Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đi về cõi tịnh

10/04/201318:50(Xem: 5173)
Đi về cõi tịnh

Tuyển tập bài viết về Vu Lan - 2009

Đi về cõi tịnh

Nghiêm Xuân Cường

Nguồn: Nghiêm Xuân Cường

Mẹ tôi mất vào buổi trưa cuối tháng Bẩy. Mẹ đi nhẹ nhàng như một hơi thở. Một tuần trước khi mẹ mất, người chị lớn gọi tôi từ Cali:
"C ơi, em có về được không, me sắp đi rồi- chắc cũng chỉ độ nay mai thôi."
Cũng lạ, mình sống với mẹ gần cả cuộc đời, mình lớn lên, mẹ già đi, sức khoẻ mỗi ngày yếu dần như chiếc đèn dần cạn dầu, biết rằng sẽ có ngày mẹ ra đi nhưng dù ai có sửa soạn đến mấy, đến phút từ ly cũng chẳng thể nào sẵn sàng. Nước mắt từ đâu tràn đầy mắt tôi; vé đã lấy, chỉ chưa đặt tiền ‘confirm’ thì buổi tối chị tôi lại cho biết:
"Chiều nay anh H về, mẹ đã khoẻ lại rồi, mẹ nói sẽ ráng đợi em đó."
Sáng thứ ba 25 tháng 7, 2006. Tôi đi chuyến sớm nhất từ Detroit. Ngồi trên máy bay tôi cứ thấp thỏm, không biết mình đến nơi có còn kịp gặp mẹ phút cuối không. Tôi chỉ còn biết cầu nguyện các Chư Phật và Bồ Tát gia hộ cho mẹ được tâm vắng lặng bình an khi ra đi; lòng thầm nghĩ, nếu còn duyên thì sẽ còn gặp mẹ, có lo cũng đâu ích gì. Tôi đến phi trường LA cũng đã hơn một giờ trưa, và về tới nhà chị Nh cũng đã gần hai giờ. Tôi vội chạy lại giường nơi mẹ tôi đang nằm từ hơn hai tuần lúc ở hospice về. Các chị lại nhắc mẹ:
"Me ơi, em C. về rồi này me!"
Mắt vẫn nhắm như từ cả tuần trước, mẹ đưa bàn tay khẳng kheo về phía tôi. Tôi cầm lấy bàn tay mẹ tôi, nắm chặt lại. Đây cũng là đôi bàn tay thương yêu mà hơn bẩy chục năm trời đã miệt mài cho ba tôi và tất cả các anh chị em chúng tôi.. Mẹ nằm đó, thân thể gầy yếu sau nhiều năm bị bệnh tiểu đường, tôi nhìn mẹ, lại nhìn tấm hình Ba Mẹ tôi chụp trước đó vài năm. Hơn bẩy mươi năm trời mà các cụ còn gắn bó, đi đâu cũng không rời nhau một bước. Mấy hôm nay về đây tôi sẽ đọc Bát Nhã Tâm Kinh cho mẹ nghe. Tôi giở trang Kinh Bát Nhã bằng tiếng Việt trong Nhật Tụng Thiền Môn năm 2000 của Thầy Nhất Hạnh đọc cho mẹ nghe:
Bồ Tát Quán Tự Tại khi quán chiếu thâm sâu Bát Nhã Ba La Mật (tức diệu pháp trí độ) bỗng soi thấy năm uẩn đều không có tự tánh. Thực chứng điều ấy xong, Ngài vượt thoát tất cả mọi khổ đau ách nạn…
Mẹ ơi, mẹ ra đi an vui nhé không có gì để vướng bận đâu. Mà có lẽ mẹ hiểu điều ấy cũng dễ thôi vì tuy rằng ít đi chùa mẹ vẫn thực hành bố thí suốt cả đời mẹ rồi. Chi Kh. kể có một lần (lúc còn ở Việt Nam năm 1973) sau khi lãnh lương, chị vui sướng lắm đến gặp mẹ, nói:
"Hôm nay con mới lãnh lương, me có cần mua sắm gì không?"
1
Mẹ bảo: "Con đưa me một ngàn. Hôm nay con chở me lên Lăng Ông nhé."
Lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt, tên quen thuộc là Lăng Ông ở cách nhà chúng tôi nửa giờ xe. Trước cửa Lăng có hằng chục người ăn mày lúc nào cũng túc trực sẵn, chờ khách thập phương hảo tâm. Vừa thấy me và chị Kh họ xúm chung quanh bà cụ. Me cầm lấy nắm tiền đưa cả cho một người có vẻ lớn tuổi nhất trong bọn:
"Đây, các ông bà cầm lấy mà chia nhau nhé!"
Me vừa đi, họ lại chạy theo xin tiền nữa. Me cười, bảo:
"Có bao nhiêu tôi đã cho cả rồi còn đâu mà cho!"
Chị Kh hỏi me:
"Sao me bảo cần tiền tiêu mà lại đưa cả cho họ?"
Me cười hồn nhiên:
"Thì họ tiêu cũng đâu khác gì mình tiêu đâu."
Một lần khác, mẹ và chị Kh. đang ngồi trên xe buýt bỗng nhìn thấy một bà cụ đang che nắng cho người con trai, có lẽ là một thương phế binh cụt cả hai chân, giữa trời nắng gắt của trưa hè Sàigòn. Mẹ bảo ông tài xế xe buýt:
"Xin ông dừng xe ngay được không, tôi muốn xuống cho bà cụ ít chục bạc."
Ông tài xế phản đối:
"Phải có trạm mới dừng được chớ. Bà chờ trạm sau đi."
Về nhà, me kể lại mà cứ ấm ức thương hai mẹ con người thương phế binh ấy.
Tính mẹ vốn rất thương người. Những người hoạn nạn, túng thiếu, chỉ cần hỏi là mẹ tìm cách giúp ngay. Nếu trong nhà (thường khi) không có, mẹ lại đi hỏi người khác để vay hộ, kết quả là có nhiều lần mẹ đã phải "trả nợ đậy". Khốn nỗi vì "chẳng có cái dại nào giống cái dại nào" khi có người khác hỏi mẹ lại quên chuyện cũ và nhận lời giúp nữa. Những người giúp việc trong nhà, khi có việc đi đâu, ở nhà để dành phần cơm, mẹ cũng lựa miếng ngon nhất cho họ. Đối với những người nghèo, kém may mắn hơn mình, mẹ chẳng bao giờ có ý khinh khi mà luôn nói:
"Chẳng qua là mình may mắn hơn họ mà thôi."
Nhà đông mười người con, lúc di cư vào Nam, bố làm công chức lương chẳng bao nhiêu nên lúc nào mẹ cũng phải lo toan sao cho các con đầy đủ. Mười tám năm ở với gia đình, tôi chưa thấy mẹ có nữ trang gì ngoài chiếc nhẫn cưới giản dị. Lúc mất mẹ cũng chỉ có một chiếc bông tai nhỏ bằng cẩm thạch. Mỗi dạo Tết Trung Thu, tôi lại nhớ những năm còn bé- lúc ấy tôi khoảng 12-13 tuổi - mẹ lại làm bánh dẻo để bầy bán kiếm thêm chút tiền chi tiêu cho gia đình. Gian nhà nhỏ bỗng nhiên trở nên nhộn nhịp, chỗ này một nồi nước đường chỗ kia để nhân bánh, chỗ nọ để khuôn, chỗ khác nhồi bột… Những tiếng khuôn đập vào sạp gỗ cứ liên miên bất tận. Mẹ vất vả là vậy mà chẳng bao giờ thấy
2
mẹ than phiền. Sau này khi mẹ mất vài tháng, các chị kiếm đuợc cuốn sổ tay nhỏ của mẹ có ghi những giòng mực đã phai:
-tháng 5, 25 1966 hôm nay bốc hụi
-tháng 8, 1966 trả nợ cho ông bà M.
-tháng 4, 1967 mua hụi tại nhà bà N.
-tháng 10, mượn ông M. 100,000 lãi 6 phân…
và sau cùng
-từ tháng 7, 1978 các con đi Mỹ gởi tiền về bây giờ mới trả hết nợ
Tôi đọc những giòng đơn giản đó mà thương mẹ xiết bao. Mấy chục năm trời mẹ sống với mình, có lúc ở ngay bên cạnh mà mình có hiểu mẹ đâu. Bố tôi thì trái lại, bố biết là mình có người vợ rất đảm đang và lo toan, bố viết bài thơ tặng mẹ:
Hiền Thê
Điều khiển lo toan hết sức mình Xây nhà, mở tiệm việc tinh tinh Kỹ sư nếu luyện dư bằng cấp, Gia chánh, chuyên theo mấy khoa trình. Giòng dõi nho phong nguồn đức tính Công, dung, ngôn, hạnh, nghĩa chung tình. Bao năm chỉ thắm duyên càng đậm, Thế sự thăng trầm chẳng kém xinh. 1965
Bố mẹ sống với nhau bẩy mươi hai năm, từ tháng 11 năm 1934. Năm ấy bố tôi hai mươi sáu tuổi (hăm bảy tuổi ta) mối mai nhiều đám nhưng không thành. Một buổi sáng chủ nhật, tháng 9 năm 1934, ông đi ngang qua công viên trước cửa Vọng Cung (Thái Bình) bỗng thấy mẹ băng qua vườn hoa về nhà. Bố tôi thuật lại như sau:
Hên Không hẹn mà nên
Hăm bảy tuổi rồi ế thực ư? Gió đưa hạnh phúc đến không ngờ! Bình minh soi tỏ công viên tỉnh, Nhẹ gót băng qua bóng tiểu thư. Mối lái tuần đầu nhờ mẹ bạn, Tân hôn trong tháng thoáng như mơ! Tình yêu Hồng thắm tuần trăng mật, Tiếng sét âm thanh mãi đến giờ.
Đúng là tiếng sét âm thanh vẫn còn mãi tận hơn bảy mươi năm sau. Hai ông bà cụ già đi đâu cũng có nhau, những lúc còn khoẻ bố tôi vẫn nấu sữa cho mẹ dùng
3
… Nấu cháo luộc khoai bừng tỉnh sáng Bung ngô, pha sữa lúc lên đèn. Cơm lành canh ngọt thêm ngon miệng Dưa nén, mắm nêm vẫn thấy thèm…
Chị Nh. ở chung nhà để săn sóc bố mẹ, kể lại là mỗi đêm khi mẹ trở mình thì sẵn cái còi đeo ở tay bố lại thổi "toe-toe" lên mấy tiếng, chị lại chạy vội vào để xem bố mẹ cần gì, có đêm bố thổi còi cả mấy lần làm chị thật vất vả. Mấy hôm nay, bố tôi buồn lắm, bỏ ăn, bỏ ngủ. Tính ông cụ vốn đã ít nói, bây giờ lại càng khó cậy được nửa câu. Trưa thứ Tư, chú Nghiêm Xuân T. đến thăm bố tôi, ông cụ nói:
"Bà ấy mà đi thì tôi cũng chẳng thiết sống nữa!"
Chú T. nói:
"Anh phải ráng ăn mà sống chứ, bây giờ mà anh cũng nằm xuống thì chúng nó lo không xuể đâu!"
Bố tôi bị ung thư bàng quang (bladder cancer) từ tháng 8, 2005, mấy lần tiểu giải phẫu, sức cũng đã rất yếu từ mấy tháng trước nhưng vẫn ráng gắng gượng vì ông cụ nói:
"Tôi mà đi trước thì bà ấy khổ lắm."
Tối thứ Tư, 7-26-06. Hôm nay tôi lại đọc Bát Nhã Tâm kinh cho mẹ nghe: …Nghe đây Xá Lợi Tử: Sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc. Sắc chính thực là không, không chính thực là sắc. Còn lại bốn uẩn kia, cũng đều như vậy cả. Xá Lợi Tử nghe đây: Thể mọi pháp là không, không sanh cũng không diệt, không thêm cũng không bớt, không nhơ cũng không sạch….
Tôi hát cho mẹ bài Năm Uẩn Chẳng Là Ta nhạc phổ từ Bát Nhã Tâm Kinh. Mắt mẹ vẫn nhắm chặt, hơi thở đều. Mẹ ơi, mẹ có nghe không chúng con đang hát ru mẹ đây? Chị Tr. đứng cạnh tôi, hai chị em dựa vai vào nhau, tay nắm tay cùng hát cho mẹ nghe. Mấy chục năm trước mẹ ru cho chúng tôi ngủ, bây giờ chị em chúng tôi lại hát cho mẹ nghe. Gương mặt mẹ thật là bình yên.
Chiều thứ Sáu, 28 tháng 7, 2006. Hôm nay các anh chị trong Ban Hộ Niệm Đạo Tràng L.H. cùng một số Chư Tôn Đức Chùa B.N. cũng đến cầu an và tụng kinh cho mẹ. Mấy tháng nay, chị Kh. và quý vị trong Ban Hộ Niệm vẫn thường xuyên tới cầu an cho mẹ. Gần hai năm nay, mẹ bị lẫn (Alzheimer) hơi nhiều, có lẽ vì bị biến chứng của bệnh tiểu đường. Có lần mẹ mơ thấy ông ngoại, thấy cậu Đôn –các vị đã ra đi từ hơn năm mươi năm trước, khi tỉnh dậy mẹ lại nước mắt ràn rụa nhớ thương. Những lần sau khi được cầu an, mẹ ngủ say một mạch tới sáng và không than phiền vì mộng mị nữa. Huyền diệu thay sức mạnh của những thời kinh!
Trưa thứ Bảy, 29 tháng 7, 2006. Buổi trưa sau 12 giờ, một người bạn thân của gia đình chúng tôi, anh Ng. Y đến thăm mẹ. Chúng tôi đứng trong phòng với mẹ hơn nửa tiếng.
4
Gần 1 giờ trưa, tôi mời anh bạn ra phòng ngoài dùng bữa trưa. Chúng tôi vừa ngồi xuống sửa soạn ăn thì anh H. gọi tôi vào trong. Anh bảo tôi:
"Mẹ mới đi rồi, lúc 1 giờ trưa, bình an lắm. Anh lỡ gọi mẹ lại, mẹ mở mắt nhìn anh. Anh thưa với mẹ: ‘Thôi mẹ đi vui, chúng con sẽ cầu Phật độ cho mẹ’ Thế là mẹ đi."
Như vậy là mẹ đã đi, đi thật rồi. Mười tám năm trời ở với mẹ tôi không hiểu hết tình mẹ bao la, lòng mẹ dịu hiền thế nào. Thầy Nhất Hạnh viết về mẹ, một đoản văn (Bông Hồng Cài Áo) mà tôi nghĩ không thể có một bài viết, khúc ca, một bài thơ nào ngọt ngào mà đằm thắm hơn
…Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi. Người nhà quê Việt nam không ưa cách nói cao kỳ. Nói rằng bà mẹ già là kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách vừa giản dị vừa đúng mức:
Mẹ già như chuối ba hương Như xôi nếp một, như đường mía lau.
Ngon biết bao! Những lúc miệng vừa đắng vừa nhạt sau một cơn sốt, những lúc như thế thì không có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào mẹ đến, kéo chăn đắp lên ngực cho ta, đặt bàn tay (Bàn tay? hay là tơ trời đâu la miên ?) trên trán nóng ta và than thở "khổ chưa, con tôi ", ta mới cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, ngọt thơm như chuối ba hương, dịu như xôi nếp một, và đậm đà lịm cả cổ họng như đường mía lau. Tình mẹ thì trường cửu, bất tuyệt; như chuối ba hương, đường mía lau, xôi nếp một ấy không bao giờ cùng tận. ….
Mười tám năm ở với mẹ…rồi mười sáu năm bố mẹ sang đến nước Mỹ. Tôi bận rộn, tôi mải mê hết cuộc hành trình này đến những giấc mơ đời khác, để không biết là bên cạnh mình có một kho tàng thương yêu mà hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi. Tôi đã mất cả một kho tàng của yêu thương và hạnh phúc mà khi có tôi chưa biết trân quý. Tôi chợt nhớ một khúc nhạc rất thiết tha của Võ Tá Hân trong CD Những Ngày Bên Mẹ gần đây của anh: Thao thức canh thâu dạ héo hon Ví như băng giá lạnh trong hồn
Niềm đau mất mẹ còn trơ đó
Ân đức cao vời tợ Thái sơn
Mẹ hỡi giờ đây mẹ chốn nào?
Biết chăng con nhớ mẹ con sầu
Có nghe con gọi trong nước mắt
Mẹ hỡi bây giờ mẹ ở đâu?
(Bây Giờ Mẹ Ở Đâu, thơ Lệ Ngọc)
Tiếng hát của Vân Khánh trong giọng Huế thật truyền cảm và tha thiết, từng nốt nhạc, từng lời thơ như rót vào tai tôi. Lòng tôi lúc này như có ngàn mũi kim châm, tôi muốn chạy đến níu mẹ lại mà nào có ích gì. Con trẻ hay người lớn mà mất mẹ thì cũng khổ
5
chẳng kém gì nhau. Tôi biết sẽ có một ngày mẹ ra đi, nhưng biết không có nghĩa là có thể chuẩn bị cho nỗi nhớ tiếc tràn đến như giông bão khi mẹ ra đi.
Năm xưa tôi còn nhỏ
Mẹ tôi đã qua đời
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Ðể dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi...
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời
Ôi trời cao xa thẳm
Có nghe rõ lời tôi
Từ trần gian cát bụi
Tôi đã mất mẹ rồi!
(Mất Mẹ, thơ Xuân Tâm và Bảo Uyên)
Đó là tâm trạng của tôi bây giờ, tôi đã mất cả một bầu trời, một bầu trời đầy yêu thương, bấy lâu nay tôi đi dưới bầu trời ấy mà nào có hay. Bài thơ Mất Mẹ của Xuân Tâm và Bảo Uyên, giản dị mà thật là thấm thía. Nước mắt tôi ướt đầm trên má khi nghe những lời nhạc như quyện vào thơ. Tôi vẫn ưa thích bài thơ này nhưng đến bây giờ mới thực sự cảm nhận được cái nỗi đau da diết và thiết tha của nó. Thật là một tình cờ đến lạ lùng. Anh Võ Tá Hân mới gởi tặng tôi CD này tháng trước. Vừa nghe tôi đã thích ngay vì nó có nhiều bài về Mẹ, bài nào cũng nói rõ được tâm trạng của người con xa mẹ và nhất là người con mất mẹ. Tôi thấm thía nhất là Thảnh Thơi Mẹ Về, thơ Tuệ Kiên
Con khóc mẹ lệ rơi thổn thức
Cảnh từ ly thật quá đau thương
Mẹ đi rồi ngõ trúc vắng tanh
Đàn con trẻ từ nay mất mẹ
Ðâu dáng mẹ từ bi thuở ấy
Chờ đàn con tan lớp học về
Trước bàn thờ đâu còn dáng mẹ
Tay lần tràng miệng khẽ Nam-mô
Mẹ niệm Phật Di Ðà sớm tối
Lạy Quan Âm Bồ Tát tinh chuyên
Niệm hồng danh Chư Tổ Thánh Hiền
6
Cầu tịnh độ Tây Phương Cực Lạc
Mẹ đi rồi cháu con ngơ ngác
Thấy vô thường man mác buồn tênh
Ðời như chiếc lá bồng bềnh
Chiếc thân tứ đại lênh đênh bến nào?
Theo ánh Ðạo chuyển tâm Bồ Tát
Trọn đời nương Phật pháp huân tu
Xa lìa trần cấu ngục tù
Ta bà cõi tạm, phù du hão huyền
Buông xác phàm thuyền đà mục nát
Trọn đời tu vun phước trợ đời
Vượt qua bờ giác Mẹ ơi!
Tây Phương cõi tịnh thảnh thơi Mẹ về .
(Thảnh Thơi Mẹ Về, thơ Tuệ Kiên)
Phải rồi, để cho mẹ đi để mẹ còn về cõi Tịnh. Mình giữ mẹ ở lại khi thân xác đã mỏi mòn thì thật là tội nghiệp cho mẹ. Tôi đã được thật nhiều an ủi từ ý thơ giòng nhạc, nhất là ở hai đoạn cuối của bản nhạc. Tôi có cảm tưởng đang nghe một bài hợp tấu cổ điển, một Funeral March - thật buồn nhưng cũng thật trang trọng. Chín mươi mấy năm trời mẹ ở với chúng tôi, thời gian dù có dài đến mấy cũng chỉ là ta bà cõi tạm, phù du hão huyền mà thôi. Chúng ta, trong giờ phút đau thương của tử biệt sinh ly, đau khổ càng đau khổ hơn khi chấp cái vô thường là cái thường hằng. Bài học vô thường ở trước mặt chúng ta mỗi giây, mỗi phút. Tôi chợt nhớ đến một bài pháp thoại của Thầy Trúc Thông Phổ mà tôi đã được nghe qua: "Chết Cũng Là Một Pháp Tu". Sự ra đi của người thân là một cú "sốc" mạnh giúp chúng ta nhận rõ chân lý bất di bất dịch "sinh, lão, bệnh , tử" mà Đức Phật đã dạy từ hơn hai mươi sáu thế kỷ trước. Phật pháp đã cho tôi những phương thuốc vi diệu mà tôi sẽ phải đem dùng trong những ngày sắp tới để qua khỏi nỗi đau to tát này.
Mẹ tôi mất vào buổi trưa, nhưng chúng tôi dặn nhà quàn gần nửa đêm mới đến đem mẹ đi để thần thức của mẹ được ít nhất 8 giờ yên nghỉ. Bố tôi mặc quần áo tươm tất đi chậm đến bên giường, cầm tay mẹ một hồi lâu, Bố nói:
"Thôi bà đi vui vẻ nhé, hai tháng nữa tôi sẽ theo bà!"
Trong tiếng cầu kinh của Ban Hộ Niệm Đạo Tràng L. H. cả gia đình chúng tôi đã từ biệt mẹ tôi, chờ đến ngày phát tang,
Trưa Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2006. Hôm nay là Lễ Phát Tang của me. Tất cả họ hàng nội, ngoại gần xa, bạn bè đã tề tựu đông đủ. Trong tiếng đọc kinh của quý Chư Tôn Đức Chùa B.N. và quý vị Ban Hộ Niệm Đạo Tràng L.H. hai người nhân viên nhà quàn đặt mẹ vào trong áo quan. Mẹ nằm đó yên lặng như trong một giấc ngủ. Mẹ ơi, mẹ ngủ yên nhé! Mai này mẹ đi về cõi Tịnh, hết những đau thương phiền lụy của cõi ta bà ô trược này. Các chị đẩy xe lăn đưa bố tôi đến trước linh cữu của mẹ. Bố yên lặng một hồi lâu
7
rồi gạt giòng nước mắt, không nói gì hơn, có lẽ những gì đáng nói bố đã nói, những gì làm đuợc bố đã làm lúc mẹ còn sinh tiền. Sau đó mọi người đưa bố tôi về nhà nghỉ ngơi . Bố đã chín mươi chín tuổi ta, sức đã cạn kiệt sau gần một năm vật lộn với căn bệnh ung thư.
Chủ Nhật, 6 tháng 8, 2006. Hôm nay là Lễ Hỏa Táng của mẹ. Sắp đến giây phút từ biệt mẹ vĩnh viễn. Chút nữa đây khi ngọn lữa thiêu đốt xác thân giả hợp của mẹ thành tro bụi, chúng tôi sẽ còn gì để nhớ về mẹ. Tôi nhớ lời dạy của Bát Nhã Tâm Kinh:
Nghe đây Xá Lợi Tử: Sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc. Sắc chính thực là không, không chính thực là sắc. Còn lại bốn uẩn kia, cũng đều như vậy cả. Xá Lợi Tử nghe đây: Thể mọi pháp là không, không sanh cũng không diệt, không thêm cũng không bớt, không nhơ cũng không sạch. Cho nên trong tánh không, không có sắc, thọ, tưởng. Cũng không có hành thức, không có nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý sáu căn. Không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp -sáu trần ....
Hãy lấy cặp mắt tuệ giác mà Phật pháp đã cho ta để nhìn thật rõ, nếu nhìn như thế, tôi sẽ thấy mẹ chẳng đi đâu cả, mẹ vẫn còn đó trong tất cả các anh chị em, con, cháu nội ngoại chung quanh đây, và ngày nào chúng tôi, các con cháu vẫn tiếp tục hạnh nguyện của mẹ, ngày đó mẹ vẫn luôn luôn ở cạnh chúng tôi.
http://hanvota.com/nhac/web/cdnew/DiVeCoiTinh.pdf



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/08/2024(Xem: 3696)
Đầu tháng 8 năm nay, khí hậu Hòa Lan thật nóng. So với các nước vùng biển Địa Trung Hải ở phiá Nam Châu Âu, nơi nhiệt độ có khi trên 40 độ C, thì thời tiết ở Hòa Lan tương đối ôn hòa hơn. Tuy vậy, dân chúng cũng đổ ra biển tìm những cơn gió mát và làn nước trong xanh để ngâm mình, bởi tháng 8 năm nay là tháng 8 nóng nhất ở Hòa Lan của hơn trăm năm nay, nhiệt độ trung bình gần 20 độ, có nơi còn lên đến 30 độ C.
17/08/2024(Xem: 1132)
Cảm niệm nhân Mùa Vu Lan 2024 kính dâng Má Hải Ngọc Vương Thị Ngọc Quyên (1935-2024) Bài viết của NS Thích Nữ Thảo Liên Diễn đọc & layout video clip: Cư Sĩ Giác Nguyên
17/08/2024(Xem: 3622)
Thư Khánh Tuế Mùa Tự Tứ Phật lịch 2568 (của Hòa Thượng Chánh Thư Ký Xử Lý Viện Tăng Thống Thích Đức Thắng)
17/08/2024(Xem: 2605)
Gió lộng mưa giăng tháng Bảy về, Xa rồi bóng Mẹ… những ngày thê. Âm thầm sinh dưỡng như trời bể Lặng lẽ chan hòa tựa thủy khê. Chịu thiệt nuôi con nào lúc kể, Sống hiền với xóm chẳng đường chê. Nhà không Người, vắng tìm đâu dễ, Nhận cả ân thâm, hiếu nghĩa kề.
16/08/2024(Xem: 978)
Kìa …Hoa rực nở trong vườn có phải thay vạn ngàn lời muốn nói ? Chào đón thế gian với muôn sắc thắm tươi Như nụ cười mãn nguyện của mẹ khi con lớn thành người Và bao mỹ từ thường dùng trong … hoa tình thương, hoa nhân ái !
16/08/2024(Xem: 604)
Sẽ chẳng bao giờ nước mắt chảy ngược Sẽ chẳng bao giờ nguồn lìa bỏ suối Tình mẹ cũng thế Muôn đời là cánh đồng vàng thơm hương lúa Là cánh diều cao bay trong gió , cho con no lớn vui đùa.
16/08/2024(Xem: 923)
Đây là một sự kiện rất quan trọng chào mừng Đại lễ Vu Lan năm nay. Tại triển lãm sẽ trưng bày hơn 1500 tựa sách liên quan tới Phật giáo, văn hóa giáo dục, sức khỏe và tinh thần… Những tựa sách mới xuất bản cũng sẽ được giới thiệu tại triển lãm như bộ sách “Phật học căn bản” của tác giả Ari Ubeysekara được dịch bởi dịch giả Thủy Nguyễn và do thầy Thích Quảng Lâm hiệu đính, “Ni tổ Theravada Việt Nam” bản song ngữ Anh-Việt của Tiến sĩ Kim Lan, “Nguồn gốc Thiền Phật giáo” của Alexander Wynne, “Đạo Phật hiện đại hóa” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, “Chuyện trong nhà - Làm con hiếu hạnh”, Bộ sách “Tĩnh Tư Ngữ” của Sư bà Chứng Nghiêm, “Bí quyết để có bình an” của TS Nguyễn Mạnh Hùng,…
16/08/2024(Xem: 1065)
Edison, sinh ngày 11/2/1847, tại Milan, Ohio (Mỹ), vốn bị coi là đứa trẻ “đần độn, rối trí” (tâm thần). Vào khoảng năm 7 tuổi, một hôm cậu từ trường về nhà và nói với mẹ: “Mẹ, thầy giáo bảo con đưa cho mẹ cái này!” Cẩn thận mở ra xem, bên trong kèm lá thư của giáo viên chủ nhiệm gửi phụ huynh em Edison, nước mắt bà Nancy Elliott giàn giụa. Cậu bé đứng ngẩn người kinh ngạc, cậu hỏi mẹ rằng thầy giáo đã viết gì trong đó?.
16/08/2024(Xem: 818)
Phật giáo được truyền bá từ Ấn Độ sang Trung Quốc vào thời nhà Hán (202 TCN - 220 CN); kết hợp các nền văn hóa bản địa cố hữu, Phật giáo dần trở thành một tôn giáo có sức ảnh hưởng lớn ở Trung Quốc. Trong thời kỳ Phật giáo sơ truyền, do những đặc điểm siêu thế tục nổi bật của mình, Phật giáo từng phải chịu sự lên án của người dân Trung Quốc, đặc biệt là các Nho sĩ khi mới du nhập vào đất nước này. Các nhà sư lỗi lạc của Trung Quốc cổ đại đã phải đào sâu các tư tưởng về “đạo đức hiếu thảo” từ kinh điển Phật giáo và quảng bá, phổ biến tư tưởng này để làm cho Phật giáo phù hợp với đạo đức truyền thống Trung Quốc. Đây là nền tảng để Kinh Vu Lan, lễ hội Vu Lan được truyền bá rộng rãi ở đất nước tỷ dân này. Những tư tưởng “hiếu thảo” của Phật giáo ở các bộ Kinh Vu Lan không chỉ phù hợp với quan niệm “tôn kính gia đình” của Nho giáo Trung Quốc mà chữ “hiếu” của Phật Giáo còn có ý nghĩa cao quý hơn và vượt lên sự thế tục, có tính thiêng cao.
15/08/2024(Xem: 1473)
Tôi có hai Má : Má trước và Má sau. Cả hai bà tôi đều thương như nhau. Má trước (má ruột tôi) mất lúc tôi còn quá nhỏ đủ để không nhớ được gì hết ngoại trừ lúc Má tôi nằm trên giường bịnh. Lúc nào tôi cũng đeo dính bên cạnh bà, đó là thời gian hạnh phúc nhất của tôi. Má tôi đau nặng lắm. Bà biết mình sắp mất nên cứ gặng hỏi tôi: - Má chết rồi con ở với ai?
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]