Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vu Lan xa xứ

08/08/201606:12(Xem: 7065)
Vu Lan xa xứ

cha me-2

Vu Lan xa xứ

                                                    Gửi những người làm con nhân mùa Hiếu Hạnh Vu Lan

Quảng Anh Ngọc Hân

 

 

Mùa Thu, những cơn mưa sụt sùi của tháng Bảy cứ đều giọt trên mái nhà từ chiều đến tối làm cho hàng cây bên vệ đường cúi đầu ủ rủ. Cơn mưa sướt mướt của tháng Bảy mưa Ngâu, như nước mắt tao ngộ trên nhịp cầu Ô Thước của hai tâm hồn ly biệt! Mà nào chỉ có Ngưu Lang Chức Nữ mới chọn mùa mưa sụt sùi nầy để gặp gỡ nhau! Những oan hồn phiêu bạt cũng đợi mùa tháng Bảy Vu Lan, khi các cửa địa ngục mở toang, để lần mò về chốn cũ, nơi mà bao ước nguyện ngày xưa chưa tròn, bao ân tình chưa chu tất, bao nghiệp duyên nơi trần thế hãy còn mờ mờ nhân ảnh.

 

Đường bạch dương bóng chiều man mác,
Ngọn đường lê lác đác mưa sa,
Lòng nào lòng chẳng thiết tha?
Cõi dương còn thế huống là cõi âm.

            (Nguyễn Du, Văn tế thập loại chúng sinh)

 

Cõi dương đã tang thương trong nỗi thống khổ triền miên của kiếp người thì cõi âm cũng thê lương, cô khổ, đọa đày. Người sống và kẻ chết đã “gặp” nhau qua các trai đàn chẩn tế hay các buổi siêu độ vong linh.

 

Thương thay thập loại chúng sinh, 
Phách đơn, hồn chiếc, lênh đênh quê người.
Hương khói đã không nơi nương tựa,
Phận mồ côi lần lữa đêm đêm;
Còn chi ai khá ai hèn,
Còn chi mà nói kẻ hiền người ngu!
Tiết đầu thu dựng Đàn giải thoát,
Nước tịnh bình rưới hạt dương chi.
Muôn nhờ Phật lực từ bi,
Giải oan cứu khổ hồn về Tây phương.

                      (Văn tế thập loại chúng sinh)

 

Nguyễn Du, nhà đại thi hào dân tộc đã làm cho người xa xứ nhớ về quê hương mỗi khi nghe câu thơ Kiều trỗi lên đâu đó và trong cái khí vị văn chương của tiết tháng Bảy, người ta không thể nào không nhớ đến bài Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh của ông. Tuy vậy, sinh hoạt truyền thống nhân gian trong tiết tháng Bảy, chủ yếu vẫn là mùa Báo Hiếu Vu Lan, mùa của những đóa hồng hiếu hạnh. Vu Lan trên xứ người - nơi vùng đất ở tận cùng phương Nam của địa cầu - không có mưa Thu sụt sùi lất phất, mà chỉ có những cơn gió lạnh cuối Đông. Vu Lan tại Úc trở về với những cơn gió rít dữ dội như gió hú từ đồi cao và trong cái lạnh se da, lạnh mặt người. Đó là lúc mà mọi người cùng nhớ về những người thân yêu đã quá khuất, lòng ray rức bồi hồi, muốn làm điều gì đó để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục cho cha mẹ hiện tiền hay đã khuất, nhất là Mẹ, vì như trong Kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân, Đức Phật đã dạy Ngài A Nan rằng:

 

Đàn ông xương trắng nặng hoằng,

Đàn bà xương nhẹ đen thâm dễ nhìn.

Ngươi có biết cớ chi đen nhẹ?

Bởi đàn bà sanh đẻ mà ra

Sanh con ba đấu huyết ra

Tám hộc, bốn đấu sữa hòa nuôi con

Vì cớ ấy hao mòn thân thể

Xương đàn bà đen nhẹ hơn trai.

 

Các bà mẹ là như thế đấy! Đặc biệt hơn nữa, có những bà mẹ Việt Nam trên những con thuyền tị nạn, lênh đênh trôi dạt giữa biển khơi thì làm gì có sữa  nuôi con nhưng lòng mẹ bao giờ cũng là đại dương yêu thương không bờ bến, vì thế mà mẹ đã xẻ thịt da mình lấy máu nuôi con. Gần đây hơn, có những bà mẹ trong trận cuồng phong kinh hoàng Nargis ở Miến Điện hồi tháng Năm năm nay, đã chết trong tư thế quỳ khom người lại để che cho đứa con được vòng tay bà ôm trọn trong lòng và kỳ diệu thay, đứa bé đã sống sót trong khối gạch đá đổ nát của cơn bão Nargis!

 

Lễ hội Vu-Lan-Bồn viết tắt là Vu-Lan có nguồn gốc từ Kinh Phật thuyết Vu-Lan-Bồn của Phật giáo đại thừa. Thuật ngữ Vu Lan Bồn là từ của Trung Hoa dịch âm chữ Phạn Ullambana. Ý nghĩa của chữ vu-lan-bồn được ngài Trí Húc dịch là "giải đảo huyền". Giải có ý nghĩa là cởi trói, giải thoát ai ra khỏi một cái ách nào đó. Đảo là ngược hay dốc đầu xuống đất, chân chỏng lên trời, nhằm ám chỉ cho hình thức nghiêm khắc và đau đớn tột độ của hình phạt. Huyền là "treo." Như vậy giải đảo huyền có nghĩa là "tháo bỏ các cực hình treo ngược",  cởi trói ách đau khổ cùng cực của chúng sanh trong các đường dữ. Theo tinh thần của kinh Vu Lan, cái khổ nguy khốn nhất của chúng sanh là bị sanh vào cảnh giới quỷ đói. Do đó, tháo gỡ cái cực hình treo ngược là tháo gỡ cái ách bị đày đọa trong cảnh giới ngạ quỷ và địa ngục.

 

Phật thuyết Vu-lan-bồn Kinh kể về nguyên nhân và phương pháp báo hiếu của tôn giả Mục Kiền Liên đối với thân mẫu của ngài bị tái sanh trong cảnh giới ngạ quỷ, đói khát, tiều tụy. Đại Mục Kiền Liên (Maha Moggallana) là một nhân vật lịch sử, sống cùng thời đức Thích Ca, Tôn giả là một vị giáo chủ có năm trăm đệ tử, sau đó quy y Phật, trở thành vị đệ tử "thần thông đệ nhất". Đức Phật đã khuyên tất cả những người con nên học theo gương hiếu hạnh của ngài Mục Kiền Liên để báo đáp công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ hiện tại và cha mẹ bảy đời quá khứ.

 

Các nước thuộc văn minh Ấn Độ và Phật giáo Nguyên Thủy như: Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào, Indonesia… không có ngày lễ Vu Lan, mặc dầu có thờ cúng ông bà, báo hiếu.

 

Lên chùa vào ngày Vu Lan, chúng ta sẽ được cài lên áo những bông hồng đỏ hay trắng để mừng cho diễm phúc còn cha mẹ hay để chia sẻ, cảm thông với nỗi buồn đã mất mẹ cha. Với tôi thì cái cảm xúc tiếc nuối, thiếu vắng và xót xa khi cài trên áo cành hoa trắng cho Ba tôi vẫn có sức công phá mãnh liệt hơn niềm hạnh phúc dịu dàng khi mang đóa hồng cho Mẹ. Bao kỷ niệm thời thơ ấu sống bên mẹ cha như con nước cuồn cuộn chảy về làm cho ta bồi hồi thổn thức. Mỗi người trong chúng ta đều có những kỷ niệm riêng để nhớ đời về Mẹ, về Cha và riêng với tôi, cái ấn tượng vẫn hằn sâu trong tâm khảm về Ba tôi, đó là câu trả lời của ông khi tôi lo lắng hỏi: Ba nghỉ làm công chức rồi lấy gì nuôi gia đình? - Ba sẽ đi buôn bán với bạn bè, làm công chức bạc bẽo lắm, tiền lãnh không bao nhiêu mà người ta nặng nhẹ đủ điều...

 

Tôi thật ngỡ ngàng khi biết được điều nầy và lúc ấy, tôi đã quay lưng để dấu  những giọt nước mắt đang chảy xuống. Tôi thương Ba tôi quá khi nhìn thấy sự hy sinh, nhẫn nhục của cha mình để nuôi dưỡng chị em chúng tôi nên người. Lần thứ hai lòng tôi đau xót khi nhìn thấy Ba tôi cứ ngồi trầm ngâm, thỉnh thoảng lại thở dài. Ba tôi đang làm một bài toán để có một quyết định khó khăn khi mà sau ngày 30 tháng 4, phương tiện sinh nhai của gia đình đã bị tịch thu, bị “quốc doanh hóa” trong khi em tôi thì đang nằm bệnh viện Grall với căn bệnh ngặt nghèo. Đáp số của bài toán là Ba tôi quyết định bán hết tư trang còn lại trong nhà để trang trải y phí, tiếp tục chữa trị cho con mình dù biết rằng con mình không còn bao lâu nữa sẽ vĩnh viễn ra đi trong lúc tương lai của gia đình, của những người “sống” không biết sẽ ra sao trong hoàn cảnh thay chủ của đất nước. Nước mắt tôi một lần nữa lại chảy xuống trong đời trước tình thương trầm lặng nhưng cao ngất vững vàng như Thái sơn của Ba tôi. Nguyện cầu cho Ba nương nhờ Phật lực để gặp lại hai em của tôi ở một cõi an lành nào đó...

 

Đối với Má tôi, cái hình ảnh ngồi mút xương của bà vĩnh viễn không phai mờ trong tâm khảm tôi. Gia đình đông con, cực nhọc, khó khăn đủ điều, Má tôi lúc nào cũng chỉ quanh quẩn xó bếp và sống chui rúc trong nhà, ít khi có dịp chuyện vãn hay giao tiếp với bên ngoài nên tâm hồn bà thật đơn giản, lời nói của bà thật mộc mạc. Khi cả nhà quây quần bên mâm cơm, lúc nào bà cũng bận rộn bưng dọn và gắp thức ăn vào chén cho mọi người, đến khi con cái đã ăn xong, lúc ấy bà mới ngồi vào bàn. Thấy bà gắp cá chia hết cho các con, tôi thắc mắc: ủa! chia hết rồi lấy gì Má ăn. Bà xua tay trả lời: Má không thích, ăn dĩa rau luộc nầy được rồi. Trí óc non nớt của tôi lúc ấy đã nghe và tin như vậy. Cơm nước xong, chị em chúng tôi lên nhà trên học bài. Lát sau trở xuống bếp để lấy nước uống, tôi nhìn thấy Má tôi đang ngồi mút lại từng mẩu xương cá mà chúng tôi vừa thải ra! Có thể như thế được chăng? Sao con cái như chúng tôi lại vô tâm đến thế? Sự hối hận làm tôi buồn lịm trong lòng... Má tôi đã nhịn ăn để nhường phần ngon cho chúng tôi no đủ và khôn lớn. Bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng, bao nhiêu ngày rồi? Chắc chắn là cả đời bà đã hy sinh như thế, hy sinh cả cuộc đời bà nữa chứ không chỉ phần cơm áo. Ôi sự hy sinh của cha mẹ làm cho ngôn từ của thế gian bị giới hạn, chúng ta là những nhánh sông con mà Mẹ là biển lớn đưa nước chảy vào làm đầy lòng sông. Bởi vậy trong Kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân, Đức Phật đã bảo đại chúng rằng:

 

“Ví lại có người, trải trăm ngàn kiếp, vì cứu mẹ cha, trải trăm ngàn kiếp, nuốt viên sắt nóng, cháy xém cả mình, như thế cũng là, chưa trả được ân, kể trong muôn một."

                                                              *        *

                                                                   *

Chuông chùa tháng Bảy đã ngân vang, hãy cùng nhớ lại kỷ niệm ngày nào bên cha mẹ để thương cha, thương mẹ nhiều hơn vì có người trong chúng ta đang ở vào cảnh: Ba (hay Má) đâu còn nữa để về! Chúng ta hãy nhân ngày Rằm Tháng Bảy của mùa Vu Lan báo hiếu cũng là ngày Tự Tứ thêm tuổi đạo của chư Tăng Ni, với tự lực chân thành của chúng ta và với tha lực nương nhờ đạo lực thanh tịnh của chư Tăng Ni sau ba tháng an cư kiết hạ, để nguyện cầu cho cha mẹ hiện đời được an lành, hạnh phúc trong chánh pháp, tổ tiên quyến thuộc đã khuất được siêu thăng Tịnh độ. Vu Lan cũng là dịp để những người con Phật tỏ lòng thương yêu rộng lớn và nguyện cầu giải thoát đến tất cả chúng sinh còn đang đau khổ đọa đày trong cảnh địa ngục ngạ quỷ. Trong khói hương trầm tỏa bay trước trai đàn chẩn tế, xin mượn các câu thơ của thi hào Nguyễn Du thay cho lời cầu nguyện của chúng ta nhân mùa Vu Lan nầy:

Kiếp phù sinh như bào như ảnh,
Có chữ rằng: vạn cảnh giai không;
Ai ơi lấy Phật làm lòng,
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi.

.......... Phật hữu tình từ bi phổ độ,
Chớ ngại rằng có có không không;
Nam mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng,
Nam mô nhất thiết siêu thăng thượng đài.

(Văn tế thập loại chúng sinh)

 

                                                                                              

Sydney Mùa Vu Lan

Quảng Anh Ngọc Hân

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/04/2013(Xem: 4990)
Thời gian cứ lặng lẽ trôi. Nhiều khi chúng ta như muốn níu nó lại để cảm nhận từng cung bậc buồn vui của cuộc sống. Thi sĩ Xuân Diệu cũng đã từng ôm ấp một mơ ước thật táo tợn như thế, một cảm giác yêu cuộc sống đến 'vội vã',
11/04/2013(Xem: 5852)
Thôn Trường Lạc Xã Diên Lạc huyện Diên Khánh tỉnh Khánh Hòa ĐT. 0905.566099 Trú trì: Đại đức Thích Giác Hạnh
11/04/2013(Xem: 7183)
Dòng tâm thức nối tiếp từng sát na sanh diệt liên tục luôn trôi chảy không ngừng, do đó tri giác không thế nào nắm bắt thực tại một cách toàn diện được. Tất cả sự vật được dung chứa trong không gian đều có lực cản của chính nó và bị trọng lực thu hút và ảnh hưởng của sáu đại khác, có thể gây thêm cho sự vật ấy di động với những tốc độ khác nhau và có thể làm tổn hại đến chính nó và các sự vật khác.
11/04/2013(Xem: 6530)
Nhân là nguyên nhân, là năng lực phát động; quả là kết quả, là sự hình thành của năng lực phát động. Định luật nhân quả chi phối vạn sự vạn vật trong vũ trụ không có ngoại lệ:....Luật nhân quả hay sự tương quan giữa nguyên nhân và kết quả trong luật về "Nghiệp" của Phật giáo. Mọi hành động là nhân sẽ có kết quả hay hậu quả của nó. Giống như vậy, mọi hậu quả đều có nhân của nó. Luật nhân quả là luật căn bản trong Phật giáo chi phối mọi hoàn cảnh. Luật ấy dạy rằng người làm việc lành, dữ hoặc vô ký sẽ nhận lấy hậu quả tương đương. Người lành được phước, người dữ bị khổ.
11/04/2013(Xem: 11069)
Một con người với nhiều huyền thoại bao phủ theo từng bước đi, dù ngàn năm trôi qua nhưng dấu ấn vẫn còn đong đầy trong tận cùng tâm thức, hạnh nguyện độ sanh vẫn lớn dần theo nhịp tử sinh, in dấu trên từng hoá độ, kỳ bí trong vô cùng không tận, không ngôn ngữ nào có thể diễn tả trọn vẹn. Một sự lặng thinh phổ cập trên từng đường nét, chỉ có cõi lòng thành kính tri ơn, nhớ ơn, biết ơn, được nhân dân tôn thờ lễ bái
11/04/2013(Xem: 4969)
Bé Phương chạy quanh quẩn trong sự chăm nom đầy tình thương yêu của Mẹ. Sống ở một miền quê, cách thành phố nhộn nhịp huyên náo không xa, nhưng với mật độ dân cư thưa thớt lúc bấy giờ, nơi đây trở nên trống vắng, cảnh thôn dã về đêm cô liêu tịch lặng. Mỗi khi hoàng hôn phủ xuống, những ngọn đèn dầu leo lét được thắp sáng, sự yên tĩnh của khí trời cùng hòa quyện tiếng kêu xa của loài côn trùng rĩ rả.
11/04/2013(Xem: 5296)
Mẹ tôi đã thật sự ra đi!!! Tôi vẫn biết rồi ai cũng phải chết, nhưng sao vẫn đớn đau vô ngần. Có ai biết được tâm trạng của những người con mất Mẹ. Tôi cố nén lòng mình, nhưng nỗi đau vẫn tuôn trào biến thành những giọt nước mắt. Những giọt nước mắt ấy dù đi ra hay chảy ngược vào trong tâm khảm,vẫn không có nghĩa lý gì vì không thể nào khỏa lấp được nỗi bơ vơ cùng tận.
11/04/2013(Xem: 4678)
Hình ảnh đàn gà con chạy quanh quẩn, ngơ ngác kêu la thất thanh một khi lạc bầy, mất mẹ; trong chúng ta ai cũng từng thấy và cảm nhận trong đời sống thường ngày. Điều này, đã chứng minh hùng hồn rằng tình thương yêu phụ mẫu tử không chỉ thể hiện sâu sắc trong phạm vi loài người.
10/04/2013(Xem: 4912)
Từ ngàn xưa cho đến hôm nay, đã có rất nhiều, và rất nhiều cảm niệm về Mẹ. Mẹ, chỉ có một ý niệm này thôi mà đã thôi thúc bao áng văn hay, trác tuyệt diễm lệ để diễn tả về Người; và, cảm nhận của chúng ta về Mẹ thì dường như bất tận. Sao lại không bất tận? Tình Mẹ đối với con đâu có ý nghĩa về không gian và thời gian, bầu sữa Mẹ có thể dứt nhưng tình thương của Mẹ không bao giờ chấm dứt.
10/04/2013(Xem: 4548)
Arthur Schopenhauer là một triết gia Âu Tây. Thuở thiếu thời, ông như nhiều đứa trẻ đồng tuổi khác, nhưng khác là ông đã gặp nhiều trái ngang trong cuộc đời, một sự thật đúng ra lứa tuổi của ông không nên hội ngộ quá sớm. Và có thể, từ những kinh nghiệm đau đớn này đã tạo nên một dòng tư tưởng lớn, sau này chúng ta biết ông là một triết gia có tư tưởng gần tương đồng với Phật giáo: Quan niệm khổ và nguyên nhân của khổ trong nhân sinh - vũ trụ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]