Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tình Mẹ Bao La

10/10/201310:14(Xem: 5236)
Tình Mẹ Bao La

Thich_Nu_Chon_Huyen

TÌNH MẸ BAO LA

LỜI ĐỒNG CẢM

CỐ SA DI THÍCH NỮ CHƠN HUYỀN VÀ NHỮNG NGƯỜI CON

“Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi, mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần, rồi mùa xuân đến, tóc trắng mẹ bay như gió như mây bay qua đời con, như gió như mây bay qua trần gian, ôi mẹ của tôi. Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi,...” ; và hôm nay, những người con, người cháu của mẹ đã thật sự mồ côi.

Sanh ra trong một gia đình trung lưu lương thiện, thuở thiếu thời bà Phạm Thị Lý (sau này là cố Sa Di Ni Bồ tát giới Thích Nữ Chơn Huyền) sánh duyên cùng ông Trần Ngọc Anh và hạ sanh được 8 người con. Dù cuộc sống mưu sinh bắt buộc con người phải bon chen ngược xuôi kiếm tìm miếng cơm manh áo nhưng với bản tính sẵn hiền lương, bà một lòng hướng tâm theo Phật, dạy bảo các con quy hướng những đấng từ tôn.

Thừa hưởng ân đức của mẹ, trong số 8 người con ấy, cậu bé Trần Ngọc Thảo (bây giờ là TT. TS Thích Nhật Từ) đã phát nguyện xuất gia theo Phật, tìm cho mình con đường riêng - con đường ngược dòng sinh tử.

Vốn dĩ bản tính thông minh nhưng con đường xuất gia không kém phần lận đận nên Thầy đã phải thay đổi chỗ ở 11 lần. Người khổ tâm, lo lắng cho con không ai hơn là mẹ. Khi càng lớn lên, TT. Thích Nhật Từ càng phát tiết tất cả những tố chất thông minh, uyên bác, biện tài của bậc xuất trần thượng sĩ. Hơn ai hết, mẹ là người đứng phía sau ủng hộ, động viên, khuyến tấn Thầy tiếp tục tiến lên trên con đường học Phật mà làm rạng danh Phật giáo Việt Nam.

Niềm hạnh phúc, nỗi mong chờ sau bao năm dài đưa con đi du học, niềm vui đã mỉm cười với mẹ là đứa con trai ấy, vị Thầy khả kính ấy đã đậu tốt nghiệp tiến sĩ thủ khoa tại khoa triết học của một trường đại học Ấn Độ. Bà còn hạnh phúc hơn khi người con trai ấy trở về quê hương, mang tất cả những hoài bão, những sở học cả trong lẫn ngoài nước phục vụ cho tất cả chúng sanh. Những chuyến hoằng pháp xa tại các nước Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi,… Những chuyến hàng từ thiện xã hội mang nặng nghĩa tình do Thầy khởi xướng. Bao nhiêu lớp Tăng Ni sinh ra trường thành tài, giúp ích cho đạo pháp là một phần nhờ công Thầy dẫn lối, Thầy còn được phong tặng là một trong những bậc giảng sư biện tài lỗi lạc của Việt Nam. Còn nhiều, nhiều lắm… nhưng bấy nhiêu thôi cũng đã đủ làm mẹ ấm lòng.

Ngoài TT. Thích Nhật Từ, mẹ vẫn còn 7 người con khác. Một trong số họ đã khiến bà suốt mấy năm trường phải đau đớn, khổ sở vì sanh ra một đứa con hư. Người anh cả của thầy Nhật Từ năm xưa từng là một tay giang hồ khét tiếng. Ông từng là một gã xã hội đen cờ bạc, hút chích, trộm cắp, cướp giựt, từng vào tù ra khám không biết bao nhiêu lần. Sống trong nỗi nhục nhã ê chề nhưng bà vẫn một lòng hướng về Tam bảo, vẫn làm những việc công đức xin chuyển tâm mê muội cho con.

Lòng thành tất ứng, người anh cả giang hồ ấy đã buông hạ đầu đao, quay đầu hướng thiện, phát nguyện xuất gia, hành trì giới luật, trở thành một bậc phạm hạnh với pháp danh ĐĐ. Thích Đạt Ma Phổ Giác.

Trong số những người con còn lại vẫn còn một vị nữa xuất gia theo Phật là Sa Di Thích Minh Nguyên. Năm người con khác đã được bà cùng chồng lo yên bề gia thất, trở thành những công dân hữu ích cho xã hội. Một trong những người cháu của bà có ĐĐ. Thích Lệ Đạo xuất gia đầu Phật từ nhỏ, Thầy cũng là một trong những vị đệ tử được liệt vào hàng xuất sắc của TT. Thích Nhật Từ.

Sau khi đã hoàn tất những tâm nguyện của một người mẹ, người vợ, bà Phạm Thị Lý đã phát nguyện xuất gia theo Phật với pháp danh Thích Nữ Chơn Huyền. Lễ thế phát của bà được tổ chức tại Thiền Viện Thường Chiếu ngày 19/9/2005, bà thọ Sa Di Ni Bồ tát giới và một lòng chuyên tâm tu niệm cho đến ngày viên thành quả mãn.

Mùa xuân Nhâm Thìn năm 2012 khi bà tròn 81 tuổi, trong một cơn bạo bệnh do tuổi cao sức yếu bà được đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy và sau đó được chuyển về chùa Giác Ngộ, số 92 Nguyễn Chí Thanh, F.3, Q. 10, TP. HCM, nơi người con trai ưu tú của bà là TT. Thích Nhật Từ trụ trì để tịnh dưỡng. Tuy nhiên, vào lúc 01h10 phút ngày 11/2/2012 (nhằm 20/1 năm Nhâm Thìn) bà đã trút hơi thở cuối cùng trong sự hộ niệm thiết tha của những đứa con trai, cháu, chư Tôn Đức Tăng Ni và thân quyến của mình.

Cuộc đời bà như một vì sao sáng, như những đóa Sứ trắng luôn nở giữa đời thường tỏa mùi hương thơm ngát cho cuộc đời suốt bốn mùa nắng táp mưa bay, sống chỉ biết cho đi, hy sinh và dâng tặng. Suốt 81 năm sanh tiền, bà đã hoàn thành sứ mạng của một kiếp sanh ra làm người, đó là hướng được những đứa con trở thành những công dân tốt cho xã hội, trở thành những hạt giống rường cột làm rạng danh Phật giáo Việt Nam. Đối với đời bà không lỗi, đối với đạo bà hiến tặng cả tấm lòng thành. Đây là một cuộc đời đáng được tôn quý, đáng được trân trọng, nâng niu. Bà ra đi, để lại vô vàn thương tiếc lẫn sự biết ơn của con cháu, của những chúng sanh hiểu đạo biết quy hướng Tam bảo nhờ những đứa con, đứa cháu của bà chỉ dẫn. Còn gì đẹp hơn, quý hơn tâm hạnh cao cả ấy!

Ngày mai đây khi đưa bà về với Phật, trần gian buồn chắc không thiếu những giọt lệ trào tuôn. Riêng bà sẽ ngậm cười nơi Cực Lạc vì hạnh đã tròn, quả đã mãn, bà thuận thế vô thường phải quảy dép về Tây.

Người đi chùa vắng, mưa sớm mây chiều không thấy bóng

Kẻ ở lòng đau, chuông khuya mõ sớm luống ngậm ngùi.

Xin chia buồn với trần gian, xin chia buồn với những người con, người cháu cùng thân quyến của bà. Dẫu đã xa rồi nhưng công hạnh Người vẫn còn đó, luôn thắp sáng một vùng trời bình yên để bao người nối gót chân tâm. Nếu trần gian này có thật nhiều bà mẹ như thế, ắt hẳn cuộc đời sẽ thêm niềm hạnh phúc, ắt hẳn đạo pháp luôn được rạng rỡ, phồn vinh.

Hiểu được lẽ vô thường tan hợp, người con Phật không bi lụy trước sự chia ly, nhưng chắc chắn một điều rằng, mùa Vu Lan năm nay, năm 2012, trên ngực áo của TT. Thích Nhật Từ, ĐĐ. Thích Đạt Ma Phổ Giác, Sa Di Thích Minh Nguyên và những người con khác sẽ cài trên áo mình một bông hoa màu trắng. Bởi vì sao? Bởi mẹ đã không còn!

Pháp lữ



ĐÔI LỜI TÂM SỰ

Mùa Vu Lan năm nay tôi sẽ gắn trên ngực mình một bông hồng trắng vì mẹ tôi đã mất. Nhớ mẹ, tôi viết đôi dòng tâm tình cùng chư huynh đệ pháp lữ gần xa, để những ai còn mẹ mà không biết cung kính, hiếu dưỡng thì ngay bây giờ hãy nên suy ngẫm lại mà được sống với mẹ bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.

Nói đến con người là nói đến tình thương, đến những gì thiêng liêng và cao quý nhất thì không có gì bằng công ơn cha mẹ. Phàm làm người ai cũng từ cha mẹ sinh ra, vì vậy trên thế gian này không có công ơn nào bằng công ơn cha mẹ. Nó là mối dây thâm tình, là nguồn năng lực vô biên, là sự kết nối yêu thương bao la như trời biển. Cha mẹ đối với con cái dù nhọc nhằn, vất vả, cực khổ đến đâu vẫn hy sinh, chịu đựng để nuôi con khôn lớn. Nhiều khi cha mẹ vì thương con quá mức mà sẵn sàng làm tất cả các điều xấu ác bất chấp tiếng đời bêu rếu, chấp nhận mọi người khinh thường, coi rẻ, miễn sao con cái được cơm no áo ấm từ lúc ấu thơ cho đến khi trưởng thành. Tình thương cha mẹ dành cho con không một thứ tình nào trên đời này có thể so sánh được, chính vì vậy ai còn cha mẹ là người đang giàu có.

Giàu cha, giàu mẹ thì nhờ

Giàu anh, giàu chị khó bề giúp nhau.

Quả thật,

Còn cha, còn mẹ thì hơn

Không cha, không mẹ như đờn đứt dây.

Chúng ta vì thế phải biết hiếu dưỡng cha mẹ đúng cách để cha mẹ và mình đều được an lạc, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.

Tấm lòng cha mẹ quá thiêng liêng, cao cả; ơn cha nghĩa mẹ quá sâu dày nên đức Phật đã nói đến nhiều trong các bản Kinh hầu nhắc nhở mọi người luôn biết hiếu thảo với cha mẹ. Khi Phật còn tại thế, Ngài thường khuyên nhủ mọi người như sau: “Này các Phật tử, nếu ai muốn tiến tu đến đạo quả Vô Thượng Bồ Đề thì trước tiên phải biết cung kính, hiếu dưỡng với cha mẹ. Hiếu là nền tảng cơ bản của đạo làm người trên bước đường dẫn đến giác ngộ và giải thoát”. Đức Phật luôn nhắc nhở và khuyên nhủ mọi người lấy hạnh hiếu làm đầu nên Ngài thường nói:

Nhờ ân dưỡng dục của mẹ cha

Con được lớn khôn lại an hòa

Ân cha cao cả như núi Thái

Đức mẹ vô bờ tựa biển xa

Dù Ta trụ thế trong một kiếp

Cũng không kể hết ân cha mẹ.

Người con hiếu thảo phải biết phụng dưỡng cha mẹ, phước báo to lớn ấy cũng như cúng dường chư Phật. Cha làm lụng vất vả, nhọc nhằn; mẹ mang nặng đẻ đau, chịu lao khổ trăm bề, chỉ mong sao con trẻ khỏe mạnh, không ốm đau để mau lớn khôn nên người, có chút danh phận ở đời mà làm tròn bổn phận đối với gia đình, đóng góp lợi ích thiết thực cho xã hội. Giáo dục gia đình là nền tảng quan trọng mà cha mẹ là vị thầy đầu tiên của con cái xưa nay, con nên hay hư là ảnh hưởng bởi cách thức dạy dỗ của cha mẹ đến 80%. Người trong thế gian ai được gọi là giàu hơn hết và ai sẽ là người nghèo hơn hết? Mẹ hiền còn sống gọi là giàu có. Mẹ hiền mất đi gọi là nghèo khổ. Nếu ai còn mẹ thì gọi là mặt trời mọc, mẹ hiền mất đi gọi là mặt trời lặn. Khi còn mẹ hiền thì gọi là đêm trăng sáng, ai mất mẹ rồi gọi là đêm tối không trăng. Đã làm người trong trời đất ai không từ cha mẹ sinh ra. Cây có cội, nước có nguồn, chim có tổ, người có tông. Không có cái gì là tự nhiên khi không mà có hay ngẫu nhiên mà có được, mọi thứ đều do nhân duyên sinh mà cho ra kết quả trong hiện tại. Mẹ hiền còn được gọi là giàu có vì sao? Vì mẹ hiền còn là có tất cả tình yêu thương bằng trái tim hiểu biết mà trên đời này không điều gì có thể sánh bằng. Ai còn mẹ là một diễm phúc lớn lao nên Phật thường dạy:

Vui thay hiếu kính mẹ

Vui thay hiếu kính cha

Vui thay kính Sa môn

Vui thay kính hiền Thánh.

Chúng ta thấy chưa, Phật lúc nào cũng nêu cao tinh thần hiếu đạo, luôn khuyên nhủ mọi người biết hiếu kính cha mẹ. Do đó Ngài nói “vui thay hiếu kính mẹ cha”, ai biết sống như vậy mới xứng đáng là một Phật tử chân chánh. Chúng ta phải biết hiếu kính cha mẹ trước rồi mới hiếu kính các bậc hiền Thánh, đạo lý làm người lúc nào cũng có thứ tự, từ trong gia đình rồi lan rộng ra ngoài xã hội. Cha mẹ là hai bậc sinh thành dưỡng dục mà ta không biết hiếu kính, tôn trọng thì thử hỏi làm sao ta biết quý trọng, tôn kính người khác. Ngày xưa Thầy Tử Lộ đội gạo mướn để nuôi mẹ, tuy nghèo khổ, khó khăn nhưng trong lòng rất vui vì có dịp gần gũi, nuôi dưỡng mẹ già. Ngài là người con có chí lớn, dù đội gạo mướn nuôi mẹ nhưng mỗi khi rãnh Ngài đem Kinh sách ra mài dùi “sôi kinh nấu sử”, nhờ vậy sau này ngài đỗ làm quan nhưng mẹ già không còn nữa. Ngài thật đúng là một người con chí hiếu nên đã than rằng: “Thà ta vác gạo mướn nuôi mẹ ngày hai bữa đạm bạc mà có tình mẹ con, còn hơn nay ta được vinh hiển đủ đầy mà mẹ không còn để sớm hôm phụng dưỡng”.

Đọc truyện xưa để thấy được những tấm lòng cao cả của người con chí hiếu, mong rằng tất cả chúng ta ai còn cha mẹ thì hãy mau kịp thời cung kính, hiếu dưỡng như Thầy Tử Lộ khi xưa. Chính Phật còn nói “Ta sở dĩ tu hành thành Phật cũng nhờ công nuôi dưỡng của cha mẹ, nếu không có cha mẹ sinh ra làm sao Ta có thân này để tu hành mà thành Phật”. Cho nên, người Phật tử chân chánh trước tiên phải biết hiếu kính cha mẹ rồi mới quý kính các bậc hiền Thánh để được sự chỉ dạy mà nương tựa tu hành. Cha mẹ làm nên thân ta, Thầy Tổ cho ta trái tim yêu thương và hiểu biết, ơn này biết đến bao giờ mới có thể trả hết? Thật ra, con còn mẹ như mặt trời chiếu sáng, con mất mẹ như bóng tối phủ trùm. Trong cuộc đời này không có nỗi bất hạnh nào lớn bằng khi mất mẹ. Vì sao? Vì mẹ già trăm tuổi còn thương con tám mươi. Ôi công mẹ bao la như trời biển! Tôi bây giờ mới biết rõ điều này nhưng mẹ không còn nữa. Mùa Vu Lan năm nay tôi phải cài trên ngực mình một bông hồng trắng vì tôi không còn mẹ nữa kể từ đây.

Mẹ,

Con bây giờ đã tròn năm mươi ba tuổi

Kể từ đây con mất mẹ thật rồi

Con cứ nghĩ mẹ sống cùng con trẻ

Để cùng nhau tiến trên đường giác ngộ

Mẹ ra đi con lạc lõng, bơ vơ

Giờ tiếc thương cũng đã quá muộn màng

Con sẽ gắng lao động cùng tu học

Giúp chính mình vượt biển khổ, sông mê

Để cùng mẹ vui vầy trong Chánh pháp

Như tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ

Mà cùng nhau sống yêu thương, hiểu biết.

Nhớ khi xưa lúc còn nhỏ dại, mẹ là người mớm cho con dòng sữa ngọt để con no ấm bên bầu vú mẹ, khi con đòi ngủ mẹ là người hát khúc ru con. Lớn khôn một chút con đi trường học, mẹ đi trường đời, con sống được là nhờ tình thương của mẹ.

Vì con sống, mẹ suốt đời lam lũ

Để con vui, mẹ gánh hết đau buồn.

Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được, 9 tháng mang thai, 3 năm bú mớm, nuốt đắng mẹ cam chịu, nhổ ngọt mẹ không buồn, chỗ ướt mẹ dành nằm, chỗ ráo để con lăn. Thật là diễm phúc cho những ai đang còn mẹ, đừng để mẹ buồn mà khổ lụy tấm thân. Công ơn mẹ khó đáp đền, do đó được ví như trời cao, biển rộng.

Nước biển mênh mông không đong đầy lòng mẹ

Mây trời lồng lộng không phủ kín tình cha.

Tôi từ khi mở mắt chào đời cho đến khi khôn lớn trưởng thành chưa khi nào làm cho mẹ vui lòng, chỉ toàn đem đau khổ đến cho mẹ. Ấy thế mà mẹ lúc nào cũng thương tưởng đến tôi. Sau ba đợt bệnh mẹ bị tai biến và liệt nửa người, tôi có dịp gần gũi, chăm sóc và an ủi cho đến khi mẹ hết bệnh và đi đứng lại bình thường. Sau tôi quay lại Thường Chiếu và tiếp tục nấu cơm như đã phát nguyện chụm lò 10 năm, trừ hao đi lại, bệnh hoạn thêm 3 năm nữa thành 13 năm; nhưng nếu tôi đủ duyên được ở Thường Chiếu lâu dài thì sẽ nấu cơm cho đến khi nào không còn sống nữa mới thôi. Nếu vì duyên sự đặc biệt mà phải làm việc chỗ khác thì tôi sẽ nấu cơm đến hết năm 2017. Việc nấu cơm phục vụ đại chúng đã giúp tôi vượt qua rất nhiều cám dỗ bên ngoài, mỗi khi nấu cơm phục vụ đại chúng tôi cảm thấy trong lòng an ổn lạ thường, nhờ vậy mà tôi an vui và phấn khởi, do đó tranh thủ viết được một số sách để cúng dường Phật tử gần xa. Khi đi làm các việc Phật sự bên ngoài như một định luật khắc nghiệt khiến tôi mệt mỏi vô cùng, nhưng nghĩ lại vô số người đang trong tình trạng khốn khó, khổ đau đang mất niềm tin trong cuộc sống rất cần tình thương, sự san sẻ thì tôi lại gắng hết sức mình mà hoàn thành sứ mệnh. Vì cảm thương nhân loại ai cũng có nỗi khổ, niềm đau và đang chịu nhiều bất hạnh trong đời mà tôi đã và đang gắng từng bước vượt qua cạm bẫy cuộc đời. Chúng tôi nói ra đây không phải để khoe khoang hay kể công gì hết mà chỉ mong rằng mọi người cùng có sự cảm thông với nhau trong tình người, tình nhân loại mà kết nối yêu thương và sẻ chia cuộc sống bằng trái tim hiểu biết.

Thường Chiếu mùa An Cư Kiết Hạ năm Nhâm Thìn.

Kính ghi

Phong Trần Thiện Nhân

CHUYỆN CHÚ BÉ VÀ CÂY TÁO

Chuyện xưa kể rằng có một cây táo thật to, có một chú bé mỗi ngày đều đặn thường đến đây chơi. Chú thường ngồi nghỉ dưới gốc cây mỗi khi trời nắng gắt và rất thích khi được trèo lên cây thưởng thức những trái táo xanh, thơm ngon đáo để. Chú luôn quấn quít bên cây táo và cảm thấy rất sung sướng và hạnh phúc. Lúc nào chú cũng yêu mến cây táo, riêng cây táo cũng yêu thương chú không gì có thể sánh bằng. Rồi thời gian cứ trôi theo ngày tháng, chú bé lớn dần nên không còn đến chơi với cây táo mỗi ngày như trước. Những tưởng chú bé biệt tăm biệt tích, không ngờ một ngày chú xuất hiện với vẻ mặt u sầu. Cây táo reo lên: “Này cậu bé, hãy đến chơi với ta!” “Cháu bây giờ chẳng thích vui đùa bên gốc cây nữa vì cháu không còn trẻ con như ngày xưa, cháu chỉ thích đồ chơi thôi và cháu muốn có tiền để mua chúng.” Nghe chú bé nói vậy, cây táo ngập ngừng một giây lâu rồi nói: “Rất tiếc, ta chẳng có tiền để giúp cháu thỏa mãn điều ấy, nhưng ta có nhiều trái táo, cháu có thể hái chúng đem đi bán rồi sẽ có tiền để mua đồ chơi.” Chú bé mừng quá liền hái sạch hết táo trên cây rồi mừng rỡ bỏ đi, để lại cây táo già một mình buồn bã trông chờ, mong ngóng ngày chú quay lại.

Thời gian trôi qua, chú bé bây giờ đã khôn lớn, trưởng thành. Cậu quay trở lại làm cây táo vui mừng quá đỗi. “Này cậu bé, hãy đến chơi với ta! Lâu nay ta vẫn thương nhớ và mong chờ cháu.” “Dạ thưa bác, cháu bây giờ không còn thời gian để chơi nữa, bây giờ cháu còn phải làm việc để nuôi sống gia đình. Gia đình cháu đang cần một ngôi nhà để ở mà cùng nhau xây đắp tình yêu thương, bác có thể giúp gì được cho cháu?” Cây táo nghe xong trong lòng buồn bã vô cùng rồi nói: “Ta xin lỗi cháu vì ta không có nhà, nhưng cháu có thể chặt hết các cành cây của ta để làm nhà.” Một lần nữa, chú bé mừng quýnh lên và nhanh chóng chặt hết các cành cây rồi ra đi không một lời từ giã. Cây táo càng cảm thấy u sầu hơn vì nỗi cô đơn, buồn tủi.

Một thời gian sau vào buổi trưa hè nóng nực, cây táo đang phơi mình giữa trời đất bao la thì chàng trai bỗng nhiên quay lại với dáng dấp của một người có tuổi. Cây táo lúc này vô cùng vui sướng, vội vã mời chàng trai: “Hỡi chàng trai, hãy đến chơi với ta trong những tháng ngày còn lại!” “Ồ, không thể được bác ạ, cháu bây giờ đang lo lắng và buồn phiền vì cảm thấy mình sắp già đi. Lúc này cháu chỉ muốn có một chiếc thuyền để vui thú sông hồ mà quên đi những tháng ngày mệt mỏi đã qua. Bác có thể giúp thêm cho cháu một chiếc thuyền được không?” Cây táo bảo: “Ta làm gì có thuyền để cho cháu, ta chỉ còn thân cây già nua này, cháu hãy đốn và cưa ra làm thuyền để chu du miền hoa thơm cỏ lạ mà tìm sự an nhàn, thanh thản”. Chàng trai nhanh chóng đốn cây làm thuyền và ra đi biền biệt không hẹn ngày về.

Nhưng rồi một thời gian sau, chàng trai ấy đã quay trở lại và đã là một người đứng tuổi. Chưa kịp hỏi han cây táo đã vội vàng nói: “Ta bây giờ chẳng còn gì để cho cháu nữa. Ta giờ đây không còn táo để cháu dùng, chẳng còn cành để cháu leo trèo vui chơi thỏa thích.” “Nhưng bây giờ cháu đã quá già, cháu đâu còn đủ sức leo trèo.” “Ta bây giờ chẳng còn gì để giúp cho cháu, cái duy nhất ta còn lại trong đời ta là bộ rễ nhưng nó đã chết dần mòn theo năm tháng.” Cây táo nói xong mà cảm thấy ray rức trong lòng. “Bây giờ cháu chẳng cần gì nhiều nữa đâu, cháu chỉ cần có một chỗ yên tĩnh để nghỉ ngơi. Cháu đã quá mệt mỏi sau những năm tháng đua chen, giành giựt trong cuộc sống.” “À! Thì ra là như thế! Ta chỉ còn gốc gây già cỗi này để làm chỗ cho cháu nương tựa, nghỉ ngơi. Vậy cháu hãy mau đến với ta!” Chàng trai ngồi xuống và cây táo mừng đến nỗi hai hàng giọt lệ lăn tròn trên khóe mắt.

Câu chuyện ngụ ngôn về cây táo đã nói lên hình ảnh sự yêu thương, bao bọc, chở che của cha mẹ đối với con cái. Tôi và các bạn ai cũng từ cha mẹ mà được sinh ra, cây táo chính là cha mẹ của chúng ta. Giai đoạn một khi ta còn nằm trong bụng mẹ xuyên suốt 280 ngày, ta sống an nhàn trong cung điện của mẹ, ta không phải làm gì vì mọi cái đã có mẹ lo. Giai đoạn hai khi ta mở mắt chào đời, ta đã có mẹ mớm cho dòng sữa ngọt và được cha mẹ lo lắng, yêu thương, chịu chuộng, ẵm bồng để ta mau biết lật, biết bò và lớn lên theo ngày tháng. Rồi ta biết đi, biết đòi ăn, biết nhõng nhẽo, biết nũng nịu, biết giận hờn để đòi cho được các món đồ chơi ưa thích. Lúc này, chúng ta đâu thích quấn quýt bên cha mẹ mà chỉ thích đồ chơi mà thôi, nếu cha mẹ có tiền thì mua cho ta dễ dàng, bằng ngược lại phải cắn răng chịu đựng, thắt lưng buộc bụng mới dám mua những món đồ chơi ấy. Đâu phải mua đồ chơi cho chúng ta là xong, cha mẹ còn phải sắm sửa quần áo, giày dép, sách vở, cặp học cho chúng ta đến trường. Giai đoạn ba khi chúng ta đi học, cha mẹ phải đi trường đời một nắng hai sương vất vả để lo cho ta ăn học. Cha mẹ phải lo cơm áo gạo tiền, vật lộn với cuộc sống để lo cho ta được học đến nơi đến chốn, khi lớn lên có được nghề nghiệp ổn định mà nuôi sống gia đình và dấn thân phục vụ lợi ích xã hội.

Việc xây dựng hạnh phúc gia đình để bảo vệ giống nòi nhân loại, duy trì hạnh phúc tình yêu nam nữ không phải là chuyện đơn giản, dễ dàng vì lúc này gánh nặng bắt đầu quằn lên vai chúng ta. Ta sẽ tất bật, lăng xăng suốt cả ngày để tạo ra đồng tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Cho đến khi con cái ta khôn lớn, trưởng thành thì ta cũng đã già nua, mệt mỏi. Bấy giờ, trong tâm ta khởi lên suy nghĩ muốn tách ra khỏi đời sống gia đình để đi du lịch đó đây tìm sự thanh thản và bình an cho tâm hồn; nhưng tất cả sự mong muốn đó cũng không giải quyết được mọi việc như ý muốn nên càng làm ta thêm mệt mỏi, phiền muộn, để rồi cuối cùng ta muốn tìm một chỗ yên tĩnh để nghỉ ngơi. Cả một đời ta sống bôn ba ngược xuôi, làm đủ thứ việc, hết lo cho con, lại lo cho cháu, cứ thế mà không có ngày ngơi nghỉ. Đến khi già yếu, bệnh hoạn cũng chẳng có thời gian để nghỉ ngơi, cứ hồi tưởng về quá khứ mà tiếc nuối rồi ôm phiền muộn vào lòng. Già thì mắt mờ, tai điếc, bệnh tật, ốm đau làm cho thân thể đau nhức, khó chịu vô cùng nên dễ sinh tật nóng nảy, giận hờn con cháu, lúc này chỉ muốn tìm chỗ nghỉ ngơi để an phận tuổi già. Đến đây ta mới thấy cha mẹ già 100 tuổi còn thương con 80, nên cây táo mới nói với chàng trai: “Ta bây giờ chỉ còn lại gốc cây già nua, cháu hãy ngồi tựa lưng để nghỉ ngơi!” Công ơn của cha mẹ và tình yêu thương con cái bao la hơn biển cả, cao ngất tận trời xanh, vậy mà cha mẹ nào có kể công gì đâu. Phận làm con phải biết hiếu thảo, cung kính, dưỡng nuôi giúp cho cha mẹ an vui khi tuổi già.

NHỜ MẸ TÔI ĐƯỢC SỐNG TRONG YÊU THƯƠNG

Tôi có một đứa em út cũng được xuất gia cùng thời với mẹ nhưng tu học ở Vĩnh Long, thấy mẹ bệnh chú cầm lòng không nổi nên phát tâm về nuôi mẹ đến khi nào mẹ không còn chú mới về chùa tiếp tục tu. Nhờ có chú và những đứa em khác lo lắng, chăm sóc cho mẹ, nhất là Thầy Nhật Từ, nên tôi có thời gian trở về Thường Chiếu tiếp tục chụm lò để làm tròn tâm nguyện khi xưa. Thời gian này tôi ít gặp mẹ hơn vì mẹ đã bớt bệnh và đi lại bình thường, lâu lâu đi làm Phật sự tiện đường tôi lại ghé thăm mẹ một chút. Mỗi lần gặp mẹ trông thấy tôi là bà mừng rỡ vô cùng, tôi chưa kịp hỏi thăm ân cần thì mẹ đã hỏi thăm tôi đủ thứ. “Sư phụ lúc này khỏe khôngThầy Phổ Giác? Mẹ Sư phụ cũng khỏe chứ? Cho mẹ gửi lời thăm Sư phụ, mẹ Thầy và mấy Sư cô Hoa Viên tu hành được thăng tiến nha!” Bà nói thao thao với tâm trạng vui vẻ vô cùng, tôi mừng thầm chẳng nói nên lời vì đến từng tuổi này mà mẹ vẫn một mực yêu thương, ân cần lo lắng cho tôi. Bà huyên thuyên hết hỏi chuyện này lại đến chuyện kia, những lần về thăm tôi chỉ biết khuyên mẹ, “bây giờ má đã lớn tuổi, chuyện sống chết không biết xảy ra lúc nào, má đừng nên luyến tiếc, nhớ nhung con cháu nữa; ai cũng có đời sống tương đối ổn định rồi, má hãy ráng lo niệm Phật nha má!”

Tôi chỉ nói với mẹ như vậy mỗi lần có duyên được về thăm bà. Một hôm bà nhớ tôi quá vì nghe ai nói tôi bị cọp bắt ra đời và vì cũng muốn ghé thăm Sư phụ Thường Chiếu cùng mấy Cô Hoa Viên. Đến Thường Chiếu gặp được tôi bà vui vẻ cười hỉ hả ra chiều thoải mái lắm vì có dịp trở lại nơi bà đã chính thức đầu Phật xuất gia, những bạn đồng tu gặp lại bà tay bắt mặt mừng; riêng bà có dịp đảnh lễ Sư phụ để được nghe những lời khuyên nhủ ân cần từ tấm lòng từ bi đức độ. Nếu nói về người con hiếu chưa chắc ai có hiếu với mẹ như Sư phụ Thường Chiếu của chúng tôi bây giờ. Thầy Thiện Trung có mẹ già mất sức lao động không người nuôi dưỡng nên phải vừa tu vừa ép bánh dầu nuôi mẹ, Thầy là người con chí hiếu nên được Sư Ông chúng tôi đặt cho Pháp danh là Thông Hiếu, hiện nay Thầy trụ trì Thiền Viện Đạo Huệ. Thầy có hiếu như vậy mà cũng chưa bằng Sư phụ Thường Chiếu của chúng tôi, năm nay Thầy tròn 70 tuổi, mẹ Thầy khoảng 95 tuổi, thâm tình mẹ con không thể lấy bút mực nào tả xiết về sự hiếu đạo của Thầy tôi. Mẹ Thầy cũng đã xuất gia trên 20 năm nay, chúng tôi xin mạn phép trích trong quyển Công Đức Sinh Thành phần viết cho mẹ của Hòa Thượng Thường Chiếu như sau:

v VIẾT CHO MẸ

Năm nay mẹ tôi yếu hơn nhiều so với những năm trước. Thân thể đau buốt từng cơn, rã rời từng đoạn. Ngồi bên mẹ nhìn từng nếp nhăn trên khuôn mặt gầy gò mà tôi thấy cả một dòng đời chìm nổi tuôn chảy trên mắt, trên môi, trên mỗi ngón tay lần tràng hạt của mẹ. Bất giác cầm tay người, tôi nói trong thì thầm, “Mẹ ơi! Con đang ở bên cạnh mẹ đây, bây giờ và mãi mãi!”

Rồi quê tôi như hiện về…

Những năm tháng chiến tranh quê hương bị bom đạn giày xéo, mẹ một mình đùm bọc mấy anh em tôi trong đau thương huyết lệ. Tất cả đã qua đi nhưng mỗi lần nhìn thấy mẹ là tôi không thể nào quên những cuộc trầm thống ngày xưa cũ; cuộc đời của mẹ, tình thương của mẹ, dòng nước mắt mặn đắng của một thời sóng gió.

Lần đó, bất thần tôi về quê thăm mẹ. Người đi vắng. Tôi ra nhà sau dở hũ gạo thấy không còn một hột, nhìn khắp trong nhà chẳng có vật gì cả. Nghèo khổ và khốn khó đến như vầy sao? Tôi bật khóc. Thời trai tráng của tôi đã đem đến được gì cho mẹ ngoài hai bàn tay trắng, một sự nghiệp rỗng không của kẻ Tăng lữ không nhà. Tôi chợt nhớ lại cái hôm Sư Ông cho gọi tôi tới dạy, “Nghe hoàn cảnh trên quê con ông thương nên cho mấy anh em con tá túc trong chùa để được đi học lại, mấy đứa lớn ông sẽ dẫn tìm công ăn việc làm”.

Mẹ tôi xúc động vô cùng, người đã ân cần nhắc nhở chúng tôi, “quê mình gặp lúc chiến tranh ác liệt, người chết, nhà cửa tan hoang, gia đình ly tán khó có ngày đoàn tụ. Các con phải ráng tu Phật mới độ cho sống sót, đoàn tụ. Má hằng đêm đốt nhang khấn nguyện giữa trời cầu cho đất nước sớm thanh bình, các con bình yên thì má con mình sớm đoàn tụ. Các con phải luôn nhớ tấm lòng và ân đức của Sư Ông, gia đình mình đầu đội biết bao giờ mới trả hết”. Càng nhớ chuyện xưa tôi càng thương mẹ quặn thắt, lòng tự dặn lòng phải ráng tu cho mẹ vui, mẹ bớt khổ.

Nghiệp dĩ nào đã đưa đẩy tôi sinh ra trong một gia đình nghèo mà chứng kiến cảnh mẹ chịu quá nhiều đau khổ? Nếu không có giáo lý Phật đà thì có lẽ tôi sẽ sống trong nỗi buồn tủi khôn nguôi. Nhưng Phật đã dạy rõ, âu cũng là phước nghiệp mà ra. Có lẽ nhiều đời ta làm khổ người nên bây giờ người làm khổ lại, ta đã từng thương tổn sinh linh nên hôm nay phải chịu một thời sống trong đao loạn. Cũng cùng một quê hương nhưng hoàn cảnh không ai giống ai, có người vui sướng, có kẻ buồn khổ, nhà Phật gọi là “đồng nghiệp dị kiến”. Chẳng qua cũng chỉ là phước nghiệp không đồng đều, đời này hay đời trước người tu nhiều, kẻ tu ít nên nhân quả cạn, mỏng khác nhau. Trồng nhân lành thì được quả tốt, gieo nhân ác thì chuốc quả xấu. Hiểu thấu chỗ này ta phải chỉnh đốn từ nhân thôi. Nhờ biết thế tôi đã ít nhiều vượt qua những mặc cảm buồn tủi mà quên đi dĩ vãng để tập trung vào việc tu học.

Ít lâu sau tôi lại trở về nhưng chỉ ghé chùa Tổ, Sư Bác cho người nhắn mẹ ra. Được tin tôi về mẹ quày quả lội bộ hằng mấy cây số ra chùa mong sớm gặp tôi, tôi thất sắc khi thấy mẹ quá xanh xao, tiều tụy. Chưa kịp nói gì mẹ đã dúi vào tay tôi rồi thì thầm vừa đủ hai mẹ con nghe: “Má nghe con về má mừng quá! Nhà không có gì, má lật đật ghé tạt qua xóm mua xôi bánh cho con, có mấy trái chuối nữa nè, con ăn đi!” Tôi cúi xuống nuốt lệ, không ăn được, không sao ăn được. Thấy vậy mẹ lo ngại hỏi tôi: “Con mạnh không, tu ở dưới làm sao? Lâu quá hổng về má nhớ con lắm!” Tôi dường như không còn đủ sức để đứng vững nữa, tay chân rụng rời, lòng quặn đau nhưng vẫn cố làm tỉnh hỏi lại: “Má khỏe không? Lúc rày má làm gì, nhà mình có đỡ hơn không má?” Mẹ tôi nín lặng thật lâu rồi bật khóc. Hai mẹ con gặp nhau bời bời khúc ruột. Một người em dâu của mẹ lại qua đời vì đạn bom, các em tôi khóc hết nước mắt. Gia đình tôi nghèo lại càng nghèo, khổ lại càng khổ. Hôm ấy mẹ kể thật nhiều chuyện, toàn là chuyện buồn. Rồi đến lúc cũng phải chia tay, mẹ quyến luyến bên tôi không muốn rời. Sau này tôi mới hay hôm đó mẹ đã ôm bụng đói lội bộ mấy cây số về nhà sau khi đưa cho tôi tất cả bánh trái mà người dành dụm tiền mua được, về đến nhà mẹ đã ngất xỉu. Viết đến đây ngòi bút tôi dường như đã ướt sũng…

Ôi! Nước mắt chúng sanh quả là nhiều hơn nước trong bốn biển. Ngày xưa thái tử Tất Đạt Đa dạo bốn cửa thành thấy cảnh bệnh-lão-tử và hình bóng một Sa môn mà Ngài đã tìm đường thoát khỏi sanh tử, cứu độ muôn loài. Còn tôi là một nạn nhân nằm trong cuộc bi thương như vậy, nhưng sao vẫn chưa có lối thoát, chưa tìm được một chút bình an cho mình và người thân? Mỗi lần đối diện với hoàn cảnh gia đình tôi như càng bị thôi thúc phải làm sao để cứu mẹ và người thân mau thoát khỏi cảnh này. Phật nói thế gian là khổ, người tu vì muốn thoát khổ nên mới bỏ nhà, sống không nhà mà học đạo. Mục đích duy nhất là để giải quyết cho xong thân phận kiếp người hòng giải thoát sanh tử. Mẹ tôi tuy quê mùa nhưng sớm biết như thế nên đã đưa tôi vào chùa từ thuở ấu thơ, bởi mẹ không muốn con mình khổ, chỉ một mình mẹ chịu khổ thôi. Ôi, tình mẹ! Con sẽ không để mẹ phải chịu khổ nữa đâu, con sẽ tu và đưa mẹ về chỗ an vui!” Tôi đã thầm nguyện với lòng mình như thế trong suốt cuộc đời tu hành.

***

Năm ấy giáp Tết tôi lại về quê thăm mẹ. Trảng Bàng chiều xuống thật vắng. Cuộc chiến tuy tạm dừng nhưng bầu không khí vẫn còn rờn rợn quanh thôn. Đến nửa đêm tiếng súng nổ đì đoành, thế rồi cả bầu trời rực lửa. Pháo và pháo, nhưng không là pháo hoa của em thơ mừng đón xuân sang mà là pháo đạn. Trên không trung nổ, dưới đất nổ, ngang lưng trời nổ, người thú kêu gào trong lửa chớp. Bom đạn dày xéo da thịt quê tôi, cướp mất mạng sống dân tôi, xé nát trái tim tôi. Một Tăng sĩ đôi mươi đứng trước cảnh tượng hãi hùng này tôi không biết phải làm gì, đành thầm lặng cúi xuống chấp tay cầu nguyện.

Bấy giờ trong nhà chỉ có một cái hầm, mẹ và mấy anh em tôi đã xuống hết rồi, chỉ còn tôi sót lại bên trên. Mẹ hốt hoảng gọi to: “Mau xuống hầm con ơi!” Tôi vẫn ngồi đó. Mẹ không yên, cứ trèo lên tuột xuống giọng khẩn khoản lo sợ: “Xuống hầm mau lên con ơi!” Nhìn tôi bất động trong sấm chớp lửa đạn nước mắt mẹ đầm đìa. Sự lặng câm của tôi làm mẹ đau khổ dường nào tôi chẳng hề biết, tôi cứ mãi nghĩ đến Phật. Nếu như lúc ấy phải chết mà trong tôi có Phật, bên tôi có mẹ là đủ nên lòng bình an lạ thường. Bây giờ nhớ lại tôi thấy mình có lỗi với mẹ thật nhiều. Người đã ôm trọn đời tôi vào lòng, đã nhào nặn nên mảnh hình hài tôi, đã chắt chiu từng phút giây để giữ gìn mạng sống cho tôi. Bởi vì tôi là máu thịt của mẹ, là cốt tủy của cha, là niềm tin và hy vọng của cả nhà. Thế mà tôi chẳng hiểu, chẳng trân quý một biển lòng của mẹ, để bây giờ ngồi thật gần người tôi nói trong thinh lặng: “Mẹ ơi, con xin sám hối với mẹ! Nhờ có Phật độ và nhờ vào tấm lòng che chở của mẹ mà hai mẹ con mình vẫn sống sót và cùng đoàn tụ dưới một mái chùa”.

Chiến tranh đã đi qua, đạn bom đã đi qua, nhưng nỗi đau tang tóc cha xa con, vợ lìa chồng, anh mất em… vẫn còn đó. Và vết thương, và máu xương vẫn âm ỉ chất độc trên da thịt dân tôi, trong ngấn lệ quê tôi. Đây không chỉ là thảm cảnh của những cuộc chiến mà là hậu quả của lòng tham lam, sân hận, si mê. Đã bao lần tôi tự hỏi tại sao trong dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn mà loài người không thể yêu thương nhau? Thù hận, chém giết, xâm lấn nhau để cuối cùng xác chết đồng loại chồng chất lên nhau là hạnh phúc hay sao?

Ngày ấy tôi đã chấp tay thành khẩn giữa đêm trường: “Xin loài người biết lấy niềm đau của riêng mình làm nỗi đau chung của nhân loại, xin ngọn lửa binh biến biến thành ánh đuốc từ bi cho sinh linh hết cơ cực, lầm than. Tình yêu thương xóa tan những hận thù cho em thơ vui tiếng hát thanh bình đầu vườn cuối ngõ, cho dân tôi đêm đêm ngủ giấc an lành và những hôm trăng sáng có tiếng trẻ thơ nô đùa, tiếng chó sủa vang vọng sau hè thật gần gũi, thật thôn quê. Tôi hy vọng, tôi tin tưởng một ngày không xa, ánh sáng trí tuệ và từ bi của đạo Phật sẽ vực con người dậy từ hố sâu vực thẳm của lòng ích kỷ, tham lam, cho nhân loại xích lại thật gần để hiểu biết, yêu thương và tha thứ, bởi vì nỗi đau nào chẳng là nỗi đau chung”.

Phật dạy:

Ai cũng sợ dao gậy

Ai cũng quýsự sống

Lấy ta suy bụng người

Không giết, không bảo giết. (Pháp Cú)

Dựng lại một niềm tin để yêu thương sự sống và muôn loài phải được bắt nguồn từ một bản tâm vô ngã, vị tha. Đức Thế Tôn đã thực hiện được điều này và di huấn của Ngài để lại cho nhân loại đến bây giờ vẫn còn tỏa sáng lung linh. Đó chính là niềm an ủi lớn nhất, là con đường duy nhất cho chúng hữu tình đang chìm trong thống khổ vươn lên. Trong đó có tôi, mẹ tôi, những người thân và bạn lứa anh em tôi.

Chút phước duyên nào còn sót lại khiến cho mẹ và tôi đã gặp được Phật pháp, gặp được Hòa thượng Ân sư, được sống lại từ ân đức của Ngài. Thầy đến trong đời tu của tôi như hiện thân Bồ-tát đưa bàn tay từ ái kéo tôi và mẹ lên bến bờ an vui. Không gặp Thầy mẹ và tôi không biết sẽ trôi dạt về đâu? Xin cảm ơn những nỗi đau đã giúp cho tôi biết Khổ-Tập-Diệt-Đạo giúp tôi đứng dậy mà quay về nẻo giác. Và lời Phật dạy tôi luôn nhớ mãi trong tâm: “Chúng sanh khổ con nguyền cứu khổ, chúng sanh khổ con nguyền tự độ”.

Đất nước lại thanh bình. Mẹ bây giờ đã có thể ngồi yên niệm Phật được rồi, tôi mừng lắm. Niềm mơ ước lớn nhất của tôi là những ngày cuối đời mẹ được sống nương tựa Tam bảo, buông xuống hết những năm tháng nhọc nhằn, buồn khổ để tâm hướng về với Phật, gần Phật và sống theo lời Phật dạy. Nhìn thấy mẹ khỏe tôi vui, nhìn thấy tôi vui mẹ mãn nguyện tuổi già. Tôi tin vào luật nhân quả, vào Phật pháp nhiệm mầu. Cuối xuống thật sâu, tôi nghe lòng ngập tràn ánh sáng vô biên của Phật đà.

***

Mẹ ơi,

Bây giờ khoảng canh ba, trong Thiền phòng vắng lặng, khói trầm hương quyện tỏa, con ngồi viết cho mẹ. Nhưng không chỉ viết cho mẹ thôi mà cho tất cả những bà mẹ trên cõi đời đã dành hết đời mình cho những đứa con. Từng miếng ăn giấc ngủ của con là từng hơi thở, nhịp đập trong trái tim mẹ. Từng nỗi buồn vui của con là những khúc ruột quặn thắt của mẹ. Con thành nhân chi mỹ mẹ xin dâng hiến cho đời, con khốn khó đau thương mẹ nguyền muôn kiếp theo con vỗ về, an ủi, sẻ chia. Lòng mẹ sâu sâu hơn biển, cao cao hơn núi và diệu kỳ hơn cả đất trời. Xin cho tất cả những người con biết quỳ xuống đảnh lễ niệm ân trước tấm lòng và công đức sinh thành dưỡng dục của mẹ cha, mãi mãi biết yêu thương và trân quý tình thiêng liêng phụ mẫu. Xin cho vô lượng vô lượng trái tim những bà mẹ đỏ thắm màu sắc son được thấm đượm ánh sáng đức từ bi.

Con quỳ xuống dâng lên mẹ một nén tâm hương, nguyện mẹ sống lâu nơi đời, an vui trong Chánh pháp để con được sớm hôm kề cận, cùng mẹ vui sống tu hành, bao giờ thành Phật mới vừa lòng con. Cúi xin mẹ thương nhận cho con!

(trích đoạn trong quyển “Công Đức Sinh Thành” của Hòa Thượng thượng Nhật hạ Quang phần viết cho mẹ.)

Sư phụ của chúng tôi là người con hiếu thảo chẳng ai bằng, năm nay thầy 70, mẹ Thầy 95, nhưng tình mẹ con thấm đậm tình người. Nếu nói tình mẹ đối với con thì chưa có người mẹ nào hy sinh, chịu đựng, thương con như mẹ của Thầy. Từ khi thầy mở mắt chào đời đã được sống trong vòng tay âu yếm của mẹ, bà đã phát nguyện khi Thầy 7 tuổi sẽ xin gửi vào chùa tu học. Chưa có người mẹ nào có chí nguyện lớn như vậy, chỉ có một đứa con duy nhất nhưng bà vẫn một lòng hướng về Phật pháp để cho Thầy được thỏa chí tu học mà sau này cứu độ chúng sinh. Thầy tôi khi còn trẻ không những đẹp trai mà còn có giọng tụng Kinh nghe thật ấm áp tình người, do đó được nhiều Phật tử mến mộ, nhất là các Phật tử nữ. Thầy ngoài việc hướng dẫn, chỉ dạy tín đồ, tứ chúng vẫn sắp xếp thời gian để cùng mẹ tâm tình, sẻ chia, an vui trong Chánh pháp suốt hơn 20 năm không hề xao lãng. Bản thân chúng tôi giờ sống được với chút an ổn cũng nhờ ơn Thầy, không có Thầy tôi như vật bỏ phế, có được Thầy tôi dần hồi chuyển mình trong cuộc sống để được kết nối yêu thương và sẻ chia cùng với mọi người.

TÌNH MẸ THIÊNG LIÊNG, CAO CẢ

Tấm lòng của mẹ đối với tôi thật là bao la và cao cả. Tôi không biết lấy gì để đền trả hết công ơn của mẹ, hiện tại chỉ biết thầm nguyện hứa cố gắng tu hành cho đến ngày viên mãn mới thôi để cùng mẹ đi trên con đường giác ngộ, được sống yêu thương bằng tất cả trái tim hiểu biết. Trên thế gian này có lẽ không có tình yêu thương nào thiêng liêng, cao quý hơn tình mẹ. Từ khi mở mắt chào đời mẹ đã mớm cho con dòng sữa ngọt, dòng sữa ấy là chất liệu ngọt ngào được kết tinh bằng tấm lòng yêu thương bao la hơn trời biển, nâng niu, che chở cho con bằng lời ru, tiếng hát để con được giấc ngủ yên. Mẹ vẫn âm thầm thức khuya, dậy sớm để lo cho con từng miếng ăn, lo cho con từng chén cơm manh áo, mong cho con mau khôn lớn nên người.

Đôi lúc mẹ vì con trẻ mà chịu nhiều gian nan, cực khổ, có khi phải làm các việc xấu ác để giúp con được an vui, hạnh phúc. Khi con chập chững biết đi mẹ thấy trong lòng vui mừng, sung sướng. Đến lúc con biết đòi ăn, thích khám phá xung quanh thì mẹ đi trường đời để nuôi con ăn học. Cứ như thế cho đến khi con khôn lớn trưởng thành, mẹ còn phải dựng vợ gã chồng mong con sống hạnh phúc vuông tròn có nhau. Ôi! Tình mẹ thật bao la, sâu nặng. Mẹ đã hy sinh cho con hết cả cuộc đời mà không dám nghĩ đến bản thân mình. Ai còn mẹ hãy nên biết trân quý và yêu thương mà luôn biết cung kính, hiếu dưỡng, đừng để mẹ buồn, mẹ khổ trong sớm trưa.

Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ

Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn

Bao bọc, chở che khi con gặp khó khăn

An ủi, vỗ về khi con phải đi xa

Mẹ vẫn bên con dù biển cạn, núi mòn

Gánh nặng cuộc đời mẹ mang cả hai vai

Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ buồn khổ

Không có mẹ con đã ra người thiên cổ

Mẹ là cả bầu trời thương yêu dịu ngọt

Mẹ là cả bầu trời che mát cho con.

Quả thật, đi hết trái đất này tôi không thể tìm được người mẹ nào như mẹ tôi hiện giờ. Mẹ đã cho tôi tất cả để tôi được an vui, hạnh phúc, được an ổn tu hành. Tôi thầm cám ơn mẹ nên luôn dặn lòng ráng cố gắng quyết chí tu hành để đền đáp công mẹ và tất cả người mẹ trên thế gian này. Thật ra mẹ không chỉ thương một mình tôi mà 8 anh em tôi bà đều yêu thương như nhau hết. Đứa ăn nên làm ra bà cũng thương, đứa nghèo khổ bà càng thương hơn và có những đứa hoàn toàn làm hại như tôi bà vẫn thương như vậy. Nhờ tình thương của mẹ đã giúp tôi vươn lên chính mình mà vượt qua số phận tối tăm, để ngày hôm nay có cơ hội cùng tâm tình với các bạn gần xa, xin mọi người hãy dành chút thời gian để suy ngẫm về mẹ. Ai bây giờ còn mẹ thì hãy hết lòng hiếu dưỡng không một phút giây lơ là, đừng để đến khi mẹ ra đi rồi mới hối tiếc, nhớ thương thì phải nên xem xét lại.

Nhiều người khi cha mẹ còn sống thì không cung cấp, dưỡng nuôi, chờ đến khi cha mẹ chết rồi mới làm đám linh đình để báo hiếu cha mẹ. Báo hiếu như vậy là không đúng! Cha mẹ khi còn sống mà không lo nuôi dưỡng, chăm sóc, chờ đến khi chết nói lo là lo cái gì? Khi xưa chúng tôi thiếu hiểu biết nên sống trong si mê và thấy biết sai lầm, do đó bất hiếu với cha mẹ mà làm khổ mọi người. Chúng tôi sống được đến ngày hôm nay quả thật là một điều hy hữu, mà lại còn có cơ hội tu hành đến bây giờ nên có dịp chia sẻ với chư huynh đệ pháp lữ gần xa một chút tâm tình về mẹ. Nhờ mẹ giúp mà tôi có thể vượt qua vũng bùn tội lỗi. Trong khoảng thời gian đam mê nghiện ngập đủ thứ và nợ nần chồng chất không có khả năng chi trả, đau khổ tột cùng. Một phần thì bị các cơn nghiện hành hạ, một phần thì bị khủng hoảng tinh thần vì sự hăm he của chủ nợ. Cuối cùng chúng tôi không biết làm sao, suy đi nghĩ lại không còn con đường nào khác, chỉ có chết là xong khỏi phải sợ ai quấy rầy. Nghĩ vậy tôi liền về thăm mẹ lần cuối, lúc ấy đã gần 2 giờ sáng, mẹ tôi đang bán cháo bên lề đường gần chợ Gò Vấp để mưu sinh. Tôi than với mẹ: “Mẹ ơi, con khổ quá! Chắc đây là lần gặp cuối cùng giữa con và mẹ”. Mẹ tôi hoảng hốt lên: “Có chuyện gì mà con bi quan đến thế?” Tôi mới thật tình trình bày cho mẹ biết, sau khi nghe xong mẹ tôi liền khuyên: “Tội gì phải chết, đi tu đi con, đi tu sướng lắm con ơi! Đi tu như Thầy Nhật Từ không sướng hay sao, Thầy đã đi Ấn Độ để học tiến sĩ triết học rồi con ạ”. Tôi mới trả treo: “Đi tu làm sao sướng, đi tu khổ thấy bà!” Bởi ngày xưa tôi rất ghét thầy chùa, tôi không bao giờ có thiện cảm với thầy tu nên tôi cứ nghĩ đi tu là khổ vì không hưởng thụ được gì. Tuy nói vậy nhưng trong lòng tôi vẫn xốn xang, cứ suy nghĩ mãi “đi tu hay phải chịu chết”. Như có gì linh ứng nhiệm mầu, lời của mẹ đã thấm vào lòng khiến tôi phải chọn con đường đi tu mà không biết mình đi tu để làm gì, chỉ biết rằng đi tu để đánh đổi với cái chết rồi tính sau. Thế là tôi dọn đồ về nhà ở mà thầm cám ơn mẹ.

Con tu nhờ mẹ,

Cả cuộc đời thương con,

Mẹ cho con tất cả,

Bình yên tận cõi lòng.

PHÉP MẦU CHUYỂN HÓA

Như có một phép mầu bắt đầu từ sáng hôm đó, tôi quyết chí ăn chay trường vì lúc đó trong nhà có một đứa em ăn chay và mỗi ngày mẹ vẫn nấu chay đều đặn. Tôi ăn chay bình thường không một chút khó khăn, nhưng để chuyển hóa những thói quen nghiện ngập quả là một điều hết sức khó khăn vô cùng. Lúc này mọi nhu cầu sống hằng ngày được mấy đứa em cùng chung nhau giúp đỡ nên mọi thứ cần thiết tôi đỡ phải lo. Chỉ một việc làm sao bỏ được các thói quen như hút xách, cờ bạc, rượu chè và đàn điếm. Mới đầu tôi vẫn còn nhậu với thịt cá, sau tôi quyết tâm nhậu mồi chay và lần hồi giảm bớt tửu lượng bằng cách nhậu thưa dần. Một tháng trôi qua, tôi quyết chí bỏ tất cả và chỉ giữ lại mỗi ngày hút chừng năm bảy điếu thuốc. Thời gian cai nghiện ban ngày tôi ra bàn bi da ngồi xem để lãng quên cơn thèm khát, tối về lại mở ti vi coi đến khi mệt lã mà ngủ thiếp đi. Cứ như thế ngày qua ngày chiến đấu với cơn nghiện trong khó khăn và khổ sở vô cùng, tôi tự an ủi mình bụng làm dạ chịu chớ trách ai bây giờ. Ba tháng ròng cũng trôi qua, sau cơn mưa trời lại sáng, lúc này mọi sự vật vã không còn hành hạ tôi nữa và mỗi ngày tôi chỉ còn hút 3 điếu thuốc mà thôi.

Bấy giờ tôi mới quyết định đi tu và có một điều kỳ lạ hơn nữa là tôi chỉ thích tu Thiền mà thôi, nhưng tôi lại chẳng biết tu Thiền là gì? Nơi tôi chọn tu phải xa thành phố và có đời sống tự túc, tự lực cánh sinh, và Tổ đình Thiền Viện Thường Chiếu là nơi đúng như tôi mong muốn với phương châm “tu học và lao động như cái đỉnh ba chân không thể thiếu một chân”. Ngày cuối cùng trước khi đến Thường Chiếu tôi còn hút một điếu thuốc và kể từ đây không còn hút nữa. Chính mẹ là người đã đưa tôi đến Thiền Viện và tôi đã được lao động và tu học cho đến ngày hôm nay. Mới đầu tôi đi tu chỉ vì đánh đổi với cái chết nhưng không ngờ mọi việc lại khác thường. Sống trong sự uốn nắn, răn dạy của thanh quy và được học hỏi từ Thầy lành bạn tốt, tôi như lột xác hoàn toàn và tôi còn nhớ một câu châm ngôn bất hủ của Sư phụ: Học tập, làm việc như uống ăn làm nên sự sống. Tu là hơi thở quyết định sự sống. Thân thể này thiếu tu cũng như thiếu hơi thở trong chừng phút giây là chết ngay. Sư ông của chúng tôi đã dạy: Lao động như ăn cơm. Học hỏi như uống nước. Tu sửa như hơi thở.Bấy giờ, từng giọt sữa pháp đã thấm vào lòng tôi nhờ sự chỉ dạy của Thầy, một lần nữa tôi như người chết đi sống lại được nếm chút vị ngọt của Phật pháp mà từ từ hồi sinh. Phật pháp đã cứu đời tôi. Tu học và lao động không thể thiếu trong cuộc sống, nó như cái đỉnh ba chân giúp cho chúng ta vững vàng trên bước đường đi đến giác ngộ và giải thoát, để cùng chia vui sớt khổ với mọi người bằng tình người trong cuộc sống.

CON MẤT MẸ THẬT RỒI

Ngày Rằm tháng Giêng năm Nhâm Thìn tôi chuẩn bị đi giảng ở Chùa Thiền Tôn huyện Đầm Dơi - tỉnh Cà Mau, đang luôi nguôi xếp đồ thì nhận được điện của đứa em gái báo mẹ tôi đã được đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy và các bác sĩ đã lắc đầu mà đang làm thủ tục chuyển mẹ về chùa Giác Ngộ. Trước đó một ngày Thầy Nhật Từ đã gọi điện cho tôi và báo mẹ đang nằm cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tôi cứ nghĩ mẹ chưa đến nỗi phải ra đi sớm như thế, nên tôi nói để tôi đi giảng ở Cà Mau về rồi tiện đường thăm mẹ một thể. Được tin mẹ hết khả năng sống mà chỉ còn chờ ngày chết trong nay mai nên tôi xin Thầy về thăm mẹ gấp và cùng đi có chư huynh đệ pháp lữ Thiền môn, chúng tôi đến Chùa Giác Ngộ trước đó 10 phút khi mẹ được chuyển về. Theo lời yêu cầu của mấy đứa em nhờ quý Thầy tụng cho một thời kinh Dược Sư để cầu mẹ tai qua nạn khỏi. Trong khi đang tụng mẹ tôi khóc hai lần và mở mắt ra nhìn quý Thầy, lúc này hai chân mẹ tôi tím và lạnh ngắt, sắc mặt tái nhợt. Tôi nói với mẹ: “Con là Phổ Giác cùng quý Thầy ở Thường Chiếu về thăm mẹ, đồng nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ cho mẹ thân tâm luôn được sáng suốt, chánh niệm tỉnh giác để nghe quý Thầy tụng một thời kinh Dược Sư, mong mẹ thính pháp nghe kinh; nếu mẹ đủ khả năng thì nương vào lời kinh tiếng kệ mà vượt qua bệnh tật để tiếp tục tu hành, nếu không đủ sức thì nhiếp tâm niệm Phật nhờ sự hộ trì của Tam bảo mà mau về cõi Cực lạc Phật A di Đà”. Tôi chỉ nói như thế và thầm nguyện như thế, mong mẹ sáng suốt chọn lựa. Như hiểu được lời tôi nên mẹ hai dòng lệ tuôn rơi.

Sau đó, Thầy Nhật Từ cùng đại chúng tụng một thời kinh Phổ Môn để hộ niệm cho mẹ và nói rằng: “Má ơi, bây giờ con cháu đã đầy đủ rồi, ai cũng có mặt cả. Má đừng luyến tiếc, nhớ thương con cháu nữa; đừng để nỗi buồn, niềm thương làm xao động mà cố gắng nhiếp tâm niệm Phật; đừng nên lo lắng, sợ hãi mà một lòng hướng về Tam Bảo phát nguyện đi cho đến nơi đến chốn”. Sau đó, chúng tôi mở máy niệm Phật để mẹ được nghe và chuyên chú niệm theo. Cứ thế mỗi ngày chư Tăng Phật tử chùa Giác Ngộ hết lòng tụng kinh, niệm Phật để trợ duyên mong mẹ sớm được vãng sanh về cõi Cực Lạc. 6 đêm 5 ngày trôi qua, vào lúc 12 giờ 50 phút ngày 20 tháng giêng, trước khi trút hơi thở cuối cùng mẹ tôi mở mắt ra nhìn mọi người lần cuối và an nhiên ra đi. Khỏi cần coi ngày chúng tôi thống nhất 10 giờ sáng cùng ngày tẩn liệm nhập quan, đến 8 giờ sáng ngày 22 làm lễ di quan hỏa táng tại Bình Hưng hòa TPHCM. Vào lúc 9 giờ sáng cùng ngày, nhìn mẹ lần cuối tôi không kiềm nỗi xúc động nên đã khóc nghẹn ngào hết nửa tiếng đồng hồ. Chiều ngày 21, đoàn Sư cô Hoa Viên Thường Chiếu hơn 15 người đã đến tụng cho mẹ tôi một thời kinh để trợ tiến. Tôi cầm micro mà khóc nức nở không thể nào kiềm được khi nhớ lại hình ảnh mẹ được xuất gia cùng tu học với mấy cô mà giờ đây mẹ đã sớm ra đi. Khi mẹ mất hai lần tôi khóc thét mà không cách nào kiềm được, tôi được sinh ra là nhờ mẹ và được sống trở lại lần thứ hai, thứ ba cũng là nhờ mẹ. Ơn này biết đến bao giờ tôi mới có thể trả hết nên tôi phải khóc và tôi mãi mãi sẽ khóc bởi tôi bây giờ đã không còn mẹ nữa.

Nhờ mẹ tôi biết đường tu,

Nếu không có mẹ tôi giờ ra sao?

Nhớ lại quảng đời thơ ấu cho đến khi khôn lớn tôi đã làm khổ mẹ không biết bao lần, vậy mà mẹ vẫn một lòng thương nhớ tôi, không bao giờ trách móc, oán than một điều gì.

Tôi nhờ ân đức mẹ hiền,

Nên vào cửa Phật tu hành đến nay.

Tổ đình Thiền Viện Thường Chiếu là nơi đào tạo con người tâm linh, ai vào đây cũng phải năm ba phen khóc thầm thì họa may mới có cơ hội làm mới lại chính mình. Tôi là một trong những người may mắn được sống để học hỏi, làm việc và tu sửa tuy có phần chậm lụt hơn chư huynh đệ pháp lữ Thiền môn. Nhưng quả thật tôi cảm thấy hạnh phúc tràn đầy vì không ngờ tất cả mọi thứ đều được chuyển hóa và thay đổi theo thời gian. Phật pháp đúng là để phục vụ cho con người, vì con người mà đạo Phật có mặt trên thế gian này. Và chỉ có đạo Phật mới là đạo của con người vì đem lại quyền làm chủ bản thân bình đẳng trên nhân quả, mình làm lành hưởng phước tốt đẹp, mình làm ác chịu quả khổ đau.

Nếu không có được mẹ hiền,

Đời tôi giờ đã trở thành bụi tro.

Chỉ vì chấp trước sai lầm,

Nên tôi phải chịu khổ đau nửa đời.

Nhờ mẹ thương xót chỉ bày,

Nên tôi giờ đã khác xưa rất nhiều.

Từ bỏ cờ bạc, rượu chè,

Hút chích, đàn điếm bây giờ cũng không.

Lại được Tam bảo sáng soi,

Gặp duyên bạn tốt, thầy lành, ân sư.

Tôi giờ thay đổi cuộc đời,

Làm lành, lánh dữ, cùng người sẻ chia.

Tôi bây giờ không còn mẹ nữa để được mẹ yêu thương như thuở nào, càng nhớ mẹ tôi lại nhớ hình ảnh Tôn giả Mục Kiền Liên sau khi chứng quả giác ngộ giải thoát đã nghĩ đến mẹ khi còn sống hay làm các điều xấu ác nên không biết mẹ chịu đọa lạc nơi đâu. Vì thương mẹ nên tôn giả vận thần thông tìm kiếm khắp nơi, cuối cùng phát giác mẹ mình bị đọa vào loài quỷ đói, thân thể tiều tụy, ốm o gầy mòn. Thương xót mẹ, Ngài trở lại trần gian xin được một bát cơm rồi hai tay cúng kính dâng mẹ. Mẹ của Ngài khi thấy bát cơm thèm quá, một tay che cơm lại vì sợ các quỷ khác thấy xin, một tay bà bốc cơm ăn nhưng thật nghiệt ngã cơm hóa thành lửa ăn không được, sự tình vì thế thêm đau xót não nề. Bát cơm Tôn giả dâng mẹ tưởng làm no lòng người nhưng ngược lại bị lửa thiêu đốt, ăn không được càng khổ sở vô cùng.

Nhìn từ góc độ trần gian, loài quỷ đói cũng có trong loài người, như những người quá nghèo khổ thiếu trước hụt sau, bị chết đói chết khát. Người giàu có chứa đầy của cải để cho mục nát mà không dám đem ra giúp người cứu vật, hoặc đã giàu mà còn tìm cách vơ vét cho riêng mình. Nhân hiện tại như thế nào thì sẽ cho ra kết quả trong tương lai khi hội đủ nhân duyên, do đó tâm thèm khát quá đáng cũng không khác loài quỷ đói. Bà Thanh Đề lúc còn sống vì lúc nào cũng tham lam, ích kỷ, bỏn sẻn, muốn nắm giữ những thứ mình đã có để rồi phải gây tạo các nghiệp nhân xấu mà chịu đọa loài ngạ quỷ. Tôn giả nhìn cảnh mẹ đói khát nhưng không cách nào cứu được bèn trở về bạch Phật: “Mẹ con bị như vậy do không biết tin kính Tam bảo, lại hay làm điều tà vạy, tham lam, bỏn sẻn, ích kỷ nên mới bị đọa lạc vào chỗ khốn cùng. Kính bạch đức Thế Tôn từ bi chỉ dạy cách nào để mẹ con thoát khỏi cảnh đói khát khốn khổ vô cùng?” Phật dạy: “Nhân mùa An Cư Kiết Hạ của chư Tăng, ông hãy làm lễ cúng dường Trai Tăng, nhờ sức tu hành của đại chúng có thể làm mẹ của ông thức tỉnh, buông xả tâm bỏn sẻn, ích kỷ mà hướng về Tam bảo một lòng ăn năn sám hối, xả bỏ tâm xấu ác”. Tôn giả nghe lời Phật dạy nên đã cứu được mẹ thoát khỏi cảnh đói khát khổ sở và vô số quỷ đói khác cũng được chuyển nghiệp mà đến cảnh giới tốt đẹp hơn.

Chỗ quỷ đói ở toàn là dầu sôi lửa bỏng, đụng vào thứ gì cũng bị đốt cháy, muốn ăn mà ăn không được nên thèm khát đủ thứ, cứ sống dật dờ muốn chết cũng không xong trong tình cảnh bị lửa địa ngục thiêu đốt làm khổ đau vô cùng. So với mẹ của Tôn giả Mục Kiền Liên mẹ tôi có nhiều ưu điểm hơn, bà đã quy y Tam bảo gần 30 năm và sau đó xuất gia tu học được 7 năm rồi an nhiên ra đi mà tôi vẫn tiếc thương mẹ, vì con còn mẹ vẫn hơn. Con còn mẹ như trăng sáng đêm rằm, ai còn mẹ xin chớ làm mẹ khổ, khi mẹ không còn nữa như đêm tối không trăng. Chúng ta đi khắp cả thế gian này không ai có thể tốt bằng mẹ được, chính mẹ là người đã phát nguyện xuất gia để mong con qua cơn bạo bịnh, một lần nữa mẹ là người đã giúp tôi vượt qua cạm bẫy cuộc đời để gặp được Tam bảo. Cho nên ơn mẹ khó đáp đền, ai bây giờ còn mẹ là cả một phước báu to lớn. Vì sao? Vì còn có cơ hội để cung kính, hiếu dưỡng, báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của hai đấng sinh thành, nhất là công ơn mẹ.

Xin mẹ cho con được tỏ bày,

Mới hôm nào còn bé

Giờ con đà năm ba

Bao lần con mong đợi

Để đền đáp ơn người.

Con tu là nhờ mẹ

Cả cuộc đời thương con

Không quản ngại thân gầy

Công ơn mẹ khó đền.

Mẹ là ánh trăng soi

Xóa tan bao phiền muộn

Mẹ cho con tất cả

Bình yên tận cõi lòng.

Nói đến tình mẹ quả thật trên đời này không có thứ tình nào thiêng liêng, cao cả và thâm sâu như tình mẹ. Vậy mà ít con trẻ nào nghĩ đến, chính tôi dù được mẹ cứu sống nhiều lần và nhờ mẹ mà được xuất gia đầu Phật, được an ổn tu hành nhưng tôi vẫn thờ ơ với mẹ. Sau khi mẹ làm tròn bổn phận của một người vợ, làm tròn bổn phận của một người mẹ hiền lo cho con cái an bề gia thất, bà đã xuất gia theo tâm nguyện năm xưa. Tâm nguyện đó cũng chỉ vì thương tôi và mong cho tôi mau hết bệnh mà thôi.

ƠN MẸ KHÓ ĐỀN

Nhờ mẹ tôi biết đường tu,

Nếu không có mẹ tôi giờ ra sao?

Tôi nhờ có được mẹ hiền,

Nên vào cửa Phật tu hành đến nay.

Mẹ tôi sinh ra nơi vùng quê xa xôi hẻo lánh tại xã Thái Hồng- huyện Thái Ninh- tỉnh Thái Bình và theo cậu vào Nam vì nạn đói do phát xít Nhật gây ra, ngoại trừ ông cậu đi kháng chiến hầu như người thân đều chết trong nạn đói. Bà vào Nam rồi lớn lên lập gia đình sinh được 8 anh em tôi gồm 6 trai, 2 gái và tôi là con trưởng. Mẹ tôi một đời hy sinh tận tụy, khổ sở vì con vì chồng mà không có một ngày ngơi nghỉ. Khi sinh ra tôi là đứa con đầu lòng èo uột, khó nuôi với chứng bệnh đau ban khỉ, căn bệnh này đã hành hạ mẹ tôi khổ nhọc trăm bề khiến bà ốm o gầy mòn, lao tâm nhọc trí vì lo lắng, chăm sóc cho tôi nhưng không một lời than vãn. Chính bởi căn bệnh hiểm nghèo đó mà suốt đêm ngày tôi được nằm trên hai đầu gối mẹ trông chẳng khác nào con khỉ khô. Tôi ngồi và nằm như thế cả ngày lẫn đêm, mỗi khi mệt mỏi hay khó chịu mẹ tôi thay đổi tư thế thì tôi khóc thét lên, cứ như thế tôi không bao giờ chịu xa rời vòng tay ôm ấp của mẹ. Phân tôi thải ra dù có chà rửa sạch sẽ nhưng vẫn hôi tanh đến 7 ngày, vậy mà mẹ phải chịu đựng suốt cả năm ròng không hề than thở. Trong lòng mẹ luôn nguyện cầu Bồ tát Quán Thế Âm gia hộ cho tôi mau được tai qua nạn khỏi, bệnh tật tiêu trừ.

Cơn bệnh hiểm nghèo của tôi đã hành hạ mẹ suốt cả năm trời không hề thuyên giảm mà càng ngày càng nặng thêm, các thầy thuốc đều xin bó tay nên tôi không còn hy vọng mà chỉ nằm chờ chết. Như có một phép lực nhiệm mầu, đêm hôm đó mẹ tôi nằm mộng thấy rõ ràng Bồ tát Quán Thế Âm hiện về, tay cầm bình nước Cam Lồ rưới lên khắp thân thể tôi và bảo với mẹ tôi: “Này tín nữ, chớ có lo buồn vô ích, đứa bé này chưa hết duyên trần đâu, nếu ngay bây giờ nhanh chân lên núi Bà Đen ở Tây Ninh chắc chắn sẽ được một vị thầy chữa khỏi!” Ngay trong đêm mẹ tôi choàng dậy và kể lại giấc chiêm bao với ba tôi. Nghe mẹ nói ông liền thu xếp đồ đạc rồi cùng mẹ không quản đường xá xa xôi, vừa đi vừa hỏi đường và cuối cùng cũng tìm đến nơi. Gặp được thầy cha mẹ tôi lòng mừng vô hạn vì tin chắc con mình sẽ tai qua nạn khỏi. Nhìn hình dáng tôi như con khỉ khô không đầy một ký, thầy bắt mạch và buông ra một lời thở dài: “Đứa bé này 95% coi như đã chết, khó bề hy vọng cứu sống; nhưng còn nước còn tát, tôi sẽ hết lòng thuốc thang theo dõi, chăm sóc, mong họa may có thể cứu sống”. Mẹ tôi nghe thầy nói thế vừa khóc lóc, vừa kể lễ, trông bà chẳng khác nào thiếu phụ 40: “Thầy ơi, con đêm qua thấy Bồ tát Quán Thế Âm chỉ dạy con của con sẽ được thầy cứu sống. Con trăm lạy, ngàn lạy thầy, kính mong thầy vì lòng thương xót trẻ thơ mà cứu chữa cho con của con, đời đời kiếp kiếp con xin đội ơn thầy, nhớ ơn thầy. Sau này khi con lo tròn bổn phận đối với gia đình xong sẽ nguyện đầu Phật xuất gia”. Vậy mà tâm nguyện ấy đến năm 74 tuổi mẹ mới đủ duyên lành được Hòa Thượng thượng Nhật hạ Quang- trụ trì Tổ đình Thiền Viện Thường Chiếu thế phát xuất gia với Pháp danh Thích Nữ Chơn Huyền và tu học tại Hoa Viên Thường Chiếu.

Nhờ vào sự chịu khó, chịu khổ hy sinh của mẹ và sự chăm sóc nhiệt tình, thuốc men đầy đủ mà sau gần 1 tháng bệnh tình của tôi đã phần nào thuyên giảm, tôi dần hồi phục sức khỏe và trở lại như bình thường. Thật là một duyên phúc lớn lao, một sự nhiệm mầu đã cứu sống tôi. Ơn cứu mạng của thầy, ơn mang nặng đẻ đau, nuôi con gian khổ, nhọc nhằn vất vả mà tôi nào hay biết. Đến khi khôn lớn tôi quậy quọ làm khổ cha mẹ đủ điều, lúc này cha tôi mới nhắc lại: “Hồi nhỏ tao không cứu chữa cho mày thì giờ đây mày đã chết rục rồi, mày trả ơn cho cha mẹ như thế đó hả?” Nhưng tôi nào có biết thương cha, thương mẹ, tôi vẫn cứ một bề làm khổ ông bà dù đã có vợ, có con. Từ nhỏ tôi đã làm khổ mẹ, lớn lên tôi lại càng làm khổ mẹ nhiều hơn. Khi còn nhỏ bước ra khỏi nhà là tôi đã bị nhiều người mắng vốn, cho nên trong 8 anh em tôi là đứa bị mẹ đánh đòn nhiều nhất vì cái tội phá phách, chọc ghẹo người vô cớ.

Tôi,

Lang thang, lận đận khi còn nhỏ

Bôn ba khắp chốn, si mê độn

Công danh sự nghiệp càng đi xuống

Hết đường, tìm cách chầu âm phủ

Sự thật phũ phàng lại trớ trêu

Từ khi được mẹ trao bí kiếp

Lại gặp Minh sư chuyển kiếp hèn

Không ngờ số phận đã đổi thay

Xưa kia lầm chấp chết là hết

Nên đành chấp nhận chịu khổ đau

Nay gặp Tam bảo bừng tỏ sáng

Chuyển được mê lầm từ xưa nay.

Tình thương của mẹ đối với tôi thật là bao la và cao cả, dù tôi có vô số kiếp gánh hết các nỗi nhọc nhằn của mẹ hoặc tu hành thành Phật cũng không thể nào trả hết công ơn ấy. Trong cuộc đời này tôi không thể nào kiếm đâu ra được người như mẹ của tôi hiện giờ. Bà như một Bồ tát Quán Thế Âm ứng hiện 32 thân đi vào đời để cứu độ chúng sinh; nơi nào cần tình yêu thương Bồ tát đem yêu thương đến; nơi nào khốn khó, khổ đau nhiều Bồ tát đến làm vơi đi nỗi đau bất hạnh; cứ như thế mà đi vào đời để chia vui, sớt khổ. Bồ tát trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa đâu có tướng nam nữ, nhưng tại sao Bồ tát Quán Âm ở Việt Nam được thờ tự ở các chùa là tướng nữ? Nhiều người không hiểu gọi là Mẹ Quan Âm, chúng ta dùng từ ngữ như thế là không phù hợp. Thờ tự là mang tính cách tượng trưng để chúng ta tỏ lòng tôn kính mà cố gắng bắt chước tu tập, nhiều người không hiểu nên thờ tự chỉ để cầu nguyện, van xin suông mà không hiểu ý nghĩa đích thực của nó. Bồ tát Quán Âm ở Việt Nam được tượng trưng qua hình ảnh mẹ hiền. Chỉ có mẹ hiền mới thương con vô điều kiện nên các nhà mỹ thuật tạc tượng Bồ tát là người nữ là có lý do. Dân gian có những bài hát để ca ngợi mẹ hiền Quán Thế Âm là vì vậy.

Bản thân chúng tôi hơn nửa đời người lầm lạc cũng vì thấy biết sai lầm nên lao đầu vào làm các việc xấu ác mà bất chấp mọi hậu quả xấu xa, đê tiện. Tôi đã làm khổ mẹ từ khi mới sinh ra cho đến khi được xuất gia tu hành, bà mỗi tháng đều đến thăm tôi để động viên, an ủi, cho tiền để mua Kinh sách học hỏi và làm các việc phước đức. Tôi làm gì lường gạt ai bà sẵn sàng đền bù tất cả để giúp tôi thoát vòng lao lý, tù tội. Vậy mà tôi nào có biết thương tưởng, nhớ nghĩ đến mẹ bao giờ đâu. Ngày nay tuy chúng tôi có điều kiện tu hành an ổn nhưng không có cơ hội gần gũi để chăm sóc và an ủi mẹ trong khoảng đời còn lại. Những lần mẹ bệnh tai biến được điều trị tại bệnh viện tôi có dịp đến thăm và nuôi mẹ. Có lần tôi đã trực tiếp nuôi mẹ gần 3 tháng, dù mẹ đang bệnh nhưng lúc nào mẹ cũng lo lắng cho tôi nhiều hơn. Mẹ nói với tôi: “Con ráng tu nghe con, tu sướng lắm con ơi!” Mẹ bệnh đau nhức, khổ sở vô cùng nhưng lúc nào cũng thương nhớ về con trẻ. Tôi bây giờ dù có chút tuổi tác nhưng đối với mẹ tôi vẫn còn bé bỏng quá chừng. Ước gì tôi còn mẹ để cùng mẹ sống với trái tim yêu thương và hiểu biết, nhưng định luật vô thường đã làm cho kẻ ở người đi phải xa cách nghìn trùng. Ngậm ngùi, thương tiếc, nhớ nhung nhưng người còn đâu nữa.

“Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào. Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào…” Thật ra lời ca ấy luôn gợi nhớ và nhắc nhở phận làm con phải biết hiếu kính, nuôi dưỡng cha mẹ. Vậy mà có những người cha mẹ nuôi nấng đàng hoàng, cho ăn học trưởng thành, đến khi khôn lớn chỉ biết ăn chơi sa đọa làm khổ mẹ khổ cha; lại còn hăm he cha mẹ đủ thứ, cha mẹ vì thương con nên đâm ra phát hoảng, lo lắng, khổ sở vô cùng. Ai có những đứa con như vậy thật đau khổ và tủi hổ vì sợ mất mặt với người thân, vì sợ con mình cùng đường làm liều, nhưng càng đầu tư vốn liếng cho con thì càng tán gia bại sản. Bản thân tôi có một thời cũng vậy vì căn bệnh ỷ lại. Ai còn mang bệnh này đều không bao giờ làm ăn khấm khá vì có chí thú tận tụy làm ăn đâu, chỉ sẵn có tiền của cha mẹ mà mặc tình vui chơi trác táng; đến khi vỡ nợ, khó khăn đủ thứ mà vẫn làm khổ cha mẹ; rồi lại còn trách móc cha mẹ sao chẳng thương con, chẳng lo lắng cho con.

CON HƯ TẠI MẸ - CHÁU HƯ TẠI BÀ

Một gia đình nọ cha mẹ đã già chỉ có đứa con trai duy nhất nhưng lại không chịu làm ăn, tối ngày cứ cà kê dê ngỗng đầu trên xóm dưới vì người mẹ quá cưng chiều, sợ con mình cực khổ. Từ đó người con sinh tâm ỷ lại, mặc tình vui chơi hoang phí vì được mẹ chu cấp đủ đầy. Tình trạng đó cứ kéo dài qua ngày này tháng nọ. Thật ra, người xưa đã từng răn nhắc kỹ lưỡng, chu đáo về trách nhiệm và bổn phận của bậc làm cha mẹ. Phần lớn con hư nhiều là do người mẹ vì thương con mà cưng chiều quá đáng, dẫn đến con cái ỷ lại, không chịu chí thú làm ăn. Ai có những đứa con như vậy dù có bằng thạc sĩ, tiến sĩ gì đó cũng bị người đời chê trách, dèm pha. Cha mẹ có thể nuôi con học hành tới nơi tới chốn, còn làm ăn sinh sống thì con cái phải tự mình gầy dựng chứ không thể nào ỷ lại gia tài sẵn có mà biếng nhác, chẳng chịu làm ăn. Câu “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” thật ra rất đúng! Ai làm bà, làm mẹ hãy nên nghiền ngẫm câu này mà cố gắng sửa lại cách thức dạy dỗ con mình. Phần lớn con cái trưởng thành làm nên việc lớn cũng nhờ công của mẹ nhiều hơn, người mẹ nào biết sống tự lực, chịu khó, chịu khổ thì dễ dàng dạy con nên người. Đa số con một hay con nhà giàu dễ hư hơn vì tiền bạc cha mẹ làm ra dễ dàng, không phải đổ mồ hôi, sót con mắt nên con cái mặc tình phung phí. Chúng ta nên nhớ, làm cha mẹ phải có trách nhiệm và bổn phận dạy dỗ con cái sao cho đúng cách. Trước tiên ta phải khuyên con không được giết hại vô cớ từ khi còn nhỏ; thấy con đi học về mà trong cặp có đồ đạc của bạn bè thì phải gạn hỏi đồ này mượn của bạn hay tự ý lấy, nếu tự ý thì phải khuyên con đem trả lại cho bạn.

Trở lại câu chuyện trên khi người cha biết con mình khó bề giáo dục vì đã có mẹ bao che, dung túng; nếu cứ để tình trạng này kéo dài thì đến khi ông qua đời nhà cửa, tài sản để lại chỉ trông thoáng chốc không cánh mà bay vì đứa con chỉ biết hưởng thụ mà không biết làm ra đồng tiền từ mồ hôi nước mắt. Sau một thời gian đắn đo suy nghĩ cặn kỹ để tìm ra phương pháp tối ưu giúp con mình sống tốt hơn và biết siêng năng làm việc, một hôm ông kêu con lại nói rằng: “Cha mẹ giờ đã lớn tuổi nên không biết sống được bao lâu nữa, suốt cả đời cha mẹ làm lụng vất vả mới dành dụm được một số tiền dưỡng già. Số tiền này cha mẹ sẽ giao lại cho con với điều kiện con phải tự làm ra tiền để nuôi sống bản thân chính từ sức lao động của mình. Bắt đầu từ ngày mai con phải rời khỏi nhà để tự làm ăn sinh sống”. Người mẹ nghe chồng nói thế vì thương con nên lén lút đưa con một số tiền lớn để ra đời lập nghiệp. Với bản chất ăn không ngồi rồi, quen sống hưởng thụ nên đứa con mướn một phòng trọ để ở và thản nhiên, thoải mái chẳng thèm làm gì mà cứ thế vui chơi, hưởng thụ đến khi số tiền chỉ còn lại chút ít. Anh ta bèn quay về và nói với cha đó là số tiền anh tự tay kiếm được từ sức lao động của bản thân, người cha liền khen “con giỏi lắm” rồi cầm số tiền vứt hết xuống ao. Đứa con vẫn đứng tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra, riêng người mẹ đứng phía sau mà nước mắt lưng tròng, hai hàng lệ rơi vì biết tiền đó là của mình đưa cho. Lúc này người cha càng nghiêm khắc hơn, ông đuổi người con ra đi vì đây không phải đồng tiền anh làm ra nên anh vẫn bình thản, hững hờ, không có gì luyến tiếc.

“Nếu lần này con không chịu siêng năng làm lụng đàng hoàng để có được số tiền do chính mình làm ra thì cha dứt khoát không chia gia tài cho con và không chấp nhận con là đứa con của cha mẹ nữa”. Tình cảnh này thì bất ngờ quá nên mẹ anh không kịp đưa cho thứ gì, lần bước lang thang trên khắp nẻo đường, anh giờ này mới thấm thía cuộc đời, trong bụng đói meo mà chẳng còn một xu dính túi. Đói quá gặp ai anh cũng xin làm công không, miễn có cơm ăn là được. Anh giờ mới thật sự biết được mùi đau khổ và công lao cực khổ của cha mẹ già gần 30 năm nay. Tay anh giờ đây phồng rộp hết, thân thể đau nhức rã rời, làm cả ngày trời mới được bữa cơm của thiên hạ, thật là khốn khổ vô cùng, giờ ngẫm lại mà nhớ thương hai đấng sinh thành trong ngấn lệ tuôn rơi. Chàng trai giờ đã biết ăn năn, hổ thẹn với những lỗi lầm trước kia nên quyết chí làm lại cuộc đời. Cuối cùng anh cũng tìm được chỗ làm đàng hoàng và được người chủ nhiệt tình giúp đỡ. Một thời gian sau anh dành dụm được số tiền kha khá rồi vui vẻ xin phép về nhà thăm cha mẹ. Anh dâng lên cha món quà đặc biệt do chính công lao khổ nhọc làm ra. Lần về này da anh đen nhẻm và gầy đi nhiều nhưng lại có phần rắn chắc, trông anh bây giờ không giống như một công tử bột trước kia. Sau khi thăm hỏi cha mẹ anh liền đưa cha số tiền kiếm được, cũng như lần trước cha anh quăng hết số tiền xuống ao ra chiều không thương tiếc, anh hốt hoảng nhảy xuống mò mẫm xém chút nữa là bị chết đuối. Đến bây giờ cha anh mới thật sự vui vẻ và hạnh phúc tràn trề vì biết con mình đã khôn lớn nên người, không còn tư tưởng ỷ lại cha mẹ nữa. Từ đó bao nhiêu vốn liếng ông tin tưởng trao lại cho con. Người con về sau mở cửa hàng kinh doanh mua bán gạo và bắt đầu phất lên kể từ đấy. Người mẹ nấu cơm phục vụ các bữa ăn cho công nhân còn người cha thì làm cố vấn, anh làm quản lý điều hành trực tiếp và được mọi người khen tặng là người con chí hiếu.

Thật ra, muốn giàu có, nhiều của cải vật chất phải hội đủ 4 nguyên nhân. Thứ nhất phải siêng năng tinh cần làm việc. Thứ hai phải biết tiết kiệm trong tiêu xài, làm 5 đồng mà xài đến 7 đồng thì làm sao có dư, huống chi mỗi ngày lỗ lã đủ thứ mà lại còn chơi xộp, tiền dù có in sẵn cũng phải hết chứ nói gì tiền làm bằng mồ hôi nước mắt. Thứ ba không gian tham trộm cướp, lường gạt của người khác vì của phi nghĩa dễ làm con người vui chơi sa đọa. Thứ tư là phải biết bố thí cúng dường, giúp đỡ sẻ chia khi gặp người bất hạnh. Bốn yếu tố này làm nên nhân giàu có lâu dài, còn không đầy đủ thì tiền làm ra cửa trước lòn hết cửa sau, không cánh mà bay rồi từ từ đội nón ra đi. Và cộng thêm yếu tố biết hiếu dưỡng cha mẹ thì làm việc gì cũng dễ dàng thành công. Nhiều người không hiểu cứ ngồi đó mà than thân trách phận hoặc lúc nào cũng cầu nguyện, van xin mà không biết nguyên nhân cần làm. Tiền bạc làm ra nếu không chân chánh sẽ bị 5 nhà cuốn trôi: bị lũ lụt cuốn trôi, bị hỏa hoạn đốt cháy, bị vua quan tịch thu, bị trộm cướp tước đoạt, bị con cái bất hiếu phá sản. Ai còn đang làm con xin nhớ rõ điều này, ai sống với tinh thần tự lực không ỷ lại vào người khác thì họa may mới có cơ hội làm giàu, ai mang nặng tư tưởng hưởng thụ vui chơi, không biết tích công bồi đức thì của bằng núi cũng từ từ đội nón ra đi. Đây là một sự thật mà ít ai để ý đến.

Làm con chữ hiếu đi đầu

Biết ân cha mẹ thâm sâu khó đền.

Ai bây giờ còn bất hiếu với mẹ cha hãy nên hồi đầu thức tỉnh kẻo sau này dù có ăn năn thì cũng quá muộn màng. Người con hiếu phải làm cha mẹ được vui ngay khi hiện tiền, vậy mà vẫn có nhiều người luôn làm khổ cha mẹ đủ điều, không chịu làm ăn sinh sống đàng hoàng, hễ cầm tiền trong tay liền vui chơi trác táng cho thỏa chí bình sinh, chẳng cần biết tiền này từ đâu có và khi hết sẽ tính sao. Hạng người khi sống làm khổ mẹ cha thì khi chết sẽ bị đọa địa ngục, chịu khốn khổ vô cùng không sao kể xiết. Trong Kinh kể lại có một kiếp Bồ tát mang tội bất hiếu, không biết cung kính, hiếu dưỡng với cha mẹ. Do đó, Ngài bị đọa xuống địa ngục và thấy nhiều quỷ sứ đang hành hình phạm nhân. Họ phải đội trên đầu vòng lửa quay quanh khắp thân thể, rên la kêu gào rất thảm thiết. Toàn thân bị cháy rụi và cứ chết đi sống lại nhiều lần để chịu khổ não vô cùng. Thật là kinh hoàng, khủng khiếp! Ngài hỏi quỷ sứ người đó gây tạo tội gì mà phải chịu quả báo bị lửa đốt cháy dữ dội. Quỷ sứ nói: “Kẻ này trước kia thường hay bất hiếu với cha mẹ nên phải chịu quả báo khổ não như vậy”. Ngài hỏi: “Người đó chịu khổ báo như vậy chừng nào mới hết?” Quỷ sứ trả lời: “Phải chịu như vậy vô số kiếp chết đi sống lại và có người bất hiếu khác thế vào thì mới thoát khỏi được.” “Vậy thì tôi cũng mang tội bất hiếu mà bị quả báo đến nơi này.” Nói xong, Bồ tát liền phát nguyện: “Tôi sẽ chấp nhận chịu sự hành hình khổ đau của tội bất hiếu này và nguyện cho tất cả mọi người trên nhân gian không còn bất hiếu nữa mà biết cung kính, hiếu dưỡng với mẹ cha”. Do bi nguyện lớn lao như thế nên Bồ tát vừa nói xong thì vòng lửa bay ra khỏi đầu Ngài mà biến mất.

Chúng ta từ vô thủy kiếp đến nay nếu không phải là các bậc đại Bồ tát thì khó có ai tránh khỏi tội đồ bất hiếu. Vì có chủng duyên giác ngộ giải thoát và tâm nguyện cứu khổ chúng sinh nên Bồ tát liền phát khởi tâm Từ thương xót, mong mỏi mọi người không còn ai gây tạo nhân bất hiếu nữa. Và có một điều ta cần phải thán phục Bồ tát là dù quả khổ có dữ dằn cỡ nào Ngài vẫn một mình chấp nhận chịu để tha nhân được sống an vui, hạnh phúc. Tại sao khi phát tâm nguyện như thế thì vòng lửa cũng biến mất theo lời nguyện? Vì kể từ nay và mai sau không còn ai là người gây nhân bất hiếu nữa nên quả đến an lạc, hạnh phúc vô cùng. Chúng ta nên nhớ ai cũng từ cha mẹ mà được sinh ra, công cha mẹ mang nặng đẻ đau, sinh thành dưỡng dục, chịu nhiều đau khổ để nuôi con khôn lớn trưởng thành. Trong các tội không có tội nào lớn bằng tội bất hiếu, các tội khác còn có thể tha thứ và thông cảm được, riêng tội bất hiếu khó mà thứ tha. Trên đời này không một người con bất hiếu nào mà công thành danh toại, chỉ có những người con biết hiếu thảo mới làm nên sự nghiệp lớn lao. Đó là đạo lý làm người với trái tim hiểu biết.

Tôi,

Mê muội khi còn nhỏ

Ngu xuẩn chẳng ai bằng

Thẳng ruột từ khi bé

Tới nay vẫn còn vậy.

Nhiều đời tập khí sâu

Khi tu thì có bớt

Nhưng chẳng thấm vào đâu

Sức nghiệp mạnh quá chừng!

Nếu lơ là một chút

Đành chịu nó cuốn trôi

Do đó biết bao người

Đành bó tay chào thua.

Hôm nay có cơ hội

Xin đôi lời tâm sự

Chư huynh đệ gần xa

Mong cùng nhau suy ngẫm

Để vượt qua số phận

Chớ yếu đuối chào thua.

Hãy dũng mãnh, siêng năng

Tinh tấn không ngừng nghỉ

Để vượt thoát khổ đau

Mà an vui, hạnh phúc.

HOA HỒNG TẶNG MẸ

Nếu chúng ta vì hoàn cảnh không thể sớm thăm tối viếng thì cũng phải thư từ liên lạc, hoặc điện thoại về thăm mẹ. Cho nên, ca dao tục ngữ có câu:

Mẹ già ở túp lều tranh

Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con.

Người con hiếu phải hết lòng vì cha mẹ, nếu vì cuộc sống hoặc bận rộn làm ăn xa xôi thì cũng phải sắp xếp thời gian để về thăm mẹ chứ không thể đổ thừa hoàn cảnh tại, bị, thì, là… Có một chàng trai vì công ăn việc làm ở xa nên ít khi về thăm mẹ, anh thường xuyên gởi tiền hoặc quà về cho mẹ. Một hôm, anh đến cửa hàng hoa để gửi hoa về cho mẹ qua đường bưu điện. Chỗ ở của mẹ cách chỗ anh sống gần 400 km. Anh đang hân hoan, vui vẻ gởi quà về cho mẹ thì thấy một cô bé đang ngồi khóc bên vệ đường, anh đến hỏi thăm vì sao cô bé khóc. Cô bé vừa lấy tay lau nước mắt vừa nói: “Con muốn mua hoa hồng tặng mẹ mà không đủ tiền”. Chàng trai nghe cô nói thế nên động lòng thương xót mà nói rằng: “Con mua hoa tặng mẹ à, lại đây chú sẽ mua cho”. Cầm đóa hoa trên tay cô bé mừng quá liền cảm ơn rối rít người khách lạ một cách chân thành. Chàng trai hỏi: “Nhà con ở gần đây không?” “Dạ, cách đây khoảng gần ba cây số.” “Để chú chở con về nhà nhé!” “Dạ, con cảm ơn chú, nhờ chú chở dùm con ạ!” Cô bé ngồi lên xe, hai tay ôm bó hoa vào lòng, nét mặt vui tươi, hớn hở lạ thường. Nó chỉ đường vào một nghĩa trang, nơi có phần mộ vừa mới đắp. Nó chỉ ngôi mộ rồi nói: “Đây là nhà của mẹ cháu.” Nói xong, đứa bé quỳ xuống đặt đóa hồng lên mộ rồi nói: “Con có chút lòng thành kính dâng lên mẹ!”

Chàng trai ấy chứng kiến tấm lòng hiếu thảo của cô bé đối với mẹ rồi vội vàng quay lại cửa hàng đặt hoa hủy dịch vụ gởi hoa, trong đêm ấy anh đã vượt đường xa gần 400 cây số để về tặng mẹ một bó hồng tươi thắm. Quả thật! Mẹ là kho tàng yêu thương hạnh phúc, con trẻ thiếu tình thương của mẹ không thể lớn lên được. Mẹ là cội nguồn yêu thương của con trẻ, không có mẹ chăm sóc và chỉ dạy ta không thể có trái tim hiểu biết. Cho nên, trong Kinh Báo Ân Phật đã dạy:

Thế tôn chỉ dạy A Nan,

Công cha nghĩa mẹ ơn sâu khó đền.

Một là mang nặng hình hài,

Mười tháng cưu mang lao khổ, nhọc nhằn.

Thứ hai sinh đẻ gớm ghê,

Chịu đau, chịu khổ, mỏi mê trăm phần.

Thứ ba ân sâu nuôi dưỡng,

Dòng sữa ngọt ngào mẹ mớm cho con.

Thứ tư ăn đắng nuốt cay,

Để dành bùi ngọt cho con đủ đầy.

Thứ năm lại còn khi ngủ,

Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn.

Thứ sáu sú nước nhai cơm,

Miễn con no ấm, mẹ vui trong lòng.

Thứ bảy không sợ tanh hôi,

Giặt giũ đồ dơ mà không phiền lòng.

Thứ tám chẳng nỡ chia riêng,

Nếu con đi vắng cha chờ mẹ lo.

Thứ chín vì muốn con khôn,

Dẫu mang nghiệp ác cũng đành chịu luôn.

Tính sao có lợi thì làm,

Chẳng màng tội lỗi bị giam bị cầm.

Điều thứ mười chẳng ham trau chuốt,

Dành cho con các cuộc thanh nhàn,

Thương con như ngọc như vàng,

Ơn cha nghĩa mẹ sánh bằng Thái Sơn.

Đây là lời dạy vàng ngọc nói về công ơn mẹ, ai đã từng mang nặng đẻ đau, ai đã từng làm mẹ mới cảm nhận được ân đức của mẹ, và ai sắp sửa làm mẹ cũng phải bùi ngùi xúc động mà nhớ đến công lao khó nhọc của mẹ cha. Nhất là các đấng mày râu không có thiên chức làm mẹ thì càng phải yêu thương, quý kính mẹ nhiều hơn. Có nhiều người tưởng rằng chỉ cần cấp dưỡng cho cha mẹ mỗi tháng là đủ. Thường người lớn tuổi nếu không phải là Phật tử thì dễ buồn chán, cô đơn, mặc cảm, hay nhớ nghĩ về quá khứ một thời son trẻ nên dễ cáu gắt, giận hờn, trách móc. Bổn phận làm con ta phải thường xuyên quan tâm thưa hỏi, chăm sóc mỗi khi có dịp gần gũi. Nhờ vậy cha mẹ già dù có nghèo nhưng vẫn vui lòng vì thấy mình còn được con cái quan tâm, chăm sóc. Nếu chúng ta vì hoàn cảnh không thể sớm thăm tối viếng thì cũng phải điện thoại, thư từ liên lạc vấn an sức khỏe để cha mẹ được an vui, hạnh phúc tuổi già. Nếu cha mẹ chưa biết quy hướng Tam bảo thì ta phải tìm cách khuyên nhủ cha mẹ đi chùa và quy y Tam bảo. Khuyên cha mẹ biết làm phước, đi chùa tụng Kinh, niệm Phật, làm việc thiện ích như vậy là cách báo hiếu tốt nhất. Nhờ tu học Phật pháp cha mẹ cảm nhận được niềm vui từ sự biết buông xả các thói quen chấp trước mà cùng sống bình an, hạnh phúc với cháu con.

HÓA ĐƠN CỦA MẸ

Trong xã hội mọi người đều có bổn phận và việc làm khác nhau để đóng góp lợi ích thiết thực mà cùng nhau bảo tồn mạng sống. Cây có cội, nước có nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây là đạo lý chân thật không thể thiếu trong đời sống con người. Cung kính, hiếu dưỡng đối với cha mẹ là trách nhiệm và bổn phận của tất cả mọi người. Trong các thứ tình trên thế gian không có gì cao quý và thâm sâu bằng tình mẹ, mẹ mang nặng đẻ đau, sớm hôm nuôi dưỡng. Khi con mở mắt chào đời mẹ mớm cho con dòng sữa ngọt, chăm sóc lo lắng từng giờ, bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn. Những khi trái gió trở trời con đau là mẹ đứng ngồi không yên. Mẹ thức khuya dậy sớm, lao khổ cực nhọc đủ điều, tần tảo nuôi con mong con mau khôn lớn.

Có một cậu bé là con trai của một chủ tiệm tạp hóa nhỏ, mỗi ngày sau khi đi học về cậu thường ra tiệm. Do công việc bề bộn nên cậu tranh thủ chút ít thời gian phụ mẹ. Trước tiên cậu phụ lau chùi, quét dọn từ trong ra ngoài. Những khi rảnh rỗi cậu đem hóa đơn đến bưu điện để thanh toán gián tiếp cho các khách hàng ở xa. Cứ thế mỗi ngày ngoài buổi học cậu vẫn giúp mẹ các việc lặt vặt, làm vậy lâu ngày nên cậu cảm thấy mình cũng là một nhà kinh doanh nho nhỏ. Một hôm, cậu bé tự nghĩ sao mình không viết hóa đơn cho mẹ để mẹ thanh toán những việc mình phụ mẹ hằng ngày. Một buổi sáng trước khi đi học, mẹ cậu nhận được hóa đơn đề nghị thanh toán tiền công như sau: “Mỗi ngày phụ các việc lặt vặt: 1 đồng; tưới và chăm sóc vườn hoa: 2 đồng; đem hóa đơn đến khách hàng: 1 đồng; quản lý cửa hàng mỗi khi mẹ có việc: 2 đồng; chăm chỉ học hành và biết vâng lời mẹ: 2 đồng.” Tổng cộng mẹ phải thanh toán cho chú là 8 đồng. Mẹ cậu xem tờ hóa đơn xong cảm thấy vui vui trong lòng và hứa với con tối mai bà sẽ thanh toán đầy đủ. Lần đầu tiên cậu nghe mẹ hứa như vậy nên thấy thật hạnh phúc. Y như lời đã hứa, tối hôm sau cậu nhận được 8 đồng từ mẹ, lòng vô cùng mừng rỡ vì nghĩ đây là số tiền mình bỏ công làm ra. Cậu định đút tiền vào túi nhưng không ngờ phía dưới tiền lại kèm theo một hóa đơn: “Con yêu quý của mẹ, hãy thanh toán về công mẹ nuôi con như sau. Con sống hạnh phúc 12 năm nay trong ngôi nhà của mẹ: 0 đồng. Con được dưỡng nuôi và cho ăn uống đầy đủ 12 năm nay: 0 đồng. Con được học hành đàng hoàng và mỗi khi con đau ốm mẹ lo cho con thuốc men đầy đủ: 0 đồng. Từ đó đến nay con có được người mẹ biết quan tâm, lo lắng, chăm sóc và thương yêu con không nề hà khó khăn, gian khổ: 0 đồng. Tổng cộng con phải trả cho mẹ là 0 đồng.” Đứa bé tay cầm hóa đơn đọc đi đọc lại nhiều lần mà hai hàng lệ rơi, cảm động vô vàn trước tấm lòng của mẹ mà ăn năn, hối hận vô cùng vì mới phụ mẹ một chút mà đã đòi hỏi tiền công, trong khi tình mẹ đã dành cho cậu không có gì so sánh được. Nghĩ thế cậu liền đi đến bên mẹ nói lời xin lỗi và bỏ tiền vào túi mẹ, trong lòng cảm thương mẹ biết dường nào.

Thật ra, bà mẹ ấy có được đứa con như thế thì hãy nên mừng thầm trong bụng, vì ngoài việc học cậu ta còn biết tranh thủ để phụ giúp mẹ. Cậu bé đó chắc chắn sau này khi lớn khôn sẽ là người hữu dụng cho gia đình và xã hội. Tuổi trẻ ngày nay dễ bị tiêm nhiễm các thói hư tật xấu do bạn bè lôi cuốn nên dễ dàng xao lãng việc học, hoặc do sự thiếu quan tâm của cha mẹ vì bận chạy theo công danh sự nghiệp, không có thời gian chăm sóc, dạy dỗ con cái. Lại có một số cha mẹ làm hư con cái bằng cách lúc nào cũng muốn cho con được ăn ngon mặc đẹp, có nhiều tiền tiêu xài, chơi điện thoại đẳng cấp, sắm sửa xe xịn, con hầu như muốn gì được nấy nên vô tình khiến con ỷ lại mà làm khổ mẹ khổ cha. Trên đà văn minh tiến bộ con người tự do quá, văn hóa không lành mạnh thâm nhập với hàng loạt những phim ảnh đồi trị, game bạo lực kích thích lòng hận thù, giết hại, hủy diệt lẫn nhau không thương tiếc. Trẻ nhỏ đam mê, sa đà vì thiếu nhận thức sáng suốt nên tiêm nhiễm nhanh chóng; nếu không thì cũng ỷ lại vào sự giàu có của cha mẹ mà ăn chơi, hưởng thụ.

Cậu bé trong câu chuyện trên có những ý thức và việc làm có ích cho gia đình nhờ người mẹ biết sống với trái tim yêu thương và hiểu biết, điều đó giúp em có thêm nghị lực trong cuộc sống để biết cách sống đúng và sống tốt. Một gia đình có được những đứa con như vậy thật là hạnh phúc và sung sướng làm sao. Tuy cậu bé có một chút toan tính, kể công với mẹ, nhưng khi nhận được những lời nói chân thành của mẹ với 12 năm vất vả, nhọc nhằn nuôi con khôn lớn mà có bao giờ kể lể, tính công. Phận làm con ta phải biết thương yêu, quý trọng, hiếu thảo với cha mẹ; ngay khi còn nhỏ phải ý thức được công ơn sâu dày mà cố gắng chăm chỉ học hành, biết vâng lời cha mẹ và còn phụ giúp những việc cần thiết để cha mẹ bớt nhọc nhằn. Ngày xưa có 3 anh em người nào cũng có hiếu nên cùng chia nhau nuôi mẹ. Người anh cả giàu có nên mỗi khi đến kỳ nuôi mẹ đều lo chu đáo, đầy đủ, do đó người mẹ hồng hào, khỏe mạnh. Người con thứ hai cũng vậy, nhờ khá giả nên anh nuôi mẹ cũng được vuông tròn tốt đẹp. Tới phiên người con út vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nuôi mẹ không được đầy đủ mà làm bà sụt ký. Khi bước lên cân bà phải bỏ chì trong túi để đứa con út không bị hai người anh quở trách. Câu chuyện bù chì là một đạo lý thiêng liêng nói về tình mẹ bao la như trời biển, bà không muốn con mình buồn phiền vì tâm so đo, ích kỷ. Thay vì hai người anh có tiền mở lòng rộng lớn hơn mà cung cấp tiền bạc, phương tiện để em mình lo cho mẹ đầy đủ thì hạnh phúc biết bao nhiêu. Do đó câu chuyện trên nói lên ý nghĩa:

Giàu cha, giàu mẹ thì hơn,

Giàu anh, giàu chị khó lòng giúp nhau.

Ở đây về phương diện tình mẹ đã cho chúng ta cách nhìn sáng suốt hơn. Người mẹ ấy thật từ bi đáo để, bà không muốn con mình oán trách lẫn nhau nên phải đeo chì để hai người con lớn không phiền lòng. Điều này chứng tỏ tình mẹ bao la không ngần mé khó có gì sánh, ví được. Câu chuyện người mẹ bù chì khi nghe qua ai cũng cảm động, chứng tỏ tình mẹ thương con như trời cao biển rộng. Cha mẹ giàu có thì lo cho con đầy đủ, ăn học đến nơi đến chốn, biết sống tự lập, không ỷ lại. Ngược lại, cha mẹ nghèo thì tùy thuận hoàn cảnh mà con cái tìm cách nuôi nấng, giúp đỡ để cha mẹ được an vui trong tuổi già. Tuổi già thường đau yếu, bệnh hoạn nếu cha mẹ không biết tu tâm dưỡng tánh thì sẽ làm khổ mình và ảnh hưởng đến con cháu.

THẦM LẶNG TÌNH CON

Ở miền Bắc nước ta có một chuyện tích nói về Thiền sư Tông Diễn, tức là Hòa Thượng Cua. Một căn chòi lá lụp xụp nằm bên bờ sông chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau, Ngài vốn mồ côi cha từ thuở nhỏ, một mình mẹ Ngài nhọc nhằn, vất vả buôn gánh bán bưng để nuôi con qua ngày. Lúc Ngài được 12 tuổi thì một hôm mẹ Ngài mua được một giỏ cua, trước khi gánh hàng ra chợ bán bà dặn Ngài: “Hôm nay mẹ thèm món canh cua giã với rau đay, con ở nhà nhớ làm để trưa mẹ con chúng ta cùng ăn nhá!” Ngài nghe mẹ nói thế liền vâng dạ liên hồi. Gần trưa, Ngài xuống ao xách giỏ cua lên định làm, mở giỏ ra thấy nhiều con cua sùi bọt, Ngài tưởng chúng khóc nên động lòng thương xót không nỡ làm mà đem thả chúng hết xuống sông. Trưa mẹ Ngài đi bán về tin chắc hôm nay mình sẽ thưởng thức món canh cua rau đay khoái khẩu, nhưng mâm cơm dọn ra chỉ có canh rau đay và nước chấm. Bà ta liền hỏi: “Món canh cua giã đâu con?” Ngài vừa ấp úng vừa thưa: “Dạ thưa mẹ, con thấy cả đám cua đều khóc sụt sùi, nước mắt ràn rụa, con không đành lòng nên thả chúng hết xuống sông rồi mẹ ạ.” Trong lúc đói bụng mẹ Ngài giận dữ la lớn, hai chân giậm tại chỗ: “Giời ơi là giời! Sao tôi khổ thế này! Có một tí cua nhờ nó nấu dùm mà nó đành lòng thả hết.” Bà vừa mếu máu vừa lấy roi đánh Ngài, sợ quá Ngài chạy luôn một mạch không dám về nhà kể từ đó.

Mẹ Ngài sau cơn tức giận mới ngồi lại suy ngẫm từ xưa nay có bao giờ bà nặng lời với Ngài đâu, huống chi là đánh mắng. Kể từ khi chồng bà mất đến nay bà mới được món ăn thích nhất là canh cua giã với rau đay, ấy thế mà con bà đành thả đi hết nên hỏi sao bà hổng điên tiết lên được. Căn nhà bây giờ trở nên vắng lặng, không còn tiếng thì thầm to nhỏ nữa mỗi khi chiều đến, cứ thế bà tìm kiếm Ngài suốt gần 40 năm. Người mẹ trẻ ngày nào giờ đã trở thành bà lão già lụm khụm, cô đơn, hiu quạnh, tiếp đãi khách qua đường bằng tách trà nóng. Bà bây giờ mắt đã mờ, tai đã lãng đi nhiều nhưng nỗi ân hận, thương nhớ con không sao quên được. Bao nhiêu năm trời lang thang tìm con vất vả bất kể nắng mưa, đói khát, chỉ để chút hy vọng mong gặp lại con. Chút hy vọng ấy đối với bà quả thật như việc mò kim đáy biển, thương nhớ con trẻ mà trong lòng ăn năn, hối hận biết chừng nào.

Hơn 40 năm sau, Ngài trở thành một vị Hòa Thượng đạo cao đức trọng, nhớ thương mẹ nên Ngài trở về quê tìm mẹ. Lúc này, mẹ Ngài cũng đã lớn tuổi nên không còn buôn gánh bán bưng như ngày xưa mà lập quán trà bán bên vệ đường để tiếp người qua lại. Biết bà là mẹ nhưng Ngài lại giấu không cho biết mình là con rồi tìm cách khuyên nhủ bà vào chùa ở. Bà nói: “Tôi đã già rồi, vào chùa ăn không ngồi rồi kỳ lắm!” Ngài nói: “Không sao đâu, cụ cứ tùy theo sức khỏe của mình mà phụ làm công quả.” Ngài hẹn mấy ngày sau sẽ có người đến đón bà đi, sau khi được rước về chùa, bà mỗi ngày đều phụ dọn dẹp quét sân, nhổ cỏ và chí tâm niệm Phật. Sau một thời gian dài bà lâm bệnh nặng, biết bà khó bề qua khỏi nên Ngài căn dặn chúng Tăng kỹ càng vì có duyên sự đi xa: “Nếu bà lão không may qua đời thì cứ để bà trong áo quan và khoan đậy nắp, chờ tôi về sẽ tính!” Đúng như sự tiên đoán của Ngài, mấy ngày sau bà lão mất, Tăng chúng làm y như lời Ngài dặn. Ngài về đến nhìn mặt mẹ lần cuối rồi cho đậy nắp quan tài lại, đứng trước linh cữu của mẹ Ngài nói như lời Phật dạy: “Một người tu hành sáng đạo thì cha mẹ được sinh Thiên, nếu như lời ấy đúng xin cho quan tài bay lên hư không để chứng minh.” Sau đó Ngài cùng đại chúng đồng quỳ xuống thành tâm lắng lòng chờ đợi, sự hiển linh đã đến, bỗng nhiên quan tài từ từ bay lên lơ lửng rồi hạ xuống. Tất cả mọi người có mặt cảm nhận được niềm vui vô hạn, bấy giờ Tăng ni Phật tử mới biết bà lão là mẹ ruột của Ngài.

Câu chuyện trên nhắc nhở cho chúng ta biết tấm gương hiếu thảo sáng ngời không chỉ có ở Ấn Độ như Tôn giả đại hiếu Mục Kiền Liên, mà ở Việt Nam chúng ta vẫn có Hòa Thượng Cua, tức Thiền sư Tông Diễn. Thiền sư Tông Diễn đã lo cho mẹ những ngày cuối đời biết quy hướng về Tam bảo, tự làm các việc công ích trong nhà chùa và một lòng nhất tâm niệm Phật. Nhờ vậy khi ra đi bà an nhiên được sinh về cõi lành. Mới đầu khi còn trẻ ta thấy Ngài hình như là bất hiếu, tại sao bị mẹ đánh có một chút mà bỏ nhà đi luôn. Thật ra, Ngài đã có chủng duyên sâu dày với Phật Pháp, nơi vùng quê xa xôi hẻo lánh tuổi Ngài còn nhỏ thì làm sao ý thức được việc sát sinh? Vậy mà khi nghe mẹ bảo mần cua thì lòng Ngài cảm thấy thương xót chúng vô cùng nên nhất định thả, thà chịu lỗi với mẹ một chút chứ không nỡ giết hại lũ cua. Lý do thứ hai vì có duyên nhiều đời với Phật pháp nên Ngài nhân cơ hội đó mà vào chùa tu hành, thà để mẹ chịu khổ nhớ con chứ không để mẹ con cùng nhau mang tội sát sinh. Đến khi tu hành được đạo Ngài thấy đủ nhân duyên độ mẹ sống quãng đời còn lại để tích công bồi đức, mặc dù thương mẹ nhưng vẫn không cho mẹ biết để bà dễ dàng tu hành mà không ỷ lại. Nếu để bà biết thân phận của Ngài thì sẽ sinh tâm ỷ lại vì nghĩ con mình là Thầy trụ trì nên dễ có tâm cống cao ngã mạn khó mà tu hành, nhờ vậy bà đã thành tâm công quả và không chút xao lãng việc tụng kinh niệm Phật, do đó phát tín tâm kiên cố nhờ lời khuyên nhủ, động viên khéo léo của Ngài. Đó là phương tiện thiện xảo để giúp mẹ Ngài ý thức việc tu hành được tốt đẹp, cho nên cuối cùng khi ra đi bà mỉm cười dưới sự hộ niệm của Tăng chúng trong chùa. Ngài là một tấm gương sáng tu hành đạt đạo và độ mẹ biết quy hướng về Tam bảo mà sống đời an vui giải thoát. Trong cuộc sống này tùy theo hoàn cảnh mà mỗi vị Bồ tát có nhiều tâm nguyện khác nhau để độ cho cha mẹ bằng nhiều cách, tấm gương hiếu của Thiền sư Tông Diễn đã chứng minh cho đời hương thơm bất diệt nhờ sự biết ơn và đền ơn. Người con Phật chính vì thế trước tiên phải biết hiếu kính với cha mẹ, sau đó mới quy hướng Tam bảo rồi bố thí giúp đỡ tùy theo khả năng của mình, kế đến phải lánh xa người xấu ác và phóng sinh giúp người cứu vật, ăn chay làm lành.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/08/2024(Xem: 1048)
Cảm niệm nhân Mùa Vu Lan 2024 kính dâng Má Hải Ngọc Vương Thị Ngọc Quyên (1935-2024) Bài viết của NS Thích Nữ Thảo Liên Diễn đọc & layout video clip: Cư Sĩ Giác Nguyên
17/08/2024(Xem: 3413)
Thư Khánh Tuế Mùa Tự Tứ Phật lịch 2568 (của Hòa Thượng Chánh Thư Ký Xử Lý Viện Tăng Thống Thích Đức Thắng)
17/08/2024(Xem: 2391)
Gió lộng mưa giăng tháng Bảy về, Xa rồi bóng Mẹ… những ngày thê. Âm thầm sinh dưỡng như trời bể Lặng lẽ chan hòa tựa thủy khê. Chịu thiệt nuôi con nào lúc kể, Sống hiền với xóm chẳng đường chê. Nhà không Người, vắng tìm đâu dễ, Nhận cả ân thâm, hiếu nghĩa kề.
16/08/2024(Xem: 913)
Kìa …Hoa rực nở trong vườn có phải thay vạn ngàn lời muốn nói ? Chào đón thế gian với muôn sắc thắm tươi Như nụ cười mãn nguyện của mẹ khi con lớn thành người Và bao mỹ từ thường dùng trong … hoa tình thương, hoa nhân ái !
16/08/2024(Xem: 540)
Sẽ chẳng bao giờ nước mắt chảy ngược Sẽ chẳng bao giờ nguồn lìa bỏ suối Tình mẹ cũng thế Muôn đời là cánh đồng vàng thơm hương lúa Là cánh diều cao bay trong gió , cho con no lớn vui đùa.
16/08/2024(Xem: 832)
Đây là một sự kiện rất quan trọng chào mừng Đại lễ Vu Lan năm nay. Tại triển lãm sẽ trưng bày hơn 1500 tựa sách liên quan tới Phật giáo, văn hóa giáo dục, sức khỏe và tinh thần… Những tựa sách mới xuất bản cũng sẽ được giới thiệu tại triển lãm như bộ sách “Phật học căn bản” của tác giả Ari Ubeysekara được dịch bởi dịch giả Thủy Nguyễn và do thầy Thích Quảng Lâm hiệu đính, “Ni tổ Theravada Việt Nam” bản song ngữ Anh-Việt của Tiến sĩ Kim Lan, “Nguồn gốc Thiền Phật giáo” của Alexander Wynne, “Đạo Phật hiện đại hóa” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, “Chuyện trong nhà - Làm con hiếu hạnh”, Bộ sách “Tĩnh Tư Ngữ” của Sư bà Chứng Nghiêm, “Bí quyết để có bình an” của TS Nguyễn Mạnh Hùng,…
16/08/2024(Xem: 848)
Edison, sinh ngày 11/2/1847, tại Milan, Ohio (Mỹ), vốn bị coi là đứa trẻ “đần độn, rối trí” (tâm thần). Vào khoảng năm 7 tuổi, một hôm cậu từ trường về nhà và nói với mẹ: “Mẹ, thầy giáo bảo con đưa cho mẹ cái này!” Cẩn thận mở ra xem, bên trong kèm lá thư của giáo viên chủ nhiệm gửi phụ huynh em Edison, nước mắt bà Nancy Elliott giàn giụa. Cậu bé đứng ngẩn người kinh ngạc, cậu hỏi mẹ rằng thầy giáo đã viết gì trong đó?.
16/08/2024(Xem: 632)
Phật giáo được truyền bá từ Ấn Độ sang Trung Quốc vào thời nhà Hán (202 TCN - 220 CN); kết hợp các nền văn hóa bản địa cố hữu, Phật giáo dần trở thành một tôn giáo có sức ảnh hưởng lớn ở Trung Quốc. Trong thời kỳ Phật giáo sơ truyền, do những đặc điểm siêu thế tục nổi bật của mình, Phật giáo từng phải chịu sự lên án của người dân Trung Quốc, đặc biệt là các Nho sĩ khi mới du nhập vào đất nước này. Các nhà sư lỗi lạc của Trung Quốc cổ đại đã phải đào sâu các tư tưởng về “đạo đức hiếu thảo” từ kinh điển Phật giáo và quảng bá, phổ biến tư tưởng này để làm cho Phật giáo phù hợp với đạo đức truyền thống Trung Quốc. Đây là nền tảng để Kinh Vu Lan, lễ hội Vu Lan được truyền bá rộng rãi ở đất nước tỷ dân này. Những tư tưởng “hiếu thảo” của Phật giáo ở các bộ Kinh Vu Lan không chỉ phù hợp với quan niệm “tôn kính gia đình” của Nho giáo Trung Quốc mà chữ “hiếu” của Phật Giáo còn có ý nghĩa cao quý hơn và vượt lên sự thế tục, có tính thiêng cao.
15/08/2024(Xem: 1408)
Tôi có hai Má : Má trước và Má sau. Cả hai bà tôi đều thương như nhau. Má trước (má ruột tôi) mất lúc tôi còn quá nhỏ đủ để không nhớ được gì hết ngoại trừ lúc Má tôi nằm trên giường bịnh. Lúc nào tôi cũng đeo dính bên cạnh bà, đó là thời gian hạnh phúc nhất của tôi. Má tôi đau nặng lắm. Bà biết mình sắp mất nên cứ gặng hỏi tôi: - Má chết rồi con ở với ai?
15/08/2024(Xem: 1445)
Với người con Phật thuần thành ở khắp mọi nơi, Mùa An Cư và Vu Lan Thắng Hội là mùa HOAN HỶ nhất. Bởi vì: - Trong thời gian an cư, Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni, hoan hỷ được nghỉ ngơi, có thời gian tịnh dưỡng, tu học, đặc biệt là tránh phạm giới thứ nhất (sát sanh), trưởng dưỡng lòng từ bi, vì không phải đi lang thang ngoài đường “khất thực” để khỏi giẫm đạp lên côn trùng trong mùa mưa đang sinh sôi nẩy nở.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]