Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ

10/04/201317:54(Xem: 8465)
Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ

Tuyển tập bài viết về Vu Lan - 2008

Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ


* - Giống như tình yêu, gia đình luôn là vĩnh hằng khi trái đất vẫn tiếp tục sinh ra con người, để cho con người dù dọc ngang trời đất, vẫn cứ quay về, trước mỗi ấm lạnh cuộc đời. Ở đó, người mẹ luôn là ngọn lửa ấm, là linh hồn thổi vào đời đứa con cả sự sống lớn khôn, cả yêu thương vô bờ bến, bằng chắt chiu và tảo tần… Để cho dù có đi khắp thế gian, mọi đứa con có gặp bao điều hay lẽ phải, cũng không gì có thể sánh được với tấm lòng trời biển của mẹ, "không ai tốt bằng mẹ"

Bánh khúc tuổi thơ

Hồi bé, hễ mẹ bảo sáng nay tranh thủ nhổ cỏ ruộng với mẹ là tôi phụng phịu. Ruộng nhà tôi nằm ven sườn máng Chùa. Con máng nhỏ cắt đôi cánh đồng chi chít những vũng sòng. Mẹ bảo ngày xưa lúc bố mẹ mới lấy nhau, đêm nào, bố mẹ cũng phải gánh cát ở những cái vũng sòng này về tích cóp để xây nhà. Cái nhà ngang lúc tôi còn nhỏ là một "chứng tích" của bố mẹ.
Cánh đồng mùa đông trụi lốc. Dọc sườn máng, hoa cải vàng hanh hao chạy dài mãi. Tổ dế đùn kín đặc. Cả buổi sáng ngoài cánh đồng, tôi chạy loăng quăng hết đổ nước dế lại đào mót khoai lang. Mẹ bảo mãi không được đành lắc đầu cặm cụi rẫy cỏ. Bất chợt, như nhớ ra điều gì, mẹ chống tay lên cán cuốc gọi to: "Nhổ cây khúc đi, chiều về mẹ làm bánh cho mà ăn"
Tôi tròn xoe mắt rồi nhảy tâng tâng. Những buổi sáng sương muối, lá khúc trắng lốp đốp kín cả cánh đồng. Lạ thật, giống cây khúc này bạ đâu cũng mọc được, tốt hơn cả cỏ kim. Thân và lá nó nổi đầy lông tơ nhỏ trắng đục. Tôi bỗng nhớ món "kẹo cao su" của bọn trẻ chăn trâu chúng tôi.
Ngày ấy, buổi chiều đi chăn trâu, khi đã đào hết củ lang, mót hết cà chua cuối vụ, cánh đồng chả còn gì, thế mà chúng tôi vẫn kiếm được cái ăn. Nhổ thân cây khúc phủi phủi đất, trệu trạo nhai cũng dai dai như kẹo cao su thật. Thấy mẹ bảo vậy, tôi lựa những cây khúc thân nhỏ nhưng xanh mơn mởn. Lá còn đọng sương đêm. Vì đó là cây khúc nếp. Nếu tham, chọn cậy khúc to mỡ màng, thân hơi xanh phốp pháp thì đó là khúc tẻ. Khi nấu sẽ không thơm và dẻo như khúc nếp.
Chiều tối, tôi ngồi chồm hỗm xem mẹ băm lá khúc. Hết băm mẹ lại giã. Mồ hôi nhễ nhại, mẹ chẳng bao giờ kêu mỏi. Tôi thấy nhiều lắm mỗi lần mẹ chỉ ăn một đến hai cái bánh là cùng. Tôi bảo mẹ ăn nữa nhé, mẹ bảo mẹ chán lắm rồi. Thế mà chả mùa nào mẹ quên làm bánh khúc. Mẹ giục tôi đi lấy lá mít. Tôi chạy tắt qua vườn, leo tót qua bờ vây xuống nhà bác tôi rồi nhẹ nhàng leo lên cây mít. Tôi phải lén lút vì sợ anh con trai bác biết, thế nào tối anh cũng lên chầu chực.
Mẹ tôi đem thứ gạo nếp thơm lừng trộn đều vào lá khúc đã băm nhuyễn xanh ngắt. Mẹ miết từng miếng nhỏ khum khum hình bàn tay, đặt đỗ vào trong rồi cho vào chõ đồ lên như đồ xôi. Bữa cơm tối đó, tôi hí hửng món bánh khúc, chỉ và qua loa bát cơm rồi chạy ngay xuống bếp. Mở vung chõ, giật nắp lá chuối ra. Một mùi thơm phức rất khó tả lẫn trong làn khói nghi ngút. Tôi xuýt xoa cắn ngập răng vào miếng bánh. Chẳng hiểu sao anh Điệp, con bác tôi vẫn biết. Anh nhẩy tâng tâng như phi ngựa, hò hét từ cổng. Mẹ mỉm cười còn tôi cố ăn nhanh dù bánh vẫn còn nóng.
Hôm về quê, buổi sáng mẹ lẳng lặng đi đâu mất. Rồi mẹ về tay cầm một nắm lá khúc khuôn mặt tươi tỉnh: "Giờ người ta phun thuốc diệt cỏ nhiều. Mẹ đi khắp cánh đồng mới nhổ được một nắm. Chiều ở nhà mẹ làm bánh cho mà ăn. Chứ ở ngoài đó chắc thèm lắm!". "Úi giời! Mẹ nghỉ ở nhà cho khoẻ. Ngoài đó nghìn một chiếc. Mà giờ mấy ai ăn cái thứ bánh ấy nữa"
Mắt mẹ hơi xịu xuống. Lối sống qui ra tiền chốn thị thành đã khiến tôi buột miệng như vậy. Tôi đã làm mẹ buồn. Thứ bánh khúc của mẹ đã nuôi lớn tuổi thơ tôi đâu thể tính bằng tiền. Nhìn nắm lá khúc cỗi cằn trong bàn tay sạm nắng của mẹ, tôi giật mình thảng thốt, cảm giác như có lỗi. Bất chợt, tôi nhớ con máng Chùa mùa này không biết có vàng hoa cải? Tôi nhớ cả dáng chạy khấp khởi của anh Điệp mỗi khi mẹ làm bánh khúc… Ôi, bánh khúc của mẹ, bánh khúc của tuổi thơ tôi.

Ai còn mẹ, xin đừng làm mẹ khóc.

"Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ. Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha. Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ. Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha. Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn. Mang cả tấm thân gầy, cha che chở đời con. Ai còn mẹ- xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe con".
(Lời dạy của Đức Phật)
Mẹ tôi khóc. Những giọt nước mắt từ đôi mắt sâu vốn đã rượi buồn của mẹ chảy trên gương mặt khắc khổ mang dấu vết của sương gió và thời gian, lặng lẽ rơi xuống khiến lòng tôi đau thắt. Trong khoảnh khắc, tôi thấy mình có lỗi kinh khủng…
Mẹ tôi đã khóc tưởng chừng không còn nước mắt khi cha tôi đột ngột qua đời, để lại cho mẹ năm đứa con thơ dại nơi mảnh đất miền trung khô cằn nắng gió. Chúng tôi đã tự nhủ lòng không bao giờ được để mẹ khóc vì những gian truân chất chồng lên đời mẹ đã quá đủ. Vậy mà… 13 năm sau, lúc này đây, mẹ tôi lại khóc.
Tôi thi đại học lần thứ ba, và lại trượt. Số điểm của tôi chỉ cách điểm chuẩn chút ít- nhưng cũng đủ để tất cả hy vọng của mọi người trong gia đình dành cho tôi sụp đổ. Hôm ấy trời đổ mưa. Mưa dữ lắm. Tôi lao mình chạy dầm trong mưa cho đến khi rã rời, ngã sóng soài trên cát. Cát ráp nhọn sát vào da thịt. Chỉ nghe đau nhói ở sâu mãi trong lòng.
Tôi quyết định rời khỏi nhà để tránh sức ép cùng không khí nặng nề bao trùm trong gia đình. Tôi sợ phải gặp mẹ, thấy đôi mắt buồn và sâu của mẹ đăm đắm dõi nhìn về mãi xa phía biển khơi. Và tôi tìm đến với rượu, theo đám bạn học cùng lớp ngày xưa, tụ tập đàn đúm, cho quên đi những muộn phiền trong cơn say…Tôi mất đi khái niệm thời gian, cứ để mặc cho mỗi ngày mới lặng lẽ đến, lặng lẽ trôi đi như thế cùng những nỗi chán chường mệt mỏi tự tôi gây nên.
Tôi đã không biết một điều, đêm nào mẹ cũng thao thức. Chỉ cần nghe có tiếng gió, tiếng động lạch cạch ngoài then cửa, là mẹ lại vội vàng trở dậy tưởng con về. Tôi không biết cả nhà đã lo lắng cho tôi vô cùng. Tối nào, mọi người cũng phần cơm tôi, ngong ngóng, tuy không ai dám nói ra, có lẽ vì sợ mẹ đau lòng.
Chiều hôm ấy, tôi men theo con đường sỏi đá trở về, nhưng không rẽ về nhà ngay mà tạt qua khu chợ chiều. Một ngọn gió nóng lùa qua làm lá khô và bụi đất bay lên, cuộn thành những vòng xoáy nhỏ. Tôi đưa mắt kiếm tìm…
Kia rồi, dưới mái lá của một quán nhỏ liêu xiêu, mẹ tôi đang ngồi đó với gánh hàng xén của mình. Chiếc nón trắng lụp xụp che khuất gần hết khuôn mặt của mẹ. Rồi mẹ ngước nhìn lên mời khách. Mấy sợi tóc muối tiêu lòa xòa trên trán đầy những nếp gấp thời gian. Vẫn đôi mắt ấy, đôi mắt buồn và sâu, có những quầng thâm sạm lại. Tôi rùng mình… Chưa bao giờ thấy mẹ tiều tụy đến như vậy.
Và bước chân đưa tôi đến đứng trước gánh hàng của mẹ lúc nào không hay. Mẹ bỏ nón ra, nhìn tôi không chớp. Hai bên má mẹ co lại, giật giật…Rồi tự dưng nước mắt mẹ trào ra- những giọt nước mắt yêu thương, xót xa. Tôi bỗng thấy hối hận, day dứt vô cùng.
Sinh nhật tới, tôi trốn biệt ở nhà, không đi chơi cùng đám bạn thân như mọi khi. Món quà duy nhất tôi nhận được là của cô em gái, một chiếc mũ và một cây bút. "Chiếc mũ này để anh đội đầu cho đỡ nắng. Còn cây bút này là mong anh cố gắng, thử sức một lần nữa trong kỳ thi sắp tới. Chúc anh thành công".
Tôi miệt mài ôn thi gần như thức trắng đêm.
Có một điều mà tự thẳm sâu trong cõi lòng tôi vẫn còn canh cánh. Ấy là muốn nói với mẹ một lời xin lỗi mà không đủ can đảm và tự tin. Bao lần ngượng ngùng, ngập ngừng định nói rồi lại thôi… Cho mãi đến tận hôm lên tàu đi thi, tôi định nói lời xin lỗi với mẹ mà vẫn không thể thốt ra lời, cứ lên tàu, lại chạy xuống, rồi lại chạy lên… Các anh chị của tôi ngơ ngác: "Cái thằng này hôm nay nó bị làm sao ấy nhỉ?". Mẹ tôi thì chỉ mỉm cười giục: "Thôi, lên ngồi ổn định đi, tàu sắp chạy rồi đấy con!"
Bây giờ tôi đã là sinh viên năm thứ ba của một trường đại học. Tôi sống trong ký túc xá của trường, mỗi năm chỉ có thể về thăm nhà một lần vào dịp Tết. Hằng đêm bên trang giấy trắng để viết tiếp lên đó những dự định, những con đường mà tôi sẽ đi qua, sẽ vươn tới, những lúc mệt mỏi, tôi lại lấy bức ảnh của gia đình ra ngắm.
Mẹ tôi ngồi giữa, năm anh chị em chúng tôi quây quần xung quanh. Vẫn cái dáng người gầy gầy nhỏ bé, chiếc áo sờn vai cùng đôi mắt sâu và lúc nào cũng rượi buồn như chất chứa bên trong một nỗi u hoài. Đôi mắt ấy làm tôi day dứt, trăn trở bao lần. Chợt nhớ những lời răn dạy của Đức Phật sáng nay đọc được trong cuốn sổ nhỏ của cậu bạn ngồi cùng bàn, tôi lại càng cảm thấy nôn nao, nhớ mẹ da diết.
Nhất định kỳ nghỉ hè tới đây, tôi sẽ về- về thăm mẹ, để nói với mẹ một lời xin lỗi dẫu đã muộn màng, cho những giọt nước mắt đã rơi của mẹ… Mẹ ơi!



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 4661)
Arthur Schopenhauer là một triết gia Âu Tây. Thuở thiếu thời, ông như nhiều đứa trẻ đồng tuổi khác, nhưng khác là ông đã gặp nhiều trái ngang trong cuộc đời, một sự thật đúng ra lứa tuổi của ông không nên hội ngộ quá sớm. Và có thể, từ những kinh nghiệm đau đớn này đã tạo nên một dòng tư tưởng lớn, sau này chúng ta biết ông là một triết gia có tư tưởng gần tương đồng với Phật giáo: Quan niệm khổ và nguyên nhân của khổ trong nhân sinh - vũ trụ.
10/04/2013(Xem: 4406)
Trong tất cả lễ hội của Phật giáo, chúng ta thấy rằng Vu-Lan Báo Hiếu là một lễ hội được quần chúng biết đến, quan tâm nhiều, dù người đó là Phật tử hay không phải Phật tử. Dân gian quen gọi ngày rằm tháng bảy là ngày lễ Trung Nguyên, ngày “Xá tội vong nhân” qua khẩu truyền.
10/04/2013(Xem: 5795)
Khi nghĩ về công ơn sanh thành dưỡng dục, thì chúng ta đã tạo nên một mạch nguồn của ân đức, của nghĩa trọng tình sâu, của dòng tâm thức luân lưu bất diệt. Một suối nguồn của thơ ca, của tiếng nhạc trầm hùng, lúc sâu lắng lúc thì nhẹ nhàng đi vào nhân thế vừa bất hủ vừa rung động thức tỉnh. Thế mới biết, giấy mực trần gian chẳng viết lên nỗi hai chữ “Mẹ ơi” cho trọn vẹn.
10/04/2013(Xem: 4908)
Giáo pháp của đạo Phật sâu thẳm được ví như đại dương mênh mông. Cửa vào đạo có muôn ngàn lối, hành giả khi bước vào nếu không trang bị đức tin vững vàng chắc sẽ choáng ngợp bởi sự uyên áo, sâu kín và pháp mầu vi diệu. Nếu thế thì con đường vào đạo của chúng ta thì sao, những người đầy nghiệp lực và hệ lụy của tham ái?
10/04/2013(Xem: 4564)
Với cái nhìn tuệ giác, Đức Phật quán chiếu trong vòng nghiệp duyên của chúng sanh, Ngài đã thấy được không có một chúng sanh nào tồn tại độc lập, mà ngược lại lưu chuyển trong vòng tương duyên với nhau. Tất cả vì vô minh, mà chúng sanh không thấy được Ngài. Trong kinh Báo Phụ Mẫu Ân diễn tả, có lần Đức Phật đi trên đường và thấy bên lề đường một đống xương khô, Ngài đã lễ lạy đống xương ấy.
10/04/2013(Xem: 4694)
Là Phật tử, mỗi người chúng ta luôn mang tâm nguyện tiến tu trên con đường giải thoát và giác ngộ, việc trước nhất thể hiện ý nghĩa đó là cần phải học Phật. Có học Phật cặn kẽ, rõ ràng và căn bản, chúng ta mới có cơ hội để tiếp nhận ánh sáng của đức Phật tỏa chiếu muôn nơi mà không e sợ đi lạc đường, lầm lối, dẫn vào tà đạo, và mới có thể mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong cuộc sống cho chính mình và cho tha nhân.
10/04/2013(Xem: 4253)
Truyền thống giáo dục của Phật giáo có ba hình thức căn bản, gồm: khẩu giáo, thân giáo và ý giáo. Tùy theo căn cơ của người đệ tử mà các bậc thầy có thể sử dụng nhiều phương thức hướng dẫn khác nhau, nhưng thân giáo vẫn là quan trọng hơn cả cho thầy lẫn trò. Trở về khoảng thời gian Đức Phật còn tại thế, sự thuyết giảng của Ngài chưa bao giờ có hình thức giảng dạy như hình thức viết lách như chúng ta hiện nay.
10/04/2013(Xem: 5132)
Ánh sáng giác ngộ được hiểu như là một sự dập tắt vô minh, vọng tưởng điên đảo trong tâm trí của con người, là sự biết rõ sự thật về nguyên nhân và kết quả, nhận thức và hành động, con người và môi trường xung quanh. Giác ngộ là sự hiểu biết chân chánh, thấy rõ bản chất như thật của sự vật, vạn pháp. Giác ngộ còn có nghĩa là đoạn tận khổ đau, dứt trừ những tập khí phiền não bao trùm đời sống của con người trong nhiều kiếp sống, là sự thoát ly những con đường dẫn chúng sanh lên xuống trong sáu nẻo luân hồi trong vô minh bừng cháy.
10/04/2013(Xem: 5360)
Bát Chánh Đạo hoặc Bát Thánh Đạo là giáo lý căn bản của Đạo đế (trong Tứ Đế) gồm ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Đây là những phương tiện hành trì phổ biến sâu rộng chung cho Ngũ thừa Phật giáo. Trong bài pháp Tứ đế đầu tiên đức Phật giảng tại vườn Lộc Uyển, về phương pháp hành trì hay Đạo đế, con đường dẫn đến an vui Niết bàn. Đức Phật đã long trọng chỉ Bát thánh đạo cho năm bạn đồng tu là nhhóm Kiều Trần Như.
10/04/2013(Xem: 4441)
Chúng ta thấy rất rõ, từ cái nhìn của một người dù không phải là Phật tử , khi họ thấy chiếc y màu vàng đắp trên người của các vị Tăng Phật giáo, họ vẫn dễ dàng nhận biết được đó là tu sỹ Phật giáo, một cái nhìn quán tính, đã ăn sâu trong ký ức của mọi người. Đó là hình ảnh hiện thân của Đức Phật, và ngày này vẫn được tiếp nối trong Phật giáo. Ít nhất, hình bóng này, người bình thường cũng dễ dàng nhận biết và phân biệt được. Như Phật tử chúng ta có dịp thấy chư Tăng Nam tông ở các nước theo truyền thống Nam tông như Thái lan, Tích Lan, Miến điện, Lào và Campuchia v.v... và một bộ phận nhỏ ở Việt nam.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]