Tuyển tập bài viết về Vu Lan - 2009
Điều cần biết về bệnh Cúm Mới Lạ H1N1
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Danh Xưng
Khi mới xuất hiện ở loài người vào tháng 4 năm 2009, Cúm A/H1N1được gọi là cúm Heo vì virus gây bệnh tương tự như virus gây cúm Heo ở bắc Mỹ.
Tuy nhiên, sau một thời gian nghiên cứu, các khoa học gia nhận thấy virus này rất độc đáo, do sự phối hợp các gene từ virus cúm heo, cúm gia cầm H5N1 và cúm người. Do đó tên mới của cúm này là Cúm A/H1N1 Mới Lạ (novel influenza A/H1N1), đối chiếu với Cúm Hàng Năm (seasonal influenza) xảy ra theo mùa tại các quốc gia.
Cơ quan Y Tế Thế giới đã tuyên bố tình trạng đại dịch toàn cầu của Cúm Mới Lạ vì bệnh đã thấy ở hơn 70 quốc gia trên thế giới. Đại dịch không phải vì bệnh trầm trọng mà vì sự lây lan quá rộng lớn của virus A/H1N1.
Truyền bệnh
Cúm Mới Lạ H1N1 rất dễ nhiễm và lây lan từ người sang người giống như cúm hàng năm. Khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi, virus trong các giọt nước nhỏ từ mũi miệng bay lẫn vào không khí và người khác hít thở sẽ bị bệnh.
Đôi khi cũng lây bệnh khi sờ tay vào vật dụng dính virus rồi đưa lên mũi, miệng.
Bệnh bắt đầu lây lan kể từ ngày đầu tiên trước khi có triệu chứng và kéo dài cho tới 7 ngày sau khi bị bệnh ( giống như cúm hàng năm.
Cúm Mới Lạ không lan truyền qua thức ăn do đó, ăn thịt heo hoặc các sản phẩm làm bằng thịt heo không mang bệnh.
Nước máy đã được khử trùng với hóa chất như chlorine ít có khả năng lan truyền virus cúm. Nghiên cứu cho hay chlorine có thể vô hiệu hóa tác hại của cúm gia cầm H5N1. Theo CDC, cho tới nay chưa có trường hợp người mắc bệnh khi uống nước có nhiễm virus cúm.
Nước tại hồ bơi đã khử trùng với chlorine cũng an toàn cho người tắm.
Tuổi mắc bệnh
Đa số người bị Cúm Mới Lạ là từ 5 tới 24 tuổi. Người trên 65 tuổi bị bệnh rất ít và chưa có tử vong nào. Đây là điều khác biệt so với cúm theo mùa thường thấy ở người trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai hoặc ở mọi tuổi đang có bệnh mãn tính như hen suyễn, bệnh hô hấp, tim mạch, bệnh tế bào máu, thần kinh hoặc suy yếu hệ miễn dịch.
Mức độ nguy hiểm của cúm mới lạ chưa được biết rõ như cúm hàng năm. Tại Hoa Kỳ, mỗi năm có khoảng 35.000 tử vong và trên 200.000 người phải nhập viện vì Cúm Hàng Năm trong khi đó cho tới ngày 24 tháng 7, 2009 có 43,771 ca bệnh với 302 tử vong vì Cúm Mới Lạ A/H1N1. Việt Nam cho biết bệnh ngày càng lan rộng và đã có 612 ca, may mắn là chưa có tử vong. Toàn thế giới có 700 ca tử vong.
Dấu hiệu bệnh
Các triệu chứng chính gồm có: nóng sốt, ho, đau họng, nhức đầu, đau mình mẩy, ớn lạnh, mệt mỏi, đôi khi nôn ói, tiêu chẩy
Đi khám bác sĩ ngay nếu:
-Khó thở, đau ngực
-Môi đỏ tía
-Ói ra nước hoặc thức ăn
-Có dấu hiệu khô nước như chóng mặt khi đứng, ít tiểu tiện, trẻ em khóc không có nước mắt.
-Co giựt, kinh phong.
Điều trị
Thuốc đặc trị oseltamivir (Tamiflu) hoặc zanamivir (Relenza) rất công hiệu để chặn đứng sự tăng sinh của virus trong cơ thể, khiến cho bệnh nhẹ hơn, ít biến chứng và bệnh nhân cảm thấy dễ chịu. Tuy nhiên đa số bệnh nhân không cần dùng thuốc để hoàn toàn khỏi bệnh.
Cơ quan Kiểm soát bệnh Hoa Kỳ CDC khuyên dùng Tamiflu cho bệnh nhân từ 1 tuổi trở lên còn Relenza từ 7 tuổi trở lên.
Để công hiệu, thuốc cần được uống trong vòng 2 ngày kể từ khi có triệu chứng.
Thuốc cũng được dùng để phòng tránh bệnh cúm mà công hiệu lên tới từ 70-90%.
Không cho trẻ em uống thuốc hạ nhiệu có chất aspirin.
Phòng Tránh
Hiện nay thuốc chủng ngừa Cúm Mới Lạ H1N1 đang được tìm kiếm bào chế. Các nhà sản xuất dự trù có thuốc chủng vào mùa thu năm 2009. Trong khi chờ đợi, ta có thể tránh bệnh với các phương thức sau đây:
-Che miệng, mũi với khăn mỗi khi ho hoặc hắt hơi. Ném khăn vào thùng rác sau khi dùng.
-Rửa sạch tay bằng xà bông và nước từ 15-20 giây, nhất là sau khi ho hoặc hắt hơi mà lấy tay che miệng, mũi. Chất rửa có cồn cũng rất công hiệu.
-Tránh đưa tay lên miệng và mũi vì virus lây lan qua cách này.
-Nếu mắc bệnh, nghỉ ở nhà khoảng 7 ngày kể từ khi có triệu chứng bệnh hoặc cho tới khi không còn triệu chứng bệnh. Nhờ vậy bệnh bớt lan qua người khác.
-Virus dính trên vật dụng như sách vở, quả đấm cửa, điện thoại, quần áo, bát đĩa, mặt bằng bàn ghế… còn sống được từ 2-8 giờ. Các vật dụng này cần được lau rửa giặt giũ với nước và xà bông hoặc nước pha chất khử trùng.
-Khi phải tiếp cận với người mang bệnh, nên giữ khoảng cách 1m8 (6 feet).
-Không dùng chung bát đĩa với bệnh nhân.
-Nếu chăm sóc bệnh nhân, nên mang khẩu trang, tránh đối diện với bệnh nhân, hỏi bác sĩ coi có nên uống thuốc chống cúm. Giặt khẩu trang bằng vải sau mỗi lần dùng.
-Để bệnh nhân nằm riêng phòng với cửa đóng và nếu có thể, có phòng vệ sinh riêng. Nhà ở cần thoáng khí.
-Khi tiếp xúc với người khác, bệnh nhân phải mang khẩu trang.
-Theo dõi thông tin công cộng về trường học đóng cửa, tránh tiếp cận với đám đông và các biện pháp bảo vệ xã hội khác.
-Áp dụng biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu căng thẳng, lo âu trước dịch bệnh.
Du lịch
Vì dịch cúm bất thường đang lan rộng, du khách từ vùng có dịch tới các cửa khẩu đều được kiểm soát coi có triệu chứng bệnh như nóng sốt với máy đo thân nhiệt và khai báo nếu bị ho, sổ mũi. Nên thành thực hợp tác với nhà chức trách để bảo vệ sức khỏe chung.
-Nếu đang đau bệnh, không nên du lịch.
-Giới hạn du lịch tới vùng đang có dịch cúm.
-Tuân theo các hướng dẫn về y tế, phòng tránh bệnh tại nơi sắp tới
-Sau khi du lịch về, để ý tới tình trạng sức khỏe. Nếu có các triệu chứng bệnh cúm, nên tới bác sĩ để khám nghiệm, điều trị.
WHO: gần 1.800 người tử vong do cúm A/H1N1
TTO - Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19-8, đến nay đã có trên 182.166 người trên thế giới nhiễm virus cúm A/H1N1, với số trường hợp tử vong là 1.799 người.
Tuần trước, WHO thông báo có 1.462 ca tử vong do cúm A/H1N1. Như vậy chỉ trong vòng một tuần, con số này đã tăng vọt lên hơn 300 ca.
Có nhiều ca tử vong nhất vẫn là Bắc Mỹ và Nam Mỹ, với 1.579 trường hợp, tiếp đó là khu vực Đông Nam Á với 106 trường hợp và châu Âu 53 trường hợp.
Cũng theo WHO, cúm A/H1N1 hiện đã lan tới hơn 170 nước, với những nước mới phát hiện virus chết người này là Ghana, Tuvalu và Zambia.
Cùng ngày, Nhật Bản thông báo sẽ xét nghiệm cúm A/H1N1 cho toàn bộ đội tuyển bóng chày Nippon Ham Fighters sau khi hai cầu thủ và một huấn luyện viên của đội bị nhiễm virus cúm này. 6 cầu thủ khác cũng đang có triệu chứng sốt cao. Đến nay, Nhật Bản có hơn 5.000 người nhiễm cúm A/H1N1, trong đó có 3 ca tử vong.
Trước đó, các chuyên gia Hà Lan đã đưa cúm A/H1N1 lên... game. Trò chơi bắt đầu với hình ảnh các bệnh nhân nằm la liệt ở bệnh viện và các nghĩa trang sau dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.
Với cương vị là người đứng đầu chương trình “kiểm soát dịch cúm thế giới”, người chơi sẽ chọn một chủng virus cúm, sau đó kiểm soát không để cho nó lây lan khắp thế giới, với nhiều biện pháp như lập hệ thống giám sát, dự trữ vaccine và thuốc chống cúm, đóng cửa các trường học và sân bay…
Game thủ cũng bị giới hạn ngân sách, do vậy họ phải làm sao để chống cúm hiệu quả nhất với chi phí thấp nhất. Các game thủ có thể chơi trò này miễn phí tại địa chỉ http://www.thegreatflu.com.
Tường Vy (Theo WHO, The Australian, AP)