Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vài Suy Nghĩ về Đạo Hiếu ....

21/07/201313:05(Xem: 5640)
Vài Suy Nghĩ về Đạo Hiếu ....

hoa_hong (10)
Vài Suy Nghĩ về Đạo Hiếu
trong Kinh Đại Báo Ân Phụ Mẫu

Trần Quí Phiệt

Theo truyền thống luân lý Phật giáo đạo hiếu là một trong những bổn phận quan trọng nhất của con người. Đức Phật đã diễn giải đại ân này hết sức rõ ràng và cảm động trong suốt ba bộ kinh Vu LanBồn, Điạ TạngĐại Báo Ân Phụ Mẫu. Nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu, có dịp đọc tụng kinh Đại Báo Ân Phụ Mẫutôi rất tâm đắc mấy đoạn sau đây xin chia sẻ cùng quý độc giả.

Bấy giờ Thế-Tôn cùng với đại chúng, nhân buổi nhàn du đi về phía nam thấy đống xương khô chất cao như núi, Đức Thế-Tôn liền sụp lạy đống xương khô ấy.

Tôi [ngài A-Nan] bạch Phật rằng: Lạy Đức Thế-Tôn, ngài ở trên ngôi chí tôn chí quý, Thầy cả ba cõi, Cha lành bốn loài, thiên thượng nhân gian thẩy đều tôn kính, sao ngài lại lể lạy đống xương khô kia?

Đức Thế-Tôn đáp: Này A-Nan ơi, ngươi tuy xuất gia theo ta tu học trong bấy nhiêu lâu, những sự thấy nghe đã rộng rãi đâu. Đống xương khô ấy hoặc là ông bà hay là cha mẹ, thân trước của ta ngàn muôn ức kiếp, đời đã cách xa, bởi thế ta nay chí thành kính lễ.

Ngươi đem xương này chia làm hai phần, một là đàn ông hai là đàn bà phân biệt cho ta.

-Bạch Đức Thế-Tôn, con xem ở đời, phàm là con trai, mang đai hia mũ, ai cũng nhận ra đấy là nam giới, những người con gái hương hoa phấn sáp, kiềng xuyến nhẫn hoa, ai cũng nhận ra đó là con gái. Nay người đã chết, xương trắng một mầu, chúng con biết đâu mà phân biệt được?

-Này A-Nan con, về bên nam giới trong lúc bình sinh, thường thường lui tới những chốn chùa chiền, nhờ có nhân duyên nghe Kinh lễ Phật, kính mến tăng già, nợ trần đã qua hồn về cõi Phật, bao nhiêu xương trắng, nhắc thấy nặng hơn là xương nam giới. Còn như con gái trong lúc bình sinh, nhiều lần sinh nở, nuôi nấng con thơ tổn bao khí huyết. Mỗi một kỳ sinh máu đặc chảy ra sáu đấu; mỗi người con bú tám thùng bốn đấu, sữa ở trong mình, giảm bớt tinh anh cho nên xương nhẹ và có sắc đen.

Bố cục bài kinh thật tuyệt vời. Mở đầu việc Phật sụp lạy khi thấy đống xương khô hàm chứa nhiều ý nghĩa quan trọng khiến cho chủ ý lời dạy của Phật tác dụng càng thêm mạnh mẽ. Thứ nhất, sự lễ lạy đống xương khô của Thế-Tôn—đấng được cả trời, người tôn kính—cho thấy Phật cụ thể hóa qua hành động lý thuyết của Ngài về cha mẹ tổ tiên bảy đời của con người. “[Đ]ống xương khô ấy hoặc là ông bà hay là cha mẹ, thân trước của ta muôn ngàn ức kiếp, đời đã càch xa, bởi thế tanay chí thành kính lễ.”Không cần nghe kinh dạy thêm chi tiết về những đại ân của bậc sinh thành, mấy lời Phật dạy ở đây cũng khiến chúng ta rơi lệ! Chúng ta muôn vàn cảm xúc vì Thế-Tôn ở địa vị Ngài mà cũng hiếu kính với tổ tiên xaxưacủa Ngài, huống chi chúng ta đã và đang vô tình hay hữu ý có những hành xử không tốt đối với cha mẹ của chúng ta trong kiếp này. Hành động lễ kính của Phật, rộng hơn nữa, còn dạy cho ta giá trị quan trọng của quá khứ mà con người trong thời đại này có khuynh hướng coi thường, vì rằng nếu quá khứ không quan trọng Thế-Tôn đã không lễ lạy những hình bóng tượng trưng cho quá khứ. Xét cho cùng, thế giới ngày nay rối loạn cùng cực một phần vì những giá trị luân lý cổ truyền―nền móng của tôn ti trật tự xã hội—không được tôn trọng, kinh nghiệm và sự khôn ngoan của người xưa bị bác bỏ. Mặt khác, bạo động và tội ác của xã hội hiện tại cũng có nguyên do của nó. Nếu ta biết nghe theo lời Phật dạy bằng cách xem tất cả chúng sinh như có liên hệ máu mủ ruột thịt với mình trong tiền kiếp, biết hòa thuận với những kẻ đồng hàng với ta và tôn kính những người tuổi tác lớn hơn ta nhất định ta sẽ không làm điều gì tổn hại đến ai. Lòng từ bi phát sinh từ đạo hiếu. Mọi người có thể tự lý luận với mình như thế này trước khi muốn ăn thua đủ với kẻ thù: vì anh là người thân của tôi nên tôi phải thương anh và không nỡ hại anh. Nếu có dị biệt bất đồng quan điểm chúng ta có thể ngồi lại với nhau để đả thông trong tình ruột thịt. Cái đạo lý và đồng thời chân lý mà Phật nói đến―tất cả chúng sinh đều có liên hệ gia đình với nhau—nếu thực hiện sẽ giúp ta phát triễn lòng từ bi, nhiên hậu sẽ đem an lạc và hòa bình đến cho chúng ta và mọi người.

Như trên đã nói, hành động lễ lạy của Phật nhằm mục đích dạy ta biết ơn tiền nhân, cha mẹ và tất cả chúng sinh không liên hệ với chúng ta trong kiếp này. Và biết ơn là một phương cách phát triễn và biểu lộ lòng từ bi hiệu quả nhất. Hành động của Phật trong buổi nhàn du ấy và nhất là lời dạy của Thế-Tôn về cách phân biệt nam nữ trong đống xương khô ấy như đã trích dẫn ở trên làm cho ngài A-Nan và đại chúng rơi lệ khi các ngài nghĩ đến sự vô tình của mình đối với cha mẹ bảy đời. Với phần dẫn nhập bố cục như thế, người học kinh đã được chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để chấp nhận sự quan trọng của đạo hiếu, tức là chân lý của kinh.

Điểm đặc sắc thứ hai trong đoạn kinh trích dẫn trên là việc Phật đặc biệt ca ngợi ân đức của người mẹ thường bị xã hội trong thời phong kiến xem thường hay lãng quên. Mười đại ân phụ mẫu nói trong kinh đa phần thuộc về người mẹ: mang nặng đẻ đau, chăm lo hài nhi bú mớm, ăn đắng nhã ngọt, nhớ thương khi xa con, ngay cả có thể tạo ác nghiệp vì con... Những hy sinh vĩ đại của người mẹ ảnh hưởng đến thân xác mẹ vốn đã yếu đuối cho nên Phật dạy chỉ nhìn nắm xương khô sắc đen và nhẹ là biết của người phụ nữ! Ngày nay với tiến bộ của khoa học tuy việc sinh và nuôi con có phần ít vất vả hơn xưa, nhưng xã hội đầy những tội ác, cạm bẫy nguy hiễm làm bậc cha mẹ càng thêm bội phần lo lắng, đau khổ vì con.

Bài kệ thứ tám sau đây nói về lòng thương nhớ của người mẹ khi phải sống xa con là một áng thơ tuyệt tác. Đức Phật dùng phương pháp ẩn dụ để diễn tả một cách cụ thể sự đau đớn cùng cực của mẹ:

Từ biệt lòng khôn nhẫn,

Sinh ly dạ đáng thương.

Con đi đường xa cách,

Mẹ ở chốn tha hương.

Ngày đêm thường tưởng nhớ,

Sớm tối dạ vấn vương.

Như vượn thương con đỏ,

Khúc khúc đoạn can trường!

Lòng yêu thương của người mẹ đối với con là một bản năng tự nhiên có thể hình dung được, nhưng dùng hình ảnh của loài vượn đứt ruột vì phải rời xa con đỏ để so sánh với nỗi đau của người mẹ trong cảnh tử biệt sinh ly quả là một nhận xét khoa học vô cùng chính xác. Một vị tăng sĩ trong một băng thuyết pháp về lễ Vu Lan tường thuật rằng lúc còn trong trại cải tạo một hôm ngài chứng kiến một toán người đuổi bắn một con vượn mẹ. Tuy bị thương nặng nhưng vượn mẹ vẫn ôm chặt vượn con và chỉ buông mình rơi xuống chết sau khi chính tay trao vượn con cho vượn cha. Theo lời vị tăng sĩ, khi mổ thịt vượn người ta thấy một sự kiện kỳ lạ: ruột vượn mẹ đứt khúc từng đoạn. Cách đây hơn 2500 năm trước khi ngành giãi phẫu ra đời Phật đã biết nỗi đau đớn vì xa con có thể khiến loài vượn vốn linh mẫn như loài người có thể “khúc khúc đoạn can trường.”Dùng hình ảnh so sánh này Phật muốn nói loài thú còn thương con đến thế huống gì loài người, nhất là người mẹ có con thơ.

Bài kệ thứ mười của Phật về đại ân của phụ mẫu ca tụng tình thương vĩnh cữu của bậc sinh thành, một tình thương, theo lời Phật, chỉ có ở loài người:

Công cha cùng đức mẹ,

Cao sâu tợ vực trời.

Mẹ già hơn trăm tuổi,

Còn thương con tám mươi.

Bao giờ ân oán hết?

Tắt nghĩ cũng chẳng thôi!

Ca dao Việt Nam cũng có những câu tuyệt vời về công ân cha mẹ như: “Công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.” Nhưng không gì đánh mạnh vào tâm can con người bằng hình ảnh người mẹ già hơn trăm tuổi thoi thóp trên giường bệnh vẫn còn đau nỗi đau nhớ con. Nhận xét này của Phật làm tôi nhớ đến Ba tôi. Ở tuổi ngoài chín mươi ký ức Ba tôi đã cằn cỗi nhưng nghe tin tôi lâm bệnh nặng ở nước ngoài ngày nào người cũng hỏi thăm người em tôi về tôi. Ngay lúc lâm chung Ba tôi hình như vẫn có ý nuối chờ tôi và chỉ nhắm mắt khi biết rằng tôi không về được nữa! Tôi tin rằng trường hợp của Ba tôi không phải duy nhất. Ngoài ra, như kinh nói, còn có nhiều bậc cha mẹ vì quá lo toan hạnh phúc cho con đã “cam lòng tạo bao ác nghiệp”để rồi sau này phải gánh chịu quả báo một mình.

Đức Phật vì lòng từ bi kêu gọi sự quan tâm của con cái đối với các bậc sinh thành. Theo lời Phật, không gì bị quả báo ghê rợn bằng tội bất hiếu. Kinh Đại Báo Ân Phụ Mẫu nói: “Ở trên thế gian, những người bất hiếu sau hết duyên trần, nguyên cái xác thân chôn vùi dưới đất, còn phần kinh giác là cái chân thân phải vào Địa ngục A Tỳ cam chịu cực hình…trãi trăm nghìn kiếp, hết hạn ấy rồi lại vào ngục khác.” Là người con Phật, chúng ta nên tin lời dạy này của Ngài, nhưng nếu ta còn hoài nghi vì trưởng thành và được giáo dục trong xã hội duy lý phương Tây ta cũng có thể lý luận như thế này để biện minh sự cần thiết phải đối xử tử tế với các đấng sinh thành: Thật làkhông công bằng khi ta xử tệ hay quay lưng lại với kẻ đã tốt với ta, nhất làkẻ ấy là cha mẹ ta. Rút kinh nghiệm làm việc lâu năm với sinh viên Mỹ, mỗi lần tôi thấy các bạn trẻ ấy vi phạm nội qui lớp học tôi trách cứ các bạn là không công bằngvới tôi và các bạn khác là bọn họ lộ vẻ hối hận ngay.

Tôi không có ý muốn các bậc cha mẹ bảo con cháu mình trưởng thành ở Âu Mỹ những lời như thế. Nhưng tôi khuyên các em, các cháu nên tự nhắc đến lẽ công bằngnày một khi vì hoàn cảnh phải lơ là bổn phận đối với cha mẹ. Người Mỹ, như tôi được biết, cũng hiếu thảo với các bậc sinh thành của họ lắm. Một vị thầy cũ của tôi, Giáo sư Elspeth Rostow ở Đại học Texas, săn sóc bà mẹ đau yếu của mình tại nhà thay vì gửi bà cụ vào viện dưỡng lão. Cứ mỗi lần tôi đến thăm là thầy tôi cho tôi vào chào bà cụ, có lẽ muốn tôi thấy bà ấy cũng theo truyền thống Đông phương coi việc hiếu thảo với mẹ hết sức quan trọng.

Nhưng báo hiếu bằng cách bảo bọc thương yêu cha mẹ không phải là điều duy nhất chúng ta phải làm. Phật dạy ngoài việc chăm lo cha mẹ đầy đủ về phương diện vật chất người con hiếu thảo phải quan tâm đến phần tâm linh của hai thân bằng cách khuyến khích hai thân tìm đạo giải thoát, tránh tạo thêm ác nghiệp. Sau khi cha mẹ qua đời người con phải bố thí cho kẻ nghèo khổ, cúng dường Tam Bảo, cầu siêu cho cha mẹ vãng sinh.

Người Phật tử muốn báo hiếu nên đọc tụng kinh Đại Báo Ân Phụ Mẫu, Điạ TạngVu Lan Bồn để thấm nhuần giáo huấn của Thế-Tôn về đạo làm con. Để nhắc nhở bổn phận của mình đối với các đấng sinh thành còn tại thế không gì tốt hơn bằng cách thầm niệm danh hiệu Đức Mục Kiền Liên khi còn được may mắn phụng dưỡng song thân và đặc biệt như là một cách sám hối mỗi khi nảy ý niệm bất hiếu với các ngài.

Các bạn trẻ ngày nay có diễm phúc được các vị bồ tát tạo cơ hội vun trồng và phát triễn đạo hiếu và từ. Tại Mỹ có thầy Phó Tế, nguyên nhạc sĩ Vũ Thành An, đã thành lập hội nuôi người già cả neo đơn ở quê nhà được giới trẻ hải ngoại rất hưởng ứng. Trong dịp đến thăm Thiền viện Bát Nhã khi về quê hương nhiều năm trước đây, tôi rầt xúc động khi được thầy Pháp Bảo cho biết Thiền Sư Nhất Hạnh đã cho xây dựng một trụ sở lớn trong khuôn viên Thiền viện làm nơi cư ngụ cho các vị cao niên vì hoàn cảnh không được sống gần con cháu. Đây là nơi các thanh thiếu niên Phật tử thực hành hạnh từ bi bằng cách trực tiếp chăm sóc nhựng vị già yếu neo đơn, bệnh tật. Theo kinh Phật, mọi chúng sinh có thể là người thân của mình trong quá khứ. Do đó, biểu hiện lòng từ đối với tha nhân cũng là một hình thức báo hiếu đối với cửu huyền thất tổ của mình. 

Người Việt dù sống ở đâu nói chung đều xem đạo hiếu làm trọng. Nhưng hiếu theo nghĩa chỉ săn sóc, bảo bọc cha mẹ lúc hai thân già yếu mà thôi vẫn chưa hoàn toàn. Lòng hiếu thảo phải luôn đi với kính thương. Đức Thế-Tôn lễ lạy đống xương khô là để bày tỏ lòng kính thương lớn lao của Ngài đối với các bậc phụ mẫu trong thời quá khứ. Ở nước ngoài các em, các cháu hình như không có khó khăn nhiều trong vấn đề biểu lộ lòng thương yêu các đấng sinh thành. Nhưng vì sinh trưởng trong xã hội Âu Mỹ quá chú trọng tự do và bình đẳng, các em và các cháu trong ngôn ngữ và hành động vô tình phạm tội bất kính với ông bà, cha mẹ của mình khiến cho các ngài cảm thấy tủi thân. Để giúp con cháu chúng ta vun trồng và phát triễn lòng hiếu đạo, thiết nghĩ các bậc cha mẹ nên tạo cơ hội cho họ làm quen với đạo Phật và văn hóa truyền thống của chúng ta. Hãy dạy con cháu chúng ta ngôn ngữ và văn hóa Việt, hãnh diện nguồn gốc của mình, đem chúng đến chùa lễ Phật, hay nếu có phương tiện khuyến khích chúng tham gia sinh hoạt Gia Đình Phật tử. Riêng phần cha mẹ cũng nên tha thứ, khoan dung khi con cái lầm lỗi để họ có dịp hối cải. Làm được những việc như thế là chúng ta đã giúp cho con cháu chúng ta tạo được thiện nghiệp và cũng là một phương cách báo hiếu cho tổ tiên và đền ân cho Đức Thế-Tôn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 5348)
Từ khi loài người có mặt ở hành tinh màu xanh này, tình mẹ con đã có mặt. Các loài có tình thức đều có tình cảm đó, nhưng rõ nét và dễ nhận diện vẫn là tình mẹ con trong cõi giới người ta. Văn chương thơ ca từ xưa đến nay không biết bao nhiêu bài viết về tình mẹ, viết hoài vẫn không hết, vẫn mới, vẫn rung cảm sâu xa. Ai đó mà biết nhớ ơn mẹ, thương mẹ từ trong tâm cảm, lời thốt ra đều rung động lòng người.
10/04/2013(Xem: 5445)
Lời Ban Biên Tập: Có một câu chuyện khác về mèo biết niệm Phật, nhưng làm sao để có bằng cớ là câu chuyện đó có thật hay không? Sau khi mèo mất, được chôn ở vườn sau của chùa, mặc dầu gần đó không ao nước gì cả, nhưng trên mộ nhỏ của mèo lại mọc lên một đóa hoa sen. Điều này cho thấy súc sanh cũng có Phật tánh.
10/04/2013(Xem: 6171)
Mỗi mùa Vu Lan báo Hiếu, tâm hồn tôi lại vấn vương nhớ về những kỷ niệm đã trôi qua trong cuộc đời tôi. Cha tôi mất sớm, lúc đó tôi chỉ được mười lăm tuổi, lứa tuổi còn ngây thơ chưa hiểu nhiều về cuộc đời, nhưng tôi cũng biết được đó là một biến cố và một sự mất mát lớn trong cuộc đời của tôi.
10/04/2013(Xem: 4203)
Tôi là một Phật tử cư ngụ tại miền Đông Bắc nước Mỹ, tiểu bang Pennsylvania. Tiếng là Phật tử nhưng thật ra tôi chỉ mới chập chững bước vào cửa đạo. Tôi biết rất ít về Phật pháp. Nhưng có lẽ nhờ nhân duyên đặc biệt nào đó từ đời trước, nên tôi tin tưởng hết lòng vào Pháp môn Tịnh Độ.
10/04/2013(Xem: 4617)
Mẹ ơi, đã nhiều năm rồi mà thi thoảng con vẫn nằm mộng thấy Cha. Mỗi lần như vậy,lòng con thật hạnh phúc. Có lẽ Cha vẫn luôn bên cạnh con khi con một mình nơi chốn cửa Thiền u tịch. Nhưng rồi tỉnh dậy thì con lại nhớ Mẹ làm sao !...
10/04/2013(Xem: 7846)
Có một vị bồ-tát rất tầm thường ở trong nhà của tôi, nhà của các bạn, nhà của mọi gia đình ở xứ này. Vị bồ-tát ấy cũng có mặt ở các văn phòng, hãng xưởng, bệnh viện, trường học, v.v… từ tư nhân đến công quyền. Ở nơi sang trọng thì ăn mặc gọn ghẽ, hình dáng thon thả, nhẹ nhàng; ở nơi xập xệ thì hơi cồng kềnh, luộm thuộm một chút. Nhưng vẫn cái dáng đó, ai nhìn vào cũng nhận ra.
10/04/2013(Xem: 4941)
Tuesday, September 08, 2009 Chuyến đi California của hai mẹ con cùng người anh khởi đầu bằng trầm lặng. Mãi đến phút chót nhờ mạng lưới điện toán, việc trở thành nhanh chóng. Chỉ vài phút trên màn điện, bấm vài lần trên bàn chữ là xong hoàn toàn việc mua vé máy bay cũng như chỗ ở. Vé mua làm xôn xao đàn em gái lúc nào cũng chăm chỉ vùi đầu vào công việc. Với lũ em, chuyện đi xa vài ngày là đắn đo quanh từng sắp đặt lớn........
10/04/2013(Xem: 4080)
Là người Việt Nam, ít ai không thuộc dăm ba câu trong truyện Kiều, cũng như ít ai không biết tác giả áng văn tuyệt tác viết bằng thể thơ lục bát đó là thi hào Nguyễn Du. Rất nhiều đoạn, nhiều câu, nhiều tình huống trong truyện Kiều đã trở thành văn học dân gian vì những tâm trạng, những hoàn cảnh đó quá gần gũi với môi trường thực tế trong xã hội, cả thời xưa cho đến ngày nay.
10/04/2013(Xem: 4833)
Trăng 14 lẻn nhẹ vào Am. Mắt khép hờ mà hành giả vẫn thấy rõ. Nhưng trăng ngây thơ, tưởng sẽ đùa như trẻ nhỏ khi vờn lên vạt áo tràng nâu làm hành giả giật mình, để trăng khúc khích cười. Thôi được, giả như không thấy mà tạo niềm vui thì có sao đâu, nhất là niềm vui này lại tặng ánh trăng, đối tượng tri kỷ thường cùng tọa thiền những đêm tĩnh lặng.
10/04/2013(Xem: 4865)
Tựa bài viết có vẻ không ổn vì hai hình ảnh tương phản này có thể chẳng bao giờ thấy nhau. Không có người nhà giầu nào lại dùng cái bát đã sứt mẻ; cũng như, cái bát nào trong bếp người nhà giầu mà chẳng may bị mẻ thì số phận nó nhiều phần sẽ nằm trong thùng rác!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]