Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nước mắt mẹ già

11/04/201311:53(Xem: 3716)
Nước mắt mẹ già

Tuyển tập bài viết về Vu Lan - 2012

Nước mắt mẹ già

Tâm Minh Ngô Tằng Giao (phóng tác)

Nguồn: 'What the Modern Woman Wants..." by Amanda Chong Wei-Zhen

doi_mat_me_gia

Bà mẹ già ngồi ở băng ghế sau chiếc xe hơi bỏ mui màu đỏ sậm đang rẽ quặt xuống xa lộ. Bà ghì chặt lấy cái giỏ đồ để trên đùi như sợ gió ào ào thổi đến sẽ cuốn giỏ đi mất. Bà không quen với cái tốc độ quá nhanh như bay thế này. Với hai bàn tay run run bà siết lại chiếc dây an toàn quấn ngang người cho chặt hơn, nhưng bà vẫn cẩn thận không để các ngón tay chai sần của bà chạm vào đệm xe bọc da. Đệm quý giá lắm đấy! Con gái bà luôn miệng dặn bà đừng làm bẩn ghế: “Dấu tay sẽ lộ rất rõ ra trên đệm xe màu trắng đấy Mẹ à!”

Con gái của bà, Bích Châu, vừa lái xe vừa nói chuyện bằng chiếc điện thoại di động màu bạc bóng loáng. Cô nàng dùng những từ ngữ đao to búa lớn mà bà mẹ chỉ hiểu được lơ mơ: nào là “tài chính”, “thanh toán”… nào là “tài sản”, “đầu tư” v.v… Giọng cô dõng dạc và quan trọng, nghe có vẻ nhịp nhàng lạ lẫm. Cô con gái Bích Châu của bà có giọng nói y chang như các cô gái người nước ngoài hay nói trên cái màn ảnh truyền hình vậy. Cô nói bằng giọng Mỹ. Bà mẹ tặc lưỡi có vẻ không ưng ý cho lắm.

“Tôi dứt khoát không thể giữ cái đó. Chúng ta phải thanh toán ngay thôi!” Con gái bà hăng hái la lớn lên trong khi chân nhấn ga tăng thêm tốc độ. Những móng tay được cắt rất khéo của cô đang bấu chặt vào tay lái một cách khích động. “Tôi không còn có thể giao dịch về cái chuyện đó nữa!” Cô la lớn tiếng lên rồi tắt chiếc điện thoại di động và bực bội liệng nó ra phía băng ghế sau. Chiếc điện thoại bay đập vào trán bà mẹ rồi lặng lẽ rơi xuống đùi bà. Bà bình thản vừa khẽ xoa vầng trán vừa nhặt chiếc máy lên và nhoài ra phía trước trao trả cho cô con gái.

“Xin lỗi Mẹ” Cô ta nói, chẳng còn dùng cái giọng Mỹ nữa mà chuyển sang giọng Việt Nam. “Con có một khách hàng lớn ở Mỹ. Có nhiều chuyện rắc rối lắm!” Bà mẹ gật đầu tỏ vẻ hiểu biết. Con gái bà có vai vế lớn và quan trọng lắm đây. Bích Châu nhìn mẹ qua kính chiếu hậu, tự hỏi không biết bà mẹ đang suy nghĩ điều gì. Bộ mặt nhăn nheo của bà mẹ cô luôn luôn biểu lộ cùng một cái vẻ kín đáo. Điện thoại lại bắt đầu reo lên bằng một điệu nhạc máy móc vui nhộn giả tạo làm vỡ tan sự lặng thinh gượng gạo giữa hai mẹ con.

“Hello, Beatrice! Phải, Elaine đây!” Nghe con gái xưng tên là Elaine bà mẹ nhíu mày khó chịu. Mình có bao giờ đặt tên nó là Elaine đâu. Bà chợt nhớ ra là con gái bà từng nói với bà rằng một cái tên bằng tiếng Mỹ rất là quan trọng cho việc giao dịch. Những cái tên bằng tiếng Việt thường khó đọc, khó nghe, dễ bị người ta quên đi.

“Ồ không được rồi! Tôi không thể gặp bạn trong bữa ăn trưa hôm nay đâu. Tôi phải đưa bà già trầu cổ hủ đi chùa để bà lễ bái tụng niệm vớ vẩn như thường nhật đây!” Giọng tiếng Mỹ của cô con gái khẽ trầm xuống.

“Bà già trầu cổ hủ?” Bà mẹ nghe tiếng Mỹ tuy không hiểu rõ hoàn toàn nhưng cũng đoán ra chứ. Đó là ám chỉ về bà chứ còn ai vào đây nữa. Con gái bà cứ luôn luôn tưởng rằng cái sự lặng thinh của mẹ cô ta có nghĩa là bà chẳng hiểu chút gì cà.

“Đúng thế, tôi biết chứ! Cái đệm da ghế xe tôi lại sẽ vương vãi bột bẩn và bốc đầy mùi nhang đấy mà!” Bà mẹ mím chặt môi. Tay bà ôm lấy cái giỏ đồ cho chặt thêm như sợ ai cướp đi mất.

Chiếc xe nhẹ nhàng rẽ vào trong sân chùa. Trông xe hầu như muốn khoe ra cái màu sắc lòe loẹt cạnh bên cái vẻ mờ nhạt của mái chùa cổ kính. Bà mẹ bước ra khỏi băng ghế sau và thong thả đi về phía chính điện. Con gái bà cũng bước ra khỏi xe trong bộ quần áo kinh doanh đúng kiểu và đôi giày cao gót. Cô vừa tô lại đôi môi vừa nhanh nhẹn bước theo về phía bà mẹ. “Mẹ à! Con đợi ở bên ngoài nhé! Con có chuyện quan trọng phải gọi điện thoại!” Cô nói, chẳng buồn che giấu sự khó chịu với mùi nhang khói nghi ngút phảng phất quanh mình.

*

Bà mẹ khập khiễng bước vào trong chánh điện. Bà cẩn thận tháo cái giỏ đồ lấy trái cây ra và kính cẩn sắp xếp lên các đĩa trước bệ thờ. Bà châm ba nén nhang và cung kính quỳ xuống, lầm rầm thốt ra những lời cầu nguyện Trời Phật mà hàng ngày bà đã thuộc nằm lòng:

“Tạ ơn Trời Phật đã phù hộ độ trì cho con gái con được may mắn suốt mấy năm qua. Tất cả những điều gì mà con cầu xin thời Trời Phật đều đã ban cho nó cả rồi. Nó đã có đủ mọi thứ mà một cô gái trẻ trên cõi đời này thường ước muốn. Nó có một căn nhà quá lớn, có cả bể bơi, lại có một người để giúp việc cho nó nữa vì nó rất vụng về có biết khâu vá, cơm nước và các việc nội trợ gì đâu.

Cuộc đời tình duyên của nó cũng tốt đẹp nữa. Nó đang hứa hôn với một anh chàng giàu có và đẹp trai. Công ty buôn bán gì đó của nó giờ đây là một công ty đứng hàng đầu và ngay cả đến đám đàn ông con trai cũng phải nghe theo lời nó.

Nó đang sống một cuộc đời hoàn hảo. Trời Phật đã ban cho nó đủ mọi thứ, chỉ thiếu hạnh phúc thôi. Con cầu xin Trời Phật từ bi gia hộ cho nó dù nó có mất gốc khi mải lo gặt hái sự thành công.

Những điều mà Trời Phật trông thấy không đúng đâu, nó rất hiếu đễ với con. Nó dành cho con một căn phòng trong ngôi nhà rộng lớn của nó và chu cấp đầy đủ cho con. Nó hay thô lỗ với con chỉ vì con làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của nó mà thôi. Mấy cô gái trẻ ở xứ này đâu có muốn bị các bà mẹ già gây trở ngại cho mình. Đó là lỗi của con thôi!”

Bà mẹ cầu nguyện rất thành khẩn đến nỗi nước mắt bà ứa ra. Sau cùng, bà cúi đầu sát đất lạy rất tôn kính rồi cắm mấy nén nhang đã cháy hết phân nửa vào trong chiếc bình nhang. Bà cúi lạy thêm một lần nữa.

Bà mẹ đã cầu nguyện cho con gái suốt ba mươi hai năm rồi. Từ khi mà bụng bà tròn vo như trái dưa, bà đã đến chùa cầu xin đó là một đứa con trai. Rồi khi ngày sinh đến, đứa bé trượt ra khỏi bụng của bà, khóc ré lên và trông thật dễ thương với đôi bắp chân bụ bẫm, đôi má hồng hào, nhưng chao ơi đó lại là một đứa con gái. Chồng bà từ đó bỏ bê không thèm dòm ngó đến bà vì cả ông ấy lẫn cả họ nhà chồng đều chỉ mong muốn có một đứa con trai mà thôi với đầu óc cổ hủ là để “bảo tồn dòng họ, nối dõi tông đường.” Tuy nhiên bà vẫn cứ trở lại chùa cùng với cô bé gái mới sinh. Bà cầu nguyện cho con gái bà mau ăn chóng lớn và sẽ có được đầy đủ mọi thứ mà nó muốn.

Chồng bà đã bỏ bà thật rồi và bà cũng cầu nguyện thêm cho con gái bà về sau sẽ chẳng bao giờ phải lệ thuộc vào một người đàn ông nào cả. Mỗi ngày bà đều cầu nguyện cho con gái bà trở thành một phụ nữ giỏi giang, một phụ nữ mà chính bà vì quá nhút nhát và lại thất học nên không bao giờ vươn tới được. Một phụ nữ đầy nghị lực, có khả năng làm bất cứ điều gì mà mình dự tính trong đầu. Một phụ nữ sẽ khiến cho nam giới phải có sự kính trọng trong tận đáy lòng họ. Khi con bà mở miệng nói, những lời vàng ngọc sẽ tuôn ra và đàn ông sẽ phải lắng nghe. Con gái bà sẽ không giống như bà.

Bà mẹ vừa cầu nguyện vừa ngắm nhìn cô con gái đang dần lớn khôn lên và tách xa khỏi bà. Cô giờ đây lại nói bằng một thứ tiếng mà bà khó hiểu nổi. Bà ngắm nhìn con gái của bà lột xác từ một cô gái ít nói thành một cô gái công khai khinh khi bà, gọi bà là bà già trầu quê mùa, cổ hủ... Nó muốn mẹ nó phải “tân thời”, một từ ngữ quá mới không có trong đầu óc bà.

Giờ đây tại cái xứ sở xa lạ này thì con gái bà đã trở nên quá tài giỏi đối với bà và bà tự hỏi không biết sao mà trước đây bà lại cầu xin như thế. Trời Phật đã thương tình với những lời cầu xin của bà từ bao lâu nay, nhưng của cải và công danh tuôn chảy hậu hĩ vào đã vùi chôn mất đi cái cội nguồn của cô con, và giờ đây cô con đang đứng đó với khuôn mặt biến dạng, không bản sắc, chỉ còn dính dáng vào mảnh đất của tổ tiên xưa kia bằng một sợi dây buộc mong manh như dây chằng sấp bạc tiền giả tạo vừa rút ra khỏi ngân hàng vậy thôi!.

Cô con gái đã quên mất cái giá trị của bà mẹ mình rồi. Những điều ước muốn của cô gái quá phù du, đó là những ước muốn của một người phụ nữ hiện đại như quyền lực, của cải, tới lui các cửa hàng thời trang cao cấp… Ấy vậy mà cô gái vẫn chưa thể tìm thấy được nguồn hạnh phúc thực sự. Thật ra phải biết rằng người ta vẫn có thể tìm được hạnh phúc mà không cần đòi hỏi nhiều như thế. Tới khi mà cô buông xuôi đôi tay từ giã cõi đời thì tất cả những thứ mà cô có sẽ chẳng còn chi tồn tại nữa. Vô thường mà! Người ta sẽ nhìn lại những thành tích của cô và nói rằng cô là một phụ nữ vĩ đại nhưng rồi cô sẽ bị quên lãng đi khi mà có cơn gió thổi qua, tương tự như tro tàn còn sót lại của những chiếc xe mui trần bằng giấy và những biệt thự giả tạo hàng mã đã bị ngọn lửa thiêu đốt xong.

Bà già ước mong sao bà có thể quay trở lại thời xa xưa và xóa bỏ đi tất cả những ước vọng to lớn của mình. Xoá bỏ những lời cầu nguyện từng dành cho cô con gái. Giờ đây bà chỉ còn mỗi một ước nguyện: làm sao cho con gái bà được hạnh phúc. Bà nhìn ra phía cổng chùa. Bà thấy con gái bà đang nói chuyện bằng điện thoại, chân mày nó nhíu lại với vẻ giận dữ và lo lắng. Trong cái xã hội này mà đứng cao ở tuốt hàng đầu cũng chẳng tốt lành chi, bà già thầm nghĩ, từ trên đỉnh cao đó thì chỉ có một con đường để đi, đó là đi xuống mà thôi.

Bà thắp thêm mấy nén nhang. Con gái bà thường chế nhạo bà về chuyện thờ cúng các vị Phật bằng sành bằng sứ này. Sao bà lại có thể cầu nguyện với các pho tượng thành khẩn như thế và mong chờ những mảnh sành sứ ấy bay đến giúp đỡ cho bà chứ?

Ngược lại bà cũng thường thầm nghĩ rằng chính bản thân con gái của bà cũng có những vị thần riêng của nó vậy. Đó là những thần tượng sang giàu, thành công và quyền thế mà nó lệ thuộc và tôn thờ mỗi ngày trong cuộc đời nó đó! Mỗi ngày con gái bà đều tất bật tìm kiếm các thần tượng, và những thần tượng mà nó tôn thờ lại chẳng đáng gì cả so với cõi vĩnh hằng. Tất cả những thứ mà nó cầu mong sẽ dần dần làm cuộc đời nó tiêu ma đi và chỉ còn để cái thân xác nó trơ lại như một chiếc vỏ sò vô hồn trống rỗng trước cái bàn thờ của riêng nó!

Bà mẹ lặng nhìn những cây nhang. Làn khói xám đang âm thầm đong đưa bốc lên để rồi cây nhang tàn lụi dần đi chỉ còn lưu lại một chút tro mà thôi. “Phụ nữ hiện đại ngày nay!” Bà buông tiếng thở dài nhẫn nhục khi cúi lạy về hướng Đông một lần cuối cùng để chấm dứt buổi lễ. Các phụ nữ hiện đại ngày nay ham muốn quá nhiều thứ đến nỗi đánh mất đi cả linh hồn của họ rồi lại tự hỏi tại sao họ không tìm được nó. Cây nhang của bà giờ đã tàn hết đi thành một nhúm tro xám mịn.

Bà gặp lại con gái ở ngoài cổng chùa. Cái vẻ lo lắng và thất vọng vẫn còn nguyên trên khuôn mặt cô con. Một sắc mặt lơ láo, cứ như là cô con đang cày xới sâu vào mảnh đất đầy ham muốn của riêng cô để bới tìm cho ra chút hạt mầm hạnh phúc. Hai mẹ con lặng lẽ leo lên chiếc xe hơi mui trần, rồi cô gái lái xe ra xa lộ, lần này không phóng nhanh như trước đây nữa.

Bích Châu cuối cùng rồi cũng lên tiếng: “Mẹ à! Con không biết nói sao đây. Mark và con đã bàn kỹ về chuyện này rồi và chúng con định dọn ra khỏi căn nhà lớn. Thị trường nhà đất giờ đây đang khấm khá và chúng con đang xoay sở kiếm người muốn mua căn nhà đó với giá hời và trả cho chúng con cả hơn triệu bạc. Tụi con đã quyết định chỉ cần ở một căn phố nào đó nhỏ hơn thôi. Chúng con đã kiếm ra một căn nơi con đường gần khu thương mại rồi. Khi nào chúng con dọn về đó, chúng con sẽ cho chị giúp việc nghỉ làm để có chỗ rộng rãi hơn cho chính chúng con…” Bà mẹ gật đầu tỏ vẻ hiểu chuyện.

Bích Châu nuốt nước miếng xuống một cách khó nhọc, nói tiếp “Tụi con sẽ thuê người tới dọn dẹp nhà cửa và ra ngoài ăn uống, khỏi nấu nướng. Nhưng khi mà chị người làm nghỉ rồi thì không còn ai chăm sóc cho mẹ nữa. Mẹ sẽ rất cô đơn khi ở nhà một mình. Với lại căn nhà cũng khá nhỏ nữa. Không được rộng rãi. Chúng con đã suy nghĩ về chuyện này lâu lắm rồi và chúng con nghĩ tốt nhất là mẹ nên đến sống ở trong một Nhà Dưỡng Lão. Có một căn ở ngay vùng lân cận này cũng tốt lắm mẹ à.” Bà già nghe rõ nhưng không hề ngước mắt lên.

“Con đã đến nơi đó rồi. Bà quản lý nói là bà ấy vui lòng nhận mẹ vào. Nhà này đẹp lại có vườn. Còn có cả đám người già để làm bạn với mẹ! Con đâu còn có nhiều thời gian rảnh để lo cho mẹ nữa, ở đó thế nào mẹ cũng vui hơn!” “Ở đó mẹ sẽ vui hơn thật mà!” Cô con gái bà lặp lại như để quả quyết với chính mình.

Lần này bà già không còn giỏ đựng trái cây và nhang trầm cúng dường nào để mà ghì chặt vào lòng nữa rồi. Bà mím môi và siết chặt dây an toàn quấn ngang người lại cứ làm như là nó bảo vệ được bà trước cô con gái giờ đây chẳng còn chút gì muốn giữ bà lại nữa. Bà ngồi lún xuống chiếc ghế da mềm mại, mặc cho đôi vai thõng xuống và các ngón tay in dấu trên ghế trắng.

“Mẹ!” Con gái bà vừa cất tiếng gọi vừa ngước nhìn lên chiếc kính chiếu hậu để tìm bà mẹ mình. “Mọi việc như vậy là ổn cả chứ hả mẹ?” “Điều gì cần phải làm thời nên làm, không sao đâu!” Bà già to tiếng cương quyết nói, giọng bà lớn hơn bà dự định. “Nếu điều đó làm con hạnh phúc!” Bà xuống giọng nói nhỏ thêm.

“Đó là cho mẹ đấy! Ở đó mẹ sẽ vui sướng hơn. Mẹ có thể dọn đến đó vào ngày mai, con đã sai chị người làm gói ghém đồ đạc cho mẹ rồi!” Bích Châu nói một cách phấn khởi, trong đầu coi như đã thanh toán xong một việc và tiếp tục hướng đến một mục mới trong cuốn sổ tay ghi các công việc cần làm hàng ngày.

“Con biết mọi chuyện sẽ ổn thỏa mà!” Bích Châu toét miệng cười, cô cảm thấy như vừa được giải thoát. Có lẽ việc tống khứ được bà mẹ đi sẽ giúp cô hạnh phúc hơn. Cô đã từng nghĩ đến chuyện đó. Hình như đó là cái trở ngại duy nhất trên con đường mưu cầu hạnh phúc của cô. Giờ đây thì cô sung sướng rồi. Cô đã có đủ mọi thứ mà bất kỳ một người phụ nữ hiện đại nào cũng từng ước muốn: tiền tài, địa vị, nghề nghiệp, tình yêu, quyền thế và bây giờ là tự do, không còn có bà mẹ già với những thứ mà cô coi là “lề thói hủ lậu” của bà khiến cô luôn bị xuống tinh thần...

Phải, cô con gái đã được “giải phóng”! Chiếc điện thoại của cô reo lên, khẩn trương. Cô nhấc nó lên và đọc mẩu tin nhắn, mẩu tin như truyền tin vui từ tai này qua tai khác: “Thị trường chứng khoán tăng 10%”. Đúng vậy! Rõ ràng là mọi việc đối với cô đang bắt đầu có chiều hướng đi lên. Trong khi cô đang tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời qua ánh sáng lấp lánh nơi chiếc màn ảnh điện thoại cầm tay thời bà mẹ già ngồi ở băng ghế sau đã trở nên vô hình. Và cô đã không thể trông thấy là bà mẹ của mình đang đầm đìa đôi giòng lệ.

“What the Modern Woman Wants...”
By Amanda Chong Wei-Zhen)



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/08/2011(Xem: 7362)
Trong văn hóa của dân tộc Việt Nam, ý nghĩa hiếu đạo, được xem là một di sản qúi báu, một chất liệu sống tốt đẹp được mọi người yêu chuộng...
05/08/2011(Xem: 4269)
Khi chúng ta ngừng lại sự nói năng và suy nghĩ để chuyên chú vào hơi thở vào-ra, chúng ta đang an trú trong quê hương đích thực của mình...
05/08/2011(Xem: 5112)
Mỗi năm đến mùa Vu Lan báo hiếu, người Phật tử tại gia thường noi gương hiếu thảo của Tôn giả Mục Kiền Liên báo đáp công ơn cao dày của cha mẹ đã qua đời cũng như còn tại thế...
04/08/2011(Xem: 6616)
Hàng năm, chúng ta vâng lời Phật dạy, làm người con thảo, nên thường dâng tứ sự, cúng dường trai tăng lên Thập Phương Thường Trú Tăng để hồi hướng phước báo đến Cha Mẹ...
03/08/2011(Xem: 4892)
Hôm nay, mùa Vu Lan báo hiếu lại trở về trên xứ Việt, hòa chung với niềm vui lớn này, xin được san sẻ cùng em đôi điều về đạo hiếu của con người.
03/08/2011(Xem: 6712)
Danh từ Vu Lan hay Vu Lan Bồn là tiếng dịch âm từ chữ Phạn Ulambana vốn có nghĩa là “Ngày hội cứu những oan hồn bị treo ngược.”
03/08/2011(Xem: 5307)
Người đời thường hay bảo nhau “Cháu của bà Nội mà tội cho bà Ngoại” nhưng Mệ Nội tôi có lẽ không đủ phước báu để được hưởng cái đặc ân đó. Trái lại, Mệ đã một lòng chăm nom và dạy dỗ đàn cháu Nội trần ai khoai củ này, thật tội nghiêp!.
02/08/2011(Xem: 4935)
Bàng bạc trong kinh điển Hán tạng (H) và Pàli tạng (P) là ơn nghĩa sanh thành, thâm ân dưỡng dục, hiếu đạo trong hiện tại, hiếu đạo ở vị lai, tội báo bất hiếu...
02/08/2011(Xem: 4849)
Tay bưng bát mì mà nước mắt tuôn trào từ khi nào, tôi thả đôi đũa rơi xuống đất, lâu lâu xoa nhẹ vết sưng to hơn cái bánh bao trên chân của mẹ, nước mắt cứ từng giọt từng giọt rơi xuống đất…
02/08/2011(Xem: 6189)
Công ơn của cha mẹ đối với các con thật to lớn như trời cao, biển rộng, nào là mớm cơm cho ăn từng bữa, nào là săn sóc cho con từng giấc ngủ canh khuya...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]