Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hiếu đạo, nền tảng đạo đức học PG

13/08/201319:49(Xem: 5134)
Hiếu đạo, nền tảng đạo đức học PG

Bo_Tat_Muc_Kien_Lien

N

gày Vu Lan được gọi là ngày truyền thống báo hiếu. Tất cả mọi người con đến ngày này về chùa được quý thầy nhắc lại trách nhiệm của mình đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Là phật tử, lẽ tất nhiên phải sống một đời hiền lương đạo đức. Nếu chúng ta sống bất hiếu với cha mẹ thì chắc chắn chúng ta sẽ không thương ai một cách chân tình. Cha mẹ là người sanh thành dưỡng dục giúp ta trưởng thành, cho chúng ta đến trường để tiếp cận với tri thức, xây dựng một cuộc sống no đủ, hạnh phúc cho con cái. Nếu xét nghĩ đến sự un đúc đó của cha mẹ như trời biển thì bổn phận làm con, ta phải làm gì để đền đáp thâm ân đó? Đức Phật nói ý nghĩa Vu Lan - ngày hiếu đạo để khắp thế gian này, tất cả mọi người đều hiểu được đạo đức căn bản của một người con hiếu thảo. Vì vậy, hiếu đạo là căn bản của đạo làm người, hay nền tảng của đạo đức học Phật Giáo.

Điều kiện căn bản để bước vào con đường đạo đức, trước tiên phải nói đến sự hiếu kính, phụng dưỡng cha mẹ. Nho giáo có câu:“Hiếu vi vạn hạnh chi tiên”. Một người không có hiếu thì không xứng đáng làm người, còn người phật tử mà bất hiếu thì không phải là phật tử chân chánh. Chúng ta hàng ngày đến chùa lễ Phật, tụng kinh, làm công quả… nhưng đối với cha mẹ lại bất kính, thờ ơ thì những việc làm đó có đúng với ý nghĩa “tốt đời đẹp đạo” không? Và mình có phải là một con người thật sự có đạo đức chăng? Đức Phật dạy: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Vì vậy, ngày Vu Lan là ngày chúng ta quy ngưỡng về cha mẹ bằng một lòng chân thành hiếu kính. Dù cha mẹ còn sống hay đã qua đời, bổn phận làm con, chúng ta phải từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây nghĩ nhớ đến công ơn sanh dưỡng mà lo phụng thờ sớm hôm ân cần. Còn như cha mẹ đã khuất thì nên siêng làm nhiều thiện sự, cúng dường Tam bảo, hồi hướng công đức cho cha mẹ sớm về nơi an lành. Đây là một nét đẹp truyền thống văn hóa đạo đức của nhân dân ta từ lâu đời.

Chúng ta nên ý thức rằng, không phải chỉ có ngày Rằm tháng bảy mới là ngày Vu Lan báo hiếu, mà ngày nào chúng ra cũng phải hiếu kính với ông bà cha mẹ. Đó mới đúng với ý nghĩa Vu Lan trọn năm, Vu Lan miên viễn; vì tâm hiếu hạnh của một người con chí hiếu vượt ngoài không gian và thời gian. Vu Lan đến từng ngày, từng giờ trong lòng những người con hiếu thảo!

Một thi sĩ đã làm bài thơ rằng:

Lên núi nhớ ơn cha,

Xuống sông thương tình mẹ.

Ôi non cao vời vợi,

Ôi sông rộng bời bời.

Hai vai con mang nặng,

Từ vô lượng kiếp rồi.

Ơn cha và nghĩa mẹ,

Lặn hụp biển luân hồi.

Tình cha nghĩa mẹ đối với con cái rất đậm đà, sâu lắng, không giới hạn. Có những lúc trong đời, vì chạy theo cuộc sống vật chất mà chúng ta quên nghĩ đến cha mẹ. Nhưng khi gặp khó khăn thất bại, bị cuộc đời vùi dập thì nơi gốc trời xa yêu dấu, bỗng nhiên chúng ta nhớ đến cha mẹ và thương cha mẹ thật nhiều. Con có thể quên cha mẹ chứ cha mẹ không bao giờ quên con, dù còn nhỏ hay đã trưởng thành. Hình ảnh của cha mẹ luôn là điểm tựa vững chắc cho con bước vào đời. Từ vô thỉ kiếp đến nay, hai vai ta mang nặng công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ nhiều đời không thể tính được. Vì vậy, ngày Vu Lan không những chúng ta tìm cách đền ơn cha mẹ hiện đời mà còn phải báo đáp công ơn của cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp, “đa sanh phụ mẫu, thất thế phụ mẫu”bằng cách làm nhiều việc lành để hồi hướng công đức cho cha mẹ hiện tiền được bình an, phúc lạc trong chánh pháp; còn cha mẹ đời trước được siêu sanh về cõi giới an lành. Đó mới đúng ý nghĩa báo hiếu trọn vẹn. Được phụng dưỡng cha mẹ là hạnh phúc bậc nhất của người con hiếu thảo.

Nhưng cũng có người nuôi cha mẹ lúc đau bệnh bằng những lời nặng nhọc “cực chẳng đã”, thật đáng trách lắm thay! Cha mẹ đau do thân bệnh thì ít mà nỗi đau trong tâm do bị con cái hất hủi thì nhiều. Thế nên, khi cha mẹ đau ốm là lúc để chúng ta thể hiện lòng hiếu kính một cách có ý nghĩa nhất. Không những vậy, chúng ta còn phải khuyến khích mọi người cùng giữ gìn đạo làm con cho tròn bổn phận. Xã hội hiện nay có nhiều chế độ đặc biệt như viện dưỡng lão, hội người cao tuổi… cho người già khỏi cảnh cô đơn, hiu quạnh khi tuổi về chiều; huống nữa là người phật tử, chúng ta lại không nghĩ cách báo đáp thâm ân của ông bà cha mẹ sao? Đây là điều mà tất cả mọi người phải tự suy gẫm và hằng ghi khắc vào tâm khảm của mình.

Mẹ còn là cả trời hoa,

Cha còn là cả một tòa kim cương.

Cha mẹ cho con tình thương, hạnh phúc, giàu sang no ấm. Khi cha mẹ còn hiện hữu, cuộc đời này đẹp như một trời hoa, và chúng ta không phải sợ cảnh đói rách, cơ cực. Còn cha mẹ là còn được sự đùm bọc chở che, được nũng nịu như một đứa trẻ thơ dưới mắt cha mẹ. Hãy trân quý từng tấc bóng thời gian khi cha mẹ còn hiện hữu trên đời!

Đối với người Việt Nam, Vu Lan đã trở thành ngày lễ hội truyền thống của dân tộc - truyền thống đền ơn đáp nghĩa. Trong kinh Phật dạy: “Gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật”. Như vậy, Đức Phật đã nâng địa vị cha mẹ lên ngang hàng với Ngài. Là phật tử đến chùa học đạo, chúng ta phải biết ứng dụng Phật pháp một cách sống động vào cuộc sống đời thường, chuyển tải những lời dạy vàng ngọc của Đức Phật vào đời, mang lại niềm an lạc, hạnh phúc cho mọi người và tự hoàn thiện nhân cách đạo đức của mình, sống đời hiền lương, hiếu kính ông bà cha mẹ…

Người xưa có câu:

Chùa là tổ ấm ta về,

Chung tay vun đắp phước dày mai sau.

Sau những tất bật ngược xuôi giữa dòng đời, chúng ta về chùa tìm lại sự bình an, thảnh thơi, vững chãi trong đời sống tâm linh. Về chùa gặp thầy bạn cùng trao đổi đạo lý, kinh nghiệm tu hành, nghe tiếng kệ lời kinh ngân vang chúng ta mới thấy giá trị đích thực của đời sống tinh thần, tìm lại chút hơi ấm bên Đấng cha lành.

Hiếu hạnh là giá trị sống thắm đượm tính nhân văn cao cả. Người nào không nhớ đến nguồn cội của mình thì không xứng đáng là một con người chân chính. Tục ngữ có câu: “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.Tất cả chúng ta khi thọ nhận một điều gì phải suy nghiệm rằng từ đâu mà có? Trong năm phép quán của người xuất gia mỗi khi thọ trai, phép quán đầu tiên là: quán thức ăn này từ đâu mà có, công của người đàn na thí chủ đem đến cúng dường (nhất kế công đa thiểu lượng bỉ lai xứ). Rồi từ đó phát nguyện cố gắng tu hành thành tựu đạo nghiệp mới dám thọ nhận thức ăn này (vị thành đạo nghiệp ứng thọ thử thực). Khi còn tại thế, Đức Phật từng dạy các vị tỳ kheo: “Một vị tỳ kheo nghỉ dưới một bóng cây vào buổi trưa hè nóng bức, khi rời bóng cây ra đi cũng phải nhớ ơn bóng cây đó đã che mát cho mình”.Đến những vật vô tri như thế mà Phật dạy còn phải nhớ ơn, huống nữa những trọng ân của Thầy Tổ, cha mẹ, tổ quốc, đàn na thí chủ, chúng ta nỡ quên sao? Trong cuộc sống tương quan tương sinh này, chúng ta thọ nhận rất nhiều ơn tình ơn nghĩa của mọi người quanh ta. Vì vậy, ngày Vu Lan là dịp để chúng ta truy niệm, hướng tâm về những thâm ân đó mà tìm cách đền đáp, dù chỉ trong muôn một.

Hiếu đạo là chân lý thuộc về tục đế. Đông phương hay Tây phương đều phải giữ gìn hiếu đạo. Đó là bản sắc văn hóa đạo đức của nhân loại. Bất cứ đất nước nào, xã hội nào cũng khuyến khích người dân giữ gìn hiếu đạo. Tất cả mọi người đang hiện hữu trên cuộc đời này đều không được làm trái với luân lý đạo đức đó. Bởi vì:

Nước biển mênh mông, không đong đầy tình mẹ,

Mây trời lồng lộng, không phủ kín công cha.

Tình cha nghĩa mẹ không một giới hạn nào có thể đo lường được. Từ vô thỉ kiếp đến nay, nước mắt chúng ta khóc cha mẹ nhiều hơn nước trong bốn biển. Kinh Tương Ưng Bộ, Đức Phật dạy: “Này các tỳ kheo, sữa mẹ mà các ngươi đã uống trong khi các ngươi lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài nhiều hơn nước trong bốn biển. Vì sao thế? Vì luân hồi là vô thỉ, không sao đếm được. Lưu chuyển luân hồi của chúng sanh là trùng điệp nên không thể nêu rõ khởi điểm. Vì vô minh che đậy, vì tham ái trói buộc, tất cả các nghiệp hành của chúng sanh”.Chúng sanh luân hồi trong nhiều đời nhiều kiếp, “tiền tiền vô thỉ, hậu hậu vô chung”, chịu nhiều khổ đau, do vô minh che đậy tánh giác mà tạo nghiệp thọ quả, không biết lúc nào ra khỏi. Trong vòng luân hồi sanh tử đó, chúng ta thọ ơn cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp, tính không thể hết. Đó là lí do ngày Vu Lan chúng ta làm mọi công đức lành, hồi hướng cho cha mẹ nhiều đời quá khứ và hiện tại được an vui, phúc lạc.

Tóm lại, hiếu đạo là một trong những chuẩn mực đạo đức căn bản của xã hội loài người. Dầu loài người có văn minh đến đâu, hiếu đạo vẫn không bị xem là “lỗi thời” mà luôn được tôn vinh và ca ngợi qua tất cả mọi thời đại, mọi xã hội. Hiếu hạnh là yếu tố định hình cho đời sống luân lý đạo đức, mang lại bình an, hạnh phúc, góp phần ổn định trật tự, an ninh xã hội. Mỗi mùa Vu Lan đến, chúng ta tổ chức thăm viếng, tặng quà cho đồng bào nghèo, trẻ em mồ côi, người già neo đơn…, tất cả những việc làm đó đều xuất phát từ ý nghĩa đền đáp công ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, tứ trọng ân…, thể hiện nếp sống “tốt đời đẹp đạo”, đem ánh sáng Phật Pháp xây dựng thế giới hòa bình, phúc lạc.

Thiền Tự Trúc Lâm Viên Giác

Mùa Vu Lan Báo Hiếu - PL. 2557

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/08/2011(Xem: 2969)
Tháng Bảy âm lịch, mùa Vu Lan cũng là mùa báo hiếu của con cái với ông bà, cha mẹ. Tuy nhiên, nhịp sống hiện đại cùng với cuộc sống bận rộn khiến nhiều người không có thời gian quan tâm đến ông bà, cha mẹ. Và nhiều người lý giải rằng, trong các gia đình hiện đại, không hẳn mọi thành viên đã hoàn toàn thờ ơ với chữ hiếu, nhưng biểu hiện của nó cũngthay đổi ít nhiều.
13/08/2011(Xem: 3996)
Hằng năm vào dịp Rằm tháng Bảy, các Phật tử cử hành lễ Vu Lan báo hiếu một cách trang trọng, đầy cảm động, theo truyền thống Phật giáo Bắc phương, đó là một sinh hoạt tôn giáo bao hàm rất nhiều ý nghĩa. Sự tích báo hiếu này phát xuất từ kinh Vu-lan-bồn, qua tấm gương cứu mẹ của tôn giả Mục-kiền-liên, vào thời đức Phật còn tại thế, ở nước Ấn-Độ...
13/08/2011(Xem: 4152)
Tiết Vu Lan bâng khuân nhớ Cha công dưỡng dục, mùa Báo hiếu bùi ngùi thương Mẹ đức cù lao... Thích Hạnh Tuệ
12/08/2011(Xem: 11415)
Bà Thanh Đề là mẹ của ngài Mục Kiền Liên (cũng gọi là Mục Liên). Bà tính tình tham lam, độc ác, không tin Tam Bảo, tạo ra nhiều tội lỗi nặng nề, gây ra nhiều "nhân" xấu nên khi chết đi chịu "quả" ác, bị đày vào ác đạo, sinh làm loài ngạ quỷ, đói khát triền miên trong đại địa ngục.
12/08/2011(Xem: 3507)
Chỉ còn ít ngày nữa là Vu Lan năm 2011 lại đến. Vu Lan diễn ra ở thời điểm lạm phát làm giá cả nhảy vọt như con ngựa bất kham. Giá cả leo thang, ít nhiều làm sứt véo đến mớ rau, bữa cơm gia đình mẹ. Nhìn mẹ chép miệng, nghe mẹ than “ chợ bữa này ít người” , “ mua gì cũng mắc ” mà mình cảm thầy buồn buồn trong lòng. Chẳng biết làm sao để gửi mẹ nhiều tiền hơn. Để mẹ khỏi phải suy tư, trăn trở chuyện cơm áo thường ngày. Đạo làm con, ai cũng muốn làm tròn chữ Hiếu. Hiếu để đền đáp công ơn của cha mẹ
12/08/2011(Xem: 3521)
Kinh Vu Lan kể rằng: sau khi đắc quả A La Hán, đạt được tâm bất sinh, Bồ Tát Mục Kiền Liên muốn độ cho mẹ là bà Thanh Ðề, bèn dùng thần thông kiếm tìm mẫu thân...
12/08/2011(Xem: 3253)
LTS: Thời gian trước, một số vị phật tử lớn tuổi, am hiểu cổ học, đưa ra ý kiến nói rằng, người xuất gia không hoặc khó làm đầy đủ câu hiếu để đối với song đường (bố mẹ). Vậy điều đó đúng không? Nếu đúng, thì hàng đệ tử xuất gia của đức Phật có đủ tư cách làm người hướng đạo cho cư sỹ tại gia cũng như mọi giới chăng? Nếu nhận thức trên của các phật tử là chưa thấu đáo, nguyên nhân do đâu?
11/08/2011(Xem: 3349)
Vu lan, tiếng Phạn gọi là Ullambana, còn được biết đến như là ngày lễ “Xá tội vong nhân” hay là ngày “Báo hiếu”, là một trong những lễ hội Phật giáo quan trọng của tín đồ theo đạo Phật ở Á châu. Theo truyền thống Phật giáo Đại thừa, lễ Vu lan được tổ chức vào ngày rằm tháng Bảy âm lịch. Ngày lễ Vu lan bắt nguồn từ sự tích ngài Mục Kiền Liên, một trong mười vị đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca, nhờ vào phước đức cúng dường phẩm vật lên chư Tăng trong ngày Tự tứ và sức chú nguyện của Tam bảo mà mẹ của ngài thoát được kiếp khổ ngạ quỷ, sinh về thiên giới.
11/08/2011(Xem: 3575)
T rước 1975, nơi thị xã Nguyên ở, hằng năm cứ vào đầu tháng 7 âm lịch, trên các góc đường của ngã tư lại thấy xuất hiện các anh chị trong Gia Đình Phật Tử làm công tác cài hoa lên áo cho dân phố, nhân mùa Vu Lan về.
11/08/2011(Xem: 5844)
Mùa Vu lan lại trở về, gợi nhắc chúng ta nhớ đến tình thương vô bờ bến của cha mẹ đã dành cho mình. Và đối với người Việt Nam, hiếu thảo là truyền thống quý báu được đặt lên hàng đầu. Tất cả chúng ta đều nhớ như in bài học vỡ lòng đã được dạy dỗ từ tấm bé: “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567