Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vu Lan, Phật nói về bổn phận

10/04/201317:46(Xem: 4822)
Vu Lan, Phật nói về bổn phận

Tuyển tập bài viết về Vu Lan - 2008

Vu Lan, Phật nói về bổn phận

Thích Hạnh Bình

Nguồn: Thích Hạnh Bình

Trong Phật giáo, ngày Vu Lan - Rằm Tháng Bảy là ngày lễ báo hiếu, tưởng nhớ công ơn sanh thành dưỡng dục của các đấng sinh thành, và cũng đã trở thành ngày truyền thống báo hiếu của dân tộc Việt Nam hiện nay. Đến ngày Vu Lan, ai nấy đều sắm sửa hương hoa tưởng nhớ ông bà cha mẹ. Mặc dù sinh hoạt của ngày này vẫn còn mang hình thức lễ nghi tôn giáo, nhưng đó là ngày gợi nhớ về bổn phận làm con làm cháu đối với ông bà cha mẹ.
Thật ra, người con hiếu không phải đợi đến ngày rằm tháng bảy mỗi năm, mà hằng ngày đều cần phải thể hiện sự hiếu thảo bằng chính tấm lòng của mình và cung cấp những nhu cầu vật chất cần thiết cho cha mẹ. Muốn có được người con biết hiếu thảo hội đủ hai điều kiện này, cha mẹ phải có vai trò quan trọng trong việc giáo dục và định hướng phát triển cho người con.
Quan điểm "trời sinh voi sinh cỏ" -- biểu thị sự thiếu hiểu biết và vô trách nhiệm -- có thể phù hợp với xã hội ngày xưa nhưng hoàn toàn không còn phù hợp ở xã hội ngày nay. Quan điểm đó sẽ dẫn đến một gia đình nghèo khó, một xã hội lạc hậu; cho dù gia đình đó, xã hội đó có người con hiếu, thì cũng chỉ có tấm lòng, không thể giúp đỡ được vật chất cho cha mẹ mà ngược lại còn làm khổ cha mẹ. Lòng hiếu đó bị khuyết tật, không loại trừ khả năng nó xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm của cha mẹ. Đây chính là ý nghĩa đức Phật dạy Thiện Sanh về ý nghĩa lễ lạy sáu phương theo quan điểm của nhà Phật.
"Phật lại bảo Thiện Sanh: Ngươi nên biết ý nghĩa sáu phương. Sáu phương là gì? Phương Đông là cha mẹ, phương Nam là sư trưởng, phương Tây là thê thiếp, phương Bắc là bạn bè thân thích, phương trên là các bậc trưởng thượng, Sa-môn, Bà-la-môn, phương dưới là tôi tớ.
Này Thiện Sanh, kẻ làm con phải kính thuận cha mẹ với năm điều. Những gì là năm? 1. Cung phụng không để thiếu thốn. 2. Muốn làm gì thưa cha mẹ biết. 3. Không trái điều cha mẹ làm. 4. Không trái điều cha mẹ dạy. 5. Không cản chánh nghiệp mà cha mẹ làm.
Kẻ làm cha mẹ phải lấy năm điều này chăm sóc con cái: 1. Ngăn con đừng để làm ác. 2. Chỉ bày những điều ngay lành. 3. Thương yêu đến tận xương tủy. 4. Chọn nơi hôn phối tốt đẹp. 5. Tùy thời cung cấp đồ cần dùng. ("Kinh Trường A Hàm" 'Kinh Thiện Sanh")
Trong đoạn kinh vừa dẫn có hai vấn đề cần chú ý. Thứ nhất, sự khác nhau về ý nghĩa sáu phương và cách lễ lạy giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. Thiện Sanh là người con có hiếu, biết vâng lời cha mẹ, ông thực hành lễ lạy sáu phương vào mỗi sáng theo lời cha dặn. Mong rằng qua việc làm đó sẽ đền đáp được công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, bằng cách mỗi sáng phải lễ lạy sáu phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, Trên và Dưới.
Thiện Sanh được đức Phật giải thích về ý nghĩa sáu phương, và cách lễ lạy như thế nào mới đúng ý nghĩa sáu phương ấy. Ngài giải thích: Phương Đông biểu thị cho cha mẹ; phương Nam biểu thị cho sư trưởng; phương Tây biểu thị cho thê thiếp; phương Bắc biểu thị cho bạn bè; phương trên biểu thị cho các bậc trưởng thượng, là các vị tu hành; phương dưới biểu thị cho tôi tớ.
Mỗi khi lạy về Phương Đông có nghĩa là phải nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ; khi lạy về phương Nam phải biết vâng lời thầy tổ, giáo thọ sư; khi lạy về phương Tây phải hoàn thành bổn phận trách nhiệm của mình đối với vợ hay chồng; khi lạy về phương Bắc phải biết cách giao du với bạn bè và tôn trọng tình bạn; khi lạy về phương trên phải có thái độ kính ngưỡng với các vị Thánh, Thần, Trời, Phật, và khi lạy về phương dưới cần phải tỏ lòng thương mến và có thái độ công bằng biết ơn đối với người giúp việc. Đây là ý nghĩa sáu phương và cách lễ lạy trong nhà Phật. Như vậy, hình thức lễ lạy trong đạo Phật mang nghĩa: 1. Hiểu biết rõ ràng về đối tượng ấy; 2. Thực hành đúng với ý nghĩa mà đối tượng ấy mong muốn, không dừng lại hình thức lễ lạy. Nếu có lễ lạy thì hãy trải dài tấm lòng thành kính và chân thật đến với đối tượng, dõng mãnh phát nguyện thực thi những gì mà đối tượng mong cầu
Từ ý nghĩa này, gợi ý cho chúng ta hiểu rằng, ngày Vu Lan là ngày tượng trưng cho ngày báo hiếu, mang tính giáo dục gợi nhớ, nhắc nhở những người con chớ quên bổn phận và trách nhiệm làm con làm cháu của mình. Nếu ngày này có lập đàn tràng cúng tế cho cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp, mong được thoát khỏi cảnh khổ trong địa ngục, thì cũng đừng quên cha mẹ già nua ở hiện tại thiếu thốn khổ sở trăm bề, không nơi nương thân. Nên nhớ rằng, ý nghĩa báo hiếu trong nhà Phật không phải là sự cúng kính phô trương hình thức mà quên đi giá trị thực của nó. Xin đừng đi ngược lại tinh thần hiếu đạo trong đạo Phật.
Thứ đến, điểm đặc thù của kinh này, đức Phật đề cập đến Báo hiếu, Ngài không nói một chiều mà nói cả bổn phận trách nhiệm làm con cũng như làm cha mẹ. Cha mẹ và con cái đều phải có bổn phận trách nhiệm của mình. Không thể chỉ riêng người con có bổn phận mà cha mẹ lại vô trách nhiệm hoặc ngược lại. Tình thương nếu chỉ có một chiều, tình thương ấy có thể phát sinh tật nguyền.
Trước khi bước vào tìm hiểu ý nghĩa nội dung của kinh, có liên quan đến chủ đề này, chúng ta cần chú ý đến bối cảnh ra đời của bài kinh. Đó là bối cảnh xã hội Ấn Độ cách đây trên 2500 năm, không phải là thời đại văn minh khoa học như ngày nay. Bài kinh đã được đức Phật nói ra cho đối tượng là người tại gia. Sự khác biệt về thời gian và địa lý đó, nói lên sự khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán, và cách giáo dục ..vv... Do vậy, muốn tìm hiểu giá trị thật của vấn đề chúng ta cần xem xét giá trị của kinh trong bối cảnh ra đời của nó.
Một cách khái quát mà nói, vào thời đại đức Phật, Ấn Độ là một đất nước được phân chia thành 16 tiểu quốc tự trị, phân chia thành 4 giai cấp: Bà la môn, Sát đế lợi, Phệ xá và Thủ đà la, với nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, không có chế độ phúc lợi xã hội như những nước phương Tây ngày nay. Sự sinh tồn của con người trong xã hội đó, không thể dựa vào chính phủ hay bất cứ tổ chức nào, mà phải dựa vào gia đình. Do vậy, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình càng chặt chẽ, có nề nếp, có đạo đức giáo dục chừng nào thì gia đình ấy càng giảm thiểu những âu lo về kinh tế, niềm vui và hạnh phúc gia đình cũng theo đó càng tăng thêm, và ngược lại thì đó là nỗi đau thương và bất hạnh. Đó chính là một trong những lý do chính đáng để các nhà làm giáo dục thời đó phải đề cao vai trò hiếu đạo.
Dẫu rằng, nội dung giáo lý của đức Phật tập trung vào vấn đề: làm thế nào để được giác ngộ và giải thoát, nhưng với đời sống của người cư sĩ tại gia có quá nhiều sự khổ đau, đức Phật không thể làm ngơ, vì vậy cần có lời khuyên hợp tình hợp lý với con người sống trong xã hội thời đó. Nội dung và ý nghĩa "Kinh Thiện Sanh' nói lên quan điểm và cách giải quyết của đức Phật đối với người tại gia ở bối cảnh xã hội thời ấy, trong đó có cả bổn phận trách nhiệm của cha mẹ và con cái.
Trước nhất, chúng ta thử tìm hiểu nội dung và ý nghĩa 5 bổn phận trách nhiệm của con đối với cha mẹ, như đã được trích dẫn ở trên

1. Cung phụng không để thiếu thốn

Nội dung và ý nghĩa của điều kiện này, được đặt trên cơ sở là nền kinh tế thấp, tự cung tự cấp của gia đình, không có chế độ an sinh xã hội. Nói cách khác, sự sinh sống của các thành viên trong gia đình, chủ yếu tùy thuộc vào lao động mang tính cơ bắp của những người đang còn sức lực. Hơn nữa, ở thời đó kiếm được vật thực để nuôi bản thân và gia đình là giỏi lắm rồi, làm gì có dư thừa dành dụm, cho cha mẹ khi già yếu, không còn lao động được nữa. Nếu người con ngỗ nghịch, không hiếu thảo thì cha mẹ khổ sở trăm bề, không người nuôi dưỡng. Do vậy, sự chăm sóc dưỡng nuôi cha mẹ được xem như là bổn phận trách nhiệm của người con. Bổn phận trách nhiệm đó được thực thi tốt chừng nào, thì gia đình hạnh phúc chừng ấy, người con ấy cũng được xã hội tán dương ca tụng. Tất nhiên, sự cung cấp dưỡng nuôi không phải chỉ có vật chất mà trong ấy gói ghém tấm lòng thương yêu của người con, sự nuôi dưỡng ấy mới vẹn toàn.

2. Muốn làm gì thưa cha mẹ biết

Văn hóa Đông Tây không đồng, do vậy cách giáo dục cũng không giống nhau. Đây là điểm mà chúng ta cần chú ý. Người Tây Phương sống thiên về lý trí. Muốn mình được tự do thoải mái, cho nên tôn trọng cách suy tư và việc làm của người khác, miễn là việc làm ấy không phạm pháp không ảnh hưởng xấu đến người khác. Ngược lại, người Đông phương sống thiên về mặt tình cảm, xuất phát tự tình cảm đó, nên thường hay can thiệp vào đời sống người khác, nhất là những người thân trong gia đình và vô tình điều đó trở thành một qui định bất thành văn trong gia đình, mặc nhiên được xã hội chấp nhận. Do vậy, nếu người con trong gia đình làm việc gì mà không cho cha mẹ biết sẽ được xem như là thái độ xem thường khinh dễ cha mẹ. Cần phải tránh những hiểu lầm vô ích này. Đứng về mặt tích cực mà nhìn, dù muốn dù không cha mẹ là người đã trải qua một thời gian dài, đã từng lăn lộn trong cuộc sống, ít nhiều vẫn có kinh nghiệm đáng quí, do vậy nếu người con xin ý kiến từ cha mẹ, kết quả thành công của công việc có xác suất cao hơn. Đây là ý nghĩa tại sao đức Phật khuyên người con trước khi làm việc gì phải xin ý kiến cha mẹ.

3. Không trái điều cha mẹ làm

Điều kiện này được hiểu là cha mẹ có hành vi đúng đắn, có việc làm hợp lý, cho nên đức Phật khuyên làm con không nên làm những việc gì trái với điều hay lẽ phải mà cha mẹ đã và đang làm. Về văn hóa, Ấn Độ là một đất nước có truyền thống văn hóa tôn giáo, hầu như bất cứ ai cũng xây dựng cho mình một niềm tin tôn giáo, một đối tượng tôn thờ. Khi đã chọn và đặt niềm tin, ý thức của cha mẹ cũng muốn con mình cũng có niềm tin như cha mẹ. Nếu như người con làm trái ý với cha mẹ thì đó là điều đau khổ của cha mẹ, như trường hợp người mẹ của ngài Xá Lợi Phất, khi Ngài từ bỏ tôn giáo truyền thống Bà la môn, theo đức Phật và trở thành một vị Tỷ kheo. Có lẽ đức Phật là người hiểu được tâm tư của người làm cha mẹ, cho nên Ngài đã đề cập đến điều thứ 3 này.

4. Không trái điều cha mẹ dạy

Thật ra nội dung và ý nghĩa của điều thứ 4 này, cũng được đặt trong trường hợp cha mẹ là người hiểu biết. Dù gì đi nữa, làm cha làm mẹ không ai lại muốn con trở thành người hư người xấu, bất tài vô dụng trong xã hội. Xuất phát từ tinh thần đó, ý tứ mà cha mẹ dạy con, bao giờ cũng mang ý nghĩa tốt đẹp và có ích, nếu phương pháp hoặc cách răn dạy không phù hợp với thực tế, thì người con cũng nên nhận tấm lòng tốt từ lời dạy của cha mẹ, không nên trái ý.

5. Không cản chánh nghiệp mà cha mẹ làm

Chánh nghiệp là việc làm chân chánh, hay nói cách khác là những công việc hợp tình hợp lý, có ích cho mình, cho người, có trí tuệ, có chiều hướng giảm khổ đau, tăng trưởng hạnh phúc. Khi cha mẹ làm những việc lợi ích như thế không nên ngăn cản, ngược lại cần khuyến khích và tạo điều kiện cho cha mẹ làm. Tất nhiên, khi thấy cha mẹ hành tà nghiệp, là những việc làm ác, không lợi mình lợi người, không tăng trưởng trí tuệ, ngược lại dự phần phiền não, người con phải tìm mọi biện pháp ngăn cản, để tránh những khổ đau phiền hà cho cha mẹ.
Đây là 5 điều kiện được đức Phật khuyên một người con phải có bổn phận trách nhiệm đối với cha mẹ, trong điều kiện xã hội thời đó. Tất nhiên, nếu như ở xã hội ngày hôm nay, đức Phật sẽ có những lời khuyên cụ thể khác, tùy theo trường hợp cụ thể ở từng nơi, từng nhóm người.
Vì tính công bằng, bảo vệ và vun bồi lòng hiếu thảo của người con đối với cha mẹ, đức Phật cũng đưa ra 5 điều cha mẹ phải có bổn phận trách nhiệm đối với con.

1. Ngăn con đừng để làm ác

Theo đạo Phật làm ác là làm những việc như chém giết, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, nhậu nhẹt say sưa..., nói đúng hơn những việc nào xuất phát từ lòng tham lam, sân hận và ngu si, tất cả những việc ấy đều được gọi là việc ác. Như vậy trách nhiệm thứ nhất của cha mẹ là ngăn chận, không cho con làm những điều ác. Hay nói cách khác tích cực hơn là giáo dục con có trí tuệ, hiểu biết, để không nổi sân hận khi gặp những việc không vừa ý, hoặc khởi lòng tham lam đối với cái đẹp ưa thích. Có thể nói đây là bổn phận trách nhiệm quan trọng nhất, chuẩn bị cho con hành trang tốt nhất trước khi vào đời, cũng là yếu tố cơ bản nhất để trở thành một người hữu ích và có đạo đức đối với gia đình và xã hội. Lòng hiếu thảo đối với cha mẹ cũng nhờ đây mà hình thành. Khi người con có trí tuệ đứng trước việc sai việc đúng, việc có đạo đức và phi đạo đức, việc có hiếu và bất hiếu... chắc chắn sẽ chọn việc đúng, việc có đạo đức, việc có hiếu mà thực hành; ngược lại việc không đúng, phi đạo đức, bất hiếu sẽ tránh xa. Do vậy, cha mẹ phải có bổn phận trách nhiệm giáo dục đối với con.

2. Chỉ bày những điều ngay lành

Điều ngay lành là điều phù hợp với đạo lý, không quanh co gian xảo, thấy sao nói vậy, nói sao làm vậy, không thêm không bớt, sống thật thà, biết tôn trọng sự thật... Đây là mặt tư cách đạo đức của người con.
Một em bé sinh ra đời, người thầy đầu tiên là cha mẹ, ngôi trường đầu tiên là tổ ấm gia đình, nhất là môi trường xã hội ở những nước Châu Á. Do vậy, sự trưởng thành của người con như thế nào có ảnh hưởng trực tiếp từ cha mẹ và các thành viên trong gia đình. Người ta thường cho rằng: "cha mẹ sinh con, trời sinh tính", câu nói này, có thể có một phần nào đó đúng, nhưng không thể hoàn toàn. Tính tình người con do quá trình tiếp nhận từ cuộc sống, thông qua gia đình, nhà trường và xã hội vô tình hay cố ý đã truyền trao. Trong đó, cuộc sống đầu tiên là gia đình, do vậy gia đình đã ảnh hưởng đến tính tình của đứa con. Nếu như tính tình của con người là do ai đó sắp đặt thì lời dạy bảo của cha mẹ thành vô nghĩa; vai trò tôn giáo trong xã hội trở nên dư thừa; giáo dục của nhà trường cũng không có giá trị gì; người ác cứ làm ác, người thiện cứ làm thiện. Do vậy, trong gia đình có người con hư người phải chịu trách nhiệm đầu tiên là cha mẹ, không nên đổ lỗi cho Trời, Phật hay Thượng Đế.
Sinh con là khó, nhưng việc nuôi dạy con thành người tốt hữu ích lại càng khó hơn. Theo tôi, trách nhiệm cha mẹ ở xã hội ngày nay không chỉ biết sinh và nuôi con, mà còn phải biết giáo dục con. Muốn giáo dục con phải biết xu hướng phát triển cũng như quan niệm đạo đức từ xã hội, không thể giáo dục theo truyền thống, ông bà dạy sao cha mẹ làm vậy; giờ đây cha mẹ dạy lại con phải noi theo. Cách dạy đó không những không có lợi mà còn có hại; đời cha mẹ đã khổ đời con cái cũng khổ theo, là căn nguyên sâu xa để trở thành người con bất hiếu, thiếu đạo đức. Nếu người con có lòng hiếu thảo, cũng chỉ có tấm lòng, không thể hoàn thiện bổn phận trách nhiệm thứ nhất của người con đối với cha mẹ.
Như vậy, khái niệm ngay thẳng ở đây là khái niệm thật thà. Thật thà không nghĩa ngu dốt, ngược lại được xây dựng trên sự hiểu biết. Sự hiểu biết đó mới hình thành tu cách đúng đắn ngay thẳng về mặt nhận thức, cũng như việc làm.

3. Thương yêu đến tận xương tủy

Hạnh phúc con người được hình thành từ hai nhân tố: Lý trí và tình thương. Nếu như lý trí có chức năng tính toán phân định công việc đúng sai, đưa ra phương pháp giải quyết thích đáng, hầu giảm thiểu thất bại, tăng sự thành công mang lại niềm vui, thì tình thương có chức năng làm giảm áp lực từ công việc, an ủi và tăng niềm tin. Nói cách khác, tình thương là chất dinh dưỡng nuôi con người sống có hạnh phúc. Như vậy, lý trí và tình thương không thể thiếu trong một con người. Con người sống thiếu lý trí thường có hành vi cử chỉ thô lỗ, giải quyết công việc không như ý; ngược lại, người sống thiếu tình thương trở nên khô cằn, và cũng dễ phát sinh dị tật về tâm lý.
Thiết nghĩ, là một người con sinh ra và lớn lên từ trong lòng quê hương Việt Nam, không ai lại không hiểu được tình thương vô bờ bến của cha mẹ. Nhờ tình thương đó mà người con cũng theo thời gian lớn lên dù có còi cọc nhọc nhằn; cha mẹ cũng nhờ tình thương con đó, mới đủ nghị lực vượt qua mọi chông gai thử thách từ cuộc sống, dù phải trả mọi giá, ngay cả sinh mạng chính mình. Sống mà thiếu tình thương của cha mẹ là nỗi niềm đau khổ cũng là điều bất hạnh nhất của cuộc đời làm con. Ai có diễm phúc sống trong tình thương của cha mẹ khó nhận thấy điều này, nhưng nếu có một lần nào đó chúng ta đếm thăm trại mồ côi, gần gũi với nhưng trẻ em lang thang bên đường phố, sống bằng chén cơm từ thiện, bằng những đồ ăn thừa vất đi, chúng ta sẽ cảm nhận một phần nào đó nỗi đau của những người con thiếu tình thương cha mẹ.
Tuy nhiên, trong thực tế cũng vẫn có những người làm cha làm mẹ vô trách nhiệm, vô cảm đối với con mình, dù là có ý thức hoặc vô ý thức. Người con phải trôi dạt theo dòng đời, không nơi nương tựa, sống bằng cuộc đời ăn xin, đôi lúc còn bất hạnh hơn, người con thành món hàng buôn qua bán lại của những con người vô cảm mất nhân tính.
Mong rằng, những người làm cha làm mẹ cần tính toán và chuẩn bị tinh thần trước khi làm cha làm mẹ. Đã sinh con thì phải có bổn phận trách nhiệm với con, tối thiểu phải có tình thương yêu đối với con.

4. Chọn nơi hôn phối tốt đẹp

Ý nghĩa điều thứ 4 này là nói lên bổn phận trách nhiệm dựng vợ gã chồng khi con đã trưởng thành khôn lớn. Có thể nói đây là một trong những qui định bất thành văn của thời đại phong kiến xa xưa. Đức Phật đề cập đến điều này là căn cứ vào phong tục tập quán ở xã hội cụ thể thời đó, không phải là nguyên tắc chung áp dụng cho mọi lúc mọi nơi. Tất nhiên qui định này theo thời gian và không gian khác nhau nó cũng được thay đổi, tự nó không còn có giá trị nữa. Ở xã hội ngày nay, nhất là những người con trưởng thành hấp thu nền giáo dục Tây phương, việc yêu đương cưới hỏi do người con quyết định, không phải là bổn phận trách nhiệm của cha mẹ. Nếu có thể được, cha mẹ chỉ là người góp ý cho con trong vấn đề hôn nhân, nên như thế nào và không nên như thế nào, và chỉ dừng lại ở đó, không nên có thái độ ép buộc, cho rằng: 'Cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đó', gây sự khó xử khổ đau cho người con.
Quan điểm cổ hủ đó không những không phù hợp với xã hội Tây phương mà ở ngay xã hội Việt Nam hiện nay cũng không được chấp nhận. Tình yêu và hôn nhân phải do đương sự quyết định, người ngoài cuộc không được quyết định thay.
Do vậy, điều kiện này ở xã hội ngày nay, cha mẹ chỉ nên góp ý phân tích vị ngọt và trái đắng của tình yêu cho con thêm kinh nghiệm hiểu biết, không được thay con quyết định

5. Tùy thời cung cấp đồ cần dùng

Có lẽ điều kiện này ở vào trường hợp khi con còn nhỏ, nhất là ở vào môi trường sống có thời tiết khắc nghiệt như Ấn Độ, lúc thì quá lạnh lúc lại quá nóng. Làm cha mẹ phải biết tùy theo thời tiết nóng lạnh chọn y phục đồ ăn thức uống cho con, nếu không người con dễ dàng sinh bịnh. Đây chính là ý nghĩa và lý do tại sao đức Phật lại đề cập đến vấn đề này.
------------○○○---------
"Kinh Thiện Sanh" trong "Kinh Trường A hàm" là bài kinh có nội dung mang tính giáo dục rất cao, biểu thị quan điểm khá thực tế của đức Phật đối với người Phật tử tại gia.
Đứng về mặt tôn giáo mà nói, đức Phật Thích Ca là vị sáng lập Phật giáo, tuy nhiên quan điểm giáo dục của Ngài không chú trọng hình thức lễ nghi tôn giáo, ngược lại chú trọng đến đời sống thực tế của con người. Ngài không trực tiếp phê bình niềm tin và cách báo hiếu của Thiện Sanh, Ngài chỉ trình bày ý kiến của mình về sáu phương và ý nghĩa lễ lạy.
Theo Ngài, 6 phương, mỗi phương đại diện cho mối quan hệ giữa mình với cha mẹ, thầy tổ, vợ chồng, người tu hành, bạn bè và người giúp việc. Lạy 6 phương có nghĩa là muốn thể hiện tình cảm và bổn phận của mình với những người đó, không phải chỉ đơn thuần lễ lạy.
Cũng vậy, ngày Vu lan là ngày để những người con cháu thể hiện tấm lòng của mình đối với cha mẹ. Trong ý nghĩa đó, nếu chúng ta có cầu siêu cho ông bà cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ, thì cũng đừng quên ông bà cha mẹ trong hiện tại. Nếu chúng ta có cầu an cho cha mẹ hiện tại được mạnh khỏe trường thọ, thì phải thể hiện lòng thương và sự chăm sóc của mình đối với cha mẹ.
Điểm đặc thù của kinh này là đề cập đến bổn phận trách nhiệm. Những bổn phận trách nhiệm cụ thể được ghi lại trong kinh là những qui định có giá trị cụ thể trong xã hội thời đó. Với sự thay đổi của thời gian và không gian, giá trị của nó cũng đổi khác. Tuy nhiên, trong đó vẫn còn lưu lại tinh thần giáo dục rất thực tế. Trong 5 điều mà Ngài khuyên người con phải có bổn phận trách nhiệm đối với cha mẹ, không có điều nào Ngài khuyên Phật tử mang tính lễ nghi tôn giáo. Ngược lại Ngài khuyên người con cần có trách nhiệm cung cấp nhu cầu vật chất cần thiết cho cha mẹ và biết vâng lời cha mẹ.
Muốn người con có lòng hiếu thảo, cha mẹ cũng phải có bổn phận trách nhiệm với con, ngoài bổn phận nuôi con, còn có bổn phận giáo dục về tri thức và đạo đức. Đây là bổn phận trách nhiệm không thể thiếu của cha mẹ đối con cái.
Đài Bắc ngày 08/08/08



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/08/2015(Xem: 5390)
Thời tiết thật oi bức suốt một tuần lễ qua. Đâu đó trên đường, có những cảnh báo về hạn hán, kêu gọi mọi người tiết kiệm, hạn chế việc dùng nước. Nạn hạn hán đã kéo dài ở xứ này liên tục bốn năm qua. Nhiều cây kiểng và những bãi cỏ xanh của các công xưởng, công viên, gia cư tại đô thị đã lần lượt biến mất. Mọi người, mọi nhà đều phải tự ý thức trách nhiệm của mình đối với thiên tai này. Nói là thiên tai, mà kỳ thực, có sự góp phần rất lớn của con người trong việc sử dụng quá nhiều tài nguyên thiên nhiên (đốt nhiên liệu hóa thạch, phá rừng, v.v…) làm tăng nhiệt độ quả đất, tạo nên tình trạng hâm nóng toàn cầu (global warming).
20/08/2015(Xem: 9752)
Thiệp Mời dự Lễ Vu Lan 2015 tại Chùa Thiên Trúc
20/08/2015(Xem: 9717)
Chiều nâng lên chén cơm đầy Nhớ cha quay quắt những ngày thê lương Cháo đong loãng nhạt ưu buồn Đủ vui cái dạ lưng chừng xôn xao Sáng ngồi tán gẫu tầm phào Ly cà phê đá ngọt ngào rộn vui Nhớ cha năm tháng bùi ngùi
19/08/2015(Xem: 5221)
Hội này hội lễ vu lan Nhớ ơn cha mẹ mênh mang biển trời. Một mùa Vu Lan 2015, PL 2559 nữa lại về, mùa của hiếu hạnh đền đáp công ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên, vì nhờ đó mà chúng ta có thân thể và cuộc sống hiện hữu giữa cuộc đời này. Nhân dịp này, chùa Hương Sen cũng tổ chức lễ An vị Quan Thế Âm Bồ Tát lộ thiên cao 12 feet và Khóa Tịnh Tu Một Ngày nơi vùng núi thanh nhã này để cầu nguyện cho quốc thái dân an, cho cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ và cha mẹ quá vãng cùng cửu huyền thất tổ được siêu sanh tịnh độ. Chương trình như sau:
19/08/2015(Xem: 4274)
Ta còn một dòng sông_ dòng sông xưa uốn khúc những nỗi niềm cay cực với bóng mẹ lênh đênh tất tả chuyến đò đời. Ta còn một bầu trời_ bầu trời cao vời thăm thẳm ngút trùng khơi để ngày thơ mẹ nâng ta lên những tầm cao cuộc sống, khi ngày tháng truân chuyên cam chịu mẹ vẫn mỉm cười vì tất cả cho con. Ta còn một cánh đồng_ cánh đồng Việt nam óng ả mượt mà sóng lúa nhấp nhô, đâu đó vọng tiếng sáo diều như lời quê tự sự và thấp thoáng hình bóng cánh cò lặn lội, mẹ chính là cánh cò xưa bất hủ tìm kiếm mãi nguồn sống tinh hoa trong rơm rạ cuộc đời để cho con và vì con.
18/08/2015(Xem: 5073)
Nhắc đến Nguyễn Du (1765-1820) chúng ta thường liên tưởng đến áng văn bất hủ của Đại Thi hào là “Đoạn Trường Tân Thanh” hay “Truyện Kiều”. Hồi năm 1947, Giáo sư Trần Cửu Chấn (1906-1980)*1 đang lúc làm Bộ Trưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục trong Nội Các của Thủ Tướng Chánh Phủ Thiếu Tướng Nguyễn Văn Xuân, đã trình Luận án Tiến Sĩ Văn Chương tại Đại Học La Sorbonne ở Paris, Pháp quốc với đề tài: “Étude critique de Poème Kim Vân Kiều”. Nguyễn Du và Truyện Kiều đã được một cái danh dự vô song khi GS Trần Cửu Chấn đệ trình Luận án Tiến sĩ này trước Hội đồng Giám khảo của Viện Đại Học La Sorbonne. Các học giả, các Giáo Sư Đại Học Pháp quốc và Việt Nam đã viết nhiều bài ca tụng Truyện Kiều và Nguyễn Du cùng tán thán Luận án Tiến sĩ của GS TS Trần Cửu Chấn. Nhà phê bình văn học Cung Giũ Nguyên trong bài “ La conscience matheureuse chez Nguyễn Du” đã gọi GS TS Trần Cửu Chấn là Bộ-Trưởng-kiêm Sinh-Viên (Ministre-Étudiant). GS TS Trần Cửu Chấn cũng
18/08/2015(Xem: 3994)
Từ hơn mười năm qua, cũng có thể là xa hơn chút nữa, ngày lễ Vu Lan Báo Hiếu hằng năm, đặc biệt là lễ cài hoa hồng, đã có sức lan tỏa mạnh mẻ ra ngoài khỏi khuôn viên những mái chùa Phật giáo, mặc dù cho một số ít người tự phong cho mình có tinh thần “cầu tiến” hay “hội nhập”…, chấp nhận và hưởng ứng những Ngày của Cha (Father’s Day), Ngày của mẹ (Mother’s day) hoặc Ngày quốc tế Phụ Nữ (Ngày Liên Hiệp Quốc vì Nữ Quyền và Hòa Bình Quốc tế).v..v..cũng được ồn ào râm ran chúc tụng nhau với người mẹ mình như là một ngày “Vu Lan phương Tây” xâm nhập, bất chấp ý nghĩa duyên khởi của từng ngày lễ đó.
18/08/2015(Xem: 4034)
Mùa Vu Lan lại về với người con Phật, mang nhiều ý nghĩa thâm diệu, vừa siêu nhiên của lãnh vực tâm linh, vừa hiện thực với văn hóa nhân gian, là tình cảm con người đối đãi. Hay nói khác là cơ hội để cho con cháu nhớ đến công đức của đấng sanh thành mà đền đáp. Sự đền đáp công ơn cha mẹ không phải dễ thực hiện cho nên có thể gọi là một việc khó nghĩ bàn. Vã lại trong dân gian có nhiều huyền thoại về những đứa con hiếu hạnh. Như trong các truyện nhị thập tứ hiếu chẳng hạn. Vì thế cho nên không ai lại không cảm thấy trong lòng có chút băn khoăn, là liệu mình có thể làm được như người xưa hay không? Đó là chưa nói đến lãnh vực tâm linh vì chúng ta nhìn đời bằng con mắt trần, thì làm sao thấy được cảnh giới vi diệu kia? May thay chúng ta là Phật tử, nên đây cũng là cơ hội để cho những
18/08/2015(Xem: 4750)
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Ngài cho gọi các Tỷ kheo: Có hai hạng người, này các Tỷ kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai ? Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, xoa gội, tắm rửa và dầu tại đấy cha mẹ có đại tiểu tiện, như vậy, này các Tỷ kheo cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha.
14/08/2015(Xem: 3856)
Một lần nọ Thế Tôn lấy một ít đất để trên đầu ngón tay rồi hỏi các Thầy Tỳ Kheo, đất trên đầu ngón tay Ta nhiều hay đất trên quả địa cầu này nhiều? - Bạch Đức Thế Tôn ! Đất trên đầu ngón tay Như Lai so với đất trên quả địa cầu thì quá ít . - Cũng vậy , này các Tỳ Kheo , những chúng sanh hiếu kính với cha mẹ thì quá ít, như đất trên đầu ngón tay của Ta, còn những chúng sanh không hiếu kính với cha mẹ lại quá nhiều như đất trên địa cầu”. (Kinh Tương Ưng)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]