Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Buổi phỏng vấn Đức Đạt Lai Lạt Ma

10/04/201319:41(Xem: 4905)
Buổi phỏng vấn Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuyển tập bài viết về Vu Lan - 2010

Buổi phỏng vấn Đức Đạt Lai Lạt Ma

Việt dịch: Giáng Kiết Tường

Nguồn: Barkha Dutt, Updated: July 06, 2010 20:07 IST, http://www.ndtv.com/article/india/in-conversation-with-the-dalai-lama-35955

Tin từ Dharamsala: Ngài được xem là hiện thân Đạt lai Lạt ma thứ 14 khi vừa mới tròn 2 tuổi, năm nay Ngài đã 75. Nhân ngày sinh nhật thứ 75 này, cả hằng triệu tín đồ trên toàn cầu tưởng nghĩ đến Ngài trong ngày trọng đại đó. Đức Đạt Lai Lạt Ma cho biết có thể vị kế thừa Ngài sẽ không tái sanh, mà là một người được trao trọng trách kế thừa ngay khi Ngài còn sinh tiền.
Chúng tôi – chương trình truyền hình NDTV - được duyên may phỏng vấn Đức Đạt Lai Lạt Ma riêng tại Dharamsala, nơi Ngài tạm thời trú ngụ cuộc đời lưu vong. Ngài cũng cho biết nếu Trung Quốc chọn vị Đạt lai Lạt ma thừa hành, vị này sẽ không mang hiệu lực hợp pháp nào cả.

Sau đây là bài phỏng vấn của chúng tôi
Đài NDTV: Chúng tôi xin giới thiệu với khán thính giả một vị lãnh đạo được cả thế giới ưa chuộng, kính nể nhất trong tất cả mọi lãnh đạo từ chính trị cho đến tôn giáo. Đó là Đức Đạt Lai Lạt Ma, người đã được chọn là hiện thân của các vị Đạt lai Lạt ma trước Ngài – Ngài là kế vị thứ 14 - từ lúc mới 2 tuổi. Năm lên 6, Ngài bắt đầu cuộc sống tu tập trong tu viện Phật giáo.
Hôm nay, nhân kỷ niệm sinh nhật thứ 75, chúng tôi rất hân hạnh được diện kiến Ngài ngay tu viện tại Dharamsala, miền Bắc Ấn Độ, là nơi trú ngụ tạm thời trong suốt cuộc đời lưu vong không những chỉ của Ngài mà còn cả mấy chục ngàn người Tây tạng cũng lưu vong với Ngài từ nữa thế kỷ qua. Tại đây chung quanh chúng tôi cũng có khách thập phương - Phật tử cũng như khách du lịch - từ mọi nơi trên thế giới đổ về thăm viếng thành phố Dharamsala. Thành phố có tiếng và được biết đến nhiều nhờ gắn liền với Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Chúng con rất hân hạnh có mặt hôm nay đảnh lễ Ngài. Tất cả chúng sanh phàm phu như chúng con khi đối diện với ngày birthday của mình, có người hân hoan vui sướng, có kẻ buồn rầu vì thời gian trôi qua quá nhanh, mình đã già nua… thế nhưng chúng con thấy Ngài vẫn trẻ mãi. Xin Ngài cho chúng con biết làm sao để lúc nào cũng có được tâm hồn trẻ trung như thế?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Tôi nghĩ là phải ngủ cho đủ…
NDTV: Chúng con thì lúc nào cũng thiếu ngủ, chắc vì vậy đó.
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Chư tăng chúng tôi không dùng bữa tối, chỉ ăn sáng và trưa cho đầy đủ. Tôi nghĩ sức khỏe rất cần thiết, vì chính khoa học hiện đại cũng chứng minh rằng phải có cái tâm thanh thản lành mạnh mới mong có được tấm thân khỏe mạnh an bình và ngược lại. Chính tôi đây, tôi cảm thấy tâm tôi rất an. Khi nào phải đối diện với đau đớn hay một khó khăn nào, tôi thường nhìn sự việc bằng một tầm nhìn nới rộng hơn, tổng quát toàn diện hơn, như thế sẽ bớt đi cái băng khoăng lo âu và giữ cho tâm được yên ổn nhẹ nhàng hơn. Đó cũng là một yếu tố quan trọng.
NDTV: Nhiều người diễn tả Ngài như có những vì sao long lanh trong mắt, mà thật vậy, khi Ngài cười, lúc nào cũng cười, chúng con thấy như có ngôi sao trong mắt Ngài thật đó. Lúc nào Ngài cũng đem niềm vui đến cho mọi người làm cho người đối diện vui tươi hơn, an bình hơn… Có phải lúc nào Ngài cũng mang thái độ tích cực như thế từ nội tâm, hay chỉ vì sự cần thiết phải giữ phong độ như vậy vì cả hằng triệu người lúc nào cũng theo dõi Ngài khắp mọi nơi?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Không có đâu… như tôi đã nói tâm tôi lúc nào cũng khá an bình. Vã lại tôi nhìn mọi người, mọi chúng sanh cũng như tôi, thân thể chúng ta chẳng khác gì nhau… ồ, thì cũng có hơi khác tí xíu - như màu da nè, như lỗ mũi hơi to nè… nhưng thật sự chúng ta giống nhau thôi. Nếu hỏi những khoa học gia về bộ não hay những tế bào thần kinh của tôi và của quý vị có khác biệt nhau không… bảo đảm là không. Chúng ta cũng giống nhau về cảm xúc, và cả về tâm thần. Nên tôi chẳng bao giờ nhìn ông này là Tổng Thống, ông kia là Vua, bà nọ là Thủ tướng, hay anh là gã ăn mày… trong nhãn quang của tôi mọi người đều bình đẳng như nhau. Khi gặp ai tôi chỉ nghĩ “đó là một con người, một chúng sanh, và đó là anh tôi, chị tôi, em tôi, v.v…” Như thế tâm tôi được an… Nhưng đôi lúc tôi cũng có những phút giây bất an.
NDTV: Ngài có biết giận không?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Dĩ nhiên, dĩ nhiên
NDTV: Ngài cũng biết giận à?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Ồ, nhiều lần lắm, nếu cô cứ hỏi những câu vớ vẫn, có thể tôi sẽ không nhịn được đâu.
NDTV: Ái cha, con sợ quá!
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Thật sự thì có một lần, hình như là ở tiểu bang New Jersey Hoa Kỳ thì phải, một cô phóng viên ký giả đã hỏi tôi nhiều câu rồi, cuối cùng cô ấy hỏi thêm là tôi muốn danh tánh và quyền lợi kế thừa trong tương lai sẽ ra sao. Tôi trả lời tôi là một tu sĩ Phật giáo, tôi không nghĩ tới vấn đề danh vọng như thế. Rồi qua vài ba câu hỏi và chuyên đề khác, sau đó cô ta lại hỏi tôi y như ở trên, và tôi cũng trả lời giống như tôi đã trả lời. Vài phút sau cô ta hỏi lại lần thứ ba, tôi nổi cáu…
NDTV: Dạ, con hiểu rồi ạ, con sẽ hỏi chỉ một lần thôi.
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Tốt, tốt lắm.
NDTV: Nhưng khi nổi giận, Ngài có để lộ ra bên ngoài không? Với xã hội hiện đại và cuộc sống thành thị sô bồ hấp tấp vất vả này, người ta rất dễ nổi giận, nóng nẩy, cáu kỉnh. Làm sao để kiềm chế được cơn giận của mình, theo ý tưởng và lời khuyên dạy của một người tu đạo Phật, một vị lãnh đạo tâm linh?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Nếu tôi có hơi cáu hay bực mình vì một chuyện gì đó do người khác làm, có thể tôi sẽ biểu lộ nó một chút rồi cho qua. Nhưng nếu là chuyện bực mình lớn hơn, tốt hơn hết tôi tách biệt ra khỏi cái giận đó, và nhìn nhận nó là một cảm xúc… ngay lúc đấy cái giận sẽ thuyên giảm, tôi kinh nghiệm như thế đó. Và rồi tôi sẽ trao đổi chia sẻ với bạn bè, như thế tôi tự mang lại bình an cho tâm tôi hơn.
Mỗi hoàn cảnh sẽ khác nhau, không thể dùng một phương thức đặc biệt nào cả. Chỉ có cách là phải cố gắng có một thái độ bình thản an nhiên để đối phó với hoàn cảnh đó. Cũng như nếu bạn có một thân hình khỏe mạnh và một sức đề kháng vững chắc thì làm sao con vi khuẫn vi trùng nào xâm nhập, làm gì được bạn; cũng vậy khi cái tâm của bạn an bình, thì nếu sóng gió có đến, cảm xúc có tiêu cực cách mấy đi nữa, nó cũng chỉ tạm thời, và chỉ thể hiện phớt bên ngoài, không làm giao động được nội tâm tuốt bên trong.
NDTV: Bây giờ xin Ngài cho chúng con biết lúc nãy Ngài có nhắc đến bộ não của con người, Ngài cũng nổi danh từ nhỏ là một người luôn mang tính hiếu kỳ muốn tìm hiểu khoa học, và hình như con cũng có đọc đâu đó là Ngài cũng có một mô hình bộ não người trong tư phòng và cũng hay tháo gở nó ra để học hỏi thí nghiệm xem xét tìm hiểu… rất hiếm khi có những vị lãnh đạo tâm linh mà lại thật sự quan tâm nhiều tới khoa học như thế, tính khí đó từ đâu mà ra ạ?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Theo thiển ý của tôi thì nếu là một tu sĩ thuần thành, nhất là một tu sĩ Phật giáo nữa, thì điều trước tiên là ta phải biết sống thực tế. Cho nên để có được một phương pháp thực tế, một nhận thức thực tế, thì trước tiên ta phải nhận biết sự thật. Như vậy thì theo c ái nhìn khoa học và cách thí nghiệm tìm hiểu sự thật rất là quan trọng, thực tiễn, và hữu ích. Phần nhiều các bạn đều đã biết, theo cơ bản thì cái tư tưởng của Đạo Phật nói chung và truyền thống Na-lan-đà nói riêng rất có kỹ thuật khoa học.
Chính Đức Phật cũng đã từng dạy môn đồ của Ngài là không hoàn toàn chấp nhận những gì Ngài thuyết giảng chỉ vì có lòng tin nơi Ngài, nhưng phải tự tìm tòi học hỏi điều tra nghiên cứu. Đó là cách suy nghĩ rất khoa học. Thí dụ như Ngài Long Thọ (skt: Nagarjuna) một trong những vị tổ đầu tiên của trường phái Na-lan-đà – theo Phật tử chúng tôi Ngài là tổ sư, là cao tăng, nhưng dưới con mắt người đời Ngài chỉ là một giáo sư rất uyên thâm của trung tâm nghiên cứu Phật giáo Nalanda. Và cũng tại đây còn lại dấu vết những dòng chữ viết “đừng tin vào ngôn từ Phật giáo, mà chỉ dõi theo những thử nghiệm và lô-gic nẫy sinh…” đó là tư tưởng của tông phái Nalanda, và cũng là ý hướng cơ bản của đạo Phật.
NDTV: Đúng là rất thiết thực và có tính cách khoa học.
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Vâng. Bởi vậy cho nên tôi được huấn luyện dựa theo đó. Nhưng ngay từ nhỏ, tôi vẫn hay có nhiều thắc mắc tò mò… muốn biết tại sao, làm sao, cách nào, v.v… Tôi còn nhớ hồi còn nhỏ xíu, mỗi khi Phái đoàn Ngoại giao Anh đến Lhasa thăm viếng, có một anh chàng trẻ lúc nào cũng mang cho tôi một vài món quà, lúc ấy còn bé tôi rất phấn khởi mong đợi mỗi khi có công việc được gặp anh ta để xem anh cho tôi món đồ chơi nào nữa.
NDTV: Vậy món đồ chơi nào Ngài thích nhất?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Tàu lữa (động tác còi tàu) và xe ô-tô. Nhưng tôi chỉ chơi một tí xíu thôi, rồi tìm cách xem làm sao nó chạy được, và cuối cùng chỉ còn cách tháo tung nó ra. Tháo được nhưng đôi lúc không gắn lại được: thế là hư mất. Sau khi đến nhập cư tại Ấn độ, tôi có nhiều dịp gặp gỡ các vị lãnh đạo nhiều tôn giáo bạn, nhân viên của những ngành nghề khác nhau và nhất là được tự do tiếp đãi những khoa học gia lừng danh. Vì đã có ý thích riêng, nên gặp gỡ những chuyên gia nghiên cứu khoa học là một điều rất phấn khởi cho tôi, họ rất tận tâm chỉ dạy và chia sẽ nhiều thắc mắc của tôi.
NDTV: Kính Ngài, một đặc điểm hấp dẫn nhất của Ngài là lúc nào Ngài cũng mang dáng vẽ ngây thơ của một cậu bé, lúc nào cũng tươi cười vui tính, trong khi đó Ngài đã phải nhận lãnh trách nhiệm trọng đại của Đức Đạt Lai Lạt Ma lúc mới hơn 2 tuổi. Vậy hôm nay khi trò chuyện với chúng con đây, Ngài nói với tính cách một chúng sanh hay một cao tăng? Và có khi nào Ngài ngẫm nghĩ lại cuộc đời và thầm tiếc cho tuổi thơ đã mất?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Không… à mà hình như cũng có, ở một mức độ nào đó. Lúc khoảng 2 tuổi, quý chư tăng đến xác nhận tôi, nhưng vài ba năm sau đó tôi vẫn ở nhà với bố mẹ và anh chị em tôi. Đến 5 tuổi tôi mới về Lhasa, và phải xa gia đình.
NDTV: Đối với đứa trẻ thơ như thế, chắc khó khăn lắm?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Thời gian sống ở Potala có một căn nhà cũng gần gần đó dành cho gia đình tôi, nhưng mẹ tôi không muốn đến đó ở thường xuyên, chỉ về đó vào mùa hè. Tôi còn nhớ căn chung cư gia đình tôi sinh sống, bên ngoài sơn màu vàng, bên trong hoàn toàn trắng. Mùa hè đầu tiên cứ vài ba ngày gia đình đến thăm tôi, hay đôi khi họ đưa tôi về căn nhà vách vàng của ba mẹ tôi. Nhưng hai năm sau, quý thầy đảm trách việc dạy dỗ tôi hạn chế bớt sự thăm viếng này. Tôi nhớ nhà, nhớ mẹ, cũng hơi buồn, nhưng cam chịu và vâng lời thôi. Nhưng đôi lúc không học được, đôi lúc cũng hư đốn… có lần ngay sau giờ học tôi chạy ôm chầm lấy mẹ đòi về, và quyết chí không trở lại nữa. Nhưng đến giờ học ngày hôm sau tôi lại tự động bò vào lớp (động tác bò).
NDTV: Như vậy cũng chẳng khác gì mấy đứa trẻ khác phải đi học đi thi, cũng có cái khổ tương tự, nhưng cái đáng chú ý là…
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Thế nên, một đàng tôi phải sống xa bố mẹ, nhưng thời gian đầu ông bà vẫn đến thăm tôi. Sau đó bạn tôi là những người quét đường, thầy giáo và các vị tu sĩ, và thêm một cậu nhỏ như là người giúp việc cho riêng tôi. Dĩ nhiên là lúc lễ lạy, nhất là những nghi thức trịnh trọng, bạn tôi rất kính trọng nhưng trong lúc nô đùa chơi với nhau, vì tôi nhỏ bé nên bị ăn hiếp, trò chơi nào cũng bị thua, bạn còn cười chế nhạo nữa, nên dĩ nhiên tôi khóc. Tôi không muốn bị thua, nhưng nghĩ lại những người bạn này sau này vẫn là bạn tốt của tôi, đã đối xử rất bình thường với tôi, họ là những người ít học nhưng rất thanh liêm, trung thành.
NDTV: Ngài dùng chữ “thực tế” lúc nãy khi nói về tính khí khoa học, và câu nói “dùng phương cách thực tế đối phó với chính trị mưu mô xảo quyệt”. Như vậy Ngài đang đóng hai vai, hai nhân vật, một là lãnh đạo tôn giáo, hai là nhân vật chính trị của Tây tạng; vậy cái phương cách thực tế đó, khi Ngài đòi hỏi quyền tự trị cho Tây tạng thay vì giải phóng tự do - Ngài dạy đó là con đường trung đạo – nhưng nó đã chẳng dấy động được Bắc Kinh, Trung quốc vẫn tảng lờ trước lời yêu cầu của Ngài. Có bao giờ Ngài cảm thấy ân hận đã chọn con đuờng ôn hòa để đối lập chính trị không?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Không, không bao giờ! Dĩ nhiên là một số dân Tây tạng, và cả nhiều người ủng hộ tán đồng chính sách này từ lâu nay, cũng hơi có thái độ phê phán chỉ trích phương pháp phải chăng không quá khích này. Nhưng nếu chúng ta nhìn tổng quát, thì cho dù có một ít kết quả tích cực từ phía Trung cộng, nhưng bên trong nước Tây tạng thì hoàn toàn thất bại. Theo chính quyền thì chẳng có kết quả gì hết, nhưng một số đông người Trung quốc, dĩ nhiên là không phải hết 1.3 tỷ người ở đó, nhưng có những học giả, nhân tài, những giáo sư, tiến sĩ, và nhiều văn nghệ sĩ… trước biến cố tàn sát tại trung tâm Tiananmen thì số người này rất ít, nhưng sau đó, càng ngày càng nhiều người dân Trung quốc rất bất mãn, họ bắt đầu quan tâm hơn và tỏ mối liên kết hậu thuẫn cho dân Tây tạng. Cho đến năm 2008, khi có những cuộc khủng hoảng đẩm máu mà dân Tây tạng không phản bác lại. Càng ngày càng nhiều người tỏ thái độ bất mãn với chính quyền Trung quốc và ủng hộ chính sách bất bạo động của Tây tạng. Tôi cho thí dụ, trong vòng hai năm qua, có hơn 1000 bài báo bằng tiếng Hoa, và hơn 100 tác giả những bài bào này sống ngay trên lục địa Trung quốc, tất cả đều viết với tính cách ủng hộ phương cách ôn hòa không bạo động của chúng tôi, và chỉ trích những mưu mô thủ đoạn của chính quyền của họ.
NDTV: Con đồng ý nhưng…
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Ngay chính trong chính quyền Trung quốc có những viên chức cao cấp đã tỏ thái độ ủng hộ chúng tôi, đó chứng tỏ phương cách này có đem đến những kết quả tích cực. Nhưng cũng có những vấn đề chúng tôi cần thương lượng với chính phủ Trung quốc, chúng tôi không tự giải quyết được. Nếu là một cuộc nội chiến, có thể dễ dàng hơn để nói chuyện với nhau. Nhưng đây lại khác, tôi thường nói một cách đùa cợt rằng “họ là những người khách không được chính thức mời đến”, họ tự đến với súng ống đạn dược, sau khi đào hầm đào hố, họ bắt đầu điều khiển mọi việc: từ lối sống của người Tây tạng, đến cách làm một người Phật tử tốt, v.v… Đôi khi báo chí Trung quốc cũng loan báo là “Ông Dalai Lama không dạy về Đạo Phật chính thống”, tức là họ rành hơn, hiểu biết hơn, cho nên đó là cái khó khăn. Họ nghĩ người Tây tạng lưu vong gây chiến làm phiền họ, nên chúng tôi muốn tìm cách giải quyết vấn đề với họ. Cho nên khi chính những người Trung quốc ủng hộ Tây tạng, chúng tôi rất hoan hỉ. Bên ngoài, dĩ nhiên Tây tạng được nhiệt liệt ủng hộ bởi nhiều thành phần rất có uy thế như Hoa Kỳ, chính phủ Ấn độ, nghị viện Anh và các nước Âu châu, v.v…
NDTV: Ngài vẫn còn tin tưởng Hoa Kỳ sao ạ? Con nhớ lần vừa rồi trò chuyện, Ngài cũng vừa từ Hoa-thịnh-đốn về, và không được diện kiến Tổng Thống Obama, lần thứ nhì đến đó mới được gặp, người ta đồn rằng hành vi của TT Obama như thế là vì ông chịu ảnh hưởng áp lực của Trung quốc. Thế mà Ngài vẫn đặt niềm tin vào Washington à?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Dĩ nhiên là vậy. Trước khi chính thức gặp nhau, tôi đã có liên hệ bẳng thư văn và điện thoại với Tổng thống Hoa Kỳ. Ông là một người tốt, cuối cùng rồi Hoa Kỳ cũng có một tổng thống đảng Dân chủ nên rất tốt cho nhân dân Hoa kỳ. Trong một nước dân chủ, tư tưởng của ngưòi công dân tác động mạnh đến Nghị viện, cả Thượng nghị viện và Hạ nghị viện, và như thế cũng ảnh hưởng đến toàn thể guồng máy thống trị. Cho nên tại Hoa kỳ, người dân có tiếng nói mạnh mẽ, nghị viện phải nghe theo và ủng hộ. Và chính ở nước Ấn độ cũng thế, chính phủ Ấn ủng hộ Tây tạng tối đa.
NDTV: Nhưng chính quyền Ấn đã không cho Ngài phát biểu tại bang Arunachal Pradesh khi Ngài đến viếng thăm Tamang, họ nói Ngài chỉ thăm với tính cách một lãnh đạo tôn giáo. Có thể nào chính phủ Ấn cũng hơi nể nang Trung quốc quá đáng không, bởi vì Ấn độ cũng đang có chiến lược bang giao song song với Trung quốc. Điều này có làm Ngài ái ngại không?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Tôi vẫn thường trả lời những câu hỏi liên quan đến phản ứng của chính phủ Ấn độ đối với vấn đề Tây tạng chúng tôi, rằng tất cả những gì có thể làm được chính phủ Ấn đã làm rồi, đã giúp chúng tôi đến mức tối đa rồi, từ lãnh vực giáo dục, cho đến phục hồi xây dựng, v.v… Còn về lãnh vực chính trị, nhất là những gì liên quan đến Tây tạng, thì phải nói chính quyền Ấn rất thận trọng trong chính sách và thái độ của họ đối với Trung quốc. Nhất là dạo sau này, lập trường của chính phủ Ấn càng kiên quyết cứng rắn hơn trước bởi vì có những thành phần trí thức, học giả, bình luận gia và nhiều người bắt đầu quan tâm nhiều đến Tây tạng.
NDTV: Dạ vâng, Ngài vẫn giữ tầm nhìn rất lạc quan cho Tây tạng. Chúng con xin mạn phép nghỉ một chút xíu, sau đó sẽ mở diễn đàn cho mọi người có quyền đặt câu hỏi. Chúng tôi xin trở lại với quý vị khán thính giả trong một thời gian ngắn.
~ ~ ~ o0o ~ ~ ~
NDTV: Quý vị khán thính giả đang tham dự một chương trình rất đạc biệt mừng sinh nhật thứ 75 của Đức Đạt Lai Lạt Ma, chúng tôi đang có mặt tại tu viện của Ngài tại Dharamsala nơi Ngài gọi là nhà trong cuộc sống lưu vong hơn nửa thế kỷ. Có rất nhiều tín đồ Phật tử, cũng như khách thập phương ngưỡng mộ Ngài - một bậc lãnh đạo tối cao nhưng lúc nào cũng có thái độ bình dân trò chuyện thân mật cười đùa với mọi người. Chúng ta sẽ có nhiều câu hỏi và sẽ nghe chính Ngài Đạt lai Lạt ma thứ 14 trả lời, nhưng trước nhất con xin được đọc một lời nhắn rất đặc biệt từ Delhi gởi đến Ngài, do nhiếp ảnh gia Raghu Rai, người đã từng theo chụp ảnh Ngài từ nhiều thập niên qua.
Tin nhắn của ông Raghu Rai: Con xin quy kính đảnh lễ Ngài, và kính mừng sinh nhật thứ 75, và nguyện chúc Ngài luôn giữ tác phong oai hùng tráng kiện như dãy Hi-mã-lạp-sơn. Ngài biết chúng con rất yêu thương kính phục Ngài, nhất là con đây, mỗi khi được dịp kề cận bên Ngài. Tất cả thân tâm con đều được vun bồi tưới tẳm bằng năng lực sức sống dồi dào tỏa ra từ Ngài. Một vị tăng cao thượng, một con người tiến hóa. Đây là câu hỏi của con: “Kính xin Ngài làm sao hòa điệu giao kết với những năng lượng siêu phàm nào đó để vì chúng sanh, và vì dân Tây tạng, làm sao ấn định được khi nào mình có thể trở về Tây tạng trong huy hoàng, để con được phép đi theo hầu Ngài và chụp hình kỷ niệm chuyến đi vô tiền khoáng hậu này.” Con kính dâng tất cả lòng yêu thương và cầu chúc mọi an lành đến với Ngài.
NDTV: Và câu hỏi của Raghu cũng là câu hỏi của rất nhiều người. Vậy thì con xin được hỏi thêm là từ tận thâm sâu cùng cốc trong đáy lòng của Ngài - con hỏi thế vì con biết Ngài rất thực tế - Ngài có nghĩ là sẽ bước chân về nước Tây tạng trong kiếp này không?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Nhất định là Yes!
NDTV: Ngài vẫn tin như thế à?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Chắc chắn là như vậy. Trước nhất tinh thần của người Tây tạng vẫn còn bên trong xứ sở Tây tạng cho dù đã có biết bao thay đổi, phát triển, mở mang, cũng như sự nhồi sọ và nhiều cách trừng phạt tra tấn khác, tinh thần bất khuất của Tây tạng vẫn tồn tại mạnh mẽ và không suy thoái. Ngoài ra Trung quốc cũng có hơn 200 triệu dân theo đạo Phật, theo một vài thống kê, trong đó cũng có những lãnh tụ đảng, và viên chức cao cấp, cho dù bên ngoài họ phải chịu nhận là “cộng sản vô thần” nhưng bên trong họ hoàn toàn theo Phật giáo. Trong bốn thập niên qua, nếu chúng ta xem xét kỹ lưỡng, thì cho dù chỉ có một đảng cộng sản, một chế độ, nhưng biết bao thay đổi, họ có làm được những gì như trong chủ trương của đảng đâu… thế nên cho đến giây phút này, chủ trương đó vẫn không thiết thực. Một ngày nào đó chẳng chóng thì chày họ cũng phải chấp nhận chủ trương của họ không thực tế, và còn rất là phản lao động nữa.
NDTV: Bạch Ngài có bao giờ Ngài cảm thấy – cho dù Ngài là một vị lãnh đạo tinh thần cho mọi người, nhưng tận bên trong trái tim, Ngài vẫn chỉ là một người phàm phu - Ngài có cảm thấy như trong việc tranh đấu cho tự do của dân tộc Tây tạng này, thời gian đã trôi qua quá nhiều rồi, không còn kịp nữa không?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Có chứ. Đã hơn 50 năm trôi qua rồi. Nhưng như tôi đã nhắc lúc nãy, các bạn nên nhìn thấy là đã có rất nhiều những đổi thay trong vòng hơn 60 năm qua, và vẫn còn thay đổi rất nhanh trên đất nước Trung hoa, cho nên cuộc tranh đấu rất có triển vọng, không thể như thế này mãi hoài được. Chúng ta phải tin tưởng như thế, nhưng nếu hỏi thời gian bao lâu, thì không tài nào trả lời được thôi.
NDTV: Có thể nội trong kiếp này không?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Năm, mười, mười lăm năm… biết đâu đó, rõ ràng sẽ có những đổi thay.
NDTV: Có một lần Ngài cũng nói đùa “Hưu trí dưỡng già cũng là một nhân quyền”, và Ngài cũng phải được nghỉ hưu – nhân quyền của Ngài.
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Vâng, rất đúng, từ năm 2001 đến nay, chúng tôi đã thực hiện và hoàn thành một số việc ủy nhiệm hành chánh lãnh đạo mới, nên cương vị của tôi hiện giờ như đang “bán hưu” (semi-retired), tôi đang chờ đợi một ngày nào đó được thật sự về hưu.
NDTV: Ngài có thật sự nghĩ là khi Ngài nghỉ hưu, thì cuộc tranh đấu này sẽ không còn tồn tại giống như bây giờ, vì có rất nhiều giới trẻ ở Tây tạng không đồng quan điểm với Ngài. Họ nghĩ phương kế bất bạo động đã chẳng khuấy động một tí xíu nào cái nhẫn tâm lạnh lùng của Bắc Kinh, Họ thường nói phải áp dụng một chiến thuật mạnh bạo hùng hổ hơn. Ngài có lo lắng là nếu Ngài bước xuống, sự gì sẽ xẩy ra cho cuộc tranh đấu này không?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Tôi chẳng cần lo lắng gì, vì tôi biết bên trong Tây tạng và cả thành phần lưu vong bên ngoài, theo tôi nghĩ có 95%, không chừng đến 99% người ủng hộ đường hướng bất bạo động không dùng áp lực vũ khí chiến tranh này. Chỉ có một số rất ít những tổ chức hoàn toàn muốn được tự do ngay bây giờ ngay lập tức, đó là cái khác biệt. Nhưng chúng tôi vẫn thường đưa ra những diễn đàn tranh luận bàn thảo và cho người dân Tây tạng có quyền phát biểu tư tưởng, nhất là bên ngoài này – vì chính yếu tố dân chủ đã được trưng dụng một cách hoàn hảo giữa những người dân Tây tạng với nhau, và vì công việc tranh đấu này là của người Tây tạng, cho dân Tây tạng. Nên chúng tôi cũng có trưng cầu dân ý, và để cho người Tây tạng có toàn quyền trong vấn đề này.
NDTV: Như vậy nếu thí dụ mọi người đều ước nguyện có sự tự do trọn vẹn bằng cách dùng chiến thuật mạnh bạo hơn, Ngài cũng sẽ không cản ngăn họ?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Như tôi đã thưa, hầu như 99% người ủng hộ đường hướng bất bạo động. Chỉ một số ít người không ưng. Đôi khi cũng rất khó giải thích vì dĩ nhiên ai cũng thấy có những thất bại đau thương bên trong Tây tạng. Lâu lâu chúng tôi lại phải hỏi người dân cho chắc chắn… như hồi tháng 11 năm 2008 chẳng hạn, chúng tôi tổ chức một cuộc họp quần chúng rộng lớn ngay tại đây để nghe tiếng nói của người dân Tây tạng… thì dĩ nhiên chúng tôi cũng nghe những chỉ trích, cũng có những đòi hỏi độc lập tự do trọn vẹn, nhưng sự có mặt của chúng tôi sau đó đã được mọi người nhiệt liệt tán đồng. Thế nên cả hai bên lại cũng cứ tiếp tục hướng đi đó.
NDTV: Nhưng nếu phần đông người dân chuyển hướng, Ngài cũng phải chuyên hướng theo?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Bắt buộc thôi.
NDTV: Vậy nếu phần đông đòi quyền tự trị thì sao?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Tôi đâu phải là một bạo chúa độc tài. Rất có lý khi chúng ta chỉ trích hành động và chính sách của những kẻ độc tài tuyệt đối này, vô lý tôi lại đi hành sử như họ vì tôi là người chỉ trích họ cơ mà.
NDTV: Tại sao Ngài lại muốn nghỉ hưu? Cuộc chiến đấu cho tự do này sẽ đi về đâu nếu không có mặt Ngài?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Aaah, vì tuổi tác… phải áp dụng tư tưởng dân chủ và để cho người dân tự quyết định và có trách nhiệm, không thể là công việc của chỉ một người mà thôi. Tôi đã 75 tuổi rồi, người ta nghỉ hưu sớm hơn cơ, tôi đang chờ đợi để được thực sự về hưu.
NDTV: Ngài nói thật hay giởn chơi vậy?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Nói thật đó. Ai cũng biết tôi có ba sứ mạng:
Sứ mạng thứ nhất là khuyến tấn một vài giá trị cần thiết, bất kể là người có tín ngưỡng hay không. Bởi vậy tôi được mời đến thăm rất nhiều nơi trên thế giới. Họ không mời vì tôi là Đạt lai Lạt ma nhưng vì trọng vọng cái tư tưởng của Đạt lai Lạt ma - nó có cái gì đó rất thiết thực và phù hợp. Đó là sứ mạng quan trọng nhất của tôi.
Thứ hai, tôi mong muốn có được sự hài hòa giữa các tôn giáo với nhau. Cả hai sứ mệnh này tôi thường gọi chúng là tư tưởng cổ điển Ấn độ. Nên tôi cũng thường dựa vào đó mà nói tôi chỉ là sứ giả của tư tưởng cổ điển Ấn độ, và đi đến đâu tôi cũng muốn chia sẻ và củng cố hai điều này. Cho đến ngày tôi nhắm mắt nằm xuống không còn thở nữa.
Và thứ ba là vấn đề Tây tạng đây. Nhưng khi thật sự nghỉ hưu rồi, tôi sẽ không còn vướng bận với sứ mệnh thứ ba này nữa, tôi sẽ có nhiều thì giờ và tâm huyết cho hai sứ mệnh quan trọng ở trên.
NDTV: Ngài có dự tính khoảng thời gian nào để chính thức nghỉ hưu chưa ạ?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Thưa chưa. Cái khó khăn nhất là người ta đặt nặng niềm tin, cảm tình và quá nhiều mong đợi nơi tôi.
NDTV: Người ta không muốn Ngài nghỉ hưu, phải không ạ?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Thì đó là cái khó khăn. Nhưng tôi cũng chỉ là một con người bình thường, tôi cũng phải có quyền lợi cho cuộc sống của tôi.
NDTV: Dạ thưa đúng, đó là quyền lợi của mọi người, nhưng chắc đối với Ngài thì hơi khó đấy, chắc chưa xẩy ra được đâu. Bây giờ con xin được mời bà Catherine Levine với câu hỏi kế tiếp.
Catherine: Thưa con đến từ Gia-nã-đại. Con đã theo học ngành triết lý từ lâu. Con rất hân hạnh được có mặt nơi đây nghe Ngài giảng dạy, và kính chúc happy birthday. Ngài đã khẳng định là tương lai của Tây tạng rất có triển vọng. Xin Ngài cho đại chúng biết từ nguồn gốc nào, từ khía cạnh nào đã cho Ngài những hy vọng này?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Sự thật (Truth), lòng chân thành (Honesty) và tính chất công khai không che đậy giấu diếm (Transparency). Tiếng nói của chúng tôi tuy nhỏ bé nhẹ nhàng nhưng người ta tin tưởng. Bên kia, ít người tin được. Cho nên chính cái sự thật, lòng thành, công khai chẳng có gì che giấu là những điểm gốc cho chúng tôi hy vọng, và cũng là nguồn năng lựợng để tiếp tục công trình. Tôi có nghe một chương trình trên đài BBC nói về sức mạnh của Thượng đế, sức mạnh của tiền bạc, và sức mạnh của sự thật. Những cái này rất quan trọng. Nhưng phần nhiều người ta chỉ biết có sức mạnh của súng ống bom đạn. Ngoài ra còn có sức mạnh của kinh tế - siêu mạnh nữa là đàng khác, và những sức mạnh của tham nhũng, của dối trá, của lừa đảo gian lận, mờ ám. Phải củng cố lại sức mạnh của sự thật, từ đó chúng ta sẽ tự tin hơn, và làm tăng trưởng sức mạnh của thẳng thắn không vẫn đục mờ ám để có được niềm tin, và tình bạn.
NDTV: Bao nhiêu năm trời nay, chưa bao giờ Ngài mất niềm hy vọng sao? Không có một phút giây nào tự ngờ vực chính mình? Không khi nào nghĩ “bao nhiêu thập niên rồi mà cũng chưa đi đến đâu, chưa thay đổi được gì”, Ngài không có một phút nào mất niềm tin hay sao?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Không, dĩ nhiên là có một vài thất vọng nhỏ nhoi lâu lâu cũng lóe lên, nhưng chủ yếu là như tôi đã trình bày - chỉ có sự thật và lòng trung thực. Cho nên khi có những buổi họp với giới chức chính quyền của bên kia, chúng tôi một mực giữ vững lập trường với sự thật, với cái chân thành và tấm lòng trong suốt, nên rất dễ dàng đàm phán về phía chúng tôi, nhưng bên kia lúc nào cũng có vẻ căng thẳng.
NDTV: Đó là một cách nói rất hay, nhưng nhiều người trong chúng con vẫn thắc mắc làm sao Ngài có thể mãi hoài lạc quan như thế được. Và kế tiếp là câu hỏi của Jeremy Russell. Xin mời.
Jeremy: Hình như con có nghe trong những lời bàn luận trước đây là Ngài vẫn cho rằng sẽ có sự thay đổi toàn diện của Đảng Cộng sản Trung quốc. Vậy xin Ngài cho biết những thay đổi này sẽ đến từ từ hay nhanh chóng cấp thời?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Một vài trường hợp hư hư thực thực của Xã hội Chủ nghĩa dạo này tạo cơ hội cho rất nhiều dư luận. Trong thời gian khai sơ khi cuộc cách mạng bắt đầu diễn tiến, tất cả đều phấn khởi, và cống hiến hết sức lực. Khi tôi đến Trung quốc khoảng năm 54-55, tôi có dịp diện kiến Chủ tịch Mao Trạch Đông rất nhiều lần, cũng như đã gặp nhiều tướng lãnh và viên chức cao cấp ở nhiều lãnh thổ. Tất cả những người tôi gặp đều có ý chí cống hiến toàn vẹn cho nhân dân, cho xứ sở. Nên thời gian đầu, tôi cũng có ấn tượng tốt cho chủ trương Marxist này. Tôi có đề nghị “cho tôi nhập đảng” nhưng dĩ nhiên họ đâu có cho. Tôi nghĩ chính họ cũng biết là chế độ của họ không trường tồn, nên may mắn thay họ không cho tôi gia nhập (cười). Lúc bấy giờ thật sự chế độ Chủ nghĩa xã hội rất có giá trị, một đảng của người lao động, của quần chúng. Tôi nghĩ không những họ thông thái hiểu biết mà họ còn là những người lao động bình dân, trên lý thuyết…
Bây giờ đã đến thời điểm tôi cần nghỉ hưu, nhưng trước khi bước xuống, tôi thật sự muốn nhắn gởi Trung quốc vài điều: Trung quốc cần phải thiết lập nền Dân chủ ngay lập tức. Một tỷ ba triệu người Hoa chưa bao giờ được huởng dân chủ tự do, và một con số rất cao ngưòi dân hoàn toàn vô học, không đưọc giáo dục. Phải thành lập một chính quyền trung ương, và phải có những đổi thay trong chế độ, trong guồng máy chính trị của đảng Cộng sản.
Tôi nghĩ cái cần thiết tức thời nhất là có sự công khai và tự do trao đổi thông tin tài liệu. Một tỷ ba triệu người dân phải được quyền biết sự thật. Mờ ám che giấu họ là sai lầm, là trái luân lý. Một tỷ ba triệu người đó phải có khả năng phán đoán đâu là phải đâu là trái. Những tài liệu tuyên truyền bóp méo sư thật xưa nay đều hoàn toàn không trong dự đoán. Có thể nếu còn đang trong một cuộc chiến nào đó, nội chiến hay ngoại chiến, hay qua một thời gian nguy kịch chẳng hạn, thì sự kiểm duyệt chặt chẽ mọi thông tin như thế cũng có thể chấp nhận được, đàng này một quốc gia tự do, không chiến tranh, thì không thể nào làm như thế. Ngoài ra luật pháp và tòa án nhân dân cũng rất quan trọng.
Tôi mạn phép khuyên những người bạn Trung quốc của tôi hãy nhìn nước Ấn độ mà xem - bắc Ấn, nam Ấn, tây Ấn, đông Ấn, họ không nói cùng một ngôn ngữ, không viết cũng một loại chữ, không chung văn hóa sắc tộc nhưng họ thống nhất, không phân ly chia cách. Mỗi người có ngôn ngữ riêng biệt, đôi khi không ai hiểu ai, nhưng họ đoàn kết hợp nhất.
Vùng Kashmir cũng hơi có bạo động nhưng là những xung khắc với người Pakistan, chứ không phải người Ấn với nhau. Cho nên Trung quốc phải theo gương học hỏi từ nước láng giềng này. Vì Ấn độ có tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin, không bị cấm cản kiểm duyệt, và Ấn độ cũng có một guồng máy pháp luật độc lập tự do. Trung quốc cần phải nới rộng ra và bắt đầu cho phép công khai thông tin, rồi dần dần thiết lập một tòa án dân sự độc lập thì mới mong tiến hóa. Rất cần thiết, và đầu tiên là đảng và guồng máy cai trị phải sửa đổi dần dần.
NDTV: Như vậy có nghĩ là Ngài vẫn tôn trọng chế độ Marxist. Ngài còn muốn nhập đảng không ạ?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Có chứ. Nếu chỉ áp dụng trong học thuyết kinh tế thôi, thì tôi là Marxist.
Như vậy để cho quý vị biết một tí về hoài bão của Trung cộng. Nhưng tiếc thay, Đảng Cộng sản Trung quốc không còn là cộng sản nữa. Một nhà lãnh đạo, đã đưọc trao giải thưởng Nobel hòa bình, mà cũng là một người bạn thân tôi rất cảm mến, ngày xưa đã ủng hộ mãnh liệt xã hội chủ nghĩa của Trung quốc, vừa rồi gặp lại ông ta hai năm về trước, tôi có hỏi ông “người Trung hoa có thật sự có chủ nghĩa xã hội không?” Ông ta trả lời: “Hết rồi, giờ chỉ là chủ nghĩa tư bản (capitalist) và chủ nghĩa độc đoán (authoritarian).”
NDTV: Cả hai chủ nghĩa đó chung với nhau mới thực sự là thuốc độc khó giải tỏa. Bây giờ chúng ta sẽ được nghe lời tâm tình của một người bạn chí thân rất lâu đời của Ngài – đó là Giáo Sư Sharma, cựu hiệu trưởng trường Đại học Dharamsala. Xin GS chia sẽ cho đại chúng biết một mẫu chuyện vui nào giữa hai vị mà chưa ai biết đến.
Sharma: Câu đó hơi khó trả lời…
NDTV: Tại vị mọi người không được thân thiện với Ngài bằng GS.
Sharma: Tôi có rất nhiều những kỷ niệm ấn tượng với Ngài. Nhưng cái kỷ niệm đáng ghi nhớ nhất là khi một người bạn gọi phone cho tôi thông báo tin khẩn là Đức ĐLLM sẽ rời bỏ Dharamsala ngay lập tức. Đó là năm 1989. Chuyện gì đã xẩy ra tôi cũng chẳng cần thiết phải nói ra tại đây. Lúc đó là 9g rưỡi đêm, tôi không ngủ được, sáng sớm tinh sương tôi lên đường về đến đây tới văn phòng của Ngài vào buổi xế trưa. Quang cảnh cả trăm phóng viên nhà báo thợ chụp hình đầy ấp từ trong ra ngoài làm tôi càng lo sợ. Họ không cho tôi vào gặp Ngài, tôi nhất quyết ngồi ngay ngoài cửa cho đến khi nào Ngài xong việc và tiếp tôi. Ngài rất là từ bi, một chập sau thầy thư ký ra thông báo Ngài sẽ gặp tôi vào lúc trước 6g chiều. Khi Ngài xuất hiện trước ngưỡng cửa và nói với tôi những lời mà tôi không thể chia sẽ được ở đây. Ngay lúc ấy tôi ước gì nền đất dưới chân tôi mở ra nuốt tôi ngấu nghiến vào trong cho tôi biến mất. Tôi bị sốc nặng và xin được ngồi xuống. Không biết sao tôi đã khóc như một đứa con nít, và Ngài đã bước đến ôm tôi… đó là kỷ niệm không bao giờ tôi quên được.
Tôi cảm niệm ơn trên tôi được biết và làm bạn của Ngài suốt 40 năm qua.
NDTV: Chúng con mong rằng Ngài chẳng bao giờ rời khỏi Dharamsala chỉ trừ khi rời nơi đây đề về lại Tây tạng mà thôi.
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Khi tình trạng khó khăn này xẩy ra, lúc đấy tôi đang hoằng pháp tại Hoa kỳ; có người hỏi tôi tính làm sao, tôi trả lời là nếu họ muốn chúng tôi đi thì chúng tôi đi thôi. Nhưng khi tôi về đến đây thì nhiều người bạn cũ của tôi, nhất là người bạn chí thân này nè, tình cảm ướt át quá đổi, nói rằng chỉ trừ khi rời đây để về lại Tây tạng, tôi không được đi đâu hết. Dĩ nhiên trong một cộng đồng tập thể, thể nào cũng nẫy sinh những bất đồng không ít thì nhiều, nhưng chủ yếu là những người dân địa phương ở đây rất thật thà, họ không quan trọng hóa tiền bạc, tình bạn được xây dựng trên lòng tín nhiệm, tin hiểu nhau.
NDTV: Như vậy Ngài sẻ không bỏ Dharamsala mà đi
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Không.
NDTV: Chắc cũng chẳng ai cho Ngài rời nơi đây. Và bây giờ đến một nhân vật cũng rất kỳ cựu của Dharamsala, ông Ajay Singh.
Ajay: Trên thế giới ngày hôm nay, Ngài là một trong những nhân vật sáng chói cho toàn dân Tây tạng và cho cả hằng triệu tín đồ Phật tử. Đối với họ Ngài biểu hiện cho niềm tin, cho hy vọng; bất kỳ nơi đâu Ngài bước chân đến, Ngài đem vui tươi, hạnh phúc, an bình đến đó. Làm sao Ngài lại có thể nghĩ đến phải tìm người thừa tự - làm sao ai đó có thể nối nghiệp thay thế Ngài được?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Việc chọn người kế thừa ngôi vị Đạt lai Lạt ma thì từ năm 1969 tôi đã tỏ ý đó rồi. Cho nên sớm muộn gì rồi cũng phải như thế, không là vấn đề tối quan trọng ở đây. Quan trọng là tinh thần Tây tạng và công cuộc tranh đấu cho tự do, dĩ nhiên là sẽ được tiếp nối bởi chính dân Tây tạng. Chúng tôi đã bắt đầu có một chính quyền lưu vong, được dân chúng bầu chọn cứ 5 năm một lần cho dù có mặt của Đạt lai Lạt ma hay không, chính tổ chức và sự lãnh đạo này sẽ tồn tại và tiếp tục nhu cầu của người dân Tây tạng.
Còn về phần tâm linh, Tây tạng có rất nhiều tông phái Phật giáo, và cũng có nhiếu những thế hệ lãnh đạo trẻ hơn khoảng hai mươi ba mươi tuổi đời hiện giờ, họ sẽ là những vị nối tiếp trách nhiệm về phần tâm linh cho dân tộc và cả về công cuộc đấu tranh này. Nhưng đồng thời người Tây tạng cũng muốn phải có người kế thừa ngôi vị Đạt lai Lạt ma, vì truyền thống, cho nên chúng tôi - những thành phần lãnh đạo các tông môn, các trường phái cũng đã nhiều lần hội họp bàn thảo vấn đề này nhất là vào những năm gần đây, nhưng sự việc chưa có kết quả, chưa đi đến đâu hết.
NDTV: Ngài nói khi nãy có thể truyền thống trụ sở Đạt Lai Lạt Ma sẽ dần phai mờ đi, Ngài thật sự nghĩ thế à?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Đúng thế. Cũng như đức Phật vậy… đâu có “trụ sở Phật” đâu nhưng lời dạy của Ngài vẫn tồn tại, chỉ có tổ chức không còn mà thôi. Dĩ nhiển không thể so sánh được, nhưng những gì tôi nói, tôi thuyết giảng, những sách báo tôi biên soạn cũng sẽ tồn tại trăm năm về sau, đâu cần có cơ quan hay “trụ sở” nào.
NDTV: Không hề hấn gì nếu không có một Đạt Lai Lạt Ma thứ 15 sau Ngài à?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Nhiều người mang cái cảm tưởng là truyền thống hiện thân Đạt lai Lạt ma tối quan trọng đối với Phật giáo Tây tạng, nhưng sự thật là không như thế. Thật ra thì rất có ích lợi trong việc đấu tranh giành độc lập tự do cho nước nhà, nhờ đó mà Tây tạng có tiếng nói, nhưng sau đó thì cũng chẳng thành vấn đề…
NDTV: Lần cuối cùng con gặp Ngài, Ngài nói “tôi không phải là đấng tối cao.”
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Đúng vậy. Tôi chỉ là một con người bình thường. Chắc chắn, không nghi ngờ gì cả. Trong chuyến viếng thăm Israel đầu tiên của tôi, có một vài phóng viên nhà báo đến phỏng vấn tôi, tôi nói “tôi là một con người hoàn hảo” thật ra tôi muốn nói tôi hoàn toàn là một con người, một người bình thường, nhưng tôi dùng sai chữ [I meant to say “perfectly human”, but I said it incorrectly as “perfect human being”]. Thế là khi đến Tel Aviv, có những tờ báo đăng câu nói của tôi một cách hơi tiêu cực là “Đạt Lai Lạt Ma tự xem mình hoàn hảo” và họ nói tôi không thể nào hoàn hảo được. Đó cũng là một bài học. Nếu ai hỏi tôi về Adolf Hitler và sự tàn sát khủng khiếp của ông, dĩ nhiên là một Phật tử, tôi vẫn trả lời, cả đến Hitler, ít nhất khi ông còn trẻ cũng là một con người bình thường và có lòng từ bi.
NDTV: Ngài vẫn có lòng từ ái đối với Hitler sao?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Dĩ nhiên rồi. Thù giận ông ta làm chi, chẳng ích lợi gì. Ông ta đi lâu rồi.
NDTV: Nhưng lại có những Hitler hiện đại, những người ôm bom đi khủng bố chẳng hạn, họ mang hận thù đến cùng khắp mọi nơi. Ngài vẫn bao dung được sao? Chúa Giê-su nói nếu người ta tát bên phải, đưa luôn má bên trái, Giáo chủ Mahatma Gandhi cũng khuyên như thế, giờ đến Ngài nữa. Nhưng nhiều người thì cho đó là hèn nhát, đưa luôn má bên kia ra.
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Theo tôi nghĩ, lúc Mahatma Gandhi và những vị lãnh đạo đất nước ra công giải phóng dân tộc giành độc lập tự do cho Ấn độ, họ quyết chí áp dụng chính sách bất bạo động (tiếng Ấn độ gọi là ahimsa – tránh bạo động), thì có nhiều thế lực quyền hành Tây phương cho rằng như vậy là nhu nhược. Nhưng hiện giờ, quan niệm đó đã được thay đổi. Trên thực tế dùng bạo lực, vũ khí để phản kháng mới là yếu nhược, và đầy sợ hãi. Bất bạo động mới chứng minh sức mạnh, lòng tự tin, và sự thật. Dùng chiến lược bạo động oanh tạc đánh đập cấu xé lẫn nhau tức là không hiểu sự thật nên mới vội vàng vơ cây súng, nắm quả bom. Ngay cả trong liên hệ hôn nhân, khi vợ chồng không hoà hợp trong một vấn đề gì, nếu cả đôi bên đều ích kỷ chỉ nghĩ quyền lợi riêng mình, thì họ sẽ im miệng mà chỉ dùng tay chân đấm đá nhau, đó mới là nhu nhược yếu hèn.
NDTV: Vậy thì thế giới phải làm sao để đối trị những thành phần như Osama Bin Laden, hay Taliban? Chúng ta phải làm gì với những người chuyên tìm cách thảm hại kẻ khác? Có thật là phải đưa má bên kia không?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Dĩ nhiên rồi. Như lời dạy của đạo Phật, mình phải thương lượng xem cách nào đưa lại nhiều lợi ích hơn, đôi khi phải nhìn cái lợi ích cho số đông, lúc đấy mình phải có quyền dùng lời nói hoặc biện pháp khắc nghiệt mạnh bạo hơn để đối phó. Phương tiện chỉ là phụ. Đạo Phật dạy phải có trí tuệ trong những phương pháp đối trị này, phải biết đâu là mục tiêu và động cơ để hành sử. Nhưng khi dùng lời nói hay biện pháp mạnh này, động cơ không thể là giận dữ hay thù ghét, phải áp dụng lòng từ… nếu ai làm sai người ấy sẽ chịu quả báo… thí dụ như cha mẹ hay thầy cô đôi khi vì lòng từ bi mà la mắng dạy bảo những đứa con ngổ nghịch hư hỏng, nhưng không có ác ý, không hãm hại… cách đối trị có hơi mạnh tay nhưng không bạo động. Còn như lừa đảo, bốc lột, lợi dụng, gây thiệt hại, hay mua chuộc bằng lời ngon ngọt quà cáp là những cách bạo động không nên dùng.
Những thế hệ trước cổ điển lâu đời, người ta sống khó khăn khổ cực hơn nhưng có thăng bằng điều độ, và niềm tin trong cộng đồng cũng quan trọng.
Vài thế kỷ vừa rồi, vì nhu cầu vật chất kỷ thuật khoa học tăng trưởng nên con người cũng theo đà đó mà xa đọa. Tôi thường khuyến khích mọi người nên tu tập cầu nguyện, biết đâu đó ước nguyện có thể thành tựu vào kiếp tới. Nhưng cầu nguyện không cũng khó có thể mang lại kết quả ngay ở đời này… nhưng kỷ thuật khoa học đôi khi lại làm được, và làm được ngay lúc này. Tiền của cũng vậy, lợi ích ngay lập tức. Trong khi tu tập thiền định không thu thập được kết quả tức thời. Nên người ta cứ quay về với kỷ nghệ và tiền tài vật chất… vì thế mới bị nhiều khủng hoảng đạo đức mà thôi.
Nhưng cũng may mắn là những thập niên cuối của thế kỷ 20, rất nhiều người biết tìm lại ổn định cho đời sống tâm linh của họ, không những chỉ giới trẻ, nhưng cả những gia đình giàu có, những ông chủ bà chủ của các xí nghiệp lớn.
Tôi cũng thường được mời đến giảng dạy, cho cả những nhà khoa học gia. Vào nhiều thế kỷ trước, khoa học hiện đại và vấn đề tâm linh không như ngày nay… nhưng bây giờ người ta thấy có sự tương quan giữa khoa học và tâm linh… bên Hoa kỳ nhiều cuộc thí nghiệm khoa học bắt đầu tìm hiểu về cảm xúc của con người và làm sao khắc phục cảm xúc qua thiền định, nhiều khoa học gia nổi tiếng trong ngành y dược đã có những dự án nghiên cứu thí nghiệm trong lãnh vực này. Sẽ có nhiều thay đổi trong tương lai.
Ngoài ra người ta cũng bàn luận vấn đề thiếu đạo lý luân thường trong đời sống con người ngày nay. Nhiều người cho rằng đạo lý luân thường phải có căn bản từ tín ngưỡng, nhưng lại bị hạn chế hơn bởi tín ngưỡng. Tôn giáo rất tốt cho đạo đức con người nhưng không có tôn giáo tín ngưỡng thì cái căn bản của đạo lý, kể cả sức khỏe bản thân chúng ta, và sự thanh liêm minh bạch, lòng thành thật có thể gầy dựng và tạo ra niềm tự tin. Khi có tự tin, người ta sẽ bớt lo sợ, nội lực sẽ mạnh hơn, stress sẽ giảm đi, lo âu sẽ bớt lại, và cuộc sống được thanh thản hơn. Ngành y học bắt đầu nhận thấy ích lợi vả hiệu quả của nếp sống đạo đức. Đó là những tiến triển khả quan.
NDTV: Câu hỏi kế tiếp của Francisco, người Argentina đến đây từ một quốc gia ở Nam Mỹ.
Francisco: Kính bạch Ngài, gia đình con ở Argentina, con đang theo học ở Ấn độ được sáu tháng. Nước Argentina đã nằm dưới quyền thống trị rất lâu đời của chế độ quân sự chính chuyên độc tài chỉ biết dùng bạo lực cai trị nước. Tây tạng của Ngài cũng thế, cũng bị lực lượng quân đội Trung quốc đàn áp thống lãnh. Câu hỏi của con là với lịch sử vũ khí chiến tranh bạo tàn khắp nơi, kể cả nhiều quốc gia ở Nam Mỹ, với chính sách khủng bố ngày càng nhiều và tàn khốc, Ngài có nghĩ ngành quân đội của một quốc gia có thật sự đem lợi lạc tích cực đến cho quốc gia đó không?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Có thể là trong một hoàn cảnh, một tình huống nào đó, qua một thời gian hay những nhu cầu khẩn cấp, ngành quân sự rất cần thiết và thích đáng. Cái đáng ngại là hầu như toàn thể ai trong quân đội cũng hơi thiếu cái yếu tố đạo đức. Họ quen với bạo hành, quyền lực, trách nhiệm nắm trong tay đến nổi quên luôn tự do dân chủ, họ chỉ chú trọng vào quyền lực của họ. Cũng như nhóm dân quân Miến điện hay quân đội Pakistan vài năm về trước. Cứ nhìn vào nước Ấn độ mà xem, từ khi độc lập tự do, yếu tố dân chủ được nâng lên rất cao và rất cố định.
Thì cũng có một vài trở ngại không thuận lợi đây đó - như tôi vẫn hằng chia sẽ với giới chức lãnh đạo quốc gia hay tôn giáo, khi tôi đi ngoại giao, tôi rất hãnh diện đem thông tin đại diện của Ấn độ đến mọi nơi – trong nước vẫn còn chế độ giai cấp từ ngàn xưa, và thể lệ đòi hỏi của hồi môn trong hôn nhân, v.v… những thứ mà chúng ta phải đối phó và giải quyết lấy, ngay trong nhà, trong nước mình. Tôi cũng tỏ bày nhiều lần mối quan tâm của tôi như gần đây ở Rishikesh, và đôi lần ở Delhi nữa. Nhưng chung chung thì Ấn độ là một quốc gia rất ổn định.
NDTV: Vậy theo Ngài thì quân đội của một quốc gia rất cần thiết nhưng họ phải biết buông bỏ bớt quyền hành của họ. Chắc là rất khó một khi đã nắm quyền trong tay.
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Chỉ cần thiết cho một thời gian ngắn khẩn cấp, không phải bất tận… và phải luôn cấu kết với yếu tố đạo đức.
NDTV: Bây giở con xin chuyển câu hỏi đến Bhuvnesh Dubay, một nhà giáo.
Bhuvnesh: Kính lễ Ngài. Ngài nói sứ mạng thứ nhất của Ngài là khuyến tấn một vài giá trị của con người. Ahimsa (có nghĩa là tránh bạo động) là một trong những giá trị đó. Ngày nay học thuyết Ahimsa có còn thích hợp với thế giới đầy bạo động và với chế độ Naxalism không? (Note của người dịch: Naxals hay Maoist là vùng phía đông Ấn độ vẫn còn theo lý tưởng cộng sản và thường được xem là vùng “Hành lang Đỏ - Red Corridor”) Tại sao lại có sự truyền bá của Naxalism trong quốc gia hoàn toàn độc lập tự do, và làm sao để đối phó với vấn đề nan giải này?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Theo tôi nghĩ tất cả những bạo động trên toàn cầu kể cả biến cố 9-11 ở Hoa kỳ, chúng ta phải nhìn lại toàn diện những trận khủng bố này. Mỗi hiện tượng đều có nhân có quả. Tôi cũng đã từng nói thế với giới báo chí ngay sau khi biến cố xẩy ra tại Nữu-ước. Những quốc gia này có dầu hỏa, có nhiên lượng và thường bị khai thác hay bốc lột bởi những quốc gia chỉ nhắm vào đó để trục lợi. Thế nên cũng chỉ trở lại với vấn đề tiêu chuẩn đạo đức mà thôi. Ngay thời gian đó tôi có bày tỏ ước nguyện là nếu muốn kháng cự lại phải áp dụng cả hai mặt - một là qua sự dàn xếp của của chính khách cấp đại diện với nhau, và hai là phải nghĩ đến về lâu về dài bằng cách giáo dục và phổ biến chính sách bất bạo động còn được biết đến bằng cái tên Ahimsa.
Trong thế giới hiện đại ngày nay, sự thật chỉ là một phần thực thể, sáu tỷ người trên các châu lục chỉ là một phần của vũ trụ thế gian. Tương lai của Đông Á phải phụ thuộc vào Tây phương và ngược lại, cả Phi châu nữa, phải nương tựa bảo hộ lẫn nhau, để cho thế giới trở thành một bánh xe sức mạnh đẩy được cả con tàu, không như những thế hệ trước.
Nếu cứ nghĩ đến “tôi và họ” “chúng ta và chúng nó” thì dĩ nhiên tình trạng phá hoại tiêu diệt lẫn nhau sẽ càng lan rộng. Cho nên nếu mọi người có thể nghĩ “tất cả chúng ta” thôi thì kẻ thù cũng thành một thành phần của loài người, và tương lai của loài người cũng nằm trong tay kẻ thù. Có sát hại kẻ thù, đập phá tiêu diệt đất đai của kẻ thù cũng chỉ là phá hủy chính mình thôi. Cho nên Ahimsa rất có lý vì sẽ chẳng có vấn đề xung đột tranh giành hay va chạm nữa. Tôi thường nói chính mình tạo tác những khó khăn cho mình mà thôi. Nếu loài người muốn sống bình an, thì tự mình phải biết nhường nhịn, buông bỏ.
Nhất là những người có nhiều quyền lợi, nhiều kinh nghiệm, và sáng chói (Ngài dùng từ shine ở đây!!) thường tạo nhiều vấn đề hơn, trong đó có tôi đây (cười). Cái khác biệt là ở đó. Phải dùng phương pháp nào để giải hòa mà không đụng đến súng ống bom đạn hay chiến lược bạo tàn. Chỉ còn cách đối thoại, đàm phán, ngồi lại nói chuyện với nhau.
Hãy nhìn lại Nam Phi với cuộc tranh đấu cho tự do dưới sự lãnh đạo của Nelson Mandela, quả thật họ đã áp dụng đường lối của Mahatma Gandhi. Bây giờ tại Nam Phi người da trắng và người da đen có thể chung sống một cách khá bình an, đó là hướng đi rất thực tế.
Gần đây tôi có đến Patna, hay hình như Orissa (tên những thành phố và tiểu bang ở Ấn độ), tôi có gặp một viên chức của Quốc hội, và có đặt vấn đề Naxal, cũng như hỏi về các bộ lạc tại đó. Ông ta nói đúng ra chính sách trong hiến pháp rất là hoàn hảo về nhiều điểm quan trọng để đối phó với vấn đề Naxal này, nhưng người thi hành những điều lệ đó không làm tròn bổn phận một cách nghiêm nghị nên mới đưa đến nông nổi này. Có những thôn xóm trong vùng Naxalite, dân chúng không có điện nước, và họ không mấy thân thiện hay tin tưởng chính quyền và cảnh sát địa phương. Tôi nói với ông là muốn đổi mới Ấn độ phải bắt đầu từ những thôn xóm này. Việc cải trương những thành phố lớn như Hyderabad, Bangalore, hay Calcutta thôi vẫn chưa đủ, phải có sự thăng bằng, phải lo cho những thôn xóm nghèo nàn nữa. Tôi cũng đề nghị với vài giới chức ở Delhi là phải đến tận nơi tham khảo và chứng kiến, đừng nên chỉ dựa vào những biên bản báo cáo của chính quyền địa phương. Những nơi này thường bị bỏ rơi không ai để ý tới, nên người dân dễ bị thất vọng và bất mãn. Bất mãn thường đưa tới tức giận, và tức giận đưa tới bạo động.
Jessica: Ngài có nghĩ là chính phủ Obama quá nhu nhược với Trung quốc không?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Không, tôi không nghĩ thế, nhất là sau Copenhagen chính phủ mới này đã học được thêm kinh nghiệm. Dầu gì cũng còn mới quá, để phải chờ từ từ xem. Chính ra thì cũng có nhiều sự thông cảm và ủng hộ, như thế cũng quá tốt rồi. Buổi nói chuyện của chúng tôi sau khi ông lên làm Tổng thống phải nói là rất bộc trực thẳng thắng và có kết quả tốt. (Note của người dịch: Hiệp ước Copenhagen xẩy ra tháng 12 năm 2009 trong cuộc họp của nhiều tổng thống, thủ tướng và lãnh đạo nhiều quốc gia, về việc chống biến đổi khí hậu, nhưng thành quả không được như ý – tên gọi: Copenhagen Accord)
NDTV: Ngài không có tí thất vọng nào hết nơi Obama sao?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Không, không.
NDTV: Ngài không nghĩ là Obama đang “nịnh” (thân mật với) Trung quốc?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Tôi không nghĩ thế. Khi tôi gặp Obama, tôi có nhắc đến câu nói của Thủ tướng Ấn độ - Ấn độ vẫn không sao bằng Trung quốc về lãnh vực kinh tế, nhưng Ấn độ có nền độc lập, có toà án nhân dân, có tự do ngôn luận và báo chí, và chính sách công khai; đó là những giá trị căn bản của Ấn độ mà Trung quốc không có. Đây không những chỉ là giá trị của nước Ấn độ thôi, mà còn là giá trị của toàn thế giới. Nên tôi có gợi ý với TT Obama về G-8 và G-20 cũng rất cần thiết đó nhưng chủ yếu chỉ là tiền bạc kinh tế (Note của người dịch: G-8 Summit - phiên họp hằng năm của một nhóm các nhà lãnh đạo chính phủ từ 8 quốc gia Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Nga, Anh và Hoa Kỳ, và G-20 - Hội nghị thượng đỉnh của các nền kinh tế lớn của thế giới gồm 19 quốc gia và Liên minh Âu châu).
Nhưng không may tất cả mọi người và nhất là ngành thông tin báo chí đều hướng về những giá trị vật chất này thay vì chú trọng vào giá trị căn bản thiết yếu. Tôi nói nước tôi… ám chỉ Ấn độ, vì tôi đã sống hơn nửa đời người tại đây… hình như giới chức Trung quốc bất đồng dữ dội khi tôi gọi Ấn độ là ‘nước tôi’ (my country). Nhưng nếu mở cái khối óc của tôi ra mà xem, 100% Ấn độ trong đó. Chúng tôi là những đạo sư (Ngài dùng chữ guru), nhưng chúng tôi cũng là đầy tớ người hầu (Ngài dùng chữ chela), nhưng là những “chelas” rất được tin cậy.
Nên tôi nhắc lại với Obama lời nhắn của Thủ tướng Ấn độ rất quan trọng: các nước Tây phương có thể đầu tư vào Trung quốc nhưng nếu chỉ chú trọng về tiền, tiền và tiền, bên kia sẽ bắt đầu khởi tính kiêu ngạo vì bản tính si mê sẳn có. Niềm hãnh diện thực sự phải có căn bản. Bởi vậy nhiều tay anh chị buôn lậu ma túy thường kiếm đưọc khối tiền nhưng bằng sự bất lương, nếu họ còn tự hào nữa thì quá xấu xa không đúng không tốt. Tiền bạc rất quan trọng nhưng phải đặt trên căn bản đạo đức, như thế khi có tiền mới hãnh diện được.
Ở Trung quốc tiền của vào từ Đài loan, Châu âu, Mỹ quốc, không bao nhiêu từ Ấn độ. Rồi họ lợi dụng nhân công rẻ mạt khai thát nguồn lợi. Bốc lột như thế xẩy ra vì không có liên minh lao động, không có tiếng nói của người làm công. Rốt cuộc cũng chỉ vì đồng tiền, vì kinh tế, vì khoa học, chứ chẳng bao giờ dựa trên căn bản giá trị nội tâm. Phương Tây cũng đang gặp phải tình trạng khủng hoảng.
Mới đây tôi vừa đi thăm Nhật bản, giới trẻ ở Nhật cũng than phiền cuộc sống của họ nhiễu nhương đầy ấp những khó khăn, khắc khoải lo âu, cô đơn hiu quạnh, và vì thế nên tỷ lệ tự vẫn đang trên đà tăng mạnh tại Nhật. Cuộc sống vật chất ở Nhật bản tương đối đầy đủ hơn so với Ấn độ, nhưng về tinh thần thì thế hệ trẻ người Nhật có rất nhiều vấn đề.
Ngay tiểu bang Sikkim miền đông Ấn độ, một người bạn của tôi cho biết là trong vòng mười năm vừa qua Sikkim phát triển rất là tốt, mở mang về mọi mặt, nhưng đồng thời nhiều vấn đề xã hội như nghiện ngập rượu chè, tình trạng khẩn trương, cuộc sống nhiều stress cũng theo đó mà tăng trưởng. Như vậy rõ ràng thế giới vật chất và tiền tài danh vọng chi đem đến tiện nghi cho thân thể mà không giúp ích gì cho phần tâm linh cả. Chỉ bằng cách nương tựa vào tinh thần của tôn giáo tín ngưỡng nhưng không quá đặt trọng vào niềm tin mà phải có đạo lý luân thường và nguyên lý thế tục nữa.
NDTV: Kính thưa Ngài, bây giờ con xin nhường câu hỏi đến một người muốn biết về tiền bạc, nhân lúc đang thảo luận vấn đề này.
Wolfgang: Kính lễ Ngài, thật là một nhân duyên lành được trao đổi với Ngài hôm nay. Con từ nước Austria qua đây. Con nghỉ việc, bỏ gia đình, bỏ cuộc sống xa hoa tiện nghi của phương trời Tây tìm về đất Phật cũng như bao người trẻ khác có mặt ở đây. Cuộc sống vật chất thoải mái hình như vẫn có cái gì đó thiếu sót, chưa đầy đủ trọn vẹn, chắc là thiếu cái giác ngộ tâm linh vẫn thường được quý ngài nhắc nhở đến. Nên con và các bạn tìm tới những nước Á châu, sống đời đạm bạc, làm việc từ thiện, đọc sách - rất nhiều sách của Ngài – và tìm kiếm một cái gì đó giá trị hơn. Câu hỏi của con là khi mình nhận thức được ý nghĩa của cuộc sống không những chỉ căn cứ vào tiện nghi vật chất, thì có nên ghép chung cuộc sống vật chất này với nhu cầu tâm linh cần thiết, hay nên chối bỏ hẳn tất cả vật chất để có thể dễ dàng tìm con đường chân lý hơn?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Ồ, phải có cả hai chứ. Giá trị vật chất nữa. Có bao giờ tôi khuyên ai đi tìm chân lý mà phải trở thành gã ăn mày đâu… như thế đâu có tốt lắm đâu. Dĩ nhiên là nếu đi sâu lên núi Hy-mã-lạp-sơn kia, có thể quý vị cũng sẽ tìm được những vị ẩn cư, những bậc thánh tăng hoàn toàn trần truồng, không ăn uống mà vẫn sống. Nhưng có bao nhiêu người làm được như thế. Phần đông sẽ chết đói chết lạnh hết. Cho nên việc khuếch trương vật chất cũng rất cần thiết. Dù vậy cũng vẫn chưa đủ để nuôi sống cả hằng 6 triệu dân, như tại vùng cực nam Phi châu và nhiều quốc gia Á châu nữa. Chính cả Ấn độ đây, có những nơi cần phải phát triển kinh tế nhiều hơn nữa. Và đây cũng là dịp để chúng ta nhắc đến nguyên lý Marxist, trên nguyên tắc đạo đức, nó rất hữu hiệu… tức là chia đồng mọi người cùng hưởng.
Một vài trăm người trở thành triệu phú trong khi đó có hằng trăm ngàn người càng ngày càng nghèo hơn. Cứ thử nhìn hiệp chủng quốc Hoa kỳ mà xem… một cái khoảng cách thật là lớn… nhưng rồi nhìn lại những xã hội chủ nghĩa lừng danh coi, cũng có cái hố sâu thăm thẳm cách biệt một số người giàu sụ và đầy quyền lực với phần thường dân còn lại nghèo xác xơ, không đủ ăn đủ mặc. Chúng ta vẫn còn cần rất nhiều phương tiện phát triển, nhưng đôi khi chúng ta cũng tin tưởng một cách mù quáng rằng nếu có đầy đủ tiện nghi vật chất là mọi khó khăn của loài người đếu biến mất. Suy nghĩ như vậy là không thực tế, là sai lầm, và rất thiển cận. Vì chỉ nghĩ đến cái tiện nghi của cơ thể.
Chúng ta ai cũng có kinh nghiệm qua khi tâm bình an nhưng thân hơi chật vật khốn khổ một tí cũng không sao, cũng okay… nhưng khi tâm bất an cho dù đầy đủ xa hoa vật chất cũng không làm cho chúng ta vui được. Một tinh thần bình thản an lạc có thể xoa dịu một thân xác ốm đau. Cho nên không thể lơ là cái tâm của ta. Đời sống tâm linh không có nghĩa là phải có Chúa, có Phật, chỉ cần làm sao để có bình an, thảnh thơi, điềm tỉnh. Thực tập hạnh từ bi sẽ đem lại an lạc cho tâm, lợi lạc vô cùng.
NDTV: Và bây giờ con xin để Ngài nghe một câu hỏi khác của một người không có mặt tại đây đã cho chúng con thâu câu hỏi của cô ta từ Delhi. Tên cô là Sonal Man Singh, cô là một vũ sư danh tiếng.
Sonal: Con xin cầu chúc Ngài vạn niềm an lạc, Ngày con còn là một cô bé mặc váy đầm đồng phục, Ngài lúc đấy mới 16 tuổi, Ngài đến thăm trường học của con, con khoe Ngài tấm ảnh của Ngài con cất giữ trong cặp, Ngài đã cười thoải mái giọng cười run run thánh thoát, rồi Ngài ôm con. Trời ơi, được Ngài choàng tay ôm, con như người vừa rơi xuống dòng nước xoáy cuồn cuộn của sông Hằng. Kính lạy Ngài, Ngài là anekshatru (?), Ngài là yudhpurush (?), Ngài chính là tất cả. Con kính chúc Ngài sống thêm thật là nhiều năm nữa, đầy ấp với tiếng cười hồn nhiên truyền cảm của Ngài, để đem lại niềm vui và vẻ đẹp cho mọi người và cho cuộc đời. Câu hỏi duy nhất của con là… làm sao Ngài giữ được như thế? mặc dù hằng ngày phải va chạm đối mặt với biết bao vấn đề khó khăn của cuộc sống thế gian. Thật là fantastic!
NDTV: Làm sao Ngài giữ như thế được?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Tôi đâu có cách nào khác hơn đâu. Nếu dùng chất kích thích hay rượu bia thì chỉ tự hủy hại thân thể mình. Nhưng chúng ta có một cái trí óc thông minh tuyệt vời có thể suy nghĩ xét đoán cả về lý lẽ và sự thật. Phải trưng dụng nó tới mức tối đa và phải thành người thực tế. Vào thế kỷ thứ 8, có một đạo sư Phật giáo thường khuyên: khi nào phải đối diện với khó khăn, nhìn thẳng vào khó khăn đó, nếu không giải quyết được nó, buông nó ra, không lo nghĩ đến nó nữa. Thế thôi, một lời khuyên rất là thực tế
NDTV: Cái nhìn lạc quan của Ngài thật là hi hữu.
NDTV: Con cũng muốn hỏi một câu. Con chưa từng gặp một vị lãnh đạo tinh thần hay lãnh đạo quốc gia nào mà được ưa chuộng thương mến bằng Ngài. Và thật là tài tình vì nhiều người khi được hâm mộ như thế thường trở nên hống hách, nhưng Ngài thì không bao giờ như vậy.
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Ồ tôi hiểu rồi… tự chủ… lại nữa có những câu thần chú mỗi ngày tôi đều phải tụng, như thế này: “khi mà mọi người tôn sùng, khen thưởng anh, anh phải nghĩ mình tồi tàn nhất” tôi luôn nhớ nghĩ đến câu kinh này. Ngoài ra một vị tổ trường phái Nalanda vào thế kỷ thứ 8 cũng có nói: “khi có ai đó khen bạn, thì cũng có người khác đang chê cười bạn” tôi rất thích chiêm nghiệm câu này.
NDTV: Ha, thế là huề cả làng…
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Đúng rồi, đó là thực tế.
NDTV: Bây giờ con xin được mời Tracy Chrisman đến từ Anh quốc, không biết Tracy đang ở đâu, xin cho biết… dạ mời.
Tracy: Kính bạch Ngài con muốn hỏi thể lệ nào được sử dụng để tuyển chọn một Đạt lai Lạt ma kế tiếp, Ngài có nghĩ là phải tiếp tục truyền thống để không xẩy ra một lần nữa như Ngài Panchen Lama bên Trung quốc.
NDTV: Dạ con muốn đuợc giải thích thêm về câu hỏi của Tracy, tức là dân Tây tạng đã chỉ định ngôi vị Panchen Lama rồi, nhưng Trung quốc không chấp nhận nên họ tự chỉ định một vị mới. Nếu Đạt lai Lạt ma không có kế thừa, hoặc giả, có vị kế thừa rồi mà Trung quốc lại cho ra một Đạt lai Lạt ma khác nữa thì làm sao?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Vâng những người cộng sản Trung quốc thật có quyền hành, họ quá chuyên môn trong vấn đề tạo thêm những thứ không cần thiết. Bây giờ có hai Panchen Lama, một họ gọi là Penchen Lama “chính thức” (official), và một Panchen Lama của lòng người Tây tạng… chỉ thêm rắc rối, thêm phẫn uất bực bội… Vậy mà cũng chưa đủ, họ nói sẽ tìm một đứa trẻ trong những gia đình biết tùng phục chế độ của họ để đưa lên thay thế tôi nếu tôi chết. Vậy là sẽ có thêm một Đạt lai Lạt ma “chính thức”, và họ sẽ lựa người Tây tạng, hoặc người vùng núi Hy-mã-lạp-sơn, hoặc người Mông cổ… thời gian sau này nhiều sắc dân cũng dựa theo truyền thống Phật giáo Tây tạng để cũng có tái sanh, nên họ có thể dễ dàng chọn lựa hơn nếu họ muốn có một Đạt lai Lạt ma tái sanh.
NDTV: Vậy ý tưởng của Ngài thế nào trong vấn đề, phải chọn người kế thừa chứ ạ. Dạ… con biết con hỏi câu này hai lần, chắc số phận con giống người phóng viên tuần báo New York Times quá… xin Ngài đừng nổi cáu… nhưng con phải hỏi, ý của Ngài ra sao? định đoạt ngôi vị ngay trong đời này hay sao?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Tôi không mấy lo lắng về vấn đề này. Hình như Đảng Cộng sản Trung quốc quan tâm đến trụ sở Đạt lai Lạt ma hơn tôi… vì chính trị, dĩ nhiên rồi, chuyện ngớ ngẫn quá đi thôi… Nhưng nói tóm lại chắc còn lâu, tôi vẫn còn khỏe mạnh mà, chỉ trừ phi tôi tự sát, hehehe… còn lâu, 15-20 năm, không sao, 30 năm không chừng…
NDTV: Dạ thưa bây giờ là câu hỏi cuối cùng, Cô Katherine Schwitz, cô có ở đầu giây không? Xin mời…
Katherine: Kính Ngài, trước nhất con xin kính mừng sinh nhật Ngài. Ngài vừa nói 10-20 năm nữa… làm sao đủ, thôi… Ngài ráng thêm 75 năm nữa đi ạ.
NDTV: À há, thêm 75 năm nữa… ý kiến hay đó.
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Chắc không được đâu, quá dài… không thể, nhưng 100 năm chắc được.
NDTV: Một thế kỷ.
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Vừa rồi tôi được diện kiến một cựu Tổng thống của Ấn đồ, ông là một khoa học gia rất giỏi…
NDTV: Abdul Kalam
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Ông nói bố ông sống đến 103 tuổi. Và trước đó tôi cũng có gặp một vài bộ tộc Tây tạng, có người 103, 104 tuổi… rất có thể con người sống được đến 110. Tục truyền rằng có những đạo sư Tây tạng từ cả 200 năm về trước đã tiên đoán tôi sẽ sống đến 113 tuổi… cũng vậy có một lần vào khoảng thập niên 60, có lần tôi nằm mơ thấy mình ăn mừng sinh nhật thứ 113, hai năm sau đó tôi nghe về sự tiên đoán này, con số giống nhau… (cười). Tôi cũng có hỏi bác sĩ sau khi họ mổ tôi mấy năm trước đây. Có lần giữa đại chúng đông người tôi nói câu chuyện sống 113 tuổi này, có người thật sự tin là Đạt lai Lạt ma có khả năng tự chữa bệnh (healing power). Đùng một cái tháng 10, 2008, họ đưa tôi lên bàn mổ… (cười), còn đâu khả năng tự chữa nữa… quá rõ ràng rồi, khoa học chứng minh Đạt lai Lạt ma chẳng có quyền năng chi hết.
NDTV: Chỉ có mình Ngài quá thành thật để nhất định nhận rằng mình không có khả năng gì hết. thiếu gì những giáo chủ, những “người của Thượng đế” vỗ ngực phô trương ta đây có khả năng huyền bí.
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Sau khi mổ, tôi trở lại để bác sĩ khám lần cuối, một ông bác sĩ gọi tôi bằng “người bệnh nhân trẻ” (young patient), tôi cãi lại tôi đã 73 tuổi, ông ta bảo “tôi biết tuổi của Ngài trong giấy tờ đây, nhưng tôi khám thấy thân thể của Ngài mới 60 tuổi mà, nên Ngài là bệnh nhân trẻ của tôi.”
NDTV: Hy vọng Ngài sẽ như thế mãi… Katherine, xin tiếp tục câu hỏi.
Katherine: Da thưa câu hỏi của con là thời gian gần đây có dư luận cho rằng người nữ sẽ được truyền Tỳ Kheo Ni giới (full ordination) trong truyền thống Phật giáo Tây tạng, nhưng chính Ngài có nói tại cuộc hội thảo Phật giáo ở Hamburg năm 2007 là việc truyền giới cho nữ tu sĩ chắc khó thành vì có rất nhiều những trở ngại, và vì cái tư tưởng cổ điển của xã hội không chấp nhận người nữ xuất gia. Nhưng năm vừa rồi Ngài cũng có nói có thể Ngài sẽ tái sanh làm người nữ, và Đạt lai Lạt ma biết đâu chừng sẽ mang thân nữ trong kiếp tới. Ngài nghĩ thế nào? Truyền thống xã hội Tây tạng có chấp nhận một Đạt lai Lạt ma nữ giới không, trong khi họ chưa thể chấp nhận cho người nữ đi tu và thọ giới?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Câu hỏi này không được chính xác cho mấy… Giới Tỳ kheo ni trong đạo Phật là giới cao nhất của một người nữ. Cũng có một vài lưỡng lự ngập ngừng trong vấn đề, nhưng không phải vì xã hội hay người đời không chấp nhận. Phật cho phép cả hai, Tỳ kheo và Tỳ kheo ni được thọ giới, Phật cũng nói cả nam nữ đều có khả năng thành Phật. Cái phần kỷ thuật mới chính đáng. Giới ‘vinaya’ (trong Luật tạng – Vinayapitaka) phải được giữ và tôn trọng theo đúng luật ‘vinaya’, đó là phần kỷ thuật rắc rối và là nguồn gốc của những do dự đó. Nhưng những kiếp sau nếu mang thân nữ nhân mà có hiệu lực hơn qua truyền thống và cách thức tâm linh, thì tôi không nghĩ có vấn đề gì, và chính tôi, tôi cũng không màng.
NDTV: Vậy là Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 15 có thể là người nữ. Ok Swati, xin đặt câu hỏi.
Swati: Kính mừng sinh nhật Ngài, con là một nhà tâm lý học sinh sống ngay tại Dharamsala, xin Ngài cho chúng con biết làm sao để chỉ dẫn giới trẻ Tây tạng sinh ra và lớn lên tại Ấn độ đầy dãy những ham muốn tham vọng, để họ có thể tự đối phó với mâu thuẫn, và giải quyết những rối loạn trong cuộc sống của họ.
NDTV: Giới trẻ sinh ra và lớn lên ở Ấn độ, đây là nhà… chưa bao giờ bước chân đến đất Tây tạng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Theo như tôi nghĩ, chung chung thì chính cái truyền thống văn hóa Tây tạng và giáo dục theo Phật giáo Tây tạng đều được xem rất quan trọng, như chính mẹ đẻ của mình, cho nên suy nghĩ như thế đưa đến những khác biệt đáng kể. Nhiều người Tây tạng thế hệ đầu đều phải trải qua khổ hạnh, có người chết vì bị đánh đập, bỏ đói, ngục tù, như chính ông bác sĩ của tôi và nhiều người tôi quen, nhưng hầu như ai cũng giữ được một nội tâm khá vững chắc và điềm tĩnh. Có một lần trong buổi hội đàm với các nhà khoa học về chủ đề “sự điềm tĩnh của tâm”, họ cũng đồng ý và rất là ngạc nhiên là các vị này, tuy thân xác trải qua nhiều hình phạt đớn đau, nguy hiểm cả đến tính mạng nhưng tâm họ rất an. Có một vị thầy năm nay đã 93 tuổi, ngài trốn thoát khỏi gông cuồm cộng sản và đến ở tại tu viện đây vào giữa thập niên 80. Ngài có kể cho tôi nghe 18-19 năm trong lao tù cộng sản (gulakhs), đôi lúc ngài phải đối diện với nguy cơ – tôi hỏi nguy cơ gì, thì ngài bảo nguy cơ không còn giữ được lòng từ bi đối với bọn hung thần. Chính thế, ngài chẳng lo cho thân mạng mình, mà chỉ lo mất đi lòng từ bi đối với những kẻ hành hạ mình. Rất là cần thiết phải cố gắng giữ được từ bi, mới có thể mang bình an đến cho tâm mình.
Giới trẻ Tây tạng hiện nay, sanh ra và lớn lên trong một môi trường chỉ có khí thế giống Tây tạng chứ không thật sự Tây tạng. Họ vẫn mang những đặc tính Tây tạng, nhưng những người đã từng sống bên Tây tạng, từng trải qua khó khăn khồ đau nhiều hơn (mới biết được). Một số dân địa phương vùng Kulu Manali hay có thái độ giận dữ. Những thế hệ Tây tạng trước, cả ngàn người phải đi đào kinh làm đường, nhưng họ lại là những người rất điềm tĩnh, rất thanh bình. Còn giới trẻ thời nay có thái độ cư xử khác biệt. Nhưng vẫn không đến nỗi. Cả người dân tại Dharamsala đây cũng okay.
NDTV: Mọi người đều đang gật gù có vẻ đồng ý với Ngài.
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Đây là dấu hiệu suy đồi của những di sản văn hóa bên trong Tây tạng. Bên ngoài chính dân Tây tạng đang cố gắng thiết lập một cộng đồng Tây tạng cho dù cũng khả dĩ lắm rồi, nhưng vẫn còn cần rất nhiều công việc xây dựng. Vào thập niên 60, chúng tôi được sự giúp đỡ tận tình của chính phủ Ấn độ và Thủ tướng Pandit Nehru, để tạo lập một hệ thống giáo dục cho thanh thiếu niên trẻ, bao nhiêu chi phí vận động đều do chính phủ Ấn đài thọ. Họ còn thiết lập một Ủy ban đặc biệt chuyên lo xây trường học cho người Tây tạng, ngõ hầu giúp cho Tây tạng giữ gìn nền văn hóa riêng biệt. Nhưng cũng có bị ảnh hưởng của chương trình giáo dục cơ bản của Ấn độ, nên có người cho rằng cơ cấu này không được thích hợp cho lắm. Có nhiều dấu chấm hỏi.
Ngày xưa nền giáo dục của Ấn độ cũng theo lề lối tương tự như trong một tu viện, nhưng sau này với sự xâm nhập và thống trị của Anh quốc, lối giáo dục thời hiện đại cũng không còn mang tính cách thân mật thầy trò, nhiệt tâm trao truyền, và cũng chẳng nặng về đạo lý. Bởi vì nền giáo dục này với một ngàn năm chịu ảnh hưởng của thực dân Anh, dựa trên luân lý Giáo hội (La mã). Với thời gian trôi qua đi, bây giờ Ấn độ không còn chịu ảnh hưởng của thực dân và Thiên chúa giáo nhiều nữa, nhưng giá trị gia đình cũng vẫn trên đà giảm suy. Thời gian Thống đốc Indira Gandhi ji còn có thẩm quyền, tôi thường hay có dịp trò chuyện thân mật với bà và có đề nghị xem lại hệ thống giáo dục tại những cơ sở gần dẫy Hy-mã-lạp-sơn này. Bà đồng ý và có đề cử ba vị giáo sư từ những trường đại học Delhi về đây nghiên cứu và bổ túc cho chương trình, nhưng rồi bà bị ám sát, nên công việc chỉnh sửa lại bị đình trệ.
Hệ thống giáo dục của Ấn độ và Tây tạng cần được nghiên cứu và bổ túc thêm hơn, nhất là về vấn đề đạo lý luân thường, mà không dính dáng nhiều đến tôn giáo. Vì Ấn độ là một quốc gia đa tín ngưỡng nên không thể chọn một tín ngưỡng duy nhất nào hết.
Chỉ cần phát huy tình thương, lòng từ mẫn và tha thứ, phần đông tôn giáo nào cũng khuyên như thế. Cả những người không không theo tôn giáo nào cũng có thể thực tập những đức tính này. Nhiều kết quả từ các cuộc nghiên cứu xưa nay cho ta biết sự nhiệt tâm của mọi người là một yếu tố rất quan trọng trong cả đời sống gia đình và xã hội. Ai cũng biết loài người là động vật xã hội (social animals), sống có tập thể. Phải có sức mạnh tình cảm đưa chúng ta gần nhau hơn. Hận thù chia rẻ không thể đưa đến chung sức hợp tác với nhau.
Động vật xã hội mà không có sự hợp tác thì cũng bằng thừa, căn bản trường tồn phải dựa trên nền tảng của sự tin cậy và tình bằng hữu. Tình bằng hữu phải có sự tín nhiệm.Tín nhiệm và nhiệt tâm với nhau. Nếu con người sống ích kỷ không nghĩ đến người khác thì thế nào cũng nẩy sinh ý tưởng và ý muốn lạm dụng bốc lột, ăn hiếp bắt nạt, và lừa đảo gian lận người khác. Nếu có sự nhiệt tâm trong người, tất cả thành viên của một xã hội đều biết tôn trọng và quan tâm đến quyền lợi và hạnh phúc của mình và của người. Sẽ không ước ao lừa lộc, ăn gian hay lợi dụng người khác.
Đây là những đạo lý thế tục, tuy rằng tôn giáo cũng không dạy khác hơn, nhưng cũng không nên đưa tôn giáo vào đó. Nếu được như vậy quốc gia sẽ tiến mạnh.
Giới trẻ ở Ấn độ chạy theo tiền tài vật chất nhiều hơn, cho nên cũng có tham nhũng thối nát nhưng Ấn độ tương đối không đến nổi tồi tệ như nhiều quốc gia khác. Ở đâu có tham nhũng, chứng tỏ là ở đó thiếu đạo lý luân thường. Những nhà lãnh đạo tôn giáo thường giảng dạy về đạo đức nhưng chỉ tôn giáo thôi sẽ không đủ để chuyển hướng. Phải giới thiệu bộ môn đạo đức vào trường học ngay từ lớp mẫu giáo đi lên, mà không cần đã động đến một tôn giáo nào. Chỉ dành cho đạo đức thế gian mà thôi là đủ rồi.
NDTV: Con xin được kết thúc buổi nói chuyện hôm nay với một vị khách cuối cùng - Giáo sư Chaman Lal Gupta – cũng là một người bạn thân của Ngài. Xin GS chia sẽ với đại chúng một mẫu chuyện mà chúng tôi chưa được biết.
Chaman Lal Gupta: Lần đâu tiên tôi biết Ngài là vào năm 1999 cũng nhân dịp sinh nhật của Ngài. Chúng tôi đến từ Bharatidas Sahiyog Math. Sau khi nói chuyện với nhau một hồi lâu, tôi hỏi Ngài tại sao Ngài là một tu sĩ Phật giáo, Ngài cũng rất quan tâm và chủ trương thể thức ahimsa, không dùng bạo lực, nhưng sao Ngài lại còn ăn thịt thú vật, làm sao Ngài giải thích mối tương quan giữa hai sự việc này. Và câu hỏi thứ hai tôi hỏi Ngài có nhược điểm nào không. Ngài trả lời là có hai khuyết điểm: cái tính ham mê đồng hồ và thích bắt chước. Trên đường bước ra ngoài từ giả, Ngài nắm cánh tay tôi và nhờ anh thợ chụp hình chụp một tấm ảnh cả hai chúng tôi, tấm ảnh ấy vẫn nằm trên bàn viết của tôi, và là một bảo vật quý giá nhất trong đời tôi.
NDTV: Kính Ngài, Ngài vẫn còn nghĩ chỉ hai thứ đó, ăn mặn và ham mê đồng hồ đeo tay, là nhược điểm duy nhất của Ngài? Nếu như thế thì cũng không đến nỗi nào, không mang thiệt hại cho lắm.
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Mắt tôi rất ưa thích đồng hồ, một trong những khuyết điểm lớn của tôi. Tôi có rất nhiều đồng hồ, đi đến đâu người ta cũng tặng tôi đồng hồ, nhưng cái đồng hồ này được xử dụng nhiều nhất (khoe đồng hồ đang đeo). Cái đồng hồ đầu tiên tôi nhận được là do Tổng thống Roosevelt gởi tặng năm 1942, lúc đó tôi mới có 7 tuổi. Quà tặng gởi từ Mỹ quốc gồm có cái đồng hồ, một miếng vải lót màu bạc, và một bức thư. Bẩy tuổi, tôi đâu có thèm ngó ngàng gì đến bức thư, mắt tôi sáng rở vì cái đồng hồ mà thôi, miếng vải lót tôi cũng quăng xuống hồ nhỏ, nó chìm lỉm và tôi không còn nhớ tới nó. Ngay khi nghe có phái đoàn đến viếng, ông Tolstoy và Dolan, tôi được tin họ đã tới nơi, nhưng tin cái đồng hồ hấp dẫn hơn, tôi chắng màng gì đến họ, trước khi chính thức có cuộc họp tôi bảo đưa tôi xem cái đồng hồ… quá trời cái thằng bé đó, tham lam quá đi thôi… cái thơ đính kèm tôi bỏ mất tiêu cho đến vừa rồi chính TT Obama biếu tặng tôi bản sao của lá thư đó tôi mới được đọc, từ 1942 đến 2010, gần 70 năm.
NDTV: Tổng thống Obama có tặng Ngài đồng hồ không?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Thưa không có. Cái đồng hồ này đến từ một gói quà của bên Mỹ nhưng không phải của Obama. Còn về vấn đề ăn mặn, đôi lúc có những mâu thuẫn, nhưng thật sự trong Luật tạng (của Tam tạng kinh điển) không cấm dùng thịt súc vật. Nên phần đông quý chư tăng bên Phật giáo Tiểu thừa tại Thái lan, Miến điện, Sri Lanka đều dùng vừa rau cỏ vừa thịt cá. Một vị tăng ở Sri Lanka có nói với tôi là thực phẩm của chư tăng do đàn na tín thí cúng dường khi chư tăng đi hành khất, nên chúng sanh cúng thực phẩm gì, chư tăng dùng thứ đó, không đòi hỏi chay mặn. Nhưng trong luật tạng có dạy nếu chúng sanh bị giết chết để lấy thịt cúng dường trai tăng thì không nên ăn. Trên căn bản, thực phẩm chỉ là phương tiện nuôi sống con người không nhất thiết là vấn đề quan trọng. Kinh Lăng già (Lankavatara-sutra) thì tuyệt đối cấm tất cả mọi loài thịt thà cá mú, nhưng có những kinh khác lại không cấm cản gì cả. Vùng miền núi phía đông Tây tạng, đất đai khô cằn không trồng trọt gì được, và lạnh lẽo tuyết giá, rất khó khăn, nên chư tăng phải ăn thịt. Đối với tôi, lúc 13, 14 tuổi vào những dịp lễ lạy của Tây tạng, quá nhiều thịt thà được trưng dụng, tôi bắt đầu chuyển và khuyến khích bớt dùng thịt súc vật từ đó. Khi trốn khỏi Tây tạng đến Ấn độ vào năm 1959, tôi ăn chay nhiều hơn. Và bắt đầu năm 1965, tôi tập ăn chay trường.
NDTV: Tại sao vậy ạ?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Hay hơn, tốt hơn. Khoảng 20 tháng trời tôi ăn chay, tôi theo lời khuyên của những người bạn Ấn độ nên thay thế thịt bằng cách uống sữa, và dùng kem tươi… nhưng đến năm 1967, tôi bị chứng đau gan và túi mật. Da trên người tôi đổi thành màu vàng nghệ (cười) - giống Phật (màu áo cà sa) - cả người màu vàng, móng tay cũng vàng, mắt cũng vàng, cũng cả 3 tuần lễ. Bác sĩ y học đông phương khuyên phải trở lại ăn thịt cá, thế là tôi phải nghe lời bác sĩ để khỏi bịnh thôi (cười)… Nhưng phần đông toàn thể các tu viện tại đây, cả tu viện Namying này đều chỉ có đồ chay. Phía miền Nam Ấn độ, ba bốn trăm tăng mỗi tu viện, chỉ có thể dùng rau cỏ mà thôi, không có thịt. Khi đi hoằng pháp ở nước ngoài, phần nhiều tôi đều ăn chay.
NDTV: Ngài có hối hận việc gì không ạ?
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Những điều nhỏ nhặt thì ngày nào lại chẳng có… Như hiện giờ nè, nóng quá, nếu bộ quần áo tôi vải mỏng hơn một tí đở khổ biết mấy… Nhưng lần khác tại Delhi, tôi tưởng trời Delhi nóng nên chỉ đem áo mỏng, lúc hội họp trong phòng có máy điều hòa không khí quá mạnh, lạnh run, cùng một câu hỏi “có hối hận gì không”, nhưng câu trả lời hoàn toàn trái ngược hôm nay.
Còn về hối hận lớn à – hình như khoảng thời gian tôi còn đi học, cả chục năm trời tôi rất là lười biếng, tôi thường nói với mọi người hồi đó tôi chỉ ngồi xuống học khi bị dọa đòn mà thôi… Ông thầy chịu trách nhiệm dạy tôi rất là khó và nghiêm nghị, không bao giờ cười, và có cái roi dài. Có thời gian anh tôi cùng học chung, thế là hai cái roi, một cái roi thường cho người thường, một cái roi màu vàng – roi thiêng (holy whip) – cho người tu… nhưng roi thiêng vẫn đem cái đau thấu trời của chúng sanh (cười lớn)… tôi rất sợ cái roi. Đó là một trong những hối tiếc lớn, hồi nhỏ không chịu siêng năng học hành… cho nên bây giờ 75 tuổi rồi, nhưng lúc nào rảnh rỗi có thì giờ thì tôi lại mang sách thánh ra học, học kinh, học chữ Tây tạng, những quyển kinh do chính tổ Long Thọ (skt: Nagarjuna) hay đệ tử của ngài soạn thảo. Còn về vấn đề chính trị, và nhiều vấn đề khác nữa, từ khi tôi nhận lãnh trách nhiệm ở tuổi 16 đến giờ, rất nhiều quyết định quan trọng, nhưng không một hối hận nào.
NDTV: Như thế cũng rất là hi hữu rồi. Cuộc sống của Ngài thật là hi hữu.
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Tôi nghĩ có thể vì tôi là một người thích thảo luận, thích đặt nhiều câu hỏi, và biết tôn trọng quan điểm ý kiến của người khác, kể cả những bạn quét đường của tôi. Thí dụ như trong 50 vấn đề khó khăn phải cần giải quyết. Trước nhất tôi tham khảo ý kiến của những nhà chức trách có thẩm quyền, rồi tôi cũng thảo luận dò xét ý kiến của bạn bè thân thuộc, cả anh quét đường xem họ nghĩ sao. Bất cứ đối với một quyết định quan trọng nào, trước nhất tôi cũng quan sát kỹ lưỡng bằng cái trí khôn của mình, nhìn tất cả mọi khía cạnh một cách bao quát, kế đến tôi đi thăm hỏi ý kiến người khác, từ nhà tiên tri, đến các cố vấn. Nếu chưa giải quyết được vấn đề, đôi khi tôi dùng tới biện pháp thiền tập để tìm hiểu, dĩ nhiên vì tôi là một tăng sĩ Phật giáo. Ngài Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 cũng thường làm thế. Cứ như thế suốt quá trình từ năm 16 tuổi đến giờ, rất nhiều những quyết định tối quan trọng - nhiều khi tôi phải dùng đến cái tôi gọi là việc nghiên cứu huyền bí (spiritual investigation method) - đều được thông qua và giải quyết một cách đẹp đẽ - chưa có một sai lầm nào. Tôi cảm thấy hãnh diện.
NDTV: Chúng con kính tri ân Ngài, nguyện chúc an lành và sức khỏe.
Read more at: http://www.ndtv.com/article/india/in-conversation-with-the-dalai-lama-35955?cp
Giáng Kiết Tường (The Buddhist Translation Group)
vl19
In conversation with The Dalai Lama
Barkha Dutt, Updated: July 06, 2010 20:07 IST
SOURCE: http://www.ndtv.com/article/india/in-conversation-with-the-dalai-lama-35955
Dharamsala: He was recognised as the fourteenth Dalai Lama when he was just two-years-old, and today he is 75. As millions of his followers across the globe commemorate his special day, the Dalai Lama says his successor need not be a reincarnation, but someone appointed by him during his life time.
Speaking to NDTV exclusively at his monastry in Dharamsala, the Tibetan leader said that a Dalai Lama chosen by China would have no moral legitimacy.
Here's the full transcript of the interview:
NDTV: He is easily one of the world's most respected and more importantly, the most loved political and spiritual leaders. He was only 2 years old when he was recognized as the future Dalai Lama, in fact, the 14th Dalai Lama, only 6-years-old when he began his monastry education.
And today, as he turns 75, we are extremely privileged to be with him in Dharamsala at his monastry, a home away from home not just for his holiness but also for the Tibetan people in exile for decades now. We look back and ahead at his life and times. We also have with us today in our special audience not just his followers but also people who visit and come to Dharamsala, which has got an international name because of his holiness, and of course tourists and foreigners and followers come from all across the globe and like
I said it's clearly a privilege to be with you your holiness. You know, most of us mere mortals when we approach our birthday,sometimes we are happy, sometimes there is a sense of fear that life is slipping by, that we are getting old, but you seem to be perennially young. How do you manage to stay so young hearted?
The Dalai Lama: I think sufficient sleep and…
NDTV: I never get enough of that, I think that's the problem.
The Dalai Lama: As a Buddhist monk there is no dinner but a very heavy breakfast and lunch so sufficient food. I think physically these things are important, but another factor, nowadays according to latest scientific findings is that a healthy mind is very important for a healthy body. So I think in my own case, comparatively I think my mental state is quite peaceful. Whenever I am hurt or face some problem, I look at it from a wider way, a holistic way and that also helps to reduce anxiety so perhaps my mental state is quite peaceful, quite calm so that also one factor.
NDTV: Many people describe you as a twinkly-eyed, you know there is a twinkle in your eyes, you are always laughing, you make us laugh, you make everybody who meets you happier, calmer, do you always internally feel as positive as you appear or do you feel the need to appear more positive than you feel because of the millions who follow you everywhere?
The Dalai Lama: No mostly as I already mentioned, my mental state is quite calm and then also I consider every soul as human being, basically we are all the same, nothing different, physically we are the same. Of course there is a little difference in colour, or size of the nose, otherwise you see we are completely same. If you ask scientists what are the differences in the brain or in the neuron... nothing. We are therefore emotionally same, mentally also same. So I never look at human beings as the President or King or Prime Minister or beggar... in my eyes all are the same. So whenever I meet these people I say, "look at them, they are just other human beings... our brothers and sisters. So this also creates more peace in my mind. But I may not be that level of mind not always, occasionally I burst.
NDTV: You get angry?
The Dalai Lama: Oh yes yes.
NDTV: You get angry?
The Dalai Lama: Oh yes, if you ask some silly question repeateĐức Đạt Lai Lạt May, then I may lose my temper.
NDTV: Now I am scared.
The Dalai Lama: Actually once it happened in America, I think most probably in New Jersey...one New York Times columnist, one lady, she asked me, first some other questions, then she asked me, what I want my name or legacy to be in future. And I told her, I am a Buddhist practitioner and I do not think of my name like that. Then we had some other discussion, then again she asked me the same question, and I answered in the same way, then again after some time she asked me the same question... then I lost my temper,
NDTV: This is a lesson for me to ask only once.
The Dalai Lama: Good, good.
NDTV: But when you get angry, do you express it? You know in modern urban life, a lot of us get angry very quickly, we lead highly stressful lives, we have short tempers, when you get angry how do you control it? Because you are a Buddhist, a spiritual leader?
The Dalai Lama: You see when I get angry or irritated due to very small mistakes of some other people, then I just express and then finish, but sometime when it is a more serious form of anger, I try to separate myself from anger, then watch my anger, that emotion... then immediately the strength of anger diminishes, according to my own experience. And then, I also share with my friends, just as these, in order to bring more calmness to my mind.
You cannot have some sort of special practice for each case, but you must build your basic mental attitude in a healthy way, like in the case of a healthy body if the immune system is strong then some virus or germs can't disturb you much, so similarly, your mental attitude has to be calm, then if some disturbance come, even if some negative emotions come, they remain for very short period, all the emotions remain on the surface, and do not disturb much in depth.
NDTV: Now tell me something, you spoke about the brain, the human brain, but you are the kind of person who married a scientific temperament of inquisitiveness with spirituality, which is very rare, and I read somewhere that on your table, you have the model of the human brain that you keep assembling and trying to understand... it's very rare for a spiritual leader to believe so much in science, where did that come to you from?
The Dalai Lama: I believe, firstly, that if you are a genuine religious practitioner, especially a Buddhist, you have to be realistic. So in order to develop a realistic approach, a realistic awareness, you must know the reality. So in that respect, the scientific way of thinking, their method of investigating the reality is very important, very useful. I think basically some of my friends may already know, that Buddhism in general, particularly the Nalanda tradition, their way of thinking is very scientific.
So Buddha himself has made it very clear in one of his quotations that all his followers should not accept his teachings out of faith but out of thorough investigation and experiment. So this is the scientific way of thinking, like for example, Nagarjuna, also one of the great spiritual leaders of Nalanda. Sometimes I refer to these as great masters, from the Buddhist eye they are masters, but from general eye they are Nalanda professors, very brilliant. They have in writing that do not believe in the Buddhist word rather their investigation and logic, so I think that's the basic way of thinking, it's the Nalanda tradition.
NDTV: That is practical and scientific.
The Dalai Lama: Yes and investigation, so I am training through that way, and then personally, since my childhood I always had this curiosity...wanting to know what's this and what's that. And particularly when I was very young, you know the British Mission in Lhasa... this new person came, he always brought me some toys, so when I received any information and gave it to the British officers in Lhasa, I was always very excited, what kind of new toy would come?
NDTV: What was your favourite toy?
The Dalai Lama: Trains, you know railway, like that (gestures) and cars, and anyway when I got them, for few moments I would play and I would try to know the system that caused the movement and then I would always open it up. Actually, many times it would be damaged in the process. And then after coming to India finally, I got the opportunity of meeting people from different religious traditions that was immensely helpful, then meeting people from different professions and then eventually scientists. As I was interested, I became more acquainted with them, had more discussions with them and found them very, very useful, very helpful.
NDTV: But you know, one of the most compelling facts about you your holiness is that you still retain a child- like, if I may use that phrase, a child-like innocence, a child like humor, yet you were only two years old when you were recognised as the next Dalai Lama. Do you sometimes speaking as a human being and not a holy man today, do you look back and feel that your childhood was lost?
The Dalai Lama: No... I think in a way yes, to some extent, as early an age as 2 years when they recognised me, I think for 2 years or 3 years after they recognised me as the Dalai Lama of the nation, I was still with my parents, my younger brother, elder brother, sister etc and then I think when I was about 5 years, I reached Lhasa and was then separated from my mother.
NDTV: For a child that must have been very difficult?
The Dalai Lama: During my sort of station or living in Potala, at some distance was a building where the people could stay but my mother preferred to stay somewhere else but during summer time, the outer wall was yellow, the inside wall was white and within that building, my mother and family lived there. I think in summer time, every other day they used to come, occasionally I also went to their home, then after 2 years, my tutor put some restrictions that I cannot go to meet her, I felt a little angry but I obeyed his instructions, but sometimes as a child my lessons were not very successful because my mood would be bad, then as soon as the lessons finished I would run to my mother's place and spend some time there, and in the beginning I would be determined that I would never return for the lesson but then when the time for the afternoon lesson would come, I would quietly crawl back.
NDTV: So that actually sounds like any other child who was traumatised by exams, but you use this interesting.....
The Dalai Lama: So therefore, in one way I was isolated from my mother, from my parents, but in the other, they used to always come. Then what happened was that there were sweepers, officials and some sort of a servant for me. Of course in ceremony, in official ceremonies they would show great respect but when I played with them they showed no respect, they would often defeat me, sometimes I would cry, I did not want to be defeated but they treated me in a normal way, including those people who later become my best friends...they are uneducated but very honest, very trustworthy people.
NDTV: You use this word 'realist' talking about scientific temperament, this phrase talking about realistic approach has defined your politics, you have 2 avatars, you are a spiritual leader and you are also the political leader of Tibet, your realistic approach where you have spoken about autonomy for Tibet rather than independence is the midĐức Đạt Lai Lạt Mae way, is the moderate approach, yet it seems like it hasn't moved Beijing, it hasn't moved China, do you regret at 75 your moderate political approach?
The Dalai Lama: No, no, of course among Tibetans and among our supporters, our friends, there are some signs of increasing criticism about our approach but if you look at the whole picture, although there was some positive result from the Chinese government, the whole thing inside Tibet completely failed. From the government side there was no result, but the Chinese people, not the entire 1.3 billion people, but some intellectuals, some professors and writers, and some artists, I think before the Tiananmen massacre happened, very few... after that more and more Chinese are showing their concern and showing their solidarity with us.
Then in recent years, particularly in 2008, crisis in Tibet remained stationary by Tibetans. Now a number of Chinese intellectuals are showing us their support, and I can give an examples for that... see in the last 2 years there have been over 1000 articles written in Chinese language by Chinese writers, more than 100 of them living in China and all these articles fully support our way of approach, and are very critical of their government policy
NDTV: I agree but do you...
The Dalai Lama: Within the Chinese government there are many officials who personally professionally express their support for our approach, this is what I feel is the positive result, but there is a problem which has to be solved with the Chinese, and we cannot stop it by ourselves. When it's a civil war, then you solve the problem, sometimes I jokingly tell that these people are new guests without proper invitation, such guests have come with a gun, once they build a trench, they will control everything, the Tibetan way of live, how to be a good Buddhist. Sometimes you will see Chinese media writing about Dalai Lama not teaching true Buddhism, so it seems they know better, so therefore that's the problem... Tibetan problem created from outside and so we have to find a solution with them, so Chinese people showing their support is very essential. Also the outside world, including the United States, Indian government, European Parliament... all these influential bodies very easily show support.
NDTV: You still have faith in the US since I remember when I met you last time, you had come back from your first trip from Washington and President Obama had not met you, subsequently he did but many people think he acted under Chinese pressure but you still have faith in Washington?
The Dalai Lama: Of course, the President himself when I met, but before of course our physical meeting, I knew him through correspondence and through telephone. He is a very good person, finally America is a democratic country, both the houses are important, that also is the public thinking. Usually in a democratic country, it's the public thinking that reflects in the Parliament, in the Houses, that in turn reflects on the administration, so in America, at the public level, both the houses are very supportive. Then in this country India, the Indian government can easily support our stand.
NDTV: But the Indian government did not let you make a speech when you went to Tamang in Arunachal Pradesh, they said that you were to visit as a spiritual leader. Do you sometimes think that India is also giving in to pressure from the Chinese because India is trying to form a parallel strategic relationship with China, does that disturb you?
The Dalai Lama: Previously, I used to respond when people asked what is the government of India's response to the issue, and I have always said that those fields in which the Indian government could help, it has helped maximum, in educational field, in rehabilitation etc... in the political field, government of India's attitude or policy towards China in general, especially Tibet I would describe as over cautious, it's not understandable, but in recent years, the government of India's stand on this issue is more firm, now among Indian pandits and other people are now showing their concern over Tibet.
NDTV: Well you remain optimistic about Tibet, we are going to take a quick break and then we will open the floor to the many followers and questioners, so we will be back with this special programme on his holiness's 75th birthday in just a few minutes.
~ ~ ~ o0o ~ ~ ~
NDTV: We are in conversation with his holiness "The Dalai Lama" on the occasion of his 75th birthday in Dharamsala at his monastry so it's a very special occasion for us as well and for all the people who have known and followed and worshipped and befriended the Dalai Lama, one of the few Holy man with whom you can crack a few jokes. We are going to hear from all of them today and we are carrying from Delhi the special message for you your holiness from one of India's best known photographers, Raghu Rai, who has spent a long time photographing you and following you around and he loves you a lot and this is the message Raghu Rai has sent for you...
Raghu Rai's message: Your Holiness, many happy returns of the day on your 75th birthday and you may look as handsome and as strong like the Himalayas, like you have always looked . Your Holiness you know that we all love you and I personally love you very deeply because each time you have given me a high. My mind, body and soul gets enriched and rejuvenated with the energy that you exuberate. You are a highly spiritual and evolved person and so my question to you is" Please connect with the supreme energy for ourselves and find out when are we going to go back to Tibet so I can travel back with you in your own land and photograph you all over again. My best wishes again and lots of love.
NDTV: And I guess Raghu asked the question that so many wants to know. Do you believe in your heart of hearts and I ask you this because you are a realist, "do you believe that you will ever go back to Tibet in this lifetime?"
The Dalai Lama: Oh yes.
NDTV: You still believe that?
The Dalai Lama: Yes, Firstly the Tibetan spirit is inside Tibet and despite so much of change or new development and also brainwashing or torture on various matters, Tibet's spirit never changes because it is forever very strong. Then on top of that many Chinese, according to some information there are over 200 millions of Buddhists in China including many party members and officials who are outwarĐức Đạt Lai Lạt May "communist, atheist but inside they are Buddhists". Then the last four eras, if we look closely, much change, so one party system, same system and same party but do they have ability to act according to the reality... so up to now their policy is unrealistic. Sooner or later they have to realise that their policy is unrealistic and will always be counter-productive.
NDTV: Do you ever feel because while you are a holy leader, spiritual leader but you are also human at heart. Do you sometimes feel that in this issue of going back to Tibet for you or for your people, time is not on your side anymore? Time is running out.
The Dalai Lama: Oh yes, 51 years have passed but as I mentioned earlier, you see, last 60 years or more than 60 years, things are changing , still changing quite rapiĐức Đạt Lai Lạt May in China so the present situation cannot remain forever. We have to believe that things will change but then if you ask, how soon, that is the question and nobody knows the answer.
NDTV: In your lifetime?
The Dalai Lama: Oh, in the next 5 years, 10 years or I think 15 years, things will change definitely.
NDTV: You joked once that to retire was also your human right?
The Dalai Lama: Yes, since 2001, since we all achieved elected political leadership of our establishment here, my position is same as a retired position, so now I am looking forward to complete retirement.
NDTV: Do you think the Tibet movement will remain the same if you do retire because there are many people and young people in Tibet who feels your message of non-violence has actually not worked because it has not managed to move a cold un-feeling government in Beijing. So do you see those young people today, some of them who talk about having a more aggressive approach. Do you worry about what will happen to this movement after you?
The Dalai Lama: No, up to now inside Tibet and a well as outside Tibet I can imagine almost 95% or even I may say 99% of people are totally dedicated to non violent paths. A few individuals, yes it's possible and also here is possible. Now the difference is that some new organizations want complete freedom, complete independence so here is the where the difference is . Now somewhere a debate going on in our community. Actually from our side, from time to time, we ask people since we are totally dedicated to the democratic principle and also the Tibet issue is the issue of Tibetan people. So finally it's up to the Tibetan people. So time to time we ask people.
NDTV: So you are saying is that if Tibetan people wanted complete independence or more aggressive approach you would have not discouraged them ?
The Dalai Lama: As I just mentioned, almost 99% are totally dedicated to non-violent methods. Few of the individuals may not be. But then the difference is about independence and that number is growing and we also sometimes find it difficult to explain because there is failure inside Tibet. Still from time to time we ask just that...I think 2008 in November we had this big meeting here and we asked the people and there were strong voices about independence and criticism of our approach but finally we joined them and our support exists for the stand. So both will continue like this.
NDTV: So if the majority opinion within the community changes, you will be willing to change your position?
The Dalai Lama: Have to.
NDTV: So if the majority says we want says we want more autonomy?
The Dalai Lama: I am not a dictator. Logically we are criticising these dictator policies and a person who criticises them, how can he practice being a dictator?
NDTV: Why do you want to retire then? What would this movement be without you?
The Dalai Lama: Age... it should be like a democracy and people should carry on the responsibility not just one individual. So now I am 75 and now I am looking forward to and think it time for retirement
NDTV: Are you serious or are you joking?
The Dalai Lama: I am serious, you know I have three commitments:
Number 1 commitment is the promotion of few values, irrespective of a believer or non believer. So that's why I have always received invitation from different parts of the world. Not that they invited me as Dalai Lama but Dalai Lama's thinking is something they feel is quite realistic or suitable so that is my number one commitment.
2, promotion of religious harmony. Both of the these two things I usually describe as ancient Indian thought. So I myself describe me as the messenger of ancient Indian thought. So wherever I go I promote these two things. These two things till my death I am committed.
3, third is the Tibetan issue, so when I retire completely, I will have more time energy and will spent on these two things
NDTV: Have you set a time frame mentally for this retirement?
The Dalai Lama: No , what's really difficult is that people put too much emotion and too much expectation.
NDTV: People won't let you retire?
The Dalai Lama: Well that maybe difficult, but then also finally I am also a human being and I also have the right to serve my life.
NDTV: Well retirement is your right of life but I don't think it's happening. There are so many people and let's start taking some questions. We have Catherine Levine..
Catherine: I am from Canada and I have studied philosophy of the mind so I am very interested to hear you speak and very honoured to be near today and Happy Birthday . You indicated that you do have hope for Tibet's future? What are the main sources of hope for you?
The Dalai Lama: Truth, Honesty, Transparency. Our voice here is very small and very weak but people trust. Other side, very few trust. So the truth , honesty and transparency is the source of our hope and source of our strength. I heard some BBC program talking about power of God, power of money, power of truth. These are important now. People usually just thought they have the power of gun. In last days, superpower and power of gun unfortunately find very many difficulties and then power of economy. I think one powerful power of economy is corruption or lie, cheating or not being transparent. So these and then power of truth brings trust and with that self-confidence. Then transparency, which brings trust and trust brings friendship.
NDTV: You have never in all these years lost hope? Not one moment of self-doubt, not one moment of thinking that its been decades and decades and I am not able to change anything, not one moment of losing hope?
The Dalai Lama: No, of course some disappointments, occasionally come but basically as I mentioned truth and I am honest. So when we met, my officials and also some Tibetans met with some set of officials here and there. Since we are totally honest, truthful and transparent, so we always feel very easy to talk with them and on their side there is always uneasiness.
NDTV: That's a very interesting way of putting it but I think many of us marvel at where do you keep getting this optimism from? We have another question from Geremy Russell...
Geremy: I heard you say that you expect to outlook the Chinese Communist Party, I wonder if you still feel that way and whether you feel the change in the Chinese Communist would be gradual or sudden?
The Dalai Lama: Few occasions these days half joke - half serious communist party inspire lot of discussions. Particularly in the early period when real revolutionary period was moving on or taking place they were totally dedicated people. When I was in China in 54-55 of course I met several times with General Mao, all those top leaders and also I met a number of top leaders in different provinces. All of these people were totally dedicated to the well-being of the people. So my impression is good about this Marxist party. So I offered that "I want to join Communist Party" but then they said no. So I think even they know that their Communist Party will be spoilt so better to not join the party. At that time it was really a wonderful party, really a working class party and really a people's party. So I think not only are there intelligent people but also ordinary people.
So logically now the time has come to retire with grace, however I have some sort of reservation to say that in China immediately Democracy must start. That I have some reservation about. China, who has 1.3 billion people has never experienced Democracy and large number of people are uneducated. So some kind of centralized authority should be there. So therefore under Communist leadership, there should be a gradual change.
I think one thing we immediately need is transparency and free information. 1.3billion people have every right to know the reality. It's immoral and they must have free information, then 1.3 billion Chinese people also have the capacity to know what is right what is wrong. So this propaganda and distorted information is totally unpredicted. Maybe during war or during civil war some censorship, that's it. In a free country, during war and some emergency period, they practice that but in a peaceful period this is totally unacceptable. Then the independent judiciary is very very crucial.
Look India, I offer to tell my Chinese friend that they should look at India - north Indian, south Indian, west Indian and east Indian" - different languages, even different script, cultural differences but no separation. They have their own language and their own script, separate identity but everybody remains in this union.
Kashmir has some problems and that's with mainly Pakistan. So Chinese should learn these things. So India has advantage of free information and transparency and independent judiciary. I think China should start transparent and free information and eventually create an independent judiciary. This is very necessary but party power gradually changes.
NDTV: Do you still think of yourself as a Marxist ?
The Dalai Lama: Yes . As far as social economic theory is concerned I am a Marxist.
The Dalai Lama: Maybe that will give you some ambition to the Communist Party of China. Now unfortunately Chinese Communist Party is no longer a Communist party. One my Nobel laureate friend, a very respected friend whom I admire. So he supports the people of China, a socialist country many years ago. About two years ago I met him and asked him, "are people from China really socialist ?" He said, " no, no longer socialist but capitalists and authoritarians."
NDTV: Which is a potent combination to deal with. And now to hear from his holiness's one of oldest friends Professor Sharma, who has also been the former principal of Dharamsala college. Sir since you know his Holiness so well to tell us something that none of us know?
Sharma: That's a very difficult question to answer.
NDTV: Because we all don't know him as well as you do?
Sharma: I had moments of great importance with his holiness. My most memorable moment was when a friend rang me up to say that there was very bad news and what was the bad news was that his Holiness was leaving Dharamsala. That was way back in 1989. Something had happened and I will not go into the details. That was at 9:30 in the evening and so in the morning got going and in the afternoon I arrived here at his Holiness's office but his holiness was very busy as hundreds of foreign journalists were there and I was told that no audience could be granted. I sent a message back saying that I will not leave this place, sit on dharna until midnight unless his Holiness allows me to meet him. He was kind enough that his then secretary sent the word to me that his Holiness will meet me at quarter to six in the evening after he was free from the journalists. I went to meet his Holiness and as usual he was standing at the threshold. I will not reveal to the public what he said to me when both of us waited for a second at the threshold before entering the room. Only at that moment I wished like Sita for the ground under me to open so I could go inside it and disappear. I was so shocked and then I said no your Holiness let us sit. Then we talked and talked but I don't know what I talked and a stage came when I started crying like a baby and his Holiness got up and I got up and his Holiness embraced me like anything... that is one of the most memorable events of my life. I have the privilege of having his grace and blessing for the last 40 years.
NDTV: I hope you are never leaving Dharamsala and if you ever do it will only be to go to Tibet.
The Dalai Lama: The local people at that time and when the trouble happened I was in America and someone asked me so I expressed that if the local people don't want us to be here then we have to leave. Then when I reach here some of my old friends, especially this person very emotionally asked me that till the time I leave for Tibet, please remain here. Of course as a human community some problems occasionally occur but basically all local people have genuine friendship not a friendship due to money matters but friendship built on trust.
NDTV: So you are not leaving Dharamsala.
The Dalai Lama: No.
NDTV: We will not allow you to leave. Another veteran from Dharamsala, Ajay Singh
Ajay: In today's world you are one of the most radiant personalities for the people in Tibet and in the world and for all the millions of people who follow Buddhism and for all of them you are the epitome of hope and belief and where ever you go, you spread so much joy and peace so would you now appoint a successor?
The Dalai Lama: Now as far as the successor and regarding the Dalai Lama institution is concerned, as early as 69, I made an official statement. So in certain time it may happen and in certain time it may go, it is not important. But Tibetan spirituality and Tibetan national struggle of course will be carried on by Tibetan people. Now for that reason as I have already mentioned we already have an elected political leadership. Every 5 years election should take place so whether the Dalai Lama is there or not this sort of organization and leadership will continue.
In the spiritual field, among Tibetans, different Buddhist traditions - now younger generation say between twenty to thirty years old now - very healthy young spiritual leaders are coming, so after me, they will carry on the responsibility regarding spirituality, regarding the struggle. But meantime, you see, some suggestions among Tibetans, maybe worthwhile to take into serious consideration - to choose one sort of successor...from time to time, all top leaders of spirituality, we gathered, and then we discussed about spirituality, within India and also in the outside world, some spiritual matter we usually discuss, and then last few years we also discuss about my successor, about how to keep this institution, so the topic is already being discussed but no concrete decision yet.
NDTV: You said once, that you believe that even the institution of the Dalai Lama could fade away, do you really believe that?
The Dalai Lama: Yes! like the Buddha himself...there's no Buddha institution, but the teachings still remain, not the organization. Of course I cannot compare, but my thoughts, my books will remain after me, for a few 100 years, but that's nothing to do with the institution.
NDTV: So it doesn't matter if there's no Dalai Lama after you?
The Dalai Lama: Some people got the impression that the institution is very important for Tibetan Buddhism, it's not. Of course as far as the freedom struggle is concerned, the institution is useful, that also, afterwards, it won't matter...
NDTV: When I met you last time, you said, I'm not a Godman.
The Dalai Lama: Yes. I am a human being. No question. On my first visit to Israel, some correspondent or media persons from Israel came here, so I used the wrong word. Instead of saying I'm a normal human being, I mentioned I'm a perfect human being or something like that, but I meant that I'm normal, just a human being. So I used the wrong word. When I reached Tel Aviv, some newspaper mentioned it with a little negative attitude, Dalai Lama considers himself as a perfect human being, so they consider that perfect is impossible. So that was another point. When they asked about Hitler, the holocaust, of course I'm a Buddhist. Even Hitler, basically, particularly when young, must be a normal human being, more compassionate.
NDTV: You're saying you can show compassion for Hitler?
The Dalai Lama: Of course! If I keep hatred, no use. Hitler has already gone.
NDTV: But there are modern day Hitlers, there are modern day terrorists...there are modern day people who perpetrate hate, can you really always turn the other cheek? That's what Mahatama Gandhi used to say, that's what Jesus used to say, turn the other cheek...but some would say that's weak, to turn the other cheek.
The Dalai Lama: I think when Indian Independence was happening, Mahatama Gandhi and some other leaders, were totally dedicated to non-violence, ahimsa and some western powers considered it a weak sign, India's weakness, but nowadays, that kind of concept has changed. Actually, using violence, using weapons is a sign of weakness, fear. Non violence is a sign of strength, self-confidence and truth. Violence happens if you have no truth, no reason to argue... that's when they pick up weapons. Even in a husband-wife relationship when some kind of differences happen, if either side have selfish reasons, then the only thing is to shut up or do some physical violence, these are signs of weakness.
NDTV: How does the world deal with an Osama Bin Laden, Taliban...how do we deal with people who kill? Can we really turn the other cheek?
The Dalai Lama: Oh yes of course. Then, as one Buddhist master stated, basically we have to think of the maximum benefit, in some cases in order to seek maximum benefit to larger people, it is permissible to use some harsher words, some harsh sort of physical action, that's the Buddhist way of thinking. Method is not that important. Important is your goal and your motivation. When you speak some harsh words, harsh physical action, your motivation should not be hatred, but must do it with compassion, or there will be...if someone is doing wrong, something negative, they will suffer, they have to face consequences...like happens with good teachers and good parents, to stop wrongdoing by their children or students, out of a sense of concern, out of sense of compassion, sometimes they may say some harsh words, but this is essentially non violence...on the other hand, desire to cheat, or exploit and harm them, and using nice words and with some gift, is essentially violence. I think in ancient times, people maybe more balanced because their lives were difficult, so trust is in a community was important. In last 2 centuries, technology developed, then human beings totally paid attention to these fields.
Usually I tell people to pray, to meditate, your goal may be achieved in next life eventually. But prayers cannot solve your present problem immediately, technology can immediately. Money also has immediate benefits. But through prayer there are no immediate gains. So people totally pay attention to money and technology...a lot of moral crisis happening.
Fortunately now, in the latter part of the 20th century, even among rich families, or some leader of big corporations, now there are more and more people now showing the values of spirituality. On a few occasions they invited me to talk, among scientists also. In previous centuries, in past, modern science and spirituality were something totally different... now these things have come closer, and now in the US, some top scientists have really begun a serious interest in our emotions, how to tackle emotion through meditation and so they actually are creating some projects, special research work in these fields. So these are big changes.
And also, I think everybody is now talking that we lack moral ethics. For some people, moral ethics must be based on religious faiths, then it becomes very limited. So with religion it is very good but without religion, the basis of ethics, including our own physical health, truthfulness, honesty, transparency, builds more self confidence. Self confidence reduces fear, brings inner strength and so stress gets reduced, fear is reduced, anxiety is reduced, now some medical scientists have begun to realize these things. So this is a hopeful sign.
NDTV: Next question is from Francisco who is here from Argentina.
Francisco: My family is from Argentina and I've been studying here for 6 months. In Argentina we have a long history of military dictatorships, and you've talked about violence. My question is, given the military occupation of Tibet by the Chinese, given this history of violence throughout South America, given today's terrorism throughout the world, can there be a positive benefit to having a military?
The Dalai Lama: Maybe under certain circumstance for some period and some kind of emergency, if it is relevant. But the problem again with all those military people is the lack of moral principles. For certain time periods they hold the power and responsibility but then they forget about democracy and only remember the power. Like the Burmese military general and I think few years in Pakistan. Look at India since independence - democratic principle remains permanently.
Drawbacks here and there. But I was also telling some spiritual leaders here that I feel proud as the messenger for India wherever I go but within our home, we have problems like caste system or dowry and we must deal with them or address them. Within our home country that I appealed to the spiritual leaders. For example I was in Rishikesh recently and on few occasions in Delhi also. But basically this country is very stable.
NDTV: So military is needed for purpose but they have to let go of power. They can't.
The Dalai Lama: Short period of emergency but never forever... again related to moral principle
NDTV: Okay we have Bhuvnesh Dubey who runs a school.
Bhuvnesh: Your Holiness your first commitment of promotion of human values, Ahimsa is a part of human values. How much relevant the doctrine of ahimsa in today's time of violence and Naxalism? What is the reason for the spread of Naxalism in a democratic countries like India and how do we deal with it?
The Dalai Lama: I think violence on global level like including September 11 event . We have to look at these events in a more holistic way. At that time I mentioned to some media people that this event has its own causes and condition. Some of these countries have oil and exploits and use by those interested in as nations. So therefore these are also ultimately the moral ethics. So at that time I expressed a wish that in order to counter these things we have to think at two levels - one is immediate which is to be taken care of by the politicians and the leaders and the second is we have to think long-term as proper education for the promotion of non-violence "ahimsa".
Now in today's world the reality just one entity, six billion human beings in the continent and just part of one world. Asian future depend on West and vice-versa and Africa. So the whole world is a powerwheel - not like previous centuries.
The concept of we and they because of the reality that a lot of future depends on them so with the concept of we and they, destruction is on your side. But now this is no longer that because your enemy is also a part of you and your future depends on them so destruction of your neighbour and your enemy is destruction of yourself. Thus ahimsa no longer means any problems or conflict. Sometimes I tell people that we create our own problems so if we really want to build a peaceful world then human beings must go.
So particularly human beings with more shine , more experience create more problems, including myself. So the difference is there. Different approach is there but now we have to find a method of solving these problems without touching the gun and by being non-violent. Through dialogue. So look South African independence movement under the leadership of Nelson Mandela. They actually practiced Mahatma Gandhi's principles. So you see in Africa white people and black people generally remain quite peaceful, so that's a realistic approach.
Recently I was in Patna and also I think Orissa and I met with a person from the Parliament and we discussed about this Naxal problem and I mentioned about tribes. He mentioned in the constitution the policy is good and some good points are mentioned to counter these problems but the problem is that the person who implemented these polices does not carry it out seriously and that is the problem. So I heard in some of the Naxalite area or villages no electricity and no water and there attitude towards police was negative and that's when I stressed that the real transformation of India must start from these villages . Not just few good cities like Hyderabad or Bangalore and Calcutta is good. So it should be more equal. I met some leaders in Delhi and I mentioned that please go and investigate and should not rely on just official report. So therefore these places are neglected which causes frustration which transforms into anger and anger into violence.
Jessica: Do you think the Obama administration is too lenient in policies towards China?
The Dalai Lama: I don't think, after Copenhagen the new administration gaining more experience. So this is just the beginning, so you will have to wait and see . I think basically there was full sympathy and full support, which is very good. My meeting with him since he became President was a very frank discussion and very good.
NDTV: No disappointments with Obama?
The Dalai Lama: No no.
NDTV: You don't think he is cozying up to China?
The Dalai Lama: I don't think so. When I met Obama I reminded him of Indian Prime Minister's expression - India in economic field is a little behind China but India also has some fundamental values like democracy, rule of law, free press and transparency. These are not only india's values but also universal values . So I mentioned to Obama that the concept of G-8, G-20 is only for money matters. Unfortunately people and even media pay attention to these values and not the fundamental values. I said my country ... I refer to India as my country because I have spent half of my life here and some Chinese officials get furious. If you open my brain I am 100% Indian. I have all the gurus and we are chelaa..and also I mentioned we are quite reliable chelas.
So I reminded Obama that Indian Prime Minister's expression is very important that the West is investing in China but if you always talk money money money then the other side will get a sense of pride which is based on ignorance. Genuine pride must have a sound basis. Some of these drug dealers make lots of money through wrong means and then feel proud...that is wrong.
Money is important but must be based on moral principles then should feel proud. So unfortunately in China millions of money come from outside - Taiwan, Western Europe and America. I don't think much money from India. So with this money they are exploiting cheap labour in China . Actually exploitation is wrong and there is no independent labour union. So exploitation. So basically the world has become always about money, economy and science and never about inner values. So we are facing some crisis in the West.
I was returning from Japan and I was told by the younger generation that there is too much stress, anxiety and lonliness and due to which suicide rate is increasing. The standard of life compared to India is much higher in Japan but mentally lots of problems.
So within India I have a friend from Sikkim and they mentioned to me last decade or so that lots of development is taking place but in the mean time they also told me that the drug problem and mental stress is going up as well. So these are clear signs that material things and money only provides physical comfort not mental comfort. It comes only through spirituality with religious faith but without spiritual faith moral and secular principal.
NDTV: Your Holiness there is somebody here who has a question on money since we are talking about it.
Woolfgang: Its an honour to speak to you. My question is related to that because I am from Austria who left his job and came to India and left western comforts like so many people do these days . So we feel that that something is missing despite us living comfortably, mabye its called spiritual awakening. So we come to other countries and do volunteering and reads books of you, for example. my question is when we know that life is more than materialistic comforts, shall we try to combine our lifestyle - our materialistic lifestyle with the spiritual puff of life or shall we even reduce or remove the material lifestyle and go in the spiritual levels more?
The Dalai Lama: Combination, combination. Material value. When did I say that follow sprituality and live like a beggar... that is also not good. Of course some people or saints who live in the Himalayas are completely naked. People cannot do that. Majority of people cannot do that. Otherwise the whole world will die of starvation. So material development is very necessary. Material development is not sufficient for 6 million human beings . The Southerners, Africans, many Asians within India still need a lot of further development in the economic field. Now here the Marxist principle also is very important. The moral principal of equal distribution is very important.
Few people become billionaires but many people still remain poorer. Look at America - huge gap... now that famous socialist country also having that gap where few people are billionaires with power and the rest poor particularly in the interiors... gap... huge gap.
We still need a lot of material development but at the same time we blinĐức Đạt Lai Lạt May believe that if you receive the maximum material development all human problems are gone. That's totally wrong , unrealistic and short-sighted. Only thinking about the physical comfort.
All of us have experienced that mentally happy physical discomfort is okay, but mentally unhappy and physical comfort cannot give you happiness. Mental happiness can subdue physical pains. So there is no point in neglecting taking care of our mind . Spirituality does not necessarily mean God, Buddha, but just about mental calmness. So that practice of compassion is very very helpful for a calm mind.
NDTV: I am going to play for you now another message we are carrying from Delhi...it is from the dancer Sonal Man Singh.
Sonal: I offer my prayers and salutation to his holiness Dalai Lama. I think I was a school girl who used to wear a frock and he was a 16 year old and he was visiting India and I showed him his picture and he laughed in his shaky way and hugged me. You know just to be hugged by him and be enveloped. It's like going into the deep waters of Ganga. So your holiness you are anekshatru, you are yudhpurush and you are what you are. I want to wish you many many healthy fruitful laughter filled years where you spread joy and beauty to all and my one question is how do you do it with all the problems you have faced in your life... fantastic. My humblest namaskar.
NDTV: How do you do it?
The Dalai Lama: There is no other choice. If you rely drugs or alcohol, it's going to be self-destruction. So we have a wonderful human mind which has the ability to think with reason or fact. So use that maximum way and then become realistic. Once in the 8th century a Buddhist master expressed : when we are facing problems think of the problem and if you can overcome that problem then no need to worry. If there is no way to overcome that problem then don't worry too much. Very realistic advice.
NDTV: It's actually extraordinary, your optimism.
NDTV: I want to ask you something, I don't think I have ever met a spiritual leader, I am not saying holy man or godman, just a spiritual or political leader who is so loved by so many people, how does it not go to your head because many people become arrogant after all this attention?
The Dalai Lama: Oh I see, self discipline and also there are other verses, I continuously recite every day, the verses mention that if you are being loved by everybody and praised by everybody, then you must think that you are the lowest person, I always practice that, and one of the 8th century Nalanda masters said that some people are praising you but some people are also criticising you, think that also,
NDTV: It balances it out.
The Dalai Lama: Yes very good, it is realistic.
NDTV: Tracy Chrisman from England, if you can identify yourself, ther is a queston from Tracy... yes go ahead...
Tracy: My question was regarding the selection process of future Dalai Lamas, do you think that the traditional process will still continue given that what is happening in China about the Panchin Lama?
NDTV: Given that you appointed the Panchin Lama and the Chinese appointed someone else, what will happen to your succession and what if China appoints somebody as the next Dalai Lama?
The Dalai Lama: Unfortunately those Chinese Communist are harĐức Đạt Lai Lạt Mainers, they are quite expert in creating unnecessary problems, look now there are 2 Panchen Lama, one official Panchen Lama, and the other Panchen Lama of Tibetian heart, so all these things create more complications, more resentment with Chinese government, they still seem to have learnt these things, say if I die within this year, the Chinese would choose one boy as a Lama whose parents are more loyal to Chinese Communists, so that's one official Dalai Lama, but if it means including Tibetans or the Himalayan range people, they also have direct contact with the Dalai Lama institution, then also Mongolian, nowadays you see in other countries, there are people who sort of follow Tibetan and Buddhist religion, so if all these concerned people want to have a Dalai Lama re-incarnation, then they will choose.
NDTV: What is your mind your Holiness about choosing a successor, I know I am taking the same risk as the New York Times reporter but please don't get angry, what is your mind? Would you like to see someone appointed in your life time?
The Dalai Lama: I am not much concerned about these things. As I have expressed Chinese Communists seem to be more concerned about the Dalai Lama institution than me... political reason of course, silly thinking, and that's the matter. And at a practical level, no hurry, I am quite healthy, if I don't commit suicide then otherwise my body is very healthy, another 10 -20 years I can... no problem, maybe 30 years...
NDTV: One of our last questions now, Katherine Schwitz, Catherine are you there? Yes?
Katherine: Just to let you know, your Holiness, first of all Happy Birthday, just, just 10-20 years?... please stay for another 75 years.
NDTV: Not just 10-20 years, stay with us for another 75 years.
The Dalai Lama: Oh that's a little long I think, it might be a little impossible, maybe a 100 years.
NDTV: A century mark.
The Dalai Lama: Recently I met the former President of India, a great scientist...
NDTV: Abdul Kalam.
The Dalai Lama: He mentioned that his father, when he passed away was 103, also I found in Tibetan settlements, I met Tibetans last year, two years back I think, I met these Tibetans who said their ages were 103, 104, like that, so it is possible now, so up to 105, 110 may be possible, some people say, some prediction by some Tibetan masters some 200 years ago, it was a prediction related to me, in that prediction it said that the person's longevity was 113, and in the early 60s I had a dream which indicated that my life span was 113, and 2 years back I received this prediction, both were same, also after confirming with my doctors after surgery, so I tell this story in large gatherings where there are a lot of people, sometimes some people in the audience believe that the Dalai Lama has some kind of a healing power, and as far as that is concerned, 2008 I think in October, I went through surgery, so that scientifically proves that Dalai Lama has no healing power, I think it's quite clear.
NDTV: I think you are the only spiritual leader who is honest enough to say that otherwise many godmen parade that they have healing powers.
The Dalai Lama: So you see, after they checked my body post the surgery, one specialist described as me as a young patient, so I told him that I am not a young patient, I was 73 then, then he said that he knew my age but my body condition was in the 60s, that's why he called me a young patient.
NDTV: Well may it always stay that way, you had to ask a question, go ahead.
Katherine: Your Holiness, there has been some discussion about full ordination of nuns in the Tibetan Buddhist tradition and there are some obstacles to this which you your holiness had described in a conference in Hamburg in 2007 as old fashioned thinking in the society that they wouldn't accept this for nuns, last year your Holiness said that you might be reincarnated as a woman and the Dalai Lama would be a woman,so how does your Holiness think that the Tibetan society would accept a female Dalai Lama when they are having trouble accepting fully ordained nuns?
The Dalai Lama: This question is not that way in meaning, you see the Bhikkhunis, the highest ordination of buddhist nuns, there is some hesitation, not due to public reluctance, the public of course, the Budhha himself gave the same right, to bhikkhus and bhikkhunis, so everybody has the right to achieve that, the question is now technical, the rinaya vow must be followed according to the rinaya rules, so there are some problems at the technical level, so if the next reincarnation is deemed more effective if female through the spiritual traditions and spiritual ways, I have no problem.
NDTV: So your successor could be a woman? Okay Swati, next question, if we can get you the mike please...
Swati: Happy Birthday your Holiness, I am a psychologist by profession from Dharamshala, my question is how do you deal with the conflicts and confusions of the young Tibetan minds, who are growing up in India with worlĐức Đạt Lai Lạt May ambitions and desires?
NDTV: Because some of them have never even been to Tibet, born in India, rooted there..
The Dalai Lama: I think, generally, Tibetan cultural heritage, Tibetan Buddhist teachings, everybody considers it like their dearest mother, so that kind of feeling makes tremendous difference. Some Tibetans including my late physician, and many other companions died through torture, starvation, but most people including him had a mental state that was very calm. At one of our such meetings where we were discussing mental calmness I mentioned these things, so some scientists actually examined these people, and they were surprised, they told me that these people have gone through great risks including risks of life but their mind are very calm, and one particular monk, now his age is 93, he had the opportunity to come over here and join this monastry in the 80s. We happened to be talking one day and he mentioned that during those 18-19 years in the Chinese gulakhs, he faced danger and to which I asked what kind of danger, he said, danger of losing compassion towards the Chinese. So people have that kind of attitude. It's very important to keep compassion towards a perpretrator, so deliberately by keeping it that way, their mental state is calm.
Now Tibetan of the younger generation, who are born in this country with a Tibet like atmosphere, still think much more like Tibetans, those Tibetans who have grown up in Tibet have grown up in a much more intense situations, violent situations etc. Some local Indians sometimes in Kulu Manali, they expressed anger. The previous generation of Tibetans, 1000s were making roads, see those Tibetans were very gentle, very peaceful. Nowadays, the young Tibetans behave differently, they are okay with that, even the people of Dharamshala are okay with it.
NDTV: They are all nodding in agreement.
The Dalai Lama: These are signs of degenerating Tibetan culture heritage inside Tibet, so now here Tibetans who bring up a Tibetan community are comparatively still better, but we still need a lot of work. One, in the early 60s, with immense help from the Indian government and Pandit Nehru himself took the responsibility of providing proper education to the young Tibetans, and all expenses met by Indian government, the Indian government has created a special committee for Tibetan schools to be built separately, all this aiming to preserver Tibetan culture , Tibetan spirituality but of course education according to the normal Indian education, so some people have to question, whether the existing education system, Indian education system is really suitable or not. Some question marks there.
India's own traditional education system there that may be more like the monastry but the present education system was introduced by British colonists, more and more also people are now questioning the modern education system. It's not adequate regarding warm heartedness or moral principles because 1000 years ago when this education systems started, then these moral ethics were taken care of by the Church. Now as time passes, the church influence has reduced, the family values also reduced so the education system alone has to take both education for brain and for warm heartedness, so now you see even in India it is questionable.
In fact during Indira Gandhi ji, I had some lengthy discussions then I mentioned the Himalayan range, this area, the education system should have more of research work so then Indira Gandhi ji appointed three professors from some university in Delhi, then soon after she was assassinated, so we need some research work, hope to introduce in Tibetan and Indian school also, education about moral ethics, without touching religion. Then India is a multi-religious country. So one religion is difficult. A common sort of practice, love, compassion, forgiveness, these are common to every religion. And for non believers also.
Now through scientific findings and also common sense, warm heartedness is the key factor for a happy family, happy community. After all we are social animal. So there must be some force emotionally to bring us together. Hating each other, how can develop general cooperation. So social animal must cooperate. So general principle is based on trust, friendship. Friendship is based on trust. So trust is very much related to warmheartedness. If you have extreme self centered attitude there is possibility to develop thinking how to exploit it, how to bully this, how to cheat this. If you have warm heartedness, all members of society respect their rights, develop a sense of concern for their well being. So there is no room for cheating, for exploitation like that. So these are the secular ethics without attaching religion.
That way I think this country can easily develop. So we are working on it and discussing with a number of scientists and educationists.
The younger people in India have more desire for money. So there is corruption also. Although this country is comparatively better. But still corruption exists. So these are the signs of lack of moral principles. So few religious leaders are talking about moral principles that it may not have reached the masses. Now we must introduce in education since kindergarten about moral principle without touching religion. That's a secular sort of moral ethics.
NDTV: I want to end with one of your friends Professor Chaman Lal Gupta, will like to share a personal story with us like Mr Sharma, we want to know things that we don't know already.
Chaman Lal Gupta: I came in contact with his Holiness in 1999 for the first time. It was his birthday, and we came to him from Bharatidas Sahiyog Math and after having talks with him, I asked him how is it that you are a Buddhist but you are also a strong believer in ahimsa or non violence, yet you consume meat like others, how do you corelate this situation? And seconĐức Đạt Lai Lạt May I asked him , what are your shortcomings? He said two - my love for watches and second imitating. While going out he caught hold of my arm and asked the photographer to photograph us , and I still have that photograph with me in my study and it is the most precious treasure that I have in my life.
NDTV: Your Holiness, do you still think that meat eating and watches are your only 2 flaws? And as flaws go they are pretty innocent.
The Dalai Lama: My eyes are fond of watches, they are one of my weaknesses. I have several watches but this watch is truly exploited because my friends in America, India, Japan and everywhere else, when I have visited some institution they have given me a present. My first present a watch that I got was from President Roosevelt, 1942, I was then 7 year old. Here is a strange story - with that watch and a silver mat, and a letter - as a 7 year old boy, no interest in that letter, only interested in that watch, I put the silver mat on a small pond, it sank and that was shameful. As soon as I got information about a delegation, Major Tolstoy and another friend, when the British mission reached Lhasa, I got the information through foreign ministry officials that they had reached, then I was told about the watch, then before a formal meeting I said bring the watch... how bad, is it? That boy had too much greed, the letter I never saw till my meeting with Obama this time, he kinĐức Đạt Lai Lạt May copied that original letter for me, since 1942, till 2010, 70 years later, I saw the letter.
NDTV: Did Obama give you a watch?
The Dalai Lama: No, this watch came recntly in a parcel from America. Then about taking meat, there are some contardictions but in vinaya no prohibition in eating meat, so monks in Thailand, Burma, Sri Lanka, they take both veg and non veg food. One time I asked, discussed this subject with a monk from Sri Lanka about 40 years ago, he said Buddhist monks are neither veg nor non veg... he should accept whatever he gets, so that's the principle. But vinaya clearly mentions that meat which was purposely killed for you was not to be eaten but in general was not prohibited, some books like langaavatarasutra prohibited any kind of meat, including fish etc but some other texts not prohibiting, so different case, I think practically in northern part of Tibet, no vegetables. Very difficult. So that's practical reason. However, my age, about 13, 14, all Tibetan official festival, offered a lot of meat - I changed all to vegetarian food. Then, in 59 come to India. Around 65, I became a vegetarian.
NDTV: Why?
The Dalai Lama: Better. Philosophical reason. 20 months I remained strict vegetarian. At that time I took advice from some of my Indian friends about the substitutes of meat. Lot of milk, cream and ...then in 67 I developed gall bladder, hepatitis. So my wole body became yellow. So at that time I become like living Buddha. Whole body yellow. Nails also yellow. It remained I think for about 3 weeks. So Tibetan physician, as well as alopathic physician advised me to take meat. So back to origianl diet. Meantime, all our monasteries in south India, also Namying monastery, common kitchen, serve only vegetarian food. In south India monasteris, population 300-400, all vegetarian food. Also in foreign countries when I visit Buddhist centers I always ask them. Now it is up to the individual. But as a society, as a institution, when they give some sort of a festival,it must be vegetarian. That business started the gall bladder trouble. Finally, surgery. So that's the background. So my own case, meat once or twice a week, otherwise vegeteranian. So I tried to become a vegetarian but still difficult. I think it's useful to know the whole background.
NDTV: Any regrets?
The Dalai Lama: Small small things almost everyday. Like right here, too hot. So this garment, maybe a thinner one maybe nice. Then one occassion in Delhi some business meeting, again same question. I mentioned it. Come to Delhi in a charter plane. I thought Delhi is hot. So thin cloth. But when I reached the hotel, the air conditioning was so powerful and it was very cold. So I mention this one regret. Major regret - I think during my study period, around 10 years, I was rather lazy. So I used to often tell people the way I studied at young age under threat of whip by my tutor. Very stern when I was young. He never smiled. And he kept a whip. At that time his father, my elder brother, used to study together, so 2 whips there. One normal whip, one yellow whip. Holy whip. So for holy student, holy whip is relevant. So holy whip may not bring holy pain, just ordinary pain. Therefore, I fear that whip. So that I feel little bit of regret. So still now 75, whenever I have time,I read, I study Tibetan scripts, those text written by Nagarjuna, these days I am reading another text by a disciple of Nagarjuna. So otherwise, in the political field, and some other field, since I took responsibility at 16, since then till now, on any major decision,I have no regrets.
NDTV: That in itself is extraordinary. You have lived an extraordinary life.
The Dalai Lama: I think one reason is that I am the type of person who always discusses, who always asks for opinions, including from sweepers. Now for example, in the 50's things were difficult, then some major decisions had to be taken. Besides consulting higher officials, I always asked my sweeper, my close friend, what they would feel? That I always do. So any major decision - firstly, utilise my own brain in the maximum way, look at the problem in a holistic way, and seconĐức Đạt Lai Lạt May, ask opinion from different people including state oracles, advisers. If I do no reach a final decision and still some dilemma exists, I also, as a Buddhist meditational, use some sort of spiritual method to investigate like the 5th Dalai Lama. So I do that. So all major decisions since I carried the responsibility since I was16 years old, if I faced some dilemma, I describe as mysterious investigation. So until now, all the major decisions, no mistake. So I feel, happy
NDTV: May you go from strength to strength...it was a pleasure meeting you.
Read more at: http://www.ndtv.com/article/india/in-conversation-with-the-dalai-lama-35955?cp



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/08/2016(Xem: 4213)
Ông Cha vĩnh trụ kỳ quan Kỳ quan cẩm tú giang san nước nhà Kỳ quan khai mở sơn hà Kỳ quan bảo vệ quốc gia thái bình Kỳ quan từ thuở bình minh Kỳ quan sông núi đượm tình hồn thiêng Kỳ quan Hồng Lạc Rồng Tiên Kỳ quan Dân tộc Việt Nam muôn đời
11/08/2016(Xem: 4822)
Mẹ là chính một kỳ quan Kỳ quan đẹp nhất trần gian cuộc đời Kỳ quan trên đỉnh tuyệt vời Kỳ quan vi diệu sáng ngời như gương Kỳ quan mở cửa tình thương Kỳ quan trang trải mọi đường thế nhân Kỳ quan tuyệt tác dương trần Kỳ quan siêu đẳng vạn lần kỳ quan
11/08/2016(Xem: 18055)
Là Phật tử, chúng ta đều tin hiểu lời Phật mà thực hành hiếu đạo trong đời sống hàng ngày. Cha mẹ, hai đấng sanh thành có một địa vị quan trọng trong tâm thức của người con Phật, ngang bằng với Phật và các vị Đại Bồ-tát, nên “gặp thời không có Phật, khéo phụng thờ cha mẹ tức là phụng thờ Phật vậy” (Kinh Đại tập).
10/08/2016(Xem: 13038)
Vần nên thơ bởi trăng về cùng gió- Phù sa ở lại nhờ nước xa nguồn- Chuồn chuồn bay thấp vì hơi sương đọng- Chiều tê tái bởi tre ngậm khói buồn!
10/08/2016(Xem: 13807)
Ngày xưa con còn bé- Mẹ ẩm con lên chùa- Nuôi dạy con khôn lớn- Nay con đã trưởng thành.
10/08/2016(Xem: 6290)
Vào lúc 14g30 chiều ngày 07 tháng 8 năm 2016, tại hội trường trường trung học Yerba Buena (thành phố San Jose), tu viện Kim Sơn đã tổ chức lễ Vu Lan kết hợp gây quỹ xây dựng chánh điện Quán Âm pháp đường. Đến dự buổi lễ có Hòa thượng Thích Tịnh Từ, viện trưởng tu viện Kim Sơn; Hòa thượng Thích Tịnh Diệu, phó viện trưởng tu viện Kim Sơn, viện trưởng tu viện Giác Hải; Thượng tọa Thích Từ Lực, trụ trì chùa Phổ Từ; Thượng tọa Thích Minh Nguyện, trụ trì chùa Phước Sơn; Thượng tọa Thích Tâm Đạt, trụ trì chùa Tân Long; Ni sư Thích Nữ Nguyên Thiện, trụ trì tu viện Huyền Không cùng chư Tăng, Ni tu viện Kim Sơn, đạo tràng Thôn Yên, chùa Phổ Từ, tu viện Huyền Không … và đông đảo nhân sĩ, thương gia, đồng hương, Phật tử ở San Jose và nhiều thành phố miền Bắc tiểu bang California. Chương trình được tiến hành như sau:
10/08/2016(Xem: 10992)
Nhẹ nhàng trong gió dáng tiên- Bóng mênh mông đổ xuống hiên nắng vàng- Dáng tiên chợt đến khẽ khàng- Mà lòng con bỗng ngập tràn an vui
09/08/2016(Xem: 16272)
Nhân lễ Vu Lan năm 2016, vào lúc 6 giờ sáng ngày 07 tháng 8 năm 2016, chùa Đức Viên tọa lạc tại thành phố San Jose, tiểu bang California đã tổ chức lễ Tam bộ nhất bái báo hiếu phụ mẫu cho chư Ni (54 vị) và khoảng 200 Phật tử tại San Jose và các thành phố lân cận.
08/08/2016(Xem: 13953)
Công Cha như núi Thái sơn Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy Một lòng thờ Mẹ kính Cha Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]