngài đã bao lần khuyên dạy đệ tử: “Nhẫn nhục là chiếc áo giáp tốt nhất để cho người tu hành khắc phục chướng duyên, thăng tiến trên đường giác ngộ giải thoát”. Tôn-giả Xá-Lợi-Phất, Mục-Kiền-Liên, Phú-Lâu-Na là những chiến sĩ của trí huệ từ bi tuyệt vời, gương sáng muôn đời cho những ai nguyện cống hiến đời mình cho sự nghiệp hoằng pháp. Người mang đại nguyện hoằng pháp lợi sanh đối với vấn đề gian nan nguy hiểm chướng ngại khó khăn thì không thành vấn đề. Sứ mạng hoằng pháp lợi sanh là sứ mạng thiêng liêng, cho dù có tan xương nát thịt tưởng cũng chưa đền được bốn ân nặng. Thế nên, trưởng tử Như-Lai phải lấy Mục-Kiền-Liên, Phú-Lâu-Na làm gương soi sáng cho đời mình để thăng tiến trên đường hoằng pháp.
Một hôm tôn-giả Phú-Lâu-Na xin Phật tự nguyện đến xứ Du-Na là xứ man rợ nguy hiểm để hoằng pháp. Phật hỏi Phú-Lâu-Na rằng: “Nếu đến đó hoằng pháp mà bị người nhục mạ, mắng nhiếc thì con đối trị với họ bằng cách nào?”
Phú-Lâu-Na thưa: “Bạch Đức Thế-Tôn, đệ tử nghĩ rằng họ đối với con như thế thì còn quá tốt. Vì họ chỉ chửi rủa chứ không dùng gậy cây đánh đuổi.”
Phật lại hỏi: “Nếu họ dùng gậy cây đánh đuổi hoặc dùng gạch ngói đá sỏi ném vào người con thì con nghĩ sao?”“Bạch Đức Thế-Tôn, họ vẫn còn là người tốt, vì họ chưa nhẫn tâm gây thương tích cho đệ tử”.
-Nếu họ gây thương tích cho con thì con nghĩ sao?
-Vẫn còn là người tốt, vì họ chưa giết hại đệ tử.
-Nếu họ giết con?
-Vẫn còn là người tốt, vì họ chấm dứt cái thân tứ đại giả huyễn này để cho con sớm được đạo quả Niết-Bàn, đó là một cơ hội hiếm có để cho con sớm được đền đáp tứ trọng ân.
Trước đại chúng, đức Phật khen: “Phú-Lâu-Na quả xứng đáng và chân chánh là đệ tử của ta trong hạnh hỷ xả vong thân cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh”.
Các Ngài đích thực đã trở thành những chiến sĩ của đạo pháp cao siêu, chiến sĩ của từ bi vô lượng, chiến sĩ của tình thương và giác ngộ muôn loài. Các ngài trọn đời đã hy sinh cho chân lý giác ngộ. Mục-Kiền-Liên tôn-giả đã xả thân trên đường hoằng pháp khi đức Phật còn tại thế. Phụng sự đạo pháp chỉ thuần chơn phụng sự đạo pháp là chánh niệm phụng sự đạo pháp. Phụng sự đạo pháp đừng cầu mong dễ dãi thuận duyên. Dễ dãi thuận duyên sẽ là nguyên nhân sâu kín và gốc rễ của ngã mạn ích kỷ và tham sân. Mang tâm niệm lợi danh ích kỷ phụng sự đạo pháp, thì đạo pháp bị danh lợi hóa sẽ trở nên hẹp hòi nhân ngã đua tranh phân tán tan hoại. Nghĩ đến cá nhân hơn đạo pháp thì chân lý đạo pháp sẽ thành tham vọng cá nhân, đưa cá nhân vào rừng tội lỗi, đưa đạo pháp vào hố thẳm phân ly suy đồi. Các bậc cổ đức đã chẳng dạy: “Tà nhân thuyết chánh pháp, chánh pháp biến vi tà”. Nghĩa là, kẻ tà nói chánh pháp, chánh pháp biến thành tà pháp đó sao?
Thế nên, trên đường tu tập, hành đạo hoằng pháp phải cẩn trọng nhận định chánh tà, phải cẩn trọng trong việc thân gần thầy bạn. Nếu hành giả tu Phật chỉ muốn cầu an hưởng nhàn, ham vui tạp sống, ngồi tán gẫu để ngày tháng trôi qua, thì vô tình bội bạc tâm chí cầu đạo, đi xa dần đạo giác ngộ, chỉ lại rơi sâu vào trong biển thức thị phi, si mê lầm lạc! Như thế thật là oan uổng một đời, không lợi ích gì cho chính bản thân, mà đối với đạo pháp chỉ tạo thêm tổn thương, đối với đời vô hình chung trở thành loài ma quân phá hại nhân tâm, phá hại niềm tin Phật pháp.
Kẻ viết nầy đã sớm xuất gia theo thầy học đạo từ thuở tuổi mới mười ba xả thân làm điệu, đầu còn để chỏm. May mắn có chút duyên lành “sanh phùng trung quốc, trưởng ngộ minh sư”, phụng sự nhiều bậc cao tăng thiền đức, sớm tiếp nhận trí đức từ các ngài. Giờ đây các ngài nguyện mãn, xả báo thân để nhập đại thể pháp thân, đã lần lượt về cảnh Phật. Bạn đồng tu ở cái thuở sơ tâm học đạo có đến gần trăm, với thời gian trên đường hành đạo cũng rơi rớt dần theo năm tháng. Nay ngồi gẫm tính lại bạn lữ đạo tình đếm không hết đầu ngón tay. Thế mới hay tổ xưa khuyến giáo: “Xuất gia nan tịch liêu đạm bạc, gian tân khổ huất đẳng sự”. Nghĩa là, người xuất gia khó lắm, ngày ngày phải sống trong cảnh cô liêu đạm bạc, phấn đấu với bao nỗi khó khăn nhọc nhằn.
Bạn cùng trường cùng lớp cả thảy năm mươi hai, đã mai một theo thời gian, giờ đây quanh đi nhìn lại chẳng còn ai! Đường đời như dòng thác đổ, lắm nỗi thịnh suy thăng trầm tan hợp! Thảo nào cổ nhân đã nhắn nhủ: “Cuồn cuộn trường giang đăng lưu thủy, thảo hoa đào tận anh hùng, thịnh suy thành bại chuyển đầu không, thanh sơn y cựu tại, cơ độ tịch dương hồng” – Giòng đời trôi mãi như nước sông cuồn cuộn chảy, như thác đổ đá ghềnh cuốn trôi nhận chìm bao kẻ anh hùng tuấn tú đắm mê dục vọng. Núi vẫn xanh, bao lần bóng chiều hoàng hôn phủ, thành bại thịnh suy, khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.
Thế nào là khéo tu? - Khéo tu là biết chọn thầy lựa bạn; biết hạn chế tham muốn, biết quý chuộng người thật học chân tu hiền đức ; biết dứt khoát từ bỏ tâm tánh bè phái địa phương a dua ích kỷ; biết xả kỷ lợi tha; biết hy sinh quyền lợi cá nhân để phụng sự cho lý tưởng đai nghĩa cao cả; biết giữ tâm niệm phân biệt chánh tà, phát nguyện tu trì bất xả. Như thế là khéo tu. Thế nào là vụng tu? Vụng tu là lầm tin theo tà sư bạn ác, kết bè phe phái, tham mê danh lợi, thích tụ năm dụm bảy phê bình chỉ trích người xả thân phụng sự chánh pháp hành đạo thành quả hơn mình. Cố chấp tư kiến, mù quáng lẽ phải, không nhận chánh lý, tâm nghĩ danh lợi ý đồ chức quyền trên trước. Như thế, thân tuy hành đạo mà tâm chưa vào đạo. Vậy là vụng tu.
Kính lạy đức Thế-Tôn! Ngài là bậc từ bi hỷ xả vẹn toàn. Ngài đã xả bỏ tất cả vinh hoa phú quý tột đỉnh của bậc đế vương, để mang tình thương trải rộng cho muôn loài. Thế mà suốt cuộc đời hoằng pháp của Ngài có được mấy lúc không bị phá hoại đâu? Huống nữa là kẻ phàm phu như con đã chọn lấy con đường của Ngài mà đi, thì phải chấp nhận chông gai nguy khó. Nhưng con vững tin rằng chân lý thắng tà ngụy, ánh sáng mặt trời phá tan mây mù, bầu trời quang đãng sẽ sáng lạng huy hoàng! Bão tố hung hăng chẳng mấy lúc. Trời lại trong sáng huy hoàng với nhật nguyệt trăng sao.
Kính bạch Mục-Kiền-Liên tôn-giả, trong công cuộc hoằng pháp lợi sanh, phát huy ánh đạo từ bi giác ngô, Ngài đã góp sức đắc lực, là cánh tay trái của đức Thế-Tôn, và Ngài đã bỏ mạng trên đường hoằng dương chánh pháp độ sanh bởi thế lực vô minh tà giáo cường khấu bức ngặt. Tuy thân tứ đại của Ngài chấm dứt, nhưng gương hy sinh vì đại nghĩa của Ngài ngời sáng mãi mãi muôn đời. Con quyết theo gương hy sinh cao cả của Ngài, nguyện dâng trọn đời cho công cuộc xiển dương chánh pháp.
Kính thưa cha mẹ! Cha mẹ đã khổ cực vì con, để cho con được khôn lớn. Cha mẹ đã cho con cái thân nầy để ngày nay con dùng nó phụng sự đạo pháp và chúng sanh. Ân cha mẹ như trời cao bể cả, con nguyện gắng tu, chăm học, đem hết năng lực của mình để phụng sự đạo cả, những mong đền trả phần nào ân đức cù lao. Nhờ ơn đức Phật, ơn sư trưởng đã cho con biết được đường tu, đủ trí phân định chánh tà, không bị mê lầm sa ngã vào thầy tà bạn ác, ngoại đạo ma quân. Ơn đàn na thí chủ đã giúp đỡ vật dụng hằng ngày để nuôi sống thân nầy, nhờ đó con yên tâm chuyên lo tinh tấn phát triển minh tâm kiến tánh giữ vững pháp thân huệ mạng. Ơn các bậc minh quân tử sĩ đã hy sinh giữ gìn lãnh thổ quốc gia. Ơn các Thánh-tử-đạo đã vị pháp thiêu thân, xả bỏ mạng sống quý báu để bảo tồn đạo pháp. Chính nhờ sự hy sinh cao cả của các vị mà thủy thổ, chỗ ở tu hành được bình yên, đạo pháp được vĩnh tồn hưng thạnh.
Kính lạy đức Thế-Tôn Từ-Phụ! Kính lạy Mục-Kiền-Liên tôn-giả người con hiếu hạnh muôn thuở! Kính lạy tôn-giả Phú-Lâu-Na! Kính thưa cha mẹ! Bao nhiêu người đã chết để cho con được sống. Bao nhiêu người đã nằm xuống để cho con được đứng dậy đi. Bao nhiêu người đã khổ cực quỵ ngã để cho con được yên thân tu hành. Bên kia Thái-bình-dương quê hương đang chìm đắm trong rách nát đói nghèo sau hơn ba mươi năm chiến tranh chết chóc! Đồng bào quyến thuộc đang ngày đêm khổ cực! Thầy bạn đang bị bức bách tù đày! Quê hương dân tộc đạo pháp đang dẫy dụa dưới ách thống trị của cường quyền tặc khấu vô thần! Kính lạy đức Thế-Tôn! Kính thưa cha mẹ! Con không thể nào dễ dãi với chính con để sống qua ngày đoạn tháng, bàn chuyện phù phiếm thị phi. Con luôn luôn tự cảnh giác sống trong tỉnh thức trong chánh niệm quyết không để bị lôi cuốn đi theo con đường bè phái quyền danh lợi dưỡng hại đạo phá sản niềm tin chánh pháp. Vì vậy, dù trên đường hành đạo, trong sự nghiệp đào tạo tăng tài, trên vai nặng gánh trách nhiệm hoằng pháp lợi sanh có gian nan nguy hiểm dồn dập trăm ngàn lần, con nguyện vẫn một lòng sắt son kiên tâm quyết theo con đường đức Phật, noi gương hiếu hạnh và tinh thần vô úy, Bi, Trí, Dũng của Ngài Mục-Kiền-Liên, tôn-giả Phú-Lâu-Na hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh. Hình ảnh Bồ-Tát Thích-Quảng-Đức ngồi trong lửa hồng hy sinh đời mình cho đạo pháp. Hình ảnh những vị Thánh-tử-đạo, trong đó có những người là bạn con, đã hy sinh cho lý tưởng đạo pháp. Những hình ảnh oai hùng rực sáng muôn đời đó cứ hiện rõ trong tim óc con, thúc dục nơi lòng con như nhắn nhủ: “Uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây; làm con phải hiếu, phụng sự chánh pháp chớ không phụng sự cá nhân; hiến dâng đời mình cho lý tưởng giác ngộ giải thoát, cho đại nghĩa hoằng pháp lợi sanh”.
Do đó, con nguyện phụng sự đạo pháp và chúng sanh bằng cách đào tạo tăng ni trở thành những người chân tu thật học, sống cho lý tưởng giác ngộ lợi tha. Cụ thể hóa cho tâm nguyện hoằng pháp nầy, con nguyện in những kinh sách Phật giáo giá trị để trang trải cho mọi người trong khắp bốn phương cầu học đạo tiến tu. Con nguyện đem hết khả năng trọn đời mình cho sự nghiệp hoằng pháp. Nơi nào chúng sanh cần thì đến giảng đạo, hướng dẫn tu hành. Chúng sanh hết cần thì đi. Đến đi tùy nhân duyên, nhẹ nhàng thanh thoát như gió thoảng cành trúc, nhạn qua mặt hồ. Không mảy may tham đắm, chấp trước vướng bận ân tình thân sơ. Tất cả đều xả ly, gạt bỏ thị phi ngoài tai, chỉ còn lại niềm tin và tâm nguyện. Nguyện dâng trọn niềm tin và tâm nguyện cho lý tưởng lợi tha giác ngộ giải thoát. Dâng trọn tâm tư lên đức Phật.
Hôm nay nhân mùa Vu-Lan, trong làn khói trầm hương quyện tỏa, trong khung cảnh thiêng liêng nguyện cầu, con xin cúi đầu chí thành chí kính đảnh lễ Tam-Bảo, phát nguyện trọn đời theo gương hiếu hạnh và gương hy sinh vì đạo pháp và chúng sanh của Phú-Lâu-Na, của Mục-Kiền-Liên tôn-giả. Con nguyện đem đời con làm đất che chở tất cả muôn loài. Con nguyện đem con làm nước rửa sạch tất cả ô uế của trần gian. Con nguyện con là cây chổi quét phủi tất cả bụi trần phiền não của chúng sanh. Con nguyện con là ngọn đuốc đốt rụi gai gốc, phá trừ vô minh, soi sáng đường đi cho mọi người. Con nguyện con là dòng suối mát cho thế nhân tắm mát giải thoát. Nguyện lấy tâm Phật làm tâm mình; lấy hạnh Phật làm hạnh mình; lấy nguyện Phật làm nguyện mình.
Nguyện đức Phật, Bồ-Tát, anh linh tu sĩ, hồn thiêng đất nước, liệt thánh tử đạo và cha mẹ hiển linh phò hộ cho đất nước sớm thanh bình, dân tộc sớm thoát khỏi màn lưới thế lực ác nghiệt đói khổ nô lệ của hữu thần vô thần vô minh dục vọng phi nhân áp bức, để có được đời sống an lành thịnh vượng, và hộ độ cho con chân cứng đá mềm, đủ nghị lực tâm chí sắt son, ngõ hầu khắc phục khó khăn, thuận duyên thực hiện trọn vẹn hạnh nguyện hoằng pháp lợi sanh, để báo đền ân sâu nghĩa nặng tứ trọng ân trong muôn một. Tất cả tâm tư thành kín dâng trọn lên mùa Vu-Lan phát nguyện.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/08/2018(Xem: 8816)
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ xin nhất tâm khánh tuế Tăng Già Việt Nam nơi Châu lục Bắc Mỹ thêm một hạ lạp sau mùa An cư. Năm nay Cộng đồng Phật giáoViệt Bắc Mỹ đã tổ chức rất nhiều khóa An cư khắp các tiểu bang. An cư là một truyền thống quan trọng để nuôi lớn Tăng Già cả Trí đức và Phước đức. An cư là cơ hội tuyệt diệu để Tăng Già cùng học hỏi nhau những phương thức khế thời hầu sinh tồn và phát triển Đạo pháp trên quê hương mới này.
05/08/2018(Xem: 4012)
TẤM LÒNG CỦA MẸ Cuộc đời mẹ muôn ngàn khổ nhọc Sống nuôi con từ lúc đỏ lòng Giờ đây con đã hanh thông Nhớ ơn mẹ hãy gắng công làm lành .
04/08/2018(Xem: 4269)
Tâm Từ: Đọc Trong Mùa Vu Lan, Bài viết này để cúng dường Tam Bảo; tất cả phước đức xin hồi hướng tới cha mẹ nhiều đời và tất cả chúng sinh ba cõi. Đọc trong mùa Vu Lan, cũng là đọc trong tất cả mọi thời. Bởi vì Vu Lan, dựa vào tích Ngài Mục Kiền Liên vào cõi ngạ quỷ tìm cứu mẹ, là nơi lửa cháy không ngừng, nơi đói khát không ngừng; do vậy, lòng con không giây phút nào ngưng nghĩ tới việc cứu mẹ. Trong khi đó, Đức Phật đã dạy, tất cả chúng sinh đều đã từng là cha mẹ đời trước của mình. Bài này nói về Kinh Từ Bi, một phần trong 11 pháp môn, tới cái nhìn Vô thường, rồi tới cái nhìn Duy Thức, và rồi từ Duy Thức khởi tâm đại bi. Các ý phức tạp trong bài, sẽ ghi nhiều bản dịch để đối chiếu.
03/08/2018(Xem: 4374)
Khoảnh khắc được ghi lại một cách ngẫu nhiên bởi anh Vũ Thiên Bùi đã chạm đến trái tim của nhiều người xem. Mang trong mình một sinh linh bé nhỏ nên phụ nữ mang bầu thường luôn được xem là đối tượng ưu tiên, cần quan tâm, chăm sóc ở bất kỳ đâu. Vậy nhưng trong bức ảnh do tài khoản facebook Vũ Thiên Bùi đăng tải gần đây trên một hội dành những người yêu thích nhiếp ảnh, hình ảnh người phụ nữ mang bầu lại gợi cho người ta cảm giác xót xa, thương cảm. Trong bức ảnh, một mẹ bầu khoảng 6-7 tháng đang nằm một mình co ro nơi góc cầu thang bệnh viện. Cô nằm trực tiếp xuống sàn, đầu gối lên chiếc túi trong giấc ngủ vội vàng.
03/08/2018(Xem: 8398)
Nhà của dì Ba ở vùng ngoại thành, có sân trước vườn sau, vắng vẻ yên tịnh. Trong nhà bài trí đơn sơ: bàn thờ thiết trí giản dị nhưng trang nghiêm với thánh tượng Quán Thế Âm Bồ Tát và hoa quả hương đăng đầy đủ, giữa nhà là bộ bàn ghế gỗ có đặt bộ ấm trà bằng đất “quê mùa”, và một điện thoại cố định (ĐT bàn). Sáng sớm. Yên bình, im ắng. Chiếc máy niệm Phật phát lên âm lượng nho nhỏ vừa đủ nghe danh hiệu Phật: (tùy chọn) “Nam mô …” Như mọi ngày, dì Ba quét lau bàn thờ với tâm trạng hoan hỷ và thần thái ung dung thanh thả. Sau đó, dì thắp hương, lâm râm khấn nguyện… Bất chợt, chuông điện thoại bàn reo vang… Dì giật mình, quay lại nhìn chiếc điện thoại nơi bàn giữa nhà, rồi bình tâm lại, xá ba xá trước bàn thờ thiêng liêng, mặc cho chuông điện thoại cứ réo vang nghe như hối hả thúc giục…
02/08/2018(Xem: 6755)
Thông Báo Lễ Vu Lan 2018 tại Chùa Khánh Anh (Bagneux)
02/08/2018(Xem: 10900)
Thông Bạch Vu Lan Phật Lịch 2562 (2018) của Hòa Thượng Hội Chủ Thích Bảo Lạc
01/08/2018(Xem: 59143)
Con cò lặn lội bờ sông Cò ơi sao lại quên công mẹ già Hỏi rằng ai đẻ cò ra Mà cò lại bỏ mẹ già không nuôi Nhớ khi đi ngược về xuôi Mẹ đi bắt tép mẹ nuôi được cò Những ngày mưa lũ gió to Công mẹ bắt tép nuôi cò cò quên Vợ con cò để hai bên Công cha nghĩa mẹ cò quên hết rồi Cò ơi cò bạc như Vôi Công cha nghĩa mẹ bằng đồi núi cao
16/05/2018(Xem: 5634)
Từ thời Trung Hoa xưa cũ, thơ ca đã được hội ý là tiếng nói từ chốn chùa chiền (Thi = Ngôn + Tự). Cho nên kinh là những bài thơ đầy cảm xúc, hình tượng và triết lý để ngâm nga, xướng tụng hơn là những bản văn nghiêm mật thuần đức tin và đạo lý. Những thiền sư danh tiếng của Phật giáo thường là những thi nhân từ bản chất. Thơ Thiền như Dạ Lý hương tỏa mùi thơm nhẹ lướt trong không gian. Không tìm cũng thoảng tới. Cố tới thì không biết nơi đâu!
16/03/2018(Xem: 11846)
1-Tình cha cao vời vợi, Như núi Thái non bồng. Như trời cao thăm thẳm, Giữa vũ trụ mênh mông.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]