Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ngọc Xá Lợi – Công Đức Tôn Thờ, Lễ Bái

11/04/201311:18(Xem: 5215)
Ngọc Xá Lợi – Công Đức Tôn Thờ, Lễ Bái

Tuyển tập bài viết về Vu Lan - 2011

Ngọc Xá Lợi – Công Đức Tôn Thờ, Lễ Bái

Thích Thanh Lương

Nguồn: Thích Thanh Lương

"Phật tại thế thời ngã trầm luân
Kim đắc nhơn thân Phật diệt độ
Áo não thử thân đa nghiệp chướng
Bất kiến Như Lai kim sắc thân."
Nghĩa là:
"Khi Phật ra đời con chìm trôi
Nay được thân người Phật diệt rồi
Thương thay thân con bao nghiệp chướng
Chẳng thấy Như Lai tướng vàng tươi."
(Giai Không dịch)
Đó là tâm trạng của ngài Huyền Trang đời Đường (602 – 664) khi đến chiêm bái thánh tích Bồ Đề đạo tràng, nơi mà đức Thế Tôn thành đạo. Vẫn còn đây những thắng tích của năm nào nhưng hình ảnh của người 'Cha lành' không còn nữa. Nỗi xúc cảm này đâu chỉ có mỗi mình ngài Huyền Trang mà đó còn là nỗi bất hạnh lớn lao nhất của tất cả chúng sanh đang hiện hữu trong cõi Ta Bà này.Tuy vậy, trong kinh Lương Hoàng Sám Phẩm thứ 10 đã nói đến tám nạn khổ và mười lăm điều mà mỗi Phật tử chúng ta nên biết để tự mừng, như một niềm an ủi để vững tiến trên bước đường tu tập đạo Giải thoát. Trong những điều đáng tự mừng ấy, điều thứ chín có dạy: "thấy Phật là khó, mà nay chúng ta đã cùng nhau chiêm ngưỡng được hình tướng của đức Phật."[1] Quả thật như vậy, chúng ta không chỉ có phước duyên chiêm ngưỡng và đảnh lễ Ngài qua tôn tượng mà nhiều người trong chúng ta còn có cơ may tôn thờ và lễ bái Xá lợi, nhục thân mà Ngài đã để lại làm lợi ích cho trời người. Vậy ngọc Xá lợi là gì? Nguồn gốc, đặc điểm, sự mầu nhiệm và công đức tôn thờ, lễ bái ra làm sao vẫn còn là điều gì đó mà nhiều người Phật tử vẫn chưa hiểu một cách thấu đáo, thậm chí cả các khoa học gia vẫn chưa thực sự lý giải được sự mầu nhiệm của nó. Như trong bài báo với tiêu đề: " Những viên xá lị ... biết nói" của Dương Đình Tường đăng tại trang báo điện tử baomoi.com, đoạn kết có ghi:
Khoa học đưa người ta lên mặt trăng, đưa tin tức đi với tốc độ ánh sáng, gửi thông điệp cho những người ngoài hành tinh... tuy nhiên, cuối cùng thì Xá lợi đã được hình thành như thế nào? Thành phần của nó ra sao? Vẫn đang làm nhức đầu các nhà khoa học.
Chẳng phải kim loại, chẳng phải phi kim, cũng chẳng phải kim cương, đá quý, chỉ là tro cốt còn lại của người tu hành sau khi hỏa táng, vậy mà sao đốt cũng không cháy, không cần màu vẫn sáng lấp lánh, thách thức với thời gian... [2]
Quả thật, làm sao chúng ta có thể dùng cặp mắt trần để lý giải một sự mầu nhiệm của Phật pháp! Chỉ khi chúng ta có một niềm tin vững chãi, một quá trình tu tập tinh tấn, chúng ta mới có thể cảm nhận được sự mầu nhiệm ấy. Trên phương diện đó bài báo, "Ngọc Xá lợi – Công đức tôn thờ, lễ bái" dưới đây sẽ ghi lại nguồn gốc, đặc tính cũng như đi sâu lý giải những công đức và sự mầu nhiệm của nó dưới cái nhìn của một người học Phật.
1. Nguồn gốc:
Cho đến bây giờ gần như tất cả các học giả Phật giáo đều đồng ý rằng sau lễ Trà tỳ, xá lợi của đức Phật được phân đều cho đại diện của 8 quốc gia thỉnh về để xây tháp cúng dường. Điều này được chép rõ trong kinh Đại Bát Niết Bàn phẩm thứ hai mươi chín, "Cúng Dường Xá Lợi" như sau:
Lúc đó người thành Câu Thi Na lãnh được phần Xá Lợi thứ nhứt. Người nước Ba Kiên La thỉnh được phần Xá Lợi thứ hai. Người nước Sư Già Na thỉnh được phần Xá Lợi thứ ba. Người nước A Lặc Già thỉnh được phần Xá Lợi thứ tư. Người nước Tỳ Nậu thỉnh được phần Xá Lợi thứ năm. Người nước Tỳ Gia Ly thỉnh được phần Xá Lợi thứ sáu. Người nước Ca Tỳ La Vệ thỉnh được phần Xá Lợi thứ bảy. Chúa nước Ma Già Đà Vua A Xà Thế thỉnh được phần Xá Lợi thứ tám. Người trong tám nước đều xây tháp cúng dường Xá Lợi tại nước mình.
Yên Bà La Môn thỉnh bình đựng Xá Lợi về xây tháp tại tụ lạc Đầu Na La.
Người nước Ba La Diên Na cũng thỉnh tro đem về xây tháp cúng dường.
Lúc đó trong Diêm Phù Đề có tám tháp thờ Xá Lợi của Phật, một tháp thờ bình lường Xá Lợi, một tháp thờ tro. Thế là việc phân chia Xá Lợi đã xong.[3]
Về nguồn gốc khảo cổ của ngọc xá lợi có nhiều thuyết khác nhau. Tuy vậy, một minh chứng mà gần như các học giả Phật giáo đồng ý đó là sự kiện nhà khảo cổ học người Pháp, W.C.Peppé năm 1898 đã khai quật được chiếc va li bằng đá to tại Piprava xứ Népal. Sau khi mở ra, người ta phát hiện có một cái bình với dòng chữ tiếng Brahmi có nghĩa là: "Đây là xá lợi Phật do một người nổi tiếng trong Thích Ca tộc và em gái, vợ con làm để cúng thờ Ngài."[4]
Như vậy, dòng chữ này cho chúng ta biết được đây là một trong tám phần xá lợi Phật được chia cho tám nước sau khi hỏa táng. Điều này cũng rất phù hợp với những gì được ghi chép lại trong kinh Đại Bát Niết Bàn. Về sau, hơn 200 năm sau ngày Phật nhập diệt, vua A Dục (304BC – 232BC) đã cho gom tám phần xá lợi của tám nơi chia thành 84.000 phần và tôn thờ tại 84.000 tháp lớn nhỏ.
2. Phân loại:
Về phân loại Xá lợi Phật cũng có nhiều nguồn và cách phân chia cũng khác nhau. Theo Pháp Uyển Châu Lâm quyển 4, Xá lợi có ba loại: Xá lợi xương có màu trắng, Xá lợi tóc có màu đen và Xá lợi thịt có màu đỏ. Theo kinh Dục Phật Công Đức thì xá lợi Phật được chia làm hai loại: sinh thân Xá lợi, còn được gọi là sinh cốt Xá lợi, tức là di cốt của đức Phật và pháp thân Xá lợi, còn gọi là pháp tụng Xá lợi tức là giáo pháp và giới luật của Phật còn lưu truyền lại.
3. Đặc điểm của ngọc xá lợi:
Xá lợi, tiếng Phạn là Sarira, nghĩa gốc là "những hạt cứng", đó chính là phần tro còn lại sau khi hỏa táng. Đây là phần tro có lẫn tinh thể trong suốt, lóng lánh với năm màu sắc khác nhau: màu đen tức Xá lợi tóc còn gọi là phát Xá lợi, màu đỏ tức máu còn gọi là huyết Xá lợi, màu vàng tức da còn gọi là bì Xá lợi, màu xanh tức gân còn gọi là cân Xá lợi, màu trắng tức xương còn gọi là cốt Xá lợi. Theo ghi nhận của các nhà khoa học, Xá lợi đều có chung một đặc điểm là "chẳng phải kim loại, cũng chẳng phải phi kim, cũng chẳng phải kim cương, đốt không cháy, thậm chí vẫn sáng lấp lánh màu sắc, thách thức với thời gian, chẳng mảy may hư hỏng" [5], đó là những viên ngọc quý, có viên lớn như hạt đậu hạt bắp, có viên nhỏ như hạt mè, đốt không cháy, búa đập không vỡ. Một minh chứng cụ thể mà chúng ta đã từng biết đến qua hình ảnh "trái tim bất diệt" của bồ tát Thích Quảng Đức. Dù bị thiêu đốt với sức nóng 4.000 độ, nhưng trái tim của Ngài vẫn không cháy, vẫn đỏ hồng bất diệt.
4. Sự mầu nhiệm của Ngọc Xá Lợi:
Xung quang những viên ngọc Xá lợi có rất nhiều điều bí ẩn mà hầu như các học giả vẫn chưa giải quyết được. Tương truyền rằng Xá lợi có thể chuyển hóa biến ít thành nhiều, biến đục thành trong và cũng có thể tự di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác.
Sử học Trung Quốc cũng như tác phẩm Lịch sử Phật Giáo Việt Nam của giáo sư Lê Mạnh Thác đã ghi lại câu chuyện cầu xá lợi của ngài Khương Tăng Hội rất mầu nhiệm. Đó là vào thời nhà Ngô, Ngô Tôn Quyền vì không tin Phật pháp nên gọi ngài Khương Tăng Hội đến để chất vấn về sự mầu nhiệm của Phật pháp. Ngài Khương Tăng Hội trả lời rằng mặc dầu đức Phật đã nhập diệt rồi, nhưng vẫn hiển hiện bao điều mầu nhiệm về ngọc Xá lợi. Nghe vậy, Tôn Quyền không tin nên bảo rằng, nếu cầu được ngọc xá lợi thì cho dựng chùa tháp, nếu không thì sẽ bị trị tội. Ngài Khương Tăng Hội chí thành cầu nguyện và quả nhiên Xá lợi xuất hiện trong bình, ánh sáng năm màu tỏa chiếu rực rỡ...
Ngài Khương Tăng Hội nói thêm với Tôn Quyền: "Oai thần của Xá lợi không chỉ dừng lại ở những tia sáng ngũ sắc kia đâu. Mà còn ở chỗ đem lửa đốt không cháy, lấy chày bằng kim cương đập cũng không thể nát". Tôn Quyền sai người làm thử, đặt xá lợi trên chiếc đe sắt, bảo lực sĩ cầm chày để đập, nhưng xá lợi không hề gì, mà cả đe sắt lẫn chày đều bị nứt vỡ: "Quyền tận mắt chứng kiến việc ấy nên thán phục không ngớt, truyền cho dựng tháp để thờ và lập một ngôi chùa gọi là chùa Kiến Sơ. Chỗ đất ấy về sau gọi là xóm Phật". Và đạo pháp ở Giang Tô hưng thịnh bắt đầu từ câu chuyện một thiền sư từ Việt Nam cầu nguyện cảm ứng xuất hiện ngọc xá lợi tại Trung Hoa như thế. [6]
Nói chung, những linh ứng về ngọc Xá lợi trong kinh cũng như trong sách sử ghi chép rất nhiều. Tuy vậy, điều mà hầu như các nhà khoa học băn khoăn nhất chính là sự hình thành của những viên ngọc xá lợi và đã có nhiều cách lý giải. Tuy nhiên, trong suốt quá trình học và tu theo giáo pháp của đức Phật, các học giả Phật giáo đều tin rằng : xá lợi, đó là sự kết tinh kỳ diệu của sự thành đạt tâm linh phi thường trong suốt quãng đời nghiêm trì giới hạnh mà chư vị thánh tăng đã lưu lại sau lễ trà tỳ. Hơn thế, Xá lợi còn biểu tượng cho hạnh nguyện từ bi cứu khổ của chư Phật cũng như chư vị Thánh tăng. Dù hóa thân không còn nữa, nhưng vì lòng thương, quý Ngài đã hoại thân thành những Xá lợi bất diệt, làm lợi ích cho nhân sinh.
5. Công đức tôn thờ và chiêm bái Xá lợi:
Theo kinh Đại Bát Niết Bàn, phẩm Sư Tử Hống Bồ Tát thứ hai mươi ba có chép: "Đức Như Lai vì muốn cho chúng sanh tăng trưởng phước đức, nên nát rã thân thể mình thành Xá lợi để cho chúng sanh cúng dường". Cũng theo kinh này, Phẩm Ứng Tận Hờn Uyên thứ hai mươi bảy kể rằng, khi biết đức Thế Tôn nhập Niết Bàn, ngài A Nan té xỉu xuống đất, ngất thở như người chết, Ngài A Nậu Lâu Đà lấy nước lạnh rải trên mặt Ngài A Nan và an ủi: "Đức Phật dầu nhập Niết bàn, nhưng còn Xá Lợi và Pháp Bảo vô thượng thường trụ nơi thế gian, có thể làm chỗ quy y cho chúng sanh. Các ông cùng tôi phải tinh tấn đem Pháp Bảo của Phật truyền lại cho chúng sanh, khiến họ thoát khổ, dùng đây để báo ân đức của Như Lai" [7]
Từ ý nghĩa được ghi nhận trong kinh, người Phật tử chúng ta dẫu vẫn biết rõ sinh ra giữa cuộc đời này không gặp Phật là sự kém phước duyên rất lớn nhưng may thay chúng ta vẫn còn được tu tập theo giáo pháp của Ngài, Pháp bảo vô thượng mà đức Thế Tôn để lại nơi thế gian này, là chỗ quay về nương tựa cho tất cả chúng sanh. Mặt khác, chúng ta cũng hiểu được rằng vì hạnh nguyện thương chúng sanh trầm luân đau khổ, Ngài đã nát rã thân ra cho chúng sanh tôn thờ chiêm bái, kết duyên với Phật pháp. Do đó, công đức tôn thờ, đảnh lễ và cúng dường Xá lợi sánh bằng với công đức đảnh lễ và cúng dường Kim thân của Ngài. Ý nghĩa này đã từng được đức Thế Tôn dạy trong kinh Đại Bát Niết Bàn Phẩm Di Giáo như sau:
A Nan lại bạch : Lúc Phật hiện tại, nếu có người cung kính cúng dường Phật như trên, sau khi Phật nhập Niết Bàn nếu có người cung kính cúng dường nửa thân Xá Lợi ai được phước nhiều hơn ?
Phật nói : Vì hai người đều cung kính cúng dường nên được phước đồng nhau phước đức nầy vô lượng vô biên.
Nầy A Nan ! Nhẫn đến cung kính cúng dường một phần tư Xá Lợi, một phần tám , một phần trăm, một phần ngàn, một phần muôn, một phần hằng hà sa, hoặc chừng bằng hột cải, người nầy được phước cũng đồng như người cung kính cúng dường Đức Như Lai hiện tại...
Như vậy, sự hình thành, kết tinh của Xá lợi Phật và chư vị Thánh tăng dù được hiểu và lý giải dưới quan điểm nào thì cũng luôn mang lại ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với hàng Phật tử chúng ta nói riêng và đối với tất cả chúng sanh nói chung. Trước hết trên phương diện lịch sử, cùng với những thắng tích của Phật giáo như Tứ động tâm (nơi Phật Đản sanh, Thành đạo, Chuyển pháp luân và Niết bàn), đây là những minh chứng sống, là biểu tượng cho sự trường tồn vĩnh viễn của Phật pháp. Nhận rõ được ý nghĩa đó thì niềm tin của những người bắt đầu học và tu theo Phật pháp càng vững chãi hơn. Thêm vào đó, nhờ sự tôn thờ, đảnh lễ và cúng dường Xá lợi, mỗi người trong chúng ta có thể kết thêm những thiện duyên rất lớn. Nếu chúng ta đem tâm không cấu nhiễm, thuần tịnh, đem tâm thành kính tôn thờ lễ bái, cúng dường tán thán, chắc chắn sẽ tạo công đức vô lượng vô biên. Vượt lên trên tất cả, tôn thờ Xá lợi có nghĩa là chúng ta tôn vinh một hạnh nguyện từ bi cứu khổ vô biên, một sự kết tinh của công phu tu tập nghiêm trì giới luật, là tấm gương ngời sáng trên hành trình vượt thoát sinh tử. Có như thế, ý nghĩa cung nghinh, tôn thờ và lễ bái ngọc xá lợi mới trọn vẹn muôn phần.

Tài liệu tham khảo:
Hòa thượng Thích Trí Tịnh Việt dịch (1999), Kinh Đại Bát Niết Bàn, tập 2, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh
Hòa thượng Thích Trí Quang Việt dịch (2006), Kinh Lương Hoàng Sám, tập 2, Nhà xuất bản Tôn giáo
Giáo sư Lê Mạnh Thác (2006), Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam (Từ Khởi Nguyên Đến Thời Lý Nam Đế), tập 1, Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh
Dương Đình Tường , Những viên xá lị ... biết nói, truy cập lúc 7h ngày 15 tháng 12 năm 2009 tại: http://www.baomoi.com/Home/SucKhoe/nongnghiep.vn
Khải Tâm, Đôi Nét Về Ngọc Xá Lợi, truy cập lúc 10h sáng 23 tháng 12 năm 2009 tại: http://www.giacngo.vn






CHÚ THÍCH

[1] Hòa thượng Thích Trí Quang Việt dịch (2006), Kinh Lương Hoàng Sám, tập 2, Nhà xuất bản Tôn giáo, trang 635-636
[2] http://www.baomoi.com/Home/SucKhoe/nongnghiep.vn/ (truy cập lúc 7h ngày 15 tháng 12 năm 2009)
[3] Hòa thượng Thích Trí Tịnh Việt dịch (1999), Kinh Đại Bát Niết Bàn, tập 2, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, trang 413.
[4] Theo Phật Quang Từ Điển.
[5] Khải Tâm, Đôi Nét Về Ngọc Xá Lợi, truy cập lúc 10 sáng 23 tháng 12 năm 2009 tại: http://www.giacngo.vn
[6] Giáo sư Lê Mạnh Thác (2006), Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam (Từ Khởi Nguyên Đến Thời Lý Nam Đế, tập 1, trang 297, Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh
[7] Hòa thượng Thích Trí Tịnh Việt dịch ( 1999), Kinh Đại Bát Niết Bàn, tập 2, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, trang 413 và 695.




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/04/2013(Xem: 5065)
Thời gian cứ lặng lẽ trôi. Nhiều khi chúng ta như muốn níu nó lại để cảm nhận từng cung bậc buồn vui của cuộc sống. Thi sĩ Xuân Diệu cũng đã từng ôm ấp một mơ ước thật táo tợn như thế, một cảm giác yêu cuộc sống đến 'vội vã',
11/04/2013(Xem: 5961)
Thôn Trường Lạc Xã Diên Lạc huyện Diên Khánh tỉnh Khánh Hòa ĐT. 0905.566099 Trú trì: Đại đức Thích Giác Hạnh
11/04/2013(Xem: 7300)
Dòng tâm thức nối tiếp từng sát na sanh diệt liên tục luôn trôi chảy không ngừng, do đó tri giác không thế nào nắm bắt thực tại một cách toàn diện được. Tất cả sự vật được dung chứa trong không gian đều có lực cản của chính nó và bị trọng lực thu hút và ảnh hưởng của sáu đại khác, có thể gây thêm cho sự vật ấy di động với những tốc độ khác nhau và có thể làm tổn hại đến chính nó và các sự vật khác.
11/04/2013(Xem: 6660)
Nhân là nguyên nhân, là năng lực phát động; quả là kết quả, là sự hình thành của năng lực phát động. Định luật nhân quả chi phối vạn sự vạn vật trong vũ trụ không có ngoại lệ:....Luật nhân quả hay sự tương quan giữa nguyên nhân và kết quả trong luật về "Nghiệp" của Phật giáo. Mọi hành động là nhân sẽ có kết quả hay hậu quả của nó. Giống như vậy, mọi hậu quả đều có nhân của nó. Luật nhân quả là luật căn bản trong Phật giáo chi phối mọi hoàn cảnh. Luật ấy dạy rằng người làm việc lành, dữ hoặc vô ký sẽ nhận lấy hậu quả tương đương. Người lành được phước, người dữ bị khổ.
11/04/2013(Xem: 11234)
Một con người với nhiều huyền thoại bao phủ theo từng bước đi, dù ngàn năm trôi qua nhưng dấu ấn vẫn còn đong đầy trong tận cùng tâm thức, hạnh nguyện độ sanh vẫn lớn dần theo nhịp tử sinh, in dấu trên từng hoá độ, kỳ bí trong vô cùng không tận, không ngôn ngữ nào có thể diễn tả trọn vẹn. Một sự lặng thinh phổ cập trên từng đường nét, chỉ có cõi lòng thành kính tri ơn, nhớ ơn, biết ơn, được nhân dân tôn thờ lễ bái
11/04/2013(Xem: 5101)
Bé Phương chạy quanh quẩn trong sự chăm nom đầy tình thương yêu của Mẹ. Sống ở một miền quê, cách thành phố nhộn nhịp huyên náo không xa, nhưng với mật độ dân cư thưa thớt lúc bấy giờ, nơi đây trở nên trống vắng, cảnh thôn dã về đêm cô liêu tịch lặng. Mỗi khi hoàng hôn phủ xuống, những ngọn đèn dầu leo lét được thắp sáng, sự yên tĩnh của khí trời cùng hòa quyện tiếng kêu xa của loài côn trùng rĩ rả.
11/04/2013(Xem: 5464)
Mẹ tôi đã thật sự ra đi!!! Tôi vẫn biết rồi ai cũng phải chết, nhưng sao vẫn đớn đau vô ngần. Có ai biết được tâm trạng của những người con mất Mẹ. Tôi cố nén lòng mình, nhưng nỗi đau vẫn tuôn trào biến thành những giọt nước mắt. Những giọt nước mắt ấy dù đi ra hay chảy ngược vào trong tâm khảm,vẫn không có nghĩa lý gì vì không thể nào khỏa lấp được nỗi bơ vơ cùng tận.
11/04/2013(Xem: 4813)
Hình ảnh đàn gà con chạy quanh quẩn, ngơ ngác kêu la thất thanh một khi lạc bầy, mất mẹ; trong chúng ta ai cũng từng thấy và cảm nhận trong đời sống thường ngày. Điều này, đã chứng minh hùng hồn rằng tình thương yêu phụ mẫu tử không chỉ thể hiện sâu sắc trong phạm vi loài người.
10/04/2013(Xem: 5045)
Từ ngàn xưa cho đến hôm nay, đã có rất nhiều, và rất nhiều cảm niệm về Mẹ. Mẹ, chỉ có một ý niệm này thôi mà đã thôi thúc bao áng văn hay, trác tuyệt diễm lệ để diễn tả về Người; và, cảm nhận của chúng ta về Mẹ thì dường như bất tận. Sao lại không bất tận? Tình Mẹ đối với con đâu có ý nghĩa về không gian và thời gian, bầu sữa Mẹ có thể dứt nhưng tình thương của Mẹ không bao giờ chấm dứt.
10/04/2013(Xem: 4687)
Arthur Schopenhauer là một triết gia Âu Tây. Thuở thiếu thời, ông như nhiều đứa trẻ đồng tuổi khác, nhưng khác là ông đã gặp nhiều trái ngang trong cuộc đời, một sự thật đúng ra lứa tuổi của ông không nên hội ngộ quá sớm. Và có thể, từ những kinh nghiệm đau đớn này đã tạo nên một dòng tư tưởng lớn, sau này chúng ta biết ông là một triết gia có tư tưởng gần tương đồng với Phật giáo: Quan niệm khổ và nguyên nhân của khổ trong nhân sinh - vũ trụ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]