Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

3. Ngày Lễ hội truyền thống

03/08/201114:55(Xem: 3623)
3. Ngày Lễ hội truyền thống

VU LAN VÀ TUỔI TRẺ
Thông Huệ
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo 2008

NGÀY LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG

Hàng năm, vào ngày rằm tháng bảy, các Phật tử đến chùa tụng nghi lễ Vu Lan, nghe quý thầy giảng về đạo Hiếu; đây là một điều rất đáng tán dương. Có thể nói, ngày Vu Lan đã trở thành một lễ hội truyền thống, là ngày đền ơn đáp nghĩa, không chỉ riêng cho những người con Phật, mà chung cho cả dân tộc Việt Nam. Vì vậy, nhân mùa Vu Lan năm nay, chúng ta cũng cần nhắc lại những ý nghĩa sâu xa của lễ hội này, để hiểu rõ do đâu mà ngày rằm tháng bảy được gọi là ngày Vu Lan báo hiếu, ngày xá tội vong nhân, ngày Tự tứ và là ngày Phật hoan hỷ.

VU LAN VÀ ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA

Đức Khổng Tử đã nói: “Nhơn vi vạn vật tối linh” (Con người là tối linh trong muôn vật). Loài vật chỉ có thiên tính nuôi con, không có ý thức phải sống như thế nào cho phù hợp với đạo đức; còn con người có khối óc, có lý trí, nên ngoài bản năng, con người còn biết nhớ ơn và đền ơn. Chúng ta sinh ra và lớn lên, không ai có thể độc lập tồn tại được, mà phải nhờ cha mẹ và các ân tình khác trong cuộc sống. Đức Phật dạy, có bốn ơn lớn mà con người cần phải biết để báo đền: Ơn cha mẹ, ơn sư trưởng, ơn chúng sanh và ơn tổ quốc, gọi là Tứ trọng ân.

Trong các hình thức văn hóa, chúng ta thường thấy ca ngợi tình mẹ hơn là tình cha. Không phải vì cha không thương con bằng mẹ, công lao nuôi dạy con không bằng mẹ, mà bởi vì tình cảm của người cha thường ít biểu lộ ra ngoài, nên con cảm thấy gần gũi mẹ hơn cha. Thật ra, đức nghiêm của cha và đức từ của mẹ kết hợp nhau, dung hòa lẫn nhau mới tạo nên sinh khí và sự bình ổn trong gia đình, mới là điều kiện cần và đủ cho sự giáo dục con cái.

Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

Công của cha cao vòi vọi như ngọn núi lớn, nghĩa của mẹ rạt rào bất tận như suối nguồn. Công và Nghĩa là hai phạm trù có thể diễn đạt được ý nghĩa của tình cha mẹ đối với con. Hiểu được điều này, chúng ta thấy cha và mẹ đều có địa vị cao cả ngang nhau trong lòng con cái. Vì vậy, mỗi người chúng ta đều phải tìm mọi cách báo đáp trọng ân này. Nhưng làm cách nào để báo đáp cho tròn chữ hiếu?.

Kinh Tăng Chi Bộ tập I, Phật dạy rằng: “Những ai đền ơn bằng cách nuôi dưỡng cung phụng cha mẹ bằng của cải vật chất, thì không bao giờ đủ để trả ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỳkheo! Ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích hướng dẫn an trú vào thiện giới; đối với cha mẹ xan tham, khuyến khích hướng dẫn an trú vào bố thí; đối với cha mẹ theo ác-trí-huệ, khuyến khích hướng dẫn an trú vào trí huệ. Cho đến như vậy, này các Tỳkheo! Là làm đủ và trả đủ ơn cha và mẹ”. Dựa vào lời Phật dạy, chúng ta đã biết báo hiếu đúng nghĩa phải như thế nào. Trước tiên, chúng ta phải lo cho cha mẹ đầy đủ về vật chất, tùy khả năng của mỗi người. Kế đến, chúng ta phải nghĩ đến đời sống tinh thần và đạo đức cho cha mẹ. Nếu người có tà kiến, phải giúp đỡ người có được chánh kiến; nếu người theo tà giới, phải khuyên người theo chánh giới; nếu người làm điều ác, phải khuyên người làm những hạnh lành; nếu người chưa có chánh tín, phải khuyến khích người trở về nương tựa nơi Tam-bảo, sống một cuộc đời hiền thiện.

Chúng ta đọc câu chuyện Ngài Mục Kiền Liên và Ngài Xá Lợi Phất là hai vị đệ tử lớn của Phật, thấy hai Ngài đều có mẹ vì tạo tội nên bị đọa vào khổ xứ. Sau khi được Phật chỉ dạy, các Ngài khẩn thiết xin với chư Tăng tu hành thanh tịnh, vào ngày rằm tháng bảy thành tâm chú nguyện cho mẹ mình. Tâm thành của chư vị Thánh Tăng chuyển được tâm ác của hai bà mẹ nên hai bà thoát kiếp đọa đày. Chuyện này cho thấy, hai vị tôn giả dù xuất gia tu hành đã được giải thoát, vẫn nhớ đến công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ. Không phải chỉ nhớ đến cha mẹ đời này, mà còn nghĩ tưởng đến cha mẹ và bà con quyến thuộc ở vô số kiếp về trước. Đức Phật đã từng lạy đống xương khô, nhân đó thuyết bài Kinh Báo Hiếu Phụ Mẫu, một áng văn tuyệt tác, làm rơi lệ biết bao nhiêu người từ thời ấy cho mãi đến ngàn sau. Cho nên, với tầm nhìn của người bình thường, những người xuất gia dường như là bất hiếu. Nhưng thật sự, cung phụng cha mẹ bằng món ngon vật lạ chỉ có giá trị giới hạn, vì thuộc về vật chất hữu hình hữu hoại. Còn người xuất gia tu hành đạt đạo, khuyến khích cha mẹ cùng tu hành để thoát khổ sinh tử luân hồi, đó mới là đại hiếu vì có giá trị vĩnh hằng, đó mới thực sự xứng đáng đền ơn cha mẹ.

Kinh Tương Ưng tập I có nói:

Người nào theo thường pháp,
Nuôi dưỡng mẹ và cha,

Chính do công hạnh này,

Đối với cha với mẹ,

Nhờ vậy bậc Hiền Thánh,

Trong đời này tán thán,

Sau khi chết được sanh,

Hưởng an lạc chư Thiên”.

Thường pháp là pháp không biến đổi theo thời gian và không gian, là chân lý muôn đời. Do lòng hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ, những người con ấy được các bậc Hiền Thánh tán thán; và sau khi chết được sanh về cõi trời, hưởng nhiều sự an lạc. Thật ra, một người con hiếu thảo sẽ tự cảm nhận trong thân tâm mình có sự tươi mát bình an. Đó là cảm thọ của chư Thiên ngay trong hiện kiếp. Ngược lại, những người bất hiếu với cha mẹ thì không xứng đáng với danh nghĩa là người. Đây là điều kiện để những tội ác khác phát sinh, vì đạo hiếu là căn bản của đạo đức con người. Nếu chúng ta không thương cha mẹ, thì chắc chắn không thể nào chúng ta có tình thương thật sự đối với ai. Cho nên, điểm đầu tiên của lòng từ bi phải là lòng hiếu thảo. Phật đã dạy, phụng thờ trời đất quỷ thần không bằng hiếu kính với cha mẹ, vì cha mẹ là thần linh bậc nhất, chính là Phật tại thế. Điều này cho thấy, địa vị của cha mẹ đối với con cái rất quan trọng. Nhất là trong xã hội hiện tại, đôi nơi đã đánh mất nền tảng đạo đức, chạy theo xa hoa phù phiếm, thì trong gia đình và học đường, mỗi đứa trẻ đều phải được dạy bảo để thấm nhuần về đạo hiếu.

Ơn lớn thứ hai cần phải báo đáp là ơn đối với sư trưởng. Đó là các thầy cô dạy chúng ta những kiến thức thế gian, từ lúc còn thơ chưa biết chữ đến khi thành người hữu dụng. Người tu còn có một ân nghĩa xuất thế, đó là Chư Phật Bồ tát và Thầy Tổ. Chính các Ngài có đầy đủ Phật nhãn, pháp nhãn, huệ nhãn, giúp chúng ta có một cái nhìn siêu việt về cuộc sống, giúp chúng ta đẩy lui vô minh, tẩy trừ tập khí phiền não, để trở thành một người tự tại an lạc trong dòng đời. Cho nên, tinh thần tôn sư trọng đạo, từ bao giờ cho đến bây giờ, vẫn cần được nhắc nhở và đề cao.

Đối với ơn chúng sanh, ta cần phải quán chiếu mới thấu triệt. Thân chúng ta sinh ra và lớn lên là nhờ công ơn của rất nhiều người, từ người nông phu cho lúa gạo, người thợ dệt cho vải vóc, người thợ nề xây nhà cho ở... đến bạn bè, người láng giềng, những kẻ giúp việc... mỗi mỗi đều giúp đỡ ta trong những công việc hàng ngày. Nhìn rộng hơn, chúng ta sẽ thấy có một sự liên hệ hỗ tương giữa mình và vũ trụ vạn hữu, đây là thuyết trùng trùng duyên khởi Phật đã dạy. Cho nên, không những nhớ ơn chúng sanh hữu tình, ta còn phải mang nặng công ơn của vạn vật vô tình nữa. Vào thời đức Phật, một vị Tỳ kheo ngồi nghĩ dưới gốc cây một lát rồi ra đi, cũng phải nhớ ơn cái cây đã tỏa bóng mát che nắng cho mình. Nói gì đến không khí chúng ta thở, nước chúng ta uống, ánh sáng mặt trời ban sức sống cho muôn loài... Tất cả là ơn chúng sanh mà mỗi người đều thọ nhận, dù khó thể đáp đền. Vì thế, nếu có dịp cứu giúp người hoạn nạn, khốn khổ hơn mình, nếu nơi nào bị thiên tai dịch họa, chúng ta cần đóng góp tài lực, vật lực, tùy theo khả năng. Đây là tinh thần lá lành đùm lá rách, mà cũng là để đền ơn chúng sanh. Trong nhiều kiếp luân hồi, biết đâu những người bị nạn ấy là thân nhân quyến thuộc của mình? Với cái nhìn duyên sinh, phóng tầm mắt đến đâu ta cũng thấy toàn là bà con thân quyến. Mà đã là thân nhân với nhau, chẳng lẽ chúng ta nỡ làm hại người, làm người phiền não, chẳng lẽ không cùng gánh vác chia xẻ những nỗi đau thương mất mát của người? Đây chính là tiền đề của lòng từ bi, ban vui và cứu khổ.

Ơn lớn thứ tư là ơn đối với tổ quốc. Nếu không có sự bảo hộ của nhà nước, của pháp luật; nếu không có binh phòng, vệ phòng ngày đêm giữ gìn an ninh trật tự và đề phòng giặc ngoại xâm, liệu chúng ta có yên ổn sinh sống và tu hành được không? Những người Việt sống xa quê, do hoàn cảnh hay do sinh kế phải bôn ba nơi đất lạ, vẫn mang trong lòng nỗi nhớ quê hương. Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc luôn luôn vang vọng trong mọi con tim người dân Việt, vì vậy bao nhiêu giặc ngoại xâm - kể cả những kẻ thù hùng mạnh và hung hãn nhất, cũng đành chịu thất bại trước sức quật cường và tinh thần yêu nước của dân tộc Việt-Nam.

Làm người là một hạnh phúc vô cùng to lớn, nên chúng ta phải biết trân quý từng giây phút, để sống thế nào cho có đạo lý, phù hợp với tình cảm giữa người và người. Việc báo ân báo hiếu là điều cần thiết phải làm để đem lại hạnh phúc cho gia đình, tạo nền móng đạo đức căn bản, tạo sự an bình cho xã hội. Đây là nghĩa vụ thiêng liêng của tất cả mọi người, không phải dành riêng cho những người con Phật. Bởi vì, dù ở địa vị nào, sống trong quốc độ nào, theo tôn giáo nào, tinh thần đền ơn đáp nghĩa vẫn có giá trị muôn đời. Vì thế, có thể nhắc lại mà không sợ lầm, Vu Lan là một ngày lễ hội truyền thống của dân tộc Việt-Nam.

VU LAN VÀ TỰ TỨ

Một số Phật tử tụng kinh hằng đêm, chắc nhớ hai câu này:

Thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ”.
(Trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ tam đồ).

Những chúng sanh tạo nghiệp nặng nơi thân khẩu ý, lúc chết phải đọa vào ba đường ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Nhà Phật nêu lên hình ảnh của một người bị treo ngược chân lên trời, đầu chúc xuống đất, để tượng trưng cho những nỗi khổ cùng cực. Cái khổ cùng cực này không chỉ người bị đọa tam đồ mới chịu, mà ngay người đang sống, đôi lúc cũng lâm vào những cảnh quẩn bách khiến thân tâm có thể cảm nhận rõ điều này.

Tinh thần từ bi của đạo Phật ban rải khắp muôn loài. Cho nên, ngày Vu Lan còn có ý nghĩa là ngày xá tội vong nhân. Chúng ta đừng hiểu lầm Vu Lan Bồn là cái chậu đựng trăm món ngon, chờ đến ngày rằm tháng bảy đem đến chùa nhờ chư Tăng cầu nguyện cho thân nhân còn sống hay đã chết. Chữ Vu Lan Bồn có nghĩa là Giải đảo huyền hoặc Cứu đảo huyền, tức giải cứu khỏi cái khổ treo ngược.

Trong vòng luân hồi sanh tử, chúng ta đã bao lần là bà con quyến thuộc với nhau. Vì vậy, sự liên hệ do duyên nợ giữa chúng ta và tất cả chúng sinh cùng khắp pháp giới là một điều có thể hiểu được. Từ đó, tình thương của chúng ta sẽ chan hòa một cách bình đẳng đến muôn loài muôn vật, không hạn cuộc thời gian và không gian. Và ý nghĩa trọng đại của lễ Vu Lan chính là lòng biết ơn và đền ơn tất cả chúng sinh trong ba cõi sáu đường. Tình thương của chúng ta đối với mọi loài có tính cách xả kỷ, rộng lớn và bình đẳng chứ không còn là tình cảm luyến ái hệ lụy trong gia đình. Nếu hiểu được chân nghĩa này, từ trong vô thường huyễn mộng của cuộc sống, chúng ta sẽ tìm được một hướng đi và lẽ sống tốt đẹp cho mình và cho mọi người. Chính ngày Vu Lan giúp chúng ta hướng tâm mình đến chân trời bao la đó.

Nhưng làm cách nào để có thể cứu giúp chúng sinh đang bị đọa đày nơi khổ xứ ?

Đức Phật dạy, ngày rằm tháng bảy là ngày Tự tứ. Trong ngày ấy, chư Phật mười phương đều hoan hỷ, vì thấy chư Tăng tu hành thanh tịnh, hòa hợp. Nhờ đức hạnh, đạo lực của chư Tăng mới có thể hướng tâm người quá vãng đến nẻo thiện, chuyển được nghiệp ác cho họ. Như vậy, gốc của lễ Vu Lan là ngày Tự tứ.

Từ thời đức Phật còn tại thế, mỗi năm từ rằm tháng tư đến rằm tháng bảy, chư Tăng phải thực hiện chế độ an cư, nghĩa là yên ở nơi một trú xứ thu nhiếp các căn, nỗ lực tu tập Giới - Định - Huệ. Nguyên nhân đầu tiên để Phật đặt ra chế độ này, là vì trong ba tháng hạ, ở Ấn Độ mưa nhiều, nước ngập cả lối đi, sau đó côn trùng sinh sôi nảy nở, nên trở ngại cho việc đi lại hoằng pháp và vô tình giẫm chết côn trùng. Sau ba tháng cấm túc, Phật nhận thấy nhiều vị Tỳkheo đắc Thánh quả, nhờ ít bận rộn đi lại, tránh bớt các duyên và quyết liệt tu hành. Do kết quả đó nên sau này, chế độ an cư trong ba tháng hạ được duy trì mãi trong Tăng chúng.

An cư phải đi đôi với kiết giới. Sinh hoạt của chư Tăng trong thời gian này khác hơn so với ngày thường. Những ngày bình thường, do duyên sự bề bộn, các vị có thể du phương làm Phật sự, kỷ luật trong Tăng-đoàn có khi lơi lỏng. Nhưng trong ba tháng hạ, mọi việc đều thu xếp gọn lại, chư Tăng chỉ đi lại giới hạn trong khuôn viên của tự viện; chỉ có những vị có duyên sự đặc biệt, phải xin phóng giới mới được ra ngoài. Mới nhìn, chư Tăng có vẻ rảnh rỗi, không bận tâm về sinh kế vì nhờ Phật tử hỗ trợ cúng dường; nhưng thật ra nội tâm của các vị quả là một trường chiến đấu! Một mặt, phải khép mình vào một kỷ luật hết sức nghiêm khắc; mặt khác, phải chiến đấu không ngơi nghỉ với bao nhiêu tập khí phiền não. Nhờ vậy, sau thời gian kiết hạ, nếu vị nào giữ giới tinh nghiêm, nỗ lực tu học, có sức tỉnh lực thì sẽ có tiến bộ đáng kể; nơi nào tổ chức tu hành nghiêm túc sẽ có thể sản sinh những người xuất cách, còn nếu tổ chức lơi lỏng sẽ khó đào tạo được Tăng tài.

Cũng cần nhấn mạnh một điều: Tinh thần an cư là thanh tịnh và hòa hợp. Đây cũng là ý nghĩa của chữ Tăng và cũng là sức mạnh của Tăng đoàn. Một nhóm người chung sống hòa hợp với nhau nhưng tâm không thanh tịnh, sinh hoạt và hành động không theo chánh pháp thì không phải là người tu chân chính. Ngược lại, dù sống thanh tịnh, giữ giới đúng mức nhưng lại bất hòa với nhau, thì sức thanh tịnh cũng vẫn còn hạn chế, chưa đúng với danh nghĩa người tu.

Trong nhà Thiền, tinh thần an cư còn có một ý nghĩa về Lý. Dù ở nơi nào, dù vắng vẻ hay ồn náo, nếu sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà tâm không duyên theo các pháp, đó mới thật sự là “độc xử nhàn cư”. Như vậy, hàng cư sĩ tại gia, nếu sắp xếp được công việc, tránh bớt các duyên, hàng năm có thể tổ chức cho mình một thời gian nhất định nào đó để tĩnh tu. Do chúng ta căn cơ và trình độï tu hành còn kém, nên cần có độc cư về sự để trợ duyên cho việc tu tập.

Cuối cùng của chế độ an cư, và cũng là cốt tủy của lễ Vu Lan, là ngày Tự Tứ vào rằm tháng bảy. Tự là chính mình, Tứ là đưa ra trước mọi người. Nội dung của Tự Tứ là mỗi người tự trình bày những lỗi lầm mình đã phạm, không giấu giếm, gọi là phát lồ sám hối; đồng thời kính thỉnh đại chúng, nếu thấy, nếu nghe, nếu nghi mình có mắc phải lỗi nào mà chính mình không biết, xin từ bi và hoan hỷ nêu ra để mình sửa đổi. Đối với người thế gian, điều này thật khó thực hiện; nhưng đối với người tu thì đây là điều cần thiết. Người cử lỗi phải hoan hỷ, thật tâm muốn huynh đệ của mình tốt đẹp; người được cử lỗi cũng phải lấy làm sung sướng, vì có đại chúng chỉ dạy, ban bảo cho mình. Người xuất gia, nhất là mới vào đạo, phải được ở gần Thầy và đại chúng, để được chỉ bảo cho mình những điều mà tự mình không hay biết.

Do tất cả Tăng chúng đều an trú trong sự thật, can đảm tự cử lỗi của mình và chỉ lỗi cho người, nên ngày Tự Tứ là ngày chư Phật mười phương đều hoan hỷ. Do tâm các vị thanh tịnh như thế, Phật tử mới quy hướng về nơi kiết hạ, chờ ngày Tự Tứ nhờ chư Tăêng cầu siêu cho thân nhân đã khuất được sanh về các cõi lành, cầu cho người sống được thân tâm an lạc, vững chải sống trong chánh pháp. Nhờ phước lực của chư Tăng trong ba tháng thanh tịnh tu hành, nên thức tỉnh được tâm người đã khuất và làm người sống cảm thấy bình an. Cho nên, ngày rằm tháng bảy là ngày hết sức quan trọng trong ba tháng an cư. Bản chất của ngày này là An cư và Tự Tứ, từ đó mới có cái ngọn là Vu Lan và Báo Hiếu hay đền ơn đáp nghĩa.

Vu Lan chính là ngày hội tụ những niềm vui lớn trong tâm hồn những người con hiếu hạnh, những người có đạo đức, biết trở về nguồn cội. Nếu quán triệt được và sống được đúng tinh thần của Vu Lan, thì chính con người của chúng ta cũng là hiện thân của “Đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ tát”. Chúng ta không tìm một vị Mục Kiền Liên nào trong thời quá khứ, mà phải tìm Mục Kiền Liên ngay trong con người xác thịt của chúng ta.

Nhân mùa Vu Lan năm nay, đảnh lễ trước Phật đài, chúng ta thề nguyền noi gương hiếu hạnh của Ngài Mục Kiền Liên, làm tròn bổn phận của một người con hiếu thảo. Chúng ta cũng nhớ đến tất cả chúng sinh đang còn chìm đắm trong vô minh tăm tối, nguyện hồi hướng công đức cho muôn loài đều phát Bồ đề tâm, đồng tu hành và đồng thành chánh giác. Từ chỗ đứng vững chắc của mình bằng hạnh hiếu và bằng tất cả lòng thành, chúng ta đã có vật phẩm dâng lên cúng dường Tam bảo một cách có ý nghĩa.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/08/2016(Xem: 12625)
Thư mời tham dự Đại Trai đàn cầu siêu, giải oan bạt độ, Chẩn Tế âm linh, cô hồn tại nghĩa trang Oak Hill, San Jose Lễ Vu Lan 2016
01/08/2016(Xem: 5762)
Mỗi độ trung nguyên Mùa Vu Lan Thắng Hội hằng năm, đã trở thành Mùa Lễ Hội truyền thống không riêng Phật Giáo mà phổ cập rộng khắp dân tộc, quốc gia, liên quốc và thế giới, kể từ thời Đức Phật còn tại thế, xuyên qua 26 thế kỷ cho đến hôm nay. Người người con Phật hay không là con Phật, mỗi độ Vu Lan, không ai bảo ai, không ai nhắc ai, mà mọi người ai cũng chân thành khẩn thiết thành tâm hướng về mùa lễ hội thiêng liêng báo hiếu đền ơn tế độ.
30/07/2016(Xem: 12276)
Chiều nay tụng kinh Vu Lan - Lời kinh gió nhẹ lá vàng trước hiên- Mùa thu cũng đến rừng thiền- Mặc nhiên lá rụng về miền đất xưa.
30/07/2016(Xem: 10715)
Mùa Vu Lan có muôn ngàn loài hoa nở, mà đẹp nhất là hoa hồng. Bởi đó là màu của tình thương yêu và hiếu hạnh. Đóa hoa nói về sự hiếu hạnh của một vị Bồ Tát là đại đệ tử của Đức Phật - Bồ Tát Mục Kiền Liên. Sự hiếu hạnh đó đã được lưu truyền cho đến hôm nay và mai sau.
27/07/2016(Xem: 5647)
Từ nơi ấy chúng ta sinh ra. Từ nơi ấy, cha mẹ, ông bà chúng ta sinh ra. Nơi ấy, được gọi là quê cha (fatherland), là đất mẹ (motherland), là đất tổ, là tổ quốc, là quê hương (native land). Quê hương gắn liền với sinh mệnh, với dòng cảm thức và cảm xúc của chúng ta từ trong máu huyết.
26/07/2016(Xem: 13345)
Mùa Hiếu Vu Lan lại về - Hân hoan chào đón tràn trề yêu thương- Ân Cha Mẹ quả vô lường- Công lao trời biển tỏ tường lòng con
26/07/2016(Xem: 13994)
Vu Lan nhớ mẹ bao giờ - Dù bao cách biệt hai bờ đại dương- Mẹ là bài hát quê hương- Là đôi vai nhỏ chín thương sớm chiều-
22/07/2016(Xem: 8154)
Lễ Vu Lan khởi nguyên từ hạnh hiếu của Bồ Tát Mục Kiền Liên, đã trở thành mùa lễ đẹp nhất của nghĩa sống tình người với giá trị nhân văn sâu sắc. Lễ Vu Lan không những chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh mà còn giáo dục con cháu về lòng hiếu thảo đã vượt ra ngoài một lễ hội tôn giáo, trở thành một nền tảng đạo đức cao đẹp của xã hội. Đây là mùa Báo Hiếu, lễ hội của tình thương, của biết ơn, của báo ơn và đặc biệt là đối với cha mẹ, người luôn đi bên cạnh cuộc đời với trái tim thổn thức yêu thương.
19/07/2016(Xem: 5318)
“ Một hôm, Tôn giả Xá Lợi Phất đi trì bình khất thực trong thành Vương Xá, khi ngang qua một khu vườn, trong vườn có người Bà La Môn làm vườn, tuy nghèo khó và tuổi đã cao, nhưng phải đổi lấy sức già để được có chút vật thực nuôi thân qua ngày, ông thấy Tôn giả ôm bát đi ngoài ranh vườn, liền đến thăm hỏi thân thiện, sau đó để vào bát một muỗng thực phẫm mà ông có được phần thọ dụng trong ngày, Tôn giả chứng minh và chú nguyện phước lành cho ông. Và rồi cũng từ đó thời gian đã biền biệt giữa Tôn giả và ông lão Bà la môn làm vườn.
21/04/2016(Xem: 18523)
Tôi đã đọc trên internet một bài viết rằng nhiều đọc giả nói tác giả của bài thơ “Mất Mẹ” được trích dẩn trong cuốn truyện rất nổi tiếng “Bông Hồng Cài Áo” là của chính tác giả Nhất Hạnh. Lại có bài viết rằng nhiều người đã nghe trong chương trình phát thanh cũng nói tác giả bài thơ “Mất Mẹ” là của Thích Nhất Hạnh.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]