Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tưới tẩm hạt mầm hiếu hạnh cho con trẻ

11/04/201311:18(Xem: 5602)
Tưới tẩm hạt mầm hiếu hạnh cho con trẻ

Tuyển tập bài viết về Vu Lan - 2011

Tưới tẩm hạt mầm hiếu hạnh cho con trẻ

Thích Thanh Lương

Nguồn: Thích Thanh Lương

Hiếu hạnh, chuẩn mực của đạo đức từ bao đời vẫn luôn tồn tại trong tư duy của nhân loại, là nền tảng căn bản của luân lý xã hội. Dù cho anh thuộc sắc tộc nào, dù cho chị theo tôn giáo nào, dù cho em là ai, thì hạnh hiếu vẫn luôn là đích đến của tiến trình hoàn thiện nhân cách, nó được xem là 'gốc của đạo đức, gốc của lòng nhân ái'. Đạo Phật, con đường hướng đến giác ngộ giải thoát, vẫn luôn lấy hiếu hạnh làm đầu – "đạo Phật là đạo hiếu, hạnh Phật là hạnh hiếu'. Từ cái nhìn tổng quát, muốn làm Phật, một bậc chí tôn chí kính, tiên quyết nhất người Phật tử cần phải hoàn thiện nền tảng căn bản của đạo đức xã hội, đó chính là tinh thần từ hiếu đối với hai đấng sinh thành. Trong kinh Tăng Chi Bộ, đức Thế Tôn đã từng dạy rằng:
'"... Có hai hạng người, nầy các tu sĩ, Ta nói không thể trả hết ơn được. Đó là Cha và Mẹ. Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm cho đến trăm tuổi cũng chưa trả ơn đủ cho cha mẹ. Nếu có phụng dưỡng cha mẹ với mọi báu vật trên trái đất nầy cũng chưa trả ơn đủ. Vì sao thế? Vì rằng cha mẹ đã bỏ nhiều công sức cho con cái, nuôi dưỡng chúng cho đến lúc lớn khôn, và dẫn dắt chúng vào trong đời nầy.'
Thực tế xã hội ngày nay chúng ta thấy tỷ lệ thanh thiếu niên phạm pháp ngày càng tăng. Những hành vi cư xử thiếu đạo đức của các em đã nhiều lần làm cho hai đấng sinh thành phải đau, phải xấu hổ. Thực tế đó đưa đến kết luận rằng, các em vẫn chưa thương yêu cha mẹ mình thấu đáo, chưa thấm nhuần tư tưởng hiếu hạnh mà muôn đời tổ tiên ông bà đã để lại. Dưới cái nhìn của một tu sĩ Phật giáo, tôi cho rằng hiếu hạnh của con trẻ cần phải được giáo dục và tưới tẩm hằng ngày qua các hoạt động của cuộc sống trong gia đình và xã hội. Từ suy nghĩ đó, bài viết dưới đây sẽ đệ trình một vài phương pháp nhằm tưới tẫm hạt mầm hiếu hạnh cho con trẻ theo tinh thần mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy.

1. Giúp con nhận thức đúng đắn và sâu sắc về chữ 'hiếu' theo tinh thần của Phật giáo:

Có thể nói hầu như các tôn giáo, các trường phái triết học, dù Đông hay Tây cũng đều đề cao hiếu hạnh, bởi nó là chuẩn mực của đạo đức, của nhân cách. Tuy nhiên, do quan điểm nhận thức của mỗi cá nhân trong mỗi cộng đồng khác nhau mà hiếu hạnh được hiểu và thực hiện theo những phương cách không giống nhau. Lẽ thường, gần như mọi người đều hiểu, 'hiếu' là 'bổn phận' là 'trách nhiệm'. Điều đó có nghĩa là làm con thì phải hiếu dưỡng cha mẹ, đấy mới là 'đạo làm con'. Chẳng hạn trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam có câu:
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Tuy nhiên, trên tinh thần của đạo Phật, việc hiếu dưỡng hai đấng sinh thành vượt lên trên cả bổn phận, vượt lên trên cả nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ, mà đó là nhu cầu của tình thương. Nói cách khác, lo lắng, thăm viếng cha mẹ xuất phát từ tình thương yêu tôn kính của con dành cho cha mẹ. Ý niệm thương yêu đó đòi hỏi người con mong muốn có cơ hội để hiếu dưỡng cha mẹ. Như ca dao cũng có nói:
Mẹ già ở túp lều tranh
Sớm thăm tối viếng cho đành dạ con
Sự khác biệt giữa bổn phận và tình thương tạo nên một khoảng cách rất lớn trong hành vi cư xử. Chẳng hạn khi chúng ta làm một điều gì đó chỉ vì bổn phận thì chắc chắn sự thành tựu sẽ có phần hạn chế, 'làm lấy rồi'. Ngược lại, chúng ta làm vì sự đam mê, làm vì tâm chân thành thì thành quả của nó thật không giới hạn. Cũng vậy, hiếu dưỡng cha mẹ vì nhu cầu của tình thương, được lo lắng, thăm viếng cha mẹ là một niềm tự hào, là nguồn thương yêu vô hạn, là cách thức kiếm tìm hạnh phúc của con cái, thì sự hiếu dưỡng đó mới được trọn vẹn, bởi vì "Cha mẹ là niềm phúc đức và niềm an lạc cho con cái. Cha mẹ là một nửa hồn và máu huyết của con cái. Cha mẹ đã đóng góp đời mình cho sự trưởng thành của con cái. Cha mẹ là tất cả, là của con và vì con". (TT. Thích Nhật Từ, Chữ hiếu trong ca dao Việt nam và trong kinh điển Phật giáo)
Trên tinh thần hiếu dưỡng như vậy, người con hiếu trong đạo Phật không chỉ biết phụng dưỡng cha mẹ về của cải vật chất mà còn tận tình chăm sóc đời sống tinh thần cho cha mẹ thích ứng với chánh pháp mà Phật dạy. Một người Phật tử biết từ hiếu với cha mẹ trước tiên bản thân của người ấy biết sống đời phạm hạnh, từ lời nói đến việc làm phải biết tự hoàn thiện về nhân cách đạo đức. Có như thế mới làm cho cha mẹ vui. Ý nghĩa đó được được ghi lại trong Sám pháp Mục Liên như sau: "Làm con hiếu thảo theo lời kinh dạy là cố gắng tu trì, diệt trừ tội chướng, thanh tịnh hành vi, cha mẹ hiện tiền sống lâu trăm tuổi, tổ tiên quá khứ rũ sạch oan khiên".
Hơn thế nữa, người Phật tử hiếu hạnh còn biết hướng cha mẹ tu nhân tích đức, hành thiện, bố thí, trì giới … để cha mẹ có thể tự mình được an lạc và giải thoát muôn đời như đức Phật đã dạy: "Hiện tiền đại chúng thiện nam tín nữ phải phát hiếu tâm cúng dường cha mẹ, khuyên tu thập thiện, cùng chứng đạo quả, cùng thành bồ-đề, đời này an vui, đời sau hạnh phúc". (Sám Pháp Mục-Liên). Như thế, hiếu dưỡng theo tinh thần của đạo Phật được hiểu như là một pháp tu. Một người con hiếu, không chỉ biết tu tập, hành trì giới luật để tự hoàn thiện mình, mà còn biết khuyến hóa cha mẹ cùng tu tập để hướng đến hạnh phúc chân thực. Ý nghĩa đó một lần nữa được đức Thế Tôn nhấn mạnh trong kinh Báo Ân Cha Mẹ như sau: "Chư vị Phật tử ! Các người muốn báo ân cha nghĩa mẹ thì phải thân hành sao chép trì tụng, thực hành kinh này. Phải biết sám hối tội lỗi cho cha mẹ, bằng cách khuyến khích cha mẹ thực hành chánh pháp tối thượng. Phải vì cha mẹ mà giữ tịnh giới, mà làm bố thí, làm hạnh lợi tha. Làm được như vậy mới là hiếu tử." (Kinh Báo Ân Cha Mẹ, H.T Thích Trí Quang dịch)

2. Gìn giữ truyền thống đạo đức gia phong:

Cùng với việc giúp con hiểu ý nghĩa chữ "hiếu" trong đạo Phật, để vun tưới hạt mầm hiếu hạnh cho con trẻ thì sự giữ gìn truyền thống đạo đức gia phong luôn đống vai trò vô cùng quan trọng. Trong truyền thống đạo đức đó, tinh thần tri ân và báo ân đối với tổ tiên ông bà luôn là nền tảng vững chắc cho các thế hệ con cháu noi theo. Chẳng hạn, nhân các ngày kỵ giỗ trong gia đình, các kỳ chập mộ, lễ mừng thọ … dù bận rộn và xa xôi thế nào, cha mẹ cũng nên tạo điều kiện đưa con về dự lễ. Dự lễ như vậy giúp con trẻ hiểu rõ về nguồn cội, ý thức về quê hương xứ sở, về tình huyết thống, về vốn liếng tâm linh của đại gia đình. Đặc biệt, đối với những gia đình theo đạo Phật, chúng ta nên cung thỉnh chư tôn Thiền đức chủ hành pháp sự, tiến hành lễ cầu siêu vào ngày húy kỵ và cầu an vào các lễ mừng thọ cho các vị cao niên trong gia tộc. Những buổi lễ như vậy, cung thỉnh chư tôn đức giảng giải thêm cho các thế hệ con cháu hiểu về ý nghĩa hiếu hạnh, và cách thức báo hiếu. Đối với những gia đình không có điều kiện cung thỉnh chư tôn Thiền đức hay những gia đình không theo đạo Phật thì chúng ta cũng nên nhân các hoạt động truyền thống đó để dạy con cháu biết hiếu dưỡng ông bà cha mẹ, như là cách thức để tiếp nối mạng mạch tâm linh của gia tộc.
3. Xây dựng gia đình thực sự là tổ ấm, là nơi nương tựa vững chắc cho con trẻ:
Để dạy con biết hiếu thảo, hay các hành vi đạo đức khác, việc xây dựng một tổ ấm gia đình có ảnh hưởng rất lớn, bởi đó là nơi nương tựa cho con trẻ. Nếu gia đình không còn là nơi cư ngụ yên ổn thì con trẻ khó có thể hình thành được những hành vi cư xử chuẩn mực huống hồ là hiếu kính mẹ cha. Cho nên người ta thường cho rằng gia đình là trường học đầu đời cho con trẻ.
Trong gia đình hạt nhân truyền thống của người dân Việt Nam bao gồm hai thế hệ: cha mẹ và con cái. Hạnh phúc nảy mầm từ mối quan hệ giữa vợ - chồng, giữa cha mẹ - con cái, và mối quan hệ giữa các anh chị em với nhau. Để có một tổ ấm gia đình thực sự, quan trọng nhất cha mẹ phải dành nhiều thời gian gần gủi, quan tâm nhau, dành nhiều thời gian để lắng nghe và hiểu biết những tâm tư của con trẻ, nhất là khi con bước vào tuổi vị thành niên. Cha mẹ nên dạy các con biết sống hòa thuận với nhau trong tình huyết thống cao thâm.
Đối với những gia đình có truyền thống Phật giáo thì thật là tốt khi biết áp dụng Phật pháp vào đời sống hằng ngày trên tinh thần cùng nhau tu tập nhằm hướng đến hạnh phúc chân thực. Mỗi thành viên luôn tự ý thức thực tập hạnh lắng nghe và nói lời ái ngữ. Lắng nghe bằng cả con tim chân thành và thấu hiểu thì chắc chắn có thể làm vơi đi những xung đột trong cuộc sống gia đình. Được như vậy, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngày một gần gủi và gắn bó hơn. Sống trong một gia đình ấm cúng như thế, việc tưới tẩm hạt giống hiếu hạnh trong con trẻ chắc chắn sẽ dễ dàng, bởi lúc đó "hiếu thảo không chỉ thể hiện tình yêu thương với mẹ mà còn là điều kiện để chúng ta được sống như là chính mình, để cảm thấy mình vẫn cứ bé nhỏ khi về với gia đình thương yêu, vẫn như là những đứa trẻ tranh nhau nép mình vào vòng tay cha mẹ". (TS Đinh Phương Duy – Hiếu thảo, giá trị muôn đời của con người).

4. Cha mẹ luôn tự ý thức xây dựng mình thành những tấm gương hiếu hạnh cho con cái noi theo:

Trong nền giáo dục Phật giáo, 'thân giáo' vẫn luôn được xem là hình thức giáo dục quan trọng nhất trong ba hình thức: thân giáo, khẩu giáo và ý giáo. Điều này cũng rất dễ hiểu, bởi lẽ dù cho chúng ta có nói lý thuyết hay đến mấy mà bản thân không tự thực hiện thì xem như những lời nói suông, những sáo ngữ mà thôi.
Trong đời sống gia đình, những hành vi cư xử hằng ngày của cha mẹ luôn là những bài học sống động, có ý nghĩa quyết định đến hành vi đạo đức của con cái sau này. Đơn giản rằng trẻ con thì thường rất thích bắt chước. Thấy cha mẹ làm gì thì thường làm theo. Sự bắt chước đó dần dần sẽ hình thành nên thói quen đạo đức trong con trẻ. Do vậy, nếu muốn dạy con hiếu kính với ông bà cha mẹ thì bản thân cha mẹ cũng phải biết hiếu kính ông bà của mình. Cha mẹ phải là tấm gương sáng cho con trẻ noi theo. Điều này đã từng được N.I.Novicop phát biểu rằng: "Không có gì tác động lên tâm hồn non nớt của trẻ bằng quyền lực của sự làm gương, còn giữa muôn vàn tấm gương thì không tấm gương nào gây ấn tượng sâu sắc và bền chặt bằng tấm gương của cha mẹ và thầy cô".

5. Khuyến khích con bày tỏ tình thương yêu với người thân trong gia đình nhằm hình thành thói quen hiếu thảo cho con:

Nói chung cuộc sống gia đình luôn có ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi đạo đức và tư duy của con trẻ sau này. Cho nên, việc khuyến khích con trẻ bày tỏ tình thương yêu của mình với ông bà, cha mẹ và các anh chị em cũng giúp hình thành thói quen thương yêu và hiếu thuận của chúng. Tuy vậy, nhìn chung trong các gia đình Việt Nam gần như mọi người cảm thấy khó khi thốt lên một lời yêu thương với người thân. Câu nói 'Mẹ ơi! Con thương mẹ lắm!', 'Ba ơi! Con thương ba lắm!', 'Anh ơi! Em thương anh lắm!', hay 'Chị ơi! Em thương chị lắm!' gần như là khó khăn để mở lời đối với họ. Điều này có lẽ xuất phát từ cách nghĩ, yêu thương chỉ nên giấu kính trong lòng chứ không cần phải nói ra thành lời. Tuy nhiên tôi thì không hoàn toàn đồng ý với quan điểm đó. Ngược lại tôi cho rằng, việc thể hiện ra bằng lời nói, bằng hành động, và bằng cả tấm lòng thì cha mẹ cũng như người thân mới cảm nhận trọn vẹn được. Chắc chắn khi ba mẹ và người thân của chúng ta nghe được những lời thổ lộ yêu thương như vậy thì họ sẽ vui mừng lắm!. Có một lần tôi dạy tiếng Anh cho một nhóm 20 học sinh lớp 6. Hôm đó sắp đến ngày Vu Lan, tôi muốn gợi nhắc các em về cái ngày trọng đại này, ngày dành cho cha và mẹ của mình. Tôi chuẩn bị 20 tấm thiệp và bao thư rất trang trọng. Sau giờ dạy, tôi dành khoảng 30 phút nói chuyện với các em, và khuyến khích các em nói lời yêu thương với hai đấng sinh thành. Tôi phát cho các em mỗi người mỗi tấm thiệp và bao thư để các em viết lên đó những gì ngọt ngào nhất dành cho cha mẹ và ký tên phía dưới. Tôi thu lại những tấm thiệp. Đêm đó trở về phòng, tôi ngồi một mình và đọc những dòng chữ rất ngây ngô và dễ thương đến lạ. Tôi ngập tràn một niềm xúc cảm khó tả và nghĩ rằng cha mẹ của các em chắc chắn sẽ hạnh phúc khi đọc được những lời yêu thương do chính nét bút ngoạch ngoạc của những đứa con yêu quý mình viết lên. Tôi quyết định dán lại từng phong thơ rất kính cẩn và gửi đến từng phụ huynh của các em nhân mùa Vu Lan năm đó. Kết quá, chỉ ngay lúc nhận được những tấm thiệp chúc mừng, phụ huynh đã gọi điện cho tôi rất nhiều. Họ đã bày tỏ niềm hạnh phúc đến ngập tràn tâm hồn tôi. Không có mặt ở mỗi gia đình, nhưng qua các cuộc điện đàm tôi đã cảm nhận được một hơi ấm thương yêu từ những đứa học trò bé nhỏ của tôi. Từ đó, tôi vẫn thường khuyến khích các em nên làm như vậy không chỉ vào ngày lễ Vu Lan, mà còn vào các ngày đặc biệt khác như mồng 8 tháng 3, ngày 20 tháng 10, và những ngày sinh nhật của ba của mẹ… Khuyến khích thổ lộ tình cảm như vậy chắc chắn sẽ tưới tẩm lên hát giống hiếu hạnh của con trẻ rất nhiều.

6. Nêu cao những tấm gương hiếu hạnh qua các câu truyện kể:

Trẻ con thì thường rất thích nghe kể chuyện. Kể chuyện không những là cách xây dựng tình thân giữa cha mẹ và con cái mà còn là cơ hội để dạy con những bài học đạo đức. Gần gủi và kể cho con những câu chuyện cổ tích về những tấm gương nhân đức và hiếu thảo cũng là một trong những hoạt động nhằm tưới tẩm hạt mầm hiếu hạnh cho con. Trong kho tàng truyện cổ Phật giáo có rất nhiều câu chuyện như vậy, chẳng hạn như những câu chuyện về tấm gương hiếu thảo của ngài Mục Kiền Liên, của ngài Xá Lợi Phất và đặc biệt là những câu chuyện về gương hiếu hạnh của đức Thế Tôn. Sau khi kể những câu chuyện đó, cha mẹ nên cố gắng phân tích và nêu cao những gương hiếu để gợi nhắc con cái về bổn phận của chúng đối với ông bà cha mẹ. Đôi lúc cha mẹ cũng nên để con trẻ tự đọc những câu chuyện trước, rồi ngồi lắng nghe con kể lại. Việc để cho trẻ làm như vậy sẽ in sâu hơn trong tâm trí chúng về hành vi hiếu hạnh của các nhân vật trong truyện và tự rút cho mình những bài học quý giá.
Tóm lại, giáo dục tinh thần hiếu thuận cho con trẻ là một việc làm rất cần thiết. Việc làm đó nên được tưới tẩm thường xuyên thông qua các hoạt động đời thường nhất đến các sự kiện trọng đại trong cuộc sống gia đình cũng như cộng đồng xã hội. Khi con trẻ ý thức về hiếu hạnh, khi chúng biết thương mẹ kính cha, và biết cố gắng không làm cho cha mẹ buồn thì chắc chắn rằng các em sẽ luôn phấn đấu để trở thành những con người tốt, lợi ích cho gia đình và xã hội sau này. Đối với những gia đình Phật tử, việc áp dụng và nêu cao những tấm gương hiếu hạnh trong kinh Phật thực sự là hữu ích cho quá trình tưới tẩm hạt mầm hiếu hạnh cho con. Thường xuyên đưa con đi chùa, đặc biệt là vào các dịp lễ lớn như Vu Lan luôn là cơ hội để giúp con hiểu một cách sâu sắc tinh thần hiếu hạnh trong đạo Phật. Cuối cùng, việc giáo dục hiếu đạo cho con nên được bắt đầu càng sớm càng tốt, đơn giản là vì con nhỏ thường dễ uốn nắn hơn. Điều này đã được Nguyễn Trãi nói đến trong Gia Huấn Ca rằng:
'Khai tâm từ thuở thiếu niên
Hiếu kinh tiểu học đọc liền cho xong'

Tu Viện Vạn Hạnh, Mùa An Cư Kiết Đông PL. 2555,






Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 4196)
Một chữ Tâm thôi mỏi mắt tìm Tìm xa chi nữa ở ngay đây Đây Tâm từ lúc lọt lòng mẹ Mẹ hỏi sao Tâm lạc chỗ nào
10/04/2013(Xem: 4193)
Tôi đi vòng trong một tiệm Target và chứng kiến cảnh người thu ngân đang trao lại một số tiền cho cậu bé. Cậu chỉ độ 5 hay 6 tuổi. Người thu ngân nói, “Rất tiếc là em không có đủ tiền để mua con búp-bê này”. Đoạn cậu bé quay sang bà cụ đứng cạnh: “Bà à, bà có chắc là con không có đủ tiền không, bà?” ......
10/04/2013(Xem: 4602)
Trong thời đại kinh tế thị trường, giữa bao lo toan tất bật của cuộc sống đời thường và sự hội nhập của nhiều nền văn hóa khác nhau vào Việt Nam, tấm lòng hiếu thảo của con, cháu đối với cha mẹ, ông bà cũng khác xưa, ngày một xa rời bản chất giá trị truyền thống của dân tộc.
10/04/2013(Xem: 4889)
Trong diễn văn khai mạc Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc 2008, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình Hà Nội, sáng ngày 14.5.2008, đã khẳng định: “Việt Nam là đất nước đa tôn giáo mà đạo Phật là tôn giáo có mặt rất sớm từ gần 2000 năm trước. Ngay từ buổi đầu tiên, với tư tưởng Từ bi, hỹ xã, Phật giáo đã được nhân dân Việt Nam đón nhận, luôn đồng hành cùng dân tộc với phương châm nhập thế, gắn bó giữa Đạo và Đời phấn đấu vì hạnh phúc an vui cho con người.
10/04/2013(Xem: 5517)
Hằng năm, vào dịp lễ Vu Lan, chương trình “Bông Hồng Cài Áo” lại rộ lên như một mùa hoa tươi mới thắm thiết, nở từ tâm hồn mỗi người con hiếu hạnh. Hãy thử nhớ lại, lần đầu tiên mình được cài đóa hoa hồng lên áo vào lễ Vu Lan là dịp năm nào, khi lên mấy tuổi..? Tôi không nhớ được… Có lẽ, không mấy ai nhớ rõ điều kỷ niệm ấy. Mà điều gì cố gắng nhớ lại chỉ để tính đếm, chỉ để đánh dấu thì có vẻ hình thức, khiên cưỡng. Vậy thì thôi, hãy để cho hồi ức, hoài niệm của ta bay bổng, mơ màng…
10/04/2013(Xem: 5471)
Tôi đang ngồi trong lớp học sinh ngữ tiếng Anh dành cho những người lớn tuổi (50+). Thầy tôi còn trẻ lắm, đang yêu và sắp lám đám cưới. Thầy tôi muốn chúng tôi viết một bài luận văn về tình yêu của thời chúng tôi còn trẻ…Tình yêu ấy tôi đã và đang có, đã đơm hoa và kết trái, tôi không còn gì để viết. Hiện tại trong tôi là hình ảnh người Mẹ, lúc nào cũng rực sáng trong tôi.
10/04/2013(Xem: 8614)
Dưới quê học hành khó khăn nên mới lớp 2, thằng Út đã được gởi lên thành phố ở với chị Hai. Lâu lắm mẹ mới ra thăm. Lần nào chị Hai cũng nhằn vì mẹ cứ nhai trầu bỏm bẻm suốt ngày, lại vứt bã trầu lung tung. Lần nào cũng vậy.
10/04/2013(Xem: 4710)
Tôi gọi người cha là Anh, còn con trai ông là Dũng, vì hai cha con ông thật... anh dũng. Mỗi sáng, họ có mặt ở công viên rất sớm. Bài thể dục của ông là hướng dẫn cho người con trai hơn 30 tuổi tập... đi.
10/04/2013(Xem: 5455)
Lời mở đầu: Một vài ngày nữa Ngày lễ của Cha lại trở về. Một văn hào đã viết “Nơi chốn bình an nhất của đứa trẻ trên thế giới này là căn phòng của cha nó!” Tình cha nhiều người cho rằng không đằm thắm bằng tình mẹ, có lẽ chỉ vì người cha ít chịu diễn tả mà thôi. Thật ra tình cha như nền móng của căn nhà, giá trị của nó là phần nằm sâu dưới mặt đất.
10/04/2013(Xem: 4832)
Cuộc thi viết ngắn Mẹ tôi: Ví dầu cầu ván đóng đinh Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi Khó đi mẹ dắt con đi Con đi trường học, mẹ đi trường đời
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]