Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vu Lan với người con hiếu

11/04/201312:01(Xem: 4600)
Vu Lan với người con hiếu

Những mùa Vu Lan

Vu Lan với người con hiếu

Thích Đức Niệm

Nguồn: Thích Đức Niệm

Mỗi độ thu sang, trời thu hiu hắt, gió thu dịu dàng, lá vàng lặng lẽ nhẹ rơi, khơi dậy lòng người nỗi nhớ niềm thương đến những bậc sanh thành dưỡng dục. Tiết trời thu khiến cho lòng người bâng khuâng u hoài cảm nhớ đến Vu-Lan rằm tháng bảy.
Nói đến Vu-Lan rằm tháng bảy là nói đến báo hiếu, nói đến nghĩa cử của người con thảo cháu hiền đối với mẹ cha.
Cây có cội, nước có nguồn. Người sống trên đời ai mà chẳng có mẹ cha? Nếu không có mẹ cha làm sao có ta? Cha mẹ không ra công nhọc sức nuôi nấng thì làm sao được khôn lớn thành người? Mẹ đã mang nặng đẻ đau, bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn. Mẹ nuôi con rất là cực nhọc. Khi con ra đời lòng mẹ đau như dao cắt. Cha thấy mẹ sanh con đau đớn mà thương tâm ruột thắt nhăn mặt, chắp tay hướng vọng trời xanh, thành tâm miệng lâm râm cầu trời khấn Phật cho mẹ tròn con vuông. Vừa thấy mặt con, mẹ cha vui mừng khôn xiết, quên hết bao nỗi đau đớn lo âu:
Hỡi con tiếng khóc ban đầu
Mẹ đau cha khóc con nào biết cho
Tháng ngày cha mẹ âu lo
Ngược xuôi sớm nắng chiều mưa chẳng nề.
Nhưng cũng từ ngày tiếng khóc chào đời của con, thì cũng bắt đầu từ ngày đó, mẹ lẫn cha phải nhịn ăn bớt ngủ, ngày ngày ngược xuôi lam lũ để cho con no cơm ấm áo nên người.
Khi con còn bé thơ khờ dại thì bên ướt mẹ nằm bên ráo con chơi. Khi con trái gió trở trời, khi con mọc răng ấm mình la thét, cha lẫn mẹ phải thay nhau thức suốt đêm trông chừng, nâng niu vỗ về thang thuốc cho con. Tiếng khóc của con là tiếng khóc của mẹ. Mỗi tiếng khóc của con làm cho mẹ ruột thắt từng cơn. Tiếng khóc của con gây thành nỗi xúc động cho cha. Cha thương con chạy thầy chạy thuốc. Tiếng cười của con là tiếng cười của mẹ. Tiếng cười của con là phần thưởng, là thang thuốc bổ dưỡng cho mẹ. Tiếng cười của con là nỗi vui mừng an ủi cho cha, khiến cho cha quên đi muôn điều cực nhọc. Mẹ săn sóc lo âu. Cha đầu tắt mặt tối ngược xuôi đều vì con để cho con ấm no đầy đủ.
Ngay từ ngày con nằm trong nôi cho đến ngày con cắp sách đến trường, mẹ chắt chiu nâng niu bồng bế, cặp sách, choàng khăn. Mãi đến ngày con khôn lớn thành nhân đẹp khỏe, lập thành gia thất, không có giờ phút nào mà cha mẹ không lo nghĩ đến con. Trong mỗi tế bào, trong từng xương thịt huyết quản của con đều mang và ngấm sâu máu huyết xương thịt của cha mẹ. Trong tâm tư của cha mẹ ẩn tàng hình bóng của con. Cha mẹ hy vọng con ngày một mau chóng khôn lớn. Cha mẹ buồn vui theo sự buồn vui khôn dại của con và sống cho con. Lúc nào cũng muốn cho con no cơm ấm áo, nên vai nên vóc, nên danh nên phận. Vì con mà cha mẹ phải bôn ba ngược xuôi, một nắng hai sương để con được no cơm ấm áo học hành. Có lúc mẹ còn phải hy sinh đem thân ở đợ, phải hạ mình quì gối van xin, phải luồn cúi ngõ sau cầu khẩn người ta, tất cả đều vì con, trọn cả cuộc đời cho con:
Một đời vốn liếng mẹ trao
Mẹ cho tất cả, mẹ nào giữ riêng
Mẹ hiền như một bà tiên
Mẹ theo con suốt hành trình con đi.
Xưa nay sách sử thánh hiền cũng như truyện tích thế nhân không ngớt ca ngợi công ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ cha. Tình cha mẹ đối với con như suối nguồn tuôn chảy bất tuyệt, như non cao xanh mát suốt năm:
Công cha như núi Thái-Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
Công ơn cha mẹ như trời như biển, không bút mực nào diễn tả cho hết, không lời lẽ nào luận nói cho cùng. Ân đức cha mẹ hy sinh cho con thì bất khả tư nghì, không lời nào diễn đạt cho trọn:
Mẹ là biển, mẹ là trời
Hy sinh tất cả một đời vì con
Sông dù cạn, đá dù mòn
Tấm lòng của mẹ vẫn còn mênh mông.
Cái tình bao la. Cái nghĩa rộng lớn. Cái đức cao sâu của cha mẹ không thể đo lường. Thế nên kinh Thi nói: “Phụ hề sanh ngã, mẫu hề cúc ngã, ai ai phụ mẫu sanh ngã cù lao, dục báo thâm ân hiều thiên dõng kiệt”. Nghĩa là, Ôi! Cha sanh ta, mẹ nuôi ta, hỡi ôi cha mẹ sanh ta rất là cực nhọc. Vậy bổn phận làm con phải biết báo đền ơn nghĩa sanh thành dưỡng dục của mẹ cha. Tình của mẹ cha đối với con như biển hồ lai láng, thăm thẳm vời vợi không biên giới, đi chẳng tới, lo chẳng cùng:
Mẹ thương con biển hồ lai láng
Con thương cha mẹ tính tháng tính ngày.
Cho dù ngày nay con khôn lớn lập gia đình, có sự nghiệp, sanh con đẻ cái, nhưng cha mẹ vẫn thương con như thuở còn măng sữa trong nôi. Cho dù có những người con nhờ công ơn cực khổ buôn gánh bán bưng của mẹ, làm lụng vất vả của cha, nuôi nấng cho ăn học khôn lớn nên người, có danh vọng giàu sang, được vợ đẹp con ngoan, chức phận quyền danh phú quý, bạn bè tấp nập, rồi thấy cha mẹ chất phác quê mùa, lại sanh tâm khinh chê, quay mặt giả vờ lờ quên. Dù biết vậy, nhưng cha mẹ vẫn trọn lòng thầm thương con, thản nhiên, âm thầm chấp nhận cảnh phũ phàng, miễn sao con mình bình an hạnh phúc là mừng. Đến như lòng cha mẹ có đau xót nuốt đắng ngậm cay, vẫn không dám thố lộ cho ai hay biết về con mình vong ơn bội bạc. Chẳng những không dám hé môi than thở mà đối với mọi người, cha mẹ lúc nào cũng tỏ ra khen ngợi con mình là hiền ngoan, hiếu thảo, mà sự thật đau lòng, trào dâng nước mắt chảy ngược về tim! Tình thương của cha mẹ bao dung tất cả! Có khác nào quả đất chuyên chở muôn vật không phân biệt tốt xấu sạch nhơ!
Lúc còn nhỏ chưa đủ trí khôn, con thường làm việc trái quấy biếng học, ham chơi, cha mẹ buồn lòng rầy la dạy dỗ thì con hờn ghét, giận lẫy làm nư giậm chân, dẫy dụa, la khóc. Thậm chí có lúc con còn đánh quào, cấu xé mẹ, nhưng mẹ vẫn nhìn con với đôi mắt dịu hiền bằng bàn bay êm nhẹ vuốt ve an ủi vỗ về con! Mẹ bao giờ cũng rộng lượng tha thứ, ôm chặt con vào lòng sưởi ấm trong tình thương ngọt ngào bao la:
Nâng niu con lúc giỗi hờn
Dịu dàng mắt mẹ khuyên lơn ngọt ngào
Một đời vốn liếng mẹ trao
Mẹ cho tất cả, mẹ nào giữ riêng
Mẹ hiền như một bà tiên
Mẹ theo con suốt hành trình con đi.
Cho dù ngày nào đó, vì công danh sự nghiệp hoặc vì kế sanh nhai, hay vì lý tưởng tự do tỵ nạn mà con phải bỏ quê cha đất tổ ra đi xa lìa cha mẹ tha phương xứ người, rồi dần dần dòng đời lôi cuốn trong cảnh vợ ấm chăn êm, danh lợi ái tình đắm chìm, con có quên đi cha mẹ già yếu đang âm thầm sống những ngày hẩm hiu ở tuổi xế chiều của quãng đời còn lại, thì cha mẹ vẫn ấp ủ nơi lòng nỗi thương nhớ con, đành an phận sống trong cảnh tình bội bạc cô đơn. Rồi những chiều hoàng hôn phủ xuống, nhớ lúc tiễn biệt con ra ngõ, giờ đây, mẹ một mình một bóng tựa cửa ngóng trông tin tức con về. Cha ngồi nhìn mây chiều lãng đãng hợp tan, bức tranh phù vân tương cẩu, thả hồn tưởng như bóng hình con, chén trà đã lạnh từ lúc nào quên uống! Có những chiều mẹ lẫn cha dìu nhau ra sau hiên nhà cả hai tấm thân già yếu ngồi im lặng nhớ thương con, cả hai không nói nên lời, mắt rưng rưng, lệ hướng vọng ở phương trời viễn xứ mênh mông, trông đợi tin tức con, nhớ mong được nhìn lại hình bóng đứa con thân yêu của mình! Cha mẹ mong con mỏi mòn đôi mắt! Cha mẹ đè nén tiếng bật khóc sâu vào lòng với đôi dòng lệ âm thầm, nhớ lại ngày tiễn biệt con ra ngõ:
Thuở ấy cầm tay mẹ dặn dò
Phố phường không phải dễ chi mô
Và đôi mắt mẹ rưng rưng lệ
Đôi mắt bây giờ đã héo khô
Mẹ còn trên cõi đời hay mẹ nay đã thành người thiên cổ, thì mẹ vẫn mang theo nơi lòng nỗi u hoài thương nhớ đến con. Cho dù mẹ có vĩnh biệt cõi đời, nhưng lòng thương của mẹ vẫn như thuở nào cái đặc tánh trinh nguyên tợ đóa hoa hồng trắng thơm ngát. Ai còn mẹ cha là còn cả đất trời tình thương, còn diễm phúc trọn hưởng nguồn an vui sung sướng bất tận:
Sung sướng nhỉ! Những người còn mẹ
Còn mẹ là còn cả đất trời
Rủi thay cha mẹ qua đời, người con cảm thấy lạc loài bơ vơ, thiếu hẳn sự ấm cúng của tình thương cha mẹ. Tình thương cha mẹ là thứ tình thương ngọt bùi bao la cao cả. Mất tình thương cha mẹ thì không tìm đâu ra sự bù đắp. Người sống ở đời mất tình thương cha mẹ như thuyền nan ở giữa biển khơi thiếu địa bàn, mất định hướng, không tìm được nơi bến đỗ. Mất tình thương cha mẹ là mất hết suối nguồn an ủi dịu ngọt, như đất khô cằn, như cây trụi lá, như chim không cành, vết thương lòng này vĩnh viễn không có ngày bù đắp:
Đau đớn nhỉ! Những người mất mẹ
Mất mẹ là mất hết em ơi!
Cha mẹ còn, con nhìn đời đầy hương hoa sắc thắm vui đẹp. Cha mẹ còn, con còn dịp nghe được thanh âm muôn điệu của trần gian. Cha mẹ còn, lòng con được sưởi ấm an ổn với niềm hy vọng tương lai, chân trời tươi đẹp thênh thang, cỏ hoa trải rộng. Cha mẹ còn là bài học cho con sống với đời bằng những lời khuyên nhủ an ủi dịu ngọt. Cha mẹ còn, đời còn vui đẹp như ánh xuân dương buổi bình minh:
Ai bảo em cuộc đời không đẹp
Khi nhơn gian còn phiếm xuân cầm
Ai bảo em cuộc đời không đẹp
Khi em còn có mẹ trong tâm
Dù ngày nay con có lớn khôn vì kế sanh nhai hay vì lý tưởng mà phải xa cha mẹ, nhưng nếu lòng con lúc nào cũng hướng vọng tưởng nhớ mẹ cha như cha mẹ nhớ con, thì người con dù ở hoàn cảnh nào cũng cảm nhận được sự dịu hiền thơm mát an lành như liễu rũ mặt nước hồ trong không gợn sóng, như ánh trăng rằm trong mát:
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp mật như đường mía lau
Mẹ luôn luôn muốn gần gũi con, muốn nâng niu con, muốn săn sóc vỗ về con, dù cho nay con đã khôn lớn lập thành gia thất. Tình thương của mẹ dịu dàng như gió mát thoảng đưa cành cây kẽ lá. Dù cây kia có gẫy cành cằn cỗi, nhưng gió vẫn không ngừng thoảng dịu đem khí mát lành đến cho hoa lá để nuôi cây. Tâm tư của mẹ, tình thương của mẹ, hình bóng của mẹ như mây che mát bãi sa mạc, như cây che mát người lữ hành, như nguồn suối mát cho người khát nước. Trong mọi hành hoạt của con đều có bàn tay giúp đỡ của mẹ. Trong suốt cuộc đời của con đều có lời cầu nguyện của mẹ:
Ngày xưa mẹ vá con trong xanh
Mẹ dắt tay con đến học đường
Ngày nay không vá non sông rách
Mẹ tiễn chân con tận chiến trường
Nhưng mà thưa cha mẹ! Cảnh đời đổi thay, nay còn mai mất! Ruộng dâu cồn cát thoạt có thoạt không! Nay vì vận nước nghiệp dân, con phải đem thân sống đời tha hương đất khách. Nhưng lòng con lúc nào cũng vương vấn nhớ thương. Hôm nay ngày Vu-Lan báo hiếu, hình bóng cha già mẹ yếu đang sống khắc khoải mỏi mòn đợi trông trên quê hương rách nát đói nghèo, do những kẻ vong bản tôn sùng lý thuyết phi nhân vô đạo mà tạo nên đất nước dân tộc tang tóc lầm than chưa từng có trong lịch sử dân tộc. Quê hương đất mẹ, nơi đó chan chứa bao kỷ niệm êm đềm ngay từ tiếng khóc ban đầu:
Quê hương chan chứa tình thương
Tiếng yêu mẹ gọi như đường mía lau
Giờ đây nhớ tiếc thuở nào
Mẹ hiền mẹ gọi, lời chào của con
Mẹ cha ân đức như non
Giờ đây đâu nữa để còn mẹ ơi!
Giờ đây con sống xứ người
Lẻ loi chiếc bóng thiếu trời tình thương
Cửa thiền con nguyện con nương
Nguyện đem công đức cúng dường mẹ cha
Mỗi lần thấy lá chuyển màu vàng, từng chiếc lìa cành nhẹ rơi lặng lẽ nằm phơi trên mặt đất, là khiến cho lòng người con nhớ đến mùa Vu-Lan, bất giác cảm thấy bùi ngùi nhớ đến mẹ cha, cảm thấy lòng xót xa thương cha mẹ hơn bao giờ hết! Một mình lặng lẽ trầm ngâm lắng lòng suy tư về một cảnh giới mông lung huyền ảo, một hiện tượng não nề chiếm lấy lòng người con thảo cháu hiền về sự sanh ly tử biệt. Càng nghĩ càng thắm thiết nhân tình thế thái, hoài vọng cố hương, lòng kính thương cha mẹ trào dâng, bất giác miệng thốt lên lời thơ than thở của cổ nhân chan chứa ân tình hoài niệm:
Thiên tải tử tâm du bảo hám
Mỗi tùng thuyết hiếu thuyết ngoan ngân.
Nghĩa là:
Ngàn năm lòng con còn ôm hận
Mỗi lần nhắc hiếu nhớ mẹ hiền
Người con hiếu thảo cảm nhận ân tình sâu nặng của cha mẹ. Tình thương của mẹ là thứ tình thương trong trắng trinh nguyên cao quý mà không có tình thương nào thay thế được. Vợ hoặc chồng không may mất đi thì còn có thể tìm lại vợ hoặc chồng khác. Chớ một khi cha mẹ khuất bóng rồi, thì không thể nào tìm lại cha mẹ. Thuở xưa Tử-Lộ nhà nghèo ngày ngày phải đội gạo ra chợ bán để kiếm tiền phụng dưỡng cha mẹ già. Tuy sống trong cảnh nghèo khổ vất vả, nhưng Tử-Lộ trên tay không lúc nào buông thả kinh sách. Đêm đêm thức khuya chuyên tâm nghiên tầm học hành. Đến khi Tử-Lộ thi đậu làm quan thì cha mẹ đã qua đời. Nghĩ đến cha mẹ, Tử-Lộ ngậm ngùi than thở: “Mộc dục tịnh nhi phong bất đình. Tử dục dưỡng nhi thân bất tại”. Nghĩa là, cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng. Con muốn đền đáp nghĩa sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, nhưng cha mẹ không còn nữa!
Thế thường người đời có lòng đền ơn đáp nghĩa mẹ cha thì cũng chỉ cung dưỡng cơm áo thuốc thang tiền bạc vật chất cho thế là đủ, chứ không mấy khi lưu tâm nghĩ đến sự giúp đỡ tinh thần cha mẹ khi từ giã cõi đời. Thế nên, khi cha mẹ qua đời, con cháu thường hay giết hại sinh vật heo gà để bày tiệc tùng mâm cao cỗ đầy cúng tế rượu thịt, thết đãi bạn bè hỷ hạ say sưa, mà người chết chẳng những không hưởng được gì, làm như thế là vô tình tạo thêm tội lỗi cho người còn kẻ mất, thật ra chẳng được ích lợi gì.
Trái lại, đệ tử nhà Phật không những khi cha mẹ còn tại thế, con cháu ngoài bổn phận phụng dưỡng vật chất thuốc thang, quạt nồng đắp lạnh, tụng kinh cầu nguyện cho cha mẹ được tiêu tai giải hạn, tăng phước an lành, còn có bổn phận tận tình khuyến khích cha mẹ hành thiện, phát tâm quy y Tam-Bảo Phật, Pháp, Tăng, khuyên cha mẹ vận dụng khả năng quãng đời còn lại chuyên cần tu tâm dưỡng tánh. Khi cha mẹ lâm chung, con cháu nén lòng buồn thương bớt khóc, không nên bày tiệc tùng rượu thịt cúng quảy. Điều nầy vô tình đẩy người chết thêm sâu tội lỗi đọa đày. Điều tốt nhất con cháu phải cố gắng một lòng trai giới tịnh tâm cầu nguyện, chay lạt đạm bạc, thành tâm cúng thất trai tuần, tụng kinh, niệm Phật, tập trung năng lực gắng sức làm nhiều phước thiện, cúng dường trai tăng, nhứt tâm hồi hướng tất cả công đức lành nầy đến cho cha mẹ để được siêu sanh cảnh Phật. Như thế không những cha mẹ hiện đời được an vui, mà sau khi cha mẹ mãn phần lìa cõi đời nầy, hương linh cũng sẽ được tiêu diêu nơi miền Cực-Lạc. Như bà Thanh-Đề được người con hiếu hạnh Mục-Kiền-Liên làm việc công đức phước thiện, cúng dường trai tăng nhờ công đức đó mà bà được sanh về cõi trời hưởng phước lạc.
Cách báo hiếu của đệ tử nhà Phật đã có hiệu năng thực tế khiến cho người mất được an vui thanh thoát nơi cảnh tịnh, đồng thời người còn cũng được tăng trưởng phước lành:
Mẹ cha là cả trời thương
Là nguồn sống của thiên đường trần gian
Mẹ cha về cảnh Niết-Bàn
Lòng con toại nguyện muôn ngàn nhớ thương
Những người con thảo cháu hiền, cho dù có sống nơi chân trời góc biển nào đi nữa, hễ mỗi độ thu sang rằm tháng bảy, mùa Vu-Lan thắng hội báo hiếu về, noi gương tiền nhân, gương hiếu hạnh của Mục-Kiền-Liên tôn-giả, người con hiếu hạnh muôn thuở đó, đã khai mở kỷ nguyên hiếu hạnh cho đời, lớp lớp nhân loại nhớ gốc nhớ nguồn tôn kính ca ngợi noi theo:
Hôm nay gặp lễ giải-đảo-huyền
Con nguyền theo gót Mục-Kiền-Liên
Chư Tăng tự tứ con cầu nguyện
Mười phương phụ mẫu giải đảo huyền



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/08/2016(Xem: 9546)
Vào ngày 27 tháng 8 năm 2016, tại thành phố San Jose, tiểu bang California, chùa Cảnh Thái đã long trọng tổ chức lễ Vu Lan năm 2016, Phật lịch 2560 tại hội trường trường trung học James Licks.
28/08/2016(Xem: 8504)
Lễ Vu Lan 2016 tại Chùa Huệ Quang, Victoria, Úc Châu
28/08/2016(Xem: 9746)
Lễ Vu Lan 2016 tại Chùa Giác Hoàng, Victoria, Úc Châu
27/08/2016(Xem: 10562)
Một thương đồng vọng chuông chùa Hai thương tiếng trống chuyển mùa Vu Lan Ba thương trang trọng lễ đàn Bốn thương bửu điện Phật vàng uy nghi Năm thương rực rỡ màu y Sáu thương ánh mắt Tăng Ni dịu hiền Bảy thương thanh đạm mùi Thiền Tám thương lời giảng thâm uyên lý mầu Chín thương thành kính nguyện cầu Mười thương chữ Hiếu đứng đầu hạnh tu.
25/08/2016(Xem: 8850)
Nhân Mùa Vu Lan Báo hiếu trong tháng bảy Âm Lịch 2016, được sự chấp thuận của Nghĩa Trang Oak Hill San Jose, Thầy Thích Thiện Long Trụ Trì Chùa Thiên Trúc tổ chức Đại Trai Đàn Cầu Siêu, Giải oan Bạt độ, Chẩn tế Âm linh, Cô hồn và Lễ Vu Lan trong 2 ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật 20, 21 tháng 8 năm 2016 (nhằm ngày 18,19 tháng bảy Âm lịch) tại Sunshine Chapel, Nghĩa Trang Oak Hill San Jose. Mục đích Đại Trai Đàn Chẩn Tế nhằm Cầu siêu cho những hương hồn còn vất vưởng chưa được siêu thoát tại Nghĩa trang nầy nói riêng và hết thảy các Âm linh, Cô hồn trên khắp thế gian nói chung sẽ bớt được phần nào khổ đau, có thể siêu thoát và người sống cũng được hưởng lợi lạc từ Trai đàn này.
23/08/2016(Xem: 10355)
Vào sáng ngày 21 tháng 8 năm 2016, tại thành phố Hayward, tiểu bang California, chùa Phổ Từ đã cử hành trọng thể Đại lễ Vu Lan năm 2016 với sự tham dự đông đảo của chư Tôn đức Tăng, Ni và Phật tử đến từ nhiều thành phố ở Hoa Kỳ. Chương trình buổi lễ bắt đầu vào lúc 10g, được tiến hành như sau: Lễ thỉnh chư Tôn đức Tăng, Ni quang lâm chánh điện. Lễ Phật. Tụng kinh Vu Lan, cầu nguyện chư hương linh siêu sanh Tịnh độ. Lời cảm niệm về công ơn cha mẹ (Phật tử Trâm Anh) Đồng ca : “Vu Lan về” (GĐPT Chánh Tâm) Pháp thoại: “Công ơn phụ mẫu: chén cơm nào dâng cúng cho cha; niềm vui nào gửi về cho mẹ.” (Thượng tọa Thích Từ Lực) Báo cáo sinh hoạt tại chùa Phổ Từ và Trung tâm tu học Phổ Trí Cúng thí thực cô hồn Cơm trưa thân mật Lễ quy y
22/08/2016(Xem: 10953)
Thuở xưa ở dãy Tuyết Sơn - Có chim oanh vũ dễ thương, hiền hòa- Vì cha mẹ bị mù lòa- Một mình chim phải bay ra khu rừng
22/08/2016(Xem: 9357)
Vào chiều ngày 20 tháng 8 năm 2016, Đạo tràng Ấn Tôn thiền đường tại thành phố San Jose, tiểu bang California đã long trọng tổ chức Đại lễ Vu Lan năm 2016, Phật lịch 2560. Tham dự buổi lễ có Hòa thượng Thích Đức Niệm, viện chủ chùa Ưu Đàm (TP. Marina); Thượng tọa Thích Minh Thiện, trụ trì chùa Tuệ Viên (TP. San Jose); Tỳ kheo Thích Pháp Hạnh, trụ trì Ấn Tôn thiền đường; chư vị Tỳ kheo Thích Ngộ Thông, Thích Quảng Ân, Thích Pháp Mộc, Thích Pháp Thọ, Thích Phổ Hóa …cùng đông đảo thiện nam, tín nữ, Phật tử đến từ nhiều thành phố ở tiểu bang California.
22/08/2016(Xem: 10465)
Chùa Tâm Từ được Tỳ kheo Thích Pháp Chơn thành lập vào năm 2010 trên mảnh đất rộng hơn 10 mẫu ở thành phố Morgan Hill, phía Nam thành phố San Jose, tiểu bang California. Chùa Tâm Từ là tên gọi tắt của Vườn Di sản Phật giáo và Trung tâm Thiền quán Metta Tâm Từ. Nhằm giới thiệu hình ảnh và giáo lý của Đức Phật đến với thế hệ trẻ lớn lên tại Hoa Kỳ và góp phần vào việc truyền bá chánh pháp đến những người phương Tây muốn tìm hiểu về Phật giáo và dân tộc Việt Nam, Tỳ kheo Thích Pháp Chơn cùng chư Phật tử đạo tâm chùa Liễu Quán (San Jose) đã thực hiện một vườn cảnh đặc biệt, đó là những cây kiểng quý hiếm, những bông hoa đẹp tươi sắp đặt hài hòa trong không gian an tịnh, thông thoáng với tượng chư Phật, chư Bồ tát và các tấm bia bằng đá cẩm thạch được chạm khắc hình ảnh, hoa văn, chữ nghĩa thật tinh xảo, sống động.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]