Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tháng Bảy, Tưởng Nhớ Người Chị Có Con Mắt Thứ Ba

13/08/201710:04(Xem: 5186)
Tháng Bảy, Tưởng Nhớ Người Chị Có Con Mắt Thứ Ba


Hoang Thi Them
Tháng Bảy
Tưởng Nhớ Người Chị Có Con Mắt Thứ Ba

 

Tâm Huy Huỳnh Kim Quang


 

Dường như con người có thể phát tiết ra khả năng kỳ lạ để thích ứng với môi trường và hoàn cảnh sống mà có lẽ chính họ đôi khi cũng không ngờ.

Khi một người bị khuyết tật từ thuở ấu thời thì họ có thể phát triển một thứ khả năng kỳ diệu đến mức bất khả tư nghì đề bù đắp lại phần bị mất mát. Người chị Thứ Ba của tôi là điển hình như thế.

Chị Thứ Ba của tôi là người Chị Cả trong gia đình, gồm bảy người, bốn gái và ba trai. Vì vậy, Chị phải giúp cha mẹ chăm sóc một đàn em sáu đứa mà tôi là út.

Trước khi tôi ra đời thì không biết được Chị đã chăm sóc những anh chị trước tôi như thế nào, nhưng tôi biết và nhớ rất rõ Chị đã chăm sóc tôi ra sao trong những năm tháng tuổi thơ của mình. Ký ức tôi còn ghi lại những điều mà Chị chăm sóc cho đàn em từ lúc tôi mới lên ba, lên bốn tuổi. Dù không hoàn toàn rõ ràng từng chi tiết, nhưng nhiều ấn tượng trong trí nhớ về những gì Chị chăm sóc tôi thì khó phai nhạt, cho đến bây giờ.

Chị ra vườn hái củi, về nhà nấu ăn, dọn dẹp rửa nồi niêu xoong chảo chén bát, giặt giũ quần áo, tắm rửa cho tôi, v.v… Chưa hết, Chị còn ra đồng nhổ mạ, trồng trọt rau cải, cây trái trong vườn nhà, nuôi heo, nuôi gà, quét dọn nhà cửa. Nói chung là Chị làm tất cả mọi việc mà một người bình thường làm để phụ giúp cha mẹ chăm lo gia đình.

Nếu không hề quen biết mà lần đầu tiên tới nhà gặp Chị, nhìn những gì Chị làm trong nhà, thì đố ai biết rằng Chị là người hoàn toàn khiếm thị, nghĩa là không còn thấy được bất cứ vật gì trước mắt. Chị bị mù một trăm phần trăm.

Mẹ tôi kể rằng, khi Chị sinh ra thì bình thường như bất cứ đứa bé gái nào bình thường, tức là chị có đầy đủ ngũ quan và cơ thể hoàn hảo: mắt nhìn, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm vị, và thân xúc chạm đều bình thường. Đến một ngày nọ, lúc Chị ba tuổi thì bỗng nhiên Chị nói không còn thấy được gì hết, mà trước đó không hề có bất cứ triệu chứng bệnh hoạn hay khác thường nào xảy ra.

Nhìn vào mắt Chị, khó ai có thể biết Chị bị mất thị giác. Mắt Chị trông bề ngoài vẫn như những cặp mắt bình thường, màn ngoài của mắt không đổi màu, không đục trắng, không bị hư tổn gì cả.

Mẹ tôi kể, thời đó, vào thập niên 1940s -- Chị tên là Huỳnh Thị Ngàn, sinh năm 1939, tại miền quê tỉnh Phú Yên ở Việt Nam -- dù tình trạng y tế còn rất yếu kém và sơ sài, nhất là thuốc Tây và bác sĩ Tây học, cha mẹ tôi vẫn cố gắng chạy chữa đủ cách, từ Tây y đến Đông y cho Chị, nhưng rồi cũng không chữa khỏi. Chị phải mang lấy nghiệp dĩ mù mắt cả đời. Không biết nếu sanh ra vào thời này ở một đất nước văn minh tiến bộ về y khoa, bệnh khiếm thị của Chị có thể chữa lành không. Có thể Chị được chữa khỏi mà cũng có thể không. Ngoài những điều kiện môi trường bên ngoài, bệnh tật còn là sự bất hòa của ngũ ấm (5 yếu tố cấu tạo nên thể xác và tinh thần con người là sắc, thọ, tưởng, hành, và thức) trong cơ thể con người và cũng phải nói đến nghiệp duyên khó tránh của kiếp người.

Không biết lúc mới bị khiếm thị như thế Chị có đau khổ gì không, mà theo lẽ thường tình của một con người thì khó tránh được cảm trạng đau đớn, tuyệt vọng! Cũng có lẽ một đứa bé 3 tuổi như lúc Chị mới bị khiếm thị thì cảm thọ đau khổ không bằng một người đã lớn mà mất thị giác. Nhưng trong ký ức tôi, chị chưa bao giờ than vãn, buồn phiền, đau khổ về chuyện bị khiếm thị.

Tôi không nghe Chị kể và cũng chẳng thể hiểu được về sự biến đổi bên trong cơ thể, từ tinh thần đến thể chất, từ lúc bị khuyết tật như thế nào và làm sao Chị có thể phát triển được khả năng kỳ diệu của con mắt thứ ba để thích ứng một cách phi thường với cuộc sống hàng ngày trong suốt cuộc đời gần sáu mươi lăm năm.

Nếu không tận mắt thấy mỗi ngày nếp sinh hoạt của Chị thì thật khó tin rằng một người hoàn toàn khiếm thị như thế có thể làm bao nhiêu việc như người bình thường. Tôi xin kể một vài chuyện trong rất nhiều chuyện khó tin mà Chị đã làm được hàng ngày.

Nếu một người nào đó đến nhà thăm và trò chuyện với Chị một lần thì lần sau người đó trở lại, dù mới chỉ nghe tiếng bước chân đi thôi, Chị đã biết ngay là người nào. Nhiều người không tin đã thử Chị và cuối cùng phải xác nhận là họ không biết làm sao Chị nhận ra được họ chỉ bằng tiếng của bước chân, mà người đó cố tình không hề lên tiếng.

Một khi Chị cầm được tờ giấy bạc trên tay và hỏi rõ đó tờ bạc gì, trị giá bao nhiêu, lật tới lật lui và vuốt qua vài lần, thì lần sau khi cầm tờ giấy bạc đó, Chị biết ngay đó là tờ giấy bạc gì một cách chính xác. Không biết đã có ai trong gia đình và người ngoài hỏi Chị bằng cách nào để nhận biết được như vậy, riêng tôi thì chưa hỏi Chị nên không hiểu bằng cách nào Chị phân biệt được đó là tờ giấy bạc gì. Những người khiếm thị có thể học chữ và đếm số được với điều kiện họ phải được dạy và sử dụng những ký hiệu đặc biệt về chữ và số để nhận biết. Chị tôi thì hoàn toàn mù chữ, cũng không được học ở bất cứ đâu, lại càng không có bất cứ loại ký hiệu nào để nhận ra tờ giấy bạc. Vậy mà Chị làm được.

Không phải chỉ ở trong nhà mà ở ngoài vườn nhà cách xa từ nơi này tới nơi khác khoảng năm ba trăm thước Chị đều một mình đi tới đi lui một cách bình thường mà không cần dùng gậy hay bất cứ dụng cụ hướng dẫn nào. Chị từ trong nhà ra giếng xách nước nấu ăn, xách nước rửa chuồng heo. Chị một mình đi ra bờ rào cách nhà khoảng vài trăm thước để bẻ củi, hái củi, rồi bó lại và vác vào nhà bếp để nấu ăn. Hay ở chỗ là Chị không bao giờ bẻ lộn cây tươi với củi khô. Chị lặt rau, xắt rau, làm cá để nấu ăn cho gia đình một cách sạch sẽ đến nỗi không ai ăn mà nhận thấy có bất cứ món gì không sạch, điều gì làm sai sót cả.

Hồi còn nhỏ, tôi ham chơi làm biếng tắm rửa nên ăn ở dơ dáy. Bây giờ nói ra còn thấy mắc cỡ! Nhà ở miền quê, chung quanh toàn là đồng ruộng, ao hồ suối mương. Tôi suốt ngày rong chơi ở những nơi đó, lăn lộn trong đất bùn, nên người không được sạch. Vài ba ngày là Chị bắt tôi ra ngồi bên thùng nước cạnh giếng, rồi tắm và chà chính xác mấy chỗ bùn đất bám vào người. Lúc đó tôi chừng 5, 6 tuổi. Chị vừa chà đất vừa càm ràm, “Thằng em, sao mày ở dơ quá!” Lúc Chị chà mạnh tay và đau quá thì tôi la lên. Chị bảo, “Mày sợ đau thì đừng ở dơ nữa nghe.” Nhưng không hề la mắng gì.

Điều làm tôi nhớ nhất là mỗi lần tôi phá phách điều gì mà Chị nói không nghe thì Chị xách roi rượt đánh tôi. Chị không thấy nên chỉ nghe tiếng khóc của tôi mà chạy theo đánh. Giống như mấy hiệp sĩ mù chỉ nghe hơi gió mà đỡ kiếm và tung chưởng đánh đối phương. Những lúc bị Chị rượt đánh như vậy, lúc đầu tôi không biết nên cứ vừa chạy vừa khóc và bị Chị đánh đòn cho. Sau đó biết rồi, tôi nín khóc, im lặng trốn đâu đó, làm Chị không tìm ra được để đánh. Một lát Chị nguôi ngoai thì hết giận, cười xề xòa, không đánh nữa.

Chị rất tin Phật và thành tâm đối với Tam Bảo. Nhà gần Chủa nên Chị hay đi Chùa lễ Phật. Khi tôi lớn lên, biết tôi có học Phật Pháp, Chị hay hỏi về giáo lý nhà Phật như nhân quả, nghiệp báo, pháp môn niệm Phật. Chị nhân từ đức hạnh, tánh tình vui vẻ, khoan dung. Cả đời hiếu thảo và phụng dưỡng cha mẹ, thương yêu và chăm sóc các em và các cháu.

Sau năm 1975, Chị xin được một thằng con trai bị người ta bỏ ở bệnh viện đem về làm con nuôi và thương nó như con ruột. Nó cũng rất có hiều với Chị. Bây giờ, con trai Chị đã lập gia đình và có con cái với cuộc sống ổn định bên nhà. Lúc Chị mới xin đứa con nuôi này về nó vẫn còn đỏ hỏn, nghĩa là chỉ được mấy ngày tuổi. Vậy mà Chị tự nuôi nấng nó, pha sữa cho nó bú, nấu cháo đút cho nó ăn, tắm rửa, thay tã lót cho nó mỗi ngày. Ban đêm thì Chị thức khuya dậy sớm để chăm lo từng ly từng tí cho nó. Với một phụ nữ bình thường thì đây đã là việc không dễ, huống hồ Chị là người mẹ khuyết tật độc thân. Dĩ nhiên, cả nhà, mẹ và mấy anh chị em đều thương yêu chăm sóc cho đứa con nuôi của Chị, nhưng chính yếu vẫn là Chị lo.

Chị mất trong giấc ngủ, sáng ra người nhà mới biết. Đó là khoảng năm 2003, tôi không về quê nhà được để chịu tang. Tôi nhớ, hôm nghe tin từ nhà báo cho biết Chị qua đời, lòng tôi đau như dao cắt và thương nhớ Chị không thể tả. Ngoài cha mẹ có ơn sinh thành dưỡng dục, Chị là người mà cả đời tôi biết ơn nuôi nấng và chăm sóc.

Dường như cả nhà tôi, không ai xem và nghĩ Chị là người khuyết tật vì sinh hoạt thường ngày của Chị quá bình thường, bình thường đến mức mọi người trong nhà đều quên Chị là người “không thấy.”

Cả nhà tôi đều dùng chữ “không thấy” mỗi khi phải nói về sự khiếm thị của Chị. Dùng chữ “không thấy” để ám chỉ rằng Chị chỉ không thấy bằng mắt thường, nhưng thấy bằng con mắt thứ ba. Biết đâu con mắt thứ ba nhiều khi lại tinh tường và kỳ diệu hơn con mắt thịt bình thường.

Tháng Bảy Vu Lan, xin tưởng nhớ và biết ơn Chị. Cầu nguyện Chị luôn sinh vào cõi lành.

 

 

 

 

 

 

  

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/08/2018(Xem: 9137)
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ xin nhất tâm khánh tuế Tăng Già Việt Nam nơi Châu lục Bắc Mỹ thêm một hạ lạp sau mùa An cư. Năm nay Cộng đồng Phật giáoViệt Bắc Mỹ đã tổ chức rất nhiều khóa An cư khắp các tiểu bang. An cư là một truyền thống quan trọng để nuôi lớn Tăng Già cả Trí đức và Phước đức. An cư là cơ hội tuyệt diệu để Tăng Già cùng học hỏi nhau những phương thức khế thời hầu sinh tồn và phát triển Đạo pháp trên quê hương mới này.
05/08/2018(Xem: 4076)
TẤM LÒNG CỦA MẸ Cuộc đời mẹ muôn ngàn khổ nhọc Sống nuôi con từ lúc đỏ lòng Giờ đây con đã hanh thông Nhớ ơn mẹ hãy gắng công làm lành .
04/08/2018(Xem: 4329)
Tâm Từ: Đọc Trong Mùa Vu Lan, Bài viết này để cúng dường Tam Bảo; tất cả phước đức xin hồi hướng tới cha mẹ nhiều đời và tất cả chúng sinh ba cõi. Đọc trong mùa Vu Lan, cũng là đọc trong tất cả mọi thời. Bởi vì Vu Lan, dựa vào tích Ngài Mục Kiền Liên vào cõi ngạ quỷ tìm cứu mẹ, là nơi lửa cháy không ngừng, nơi đói khát không ngừng; do vậy, lòng con không giây phút nào ngưng nghĩ tới việc cứu mẹ. Trong khi đó, Đức Phật đã dạy, tất cả chúng sinh đều đã từng là cha mẹ đời trước của mình. Bài này nói về Kinh Từ Bi, một phần trong 11 pháp môn, tới cái nhìn Vô thường, rồi tới cái nhìn Duy Thức, và rồi từ Duy Thức khởi tâm đại bi. Các ý phức tạp trong bài, sẽ ghi nhiều bản dịch để đối chiếu.
03/08/2018(Xem: 4414)
Khoảnh khắc được ghi lại một cách ngẫu nhiên bởi anh Vũ Thiên Bùi đã chạm đến trái tim của nhiều người xem. Mang trong mình một sinh linh bé nhỏ nên phụ nữ mang bầu thường luôn được xem là đối tượng ưu tiên, cần quan tâm, chăm sóc ở bất kỳ đâu. Vậy nhưng trong bức ảnh do tài khoản facebook Vũ Thiên Bùi đăng tải gần đây trên một hội dành những người yêu thích nhiếp ảnh, hình ảnh người phụ nữ mang bầu lại gợi cho người ta cảm giác xót xa, thương cảm. Trong bức ảnh, một mẹ bầu khoảng 6-7 tháng đang nằm một mình co ro nơi góc cầu thang bệnh viện. Cô nằm trực tiếp xuống sàn, đầu gối lên chiếc túi trong giấc ngủ vội vàng.
03/08/2018(Xem: 8475)
Nhà của dì Ba ở vùng ngoại thành, có sân trước vườn sau, vắng vẻ yên tịnh. Trong nhà bài trí đơn sơ: bàn thờ thiết trí giản dị nhưng trang nghiêm với thánh tượng Quán Thế Âm Bồ Tát và hoa quả hương đăng đầy đủ, giữa nhà là bộ bàn ghế gỗ có đặt bộ ấm trà bằng đất “quê mùa”, và một điện thoại cố định (ĐT bàn). Sáng sớm. Yên bình, im ắng. Chiếc máy niệm Phật phát lên âm lượng nho nhỏ vừa đủ nghe danh hiệu Phật: (tùy chọn) “Nam mô …” Như mọi ngày, dì Ba quét lau bàn thờ với tâm trạng hoan hỷ và thần thái ung dung thanh thả. Sau đó, dì thắp hương, lâm râm khấn nguyện… Bất chợt, chuông điện thoại bàn reo vang… Dì giật mình, quay lại nhìn chiếc điện thoại nơi bàn giữa nhà, rồi bình tâm lại, xá ba xá trước bàn thờ thiêng liêng, mặc cho chuông điện thoại cứ réo vang nghe như hối hả thúc giục…
02/08/2018(Xem: 6806)
Thông Báo Lễ Vu Lan 2018 tại Chùa Khánh Anh (Bagneux)
02/08/2018(Xem: 11129)
Thông Bạch Vu Lan Phật Lịch 2562 (2018) của Hòa Thượng Hội Chủ Thích Bảo Lạc
01/08/2018(Xem: 59587)
Con cò lặn lội bờ sông Cò ơi sao lại quên công mẹ già Hỏi rằng ai đẻ cò ra Mà cò lại bỏ mẹ già không nuôi Nhớ khi đi ngược về xuôi Mẹ đi bắt tép mẹ nuôi được cò Những ngày mưa lũ gió to Công mẹ bắt tép nuôi cò cò quên Vợ con cò để hai bên Công cha nghĩa mẹ cò quên hết rồi Cò ơi cò bạc như Vôi Công cha nghĩa mẹ bằng đồi núi cao
16/05/2018(Xem: 5696)
Từ thời Trung Hoa xưa cũ, thơ ca đã được hội ý là tiếng nói từ chốn chùa chiền (Thi = Ngôn + Tự). Cho nên kinh là những bài thơ đầy cảm xúc, hình tượng và triết lý để ngâm nga, xướng tụng hơn là những bản văn nghiêm mật thuần đức tin và đạo lý. Những thiền sư danh tiếng của Phật giáo thường là những thi nhân từ bản chất. Thơ Thiền như Dạ Lý hương tỏa mùi thơm nhẹ lướt trong không gian. Không tìm cũng thoảng tới. Cố tới thì không biết nơi đâu!
16/03/2018(Xem: 12174)
1-Tình cha cao vời vợi, Như núi Thái non bồng. Như trời cao thăm thẳm, Giữa vũ trụ mênh mông.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]