Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ba Tôi

15/05/201417:50(Xem: 7082)
Ba Tôi

Cha-2
BA TÔI

Võ Đại Sinh

--- o0o ---

Hôm nay ngày giỗ của Ba tôi, tự dưng lòng tôi thèm viết một chuyện gì đó về Ba tôi…như nhà văn Võ Hồng thường khuyên mọi người nên viết lại những kỷ niệm sinh hoạt của cha, của mẹ mình, những kỷ niệm mà mình nhớ hơn hết, đáng nhớ hơn hết…để nhân ngày k?giỗ của cha mẹ, tập trung về, cùng đọc, cùng nghe, cùng xúc động, hồi tưởng công ơn. Con cháu sẽ có dịp sống lại không khí đại gia đình, con nhớ thương cha mẹ, cháu gần gủi, quý trọng ông bà!

Trong cuộc sống, thường khi biết nên làm việc gì thì đã quá chậm. Nhưng chậm còn hơn là chẳng bao giờ.

Mọi người quanh tôi, bà con, hàng xóm, láng giềng…kể cả mẹ tôi nữa, thường nói tôi giống ba tôi lắm, giống từ tướng đi, cách ngồi, giọng nói, tiếng cười. Mới hôm nào đây, mẹ tôi mất, khi tôi về quê chịu tang, anh Bảy hàng xóm còn nhắc lại với mọi người là phong thái từ xe bước xuống của tôi sao giống ba tôi quá…Nhưng chắc rằng không ai hiểu được, ngoại trừ ba con tôi,…tôi còn giống ba tôi đến cả những nổi buồn riêng!

Hình như là từ khi sinh ra đời, bản chất tôi đã sẵn ghét những người giàu. Có phải vì cái nghèo khó đeo đẳng gia đình tôi quá lâu, vì những người giàu quanh tôi luôn coi nặng tiền bạc hơn tình nghĩa, hay vì tôi đã thừa hưởng di sản không thích nhà giàu của ba tôi!

Mãi đến bây giờ, khi ba mẹ tôi đã qua đời, tôi vẫn chưa hiểu rõ mẹ tôi và ông Chín…bà con như thế nào. Chỉ biết mẹ tôi kêu ông bằng chú Chín, và đôi khi bực lòng, ba tôi thường nói " tao chịu đựng kéo dài cuộc sống làm thuê cho ông Chín chỉ vì ông ta là chú của mẹ tụi bây".

Lúc xung đột biên giới giữa Việt Nam và Cao Miên khoảng năm 1960-61 gì đó, tôi còn nhỏ lắm. Ba tôi bị kẹt ở bên Cao Miên vì biên giới bị đóng cửa, và ghe đi muối cá ở Nam Vang của ông Chín do ba tôi chịu trách nhiệm phải neo lại chờ. Và "vì ông Chín là chú của mẹ tụi bây"…nên ba tôi chấp nhận cực khổ, hiểm nguy nằm trên ghe muối đầy cá chờ…trong lúc những người đi muối cá cho các hảng nước mắm khác lên Nam Vang tha bồ ăn chơi, phung phí. Hơn một năm sau, khi biên giới được giải tỏa, chỉ có một mình ghe cá của ba tôi là được về đến nơi an toàn, không mất mát gì hết. Đón ba tôi tại bến ghe của hảng nước mắm, ông Chín mừng rở ôm chặt ba tôi…nhưng sau nầy khi có dịp tâm sự với tôi, ba tôi nói, lúc đó ông Chín mầy ôm tao không phải vì mừng rở tao bình an trở về đâu…mà là để coi tao có lận dấu vàng trong người không. Nhờ ghe cá muối hiếm hoi thoát được về đó, ông Chín ngày càng giàu sụ thêm.

Để đền ơn ít nhiều cho sự giàu có đó, ông Chín có hứa cho ba tôi một cái radio hiệu Phillip của Hòa Lan, màu nâu, đã cũ. Lời đó đã khiến cả nhà tôi vui vẻ, mơ mộng chờ đợi. Ở thời điểm đó, radio còn hiếm quý lắm, chiều chiều người có radio mở đài lên là cả xóm bu lại thèm thuồng chờ nghe. Mơ mộng của gia đình tôi không thành vì cuối cùng ông bà Chín đổi ý kiến, im lặng làm lơ và ba tôi cũng chẳng dám nhắc gì đến chuyện hứa cho đó nữa. Anh Bảy tôi lúc đó đang đi cảnh sát ở trên Saigon, thể theo ý nguyện của cả gia đình và để tránh khỏi mất mặt với bà con hàng xóm…Vì đã lở khoe, đã lùng khắp Saigon để tìm được đúng cái radio Phillip của Hoà Lan, màu nâu mang về.

Lúc ấy, ba tôi đã chán cảnh làm thuê cho ông chú vợ rồi, nên về lại quê tiếp tục sự nghiệp làm ruộng. Cảnh an nhàn sáng vác cuốc đi chiều vác cuốc về không kéo dài được bao lâu thì họa đến với gia đình tôi: ba tôi được dân làng cử làm Xã trưởng! Né tránh làm xã trưởng bằng nhiều cách, kể cả cách giả bịnh, cách nhờ người lo lót…không được, một nông dân chất phác, ba tôi trở thành xã trưởng bất đắc dĩ…lúc nào cũng nghĩ cách từ quan!

Thời ba tôi làm xã trưởng, huynh trưởng Văng Văn Thống, một đàn anh hành chánh lâu đời của tôi làm quận trưởng. Thời gian đó khá ngắn, không biết ba tôi đã đóng góp được gì cho cư dân trong xã, chỉ biết, mỗi lần ông xã trưởng đi lên quận Hòa Đồng họp, tôi phải đến nhà chú Năm Tiếu mượn đôi dép da, họp xong, tôi chùi lau, bỏ vào bao nylon cẩn thận…mang trả lại chú Năm; chỉ nhớ, gia đình tôi đã phải theo lệnh ông xã-trưởng-ba tôi…nhường khu đất nhà mình đang an cư lạc nghiệp cạnh trường học cho các em nhỏ có chỗ học hành để dọn đến phần ruộng Bác Hai Lang lên nền cất nhà khác ở!

Lần về đám giỗ ba tôi năm rồi, khi nhắc lại thành tích xã trưởng của ba tôi, anh chị em tôi có nhắc đến hai vụ kiện tụng ba tôi thường sảng khoái nhắc tới, dù rằng không biết cách xử kiện của ba tôi vào thời điểm đó có đúng luật không.

Vụ thứ nhứt là vụ ông hương chủ thưa ông hương chánh tội thông dâm với vợ ông có anh Hai lái xe ngựa làm chứng. Ba tôi cho mời anh Hai nhân chứng đến trước. Gặp mặt ba tôi, anh ta thề là đã khai thật vì chính anh khi đi soi cá ban đêm, đã chính mắt thấy ông hương chánh và bà hương chủ…đang làm việc ở một cái chòi giữa đồng. Ba tôi nói :" tôi tin chú, nhưng nếu làm lớn vụ nầy ra, chú có được gì đâu, trong khi sự đổ vỡ của hai gia đình và tổn thương danh dự của hai ông Hương chủ và Hương chánh quá lớn. Thôi thì chú nên suy nghĩ kỷ lại, làm tờ phản cung, bỏ qua vụ kiện để mọi người được vui vẽ". Nghe lời ba tôi, anh Hai làm tờ phản cung…Gia đình hai ông Hương chủ và Hương chánh, nhờ vậy đã tiếp tục cuộc sống hạnh phúc cho đến ngày hai ông qua đời!

Vụ kiện thứ hai là vụ hai vợ chồng trẻ bồng đứa con duy nhất mới sinh đến xã xin ly dị. Nghe qua vụ kiện, nhìn sự trìu mến của cả hai vợ chồng dành cho đứa con, ba tôi nghĩ là quan đã có cách xử lý! Ba tôi nói, chú thiếm muốn xin ly dị thì không có gì trở ngại. Còn con thì tính sao đây? Cả hai vợ chồng đều giành quyền nuôi con hết. Ba tôi cứ giữ im lặng để cho hai vợ chồng giành qua giựt lại một hồi rồi mới phán, có một đứa con làm sao chia đủ cho hai người được, thôi chú thiếm mang con về tiếp tục thời chung sống…cho đến khi đẻ thêm được một đứa nữa rồi trở lại chia công bình. Cặp vợ chồng nầy, nay đã có với nhau năm con!

Với sự khép léo và một ít thành tích đóng góp, ba tôi nhanh chóng tạo được sự mến phục và nể vì của cư dân trong xã. Nhưng sự mến phục và nể vì đó không đủ giữ chân và thay đổi ý định từ chức luôn canh cánh trong lòng ba tôi. Radio anh Bảy tôi mua về chẳng được bao lâu, anh chị em chúng tôi còn đang say mê với những tuồng cải lương mỗi tối thứ bảy mùi mẫn, trước sự thán phục của những người hàng xóm…vì có được cái radio, thì ba tôi mượn tạm đem vô đồn trú của lính nghĩa quân bảo vệ xả, cho ban hội tề và đám lính nghĩa quân nghe mỗi tối để lấy lòng họ cho ba thôi làm xã trưởng. Lúc đó, vì tình hình an ninh, cứ khi trời sụp tối là xã trưởng và toàn ban hội tề tập trung vào đồn ngủ. Dần dần, với cái radio đó và khả năng thuyết phục của ba tôi, mọi người đã đồng ý cho ba tôi từ quan về làm ruộng.

Ba tôi không thích làm quan, cả nhà tôi chẳng ai thích quan quyền cả, vậy mà tôi lại chọn theo học Học Viện Quốc Gia Hành Chánh để bước chân vào quan trường! Số là khi còn cơ hàn, ông Chín có một thời gian làm công cho một hảng nước mắm ở Cần Thơ và có dan díu với một nữ công nhân cùng hãng. Kết quả là cho ra đời một đứa con trai giống ông như đúc. Ba tôi nói con rơi thường giống cha lắm! Cũng như ba mẹ gọi ông Chín là chú, anh chị em tôi được lệnh gọi quý tử đó là chú Dinh. Chú Dinh đang theo học đại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh thì được ông Chín nhận về. Mọi người nhìn chú Dinh với cặp mắt thán phục, không hiểu vì chú học giỏi hay vì chú là con ông chủ hãng giàu sang! Tâng bốc của mọi người dành cho chú Dinh một cách quá đáng khiến tôi lâu dần chóa mắt với hào quang vây quanh người sinh viên hành chánh mà quên đi mặt trái của quan trường. Tôi tranh thủ thi vô trường Hành chánh trong hoàn cảnh đó!

Đến khi về lại quê nhà tập tành nghề phó quận, tôi mới cảm nhận được rằng, cũng giống như ba tôi, cẩm bào xã trưởng đâu có thích hợp với người dân chân chất. Tôi cảm thấy lạc lỏng và hiểu được vì sao ba tôi đã bằng mọi cách từ quan…về làm ruộng!

Bây giờ ngồi viết lại những dòng này về ba tôi, tôi còn nhớ lại rất rõ nụ cười bao dung của ba tôi khi kể lại chuyện ông Chín ôm mừng ngày ba tôi oanh liệt mang được ghe cá an toàn trở về; tôi còn thấy được gương mặt rạng rỡ của ba tôi khi kể lại thành tích cứu vớt hạnh phúc gia đình của hai ông Hương chủ, Hương chánh và cặp vợ chồng son trẻ trong thời gian làm xã trưởng ngắn ngủi, bất đắc dĩ!


Melbourne, Mùa Vu Lan năm 2000
Võ Đại Sinh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/05/2011(Xem: 6061)
Cho dù gặp lúc phong ba, Tình thương của mẹ chan hòa xiết bao! Ngày của mẹ, đẹp làm sao! Cho con dâng chút ngọt ngào nhớ ơn.
09/05/2011(Xem: 14396)
"Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother's Day) mồng mười tháng năm (năm đó). Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Ðông Kinh (Tokyo), nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng..."
27/03/2011(Xem: 7523)
Đối với người Việt Nam chúng ta, bà mẹ nào cũng là suối nguồn của tình thương, bao dung chở che con cháu như trời cao biển rộng...
09/03/2011(Xem: 11075)
Trong đạo Phật, hiếu hạnh được xem là đứng đầu trong tất cả các đức hạnh. Điều này đã được đức Phật chỉ dạy trong rất nhiều kinh điển.
23/02/2011(Xem: 5418)
Buổi sáng, khi những đứa trẻ lên xe bus đến trường, người mẹ cũng vội vàng ra xe đến sở làm. Sau đó không lâu, có ba người khách tuần tự đến dù không bao giờ hẹn.
22/01/2011(Xem: 14535)
Thắng Hội Vu Lan nhớ Mẹ hiền Noi gương hiếu hạnh Mục Kiền Liên Thanh trai lễ vật lòng tha thiết Nguyện Đức Từ Bi cứu đảo huyền
24/12/2010(Xem: 3739)
Ý Nghĩa Lễ Vu Lan Mùa Vu Lan Báo Hiếu Năm Tân Mão, Phật Lịch 2555 đang trở về trên quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta và trong trái tim của những người con Phật khắp mọi miền trên thế giới. Trong niềm vui giải thoát của ngày Phật hoan hỷ cùng với tín tâm thuần tịnh của ba tháng thanh tu đã viên mãn sau giờ phút Chư Tăng Tự Tứ.
20/11/2010(Xem: 5397)
Trong nhân gian, ai mà lại không có Mẹ. Từ người làm vua cho đến kẻ cùng đinh hạ tiện tất thảy đều do Mẹ sinh ra và nuôi lớn.
30/10/2010(Xem: 5316)
Như tôi cũng đã thưa rồi, hiếm ai dành nhiều thời gian để nhớ về mẹ như tôi. Chuyện gì buồn vui cũng là cái cớ để tôi nhớ về mẹ bằng tất cả tim óc. Tôi đã nhớ mẹ qua bất cứ hình ảnh nào của các bậc cha mẹ trong đời mà tôi quen biết, trong giao thiệp hay chỉ nhìn thấy trên phim ảnh sách báo... Có điều là không ít hình ảnh trong số đó cứ khiến tôi đau đáu một nỗi riêng không chịu thấu: 1. Họ là những bậc cha mẹ với tuổi đời chưa bao nhiêu nhưng đã bắt đầu quên mất tuổi trẻ của mình cho đứa con đầu lòng. Một tuổi trẻ tất bật áo cơm, không có rong chơi, không có ngơi nghỉ, không có thời gian riêng tư, dẹp luôn những không gian độc lập để sống như mình vẫn ao ước thời chớm lớn. Họ Mất hết cho cái mà họ cho là Được – đó chính là đứa con! Nhìn họ tôi nhớ mẹ!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]