Tháng giêng có nhiều ngày lạnh và mưa, đan trộn vào những ngày nắng ấm tìm về. Buổi sáng dường như thấm lạnh hơn, từ lúc cánh cửa khép lại cho người ở bên trong đến bên cửa sổ, dõi mắt nhìn theo chiếc xe chầm chậm rời nhà khi bóng tối chưa tan. Cà phê một mình chợt không còn mùi vị, cho mãi đến cuối tuần khi có hai người. Chợt nhận ra, năm mới đã bắt đầu như thế.
Gần tết, lòng bâng khuâng xa vắng. Nỗi nhớ từ đâu bỗng ùa về dẫu đã dặn lòng đừng ngoảnh lại kiếm tìm, hãy sống với những gì đang hiện diện ngay đây. Biết phải làm sao khi một bầy con gái, đứa nhỏ nhất nhà năm nay cũng đã bắt đầu nhờ chị nhuộm tóc để che đi dấu thời gian. Năm chị em trong khoảng cách của 16 năm, giờ không còn thuở xôn xao đón tết. Còn lại chăng là nỗi nhớ quặn lòng, người mẹ hiền xưa đã ra đi
-Em ơi. Gần cuối năm chị nhớ mẹ nhiều.
-Chị ơi. Tết sắp đến rồi, em nhớ mẹ làm sao.
-Chị có như em không? Cảm nghe buồn, nhớ mẹ hơn bao giờ.
Đứa em gái út hồn nhiên, bận rộn chạy đuổi theo cuộc sống cũng than.
-Càng gần tết em càng nhớ mẹ.
Không còn mẹ, mất đi nhiều lắm. Sâu như biển, rộng như bầu trời, dịu dàng như vầng trăng tỏa sáng những đêm khuya…Thấy đó mà sao không với tới. Cho đến khi thật sự mất mẹ rồi mới cảm nhận được khoảnh trống vắng không gì bù đắp được.
Mẹ ơi! Không phải đợi ngày gần tết con nhớ mẹ. Con nhớ mẹ mỗi ngày dẫu vẫn nói cười bên dòng đời trôi chảy không ngừng. Một năm, hai năm… rồi bốn năm. Con thường nhận đôi dòng ngắn, gửi gắm sự quan tâm dài theo với thời gian. “Huynh vẫn lặng lẽ đi vào khu vườn cũ. Không có bông hoa nào ở đó từ sau lúc muội mồ côi. Dẫu vậy huynh sẽ còn trở lại, cho đến khi nào muội xếp lại nỗi mất, nỗi buồn tưới tẩm lại vườn xưa”. “Vết thương nào rồi cũng lành. Xin đừng ôm mãi nỗi đau. QM hãy đứng dậy vun xới lại khu vườn nhỏ êm đềm, cho khách vãng lai có lại chốn dừng chân nhiều bóng mát, ngắm cỏ hoa sau những lúc mỏi mệt, ê chề vì cuộc sống”. Còn nhiều nữa những câu nhắc nhỡ, từ người gần con nhất đến người xa. Dẫu con buông trôi không viết nhiều năm, những đặc san Phật học vẫn thường xuyên gởi tới. Con nhận đủ hết những ân tình đầy ắp, dặn lòng phải làm gì để đáp tạ ơn đời. Ơn cha mẹ đã cho con cuộc sống, cho con hành trang cần thiết vào đời. Cho con gia tài là đức độ, từ bi. Là tấm gương ngời sáng của người biết sống. Biết coi cuộc đời là chốn tạm dung. Coi đau khổ là mưa, là nắng cần cho những hạt giống lành đơm hoa, kết trái mai này.
Chiều 30 tết mẹ đi vào giấc ngủ, rồi xa đời sau lúc giao thừa. Hai đứa con gái ở lại đón giao thừa cùng mẹ, bên câu niệm Phật không ngừng sau lúc mẹ ra đi. Sáng mồng một thất thểu rời bệnh viện. Chợt nhận ra chúng con mồ côi cả mẹ lẫn cha. Con về nhà nhìn chỗ nằm quen thuộc, từ đây chỉ còn lại mình con. Ba năm được chia cùng mẹ từng bữa ăn, giấc ngủ. Cùng đứa em gái kế lấy bệnh viện làm nhà. Gọi bệnh viện Methodist ở Sugar Land là khách sạn 5 sao, vì cả hai cùng ăn, ngủ, tắm gội dài ngày nơi đó. Chia với mẹ nỗi đau của nhiều lần bị té gẫy xương. Nỗi mừng hồi phục, nôn nao lúc bác sĩ cho rời bệnh viện. Nhờ bên mẹ mà chúng con càng thấu rõ, có thân là có khổ, vô thường không bỏ sót một ai. Sức mỏi, hơi tàn sau bốn lần giải phẫu vì xương mòn rỗng. Chứng kiến những cơn đau của mẹ để thấy mình bất lực, không thể đau nỗi đau này thay cho mẹ dù trong khoảnh khắc. Hạnh phúc của con là được đi cùng mẹ, đoạn sau cùng của một đời người. Con nhiều lần không dám nghĩ, hạnh phúc này thật quá mong manh. Tất cả mọi người, rồi ai cũng mồ côi. Con vừa mong kéo dài hạnh phúc còn có mẹ, vừa nguyện cầu cho mẹ chấm dứt nỗi đau, sau quãng đời dài mang thân bệnh. Con an tâm tin tưởng như lần đưa tiễn cha đi. Mẹ chắc chắn sẽ về cảnh giới an lành, có duyên gặp Phật để tiếp tục những gì còn dang dở. Con lau nước mắt, cắt vải xếp thành những vành khăn tang trắng cho đàn con của mẹ và lũ cháu, chắt trong nhà. Con nhớ mẹ, nhớ luôn lời mẹ nói. Càng giản dị càng có thêm cơ hội để giúp cho người cần giúp. Ngày trước con tự học may áo để may áo cho em, cho mẹ. Con làm sao biết có một ngày con cắt vải trắng làm thành những chiếc khăn tang. Đó là ngày người chị dâu thương mến ra đi. Với tình thương dành cho người đã mất, người còn ở lại, con tiếp tục làm khi có ai cần, không chút đắn đo. Thương mẹ, từ anh chị lớn đến con cháu nhỏ ngày hai lần niệm Phật, tụng kinh tiễn mẹ đi. Khi tụng bài chú Đại Bi và kinh Bát Nhã, con gõ mõ, em Hồng lãnh phần chuông. Sau buổi tụng kinh anh Lưu cười than thở. “Sư cô” gõ mõ nhanh quá làm đám “đệ tử” tụng theo muốn đứt hơi! Nói thế nhưng các anh chị em và con cháu, lúc nào cũng làm theo sự hướng dẫn của con. Thủy, Hồng mỗi buổi sáng ghé nhà con để ba chị em cùng tụng một thời kinh cho mẹ trước lúc đi làm trong 49 ngày. Các anh chị em đến chùa, ra viếng mộ ở nghĩa trang đều đặn theo lời dặn, cũng là cơ hội để anh em xúm xít bên nhau. Con tin chắc ba mẹ sẽ ấm lòng, an tâm nhiều khi nhìn thấy đàn con thuận hòa, thương yêu chăm sóc cho nhau. Anh chị lớn lo cho em nhỏ, cùng lúc không đắn đo, thắc mắc khi em gái yêu cầu những việc cần làm để bày tỏ tình thương dành cho cha mẹ, cùng xoa dịu nỗi khổ của tha nhân.
Đứa em trai mẹ cưng nhất, sau khi vào phòng đóng cửa khóc thỏa thuê như đứa trẻ, đã hỏi con rằng. Mẹ mất rồi, tết này chị không gói bánh hay sao? Con biết em nhớ mẹ, nó mong tìm lại chút hương vị tết như khi còn mẹ. Cũng mừng. Khi mẹ yếu, con tập tành làm bánh, kho thịt kho tàu, làm dưa giá…cho ngày tết. Cũng như mẹ, con không đo lường liều lượng, may sao cả nhà đều thưởng thức món con làm. Cũng bởi mẹ nấu ăn ngon quá đỗi, làm các con dâu, con gái trong nhà ngại ngùng khi nấu đãi mọi người. Con đem nỗi buồn gởi trong nỗi bận rộn đầu năm, cùng với Thủy gói thật nhiều bánh ít nhân dừa. Không chỉ con trai của mẹ, mà hai đứa cháu nội cũng mê bánh ít. Có lẽ vì chúng được đặt tên bằng nơi chốn mẹ chào đời, nên yêu thích món bánh trái miền quê hiền lành đó. Cháu Mỹ Thạnh của mẹ bây giờ đã lớn cùng với những năm học đại học xa nhà. Tết dẫu không về, cháu vẫn nhận được bánh ít nhân dừa gởi qua bưu điện. Bến Cát sắp trở thành thiếu nữ, đã tham gia đội lân ở chùa như ba nó ngày xưa. Con vui nhiều mỗi lúc đến chùa, nhìn những đứa cháu nội của mẹ học phật pháp, học tiếng Việt và ăn ngon lành những món ăn chay.
Ngày chủ nhật cận tết, ba chị em hẹn nhau gói bánh. Con thay mẹ rửa, lau khô lá, xếp sẵn hình cái phễu. Nhờ lá sạch nên để lâu bánh vẫn không hư. Nhân bánh với 4 trái dừa rám nạo bằng nút phéng. Cái bàn nạo “homemade” nhẹ tênh giống đồ chơi, nhưng thật tuyệt vời vì không cần dùng sức với tay cầm vừa vặn bằng gỗ đánh vẹc ni bóng loáng. Có nhiều người “đặt hàng” sau đó, nhưng phải xếp hàng chờ vì người sản xuất chưa có thời gian rỗi rảnh. Con tặng chị dâu cái bàn nạo độc nhất vừa mới có, được làm theo yêu cầu để chị đem về Atlanta, vì có mua cũng không nơi nào bán. Hồng nghe nói 4 trái dừa làm nhân hơi ít bèn mua thêm 4 trái, nạo đem sang. Hơn 10 giờ đêm em gởi text cho con. Nạo dừa em mệt muốn đứt hơi. Bây giờ mới ngấm, thương các chị. Món ăn ngon có được do bao công sức của người thân. Con xào dừa, không nhớ với bao nhiêu đường. Chỉ nhìn, đoán chừng không quá ngọt để mấy đứa em vừa ăn xong lại muốn ăn thêm. Không bỏ vanila, con dùng lá dứa tươi có sẵn. Cây lá dứa đem về từ Florida của cậu Phương cho. Chúng con thừa hưởng gia tài của mẹ, từ bộ xững hấp bánh cho đến cách nấu ăn. Không nhớ, không ghi liều lượng. Con chuẩn bị lá, làm nhân. Có cả nhân bánh đậu xanh cúng tết vì khi xưa ba thích. Thủy đem bột nếp tới nhồi cùng nước ấm. Có thêm đứa em nữa, không khí rộn ràng hơn. Hồng lăng xăng chụp hình rồi mới bắt tay làm. Nếu mẹ còn chắc sẽ lắc đầu cười. Hát dở mà sắm tuồng lâu là vậy. Kết quả tuyệt vời như khi còn mẹ. Mỗi đứa lo một phần nhưng khi ráp vào nhau, bột, nhân, lá khít khao vừa đủ.
Hai đứa em ra về, sau khi được chia phần. Con hấp thêm vài lần bánh nữa thì xong. Thủy đã nhanh tay sắp những chiếc bánh đầu tiên đem lại thắp nhang ở bàn thờ, rồi dù làm chẳng ngừng tay nhưng vẫn nhớ để mà thử bánh sau lúc nhang tàn. Em suýt xoa. Ngon tuyệt chị ơi! Nghĩ là nhân có vẽ bị khô, nhưng sau khi hấp thật là thơm, dẻo, ngọt vừa. Con mỉm cười khi một lúc sau, em gọi sang báo cáo. Chị ơi! Sau khi sắp bánh cúng xong, bữa ăn trưa hôm nay của là em là bốn cái bánh ít nhân dừa, chưa kể một cái thử trước bên nhà chị. Chắc phải đợi tới sang năm, em mới cho phép em…ăn tiếp! Ngon quá, không thể nào ngừng được cho nên em cho nó…tới luôn! Hai chị em giống mẹ, thường cảm thấy no ngang sau khi đã nấu xong. Có lẽ chỉ cần nhìn mọi người vui, thưởng thức món ăn cũng đủ no. Thủy lần này đạt kỷ lục của một một lần ăn, bỏ qua luôn chuyện “giữ eo”.
Còn lại nồi thịt kho tàu khổng lồ như nồi nấu phở của nhà hàng. Nghĩ đến niềm vui ngày tết lúc chia cho từng người để mang về, con rán sức bê nồi thịt đã kho xong mềm rục. Mùi thịt kho tết tỏa khắp nhà thơm ngát, không giống như mùi thịt kho bình thường của trong năm. Nhớ mẹ con nhớ luôn lời cậu Út hôm nào. “Đi khắp nơi, thưởng thức bao nhiêu món ngon, vật lạ nhưng không có món ăn nào ngon như món thịt kho tàu của chị Hai”. Những đứa trẻ còn mê trứng luộc kho chung. Con tăng dần số lượng trứng, năm nay thành con số 40. Chuẩn bị hoa quả, bánh trái, thức ăn chay cúng tổ tiên, ông bà cùng giỗ mẹ đầu năm, trời vào đêm lúc nào con cũng không hay. Nghĩ thương mẹ khi còn sức khỏe, một mình cực nhọc, làm việc chẳng ngừng tay đến nỗi quên ăn, để dâng lên lòng tưởng nhớ biết ơn cửu huyền thất tổ, cùng cha mẹ quyến thuộc nhiều đời nhiều kiếp đã qua. Bản tính chân chất, mẹ thường chắp tay khấn rõ, con đứng cạnh bên nghe và in sâu trong tâm khảm của con. Mẹ luôn luôn trải lòng ra, khấn nguyện cả những linh hồn không nơi nương tựa hoặc ngưòi thân đã lãng quên. Phần còn lại là tình thương dạt dào dành cho lũ cháu con khi thấy chúng quây quần, xúm xít cùng nhau quanh những bữa ăn. Con đã làm như mẹ từng làm. Lúc nào con cũng cảm nhận mẹ đang ở bên con. Mẹ có mặt bên ly cà phê buổi sáng con pha. Xưa, mẹ dành ly cà phê đó cho ba, cho chị Ngọc. Nay con dành cho hết những người thân lẫn người con chưa gặp bao giờ. Đứa cháu ngoại của mẹ trước khi đi học hoặc đi làm, tới lấy ly cà phê có phảng phất mùi nhang, bỏ thêm vào những viên đá dù mùa đông hay hạ. Một lần con vắng nhà. Buổi sáng con trai gọi tìm. Mẹ ơi, chỉ cho con cách pha cà phê của mẹ. Mọi người không giấu nỗi ngạc nhiên. Con cũng ngạc nhiên khi chợt nhận ra. Không biết từ bao giờ, đứa con trai lớn bắt đầu uống ly cà phê cúng mỗi sớm mai như bà ngoại thuở xưa. Cho nên đã 22 tuổi vẫn chưa pha cà phê lần nào là vậy. Riêng con đâu khác gì hơn. Dẫu biết nấu ăn, làm việc nhà rất sớm, từ ngày sang đất Mỹ con vẫn được mẹ nấu từng bữa ăn, giặt từng chiếc áo cho đến năm 31 tuổi. Con tự biết đó là những tháng năm hạnh phúc nhất đời con, bởi thời gian được sống bên ba mẹ dài hơn tất cả.
Mai chị về. Năm này nữa là lần thứ năm kể từ khi mẹ mất, anh chị về ở lại một tuần. Con mở cửa căn phòng ngày xưa hai mẹ con mình ở, bây giờ dành đón khách phương xa. Hình của mẹ, của con vẫn còn đó y nguyên. Sàn nhà con lau đẫm ướt có trộn thêm nước mắt. Dẫu tình thương dành cho mẹ không sao nói hết, vẫn nhận ra điều thiếu sót riêng con. Vị giáo sư kính quý ở xa, thường an ủi những lần con nhắc mẹ. Cô nói, khi cha mẹ không còn mình mới nhận ra sự thiếu sót, vô tình không còn cơ hội để mà bù đắp lại. Nhưng cha mẹ thì lúc nào cũng thương yêu, rộng lượng, bao dung. Chỉ cần em sống thiện lành, sống với tâm hỷ, xả, từ, bi. Đó chính là sự thành tâm của lòng tưởng nhớ, báo ân dành cho hai đấng sinh thành. Con biết con có phước, được thân gần thầy lành, bạn tốt là những người anh thiện tri thức phương xa. Nhưng trong phút giây quên hiện tại, con nếm trải nỗi đau chưa từng có xưa giờ. Tưởng chừng như sắp ngất đi. Con thoáng nhìn thấy khuôn mặt mẹ ngày té ngã sóng soài trên chuyến đi cruise đầu tiên và cũng là cuối cùng của mẹ với đại gia đình năm đó.
Mở cửa đón mừng anh chị bằng tay còn lại, chị xót xa nhìn cánh tay phải bó bột kèm sợi dây đeo qua cổ của con. Trời ơi! Sao em không cho chị biết trong phone. Con cười. Em được nghỉ vacation ít nhất là 6 tuần. Năm nay ở nhà ăn tết lớn với chị, không bỏ đi làm nữa. Coi như số em may. Xương chưa gẫy nên không giải phẫu. Được chơi 6 tuần thay vì nghỉ tới nửa năm. Quan trọng nhất là không ai…biểu tình, vì bánh trái, món ăn dành cho tết đã làm xong trước lúc anh chàng bên cánh phải đình công. Hai chị em con thực sự có những ngày ấm áp, vui nhiều. Chị đúng là cánh tay mặt của con. Bày dọn cúng ông bà, cúng giỗ mẹ ngày mùng một, chị đảm đang, chu đáo nhắc con đừng làm động cánh tay đau. Vui nhất là mấy món soup con mới học nấu dành đãi anh rể, đâu ngờ cũng là những món cho con khi cầm muỗng bằng tay trái. Càng ngày chị càng giống mẹ nhiều. Để ý, chăm sóc từng món ăn ưa thích, từng viên thuốc uống dành cho người em rể. Con nhiều lần thầm nghĩ, nếu mẹ vẫn còn, thì người đồng hành cùng con sẽ được chia tình mẹ. Lòng mẹ vốn bao la, êm ái dịu dàng như những cơn mưa, trải lên cánh đồng khô hạn, qua từng tháng năm bị tách rời giòng suối ngọt ngào, bởi phải xa mẹ khi còn rất trẻ. Con biết mẹ thường im lặng, lúc nào cũng lắng nghe với tâm từ cùng sự cảm thông. Thay cho phán đoán, khen chê đúng hay sai, là ánh mắt hiền từ thấu hiểu, biểu lộ tình thương lan tỏa. Mẹ dẫu không còn sức để làm thêm điều gì nữa, chỉ cần lòng bi mẫn của mẹ thôi đủ xoa dịu nỗi buồn, nỗi khổ của nhiều người. Nhìn cách mẹ kham nhẫn, chịu đựng những cơn đau hoành hành bất kể ngày đêm, cùng lúc vẫn quan tâm chia sẻ hạnh phúc cùng nỗi khổ của mọi người không phân biệt, nên ai gần mẹ cũng đều cảm nhận sự an ổn và tình thương không giới hạn.
Những ngày có chị là những ngày vui như tết. Con quên bàn tay sưng cứng, tê đau mãi cho đến lúc đêm về, sau khi nghe chị chúc ngủ ngon. Anh chị Phong từ Atlanta về ở bên nhà Thủy, mỗi ngày sang nhà con ăn chung bữa sáng, bữa trưa với đủ món mặn, chay. Trước và sau khi đi làm về, ngày nào Thủy cũng ghé để tận hưởng những ngày có chị, nên đùa. Hotel nhà em chỉ 3 sao nên không có điểm tâm free. Anh chị chịu khó qua khách sạn 5 sao bên đó đông vui, có đủ ngày ba bữa. Với các anh chị xa nhà sớm, không có nhiều cơ hội gần nhau, ai cũng quý những lần được gặp nhưng mấy đứa em gái không bỏ qua cơ hội trêu anh. Anh có nhớ câu ông bà mình thường nói hay không? “Ăn nhiều chứ ở chẳng bao nhiêu” anh hỉ? Em út xin nghỉ tết, thêm Hồng được rảnh rang nên anh chị em con cùng đi chùa lễ Phật đầu năm. May mắn, con tìm được chiếc áo dài có thể mặc vào dẫu cánh tay bó bột thật to. Ngôi chánh điện cũ đã san bằng chờ xây lại. Chị dâu sợ con không đi vững, nắm tay dắt con bước chậm qua. Như giấc mơ. Chớp mắt, dấu tích xưa đi vào quá khứ. Nơi chốn ngập đầy hình ảnh mẹ trong mùa Vu Lan, mùa Phật đản sinh cùng những ngày chủ nhật suốt bao năm, giờ không bao giờ nhìn thấy nữa. Mai này ngôi chánh điện mới sẽ hình thành. Mảnh đất cũ thay vào hình ảnh khác.
Hôm chị về trời trở lạnh và mưa. Chị cảm động cầm cái bàn nạo dừa mới toanh vừa đánh vẹc ni, được trao tay khi người em rể hug chào trước lúc đi làm. Bên ngoài bóng tối phủ đầy. Anh rể lặng lẽ mang hành lý ra xe, sẵn sàng cho đoạn đường gần ngàn dặm trở về. Đứa em nhẩm tính đã 32 năm rồi, là 32 lần anh lái xe về kể từ khi ba mẹ đặt chân đến đất tạm dung. Trước đây, thời gian về thăm nhà có khi là mùa xuân, mùa hạ, hay đông. Từ khi không còn mẹ thì ngày giỗ mẹ là ngày anh chị về xum họp. Ôm chặt em gái trong tay từ giã, chị ân cần dặn nghỉ ngơi, cho xương mau lành lặn để có đôi tay bình thường trở lại. Môt tuần lễ bên chị trôi nhanh quá. Căn nhà rộn rã tiếng cười giờ im vắng như chưa từng im vắng thế. Mỗi ngày nhìn chị nói cười, cùng lúc những khớp xương đau như có ai đang đục, xoáy bên trong. Con là người chứng kiến khi gần bên mẹ, bên chị và cả người đi cạnh đời con. Tất cả đều chấp nhận, thân này chẳng thuộc về mình. Gìn giữ cách nào đi nữa, vẫn là ‘nó muốn đau thì nó đau” thôi. Ngắn hay dài, nỗi đau nào rồi cũng hết khi mình thay áo mới, xong cuộc hành trình đi ngang qua cỏi tạm.
Thích nghi mọi hoàn cảnh chính là gia tài lớn nhất, ba mẹ đã trao truyền cho một đàn con. Không còn mẹ nhưng con luôn nhận biết, mẹ ở trong con mọi lúc mọi nơi. Nghĩ tới điều lành dù rất nhỏ để làm, là lòng biết ơn vô bờ bến cùng tình thương không giới hạn con dâng lên mẹ, người mẹ hiền trong đời này con có diễm phúc được làm con.
Mẹ kính yêu, mẹ biết phải không?
Thảo Ly
Tháng giêng 2015