Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tháng bảy Vu Lan

10/04/201318:42(Xem: 4990)
Tháng bảy Vu Lan

muc-kien-lien

Tháng bảy Vu Lan

 Nguyên Thảo Quỳnh My




Chuyến đi California của hai mẹ con cùng người anh khởi đầu bằng trầm lặng. Mãi đến phút chót nhờ mạng lưới điện toán, việc trở thành nhanh chóng. Chỉ vài phút trên màn điện, bấm vài lần trên bàn chữ là xong hoàn toàn việc mua vé máy bay cũng như chỗ ở. Vé mua làm xôn xao đàn em gái lúc nào cũng chăm chỉ vùi đầu vào công việc. Với lũ em, chuyện đi xa vài ngày là đắn đo quanh từng sắp đặt lớn, lắm khi không dám nghĩ đến. Vậy mà không ngờ phân nửa đàn con của mẹ cùng góp mặt trong chuyến đi. Tuy khởi hành không cùng lúc nhưng cùng điểm đến. Có lẽ, trong thâm tâm, ai cũng hiểu lần đi không dễ có bên những ngày còn mẹ.

Điện thoại reo thường hơn trước ngày đi. Người gần mẹ nhất còn chậm để mà hiểu hết những đổi thay đến với nỗi bệnh, già. Nếu kể hết những gì mẹ con trải qua từng giờ là làm tăng thêm nỗi lo lắng. Mẹ vẫn thường nằm như người kiệt sức. Những tiếng rên từ đêm kéo qua ngày nhiều hơn thời gian lần chuỗi hạt. Đôi khi mẹ ngồi lặng, ánh mắt mệt mỏi, nhìn mà như không thấy. Bên ngoài khung cửa chùm hoa yellow-bell rực rỡ trong nắng. Những cánh lá màu xanh đong đưa theo cơn gió chuyển hơi nóng của chốn 'mặt trời bên kia mùa hạ'. Bên trong, mẹ như sẵn sàng cho chuyến trở về. Buông trôi, mệt lã, co ro. Đứa con gái lẩn thẩn nghĩ tới đều không dám nghĩ. Chuyện đến đi không của riêng ai. Thôi hãy giữ cho tất cả người thương sự bình yên, quên đi đón nhận cho dẫu mai này mẹ như thoáng hương mưa. Mẹ không còn sức lễ chùa. Không còn dịp nhận ra từng ánh hạnh phúc của lũ con khi nhận hoa hồng đỏ. Riêng phần mẹ tóc lơ thơ ánh bạc, vẫn không nguôi bên nụ hoa trắng, được cài lên áo từ khi mẹ chưa qua tuổi hai mươi. Chợt nhận ra dù ở tuổi nào, nỗi yêu thương khi nghĩ đến người mẹ đã xa đời, vẫn theo hoài đến cuối hành trình của kiếp người. Vu lan năm nay, năm đứa con cùng mẹ thêm cơ hội gặp lại những khuôn mặt thân quen.
Bữa ăn tối đầu tiên quanh bạn bè thời đi học ở Bình Long. Trong mẹ rưng rưng nỗi nhớ, thầm gởi về những người đã khuất. Nỗi nhớ đậm sâu hơn, vẫn là đứa con dâu từ trần chưa được một năm. Mới mùa hè năm nào, còn tiếng nói còn nụ cười với những khuôn mặt thân quen của đêm nay giữa Cali. Giọng nói quen nghe mấy mươi năm, bỗng trở về đâu đó qua âm thanh quen thuộc. Người mẹ lẩn thẩn, bàng hoàng gọi tiếng con ơi nơi hình dáng khác. Tuy nhớ và quên trộn lẫn trong nhau, thỉnh thoảng mẹ vẫn nhận ra người ở lại đang chạy trốn nỗi cô đơn. Bằng cách đuổi bắt, đi tìm hạnh phúc Tự hỏi, vì sao con người thường không nhận ra hạnh phúc luôn có mặt trong những điều nhỏ, đơn sơ ở gần, mà luôn nghĩ nó trong quá khứ đang đợi chờ mình đâu đó trên tương lai? Cho nên phải hụt hơi chạy đuổi, vươn tay nắm bắt họa may sẽ gặp. Mẹ 87 tuổi vẩn nguyện cầu, biết tới bao giờ đứa con tỉnh giấc chiêm bao. Đi tìm lại mình qua câu hỏi vì sao con hiện diện nơi đây. Sẽ đến đâu, sẽ về đâu? Người mẹ thầm ao ước. Sẽ có một lần nào đó thật gần. Con bước tới đứng bên cạnh mẹ, nhìn cuộc đời trôi qua như những đám mây, như mặt biển với muôn ngàn đợt sóng, mà thân phận con người như hạt cát nhỏ, như giọt nước hòa trong biển khổ mênh mông.
Cũng đêm nay bên cạnh bè bạn thuở học trò của đứa con trai, người mẹ tưởng chừng con chưa bao giờ lớn. Vẫn chân thành, say mê, thêm chút ngu ngơ như của những năm trung học. Gặp lại đứa bạn nối khố của con, mẹ hồi nhớ chuyện của mấy mươi năm về trước. Bốn năm đứa trẻ 16, 17 tuổi bỗng một ngày bỏ ra đi. Chúng nghĩ mình đã lớn, thấy gia đình là chiếc lồng giam hãm và bó buộc. Chưa kể kèm sự nghiêm khắc của mẹ cha. Ngôi trường trung học công lập duy nhất trong tỉnh lỵ cũng chỉ là ngôi trường nhỏ bé, nghèo nàn. Không gian hạn hẹp, tù túng không đủ cho những con chim tung cánh lượn bay. Và hơn hết, tỉnh nhỏ buồn, hiu quạnh quá không thêm gì để khám phá. Nắng gió, mưa và bụi đỏ. Những con đường, dốc chập chùng. Rừng núi thấp, bao quanh những đồn điền cao su. Những buôn, sóc thượng ẩn khuất trong đồi núi. Tất cả gói trọn trong kỷ niệm của thời thơ ấu. Các bà mẹ có con đi mất vội tìm nhau. Vẫn chưa quên được bên dưới chiếc khăn mỏ quạ màu đen, có đôi mắt nhòa giòng lệ lại thêm vật vả ngược xuôi kiếm sống trong chiến tranh. Những bà mẹ hoang mang hốt hoảng, lo âu. Sợ con mất dấu bởi không dễ rũ bỏ bổn phận đang đè nặng trên vai để đi kiếm tìm con. Trong trí nhớ thật mờ đọng lại, đứa em gái nhỏ ngơ ngác khi nghe tin người anh bỏ nhà đi. Giữa lo lắng, khổ đau của nhiều bà mẹ, đứa em gái tò mò muốn hiểu về anh. Trên mặt chiếc hầm tránh đạn pháo kích trong nhà, là giang sơn nhỏ của anh. Có quyển sách chưa đóng lại. Những trang sách bị nhàu qua nhiều lần giở. Nó đọc đi, đọc lại. Cố hiểu mà nó không đủ sức hiểu nỗi. Chỉ lờ mờ lý do anh nó bỏ đi, bên sự in lặng của cha, nỗi chịu đựng của mẹ. Đứa bé ngày xưa loáng thoáng nhớ đôi câu, cho dẫu chuyện vừa xẩy ra, nó quên ngay trước khi muốn nhớ. "Cho đến lúc này, gia đình không còn là chốn thiên đường....Thiên đường đã khép lại phía sau. Trước mặt là gọi mời, thênh thang rộng mở..." Con bé nhủ thầm. Anh nó ước mơ phương trời cao rộng. Cầu mong cho những cánh chim được bình yên. Sau mấy ngày làm dế mèn phiêu lưu ký ở Saigon, lũ học trò thơ dại mơ làm người lớn, mơ tự lập lặng lẽ trở về như lúc ra đi. Không có cánh cửa nào mở ra trên mảnh đất thiếu hai chữ gọi là cơ hội. Người thành phố còn gian nan kiếm sống trong thời chinh chiến lan tràn. Làm sao lũ trẻ tỉnh nhỏ chơn chất, hiền lành chen chân. Người cha dẫu đầy giận dữ vẫn không nói một câu, bởi chính ông năm 15 tuổi cũng lặng lẽ rời quê nhà theo đoàn người tiến vào phương nam lập nghiệp.
Trở về, an phận bên khung trời cũ. Những trò chơi tuổi nhỏ thưa dần. Mẹ thôi than, nhắc con đừng nghịch ngợm cùng chúng bạn rũ nhau ăn cắp trái cây trên bàn thờ lộ thiên. Một lần mẹ bất ngờ tiếp người khách lạ. Một cô bé học trò mỗi ngày đi học ngang qua nhà có khuôn mặt xinh. Cô bé sau phút e dè đã thưa với mẹ rằng, cô bị người anh và đám bạn đi theo trêu chọc mãi. Mẹ lắng nghe ngạc nhiên, vừa cố giữ nụ cười đến tự trong lòng, từ tốn nói vài câu cho cô bé an tâm. Người con gái vào nhà "mét mẹ" mang tên một vầng trăng. Còn có mấy chữ kèm theo sau tên nữa. Đứa em nhỏ muốn hỏi anh chị vì sao nhưng cứ mãi quên. Nó cũng lấy làm thắc mắc. Anh nó thường đón đường răn đe những đứa con trai lảng vảng theo sau em gái trên đường đi học. Anh cũng giống họ thôi mà sao không hiểu. Tuổi học trò qua mau. Thi hỏng tú tài anh vào quân đội, an phận làm người lính dẫu đã lấy được hai mảnh bằng liên tiếp ở mùa sau. Chỉ vì muốn được ở gần tiếp tay chăm sóc lũ em với mẹ cha. Đứa em gái kế uổng công anh giữ gìn bảo vệ, đã bỏ lại sau lưng tất cả để ra đi. Em gái theo chồng rời quê hương mùa xuân. Không ai có thể ngờ mùa hạ năm đó trở thành mùa hè đỏ lửa đi vào quân sử. Chỉ gói gọn trong hai tiếng chiến tranh, mấy chục ngàn con người hiền lành đã thật sự nếm trải, chia nhau nỗi đói khát, sợ hãi, đau thương, lẫn vào tuyệt vọng. Máu và nước mắt, tàn phá và chia lìa. Không nhớ hết và không đếm hết. Bao người thân bè bạn đã ra đi. Biết bao người nằm xuống trong cuộc chiến. Rời tỉnh lỵ hoang tàn đổ nát, bước chân người mẹ tiếp tục trải dài theo những dặm đường chinh chiến con đi. Bỏ lại sau lưng vùng đất thê lương, anh đi xa mãi tận đôi bờ vĩ tuyến. Người mẹ hiền mộc mạc, từng có mặt trên những chuyến trực thăng tìm thăm con trai bị thương sau cuộc hành quân. Cơ nghiệp hơn nửa đời tạo dựng không còn dấu vết để lại. Hiện tại không hơn những cánh bèo trôi. Mẹ không còn nhớ hay không có thời giờ để nhớ. Bởi trái tim cùng khối óc đã theo những đứa con ở chiến trường xa.
Ngày tàn cuộc chiến cũng là ngày bắt đầu cho những phân ly. Đêm hội ngộ không chỉ với bạn bè thời đi học. Còn có những người ra biển với con. Ngày đó cạn khô giọt nước mắt, cho người ở lại nguyện cầu. Chỉ đêm nay, mẹ mới có dịp ngồi nghe chuyện kể, cuộc hành trình vượt biển của con qua những người bạn cùng có mặt trên chuyến tàu thuở ấy. Từ nỗi chết tìm về đất sống. Họ chia nhau thật nhiều nên ân tình mãi tràn đầy. Đứa em gái từng nhận những lá thư từ đảo gởi về, người anh khẩn khoản xin em ở lại chờ ra đi cùng mẹ. Xin đừng ra biển như anh. Bây giờ gặp lại người năm xưa cùng chung chuyến ra đi với anh trai. Nó được nhắc kèm câu hỏi là
- Em có nhớ?
- Nhớ gì?
- Ngày đó ra đi tưởng không bao giờ gặp nữa. Đâu ngờ chuyến công tác cuối cùng hai anh em cùng gặp được em trong cái hãng năm xưa. Mời em đi uống cà phê - ly cà phê cuối để chia tay. Nhưng lời giữ lại nên em vẫn hồn nhiên không biết.
Người anh, vốn hay im lìm cũng hỏi một câu:
- Gặp lại sau mấy mươi năm em thỏa lòng chưa?
Thay câu trả lời là nụ cười. Không cần nói thêm. Những dòng sông đã tìm ra biển. Nước bây giờ hay nước ngày xưa vẫn là nước thôi. Không nhận ra nhau nơi xứ lạ, kỷ niệm ngày xưa chỉ là ý niệm không hơn. Chỉ còn lại những gì trong hiện tại. Còn gặp được nhau, còn có cuộc sống bình yên là còn đủ quý, đủ vui. Mẹ ngồi nghe chuyện của nhiều năm thất lạc. Thỉnh thoảng mẹ nhắc những kỷ niệm, những ngày tháng khó quên trong trại tạm cư Gò Đậu, Phú Văn. Ở đó có những bà mẹ ngậm ngùi nhìn con mình, đang trong tuổi tươi đẹp nhất của đời người mà tương lai vụt tắt trong ngọn lửa chiến tranh, mang kiếp sống lang thang chẳng biết sẽ về đâu. Mẹ nhận ra những ánh mắt thân thương, kèm câu nói chân thành trìu mến.
- Nhìn dì, làm nhớ mẹ con nhiều. Mẹ hy sinh ở lại cho đàn con vượt biên. Đời sống xứ người cùng những nỗi lo tiếp nối tháng năm. Nhớ nhiều mà hẹn lần hẹn lựa cũng nhiều. Bây giờ không còn cơ hội cho con về thăm mẹ. Nói ra thì muộn. Nếu biết mẹ sớm ra đi, con sẽ không ngần ngại mỗi năm mỗi về thăm.
Câu nói không dưng làm nhớ lại bài hát hằng đêm vẫn nghe:
Có lúc ta quên màu tóc mẹ Đã một thời dải nắng, dầm mưa Có lúc ta quên nhìn trán mẹ Còn bao nghĩ suy dù ta lớn khôn rồi Có lúc ta quên nhìn mắt mẹ Còn chờ ta mỏi ngóng đêm sâu Có lúc ta quên nhìn dáng mẹ Chợt quạnh hiu ngày ta bước vào đời Có lúc ta quên thời gian qua Đường ta càng xa, vòng tay mẹ ngắn lại Có lúc ta nghe từng nhịp đời Mẹ thật gần sao ta quá xa Có lúc ta quên nhìn áo mẹ Chợt mỏng manh quang gánh chiều đông Hát khúc hát ai quên mình có mẹ Một ngày kia lặng lẽ bên cuộc đời...
(nhạc và lời Minh Đức)
******
Mẹ ngồi đó, bên bãi cỏ xanh. Chung quanh những tàng cây che nắng. Vẫn còn mùa hè mà sao lạnh theo từng cơn gió. Một người đàn ông đến gần, giọng nói ôn tồn:
-Chắc bà bị lạnh. Nếu bà không ngại, xin bà dùng tạm chiếc áo của tôi cho ấm.
Mẹ ngạc nhiên và xúc động. Có chút e dè trong câu nói cảm ơn khi đưa tay nhận chiếc áo từ người đàn ông luống tuổi. Một góc công viên bắt đầu nhộn nhịp. Không hẹn mà từng nhóm nhỏ tụ lại. Những vòng tay ân cần trao ngày hội ngộ. Tiếng gọi tên mừng rỡ, bất ngờ chen lẫn tiếng cười, như giờ ra chơi trong sân trường ngày cũ. Những cánh chim phiêu lãng đã tìm về theo tiếng gọi đàn. Buổi hội ngộ đầu tiên, giản dị như tâm hồn mộc mạc của người dân miền cao su đất đỏ Bình Long. Tiếng mời gọi đến với nhau, đứng sát vào nhau để có một tấm hình lưu niệm được lập lại nhiều lần. Dường như ai cũng nghĩ thời gian không đủ để hàn huyên sau mấy mươi năm cách biệt. Từ Delaware, Minesota, Georgia, Alabama, Texas, ... và Việt Nam hội tụ về đây, dường như ai cũng mang trong lòng nỗi bồi hồi trộn lẫn niềm vui. Tuổi học trò, bạn cũ, thầy cô. Những người thân quen một thuở chia nhau đau thương trong cuộc chiến, khởi đi từ Bình Long đến Phú Văn, Rừng Lá, Gia Rây, ... Mỗi nơi dừng lại đánh dấu chặng đời tủi cực. Làm sao mà quên được đoạn đời buồn như lá cây rừng, như đám mây bay ngang qua bóng núi. Những đấng sinh thành ai mất ai còn sau chiến tranh. Dẫu ở lại hay tha hương. Có hai bà mẹ được mời đứng cạnh nhau chụp tấm ảnh đánh dấu ngày gặp lại. Đưa mắt nhìn quanh, lòng chùng xuống khi bỗng dưng nắm được nỗi buồn trốn tránh. Có lẽ nào, nơi đây chỉ còn lại hai bà mẹ trong ngày hội ngộ.
Mẹ thoáng bỡ ngỡ, rồi niềm vui tràn hiện trong đôi mắt chồng chất nếp gấp thời gian.
-Con chào dì Hai. Dì còn nhớ con không?
Mẹ làm sao quên được đôi vợ chồng bạn của con mình. Hai người mẹ cũng là hai người có một thời ở gần nhau, đồng cam cộng khổ bên nhau. Kỷ niệm ngày đó bỗng ùa về làm ấm trái tim già nua. Mẹ nhắc lại nhiều điều tưởng đã xóa nhòa trong ký ức. Những đứa con ngạc nhiên nghe chuyện kể, ngỡ đâu mới hôm qua. Đứa xúc động, đứa bùi ngùi vì mẹ không còn. Đứa băn khoăn nhớ mẹ, nghĩ về khoảng không gian cách trở. Biết còn gặp mẹ được bao nhiêu lần nữa trong đời. Thêm một ngày qua đi, là thêm ngắn đoạn đường mẹ yêu chạm điểm dừng. Chợt nghe thương câu nói của người anh vừa tìm gặp lại ở bên kia nửa vòng trái đất.
- Anh về Saigon học tiếp, trước khi chiến trận xẩy ra vào mùa hè năm 1972. Nghe đến thuộc lòng những gì mẹ kể trên đường chạy loạn nên một đôi lần anh đã trêu đùa nói với mẹ rằng. "Đây là chuyện được kể đến lần thứ một ngàn một trăm lẻ một rồi, mẹ có biết không?". Khi mẹ mất, anh ước được ngồi nghe những câu thủ thỉ kể chuyện xưa. Dẫu mẹ có kể thêm ngàn lần nữa, anh nghĩ anh sẽ được thêm ngàn lần hạnh phúc.
Đã từ lâu, ý niệm "của ta" trong đó bao gồm gia đình, bè bạn, thầy cô, nơi chốn,... gần như không còn ranh giới. Khi sự phân chia vắng mặt, tình thương, tình người rộng mở khắp cùng. Được gặp lại những người chị, người anh không dễ gặp lần sau. Những người mẹ, người thầy tóc bạc màu. Được chia với nhau những phút giây đầm ấm thân thương trong buổi sáng chủ nhật giữa bầu trời California đẹp. Đó chính là hạnh phúc mà những đứa con muốn mẹ cùng chia, quanh những người từng chia chung một thuở.
Bên ổ bánh mừng ngày hội ngộ, vị cựu hiệu trưởng ngày xưa xin được mời mẹ cùng lên cắt bánh với ông. Có chút ngại ngùng thoáng gặp trên nét mặt, của người không quen hiện diện giữa đám đông. Xưa mẹ chưa từng có mặt bên con trong chuổi dài của thời cắp sách đến trường. Mười đứa con trên hai đôi vai mỏi, cũng đành để con tự lo liệu lấy. Nay mẹ ngồi giữa, vây quanh là bạn, là thầy của các con mình. Quá khứ ở lại cùng năm tháng. Với mẹ giờ đây chỉ còn hiện tại mà thôi. Những đứa con chia nhau hạnh phúc lặng thầm. Mẹ sẽ mang theo hành trang trên đoạn đường về là hạnh phúc, an vui. Cùng với câu niệm phật đã gắn liền như hơi thở.
Mẹ kính yêu của chúng con. Thêm mùa Vu lan nữa mẹ con mình không đến chùa dự lễ với thầy. Chúng con vẫn cảm nghe hạnh phúc vô biên bên lời nhắc:
-"Hãy tận hưởng ân phước của mình, khi con còn cơ hội chăm lo cho vị Bồ Tát tại nhà là Mẹ".

Nguyên Thảo Quỳnh My
mùa vu lan 2009
http://www.quynhmy.blogspot.com



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 6110)
Do Thầy Hằng Trường & Thầy Hằng Đức hướng dẫn tổ chức từ ngày 15-23/8/2009 tại Houston Chín ngày Lương Hoàng Sám thoạt đầu tưởng rất dài nhưng trôi qua thật mau. Thiệt tình lúc đầu tôi đăng ký tham gia vài ba ngày của khoá tu phần lớn là vì tò mò muốn biết Lương Hoàng Sám ra sao thôi. Không ngờ rằng đi một ngày rồi thì thấy quá hữu ích nên tôi tiếp tục hăng hái tham gia đầy đủ cho đến ngày chót.
10/04/2013(Xem: 4593)
Mười sáu tuổi con nào đã lớn Chưa trưởng thành mẹ đã bỏ con đi Mười sáu tuổi con mồ côi mẹ Chẳng thể nào tin, mẹ mãi xa con Làm con trai khóc không thành tiếng Nước mắt chảy ngược dòng trong nức nở Mẹ ơi !
10/04/2013(Xem: 4521)
Mẹ yêu ơi, hôm nay ngày của mẹ Con lang thang tìm bóng mẹ đâu đây Ngày ra đi, con nhớ dáng mẹ gầy Đưa tay vẫy chào con thơ lần cuối
10/04/2013(Xem: 8523)
Xin tặng cho những ai được diễm phúc còn có Mẹ Đỗ Trung Quân - 1986 Con sẽ không đợi một ngày kia khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?
10/04/2013(Xem: 4806)
Cả cuộc đời mẹ vất vả vì con Từ thuở ấu thơ cho đến giờ khôn lớn Khi bước chân con không còn chập chững Gánh nước mỗi ngày mẹ như thấy nặng hơn.
10/04/2013(Xem: 5229)
Em kể về mẹ em bằng giọng văn thật là ngây dại rằng " một buổi trên đường vượt biển chuyến ghe em bị đánh cướp hai lần chúng ăn hiếp mẹ ba giận xông vào đánh trả
10/04/2013(Xem: 5025)
Trời cuối năm rồi gió bấc thổi từng cơn con lại muốn viết những dòng về mẹ như câu chuyện tình con chưa được kể Vẫn ôm trong lòng thao thức với thời gian bảy lượt xuân về con xa mẹ bảy năm mái tóc mẹ nỗi u hoài nhuộm bạc
10/04/2013(Xem: 4904)
Mẹ ơi, đời mẹ khổ nhiều Trách đời, mẹ giận bao nhiêu cho cùng Mà lòng yêu sống lạ lùng Mẹ không phút nản thương chồng, nuôi con.
10/04/2013(Xem: 5357)
Một cánh hồng con kính dâng tặng mẹ Suốt một đời mẹ lặng lẽ hy sinh Thương đàn con mẹ cực khổ quên mình Nuôi con lớn trong tình yêu vĩ dại
10/04/2013(Xem: 4637)
Buồn lắm mẹ ơi, đêm trường viễn xứ Con nhớ nhung hoài tiếng mẹ hiền ru Thương mẹ lắm, giờ đây xa cách mãi Chuyện tao phùng biền biệt cõi thiên thu!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]