Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nhớ Mẹ

07/08/201307:35(Xem: 6217)
Nhớ Mẹ
hoa_hong (8)

Nhớ Mẹ


Thân như cánh nhạn lạc bầy
Chợt vàng thu chớm nhớ ngày Vu Lan
Nhớ ngài Đại Hiếu Mục Liên
Công ơn của Mẹ lời nguyền xin dâng !

***

Thi nhân nhớ Mẹ thì họ làm thơ, để giải bày tâm sự, hầu vơi bớt nỗi niềm! Vì thơ là tiếng lòng rung lên từ nội tâm hòa nhập và dung thông với ngoại cảnh, được cô đọng lại bằng ngôn ngữ để diễn tả tâm sự của mình; cùng san sẻ với tha nhân những hoài cảm, từ lâu chất chứa trong lòng nhưng chưa có cơ hội để khơi lại niềm xưa, thức lay bóng nhớ…

Nhớ Mẹ (*) cũng là tiếng lòng ấy, nhưng được thể hiện bằng cảm xúc chân thành nhất. Chính là lúc thơ đã khai mở đến một thế giới dịu dàng và ngọt ngào như hương hoa, điểm tô cho đời thêm hạnh phúc an vui. Với hy vọng sẽ làm vơi đi những băn khoăn, khắc khoải. Mà hiện tại là cả những mất mát, sầu đau khiến cho tâm thức của khách ly hương nhiều phen phải bùi ngùi rơi lệ. Trước tình cảnh ấy, ai lại không cảm thấy nỗi bơ vơ vì thiếu mẹ…

Vì tình mẹ là nhựa sống cho đời, là sương chiều nắng sớm tưới tẩm cho cỏ cây xanh tươi bốn mùa. Vì thế, nên tình mẹ lại giản dị như những tấm lòng chất phác của người nông dân nơi thôn dã; nơi có giây bí giàn bầu quanh năm vẫn cho hoa kết trái. Nơi ấy mẹ đã giải dầu mưa nắng, mẹ đã vun bón từng bông mướp nụ cà. Hình ảnh của mẹ đã hòa chung với vườn rau xanh tốt, khóm cải lên bông. Nhưng tình mẹ cũng đã gắn liền với con người, như chim liền cánh, như cây liền cành. Vì vậy mà tình mẹ là nhu cầu cần thiết cho đời sống của con người. Nên dĩ nhiên lòng yêu thương, và nỗi nhớ nhung về mẹ mổi khi thiếu vắng, là điều tất nhiên phải có. Không một ai có thể sống một cách thanh thản, trong một thế giới xa lạ, thiếu vắng người thân mà không khỏi chạnh lòng, mỗi khi đông về hay hạ tới. Sự vắng bóng của hình ảnh quê hương, tuy có nhớ nhung nhưng không ray rứt bằng thiếu vắng tình người, nhất là hình bóng người mẹ hiền…

Trong tất cả những áng thơ văn viết về mẹ, thi nhân đã đi chung cùng hòa vào nỗi niềm nhớ mẹ; để cho tiếng lòng được rung lên thành tiết điệu. Và, tiết điệu nầy sẽ là tiếng lòng muôn thu, kể cả người thưởng lãm cũng hòa cùng để chắp cánh cho thơ bay về miền chân cảnh, nơi ấy không còn hận thù và đố kỵ; không còn một biên giới phân chia, vì thế giới ấy đã hòa chung với tấm lòng yêu thương của tình mẹ. Nên tình mẹ vẫn luôn đọng lại trong tâm tư nhiều người; khi cùng chung một tâm trạng giữa vời, một hiện tượng ngăn cách. Mà không còn hy vọng ngày trở về, hay ước mong hạnh ngộ…

Trong bối cảnh hư thực hôm nay, nơi con người đang làm thân lưu lạc, cố gắng hòa nhập với hiện tại để sống còn. Nhưng không khỏi phân vân trước nỗi lòng trắc ẩn bởi nhớ nhung, thương tiếc! Để tháo gỡ những ray rứt của phôi pha, xao xuyến trước cảnh vật; cho cõi lòng được an nhiên trong cuộc sống. Bằng cách tìm lại chút hơi hướm của tình mẹ, hầu sưởi ấm quạnh hiu, vơi đi niềm lạ…

Nhân ngày hội Vu Lan, xin đọc lại bài thơ "Nhớ Mẹ" của Ngốc Tử (bút hiệu của Hòa Thượng Thích Chơn Điền), như một giao cảm thiết tha giữa những tha nhân đang tìm về nguồn suối để tắm mát cuộc đời. Vì ngày lễ Vu Lan còn gọi là mùa Báo Hiếu, nên Nhớ Mẹ cũng là một trong những hình thức trân trọng và biết ơn đối với bậc sanh thành dưỡng dục; như việc lễ lạy cúng kiến đối với ông bà tổ tiên vậy.

Thi nhân đã cùng một tâm cảnh chung với nhiều người tha hương; cũng như nỗi niềm của những người không còn mẹ, nên đã gợi lại một tâm trạng nhớ nhung rất tha thiết. Bằng ngôn ngữ giản dị, bằng tư tưởng bình dân, bằng tấm lòng chân thành nhưng đã diễn tả tuyệt vời tình tự của người mẹ hiền đối với đàn con dại. Còn sót đọng lại trong lòng người thưởng lãm; cũng như là một đồng vọng cho mai sau cái tình tự thân yêu của nhân loại. Và cũng chính vì mẹ không còn, nên lòng con không thể phôi phai niềm nhớ! Cảnh gợi nên tình, tình hòa với cảnh thức lay nỗi niềm, cùng sự cảm nhận như đang chung hòa với tâm sự, đã dẫn dắt thi nhân dần về nẻo nhớ:

Nhìn liễu rủ chứa chan giọt lệ
Mình bơ vơ nghe dế nỉ non
Bơ vơ vì Mẹ không còn !
Từ dung trước án nét son tỏa mờ

Bóng liễu rũ thường khơi gợi cho chúng ta một hình ảnh u buồn! Nỗi buồn dầu chỉ phảng phất nhẹ nhàng thôi, nhưng nhiều khi cũng làm cho lòng người chùng xuống. Vì cảnh biệt ly đã đành mà còn chứa chan nhiều hệ lụy, cho nên từ đó cảm thấy cuộc đời bơ vơ. Rồi nhìn lại từ dung của mẹ trước án, thì nỗi niềm lại càng tăng thêm vị mặn. Nước mắt đã làm cho cảm xúc nhạt mờ, lung lay ánh nến như hư ảo cuộc đời. Nên chỉ thấy hình ảnh của mẹ còn lại những nét tỏa mờ, linh lung bóng nhớ.

Rồi thi nhân lật lại nhật ký, thấy vần thơ viết cho mẹ bị bỏ dở. Vì nơi trang đời chưa viết ấy chính là tiếng nấc ngẹn ngào, tiếng lòng quặn thắt đã cản ngăn dòng tư tưởng. Khi nhìn lại tất cả những kỷ vật của mẹ còn đây, hình bóng mẹ còn đó, sao mẹ lại nỡ ra đi ? Đấy là câu hỏi của biết bao nhiêu người cùng chung niềm đau mất mẹ!

Nhìn lại vườn rau ngày xưa mẹ đã chăm bón, nhưng bây giờ cỏ hoang đã mọc đầy; và líp trầu của mẹ đã tàn đi hai phần. Ôi phải chăng khi người con mất mẹ, là thấy cuộc đời tang thương đến cả đất trời, cỏ cây? Và nhìn lại tấm thân côi cút của mình, như cảm nhận nỗi niềm bất hạnh đang ngập tràn và dâng lên như mưa lũ.

Và chỉ biết hỏi cao xanh bày chi câu tạo hóa, để cuộc nầy phải trở thành bể cả nương dâu, cảnh tang tóc đau sầu? Nghĩ về mẹ bây giờ lạnh lẽo đơn côi, khiến lòng con cũng ưu sầu như ngày đông tháng giá. Nỗi đau sầu làm lòng luyến tiếc đến tiếng mẹ ngày xưa! Tiếng êm êm khe khẻ ngọt ngào ấy, như còn đồng vọng trong tâm tư của những đứa con lạc ngoài ngàn dặm:

Còn đâu tiếng "con ơi" của Mẹ
Tiếng êm êm khe khẻ ngọt ngào
“Áo ấm con hảy mặc vào
Mùa đông gió lạnh thấm vào khổ thân”

Tiếng "con ơi" là tiếng gọi chung của tất cả những người Mẹ Việt Nam, tiếng gọi ấy thật là "...êm êm khe khẽ ngọt ngào" biết bao! Tuy nhiên với tiếng gọi ấy không thôi, thì vẫn chưa đủ để cho con ghi nhớ. Vì sau đó với lời mẹ dặn con kèm theo: (áo ấm con hãy mặc vào)... kẻo mưa rát gió lạnh là gợi thêm; nhắc lại tấm lòng của mẹ đối với con, thật luôn thương yêu nồng ấm...

“Áo ấm con hãy mặc vào
Mùa đông gió lạnh thấm vào khổ thân” 

Không có tấm lòng nào ngoài mẹ mà có thể lo cho con đến thế! Luôn nhắc nhở con từng ly từng tí, một việc nhỏ nhiệm nhất mẹ cũng nghĩ đến và lo lắng cho con, thật bao la từ ái.

Đến khi thấy con hư hỏng, khiến mẹ không bằng lòng, đáng lý phải trị tội đích đáng mới hy vọng con sẽ bỏ đi những thói hư tật xấu, nhưng rồi mẹ cũng chỉ mắng yêu:

Rồi tiếng mắng “thằng bần” của Mẹ
“Học thì lười, nghịch kẻ nào hơn ?”

Tiếng mắng ấy nghe ra thật dễ thương biết mấy, như lời âu yếm tràn đầy lòng yêu thương của mẹ. Như là một phương tiện của mẹ để giáo dục cho con, vì khi con không biết đến những lỗi lầm, cứ cho đấy là đúng. Chỉ có mẹ đã từng trải việc đời, nên mẹ mới thấy được lỗi lầm của con. Cho nên tiếng mắng ấy là dư âm muôn đời, là tiếng lòng của mẹ chỉ biết hướng dẫn cho con trở nên người toàn thiện. Ôi tiếng lòng ấy như thể tâm hoa mầu nhiệm, đã khuyến cải cho con biết được việc trung, ý chánh (chớ lười, đừng nghịch).

(Như ngày xưa đức Phật sau khi thành đạo Chánh Đẳng Chánh Giác, Ngài tỏ lòng muốn giáo hóa chúng sinh, muốn dùng phương tiện “Vô lượng nghĩa xứ tam muội”, như (phóng bạch hào quang minh hiện chơn cảnh diệu minh ý muốn chúng hội đương cơ, hiện tiền mục kích, khế ngộ biểu tượng chân thuyên, khỏi cần phải nói phô bày vẽ. Nhưng ngặt vì (chúng sinh) cơ liệt, mắt chậm, trí mờ, không thấu được đạo tịch diệt ly ngôn, chẳng đạt được thể tánh chơn vô niệm, nên đức Phật từ tam muội dậy, lại phải dùng lời nói phô bày, tự tán tự dương, trước khích động sau chỉ bày, mở mối tri kiến, gọi đó là phương tiện, vì phàm hể xen vào vòng nói năng tức là phương tiện vậy. (Trích kinh Pháp Hoa, phần khai thị Phật Tri Kiến, phẩm Phương tiện. Dịch giả HT Thích Trí Tịnh).

Thế cho nên tiếng mẹ gọi con, tiếng mẹ mắng con... cũng đều là phương tiện để thức lay lòng mê trí ám của con, mong cho con hiểu biết chân lý, trở về với lòng mẹ để thấy như cái bao la của vũ trụ, với lòng khoan dung độ lượng:

Nhớ khi con giận, con hờn
Mẹ lau nước mắt cho con, Mẹ cười

Trách con không ngoan để chỉ bày cái sai trái của con, nhưng khi thấy con hờn giận thì mẹ lại lau nước mắt cho con rồi mẹ cười! Cử chỉ "...lau nước mắt cho con, mẹ cười" ấy có phải là hành động diễn tả tấm lòng yêu thương của mẹ đó chăng? Và nụ cười của mẹ cũng là phương tiện để xoa dịu tạm thời cho con; để gởi đến cho con bức thông điệp của mẹ, đó là tấm lòng tha thứ:
Cười tha thứ những lời con hỗn
“Lớn rồi nghe, hư đốn thế sao ? 

Tha thứ nhưng mẹ vẫn không quên bổn phận giáo dục, để hướng dẫn con thoát khỏi hư đốn, vượt được hèn mọn. Vì con đã lớn rồi, hảy theo đòi kinh sử, để lập hạnh sống một cuộc đời cao quý, thánh thiện.

Đến khi khôn lớn, mới thấm thía những lời khuyên của mẹ, mới thèm nghe tiếng mẹ, dù là tiếng la rầy. Và cũng đến lúc khôn lớn mới thấy được công lao khó nhọc của mẹ nuôi con:

Mẹ ơi ! Con nhớ hôm nào
Con đau mà Mẹ tổn hao thân gầy ! 

Ôi còn khó nhọc nào hơn của một cuộc đời làm mẹ: Với chín tháng cưu mang ba năm nhủ bộ, với bên ướt mẹ nằm bên ráo con lăn, tất cả cũng chỉ mong cho con chóng lớn, nên người...

Đến khi thấm nhuần được ân đức của mẹ rồi, lúc ấy mới hiểu được lòng nhớ mẹ là một nhu cầu cần thiết để chửa cái bệnh tương tư, nên niềm nhớ đôi lúc cũng làm cho con phải thành bệnh, thành ốm:

Mẹ ơi ! Con ốm rồi đây
Thèm nghe tiếng Mẹ la rầy bên tai 

Đến lúc nầy thì tiếng la rầy của mẹ đã trở thành thần dược, để chửa cái tâm bệnh của con bây giờ; vì tâm bệnh ấy phát xuất từ nguyên nhân của nỗi nhớ!

Nên làm sao con quên được những lời từ ái của mẹ, những lời dặn dò khuyên bảo ấy:

“Áo sứt nút không cài kẻo gió
Cháo nguội rồi, nằm đó sao con ?” 

Con trẻ nhiều lúc không biết giữ gìn sức khỏe; không biết trau dồi bản thân, nên mẹ nhắc nhở là chuyện thường tình. Nhưng con không biết lấy làm kinh nghiệm cho đời sống; thế rồi lúc bệnh mà vẫn không biết lo, còn chê thứ nầy thứ nọ. Nên lời nhắc nhỡ của mẹ qua hai câu thơ trên đây thật thân thiết và chu đáo biết bao. Chứng tỏ một nỗi lòng bao dung, độ lượng mà bất cứ người mẹ nào cũng đều thể hiện với con.

Cảm niệm tình mẹ lúc còn sinh thời, thường ít khi sâu đậm bằng lúc mẹ đã quá vãng; vì ai cũng đang được mẹ lo lắng cho mình. Như khi chúng ta đang sống trong cảnh an vui, thì có mấy ai cảm nhận được đấy là cuộc sống hạnh phúc? Và, có ai nghĩ rằng một ngày nào đó mẹ sẽ ra đi vỉnh viễn! Nhưng khi chạm phải thực tế mới thấy một sự mất mát quá lớn lao; vì trên cõi đời nầy không còn bảo vật nào trân quý bằng tình mẹ cả:

Lúc còn Mẹ, con còn tất cả
Mẹ đi rồi, tất cả cùng đi !

Vô thường đến thế thì biết sao? Lúc còn mẹ là con còn tất cả, vì mẹ là nguồn suối mát của đời con, bây giờ mất mẹ con biết lấy gì để bám víu, để được sống hạnh phúc như những ngày xưa còn mẹ:

Mẹ ơi ! Con chẳng còn gì
Bơ vơ đến cả khi đi, lúc về.

Cảm niệm hay ngợi ca về tình mẹ của thi nhân, cũng như đối với người người đồng cảm, đều là một nguồn cảm tuyệt vời như dòng suối mát ngọt ngào, như hương hoa của mùa xuân khoe hương sắc. Cho nên, nếu không có những tâm hồn thi nhân, thì có lẽ tình mẹ sẽ chìm vào u tối vì thiếu những hương lòng dâng tặng. Vì trong những đóa hoa dâng mẹ, bông hoa nào cũng đẹp, cũng thơm hương. Mùi hương của hoa đã chuyền những năng lực qua hồn thi nhân, làm tăng trưởng tấm lòng thành tín của con đối với tình mẹ. Chứng tỏ một hiển nhiên là thi nhân đã để lại cho hậu thế "một tấm lòng", tấm lòng của thi nhân là Quê hương và Mẹ như một bóng mát che đời, một suối nguồn vi diệu đã vun tưới cho những hạt giống hạnh phúc được đơm hoa kết trái, cho thế hệ cháu con thừa hưởng.

Cho nên mỗi lần nhắc đến mẹ là nhắc lại tấm lòng của mẹ ngày xưa, khi mới sinh con mẹ đã phải chịu nhiều khó nhọc. Nào làm lụng vất vả để có cái ăn, cái mặc. Nào cho con bú mớm nâng niu, lo cho con những phút giây ấm lạnh, mỗi lần sổ mủi nhức đầu. Khi lớn lên một chút thì phải lo cho con ăn học, để khỏi thua sút bạn bè. Nhưng rồi đến tuổi trưởng thành, thì con vẫn chưa làm được một việc gì để bù đắp cho công ơn của mẹ. Chưa một ngày phụng dưỡng cha mẹ, vì lúc nầy bóng mát của cha mẹ vẫn còn che chở cho con, vậy mà con đã không nghĩ đến. Thật vô tình làm sao đối với những tháng ngày hạnh phúc, để rồi đến khi tan tác, lúc chia ly mới thấy được thì đã quá muộn màng! Không còn một hy vọng nào kiếm tìm lại một khung trời cũ, một bóng hình xưa để nương náu, để chở che cho bóng dáng hạnh phúc vẫn còn đắp đầy trong tấm lòng hoài niệm ! 

Thế cho nên, giờ đây nơi xa cách nghìn trùng, nơi cõi người xa lạ con chỉ còn lại nỗi niềm bơ vơ trống vắng, nỗi quạnh hiu trên hun hút đường dài! Thì cuộc đời nầy còn gì ý nghĩa, còn gì để ước mơ cho chặng dài lẽ bóng. Khi con vẫn tiếp tục đi theo những bước chân vô vọng! Để rồi trong cuộc hành trình tìm về cội nguồn và quê hương vẫn thăm thẳm mù khơi nên mỗi khi nhìn lại bóng hình mẹ, con chỉ biết thốt lên lời :

-Con "Nhớ Mẹ" lắm... Mẹ ơi !


Trần Đan Hà

_______________________________



(*) Trích toàn bài thơ Nhớ Mẹ trong Thi phẩm Góp Nhặt Lá Vàng của tác giả Ngốc Tử.

Nhớ Mẹ 

Nhìn liễu rủ chứa chan giọt lệ

Mình bơ vơ nghe dế nỉ non

Bơ vơ vì Mẹ chẳng còn!

Từ dung trước án nét son tỏ mờ

Lật nhật ký, vần thơ bỏ dở

Áo còn đây, Mẹ nỡ ra đi!

Vườn hoa cỏ mọc xanh rì

Líp trầu của Mẹ tàn đi hai phần.

Cao xanh hỡi, đòn cân tạo hóa!

Gây chi trò bể cả nương dâu

Gây chi tang tóc đau sầu

Mẹ ta lạnh lẽo, ta sầu đơn côi

Còn đâu tiếng "con ơi" của Mẹ

Tiếng êm êm khe khẽ ngọt ngào

"Áo ấm con hãy mặc vào

Mùa đông gió lạnh thấm vào khổ thân"

Rồi tiếng mắng "thằng bần" của Mẹ

"Học thì lười, nghịch kẻ nào hơn ?"

Nhớ khi con giận, con hờn

Mẹ lau nước mắt cho con, Mẹ cười

Cười tha thứ những lời con hỗn

"Lớn rồi nghe, hư đốn thế sao ?"

Mẹ ơi! Con nhớ hôm nào

Con đau mà Mẹ tổn hao thân gầy!

Mẹ ơi! Con ốm rồi đây

Thèm nghe tiếng Mẹ la rầy bên tai

"Áo sứt nút không cài kẻo gió

Cháo nguội rồi, nằm đó sao con ?"

Lúc còn Mẹ, con còn tất cả

Mẹ đi rồi, tất cả cùng đi!

Mẹ ơi! Con chẳng còn gì

Bơ vơ đến cả khi đi, lúc về.

Ngốc Tử - 1987



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/08/2024(Xem: 839)
Sinh nhật đãi đằng, quả thật sang! Đờn ca, nhảy nhót quá rềnh rang. Mải vui, quên hết công ơn Mẹ. Cái lệ từ xưa, khó bỏ ngang.
10/08/2024(Xem: 638)
Tháng bảy lại về, những người con Phật khắp nơi nao nao chuẩn bị cho mùa hội hiếu. Không biết tự bao giờ nhưng lễ Vu Lan đã ăn sâu vào tâm khảm của mọi người con Việt. Có những người khác đức tin nhưng cũng biết đến lễ Vu Lan. Tạm gác qua những lý luận khác biệt có hay không có lễ Vu Lan trong Phật giáo. Tạm không bàn về những quan điểm khác biệt giữa các tông phái, các dòng truyền thừa. Chúng ta hãy hoan hỷ với tinh thần báo hiếu, ý nghĩa cao đẹp của lễ Vu Lan. Nào chỉ có người Việt, Người Hoa, người Hàn, người Nhật nói chugn là những dân tộc chịu ảnh hưởng văn Hóa Trung Hoa và Phật giáo Bắc truyền đều hân hoan tổ chức lễ Vu Lan. Với các dân tộc Á Đông đã có một thời gian dài sống với Khổng giáo nên rất coi trọng chữ hiếu, con người lấy chữ hiếu làm đầu.
05/08/2024(Xem: 1182)
Hôm nay là ngày mùng Một tháng Bảy, tôi rủ một người bạn cùng mình đi đến một quán ăn chay, rồi dự định sẽ đi Chùa ngay trong buổi sáng. Tiệm ăn chay hôm nay đông khách hơn thường ngày, hai chúng tôi ngồi đợi cũng khá lâu mới đến lượt nhưng nhìn ai cũng hoan hỷ, từ tốn nhẹ nhàng, chúng tôi gọi hai bát phở chay và cùng nếm hương vị đậm đà, ngọt thanh của món phở được nấu từ rau củ. Mỗi lần ăn chay, tôi lại thấy lòng mình nhẹ nhõm, an yên, thấy cuộc sống xung quanh cũng thanh tịnh hơn nhiều, tháng Bảy này, nhiều người phát tâm tặng cơm từ thiện, rồi thì trao tặng nhiều phần quà đến những người nghèo, Chùa chiền cũng phát nguyện bằng nhiều hoạt động thiện nguyện, tổ chức nhiều chuyến hành hương để phật tử, bá tánh được cùng nhau đi đến nhiều nơi san sẻ tấm lòng.
01/08/2024(Xem: 1758)
Vu Lan không chỉ mang ý nghĩa giải cứu sự thống khổ bị treo ngược nơi cảnh giới u đồ tối tăm, mà nó còn hàm chứa ý nghĩa làm vơi dịu đi sự thiêu đốt trong tâm hồn của mỗi chúng ta, khi chúng ta chưa thực sự áp dụng lời Phật dạy trong cuộc sống hằng ngày.
30/07/2024(Xem: 3475)
Nhớ lại câu hò tiếng mẹ ru Thuở còn ẳm ngửa những ngày thu Dẫu lớn khôn rồi, tâm thức cũ Hiện về nhân ảnh tuổi phàm phu.
27/10/2023(Xem: 16791)
Ngưỡng bạch Chư Tôn Thiền Đức, thân mẫu chúng con khi sinh tiền dốc lòng vun trồng cội phúc, gieo nhân chí thiện cần mẫn cực nhọc lo lắng cho chúng con. Nhớ lại những khi răn bảo dặn dò, những lúc nhọc nhằn nuôi dưỡng. Nhưng hởi ôi ! Ân sâu chưa trả, nghĩa nặng chưa đền mà ngày nay người đã vĩnh viễn ra đi để lại muôn vàn nhớ thương cho con cháu. Thật: Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, Con muốn phụng dưỡng mà Cha Mẹ đã khuất bóng.
13/09/2023(Xem: 2719)
Chùa An Lạc tọa lạc tại số 5249 30th Street, thành phố Indianapolis, tiểu bang Indiana, Hoa Kỳ. Chùa được thành lập vào năm 1979. Ngôi chùa uy nghiêm, khang trang, mang vẻ đẹp kiến trúc phương Đông ngày nay được xây dựng vào ngày 19/6/2004. Chùa có diện tích gần 3 mẫu Anh. Chùa là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa, giáo dục, từ thiện xã hội … của cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại thành phố Indianapolis.
11/09/2023(Xem: 6626)
Con ơi mẹ chẳng cần chi Mong con ứng xử những khi mẹ còn Cho đúng bổn phận làm con Là gương sáng để con soi con vào Cho dù sức khỏe thế nào
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]