Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thập loại chúng sinh

10/04/201318:42(Xem: 4123)
Thập loại chúng sinh

lotus8Tuyển tập bài viết về Vu Lan - 2009

Thập loại chúng sinh

Huệ Trân

Nguồn: Huệ Trân

Là người Việt Nam, ít ai không thuộc dăm ba câu trong truyện Kiều, cũng như ít ai không biết tác giả áng văn tuyệt tác viết bằng thể thơ lục bát đó là thi hào Nguyễn Du. Rất nhiều đoạn, nhiều câu, nhiều tình huống trong truyện Kiều đã trở thành văn học dân gian vì những tâm trạng, những hoàn cảnh đó quá gần gũi với môi trường thực tế trong xã hội, cả thời xưa cho đến ngày nay.
Ngoài Truyện Kiều đã quảng bá khắp dân gian, thi hào Nguyễn Du còn là tác giả của một tác phẩm mà không mùa Vu Lan nào không được nhắc đến. Đó là bài “Văn tế thập loại chúng sinh”.
Tự thân Nguyễn Du đã nhận chịu quá nhiều đau thương buồn tủi từ thuở ấu thơ nên tâm hồn rất nhạy cảm trước nỗi đau nhân thế. Những tác phẩm của tiên sinh thường bàng bạc tinh thần Phật giáo qua luật nhân quả, vòng tử sinh luân hồi, vay trả mà chưa phân minh thì sau khi thác sẽ thành những oan hồn uổng tử, vất vưởng khắp chốn u tối mịt mùng. Những oan hồn đó chỉ trông chờ vào mùa mưa tháng bẩy, chầu chực miếng cơm chén cháo nơi các trai đàn chẩn tế thí thực cho!
Tại sao lại tháng bẩy?
Vì đó là thời điểm Đức Phật dạy ngài Mục Kiền Liên phương thức cứu mẹ khỏi chốn địa ngục A-Tỳ. Lòng thành của người con thảo thỉnh cầu Chư Tăng đang tụ hội về trong ngày Tự Tứ, cùng góp lời cầu xin và sám hối, không những đã cứu được bà Thanh Đề khỏi nghiệp gông cùm đói khát, mà cũng trong ngày đó, năng lượng dũng mãnh của Chư Tăng còn lan tỏa, xá tội được cho tất cả bao oan hồn uổng tử vất vưởng chốn u tối ngục hình.
Nhân gian từ đó noi theo, lấy ngày rằm tháng bẩy là ngày Vu Lan báo hiếu, đồng thời lập đàn, bày thực phẩm thí phát cho những oan hồn bơ vơ không ai tế độ.
Văn minh nhân loại, hợp cùng y học thực tiễn, dù tinh vi đến đâu cũng chưa thể giải thích thỏa đáng những trường hợp hiển linh, chứng minh về sự cố “Chết, chưa là hết. Chết mà chưa siêu được thì hồn vẫn vất vưởng trong cõi u minh”.
Kinh Pháp Cú có đoạn dạy rằng “kẻ nào không tin luật nhân quả, không tin có sinh tử luân hồi thì không điều ác nào mà kẻ ấy không dám làm” Lời dạy này thật đơn giản, vì nếu không tin làm ác gặp ác, thì cứ việc gì mang lợi tới cho bản thân là làm, dù việc đó gây tai hại cho người khác; Không tin luân hồi sinh tử thì đang có thân người đây, mục đích duy nhất là phục vụ thân này, dù dẫm đạp lên người khác, vì khi chết là hết, can chi phải nương tay, dại gì không tận hưởng!
Thương thay cho những ai lập luận rằng nhân quả và luân hồi vô hình vô tướng, mù mờ quá, lấy gì mà tin! Họ thấy chăng những cái có hình có tướng đang nắm giữ trong tay, cột chặt trong người mà vẫn chớp mắt vuột mất thì lại quyết tin là có thật! Này là bằng hữu tôi, này là tri kỷ tôi, này là vợ, này là chồng tôi, này là những gì quý nhất, bền bỉ nhất của tôi, nhưng tỉnh dậy mà nhìn quanh xem, nhan nhản biết bao cảnh vô thường. Bóng câu chưa khuất ngang khung cửa thì tình đã nhạt, hương đã phai, những cái tưởng của tôi muôn đời, đã lạnh lùng biến dạng, đã là của người khác!
Tình đã thế, tiền thì sao? Này là xe tôi, này là nhà tôi, này là của cải tôi, chỉ cần qua một đêm mộng mị, tình huống ngoài xã hội kia chợt thay đổi khiến tiền cất kỹ trong băng trở thành giấy, ngôi nhà đang ở trở thành nợ nần, không chạy khỏi cho mau sẽ còn mang lụy!
Những gì có hình có tướng, ngỡ đã cất giữ thật chặt, thật kỹ đó, chúng ta vẫn thường đau khổ chứng kiến sự ra đi phù du của chúng. Nhưng lạ thay, dù thấy, dù biết, ta vẫn cố níu kéo cho tới ngày thành ma vất vưởng!
Tiên Sinh Nguyễn Du động lòng trắc ẩn đã dùng ngòi bút lân mẫn mà khóc cho thập loại chúng sinh:
Thập loại là những loại nào,
Gái trai già trẻ đều vào nghe kinh

Nguyễn Du cất tiếng kêu cứu, khóc cho tất cả kiếp nhân sinh khi sống đã buông lung, không sợ nhân quả, lúc thác đi, làm ma côi cút lang thang. Mười loại chúng sinh tiêu biểu trong xã hội, từ vua quan tể tướng, kẻ sỹ, kẻ nông, kẻ già, người trẻ, kẻ thầy, người thợ, nếu thác đi không ai tế tự, đều mòn mỏi đợi mùa tháng bẩy tìm về những trai đàn chẩn tế:
Tiết tháng bẩy mưa dầm sùi sụt
Toát hơi may lạnh ngắt sương khô
Não người thay buổi chiều thu
Ngàn lau khóm bạc lá ngô đồng vàng
Đường bạch dương bóng chiều man mác
Ngọc đường lê lác đác mưa sa
Lòng nào lòng chẳng thiết tha
Cõi dương còn thế, nữa là cõi âm!

Những kẻ lúc sống, ngủ vùi trong giấc mộng vô thường, khi thác đi mới chợt tỉnh thì ôi thôi:
Khi nằm xuống không người nhắn nhủ
Của phù vân dù có như không
Sống thời tiền chảy, bạc ròng
Thác không đem được một đồng nào đi!

Khi đó, thân người chẳng có, trí huệ cũng không, bà con quyến thuộc nay đều trở thành người dưng kẻ lạ vì:
Mỗi người một nghiệp khác nhau
Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ!

Nguyễn Du là người từng lắng tâm, tụng đọc kinh Kim Cang hàng ngàn lần để thấu đáo sâu sa lẽ vô thường “Nhất thiết hữu vi pháp. Như mộng huyễn bào ảnh. Như lộ diệc như điển. Ưng tác như thị quán” (*)
Từ đấy, mới rộng lòng xót thương bao kẻ chưa kịp tỉnh giác đã vội thác làm ma, đồng loạt lang thang khổ sở như nhau, chẳng còn chi là giầu nghèo, cao thấp nữa. Nguyễn Du đã nhỏ lệ, cất lời cầu xin bình đẳng cho tất cả:
Hương khói đã không nơi nương tựa
Phận mồ côi lần lữa đêm đêm
Còn chi ai khá, ai hèn
Còn chi mà nói ai hiền, ai ngu
Tiết đầu thu dựng đàn giải thoát
Nước tịnh bình tưới hạt dương chi
Nương nhờ Đức Phật từ bi
Giải oan cứu khổ, hồn về Tây Phương

Là con Phật, nếu chúng ta tin, hiểu lời Phật dạy, ta sẽ dễ dàng biết mở rộng cánh cửa từ bi sẵn có trong mỗi trái tim để cùng chia xẻ với ngài A Nan khi thấy Đức Phật dừng lại bên đường và quỳ lạy đống xương khô. Trong đống xương hỗn độn đó, với vòng sinh tử luân hồi chưa từng ngưng dứt, mấy ai dám chắc không có thịt xương ông bà, cha mẹ mình! Sự chiêu cảm giữa đất trời và âm dương chia cách là những thực thể chúng ta từng thấy:
Bóng phần tử xa chừng hương khúc
Bãi tha ma kẻ dọc người ngang
Cô hồn nhờ gởi tha phương
Gió trăng hiu hắt, lửa hương lạnh lùng!

Trong niềm bi ai khóc cho lỗi lầm nhân thế, Nguyễn Du cũng không quên những oan hồn trẻ thơ, chưa tội tình gì mà đã thác oan. Những linh hồn bé bỏng, chưa tự lo liệu, chưa biết nghĩ suy, làm sao nơi cõi âm tăm tối mà tìm được hạt cơm, hớp cháo!? Tiếng khóc này của Nguyễn Du mới cực kỳ bi thiết làm sao:
Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé
Lỗi giờ sinh, lìa mẹ, lìa cha
Lấy ai bồng bế xót xa
U ơ tiếng khóc, thiết tha nỗi lòng!

Thương thay, bao oan hồn bơ vơ, lầm lũi theo nhau trong đêm tối:
Nghe gà gáy tìm đường ẩn tránh
Lặn mặt trời lẩn thẩn tìm ra
Lôi thôi bồng trẻ dắt già
Có khôn thiêng cố lại mà nghe kinh

Bằng tất cả niềm tin dũng mãnh nơi năng lượng vô biên, mầu nhiệm của Chư Phật, Nguyễn Du khuyến tấn:
Kiếp phù sinh như bào như ảnh
Có chữ rằng: Vạn cảnh giai không
Ai ơi, lấy Phật làm lòng
Tự nhiên siêu thoát khỏi vòng trầm luân

Với sự tin tưởng đó, Nguyễn Du tiên sinh đã kết thúc “Văn tế thập loại chúng sinh” bằng một trai đàn chẩn tế, thành tâm dâng cúng:
Ai đến đây, dưới trên ngồi lại
Của làm duyên chớ ngại bao nhiêu
Phép thiêng biến ít thành nhiều.
Trên nhờ Tôn Giả chia đều chúng sinh
Phật từ bi hữu tình phổ độ
Chớ ngại rằng có có, không không
Nam Mô Phật, Nam Mô Pháp, Nam Mô Tăng
Nam Mô nhất thiết siêu thăng thượng đài.

Nhân mùa Vu Lan báo hiếu và cúng thí cô hồn, xá tội vong nhân, xin trích lại phần nào bài văn tế của thi hào Nguyễn Du để góp lời cầu nguyện dâng lên mười phương Chư Phật, Chư Bồ Tát, Chư Hiền Thánh Tăng, xin nhủ lòng lân mẫn cứu độ muôn loài còn đang ngụp lặn trong bể khổ sông mê, sớm đủ duyên chạm được ánh từ quang mà vượt thoát.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát.

Huệ Trân
(Biển Dài – Mùa Vu Lan 2009)





(*) Kệ kinh Kim Cang.
- Những câu thơ song thất lục bát là trích trong văn bản “Văn tế thập loại chúng sinh” của thi hào Nguyễn Du



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 4055)
Hướng nhìn về vầng trăng trên cao, mỗi người trong chúng ta sẽ có rất nhiều cách nhìn và suy nghĩ khác nhau phụ thuộc vào cảm thụ, cảm thức từng người. Tùy thời điểm rung động sai biệt của con tim, vầng trăng bất động tưởng chừng như vô thức sẽ trở nên sống động và hàm ẩn nhiều ý nghĩa dạt dào. Ở đây, hình tượng vầng trăng mà tôi nói đến chính là một điểm để hướng về, một nơi qui hướng tin cậy, một nhân cách sống.
10/04/2013(Xem: 4501)
Chiếc lắc bạc rất đẹp của mẹ được bắt đầu như là “chiếc lắc bà”, với những vật lưu niệm có khắc tên và ngày sinh sáu đứa cháu của mẹ. Có những dòng thông tin về một đứa cháu gái hoặc cháu trai; những người khác, được ghi đơn giản trên những chiếc đĩa bạc. Thế rồi mẹ gắn thêm vào vật kỷ niệm cho tôi và cho Art, anh trai tôi. Nhiều thập kỷ sau khi kết hôn, mẹ có một chiếc nhẫn cưới bằng kim cương mới, mẹ lại gắn chiếc nhẫn bạc mỏng trước đây vào chiếc lắc.
10/04/2013(Xem: 8471)
Bài nầy chỉ nhằm tóm lược một số điểm chính đã được trình bày tại Hội Nghị Khoáng Đại Kỳ 4 của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Úc Đại Lợi-Tân Tây Lan, được tổ chức tại Chùa Pháp Hoa, Adelaide, ngày 17-19 tháng 3 năm 2011.
10/04/2013(Xem: 3865)
Mẹ và quê hương là chủ đề đêm ca nhạc do Đại đức Thích Chơn Thức, trụ trì chùa Bửu Long, xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa tổ chức vào tối 29-7-2011 tại chùa Bửu Long, nhân mùa Báo hiếu Vu Lan PL.2555
10/04/2013(Xem: 4100)
Mùa Vu lan báo hiếu PL.2555 một lần nữa lại về, mùa mà tất cả những người con Phật noi gương Đức Mục Kiền Liên “Nguyện làm con thảo”. Đối với Đạo Phật “Hiếu tâm tức thị Phật tâm” (孝心即是佛心) - Lòng Hiếu tức là lòng Phật, hoặc “Hiếu vi công đức mẫu” (孝為功德母) - Hiếu là mẹ các công đức.
10/04/2013(Xem: 4722)
Chùa Bửu Long, ngôi chùa cổ trên 200 năm ở Diên Khánh 寶 龍 寺 Thôn Lễ Thạnh, xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa ĐT. 0583.784061 Trú trì: Đại đức Thích Chơn Thức
10/04/2013(Xem: 5157)
Lâu rồi ý niệm của câu tục ngữ Rằm tháng Bảy, kẻ quảy người không vẫn cứ in sâu trong lòng tôi. Tôi vẫn còn nhớ lúc cuộc sống khốn khó, tôi đã từng nghĩ, ừ thì mình có thì mình có mâm lễ, còn không thì năm ba cây hương cũng được. Rồi cũng qua chuyện cúng kiến, lễ bái.
10/04/2013(Xem: 4946)
Có lẽ không ít người trong chúng ta thường sống với quá khứ, với những kỷ niệm đẹp. Đối với QT quá khứ, những kỷ niệm đẹp cũng là những khoảnh khắc trong đời được những giây phút vui và hạnh phúc, những giây phút để mình nhìn lại và giúp cho mình chững chững chạc hơn bước tiếp trên quãng đường đời còn lại.
10/04/2013(Xem: 4627)
Cứ mỗi độ Vu Lan về, người con Phật khắp muôn nơi hướng vọng về hai đấng sinh thành Cha và Mẹ để tưởng niệm đến công đức sinh thành trời biển. Đã một thời, Cha và Mẹ đó đã sinh ta, nuôi ta, dạy ta… trưởng thành như ngày hôm nay. Nếu không có Cha và Mẹ thì còn nói gì đến sự nghiệp, công danh, tiền tài, vợ chồng, con cái…
10/04/2013(Xem: 5688)
Mùa Vu lan Báo Hiếu lại về trong lòng người viễn xứ. Với niềm trân kính vô biên, cho con được đê đầu đãnh lễ, phơi bày những nghĩ suy, những rung động trái tim, để nói lên một phần trong muôn triệu phần đối với những bậc Thầy tâm linh, đã hy hiến cho quê hương dân tộc, đạo pháp Việt nam.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]