Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Truyện ngắn Bồ Tát Hạnh

10/04/201319:31(Xem: 3857)
Truyện ngắn Bồ Tát Hạnh

Tuyển tập bài viết về Vu Lan - 2010

Truyện ngắn Bồ Tát Hạnh

Phúc Tuấn Đặng Đình Tuân

Nguồn: Phúc Tuấn Đặng Đình Tuân

Tôi rời khỏi bệnh viện với một cơ thể tan nát rã rời và một lỗ hổng vừa được may kín bên cạnh sườn chờ lành. Bốn ngày trước, chỉ vì muốn tìm nguyên nhân của những cơn ho dai dẳng nên, đã mang đến tai nạn. Bác sỹ bất cẩn trong khi chẩn bệnh đã chọc rách mạch máu chính trong phổi lúc rút một ít chất dung dịch trong phổi ra. Tôi bị mất gần hết máu đến bất tỉnh và được đưa gấp vào phòng cấp cứu để bị cắt thịt mở một lỗ thoát cho máu đang ngập ngụa trong lồng ngực tự do chẩy thoát ra ngoài. Và tôi được cứu sống lại bằng hai lần tiếp máu...
Người tài xế xe taxi nhận thêm mười đồng đô la để dìu tôi qua những đường hẹp quanh co vào đến tận cửa nhà. Chung quanh trong khu cư xá không có một bóng người. Những người ở cùng khu chung cư giờ này chắc đang bận làm việc! Căn nhà một phòng ngủ nhỏ bé nhưng thật lạnh lẽo và cô độc.
Bữa ăn trưa của bệnh viện còn đầy trong bụng. Mấy lần đi đi lại lại hết phòng tắm ra đến nhà bếp, làm vệ sinh, thay đổi quần áo, đủ làm tôi mệt nhoài, xây sẩm, choáng váng. Tôi hâm nóng một ly sữa lớn đặt trên bàn đêm phòng hờ sẵn thay thế cho bữa ăn tối và lên giường. Trời mùa hè nhưng tôi phải mở sưởi và chùm chăn cho đủ ấm. Rồi thiếp nhanh vào giấc ngủ.
Giấc ngủ mê mệt kéo dài hai ngày. Lúc thức dậy là nửa đêm. Mở mắt nhìn bóng tối im lặng bao trùm tự nhiên tôi cảm thấy mọi sớ thịt, mọi khớp xương từ đỉnh đầu xuống tận bàn chân vẫn còn ê ẩm, tê dại. Nhưng lại là cái ê ẩm dịu dàng thoải mái. Căn phòng nóng hừng hực. Đầu óc đã bớt mù mờ và bụng cồn cào đói. Tôi có cái cảm giác của người còn sống sót…Cơn hoạn nạn đã chịu buông tha cho tôi... Tôi như vừa thoát về từ cõi chết. Những chuyện xẩy ra trong mấy ngày vừa qua đến và đi như bay biến. Kết quả không lường, không tưởng. Tất cả là vô thường, là bất trắc. Và mình thì hoàn toàn bất lực, không tự quyết định được chuyện gì!
Ly sữa để sẵn từ hôm trước còn đầy nguyên. Váng kem mỡ vàng óng ánh bám đậm đặc trên mặt nước và vòng quanh bờ ly. Bốn cái trứng gà chiên và nước tắm ấm làm tôi tỉnh táo hẳn. Những ê ẩm dịu hẳn xuống. Cơ thể đã lấy lại một chút sinh lực...
Như thế là tôi đã nghỉ làm một tuần lễ rồi. Chốc nữa, tôi định bụng, sẽ phải gọi vào sở cho họ biết tình hình và xin nghỉ thêm vài ngày nữa dưỡng sức. Tôi đi lại chậm chậm vòng khắp nhà nhiều lần chờ sáng.
Trời sáng rõ thì chợt có tiếng gõ cửa. Thật ngạc nhiên, tôi vừa mở cửa vừa hỏi:
- Ai đó?
Người đàn bà trông đứng tuổi nhưng nét mặt rất á châu có vẻ rất quen thuộc. Tôi ngập ngừng vì vừa không tin vào trí nhớ của mình vừa phải thận trọng... Rồi chợt buột miệng:
- Ô chao!!! Hường phải không?...
Mặt người đàn bà tươi hẳn lên.
- Trời ơi! Mấy chục năm rồi mà anh còn nhận ra tui! Anh hay thiệt... Đúng là Hường đây. Ba chị em Chúc, Hường, Mây ở Xóm Chuồng Gà, sát vách nhà anh đó. Thiệt trúng là anh Hà rồi?
Tôi mở rộng cánh cửa. Hường không ngần ngại bước vào:
- Hường đâu có biết là anh sang Mỹ. Có công chuyện phải sang Ca li tuần trước. Thấy có tên họ của ai y hịt như của anh trong điện thoại niên giám nên tò mò muốn tìm coi có phải là anh không... Danh sách năm ngoái đâu thấy đâu... Hường kêu điện thoại mấy lần, hổng nghe ai trả lời, nhưng giọng nói bắc kỳ trong máy nghe ngờ ngợ giống như của anh... Tính bỏ cuộc rồi đó... Hai bữa nữa trở về lại Lousiana. Bữa nay cố tình tới tận nơi thật sớm, trước khi anh đi làm việc, tìm cầu may... Ủa? Mà sao anh coi xanh sao ốm yếu quá vậy? Bộ bị bệnh hả?... Nhà cửa gì mà vắng tanh, vắng ngắt à! Vợ con đâu rồi?
Tôi cười nhẹ ngắt ngang:
- Mấy chục năm mới gặp lại… Hường đi tìm anh để tươm tướp hạch hỏi tra tấn hay sao vậy! Muốn nhờ anh giảng bài nữa phải không... Mấy bữa vừa qua anh đâu có ở nhà. Mới về tối qua.
- Ủa! Dzậy là anh còn hên dữ he. Đi đâu đó? Dzui hông?
Hai năm sau khi mẹ tôi mang ba anh em chúng tôi rời Hà Nội vào Sài Gòn xum họp với ba, gia đình chúng tôi dọn về nhà mới ở Xóm Chuồng Gà, chung vách với nhà Hường. Và tôi đã sống trọn quãng đời trung học ở đây. Hường học sau tôi ba lớp nên thỉnh thoảng hay chạy sang nhờ tôi giảng giúp những môn học khó. Tôi dùng nhà để xe của bố làm phòng học vì hay phải thắp đèn thức khuya. Một buổi tối đang ngồi học chợt thoáng thấy chiếc xe Citroen cũ kỹ tự nhiên lúc lắc nhẹ... Nhìn qua cửa kính thấy Hường đang nằm gọn trên ghế sau chật hẹp. Không biết Hường đã nằm trốn ở trong xe từ bao giờ! Tôi mở rộng cửa xe, tuy bực tức giận dữ nhưng vẫn ôn tồn bảo nàng nên về nhà ngủ. Nàng ngồi bật dậy, mặt ướt mồ hôi, im lặng vụng vằng bỏ đi. Và từ đó không thấy nàng sang nhờ chỉ bài nữa. Hơn một năm sau nghe nói nàng làm đám cưới với một thanh niên đang học trường mỹ thuật nhà ở gần cuối xóm bên kia.
- Nhà ở Lousiana sao? Thành phố nào vậy? Ông chồng của Hường, phải tên Thành không, bây giờ làm gì? Có mấy đứa con rồi?
Tôi tiếp tục câu chuyện.
- Ối! Chuyện đó xưa như trái đất rồi. Tui ở với ông Thành được có hai năm à... Thằng Jake được hơn một tuổi thì ổng bỏ bê, không ngó ngàng tới mẹ con tui nữa... Rồi bồ bịch... Rồi bỏ nhà đi mất biệt... Hồi đó anh lo học quá mà! Chuyện bên ngoài, chuyện hàng xóm, ai sống, ai chết anh có biết, có nghe, có bao giờ để tâm gì tới đâu!...
Tôi cắt ngang lời trách móc của nàng:
- Tại sao lại đặt tên thằng bé là Jake? Bây giờ chắc nó đã là thanh niên trưởng thành rồi phải không?
- Tên khai sanh của nó là Thắng. Ông chồng sau của tui là người Mỹ. Ổng mang mẹ con tui về Mỹ trước 75, nhận nó là con, đổi nó sang tên Mỹ luôn. Bây giờ tui đã có thêm hai đứa con gái với ông Doug này nữa. Đứa nhỏ nhứt năm nay mười hai rồi đó. Ổng Doug không có con trai nên thương thằng Jake dữ lắm...Về đến Mỹ ổng được giải ngũ rồi đi làm cho hãng điện thoại từ hồi đó tới giờ.
- Như vậy đời sống yên ổn vững chắc lắm rồi… Chúc mừng !!!
Vừa nói chuyện nàng, đã bỏ chỗ ngồi, vừa tò mò đi vòng kiểm soát khắp nơi trong nhà. Rồi lục đục rửa những bát đĩa tôi bỏ bê trong bếp sáng nay.
- Hông gặp anh thì thôi, bây giờ thấy anh ở trong tình trạng này tui không thể bỏ đi liền được… Một chút nữa tui đi trả lại khách sạn, gia hạn vé máy bay ở thêm vài ngày, mua chút đồ ăn rồi trở về liền… Anh có cần mua gì không? Thuốc men?… Anh thích ăn món gì?...
Tôi sửng sốt, xua tay:
- Ơ!!! Ơ!!! Ơ!!!... Khô….
Nàng hớt ngang:
- Anh có không chịu cũng phải ráng chịu… Sao không bao giờ anh có thể quyết định được chuyện gì cho trúng hết vậy!
- Chồng con Hường chắc đang mong chờ Hường ở nhà… Chỗ này chỉ có một phòng ngủ…
- Rồi sao?... Chuyện nhà tui, để tui lo. Anh thiệt là đồ ngu!!! Hồi xưa, của trời cho đã không biết nhận hưởng. Bây giờ, mang bỏ vô tận miệng còn có sức mà nuốt không… Còn gì nữa mà sợ!... Anh cần được bồi bổ để lấy lại sức lực, đi làm, tiếp tục cuộc sống chớ… Nếu anh nói là đang có bồ bịch tui cũng không tin đâu… Tui không tìm thấy có một cái gì cho đàn bà xài trong nhà này đâu.
Tôi sượng sùng, câm lặng nhìn nàng bước ra khỏi cửa.
Mấy ngày ngắn ngủi kế tiếp, nàng không nề hà đi chợ, nấu nướng, dọn dẹp, giặt giũ và đưa tôi đi tái khám vết mổ. Nhờ nàng tôi lấy lại sức khỏe thật nhanh. Đến ngày hẹn đi về nhà, mặc dù tôi đã hoàn toàn bình phục, nàng vẫn chưa yên tâm cho tình trạng sức khoẻ của tôi, đích thân đưa tôi đến bắt trú ngụ tại nhà người chị họ của tôi ở trên Santa Ana .
Đó là lần cuối cùng tôi gặp và biết về Hường. Điện thoại nhà nàng hình như có ai nghe nhưng lại tắt đi ngay không cần hỏi.
Áp lực càng ngày càng mạnh mẽ và càng hung bạo hơn. Những bữa ăn tối của gia đình bây giờ chỉ còn là sự câm nín nhẫn nhục của bố và tiếng ấm ức của con gái. Những món ăn vợ thường ưa thích mà tôi đi làm về sớm hơn cố gắng làm ra được đổi lại bằng vẻ mặt đay nghiến với những câu hỏi thúc hối không lý do “Bao giờ anh dọn đi?”. Rồi nàng thông báo nàng đã tháo và vứt bỏ nhẫn cưới. Những hình ảnh ngày cưới thường được treo khắp nơi trong nhà đã được nàng mang bỏ vào thùng rác. Không còn cách nào cứu chữa nữa! Mấy chục năm ăn ở với nhau. Con út đã được mười ba. Con lớn đã rời nhà vào đại học xa. Không hiểu tại sao thái độ, lời nói, ý muốn của vợ tôi lại đột nhiên biến đổi lạ lùng khó hiểu! Đến giai đoạn, đến tuổi này, không có ai dù đã kiên nhẫn, mềm mỏng, chịu đựng như tôi còn đủ nhẫn nhục, khôn ngoan để nói chuyện với nhau, tìm hiểu, thay đổi hay cứu vớt. Và dù có muốn nói nàng cũng không cho cơ hội nói. Tôi đành phải bấm bụng ngậm miệng.
Tôi lấy vé máy bay đi Texas thăm mấy người bạn và họ hàng. Đi để tránh mặt ít lâu với hy vọng lúc trở về tình hình sẽ êm dịu xuống, cơn khủng hoảng tâm lý qua đi và nàng có thì giờ tỉnh trí, suy nghĩ lại và hơn nữa đó cũng là điều vợ tôi nhiều lần trước đây muốn tôi làm.
Khi được thông báo tôi đã rút một số tiền từ chương mục tiết kiệm ra cho chuyến đi, nàng nhẩy dựng lên, mắt nẩy lửa:
- Tôi làm việc khổ sở nhục nhã cả đời mà vẫn không dám xài riêng số tiền lớn như thế. Ông nghĩ lại đi. Ông có phải là người tốt không?
- Em bảo anh đi… Đi thì phải có tiền chi phí chứ. Bây giờ em lại phàn nàn. Thế em muốn anh làm gì? Chận xe xin đi nhờ chăng! Từ trước có lúc nào anh tự ý cầm vài ngàn xài riêng như thế này đâu!
- Thôi được rồi. Không sao cả. Ông đi cho khuất mắt đi. Có chết ở đâu cũng đừng thông báo. Tôi không muốn biết, không đến nhận mặt, cũng không thèm dự đám ma nữa. Lấy ông là cái lỗi lầm lớn nhất trong cuộc đời tôi… Bây giờ hết nợ nhau rồi… Không có ông tôi còn làm được nhiều chuyện lớn hơn nữa, không đứng tại chỗ này đâu. Chống mắt lên mà xem… Mà này, ông bỏ cái bộ mặt xưng xỉa đó đi… Vào soi gương xem… Có phải là đàn ông không?
Nhìn trong gương, tôi thấy mặt mũi tôi vẫn bình thường như mọi ngày.
- - - ooo - - -
Tôi đến thành phố Houston/ Texas đúng một tuần lễ sau khi có một trận bão lớn ở đó vàcũng ngay sau khi nhận được tận tay giấy tờ ly dị. Hơn chín giờ tối đầu mùa thu, không khí ngoài đường vẫn hừng hực nóng như giữa trưa hè. Đứng trên lề đường chờ xe đón chưa được năm phút da thịt bắt đầu rịn mồ hôi. Thời tiết ở đây thật khắc nghiệt. Nóng và ẩm. Giống như cái nóng ẩm của quê nhà mà tôi đã quên bẵng từ lâu. Bạn đến đón cho biết Houston đang là mùa mưa bão.
Bạn dành cho một phòng ngủ riêng biệt độc nhất ở tầng dưới xa hẳn mọi phòng ngủ khác. Máy điều hòa không khí chạy xuốt đêm vẫn không cần đắp chăn. Người mệt rũ, đêm đến khuya xâu hơn, nhưng tôi vẫn trằn trọc xoay trở mãi lâu mới thiếp ngủ đi được.
Buổi sáng điện thoại của con gái gọi hỏi thăm và cho biết nó đã đến trường học làm tôi thức dậy. Gia đình bạn không còn một ai ở nhà. Nhưng bạn đã cẩn thận để lại miếng giấy dặn dò, hướng dẫn có số điện thoại của sở làm kèm theo chùm chìa khóa nhà với chìa khóa của chiếc xe cũ, dư, đang bỏ lây lất ngoài đường. Tuất và Thực là sinh viên đi du học cùng thời và ở cùng tỉnh bên Pháp với vợ tôi. Sau khi mất miền Nam họ cũng như một số sinh viên khác di chuyển sang Mỹ định cư. Mỗi khi có cơ hội đến San Diego chơi, trong những lần tá túc ở lại nhà tôi, họ luôn kể khoe tuy lương bổng không nhiều nhưng tài sản đã gia tăng nhanh chóng vì liều lĩnh và gặp may mắn đầu tư vào bất động sản.
Miếng giấy bạn để lại có viết thêm một câu:
- “Thảo đã có kêu điện thoại nhờ tụi này khuyên anh nên tiếp tục “move on” và chú tâm chữa bệnh đi. Tụi này cũng khuyên anh không nên tìm biết thêm lý do làm gì…”
Tôi thẫn thờ đọc đi đọc lại những gì bạn viết trên giấy. Qua vài giây phút đau quặn đầu tiên,đột nhiên tôi thấy lòng thanh thản lạ lùng. Tôi đã không làm, không gây ra những lỗi lầm, chỉ biết cặm cụi làm việc, vun sới, gây dựng, giúp đỡ đưa mọi người trong gia đình qua những thăng trầm liên miên suốt mấy chục năm qua. Tính của vợ tôi rất cứng rắn và cương quyết. Như vậy đây thực sự là ý muốn của nàng. Tôi đã đọc được ở đâu nhận xét: “Con người cũng như mọi sinh vật khác gặp nhau, đến với nhau trong một giai đoạn nào đó chỉ để giúp đỡ, bổ khuyết cho nhau những thiếu thốn, những nhu cầu quan trọng nhất… Khi hết nhu cầu thì sự tiếp nối liên hệ không còn là cần thiết nữa, đôi khi lại trở thành trở ngại cho sự tiến triển...” Có ai đã đổi được cái vô minh thành sự trường cửu?
Ngoài sự luyến tiếc và lo ngại cho tinh thần của mấy đứa con, tôi không có gì phải ân hận trong sự đổ vỡ này!
Tôi liên lạc được với những người bạn học cũ đang cư ngụ tại thành phố này và xếp đặt được những chương trình thăm viếng bận rộn, vui vẻ. Ngày thứ tư tôi lái xe hai tiếng đồng hồ sang thăm người bạn khác ở thành phố xa hơn. Bạn đứng chờ sẵn trước cửa nhà, lăng xăng mừng rỡ khi tôi đưa đầu xe vào chỗ đậu và tự tay lau sạch mặt ghế bàn cầu khi tôi nói tao cần đi toa lét trước rồi mới yên tâm nói chuyện được. Hai đêm liền hai đứa thức rù rì chuyện trò cho đến khi mắt mở không nổi nữa mới chịu đi ngủ… Tôi ở lại chơi với bạn lâu hơn dự tính.
Một tuần lễ sau khi quay trở về nhà thì tôi hoàn tất giấy tờ ly dị và hoàn toàn dọn ra ở riêng. Vợ tôi trả lại món quà tôi mua trong chuyến đi để riêng tặng nàng. Tôi chuyển món quà đó sang cho con gái.
Lần khám sức khỏe tổng quát hàng năm mới nhất vài năm trước khi ly dị, bác sĩ khám phá ra tôi đang bị viêm gan nặng. Ông đề nghị vợ con tôi phải đi thử máu và chích ngừa. Và muốn tiến hành chữa trị ngay. Việc chữa trị kéo dài hơn năm năm đằng đẵng nhưng chứng bệnh cứ tăng tăng giảm giảm không ngừng. Những mũi thuốc chích; chỉ được chế tạo khi có lệnh đặt làm và di chuyển đi với máy giữ cho đông lạnh và trị giá quá cao; bơm vào cơ thể hàng ngày ròng rã suốt bẩy tháng đầu chỉ làm cơ thể tôi tàn tạ hơn đi chứ không mảy may ảnh hưởng tới những vi khuẩn gây ra bệnh hoạn. Giây lưng quần phải bó chật từ từ xuống hai khoang. Cổ áo cài khuy xong vẫn còn đủ chỗ cho hai ngón tay chen vào. Sức khỏe và tinh thần bỏ ra đi dần dần. Việc làm của tôi thành đình trệ hoàn toàn. Và bạn đã bè bắt đầu bàn tán với nhau về ngày chết gần kề của tôi…
Bác sĩ chữa trị cho tôi nghĩ là những túi máu đã cứu sống tôi trước đây là mầm mống của bệnh mới này và luôn khuyến khích, nói với tôi là rất nhiều người bị bệnh giống như tôi đã được chữa lành. Vì chính ông ta đã là một trong những người may mắn đó. Nhưng chỉ được một năm ông phải bó tay chịu thua. Ông buồn bã cho biết ông đã cho tôi dùng những loại thuốc tốt nhất được phép bán trên thị trường. Ông muốn chuyển tôi sang chương trình thí nghiệm những thuốc mới tuy chưa được phép bán, nhưng được mang dùng thử và miễn phí. Tôi chấp thuận trở thành con vật thí nghiệm cho công ty chế tạo loại thuốc mới đó. Bụng bảo dạ mình chẳng còn con đường nào khác ngoài con đường độc nhất đó, tuy chỉ nhìn thấy một chút ánh sáng lập loè của sự sống mỏng manh, mập mờ. Hơn nữa nếu thuốc không chữa được bệnh cho mình thì biết đâu lại có thể chữa được cho nhiều người khác.
Mỗi tuần họ lấy từ cơ thể của tôi ra sáu bẩy ống máu. Họ nói máu này được gởi đến phòng thí nghiệm của công ty tận bên Âu châu để giúp tìm loại thuốc thích hợp. Tôi nói đùa với họ là với số lượng máu lấy được của tôi họ đã có dư để tạo (clone) thành một lực lượng quân đội mới.
Thuốc đổi mới xoành xoạch. Đôi khi chỉ đơn độc một loại. Đôi khi hai ba loại khác nhau trộn chung. Bác sĩ chữa trị cũng không biết tên thuốc là gì, chỉ làm theo chỉ thị từ xa. Tên thuốc là những số mật mã bí ẩn. Hàng tuần tôi phải kê khai chi tiết mọi hoạt động, mọi món ăn, mọi cảm giác, mọi biến chuyển đã xẩy ra.
Cứ như thế kéo dài trong suốt bốn năm trời. Và sức khoẻ, tinh thần của tôi từ từ trở lại. Báo cáo của họ cho biết lượng chống vi khuẩn viêm gan B trong máu của tôi lúc bắt đầu chương trình là trên bốn chục triệu đơn vị. Số lượng này thăng trầm liên tục.
Sau cùng họ trả tôi về lại cho bác sĩ riêng của tôi khi số lượng chống vi khuẩn này hạ xuống dưới bốn chục ngàn đơn vị với đề nghị cứ tiếp tục loại thuốc đang dùng mới ra lò. Lúc này tên thuốc mới được tiết lộ.
- That’s all we can do for you. Your personal doctor will monitor your condition. Everything is stabilizing… We wish you all the luck.
Mỗi ngày một viên thuốc. Mỗi viên giá gần ba chục đô la! Đúng lúc này giấy tờ li dỵ hoàn tất. Tôi đã dọn ra ở riêng. Bây giờ tôi phải tự trả tiền mua thuốc. Chương trình bảo hiểm sức khỏe theo với việc làm của vợ và chỉ còn áp dụng cho tôi vài tháng ngắn ngủi nữa thôi. Sau đó, liệu tôi có đủ tiền mua thuốc nữa không!
Đến giờ từ giã, chị Thúy, vợ người bạn học, ân cần và cương quyết giao tay cho tôi ba bình nhựa một gallon chứa đầy chất nước sền sệt xanh tươi lá cây; mà tôi đã thấy chị loay hoay, kiên nhẫn cắt, xay, pha chế từ ngay sau bữa ăn tối; bắt mang về kèm với lời dặn dò ân cần: hàng ngày phải uống ba muổng ăn canh. Hai vợ chồng bạn ở cách tôi khoảng một tiếng đồng hồ lái xe trên phía bắc đã khẩn khoản, từ mấy ngày trước, hẹn mời tôi lên ăn cơm tối. Chị bảo đây là nước lá Aloe Vera pha với rượu và mật ong theo công thức. Nước này đã có người, kể cả chị, dùng trước. Và nó đã giúp chữa hết bệnh viêm gan.
Cũng như mấy năm trước, một lần nữa tôi lại mang cơ thể, mang mạng sống riêng ra làm vật thí nghiệm cho một môn thuốc mới… Về đến nhà đêm hôm đó, trước khi lên giường, tôi ngoan ngoãn, bình thản uống một lúc ba muổng ăn canh cho đủ số lượng của một ngày. Chất nước đắng, sệt sánh, nhờn nhợn và lợn cợn những mảnh vỏ hình như ngừng dính ngang cuống họng.
Đến ba giờ sáng bụng đau quặn làm tôi tỉnh ngủ. Mỗi giây phút đi qua, cơn đau càng tăng mạnh. Sau cùng khi người co gập lại, mồ hôi hột bắt đầu tuôn ra vì đau dữ tợn, tôi lết vào phòng tắm ngồi. Bụng phân vân không biết có nên gọi xe cứu thương hay gọi cho ai quen… Trong lúc đang hoang mang, tôi có cảm giác những gì đã nuốt vào bụng trong bữa ăn tối đang từ từ chuyển động. Nó ngang bướng, ngoan cố, chống chỏi để cố ở lại nhưng ý chí và cơ thể tôi mạnh hơn... Trận chiến xua đuổi, níu kéo kéo dài suốt bốn tiếng đồng hồ mới hoàn toàn chấm dứt. Cơ thể tôi đã tống khứ đi được chất độc.
Cơ thể đẫm mồ hôi đã kiệt sức mệt nhoài, hai chân tê cứng. Tôi trở lại giường ngủ, nhắm mắt, dồn dập thở lấy lại sức. Trước khi ngủ thiếp đi tôi nhận thức được chất nước xanh, nhờn nhẫy, đắng nghét và bám vào cổ họng khi tôi đổ vào thân thể trước khi đi ngủ mới chính là nguyên nhân của cơn đau dài dẳng kinh hoàng…
Sau đó suốt ngày cơn đau bụng không thấy lai vãng! Buổi tối trước khi đi ngủ, nhớ tới cơn đau buổi sáng tôi bỏ ý định uống món thuốc lạ đó. Giữa khi ngồi tĩnh tâm hàng đêm đột nhiên có cái gì xúi dục tôi nên tiếp tục uống món thuốc quái đản đó. Thuốc được chế biến từ một loại cây mà trước đây gia đình tôi thường dùng để nấu chè. Nếu là cây độc thì anh em chúng tôi không còn tồn tại cho đến ngày nay. Nếu sự pha chế với rượu mạnh và mật ong làm nó trở thành độc thì có thể đây là môn thuốc lấy độc trị cái bệnh độc tôi đang cố tìm cách chữa trị trong bẩy tám năm qua. Những ý nghĩ lập luận lạ lùng làm tôi xiêu lòng, vùng dậy đi lấy thuốc uống cho dù sẽ bị quằn quại đau đớn hay nếu phải chết vì thuốc. Tôi sẽ không phải ân hận là nhu nhược bó tay chịu thua chứng bệnh và phụ lòng tốt của bạn đã tốn công và để ý lo lắng.
Từ ngày thứ tư trở đi, cơn đau bụng không bao giờ trở lại nữa.. Lần thử máu ba tháng sau đó, số lượng chống vi khuẩn xuống còn dưới ba ngàn đơn vị. Hệ thống tiêu hóa tự nhiên thành điều hoà và thật êm ái. Bạn bè gặp mặt không còn bàn tán về ngày chết của tôi nữa mà ngược lại khen damặt tôi trong sáng hẳn ra. Lần thử máu kế tiếp bốn tháng sau đó, bác sĩ cho biết tôi đã hoàn toàn trở lại tình trạng an toàn nhưng khuyên nên tiếp tục uống thuốc tây để giúp cho hệ thống miễn nhiễm mạnh mẽ hơn. Ông ta không nói gì khi nghe tôi hỏi dung dịch Aloe Vera tôi uống kèm có phải là yếu tố quan trọng giúp cho việc chữa bệnh có hiệu quả và nhanh chóng hơn trước không.
Và tôi vẫn tiếp tục uống chất nước lạ bạn đã pha chế cho. Thỉnh thoảng chị Thúy làm sẵn rồi nhờ chồng mang đến sở làm ở San Diego và điện thoại báo tôi tới lấy. Mỗi lần như thế tôi lại được dịp đi ăn trưa với bạn. Thỉnh thoảng tôi cũng tự làm lấy, có lần làm vỡ cả máy xay, nhưng vị đắng không bao giờ được giống như của bạn làm.
Qua năm năm sau, lần thử máu mới nhất cho biết mọi thứ được xem là “negative”.
Thỉnh thoảng trong những bữa ăn xum họp vui vẻ với bạn bè tôi vui miệng, nhưng hoàn toàn không có ý khoe khoang, kể lại những sự việc vui buồn như trên đã đi qua trong đời. Có người khuyên tôi nên ghi chép xuống giấy. Có người trầm ngâm một lúc rồi cho là tôi đã được bồ tát giúp đỡ. Ngay khi đó tôi không thể hỏi lại bạn để hiểu rõ ý nghĩa của câu nói hơn, nhưng khi ngẫm nghĩ một mình tôi nhận thức thấy tất cả mọi người; bất cứ tốt hay xấu, thương hay ghét, mà tôi đã có dịp gặp gỡ, va chạm trong đời; không ít thì nhiều đã giậy dỗ, giúp đỡ và dìu dắt tôi không chỉ qua những giai đoạn khó khăn ngắn ngủ mà cả những hoạn nạn to lớn.
Theo kinh Phật đó là tính hạnh của những Bồ Tát.
Phúc Tuấn Đặng Đình Tuân
(Nếu muốn tái đăng, xin vui lòng liên lạc với tác giả: [email protected])



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/08/2021(Xem: 6641)
Công ơn cha mẹ tựa biển trời Làm sao báo hiếu hỡi người ơi? Nếu chưa báo hiếu đừng bất hiếu Bất hiếu làm ta khổ trọn đời.
13/08/2021(Xem: 9523)
Nam Mô Vu Lan Hội Thượng Phật Bồ Tát Phật Dạy Ân Đức Cha Mẹ - A-nan! Ân đức cha mẹ có 10 điều sau đây: MỘT là ân thai mang giữ gìn: Vì sự nghiệp lực nhân duyên, nên nay ky' thác thai mẹ. Lâu ngày khổ sở, chín tháng cưu mang, nặng nhọc như đội núi, đi đứng sợ gió mưa, quần áo không sửa soạn, trang điểm còn kể chi.
13/08/2021(Xem: 4005)
Kính dâng Thầy hai bài thơ chia sẻ tâm tư con trong mùa Vu Lan báo hiếu này để tự an ủi mình và để cầu nguyện cho mọi chúng sanh đều được giải cứu khỏi nạn tai nhất là các biến thể của đại dịch thế kỷ càng ngày càng xuất hiện kinh khiếp hơn thêm .Kính chúc Thầy và toàn thể đạo tràng một mùa Vu Lan Báo hiếu thật tịnh lạc , HH Thẩm sâu lời dạy ...mang kiếp người đại phước ! Bâng khuâng nhìn thư pháp ... dĩ vãng xa xăm Rằng “ Thương cha ...xuôi ngược giữa dòng Mẹ yêu ...tất tả gắng gồng nhiều năm “ Ôi! Ơn nghĩa sinh thành khó làm sao đền đáp !
09/08/2021(Xem: 4325)
Dù, lễ Vu Lan được du nhập vào Việt Nam từ năm 1072 và vua Lý Nhân Tông đã từng lập đàn cầu siêu cho cha mẹ (Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”) và Lễ hội Vu Lan đã trở thành lễ hội lớn của người phật tử. Tuy nhiên, có thể thấy Phật giáo Việt Nam với bề dày lịch sử trên 2.000 năm, lễ hội này không chỉ là truyền thống sâu đậm của người phật tử mà còn là nét văn hóa ở cả người dân Việt nói chung. Theo đó, Vu Lan có ý nghĩa đầu tiên là sự báo hiếu: mọi người phật tử đều trông chờ đến ngày Vu Lan để đến chùa lễ Phật cầu nguyện cho cha mẹ nhiều đời được giải thoát khỏi những cảnh khổ do nghiệp nhân nhiều đời mang lại hoặc nếu có đủ phương tiện mỗi đêm đến chùa tham dự thời kinh Vu Lan, Báo Ân thường tổ chức từ mồng một đến rằm tháng 7 . HT Thích Minh Châu trong một bài pháp thoại năm nào tại chùa Xá Lợi (VN) : " Trong kinh tạng Pàli của Phật giáo Nguyên thủy, chúng ta có thể đọc được những lời đức Phật dạy về chữ Hiếu thật là đầy đủ, sinh động và cụ thể, những lời m
05/08/2021(Xem: 11687)
Thông Báo Thay Thư Mời tham dự Lễ Vu Lan Báo Hiếu PL 2565 tại Tu Viện Quảng Đức (Chủ Nhật 22/8/2021) Mùa Vu Lan Báo Hiếu 2021 lại trở về với người con Phật Úc Châu trong lúc tiểu bang Victoria của chúng ta đang bị phong tỏa, mọi người phải ở yên trong nhà để giúp ngăn chận sự lây nhiễm của Corona Virus. Dù vậy, nhưng trong tận thâm tâm của người con Phật đều bồi hồi nghĩ nhớ đến công ơn dưỡng dục sanh thành của hai đấng từ thân, đã một đời nhọc nhằn, gian khổ vì sự lớn khôn và trưởng thành của đàn con. Công cha núi cả sánh nào Bể sâu đức mẹ biết sao đo lường Dù cho bão táp nhiều phương Cũng không trả hết công ơn song đường. Trên tinh thần này, Tu Viện Quảng Đức sẽ khai kinh, thọ trì Kinh Vu Lan Báo Hiếu và Kinh Địa Tạng, mỗi ngày lúc 7pm, từ ngày mùng 01 đến ngày Rằm tháng 07 âm lịch Tân Sửu (nhằm ngày Chủ Nhật 08/08/2021 đến ngày Chủ Nhật 22/08/2021). Và tùy theo tình hình diễn biến dịch bệnh, nếu chính phủ tiểu bang Victoria mở cửa cho phép sinh hoạt bình thường, Tu Vi
03/08/2021(Xem: 9585)
Mùa Vu Lan Báo Hiếu lại trở về với những người con Phật trên toàn thế giới nói chung và tại Úc Châu nói riêng, trong lúc nạn dịch Covid vẫn còn đang tiếp tục hoành hành khắp nơi, gây bao cảnh đau thương tang tóc, kéo dài hơn 1 năm, nên mọi sinh hoạt xã hội vẫn chưa được trở lại bình thường. Tại tiểu bang Victoria của chúng ta lúc này tuy mức độ lây lan đã giảm thiểu, nhưng vẫn còn áp dụng biện pháp giãn cách để ngăn chận sự lây nhiễm của Corona Virus. Do vậy, số Phật tử đến chùa sinh hoạt vẫn còn hạn chế. Nhưng dù thế nào, cứ đến mùa Vu lan thì trong tận thâm tâm của người con Phật, đều bồi hồi nghĩ nhớ đến công ơn dưỡng dục sanh thành của hai đấng từ phụ, đã một đời nhọc nhằn, gian khổ vì sự lớn khôn và trưởng thành của đàn con. Công cha núi cả sánh nào Bể sâu đức mẹ biết sao đo lường Dù cho báo đáp nhiều phương Cũng không trả hết công ơn song đường.
01/08/2021(Xem: 3147)
Nước Mỹ vừa trải qua 17 tháng bị phong tỏa và được mở cửa trở lại tháng 6 năm 2021. Tuy nhiên đất nước này vẫn chưa hoàn toàn trở lại mọi sinh hoạt như xưa. Tâm lý khủng hoảng và sợ hãi vẫn còn đọng lại nơi người dân. Chùa viện Phật giáo cũng chịu đựng nhiều khó khăn suốt mùa đại dịch, đặc biệt các ngôi chùa đang xây dựng hay mới thành lập trong giai đoạn này. Giáo Hội xin cung thỉnh tất cả liệt quí vị dành một phút nhất tâm chú nguyện và chia sẻ nỗi đau thương lớn lao này, trong đó có quê hương Việt nam. Giáo hội xin cảm niệm công đức của toàn thể Tăng Ni và Phật tử đã nhẫn chịu suốt mùa dịch của thế kỷ. Đối diện với sợ hãi, tang thương và khốn đốn của cuộc sống hiện nay, xin chúng ta cùng suy nghiệm:
01/08/2021(Xem: 6609)
Điều quan tâm lo lắng nhất hiện nay của cả thế giới nhân loại, là sự kiện virus biến thể từ virus Corona Vũ Hán (Covid-19) biến dạng qua virus Delta và Delta +. Tuy rằng hiện tình tại Âu Châu đã và đang phục hồi nhịp độ sinh hoạt trở lại bình thường trên mọi khía cạnh của cuộc sống nhân sinh xã hội. Nhưng các nhà chức trách cơ quan y tế, chính phủ quốc gia, cũng không tránh khỏi lo âu, nếu virus Delta và Delta+ bùng phát tại Âu Châu. Nhìn theo định lý Nghiệp duyên, thì đây là một hệ quả, mà cả cộng đồng nhân loại đang gánh chịu. Đức Phật dạy : Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị. Nghĩa là muốn biết đời trước đã tạo nhân gì, thì hãy xem kết quả đời nay mình đang thọ nhận. May mắn thay ! Dù ít dù nhiều nhân loại vẫn luôn hướng đến chân thiện mỹ với niềm tin riêng của tự thân và đã góp phần hỗ trợ trong công cuộc chống đại dịch. Những nhà Dịch Tễ học đã kịp thời phát minh những loại tiêm chủng ngừa virus lây nhiễm, nhờ vậy hiện tình có phần giảm thiểu bùng phát.
01/08/2021(Xem: 9736)
Thế giới đang trong thời kỳ hỗn loạn bất an, nào động đất, sóng thần, cháy rừng, lại đại dịch Covid-19, đang hoành hành và diễn biến phức tạp, khiến mọi người trên khắp hoàn vũ hoang mang và lo sợ. Theo thuyết duyên khởi Đức Thế Tôn dạy: “Do cái này có nên cái kia có. Cái này không, cái kia không. Cái này sinh, cái kia sinh. Cái này diệt, cái kia diệt”. Vì con người thời 4.0 này quá nóng lòng đạt cho kỳ được những phát triển khoa học, kỹ thuật hiện đại, đầy đủ phương tiện để khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, bên cạnh đó nhu cầu hưởng thụ vật chất quá cao, nhất là ăn uống và du lịch, cùng mọi tiện nghi, của cải vật chất cũng thi đua sản xuất; các hãng xưởng khai thác hết công suất, đặc biệt là các trại chăn nuôi và nhà máy chế biến thức ăn gia súc, đã làm tận diệt màu xanh cây cỏ, thay vào đó là những khí độc hại thải vào không khí, biển cả khiến bầu trời bị đục mờ, bầu khí quyển và môi trường nước bị ô nhiễm trầm trọng.
25/07/2021(Xem: 4268)
TƯỞNG ĐẾN ÂN MỤC KIỀN LIÊN ÂN thâm phụ mẫu sánh bằng non ĐẠI đức Mục Liên giữ vẹn tròn HIẾU thảo bát cơm dâng đến mẹ MỤC thân thấu tỏ nỗi lòng con KIỀN tâm cố giữ niềm trung hiếu LIÊN kết gắng gìn dạ sắt son BỒ phổ độ sanh tròn bổn nguyện TÁT lai vĩnh kiếp tiếng thơm còn!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]