Bộ xương người đàn ông màu trắng. Bộ xương của người đàn bà màu đen. Đen là vì con cái rút hết sức lực của mẹ, khi mẹ sinh con. Bao năm mẹ đã gian khổ nuôi lớn các con khôn lớn. Đến hôm nay là ngày mẹ ra đi, chúng con mừng ngày mẹ đi là ngày 19 tháng 6 (Ngày vía Phật Bà), hưởng thọ 84 tuổi. Con không thể không buồn, không khóc vì từ nay chúng con đã vĩnh viễn không còn mẹ, không còn cất được tiếng gọi: “ MẸ ƠI!”. Cuộc đời trăm năm có biết bao nỗi đau sinh ly tử biệt! Nhưng không nỗi mất mát nào lớn hơn nỗi mất mẹ. Cho dù mẹ đã tuổi thượng thọ vẫn để lại trong chúng con một thương tổn sâu sắc, không gì bù đắp được.
Mẹ tôi sinh mười người con, trong đó tám trai. Dù các em tôi ít hoang nghịch như tôi, nhưng tôi thấy không nhờ vậy mà mẹ tôi bớt khổ nhọc. Rồi lớp cháu nội của mẹ thi nhau ra đời, cho dù anh em tôi luôn cố dạy bảo chúng nên người, nhưng chắc chi toàn vẹn cả. Tôi tin trong đám cháu nội của mẹ cũng có nhiều đứa thay cha chú làm khổ mẹ. Mẹ tôi vì con, vì cháu khổ đến mãn đời, chỉ vì mẹ yêu thương chúng tôi và tại mẹ là mẹ, là bà nội của các con, cháu chưa ngoan. Mẹ như mặt đất bao dung đựng sao hết nỗi buồn của tháng năm.
Năm mẹ tôi hơn tám mươi tuổi. Ba tôi mất, mẹ tôi ốm yếu dây dưa mãi, vài tháng lại nhập viện vì bệnh tim. Một hôm mẹ tôi gọi tôi vào phòng:
- Mẹ lập nghĩa trang quy mồ mả toàn họ. Mẹ chay đàn tụng kinh Thủy Sám, Địa Tạng suốt 49 tuần cho ba con và làm nhiều việc phước khác nhưng mẹ còn một tội chưa trả. Con có biết không dưới chùa vào những ngày rằm, mùng một thường có nhiều người già đi ăn xin ngồi ngửa nón dưới cội bồ đề, mẹ định lấy ba mươi lăm ngàn hay nhiều hơn cũng được, chia hết cho những người ăn xin và nói đây là tiền của Đồng Cỏ Xanh gửi mẹ đem xuống cho họ, con thấy mẹ tính như vậy có được không?
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Sao phải làm vậy mẹ? Mẹ bố thí thì cứ nói của mẹ cũng đặng, ai bắt!
- Con không biết đó thôi. Hồi gia đình mình thiếu đói, mẹ đi mua thực phẩm ở Đồng Cỏ Xanh họ thối lộn cho mẹ 35.000 đồng. Về nhà đếm lại mẹ mừng lắm, chạy đi mua mấy chục ngàn gạo. Nhiều lần mẹ định mang tiền đến trả cho họ nhưng thẹn mình đã già rồi con gian lận họ cười cho. Suốt bao năm mẹ mới nghĩ ra cách nầy để trả tiền lại cho Đồng Cỏ Xanh, làm phước cho họ luôn.
Thấy mẹ tôi yếu quá. Bác sĩ dặn không nên tập thể dục kể. Tôi góp ý:
- Thôi để con chạy xe ra trả cho họ 35.000 đồng là xong chớ gì.
- Mẹ sợ đổ tiếng gian tham cho con.
- Con mang tiếng cũng chẳng sao miễn mẹ yên tâm là được. Mẹ đi ra nhỡ té ngoài đường càng rách việc.
Hai mẹ tôi con bàn vậy. Tôi chạy xe ra trả cho Đồng Cỏ Xanh 35.000 đồng sau khi giải thích cô chủ ở đây thối nhầm cho mẹ tôi năm nào. Thật sự tôi không biết người thối dư tiền cho mẹ tôi là cô chủ hay nhân viên, tôi nói cô chủ để người ta không thể làm khó cô nhân viên biết đâu cô còn giúp việc ở đấy, nhưng họ nhất định không nhận. Tôi đành tìm những người ăn xin tặng họ đúng ba mươi lăm ngàn của mẹ và nói tiền của Đồng Cỏ Xanh nhờ tôi cho họ để bụng mẹ tôi không mãi vướng bận chuyện vặt trong quá khứ có khi đã thành cổ tích.
Buổi chiều trước giờ mẹ ra đi, mẹ ăn chè hột sen cùng tôi. Tôi tập không ăn qúa Ngọ, nên không ăn chiều tối, chỉ ăn nhẹ chén chè. Tối còn phải lên tu tập ở tịnh cốc, ngồi thiền lúc bụng đói vẫn tốt hơn. Lúc ấy mẹ tôi vẫn khỏe. Từ lâu khi bưng ly nước trong cúng ĐịaTạng Vương Bồ Tát tôi hằng cầu nguyện Ngài Địa Tạng Bồ Tát cho mẹ con là Nguyễn Thị Gái Pháp danh Nguyên Quế, Pháp tự Tuệ Hoa (Thập thiện giới), sống an lành, chết an lành và thực hiện một ngày một hoặc hai lần thăm mẹ; một lần để xem mẹ khỏe không, lần hai là báo với mẹ rằng tôi vẫn còn đây, sợ mẹ trông. Thành ra tôi luôn biết sức khỏe mẹ thế nào. Trước phút mẹ lâm chung, có vợ tôi hai đứa cháu nội con tôi, cùng chú út, Dung con dâu thứ sáu. Mẹ tôi đi nhanh, nhanh đến nổi vợ tôi điện cho tôi lúc 2giờ40, vợ tôi nói: “mạ mệt, về gấp”, tôi chạy xe về đến nhà là mẹ đã đi. Tôi ở tịnh cốc cách nhà gần 2km, mà về không kip, Mẹ tôi đi lúc 2giờ 51 phút đúng ngày Vía của Phật bà mười chín tháng sáu. Tôi vô phước không nhìn được nhìn mẹ lần cuối. Rồi chúng tôi tề tựu, xúm xít quanh mẹ ; em trai kế tôi được tin ludc 3 giờ, đã bay từ Cần Thơ ra Huế lúc 3 giờ chiều, chúng tôi gồm trưởng nam, em trai, em gái, em rể, con trai, cháu đích, chắc đích, con dâu, con rể, con gái, cháu nội, cháu ngoại, chắc nội, chắc ngoại và mẹ chúng tôi gần trăm người, thật là một điều hạnh phước hiếm có. Mẹ an lành về chốn vĩnh hằng hưởng thọ 84 tuổi.
Đến nay, chúng tôi ai cũng đến tuổi trưởng thành, cũng có con, có người đã có cháu đích tôn, dâu rể đề huề nhưng vẫn luôn cảm nhận anh linh của mẹ uy nghi hiện hữu. Khi nãn chí, khi buồn vui vẫn có thể vin vào đức hạnh của mẹ và những răn dạy vô ngôn của ba để đứng lên làm một con người chân chính, một công dân tốt. Mẹ chúng con mãi mãi toả bóng mát cho đời đời cháu con nương náu tâm linh và tri ân công đức sinh thành biển cả của mẹ.
Tôi làm bài thơ tiễn mẹ:
MẸ
Khi làm cha con hiểu lòng mẹ
Năm canh thâu đau đáu đoạn trường
Mẹ cho con làm sao xiết kể
Tháng năm dài mòn mỏi thịt xương
Mẹ ơi, con nuôi con vất vả
Lặng người xao xuyến dáng xưa
Chiếc bóng mẹ nhập nhoà, tất tả
Nghiêng chao bấc đèn những đêm mưa
Mẹ nuôi con nay lại bồng cháu
Trên tay gầy bao thế hệ qua
Bạc tóc mới thấm lòng từ mẫu
Quặn lòng xa xót những đông mưa
Bao giờ con giúp được mẹ đâu
Chút muối sao sánh lòng biển mặn
N.N.A
Viết tại Huế, ngày 01082017
(Tuần thứ ba, ngày mất của mẹ)
DẶN CON VẢ CÁC CHÁU 1
(Các con ghi nhớ truyền lưu những lời này. Ba rất cám ơn các con đã lắng nghe.).
Nguyễn Nguyên An
Nếu có phước, các con ở nơi bất lợi cũng may mắn, thuận phong thủy, hợp ngũ hanh. Đức Khổng Tử từng nói: "Tâm còn chưa thiện, phong thủy vô ích. Bất hiếu cha mẹ, thờ cúng vô ích". Phong thủy cũng như là nhân quả vậy, là người không thiện thì khi con ở nơi địa thế tốt đẹp cũng sẽ dần biến thành không tốt. Ngược lại là người lương thiện cho dù con ở nơi địa thế không tốt, nơi đó cũng sẽ dần trở thành tốt.
Không sát sinh
Cái gọi là địa thế phong thủy tốt, chính là chỉ những nơi dồi dào sinh khí. Sát sinh sẽ khiến hết thảy sinh linh đều sợ hãi, đều trốn đi nơi khác.
Không nói xấu người khác
Không nên nói xấu người khác, dù là người thân trong nhà. Lời nói có mang theo năng lượng, con nói lời xấu năng lượng xấu sẽ ở quanh con, nhiễm lên đồ đạc cây cối, tường vách bên cạnh con. Một khi trường năng lượng xấu này ngày càng nhiều lên, chúng sẽ ảnh hưởng xấu tới con cháu, làm con khó chịu về tâm tính, về sức khỏe, trí lực, đúng với câu nói rằng "vạn vật đều mang hình tượng của người chủ".
Hiếu thuận cha mẹ
Hiếu thuận với cha mẹ đó là truyền thống tốt đẹp của con người. Không những vậy, hiếu kính cha mẹ cũng là phương thuốc có thể giúp cải biến vận mệnh của đời người. Có câu nói: "Trăm điều thiện chữ Hiếu đứng đầu". Chữ hiếu là gốc của thiện lành. Làm tốt được chữ hiếu mọi điều khác cũng sẽ dần mà biến chuyển trở lên thiện lành, tốt đẹp theo.
Đặt mình ở nơi thấp nhất
Biển cả vì ở nơi thấp nhất mới chứa đựng cả ngàn sông. Chúng ta nếu để bản thân mình ở vị trí thấp nhất, thì trí tuệ, phúc đức của vạn vật cũng đều hội tụ. Nói chuyện hòa nhã, làm việc thường giúp đỡ người khác, suy nghĩ cho người khác, vận khí của bản thân cũng tự nhiên được hanh thông.
Đức hạnh không đủ, tất có tai ương
Chúng sinh phúc mỏng, cũng bởi vì đối với nhau càng ngày càng ít tôn trọng. Con kính trọng ai, thì họ sẽ sẵn lòng bao bọc lấy con, giúp đỡ con, thành tựu con. Của cải chỉ có thể dùng đức dày mà nâng đỡ, nếu không ngược lại sẽ trở thành tai nạn.
Chùm thơ nguyến nguyên an
VỀ
Tóc rồi sẽ chín như chiều
Tuổi rồi sẽ cạn những điều hơn thua
Ước làm được một cơn mưa
Tưới nhuần mặt đất gọi mùa lên xanh
Đời thôi chim nhỏ chuyền cành
Bay trong cõi tận lanh chanh cũng về
NHÂN NGHĨA
Nỗi buồn làm chín cả chiều
Niềm vui nhen một chút phiêu diêu ngày
Chỉ lòng nhân nghĩa trao tay
Thế gian quẫy một gánh đầy an vui
CHUNG THUỶ
Áo rách vai có kim chỉ vá
Rách tấm lòng ai vá được chăng?
Lòng chung thuỷ một đời không ngã
Trĩu cây đời hạnh phúc trăm năm
TÁT
Thời gian sắp cạn
Ngoảnh lại hư không
Chắp tay ta tát
Cạn sạch biển lòng
N.N.A
NGƯỜI TU LÀ NGƯỜI GIÀU
Nguyễn Nguyên An
Cõi trời sướng quá không tu được, cõi địa ngục khổ quá không tu được, cõi người có sướng có khổ tu được. Tôi đã làm qủy, làm chúng sanh, làm người từ vô lượng kiếp. Kiếp này được làm người có trên dưới trăm năm, nếu tôi tu từ sơ sinh đến biến mất, thời gian tu hành cũng chỉ là hạt bụi so với qủa núi luân hồi. Huống gì tôi mới tu tập trong mười mấy năm nay, thì có đáng gì so với thời gian đã luân hồi. Bởi vậy, con người càng lớn tuổi, càng già đi, càng nên tu, họ tu ít mà đôi khi nhờ thành tâm, duyên lành, có sự gia trì của chư Phật, chư Bồ tát họ hưởng quả lớn không thể nghĩ bàn, không thể tưởng tượng nổi. Với kinh nghiệm trên 66 năm sống trên trần thế, tôi thấy người nào 70 tuổi, 80 tuổi mà thăm ăn, ăn nhiều, ăn sướng, ăn con này con khác là người đó sắp chết. Người nào sợ chết là ngươi đó thường nhiều tiền, làm nhiều việc ác càng sợ chết. Chỉ có người tu hành tinh tấn, tâm thiện lành không hề sợ chết cho dù họ đến 90 tuổi.
Tôi thường nói với các con tôi rằng: “Ở đời, người có hiếu thường đạt hậu vận tốt. Người bất hiếu thường thiếu may mắn và chắc sẽ gặp ba điều: Một là không bình yên, hai mang tật bệnh, ba là không dạy con nên người. Cho cha mẹ tiền, cha mẹ nhận, nhận cho con có công đức, sau này con ít khổ thân.”.
“Nếu bố thí cho người khác một đồng, con phải có lòng thành, thương yếu bố thí thì con sẽ hưởng trọn 2 đồng công đức. Nếu người được cho là người không tốt, con bố thí từ lòng thương yêu của con, con cũng hưởng trọn công đức. Việc bố thí là một việc thiện không cần ai biết. Nếu con muốn người khác biết, người ta phải tri ân, phải nói ra, thì con mất hết công đức, vì một đồng con cho là để mua danh! Con nên nhớ rằng, con sống sao, phải trái thế nào mọi người đều biết, trời đất ghi nhận, không mất đi đâu cả, việc làm thiện của con sẽ bay vào không trung và chờ ngày trỗ quả.
“Con có thể nghĩ rằng, cháy rừng Trường Sơn của ta cũng có thể ảnh hưởng đến nước khác. Dù xa xôi tới đâu, lửa cũng cháy trong vòng khí quyển của địa cầu mà ta đang thở. Lời nói ác hại, hành động bất hiếu vẫn tồn tại trong vũ trụ chờ ngày đủ duyên nó sẽ trở về với con. Giống như con ném vật nào vào không trung , tùy vật nặng nhẹ, nó sẽ trở lại trên đầu con.”
Tôi hằng nghĩ, trẻ hay già đều nên tu. Trẻ tu phước lạc cho ngày sau, cho kiếp sau, già tu thì đạt khỏe mạnh và chết an lành. Tốt nhất là hai mươi năm trước ta bắt đầu tu tập, tốt nhì là ngay hôm nay ta tu tập. Những người giàu, không phải nhiều tiền, vàng, đô la mà người có sức khỏe và có hiểu biết về Phật pháp, về nhân quả, luân hồi. Nói nôm na là có trí huệ, được mạnh khỏe mới là người giàu. Có người chăm chúi làm tiền vài chục năm mê mụ trong ăn uống, trong việc kiếm tiền, đến một lúc nào đi khám mới biết mang bệnh ung thư di căn, thì coi như người đó trắng tay và nghèo nhất trần thế.
Tôi thấy các cô điệu nhỏ, trong sáng và ngây thơ đến thánh thiện. Các cô chụp hình, cùng tựa vào nhau, cùng đưa chân ra trước (kiểu tạo dáng), các bàn chân nhỏ bé đều mang dép nhựa rẻ tiền (mang giày da là phạm giới). Ôi! Dễ thương quá. Các bạn biết không? Các cô điệu chỉ mười ba, mười bốn, mười lăm tuổi mà đã “căt ái đi tu” nhưng tính ngây thơ, ham vui, nghịch ngợm vẫn còn trong lứa tuổi. Điều này, đã làm tôi vô cùng kính trọng, quý mến. Các cô lên mười sáu tuổi, nếu còn trong sáng sẽ được thọ sa di ni giữ mười giới. Ngày từ điệu các cô đã gọi nhau bằng chị, nói với tôi các cô nói: “chị của con”. Tôi thầm cám ơn các sư cô đã dạy các cô lễ phép, giỏi và ngoan thế. Tôi nói với các cô: “Các cô giàu nhất và sướng nhất, chắc chắn sau này ở cõi trời trở trở lên, còn con (là tôi) không biết thế nào, vụng tu mọt chút thì xuống cõi thấp ngay. Con nghèo hơn các cô nhiều.”
Mai đây các cô thọ tỳ kheo ni giữ 348 giới. Tôi cúi đầu thành kính đảnh lễ các cô là vì các cô là người giàu phước hạnh nhất.N.N.A
NHỮNG NGÔI CHÙA CUỐI ĐẦM PHÁ CẦU HAI
Nguyễn Nguyên An
Xã Vinh Hiền nằm bên đầm phá Cầu Hai, khu III huyện Phú Lộc tỉnh thừa thiên Huế. Đầm phá Cầu Hai là một đầm phá nằm trong hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Diện tích phá khoảng 68 km². Một xã bãi ngang mà có ba chùa Phật giáo.
Tôi tìm đến chùa Thánh Duyên trên núi trên núi Thúy Vân. Từ chợ, rẽ vào đường bê - tông nhỏ là đến chùa Thánh Duyên, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Núi có dáng dấp đẹp, trong một lần chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) đi qua đây, thấy phong cảnh thơ mộng, hữu tình, bèn lập một ngôi chùa nhỏ làm nơi cầu phúc cho dân địa phương. Trước ngày đại trùng kiến chùa Thiên Mụ, Chúa Nguyễn Phúc Chu đã tu sửa am cũ thành một ngôi chùa (Nhâm Thân, 1692). Cuối thế kỷ XVIII chùa bị tàn phá hoàn toàn. Chùa rơi vào cõi hoang phế. Đến năm Minh Mệnh thứ 6 (Giáp Thân, 1825) Nguyễn Thánh Tổ đã cho dựng lại một ngôi chùa mới rồi đặt tên là Thúy Hoa Tự. Núi mang tên Thúy Hoa từ đó. Năm Minh Mệnh thứ 17 (Ất Mùi, 1836) nhân lễ đại khánh mừng thọ Thánh mẫu Thuận Thiên Hoàng Thái hậu 70 tuổi, Nguyễn Thánh Tổ lại cho sửa sang chùa Thúy Hoa, xây Đại Từ các và tháp Điều Ngự, đồng thời cho khắc bia đá nói về chùa Thánh Duyên, dựng trên núi Thúy Hoa.
Đến nay, núi Thúy Vân vẫn um tùm cây cối, nhiều công trình cổ. Khu rừng thông, xoài và mù u cổ thụ trên núi vẫn xanh tự nghìn năm. Từ tháp Điều Ngự nằm ngay đỉnh núi với độ cao gần 50m nhìn xuống là "đệ nhất đầm" Cầu Hai được bao bọc bởi dãy núi Ngũ Phong và dải cát xanh rì ngăn cách với biển cả. Hàng nghìn nò sáo, thuyền đò của ngư dân nổi lên trên màu xanh của nước, hòa vào nền xanh núi non và nền trời làm khung cảnh. Vì cảnh sắc mây nước say lòng người nên người dân chuyến choáng đọc trại là núi Túy Vân. Tôi được gặp thầy Thích Minh Chính trụ trì chủa Thánh Duyên.
Thầy là sinh viên khóa I Học viện Hồng Đức Phật giáo Huế, trước đây thầy tu ở chùa Diệu Đế Huế. Sau tốt nghiệp mấy năm thầy được giáo hội tỉnh cho về trụ trì tại đây. Hơn 15 năm trụ trì ở đây, thầy đã thường xuyên tổ chức các lớp học nội điển và ngoại điển, cúng tế giúp dân làng, khuyến học bằng nhiều phần qùa cụ thể khi các em vào năm học mới. Gần đây thầy trồng hơn 1000 cây sao đen khu vực quanh chợ. Tôi đến chùa thầy đang cho che rạp lập Trai đàn chẩn tế. Nhằm cầu siêu cho người chết được siêu thoát và qua đó cũng cầu an cho người sống được an lạc. Trong tín ngưỡng dân gian này không thể thiếu vai trò của Phật giáo vì người dân quan niệm đạo Phật là đạo từ bi cứu khổ. Theo giáo lý nhà Phật, Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ, sự từ bi này không chỉ đối với người sống mà còn với người chết, không chỉ từ bi với con người mà còn từ bi với các loài chúng sinh không phải con người, từ bi bình đẳng đến cả các vong linh khổ não, các oan hồn uổng tử vất vưởng, không nơi nương tựa, lang thang khắp mọi nơi, mọi cõi, lang thang ở bụi dậm, bờ ao. Chính vì lòng từ bi đó mà người ta lập ra Trai đàn để cầu siêu cho các vong hồn được siêu thoát, hoá giải mọi tai ương hận thù mà người dân tin là có thể xảy đến, để cuộc sống được ấm no, yên ổn. Thầy nói với tôi: “Không ôm giữ sự yên tịnh, chia sẻ sụ yên tĩnh cho mọi người. Về đây mười mấy năm, hôm nay làm Trai đàn không bát đọ, để siêu độ cho các vong linh Vinh Hiền …”
Một buổi chiều tôi lang thành tìm đường ra núi Linh Thái (còn gọi là núi rùa). Ngọn núi như con rùa linh thiêng bao la này đứng bên trái cửa Tư Hiền. Đất có núi có biển mới làm nên sơn thủy hữu tình. Phía sau Linh Thái Sơn có Thúy Vân Sơn giữ vị trí trừ bị. Người xưa lấy Thúy Vân Sơn làm biểu tượng con chim phượng hoàng. Ngày xưa, người đi biển tìm Bạch Mã mà định hướng đường về, nhìn Linh Thái khi vào cửa Tư Hiền, dựa Cù Lao Chàm thì vào cửa Đại. Trên đỉnh núi Linh Thái ngày xưa có một ngôi tháp Chăm. Những ngày nắng đẹp dáng tháp dựng giữa trời trong như một tượng đài uy nghi hùng tráng. ông Hồ Xuân Thọ nguyên cán bộ ủy ban xã, nói rằng: “Trên núi có một giếng trời, giếng sâu đáy thông ra biển. Cứ thả một quả bưởi xuống giếng thì hai ngày sau nó trôi ra Hàm Rồng. Trên đỉnh núi còn có một mặt bằng phẳng để làm sân bay cho máy bay trực thăng, và nhiều cổ vật của Chăm còn sót lại”. Tôi lò dò đến Hàm Rồng. Do biển xâm thực Hàm Rồng chỉ là cái hang nhỏ. Trong đoàn tôi có người nói rằng, hồi chiến tranh chống Mỹ từng có một đại đội bộ đội ở trong đó.
Tôi ghé vào chùa Giữa (Khuôn hội Túy Vân) gặp ông Trương Văn Hòa pháp danh Quảng Thuận. Ông hộ tự, lo hương khói, tụng kinh ngày hai thời, thời 7 giờ tối và 4 giờ sáng. Khuôn Túy Vân giúp ông tháng 600. 000 đồng. Ông cho tôi xem 02 tấm biểu thời Bảo Đại:
“Bảo Đại – Thập nhất niên – Sơ thập nhật
VINH HÒA - ĐỒNG XÃ ĐẲNG
Vị Lập Thờ Phụng Cúng Thổ Sự
Duyên bốn xã nguyên hữu tự sổ, tiếc bị hoang liêm tu tạo vị cập duy nhất tư tư như hữu tâm tri ký duyên hà thiết lễ mỗi niệm thử nhi tương tú. Thiết nghĩ phàm hữu khí huyết mạc bất tôn thân tương dục nhật tựu nguyệt tương trùng tu Tự sở. Tư hương phong Phật Đạo tương khai trí vị thành quy tâm hổ ái hỷ. Bất ý, hữu Phật học bổn hội tương phụ tữu nhất bàn tựu trình bổn xã khất thổ lại Lôi Vượng xứ chi nguyên nhất khoảnh ước tứ sào cho cứu đình sở biên xuất phí thiết lập Phật học nhất giảng đường dĩ tiện giảng giáo dĩ phụng tự Phật.
Vị thứ đồng bổn xã ưng thuận hứa giá khoảnh thổ thiết đường, tiên dĩ phụng tự tinh tiện giảng nhất thể.”
“AN
TÚY VÂN HỘI VIÊN ĐẲNG
Trình vì: Khuất thuận hứu sự duyên tỷ đắng nghiệp dĩ đầu nhập An Nam Phật Học Hội để niệm giảng đường vị khai hóa chủ nghĩa tư thiết kiến quý xã địa phân Lôi Vượng xứ hữu thổ khô nhất khoảnh do cựu đình sở ước tam sào linh. Đông cận Âm hồn am, Tây cận tiểu lộ Trần Tải tư điền, Nam cận Tổng lộ, Bắc cận danh Chiêm thổ trạch. Khất khẩn cấu lập giảng đường tại giá xứ phụng tự Phật Thánh, tỷ tiện mỗi nguyệt sóc vọng Phật Học – Hội phái ủy đại sư đệ đường hội giảng hoằng hương Phật Pháp, khai hóa chúng sanh, lãnh lượt viên âm nhi quy giác lộ, tỷ đẳng hạnh đắc viên mãn. Diệc mông quý xã phát Bồ Đề tâm thuận hứa ký vu hậu giao giữ tỷ đẳng phụ thủ lưu thiếu, thứ miễn biệt ngại. Tồn giá thổ thường niên ngân thuế can tỷ đẳng chiều hạng phụng nạp.”
Khuôn hội Túy Vân có đạo tràng Chánh Niệm từ 70 đến 100 đạo hữu sinh hoạt tháng bốn ngày, ngày 30 ngày 14 âm lịch, đạo tràng tu học tinh độ có dùng cơm trưa (chay), ngày Rằm cầu siêu liệt vị hương linh Vinh Hiền, ngày mùng Một cầu an cho toàn thể đạo hữu. Ngoài ra những ngày lễ Phật Đản và Vu Lan, Khuôn hội Túy Vân còn phát 300 phần quà cho các gia đình nghèo trong xã.
Tôi đi qua cầu Vinh Hiền một bên là biển trời bao la, cửa Tư Hiền lóng lánh nắng sớm mai trên ngàn cây lá của Cồn Đá Cột, một bên là đầm phá Cầu Hai mênh mông sóng nước. Giữa lăn tăn con sóng một chiếc thuyền câu “bé tẻo teo” và núi Bạch Mã bạc mù trong sương phủ, thật là một cảnh sắc hùng tráng thi vị.
Cửa Tư Hiền nằm giữa xã Vinh Hiền và Lộc Bình nơi thông phá Cầu Hai với biển Đông. Bà con ở đây còn gọi là cửa Tư Dung. Đất này xưa kia thuộc Châu Ô, cửa này tên là Ô Long Hải Khẩu. Sư Tử Dung phái Thiền Tông Trung Quốc sang đây truyền đạo Phật. Sư viên tịch người sùng đạo gọi cửa Tư Dung. Sau này, Công chúa Huyền Trân con vua Trần Nhân Tông em vua Trần Anh Tông trước khi xuất giá sang Chiêm Thành ghé lên đây bái vọng tổ tiên. Từ đó cửa có tên Tư Dung. Tư Dung do lòng thương nhớ dung nhan kiều diễm của Huyền Trân Công Chúa mà thành. Đây là cửa biển trọng yếu, dãy núi giáp biển thiết lập hệ thống phòng thủ rất mạnh, được gọi: " Bách Nhị Quan Hà", có nghĩa 02 người phòng thủ với tên lửa, gỗ, đá lăn chống được 100 nguời tấn công. Ngày trước, chúa Nguyễn Phúc Ánh trên đường kéo chiến thuyền vào cửa Thuận, ngựơc gió thuyền lên không nổi, mới cho quân thám thính cửa này, quân thám thính thấy ánh sáng lập loè báo lại cho chúa Nguyễn. Chúa cho quân theo ánh sáng lập loè vào cửa, sau mơí biết ánh sáng đó phát ra từ mắt đôi rái cá. Khi lên ngôi, vua Gia Long cho rằng, nhờ cặp rái cá dẫn đuờng quân vào cửa trót lọt, dựng nên cơ đồ nhà Nguyễn, vua phong cặp rái cá: Lang Lại Nhị Đại Tướng Quân và cửa biển là Cửa Biện. Đến đời vua Minh Mạng cửa bị lấp, vua coi đó là điềm lành, kẻ địch không đánh thọc nách kinh thành được, bèn đổi tên cửa Tư Hiền...". Người ta cho rằng Huyền Trân Công Chúa mở cõi đất này:
Thuở Huyền Trân quy Chiêm mở cõi
Đây Ô Lý xứ sở lạ lùng
Trải xuân thu tang điền dâu biển
Lấp, lỗ mấy lần hải khẩu Tư Dung
Làng tôi thuộc phường Phụ Luỵ
Đông cửa Tư Dung, tây Đá Cột, Đông Đò
Một rẻo cù lao trong đầm ngoài biển
Canh khẩn tiền hiền Phan, Phạm, Lê, Ngô...
Tôi đến chùa làng Hải Triều gặp ông Nguyễn Văn Búa pháp danh Nguyên Lực, Ban hộ tự chùa. Từ 1975 đến nay chùa được tu sửa ba lần. Chủa khang trang rộng rải cón có 1 nhà tang lễ và một ông từ chuyên lo quyét dọn kinh kệ hằng ngày. Đạo tràng Hải Triều sinh hoạt tháng 2 ngày, mùng Một tụng Kinh Phổ Môn, ngày 18 tụng kinh Di Đà hằng tháng, lễ Vu Lan tụng kinh Mục Liên Sám pháp. Ngoài ra đi hộ niệm cho người Lâm chung và phát quà cho các gia đình nghèo trong những ngày lễ lớn của Phật giáo. Ở đây, tôi lại gặp thầy Thích Minh Chính đang tụng kinh trong chánh điện. Tôi đảnh lễ tượng Phật đá của người Chăm được phật tử thỉnh dưới phá lên cúng cho chùa và một cổng tam quan chùa xây dựng từ năm 1836.
Tôi vào chợ mới Vinh Hiền để để nhìn ngắm không khí thị tứ đang bừng dậy nơi đây. Nơi miệt mài gió cát có một không khí ồn vui, náo nhiệt và bình yên. Tôi gặp một chàng tâm thần đang đi quanh chợ nói to tiếng, anh nói to tiếng chứ không gây hấn và làm phiền ai. Mệ Tuyết bán bánh bèo chay duy nhất ở chợ, nói: “Hai vợ chồng anh đều bị như vậy, do phá thai và đổ xuống cầu tiêu. Đến này cầu không được nó oán hận cha mẹ chúng nên hành cha mẹ thân tàn ma dại như thế”. Trong tâm tôi nghĩ, thầy Minh Chính đang lập Trai đàn chản tế cầu siêu cho các oan hồn Vinh Hiền, cầu an cho Vinh Hiển còn tôi tu tập ở Tinh cốc Tây An. Tịnh cốc Tây An của tôi nơi tôi học tập làm người lương thiện. Nơi tôi hằng cầu nguyện cho mọi người được hạnh phước. Nơi tôi tự hạ mình thấp nhất, được đau thân khi ngồi thiền, được đói mỗi ngày (nhịn ăn) để trả nợ trong nhiều kiếp và chia sẻ nỗi đau với những người cùng khổ. Tôi xin thỉnh vị tiểu tử ấy về cốc tôi hay về chùa Túy Vân nghe kinh và tu học để sớm đi đầu thai an lạc trong kiếp mới…
N.N.A
PHẬT PHÁP VI DIỆU
Nguyễn Nguyên An
Khi cô Đoàn Như Ý, giáo viên trường Chu Văn An kể tôi nghe một tấm gương nghị lực phi thường vượt qua bệnh tật hiểm nghèo, nhờ Khoa Ung Bứu Bệnh viện TƯ Huế chữa trị và trì chú, tụng kinh, làm công quả, từ thiện và bố thí. Hôm sau, tôi về trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm nơi cô giảng dạy, gặp cô Liên văn thư, hỏi mới biết nhà cô La Thị Xuân Lộc, ở tổ 1 phường Phú Hiệp TP Huế. Trò chuyện với cô, cô nói: “Phật pháp vi diệu…”. thế là tôi chạy cái title này cho bài báo của mình. Năm nay cô 58 tuổi, năm 51 tuổi cô bị K buồng trứng, 3 tháng sau hóa chất 6 đợt, di căn xương, xạ trị 25 tia, 3 năm sau cắt 2 vú. Đến nay, vừa tái khám, xác định không có hạnh di căn tái phát.
Trong thời gian chị bị bệnh, chồng chị là ông Nguyễn Đôn Đường lạy sám hối 108 lạy từ 4 giờ sáng cầu nguyện cho cô hơn một năm trời. Phần cô, tuy chưa am hiểu nhiều về Phật pháp, nhưng nhờ các em gái là bác sĩ người thì khuyên cô ăn chay, người khuyên cô trì Chú Đại Bi. Và nhờ sư cô Tuệ Phương gọi cô đến chùa cùng tụng kinh Thủy Sám. Từ đó, cô cùng chồng ăn chay trường, Cô nghĩ: “sự sống mình chỉ trên đầu ngón tay” nên phát tâm tu sửa chùa làng Thế Long 370 đường Bạch Đằng Huế cạnh nhà cô, để có nơi tu tập. Chùa làng Thế Long thành lập từ năm 1804, đã xuống cấp, cô cùng cô bạn phát tâm kểu gọi con cháu, anh chị em, bạn bè , thầy cô, học sinh, xóm giềng, Tăng Ni giúp đỡ trùng tu sửa chữa, Và giờ đây, ngôi chùa trở thành nơi tu tập của hơn 50 người khiếm thị, tàn tật, bệnh nghèo và cả người khỏe mạnh. Cô Lộc tụng một ngày hai thời kinh và tổ chức mỗi tháng ba ngày cho đạo tràng khiếm thị, tật nguyền… ngày ăn ba bữa, chiều ra về có chút quà hoặc tiền làm lộ phí.
Ngày rằm (04 tháng 10 năm 2017) tôi đến chùa Thế Long. Các bà, các chị và nhiều anh, chị khuyết tật đang tụng kinh A Di Đà và cúng thị thực. Ngoài ra các cô và cô Lài thường trao nhiều suất quà trung thu cho học sinh nghèo vượt khó cho các trường THCS ở trong phường. Và, tặng quà cho bệnh nhân ung bứu Bệnh viện Đại học Y Dược Huế... Cô Nguyễn Thị Phước Lộc bị mù, nhà ở cuối đường Bặch Đằng, nói: “Con nghe các cô tụng kinh con niệm A Di Đà Phật và ăn cơm ở đó chiều về. Cơm ở chùa ăn cũng được. Cô Lộc tội lắm!”
Chiều ngày 20 tháng 10 tôi đến Khoa Ung Bứu Bệnh viện Trung Ương Huế tổ chức cho các bệnh nhân UTV gặp mặt chia sẻ của đội Tháng Mười Hồng. Và nghe Bác sĩ Nguyễn Đình Tùng báo cáo Nâng Cao Nhận Thức Về Ung Thư Vú. Tôi nhận thấy các chị rất lạc quan và có nhiều tâm từ trao qùa, tặng hoa cho các bệnh nhân UTV.
Cô giáo La Thị Xuân Lộc đã ăn chay trường hơn năm năm, không uống sữa và những thực phẩm chế biến từ sữa, ăn chay cả những khi hóa trị và xạ trị. Cô từng đoạt giải Nhất giảng dạy môn Ngữ Văn TP Huế niên khóa 1999-2000. Chiến sĩ thi đua nhiều năm liền. giờ đây, cô dũng mảnh vượt qua bệnh tật và tu tập Phật pháp tu sửa chùa, làm việc thiện hướng dẫn bà con nghèo, khuyết tật tu học, tụng niệm, đúng là tấm gương sáng cho nhiều người học hỏi noi gương một phụ nữ Huế đã thoát chết từ sự vi diệu của Phật pháp.
N.N.A
Địa NHỮNG PHẬT TỬ THỊ TRẤN A LƯỚI
Nguyễn Nguyên An
Lên thị trấn A Lưới tôi thường đến dùng cơm chay ở quán Diệu Hương, thị trấn này có thêm một quán nữa là Ánh Đạo Vàng. Quán Diệu Hương, nơi gặp gỡ các Phật tử thuần thành của A Lưới. Chị May chủ quán, thuần hậu chất phát. May, tên của chị, sự may mắn, kết quả ứng hiện tâm linh từ sự trì chú của cha chị. Cha chị thời trẻ đi rút mây, lạc trong rừng sâu. Hằng ngày ông quay vần trong mịt mù rừng rậm đại ngàn tìm đường ra. Ông hái lá rừng ăn tạm và trì niệm: ÁN MA NI BÁT DI HỒNG. Một hôm ông leo lên cây cao tìm phương hướng, ông thấy tốp người đi tìm ông. Họ đưa ông về trong trạng thái gần kiệt sức. Về nhà mấy hôm sau vợ ông sanh một bé gái. Ông đặt tên cho bé gái tên May.
Chị May bán chay cả ngày, sáng có bún, cháo, bún trộn. Trưa cơm chay, chiều cháo. Cũng có lẫu chay và nhận đặt tiệc cho ai có nhu cầu. Tôi thích nhất món cháo, chị nhồi từ ba thứ bột gạo, bột mì, bột sắn nên sợi cháo dẻo dai. Mỗi món chỉ 10.000 đồng cho cả một đĩa cơm hoặc 1 tô cháo, bún nước, bún trộn, tô to, rất rẻ. Mỗi ngày chị May thường cho bốn năm hộp cơm cho người nghèo, người già còn đi củi, đi rừng. Chị giới thiệu cho tôi gặp các anh chị ăn chay trường, tu tịnh độ. Anh Thái Xuân Trì và Trần Ngọc Thọ thuộc nhóm cọng tu, phóng sanh A Lưới. Một tháng phóng sanh ít nhất bốn lượt, tiền bạc do trong nhóm kẻ nhiều người ít cúng dường công đức. Anh Trì làm bảo vệ ở bệnh viện thị trấn. Khi rảnh thường đi tụng kinh các nơi có nhu cầu, nhất là đi hộ niệm. Vừa rồi anh xuống thành phố Huế hộ niệm cho mẹ của một người trong nhóm cộng tu ở gần cầu An Cựu, bà đau yếu nhưng chưa đi được. Anh Thọ cũng vậy, anh hướng dẫn nhiều người ăn cơm gạo lức muối mè để chữa bệnh. Anh thường đi về Huế, anh niệm phật không gián đoạn. Trong nhóm cộng tu có cô gái bị câm gần 30 tuổi. Cô siêng năng hay làm việc trong im lặng, khi đến nhà hộ niệm cho thân nhân các đạo hữu cô cũng làm việc nầy đên việc khác, chớ không ngồi không. Nhờ hồi nhỏ cô đi học trường tre em khuyết tật ở phường Vĩnh Ninh Huế cô biết chữ. Anh Trì viết bốn chữ A DI ĐÀ PHẬT cho cô học, từ đó cô đi hộ niệm, niệm Phật trong tâm, một cô gái bất túc mà siêng đi niệm Phật giúp người. Tôi thấy cô ra dấu bằng 3 ngón tay, Anh Trì “dịch” cô xin anh 3 ngày nữa nhóm cho cô về Huế hộ niệm đợt 2 cho mệ. Dù cô niệm trong tâm, tôi tin kiếp sau cô sẽ thành cô gái đẹp, không khuyết tật có điều kiện tu học tốt hơn.
Rồi cặp vợ chồng anh Đặng Inh pháp danh Quảng Hải dân tộc Cơ Tu và chị Nguyễn Thị Hưởng pháp danh Quảng Hà nhà gần chợ tạm A Lưới. Thị trấn đang xây lại chợ cũ nên chợ tạm dời xuống một đoạn cùng ở bên đường Trường Sơn để mua bán trong vài năm. Hai vợ chồng anh Inh và chị Hưởng cùng ăn chay trường, cũng phóng sanh, cũng cộng tu tịnh độ và hộ niệm cho người lâm chung. Hằng năm, đến ngày mùng sáu Tết, tại nhà anh Inh hơn 200 người dân tộc và kinh đến tu học một ngày. Anh nói anh muốn cúng dường ngôi nhà này để quý thầy, quý cô tu sửa làm ĐẠO TRÀNG CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ có nơi tu học, sinh hoạt. Lần đầu tiên tôi được thấy một người dân tộc anh em thông hiểu Phật pháp, lễ lạy cúng dường, tu tịnh độ, giữ 5 giới giỏi thế. Trong nhà anh nhiều bằng công đức. Một bạn thở Phật trang nghiem tinh tấn. Một rẻo cao yên bình, hạnh phúc. Một gia đình có một người bất thiện thì gia đình đó bất yên. Một xóm có nhiều nhà bất thiện thì xóm đó bất yên. Nếu chúng ta có nhiều đạo tràng, nhiều nhóm cộng tu, phóng sanh, hộ niệm như Phật tử A Lưới chúng ta sẽ được bình yên mãi mãi…
N.N.A
CÔN ĐẢO
Nguyễn Nguyên An
Hai mươi ngàn trái tim
Bất khuất
Nằm xuống
Tổ quốc
Đứng lên
Từng gốc cây, ngọn cỏ
Viên sỏi, bến tàu
Đều nhuộm thắm máu đào
Hai mươi ngàn liệt sĩ
Bàng xanh thắm tầng không
Bằng lăng tím biếc khung trời
Nụ cười khúc khích ở chợ
Em tung tăng sách vở đến trường
Mắt ai long lanh giữa phố
Mọc lên từ nghĩa trang Hàng Dương
Ma Thiên Lãnh, Cầu Tàu 914…
Không danh tánh
Không mộ chí
Không quan quách
Một danh xưng
Côn Đảo.
Chùm thơ ngắn
Nguyễn Nguyên An
ĐÔNG BIẾC
Lấy chồng xa xứ
Nhớ nhà gọi chẳng ai thưa
Đông biếc
HẠ NỒNG
Em ngủ tênh hênh
Chiều luênh loang nắng quái
Hạ nồng
THIỀN
Tâm động, phướn động
Vốn cuộc sống
Thiền bất động
NGƯỜI NHẬT
Sắp hàng trước cái chết
Ở lại lò hạt nhân nhiễm phóng xạ
Nhân cách của Anh hùng
\
N.N.A
BÍ ẨN CỦA BIỂN
Nguyễn Nguyên An
Tôi tập rỗng lặng
Lòng cứ đầy lên bao điều ước
Chạm trống không và ngại trắng tay
Tôi cố làm thật đầy
Loanh quanh có có không không
Đời vẫn cạn, tay trắng, trắng hơn
Tôi hỏi lòng biển
Sao biển không bao giờ cạn
Biển trả lời:
Hãy biết ban cho
Lặng lẽ cõi thiền tịnh
Người đi như dấu mưa
Gót sen đời không thấm
Chẳng ngại trời xế trưa
N.N.A
LẠC NGUỒN
Nguyễn Nguyên An
Giờ em khoác áo nâu sòng
Công phu sớm sớm lòng không bận lòng
Ta từ cõi tối long đong
Thương em vẫn biết lạc đường tử sinh
Tội này xin gánh một mình
Bởi không buông chuyến thuyền tình bên sông
Thương em kham khổ nâu sòng
Tấm thân liễu yếu mùa Đông thật buồn
Ta chừ con cá lạc nguồn
Cũng xin bơi hết mưa buồn biển Đông
N.N.A
ĐỊA chỉ liên lạc: Nguyễn Văn Vinh – 50 Trần Thái Tông, Huế - Tel: 01688971486