Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bước Chân Cùng Tử

10/04/201317:32(Xem: 4554)
Bước Chân Cùng Tử

Tuyển tập bài viết về Vu Lan - 2007

Bước Chân Cùng Tử

Diệu Trân

Nguồn: Diệu Trân

Nắng đã lên cao khi gã tới ven sông. Dọc theo con nước, hàng phượng tím rủ bóng êm đềm, thả rơi trong gió những cánh hoa tím nhạt, điểm lấm tấm trên viền cỏ xanh. Trời trong vắt, chan hòa nắng vàng và lãng đãng mây xanh.
Gã nhìn quanh, tìm bóng con đò. Nhưng giòng sông vắng lặng. Gã đã thấy những bậc đá dẫn xuống bến. Đã có bến, thế nào cũng có đò. Gã suy luận như vậy, và an tâm tháo túi vải trên vai, tìm một chỗ bằng phẳng dưới gốc phượng, ngả lưng, lim dim mắt chờ đò.
Trong ngầy ngật nửa mơ nửa tỉnh, gã như nghe thấy tiếng sáo diều vi vút thả gió trên bờ đê xưa. Chẳng phải chỉ diều bay mà gió cũng bay. Gió thả diều hay diều thả gió? Không có gió, diều chẳng thể bay, nhưng không có diều, ai thấy được mênh mang gió nổi?
Ừ, không có diều, ai thấy được mênh mang gió nổi? Không khát cháy, sao cảm nhận được tột cùng ngọt mát của suối reo? Không khổ đau, liệu có biết thế nào là hạnh phúc?
À, điều này thì có vẻ ngược lại với vị thái tử con vua Tịnh Phạn của giòng họ Thích Ca. Hơn hai ngàn sáu trăm năm trước, thái tử sống trong cung vàng điện ngọc, tràn đầy hạnh phúc trong sự bảo vệ, yêu thương của hoàng gia mà lại nhìn thấy khổ đau của muôn loài. Nhìn thấy rồi, thái tử buông bỏ hết hạnh phúc đang có, quyết đi tìm ra nguyên nhân sự khổ đau mà cứu khổ.
Quả là bậc xuất thần!
Từ thuở đó đến nay, ánh sáng Đạo Giác Ngộ không ngừng tìm bóng tối để soi tỏ đường đi.“Khắp đại địa mười phương ba cõi, cắm một cây kim nào xuống cũng chạm tới xương thịt Như-Lai”.
Mỗi lần nhớ tới lời xác quyết đại từ đại bi này, từng nét chữ thầm lặng như đều chậm rãi chuyển thành âm thanh, lan tỏa nhẹ nhàng vào không gian bao la như tiếng ngân rất mực kỳ diệu của đại hồng chung trên lầu Tàng-kinh-các.
Gã đã từng nương âm thanh này mà đi.
Gã lần mò, đi như người mù, mà cây gậy dẫn đường là bất cứ cuốn Kinh, Luật, Luận nào vớ được! Gã đọc say mê, suy luận bằng sự vô minh của phàm phu và tệ hại, là thực hành theo những suy luận đó!
Gã biết làm sao hơn khi từng lê gót hết nơi này đến nơi kia mà chẳng thấy bản tâm? Lời nói của Vị Lạt Ma tối cao thường an ủi gã “Trên đường tầm sư học đạo, có khi phải từ mười đến mười lăm năm trò mới thấy vị thầy mình đang theo học có là minh-sư hay không!”
Trời hỡi! làm sao trò giữ vững ý chí qua thời gian đằng đẵng đó nếu chẳng may thất vọng?
Trong bóng tối vô minh, gã đã từng tìm đến ngôi chùa bỏ hoang trên núi, điên rồ thách thức sự u tịch hoang vu. Trong nhiều đêm, gã đã từng đổ mồ hôi hột khi dồn toàn lực, toàn trí, bám chặt vào công án “KHÔNG”. Ôi, cái chữ “Không” này chẳng không chút nào. Nó là cửa ải thập phần gian nan của giáo lý tối thượng mà lại luôn mang vẻ lửng lơ, bỡn cợt! Chẳng thế mà một thiền-sư đã ví công án KHÔNG như hòn sắt nóng, đỏ rực ngang cuống họng thiền-sinh. Phải dũng mãnh vận dụng đủ 360 cái xương và 84,000 lỗ chân lông trong thân thể mà chiến đấu với nó để, hoặc nuốt được nó, thoát qua cửa ải, hoặc bị nó đốt cháy!
Trong nhiều đêm, gã đã bị đốt cháy!
Một đêm, với thương tích tả tơi, gã chợt nhớ lời dạy của Đức Thế Tôn với tỳ-kheo Thera. Trong tăng đoàn, thầy Thera thường né tránh đám đông và chỉ thích vào rừng sâu tu tập một mình. Khi biết thế, Đức Thế Tôn đã dạy:
“ Này các vị khất sỹ, này thầy Thera, người biết sống một mình không phải là người xa lánh đám đông mà là người giữ được chánh niệm, biết sống với giây phút hiện tại giữa đám đông, nhận biết mọi sự vật xung quanh một cách rõ ràng, sâu sắc mà không bị những sự vật đó chi phối. Người biết sống một mình là người biết an trú trong từng hơi thở hiện tại, không quay tìm quá khứ, không đuổi bắt tương lai. Người như thế, dù sống giữa đám đông vẫn là người sống một mình với bản tâm thinh lặng.”
Gã đã mang lời dạy này, đeo túi vải lên vai, rời núi đồi mà xuống đồng bằng.
Nơi đây, gã lại tuân lời Đức Thế Tôn đã dạy La Hầu La:
“Con hãy học hạnh của đất. Dù người ta có dẫm đạp, đổ vãi lên đất những thứ bẩn nhơ hôi hám hay trải hương hoa thơm tho tinh sạch, đất cũng an nhiên không giận, chẳng mừng. Học được như thế, con sẽ không còn bị mọi cảm thọ bám vào. Biết nhìn cảm thọ như đối tượng bị nhìn, thay vì đồng hóa mình với cảm thọ, con sẽ luôn thanh thản an nhiên trước mọi sự.”
Dù cố gắng thế nào, gã vẫn mơ hồ thấy nỗi khổ đau như những con vi trùng cực độc, cực nhỏ, âm thầm rút rỉa từng tế bào!
Nếu cứ thế này, không bao lâu, gã sẽ chết như sâu mọt! Gã khóc cho sự bất hạnh của kẻ cùng tử trong Kinh Pháp Hoa, có gia tài trước mắt mà không nhận được Cha mình!
Giòng sông lênh láng nắng vàng vừa soi bóng con đò.
Lạ thay, cùng với tiếng mái chèo khua nước mỗi lúc mỗi gần, gã chợt nghe thấy tiếng chuông ngân. Gã nhìn quanh. Thành phố Biển Dài im trong trưa hè. Tiếng chuông từ đâu vậy?
Con đò khẽ khàng cặp bến.
Tiếng chuông tha thiết hơn.
Gã đứng bật dậy.
Một vài người đang xuống đò.
Tiếng chuông ngân dài lời ru của MẸ.
Gã nhìn ông lão lái đò. Rồi không chần chừ, gã quay vào thành phố, cứ nương theo tiếng chuông mà đi …. Đi mãi …. Tiếng chuông mỗi lúc mỗi rõ …..
Đây rồi.
Một vị sư trẻ đang điểm từng tiếng chuông sau mỗi lần trang nghiêm xướng hồng danh một Chư Phật. Và đoàn Phật-tử áo lam khoan thai, kính cẩn đồng quỳ xuống, lạy một lạy. Sau tiếng khánh, tất cả thầy trò lại thong thả đứng lên. Thầy lại xướng một hồng danh, đánh một tiếng chuông, Phật-tử cùng trang nghiêm xưng tụng hồng danh và lại cùng quỳ xuống, lạy một lạy.
Đạo tràng cực kỳ linh động trong động tác và âm thanh thập phần tôn kính.
Gã đứng như tượng đá trước cửa chánh điện.
Gã không ý thức đã đứng như thế bao lâu, đã tụt giầy, bò vào đạo tràng lúc nào. Gã cũng không biết ai đã mang cho gã một cuốn “Từ Bi Đạo Tràng Sám Pháp LƯƠNG HOÀNG SÁM”, đặt trên kệ gỗ nhỏ ngay ngắn trước mặt gã, sau khi đã thân ái mở trang đang tụng lạy.
Và gã nghe rõ tiếng mình tụng, hòa với đại chúng:
“Tất cả chúng sanh từ vô thủy trở lại cho đến ngày nay, mê muội mãi mãi, vô minh che lấp, nước ái nhận chìm, nên khởi ra ba độc-căn, khởi ra bốn điên đảo. Từ ba độc-căn ấy sanh ra mười phiền não. Y nơi thân-kiến khởi ra ngũ-kiến. Y nơi ngũ-kiến khởi ra sáu mươi hai kiến. Y nơi thân, khẩu, ý khởi ra mười hạnh ác. Lại y nơi sáu căn tham đắm sáu trần, hơn nữa là mở rộng cửa ác cho tám vạn bốn ngàn trần lao xâm nhập. Trong khoảng một niệm, mở cửa cho tám vạn bốn ngàn trần lao, huống nữa là trong khoảng một ngày, một tháng, một năm, chung thân lịch kiếp thì đã khởi ra biết bao tội ác, vô lượng vô biên oán thù theo nhau không bao giờ cùng tận.
Nguyện xin Chư Phật, Chư Đại Bồ Tát, rủ lòng từ-bi thâu nhiếp chúng con, đem sức đại trí huệ, sức hàng phục tứ ma, sức diệt trừ phiền não, sức giải oan kết độ thoát chúng sanh, sức giải thoát địa ngục, tế độ ngã quỷ, cứu vớt súc sanh, sức nhiếp hóa a-tu-la, sức nhiếp thọ nhơn đạo cùng sức vô lượng vô biên công đức, vô lượng vô tận trí huệ, nhờ những sức lực ấy khiến các chúng sanh có oán thù trong bốn loài, sáu đường, đồng đến đạo tràng, thọ lãnh sự sám hối của chúng con hôm nay …”(*)

Toàn thân gã rung động khi tụng những câu này. Trời ơi! Đây có phải là “sự cảm thông không thể nghĩ bàn” của “Mười phương Phật-bảo hào quang sáng ngời”? Trời ơi! Có phải những khổ đau cùng cực trong lòng gã, ở phút giây chí thành đã bắt được tần số với đạo tràng đang tụng lạy bộ sám pháp Lương Hoàng Sám hôm nay? Gã tin rằng, chính bao tấm lòng trong đạo tràng này đã gọi gã qua âm thanh mơ hồ gã nghe được khi chờ đò sang sông.
Muôn tỷ người trong thiên hạ, sao có những người vừa nhìn thấy nhau là thấy ngay duyên nợ? Thế nhân thường gọi đây là tiếng sét. Tiếng sét với duyên nợ thế nhân hay tiếng chuông với duyên lành đạo pháp có khác nhau không?
Có lẽ khác. Và khác nhiều.
Duyên nợ để tiếp tục vay, trả, lăn trôi trong luân hồi.
Duyên lành để sám hối, diệt trừ nghiệp chướng, đem tâm thanh tịnh cúng dường Tam Bảo, đoạn dứt luân hồi.
Cảm nhận như thế, gã bỗng thấy tay chân, mình mẩy nhẹ như tơ, khi cùng đại chúng, theo sự hướng dẫn của vị sư trẻ mà cung kính lễ lạy từng hồng danh:
“Đại chúng cùng nhau chí tâm đảnh lễ quy-y đấng Đại Từ Bi Phụ của cả thế gian:
Nam Mô Di-Lặc Phật
Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Nguyệt Diện Phật
Nam Mô Bảo Đăng Phật
…………………………..
Nam Mô Vô Biên Thân Bồ Tát
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát”(*)

Đại chúng trong đạo tràng có đủ nam phụ lão ấu, đều nhất loạt tụng, lạy an nhiên tự tại như không hề biết mệt. Cuốn sám pháp Lương Hoàng Sám dày gần bẩy trăm trang, tràn ngập lời tụng chí thành thiết tha, không chỉ sám hối cho bản thân mình, quyến thuộc mình mà sám hối cho muôn người, muôn loài, tỷ mỷ phân minh từng ba đường, sáu cõi. Sau mỗi đoạn thỉnh cầu, phát nguyện, lại lễ lạy xin Chư Phật, Chư Bồ Tát chứng minh. Trọn cuốn, hơn một ngàn sáu trăm hồng danh mà đại chúng tuần tự sụp lạy không sót một vị.
Giờ nghỉ trưa thọ trai, gã được lão ông ngồi gần cho biết, hôm nay là ngày cuối trong sáu ngày tụng lạy liên tục đủ ba bộ. Gã nhẩm tính, rồi sửng sốt:
-Ba bộ? Nghĩa là sáu ngày liên tiếp đã tụng hơn hai ngàn trang và lạy gần năm ngàn lạy?
Lão ông cười hiền hòa, như điều gã sửng sốt chẳng có gì đáng sửng sốt:
-Thưa vâng. Đại chúng được tụng Lương Hoàng Sám lần này là do duyên lành bất ngờ. Số là, có một nữ Phật tử từng thưa với Thượng Tọa trụ trì, khi nào có cơ hội, xin mở giới đàn đại-sám-hối để thính chúng được gieo duyên với sự mầu nhiệm đã xảy ra thời vua Lương Võ Đế bên Tầu. Hoàng Hậu Hy-Thị được nhà vua yêu quý nhất lại không phải là người hiền đức nên sau khi thác, phải đọa vào kiếp rắn mãng-xà. Bà hiện về than khóc, xin Vua cứu giúp. Nhà vua đã cung thỉnh vị đạo cao đức trọng thời đó là Hòa Thượng Chí Công, triệu tập các danh tăng, cùng soạn ra sám-pháp này. Mỗi lời, mỗi giòng đều như xuất phát tự đáy lòng thành tâm sám hối nên khi nhà vua và quần thần, quyến thuộc tụng lạy mới đến nửa cuốn đã ngửi mùi hương lạ. Và rồi, phảng phất trên hư không là bóng hình diễm lệ của hoàng-hậu Hy-Thị đến tạ ơn Vua và Chư Tôn Đức, vì nhờ những lời sám hối khẩn thiết mà bà đã được giải thoát, sanh lên cung trời Đao-Lợi.
Lời thỉnh cầu của người nữ Phật-tử đó, tưởng còn phải chờ lâu lắm. Nào ngờ, sau những ngày An Cư Kiết Hạ, quý Thầy trong chùa theo Thượng Tọa trụ trì lên đường hành hương thì Đại-đức Thường Tịnh nhớ tới lời thỉnh nguyện, đã tình nguyện ở lại “giữ chùa”, nhưng chính là để biến ước mơ của đại chúng thành sự thật.
Tụng lạy trọn cuốn phải hai ngày liền, mỗi ngày tám tiếng mới hoàn tất. Thế nhưng, “hữu xạ tự nhiên hương”, ngày nào cũng có người tất tả chạy đến than thở:
-Trời ơi, chúng con không biết kịp, lỡ mất nửa cuốn rồi!
Đại-đức đã từ bi an ủi rằng:
-Chưa mất đâu. Chúng ta sẽ tụng lại từ đầu.
Đó chính là cơ duyên mà đại chúng được tụng lạy sám pháp Lương Hoàng Sám liên tiếp tới ba lần!
Buổi chiều kết thúc sáu ngày tụng lạy, gã được Đại-đức tặng một bộ Lương Hoàng Sám. Gã cúi rạp đầu, kính cẩn nhận, rồi bái biệt ra đi.
Đi đâu?
Gã chợt nhớ là gã đang ở bên sông, chờ đò.
Theo hương gió, gã đi lần về bờ sông.
Người và cảnh khác lạ, không như khi gã nương tiếng chuông, về chùa. Rồi gã lại nhận ra, không phải người và cảnh khác lạ mà hình như chính gã đang khác lạ. Gã vừa thấy suốt được sự vô minh, ngạo mạn đã làm uổng phí bao tháng ngày lang thang.
Gã là gì mà mơ tưởng “Trực chỉ chơn tâm, kiến tánh thành Phật” khi tọa thiền, tham công án?
Gã là gì mà dám tự nhủ “Kiếp này, chỉ kiếp này nữa thôi phải dứt sanh tử luân hồi” khi tụng kinh niệm Phật?
Gã là gì mà sau mỗi thời kinh, quỳ đọc dăm câu sám hối đơn sơ: “Đệ tử lâu đời lâu kiếp, tham giận si mê, kiêu căng lầm lạc, nay nhờ ơn Phật, biết sự lỗi lầm …” đã tưởng là dọn tâm thanh tịnh?
Hơn bao giờ hết, gã hiểu rõ hơn hai chữ “Tàm và Quý” trong môn Duy Thức Học. Đó là lòng biết hổ thẹn với mình và với người. Tội lỗi thế gian tinh vi chằng chịt, cố tình lẫn vô tình, sám hối cả đời chưa hết. Chưa sám hối hết, đừng mong chỉ còn đời này sẽ dứt luân hồi, mà phải nguyện xin đới-nghiệp-vãng-sanh.
“Con thành tâm phát nguyện xin được về cõi Phật. Nếu còn bao nhiêu nghiệp chưa trả hết, xin cho con được mang theo lên cõi báu để ở nơi thanh tịnh, đẹp đẽ, nhiệm mầu đó con đem hết thân, tâm, ý này mà tu tiếp. Ngưỡng xin Chư Phật, Chư Bồ Tát gia hộ cho con.”
Bên bờ sông cũ, gã lầm thầm tự nguyện như thế.
Nắng đã nhạt. Con đò lại hiện ra trên giòng sông êm mát. Gã bật cười, liên tưởng đến nhân vật Tất Đạt trong tác phẩm nổi tiếng “Câu chuyện giòng sông” của văn hào Hermann Hesse. Gần hết cuộc đời thanh xuân, Tất Đạt đã lang thang đi tìm chính mình, đến khi nếm đủ phong sương mới gặp được Vệ Sử, ông lão lái đò tự tiền kiếp, khai ngộ cho.
Bất giác, gã buột miệng gọi to:
-Vệ Sử!
Ông lái vừa buộc giây neo, vừa ngơ ngác nhìn gã.
Gã lại hỏi:
-Không qua sông ư?
Tiếng đáp cộc lốc:
-Không. Mai.
Cột xong con đò, lão lên bờ, lững thững đi vào thành phố.
Gã cũng lững thững đi vào thành phố, nhưng khác hướng. Vừa đi, gã vừa nghĩ “ Mai? Sao lại mai? Hôm trước đã qua, ngày mai chưa tới. Phải hôm nay. Phải hôm nay và ngay bây giờ chứ.”
Hơi thở.
Hôm nay.
Bây giờ.
Hơi thở.
Hôm nay.
Bây giờ.
Gã thở đều, bước đều, trong chánh niệm như thế. Lòng thư thái, an nhiên. Khi dừng bước thì đã thấy mái cong của ngôi chùa.
Đó là đạo tràng gã vừa được khai tâm sám hối.
Không xuống đò mà gã ngỡ như đã qua sông.

Diệu Trân
(Như-Thị-Am, mùa Vu Lan 2007)


(*)Từ Bi Đạo Tràng Sám Pháp LƯƠNG HOÀNG SÁM. Dịch giả : Tỳ Kheo Thích Viên Giác



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 5959)
Do Thầy Hằng Trường & Thầy Hằng Đức hướng dẫn tổ chức từ ngày 15-23/8/2009 tại Houston Chín ngày Lương Hoàng Sám thoạt đầu tưởng rất dài nhưng trôi qua thật mau. Thiệt tình lúc đầu tôi đăng ký tham gia vài ba ngày của khoá tu phần lớn là vì tò mò muốn biết Lương Hoàng Sám ra sao thôi. Không ngờ rằng đi một ngày rồi thì thấy quá hữu ích nên tôi tiếp tục hăng hái tham gia đầy đủ cho đến ngày chót.
10/04/2013(Xem: 4545)
Mười sáu tuổi con nào đã lớn Chưa trưởng thành mẹ đã bỏ con đi Mười sáu tuổi con mồ côi mẹ Chẳng thể nào tin, mẹ mãi xa con Làm con trai khóc không thành tiếng Nước mắt chảy ngược dòng trong nức nở Mẹ ơi !
10/04/2013(Xem: 4474)
Mẹ yêu ơi, hôm nay ngày của mẹ Con lang thang tìm bóng mẹ đâu đây Ngày ra đi, con nhớ dáng mẹ gầy Đưa tay vẫy chào con thơ lần cuối
10/04/2013(Xem: 8452)
Xin tặng cho những ai được diễm phúc còn có Mẹ Đỗ Trung Quân - 1986 Con sẽ không đợi một ngày kia khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?
10/04/2013(Xem: 4748)
Cả cuộc đời mẹ vất vả vì con Từ thuở ấu thơ cho đến giờ khôn lớn Khi bước chân con không còn chập chững Gánh nước mỗi ngày mẹ như thấy nặng hơn.
10/04/2013(Xem: 5170)
Em kể về mẹ em bằng giọng văn thật là ngây dại rằng " một buổi trên đường vượt biển chuyến ghe em bị đánh cướp hai lần chúng ăn hiếp mẹ ba giận xông vào đánh trả
10/04/2013(Xem: 4973)
Trời cuối năm rồi gió bấc thổi từng cơn con lại muốn viết những dòng về mẹ như câu chuyện tình con chưa được kể Vẫn ôm trong lòng thao thức với thời gian bảy lượt xuân về con xa mẹ bảy năm mái tóc mẹ nỗi u hoài nhuộm bạc
10/04/2013(Xem: 4811)
Mẹ ơi, đời mẹ khổ nhiều Trách đời, mẹ giận bao nhiêu cho cùng Mà lòng yêu sống lạ lùng Mẹ không phút nản thương chồng, nuôi con.
10/04/2013(Xem: 5294)
Một cánh hồng con kính dâng tặng mẹ Suốt một đời mẹ lặng lẽ hy sinh Thương đàn con mẹ cực khổ quên mình Nuôi con lớn trong tình yêu vĩ dại
10/04/2013(Xem: 4567)
Buồn lắm mẹ ơi, đêm trường viễn xứ Con nhớ nhung hoài tiếng mẹ hiền ru Thương mẹ lắm, giờ đây xa cách mãi Chuyện tao phùng biền biệt cõi thiên thu!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]