Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Về với mẹ…!

10/04/201317:16(Xem: 3531)
Về với mẹ…!

Tuyển tập bài viết về Vu Lan - 2007

Về với mẹ…!

Như Nhật

Nguồn: Như Nhật

Mỗi năm có bao nhiêu ngày lễ lớn , nhưng đặc biệt là ngày “ Tri ân Mẹ” vẫn là ngày khiến cho mọi người dù còn nhớ hay đã quên đều có dịp tìm về bên Mẹ, vui cùng Mẹ.
Mẹ còn hiện tiền thì những người con như chúng ta sẽ mua tặng Mẹ một món quà, nấu vài món ăn ngon cho mẹ và có thể làm bất cứ điều gì để mẹ được vui. Mà nếu như không có chi dành cho Mẹ thì chuyện trò cùng Mẹ, cười với Mẹ thôi…là đủ lắm rồi. Nụ cười mà có khi cả năm trời hay hơn thế nữa…mình cũng đã không thể dành cho Mẹ với tất cả tình thương! Mà nếu như Mẹ đã mất thì chúng ta cũng có thể tìm về với Mẹ trong ký ức, đến Chùa thắp nén hương tưởng niệm, làm những việc phước lành hướng về Mẹ.
Ở các nước Tây Âu thì có ngày lễ Mẹ ( Mother’s day ) và ngày lễ Cha ( Father’s day ). Riêng ở quê hương mình thì có ngày lễ Vu Lan (15-7 âm lịch), còn gọi là “ Ngày báo hiếu” Vào ngày lễ này, mọi người đều có dịp tụ hội về Chùa trì tụng kinh Báo Ân, sau đó được nghe qúy Thầy giảng dạy về ân đức của Cha Mẹ và hiếu đạo làm con. Cuối cùng thì mỗi người sẽ được cài lên áo những nụ hoa hồng đỏ nếu như ai đó còn có Mẹ, và hoa hồng trắng cho những ai đã mất Mẹ. Riêng tôi , tôi vẫn còn có được diễm phúc thiêng liêng này. Diễm phúc còn có Mẹ !
Khác hẳn với hình ảnh những bà Mẹ già với chiếc áo tơi màu, nón lá xiêng, tảo tần hôm sớm… đã được nhiều người nói đến qua những dòng thơ lời nhạc. Mẹ tôi đã ngoài 70, nhưng Mẹ rất đẹp lão. Tóc Mẹ tuy đã bạc trắng màu mây nhưng luôn được cắt ngắn vờn vợn… trông Mẹ không khác nào bà tiên của thời đại…mà không như thuở xưa tóc búi sau đầu. Mẹ tuy đã cao tuổi, nhưng vẩn còn nhanh nhẹn và linh đông lắm. Dù chưa từng phải buôn tảo bán tần, nhưng vào những năm khó nghèo, Mẹ cũng đã như bao người… thức dậy khi trời còn chưa tỏ, lui cui nhen từng nhúm lửa, đãi từng hạt đậu, nếp, lột từng trái chuối nhỏ, vo tròn nhựng viên trôi nước…để kịp sáng có ra những nồi chè đủ loại dàn bán trước nhà. Năm 1990 Ba tôi vì quá lao lực nên ngã bệnh, không bao lâu thì mất. Khi ấy anh chị em đều đã lớn, ai cũng có thể tự lo cho mình. Tôi thì đã xa Mẹ Cha kể từ ngày vào Chùa xuất gia tu học. Xa Mẹ thôi, nhưng không mất Mẹ. Đó là hạnh phúc mà tôi còn có được! Cho đến bây giờ dù đã ở chốn xa, nhưng hình ảnh Mẹ vẫn luôn trãi dài trong đời sống của tôi. Thế nên tôi luôn không bao giờ có cảm giác thiếu vắng Mẹ. Nhưng nghĩ về Mẹ, nhớ Mẹ thì nhiều lắm lắm..!
Hồi còn bên quê nhà, vào mỗi khi đi học, tôi thường tranh thủ chạy về thăm Mẹ, thăm Mẹ một chút thôi là đủ rồi. Những lúc như thế tôi thưòng có quà cho Mẹ, một vài trái cây cúng Phật hay ít bánh kẹo nào đó mà tôi có được từ những phần chia chúng. Những món quà rất khiêm tốn và đơn giản, ấy vậy mà Mẹ rất vui vì biết tôi thương và nghĩ đến Mẹ. Cuối tuần tôi thường đón Mẹ về Chùa cả ngày. Những dịp Mẹ con gần bên nhau, tôi thường hay kể chuyện vui cho Mẹ nghe, để được thấy Mẹ cười dòn giã. Chuyện về “ Châu Lợi Bàn Đặc” học tối trời mà cũng không thể nhớ nổi hai chữ “ chổi quét”, cuối cùng bị anh đuổi bò lăn ra khóc. Chuyện “ Cấp Cô Độc” dụ con nghe pháp trả tiền. Chuyện A Nan Đà đã tu rồi mà còn nhớ vợ đến não phiền v.v…Dù đã là một Sư Cô nhưng mỗi lần bên cạnh Mẹ , tôi không muốn đóng bộ trang nghiêm đâu , vì như thế Mẹ sẽ có cảm giác mình xa cách Mẹ lắm. Tôi thường hay đi chợ, nấu những món chay rất ngon cho Mẹ thưởng thức. Mẹ vừa ăn vừa tấm tắc khen “ Sao Cô giỏi quá vậy, nấu ăn ngon quá trời !”. Tôi cười với tất cả niềm vui sướng. Ở Chùa, lúc nào cũng bị rầy la bởi bao điều, vậy mà hể gần Mẹ thì cái chi cũng được khen , không phình mũi lên sao được ? Sau bửa cơm ngon, vui với Mẹ xong thì tôi bắt đầu hắng lấy hơi ra oai “giảng sư” thao thao bất tuyệt nói cho Mẹ nghe về nhân quả, nghiệp báo và công đức phóng sanh, niệm Phật. Mẹ bị nặng tai nên tôi phải nói thật lớn, lớn đến nổi những nhà quanh bên đều nghe, thì Mẹ mới nghe được. Và cứ mỗi lần thuyết pháp xong là tôi khô rát cả cổ, đau cả họng. Vậy mà dường như chưa chắc ăn lắm, tôi còn hỏi lại : “ Mẹ, con nói Mẹ có nghe rõ không vậy ? Mẹ hiểu hết không ? Mẹ chưa hiểu thì con nói tiếp. Mẹ khoa tay, nhìn tôi cười rồi nói; “ Mẹ hiểu rồi, nghe rõ lắm không sót một chữ. Cô nói hay quá trời, nhưng thôi Cô mệt rồi, nghĩ hơi đi, Cô mà nói nữa, Cô không xỉu thì tôi cũng xỉu đó” Thế là cả hai Mẹ con cùng cười vang!
Có câu “ Tưới lâu thấm đất”. Thật vậy, lần nào cũng phải rỉ rã bên tai Mẹ, nghe riết Mẹ cũng nhập vào tâm. Giờ Mẹ đã biết ăn chay, chay kỳ, chay tháng, chay năm… Mẹ rất thích làm phước, giúp đở người nghèo. Biết về Chùa lạy Phật, cúng dường với tất cả sự thành tâm. Tôi có tặng cho mẹ xâu chuổi thật đẹp và dặn dò rất gắt.: “ Mẹ phải nhớ niệm Phật mỗi ngày và đừng quên mẹ nhé!” Mẹ cười thật hiền và nói : “ Tôi nhớ mà, không có quên đâu Cô đừng lo “
Nhưng tôi biết không có tôi thường xuyên nhắc nhở, Mẹ thường hay quên lắm. Nhưng không sao, hạt mầm đã nứt, rễ đã bén, theo thời tiết nhân duyên cây sẽ tự vươn lên. Mẹ tôi cũng thế, cuộc sống đôi lúc sẽ là ngưòi bạn nhắc nhở Mẹ trở về với câu Phật hiệu, trở về với đời sống tâm linh.
Với Tôi, bao điều nho nhỏ dành cho Mẹ. Tôi thấy cả Mẹ và tôi đều có được hạnh phúc. Hạnh phúc bắt nguồn từ tình thương và ý thức sống dành cho Mẹ. Và tôi nghĩ mình đâu cần đợi đến ngày lễ Vu Lan, ngày “ Tri ân Mẹ” thì mới có thể làm gì đó cho Mẹ, nghĩ về Mẹ. Một năm 365 ngày, mà chỉ có một ngày “ Về với Mẹ” thì thật thảm thê quá! Mình sẽ lỗ thật nhiều, mất mát thật nhiều! Trong cuộc đời, có những sự mất mát mà cho dù ta có cố gắng cách mấy đi nữa để bù đắp lại cũng không thể được . Thế nên đừng để vuột mất Mẹ, vì một khi mất Mẹ rồi ta sẽ khổ đau lắm, hối hận không cùng và tiếc nuối khôn nguôi. Tôi không muốn điều này xảy ra với tôi , với bao người.
Tất cả chúng ta, ai cũng thương Mẹ, nghĩ về Mẹ. Nhưng rất ít khi chúng ta chịu ngồi nhìn ngắm lại tình thương của mình đối với Mẹ. Thói quen của chúng ta phần nhiều thích cân đo, thiệt hơn với Mẹ, thay vì là “sự nhìn lại” trong ý thức nội quán để thấy rõ hơn về Mẹ. Để biết là mình thương Mẹ như thế nào? Đã làm khổ Mẹ nhiều hay ít ?
Thương Mẹ , nghĩ về mẹ, đây không chỉ là ý niệm trừu tượng và chúng ta không thể mãi bơi lội trong những sáo từ, mà đây là điều ta phải thực hiện, phải làm với cả trái tim mình ngay khi còn có Mẹ!
Nấu một bát canh ngon, pha ly cà phê cho Mẹ, ủi cho Mẹ đôi áo, mua thêm cho Mẹ chiếc mền khi trời đã sang đông. Đưa Mẹ đến Chùa, cười vui với mẹ v.v… Tôi nghĩ những việc như thế không chiếm mất nhiều thời gian của mình đâu. Thật sự là không ! Và chừng đó thôi cũng đủ cho ta nhỏ đầy giọt yêu thương đối với Mẹ. Vậy thì sao ta không thể ? Nhất là ở nơi xứ người này, chúng ta đâu phải nhọc công nuôi Mẹ? Đâu phải hao tốn bạc tiền để phụng dưỡng Mẹ, chỉ là chúng ta có thật thương, thật hiểu, thật nghĩ về Mẹ hay không mà thôi. Và đây cũng là niềm mong đợi, khát khao của những bà Mẹ chốn tha hương…!
Mỗi mùa Vu Lan đến, hoa hồng luôn được cài trên áo người. Hoa hồng là biểu hiện của sự thương yêu. Cài hoa lên áo là thay lời nhắc nhở là chúng ta hãy đừng quên là chúng ta đang còn có Mẹ! Và hãy thương yêu Mẹ nhiều hơn, yêu Mẹ nhiều hơn nữa.
Ước mong sao, ngày nào đó, mỗi người đều sẽ thêu trên áo những nụ hồng nho nhỏ, màu đỏ thẩm, để khi gặp nhau không cần nói gì với nhau cả, nhưng nhìn thấy hoa ở đâu là hiểu ngay ở nơi đấy có sự hiện diện của “ Mẹ”. Và điều tôi muốn nói “ Hoa Hồng” đâu chỉ đến mùa Vu Lan mới nở một lần, mà hoa luôn nở và ngát hưong thơm trong vườn tâm của mỗi người, những người luôn biết sống cho Mẹ và vì Mẹ !
Ngoài kia bên sau vườn, những nụ hồng vừa hé nở, vài hạt sương long lanh còn vương đọng trên lá. Chúng rực rỡ sắc màu nhưng cũng dịu dàng như nụ cười của Mẹ, như những giọt mật yêu thương và đẹp thay như một lời nguyện ước… nhắn gởi đến bao người….!
…Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh
Đóa hoa màu hồng vừ cài lên áo đó em
Thì xin anh, thì xin em… hãy cùng tôi vui sướng đi…
Hãy cùng tôi vui sướng đi…!

Viết vào mùa Vu Lan PL 2551
Tây Úc 2007
Như Nhật.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/09/2023(Xem: 782)
Kêu gọi cứu trợ hoả hoạn Hải Đảo Maui tại Hawaii do HT. Thông Hải vận động và gây quỹ
10/09/2023(Xem: 791)
Mẹ ơi! Thấm thoát mà đã ba mươi chín mùa Vu Lan rồi con xa Mẹ. 39 năm nơi xứ lạ quê người. Vu Lan cũng là mùa chớm sang thu, nhìn những chiếc lá bắt đầu đổi màu, trời chớm lạnh, đôi khi có những cơn mưa phùn giăng mắc là lòng con buồn không nguôi, con nghe trong lòng thổn thức.
31/08/2023(Xem: 901)
Má yêu dấu, Tháng Bảy về, mùa báo hiếu lại đến. Không khí trời Âu năm nay vẫn chưa vào thu với lá vàng rơi, nhưng sao con rất chạnh lòng khi nghĩ về Ba Má và nhất là Vu Lan năm nay là Vu Lan đầu tiên mà chị em chúng con không còn được ôm Má như mọi năm.
29/08/2023(Xem: 1422)
Tĩnh tâm nghe nhạc phổ “pháp tu Đại Thế Chí Bồ Tát “ Chợt nhớ ngày Khánh đản 13 tháng bảy của Ngài Rất thầm lặng trước đại lễ Vu Lan có hai ngày Tự nhủ thầm, bao nhiêu Phật Tử còn nhớ đến ? Có thể Phước duyên ai còn tin Phật bản mệnh (1)
26/08/2023(Xem: 1134)
Ngày lại qua ngày, bình minh lên rực rỡ, hoàng hôn xuống đìu hiu. Nước vẫn chảy về đông nhưng vòng tuần hoàn chưa bao giờ gián đoạn. Đời vẫn sanh diệt liên lỉ, dù có thô tháo bạo liệt hay dịu êm lặng lẽ. Ta vẫn còn nơi này nhưng đang trên đường đi đến điểm cuối của vòng đời. Đến để rồi đi, đi để mà đến, dòng sanh tử luân hồi chưa từng dừng dù chỉ một sát na.
26/08/2023(Xem: 1151)
Khí trời còn nóng lắm nhưng không khí mùa hội hiếu đã chớm sang, âm hưởng tháng bảy đã vọng trong hồn. Tự dưng y nghĩ đến chùa chiền mà lòng lay động, dường như trong tâm có lời thì thầm: “Thế là lại đến mùa báo hiếu!”. Y vốn nhiễu sự mà, lòng vừa nghĩ thế thì thằng Ý chọt liền: - Báo hiếu mọi ngày, ngày nào chẳng là ngày hiếu, hà cớ gì phải đợi đến tháng bảy mới báo hiếu?
26/08/2023(Xem: 2089)
Những áng mây trắng Thơ: Hoang Phong Diễn ngâm: Hồng Vân Tôi nhớ mãi một buổi chiều, Mẹ ngồi bên thềm sân,
26/08/2023(Xem: 1540)
Nay lung linh trong sương khói ánh mắt Mẹ xa xăm thầm … nhắn! Làm việc chi cũng rõ ràng luôn tỏa sáng yêu thương Lúc nào cũng dịu dàng, mềm mỏng nhún nhường Dù cuộc sống có phức tạp, dao động liên tục! Đừng đánh mất phương hướng, kiểm soát khắc phục”
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567