Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Năm tháng cuối đời

27/03/201113:32(Xem: 4400)
4. Năm tháng cuối đời

CẢM NIỆM VỀ MẸ
(Kính dâng mẹ cụ bà Nguyễn thị Sáu)
Hư Thân Huỳnh Trung Chánh

Năm tháng cuối đời

Cuối tháng sáu năm 2006, vừa nghe tin sức khỏe mẹ nguy kịch phải nhập viện cứu cấp tôi tức tốc đi Virginia bằng chuyến bay thâu đêm. Đến nơi, mẹ vừa từ bệnh viện về, cơn nguy không còn nữa nhưng sức khỏe thì khó có cơ hồi phục. Phần anh tôi, không ai tiếp tay, một mình chống chỏi lo cho mẹ mấy ngày đêm nên cũng đã đuối sức đờ đẫn cả người. Anh cho biết không còn sức chịu đựng nữa và quyết định đưa bà vào Viện dưỡng lão. Tôi đã từng đề nghị xin rước mẹ mấy năm qua, nhưng lần nào anh tôi cũng úp úp mở mở mà chẳng có câu trả lời dứt khoát, lần nầy, tôi vừa ngỏ ý lãnh trách nhiệm thì anh vui vẻ tán đồng ngay dù với chút ngại ngùng vì đã chuyển giao mẹ cho tôi trong tình trạng bệnh hoạn tệ hại này(1). Anh em thỏa thuận với nhau là tôi được tròn quyền chăm sóc tinh thần lẫn vật chất cho mẹ theo ý tôi, nhưng khi mẹ mãn phần phải chôn cất chớ tuyệt đối không hỏa thiêu. Mẹ tôi vốn dễ dãi và rất phục tòng anh tôi, nhưng quyết định thay đổi chỗ ở nầy khá quan trọng nên sau khi bàn bạc xong hai đứa thưa trình mẹ. Anh tôi lên tiếng :

- Lần nầy Chánh lên đây để đưa má về Cali sống với nó, má chịu không?

Má tôi hăm hở đáp :

- Má chịu chớ. Má muốn sống với Chánh mà!

Có lẽ anh tôi độ chừng mẹ tôi sẽ dùng dằng khó nghĩ, nên hơi bất ngờ trước thái độ hăng hái của mẹ, anh tần ngần giây lát, rồi ra vẻ như hỏi khó nhằm thăm dò lòng bà :

- Nó theo Phật giáo ăn chay trường, má ăn chay theo nó nổi không?

- Má muốn theo đạo Phật và ăn chay với nó nữa!

- Má chết nó rước “thầy chùa” tụng kinh đó nhen.

- Ờ! Má muốn được như vậy đó.

Mẹ tôi có thái độ rõ ràng quyết liệt như vậy khiến tôi là người bao năm tâm sự với mẹ, theo dõi từng biến chuyển tâm thức của bà còn ngạc nhiên, huống gì anh tôi vốn sống vô tư bên cạnh bà. Thật vậy, vào mùa Xuân năm 2005 mẹ chỉ đồng ý cho tôi niệm chú Vãng sanh khi từ trần, chớ hai mẹ con tôi chưa hề đề cập đến chuyện bà theo đạo Phật và tổ chức tang lễ Phật giáo bao giờ.

Có lẽ, không mấy tin tưởng lỗ tai của mình, nên hôm sau anh tôi hỏi mẹ lần nữa, nhưng bà vẫn giữ vững lập trường của mình.

Sau thời gian khoảng ba tuần chăm sóc cho bà đỡ suy yếu, anh em tôi đưa mẹ về Sacramento ngày 19.07.2006.

Kể từ năm 2005, sức khỏe của mẹ tôi tuột dốc nhanh chóng, tưởng như mình có thể thấy được mức biến chuyển diễn ra từng tháng, từng tuần. Mẹ càng yếu thì nhiệm vụ của tôi càng khó khăn. May là tôi đã liên tục chia sẽ với anh chăm sóc mẹ trong bảy năm qua, nên tương đối thạo việc. Tôi lại được nhà tôi và các con ủng hộ tận tình, bao thầu hết mọi việc trong ngoài thay tôi, nên dù giờ đây việc chăm sóc bà gay go hơn lúc trước gắp bội mà tôi vẫn đủ sức lo lắng vuông tròn cho mẹ sống tươi vui thoải mái. Anh tôi ở lại chơi mấy ngày, cũng nhận ra điều đó nên đã buột miệng :“Nếu biết má về đây hạnh phúc như thế nầy thì anh đã đồng ý đưa má về đây lâu rồi”.

Mấy năm trước tôi thường lo lắng nghĩ đến những bất tiện của người con trai khi săn sóc cơ thể mẹ, nhưng đến lúc cần thì mọi sự đều suông sẻ tốt đẹp. Khi tắm rửa cho mẹ, đến phần kín đáo anh tôi xối nước cho mẹ tự lo, nên không sạch lắm. Phần tôi, tôi tự coi mình là con gái của bà, mà bà cũng chính là Bồ Tát Quan Âm của tôi, nên tôi an nhiên thay tả, kỳ cọ rửa ráy cho bà sạch sẽ chẳng “quái ngại” gì cả. Người ta mỗi năm hành lễ mộc dục tắm Phật chỉ có một lần, còn tôi được tắm Bồ Tát hà rầm, kể ra mình có diễm phúc hơn người rồi.

Chúng tôi chủ trương cho mẹ ăn uống theo sở thích chớ không kiêng cữ, nên nhà tôi và các con lăng xăng sưu tầm thức ăn hợp khẩu vị bà. Sợ con cháu cực nhọc, bà thường nói : “Má ăn cái gì cũng được miễn no thì thôi, mấy đứa lo lắng làm gì?” Bà cũng đòi chay lạt theo chúng tôi, để nhà tôi đỡ phần nấu nướng, nhưng sợ bà mất sức, chúng tôi ép bà tiếp tục ăn thịt cá bổ dưỡng. Bà chiều ý con cháu ăn uống chớ bà đâu quan tâm gì cái chuyện yếu sức hay già chết, bà thường nói “tới đâu hay tới đó, lo gì!”

Lo lắng sức khỏe và nhu cầu vật chất cho người mẹ già nua tuy thiết yếu, nhưng với tôi thì nhu cầu tâm linh của mẹ mới là mối âu lo dai dẵng dằn vật tôi bao năm trời. Mẹ tôi vốn là người chân chất hiền lành, có thể nói là rất thánh thiện, tâm bà tràn ngập tình thương yêu Thiên Chúa, chỉ biết ca ngợi chớ chẳng hề chê trách người, đối xử với ai, dù là đứa bé con, một người ăn xin... bao giờ cũng nhỏ nhẹ ngọt ngào, cũng thắm đượm lòng từ... Chính vì vậy, mà tôi tin tưởng rằng cứ vào thiện nghiệp nầy khi từ trần mẹ tôi chắn chắn sẽ sanh về cõi Thiên với Chúa. Nào ngờ thời thế đổi thay, điều kiện sinh sống trong nước ngột ngạt, mẹ con tôi phải vượt biên đến xứ người, bỏ lại trọn vẹn tài sản mà cả đời tằn tiện gầy dựng. Khi sống xứ người một thời gian bỗng nhiên mẹ bị lôi cuốn theo phong trào chánh trị chống Cộng chất ngất hận thù. Bà hào hứng làm loại thơ gay gắt lên án chửi bới Cộng sản, thơ được vài tờ báo địa phương ca ngợi đăng tải, nên lòng hờn căm trong bà càng sôi sục. Bà cũng thích miệt mài ngày đêm mê say phim bộ, mà nội dung không ngoài các đề tài yêu đương thù hận chém giết ma quái lừa đảo. Tôi vô cùng lo lắng cho mẹ. Tôi nghĩ rằng người mang cận tử nghiệp đang cuốn hút theo thế giới ảo gian ác của phim bộ và nhất là với hận thù chánh trị hừng hực, chỉ có thể sanh về cõi người hay ba đường ác, chớ làm sao về cõi Thiên cho được. Tôi cố gắng thuyết phục bà giữ lòng thanh thản như xưa, buông bỏ hận thù và thế giới ảo của phim bộ, nhưng lời năn nỉ nầy chẳng những vô giá trị mà còn khiến bà phiền giận tôi. Bất lực, tôi chỉ biết noi theo người xưa, chân thành Niệm Phật hồi hướng cho mẹ, cứ yên chí rằng đã có Phật gia bị thì chẳng có gì phải lo nữa. Nhiều năm trôi qua, tôi khám phá ra là mẹ tôi hốt nhiên quên hẳn một mảng thời gian lớn, trong đó có việc tin đạo Chúa và vụ hận thù chánh trị, ngược lại bà lại nhớ rành rọt thời đi chùa thuở nhỏ : danh hiệu chư Phật và Bồ Tát, tán hương, chú Vãng sanh vẫn còn thuộc làu làu(xin xem bút ký “Sống bù cho con”), đúng là “bất chiến tự nhiên thành”, tôi đỡ đi một mối lo tâm huyết.

Giờ đây mẹ tôi chỉ còn sở thích quay cuồng xem phim bộ ngày đêm. Tuy không tán thành, nhưng thương mẹ, tôi vẫn gắng gượng sưu tầm thêm vài bộ mới cho bà tiêu khiển. Trong thời gian nầy thỉnh thoảng tôi rủ mẹ niệm chú Vãng sanh, niệm chừng bảy biến thì còn hăng hái, kéo dài hơn thì bà ngao ngán, nhấp nha nhấm nhỏm liếc nhìn máy chiếu phim. Tôi hướng dẫn bà Niệm Phật, rồi mang các mẩu chuyện đạo hấp dẫn của thầy Thiện Hoa, của sư bà Thể Quán đọc cho bà nghe, hi vọng bà phát tâm bồ đề, nhưng bà cũng lơ là nên đành bỏ cuộc. Mẹ đam mê phim bộ, thế giới ảo của nó trám đầy ấp tâm tư bà rồi, không còn khoảng trống để chứa giữ cái gì khác, dù là câu Niệm Phật. Tôi muốn dẹp bỏ phim bộ mà không nỡ vì nghĩ rằng bà đã gắn bó với nó hơn hai mươi năm trời rồi, nó là nguồn vui lớn của bà lúc tuổi già, thiếu nó chắc bà sẽ buồn khôn nguôi. Tôi bất lực chẳng tìm ra giải pháp nào tốt đẹp cả.

Vào một đêm giữa tháng 9, như thường lệ tôi vào phòng đỡ mẹ dậy đưa đi tiểu. Sau khi bà nắm vững walker (khung gậy 4 chân, 2 chân trước có bánh xe, để vừa nương vừa đẩy đi tới) tự đi hai bước, tôi yên tâm loay quay chỉnh đốn lại mớ mền gối, vừa nhìn trở lại bỗng thấy bà chân bước đi mà đầu ngoảnh lại nhìn truyền hình. Tôi hoảng hốt nhưng chưa kịp phản ứng gì cả, thì đã thấy bước chân bà loạng choạng, rồi bà té ngã đập đầu vào truyền hình u một cục khá to (u nầy mất cả tháng mới hết bầm). Tôi vất vả đỡ mẹ dậy, thương đứt ruột, trong khi mẹ tôi sợ con lo lắng, ráng thều thào nói “má không đau con à!”. Tôi giận mình đã hơ hỏng nên mẹ mới lâm cảnh té thảm thương nầy. Tôi đẩy truyền hình vô một góc thật khuất để bà không cách nào đụng chạm tới được, rồi hai ngày sau tôi năn nỉ bà cho dẹp bỏ việc xem phim bộ, bà đồng ý chẳng chút đắn đo. Tánh bà rất dứt khoát, đồng ý rồi thì chẳng bao giờ nhắc tới phim bộ nữa. Không ngờ chính cái rủi đã mở rộng cho mẹ con tôi cả bầu trời may mắn sau nầy.

Từ đó, mẹ tôi bắt đầu chịu Niệm Phật, mỗi ngày ba đến bốn thời, tôi niệm chung với bà một lúc rồi bà tiếp tục niệm một mình sáu chữ “Nam mô A Di Đà Phật” nương theo máy Niệm Phật. Thỉnh thoảng tôi cũng bàn chuyện đạo giản dị(2) với bà, nhưng chánh yếu vẫn là câu Niệm Phật mà thôi. Nhận thấy mẹ chưa hăng hái lắm, một hôm nhân lúc mẹ vui, tôi thưa: “Má ơi nếu mẹ con mình cùng hết lòng Niệm Phật và đều về cõi Phật thì mẹ con mới gặp lại nhau, còn nếu Niệm Phật “lè phè” khi chết đào thai lung tung biết đâu mà tìm, làm sao gặp lại nhau. Vậy hai mẹ con mình hứa cùng hết lòng Niệm Phật để cùng được về cõi Phật, rồi gặp tại đó nghen má!” Mẹ có vẻ thích thú vụ ước hẹn gặp lại nhau nầy lắm, bà mạnh dạn cất tiếng “Ừa!” Kể từ khi hai mẹ con nhất trí hẹn gặp lại nhau ở cõi Phật, mỗi khi thấy bà giãi đãi, tôi chỉ nhắc lời giao ước nầy, thì bà cố gắng ngay.

Thời gian nầy mẹ tương đối khỏe và vui, nhưng vui thì đòi Niệm Phật thêm, chớ dường như bà chán ngán sự đời, rủ bà lên xe lăn đẩy đi công viên chơi hay đi dạo quanh xóm nhìn trời mây thì bà viện đủ mọi lý do từ chối. Có lần bà chỉ cái áo đang mặc có in hình trời mây... lên tiếng : “Trong áo nầy trăng sao đầy đủ hết, đâu cần đi đâu tìm nữa!” Sư cô Hạnh Giác từ thiền viện Viên Chiếu, Việt Nam sang ghé thăm, khen bà tuổi cao mà vẫn minh mẫn sáng suốt, nói năng tự nhiên mà bất ngờ dường như hàm ẩn hương vị thiền. Khi nghe sư cô thố lộ rằng đang phân vân chẳng biết nên sang Úc châu tu hay trở về Việt Nam tu, bà góp ý tức khắc:

- Tu thì ở đâu cũng tu. Tu ở Việt Nam cũng được, cần gì sang Úc!

Sư cô thấy bà đi walker lụm khụm lựa lời khai thị :

- Có thân khổ quá hén chị Sáu?

- Khổ gì mà khổ, nó đau thì biết nó đau, nó khỏe thì biết nó khỏe vậy thôi!

- Chị nói sao nghe thiền vị quá?

- Ai biết thiền vị gì đâu, nghĩ sao nói vậy thôi hà!

Đối đáp lanh lẹ như một thiền gia đắc đạo ngon lành như vậy mà khi nhắc đến lời trăn trối sau cùng của mẹ sư cô : “Vú muốn sống hoài để lo cho các con, mà không được nữa rồi...” Chuyện xảy ra chắc khoảng trên bốn mươi lăm năm về trước, mà nay kể lại mẹ tôi bỗng ứa nước mắt nghẹn ngào đứt khoảng. Vụ xúc động bất ngờ nầy khiến tôi lo lắng vô cùng. Giờ chót mà bà “đắm nhiễm con cháu” như thế nầy thì làm sao vãng sanh cho được. Khi chỉ còn hai mẹ con hủ hỉ bên nhau, tôi bèn gợi chuyện :

- Má ạ! Mình Niệm Phật nguyện sanh về cõi Phật, khi từ trần được Phật rước nhớ theo liền, đừng chần chờ nghen má!

Bà cười cười không trả lời. Chẳng biết bà nghĩ sao? Bà không tin tưởng vụ Phật rước hay bà tự biết lòng mình quấn quít con cháu chẳng rời không nỡ bỏ đi một mình? Tôi mới dong dài nhắc nhở chuyện xưa :

- Má nhớ không? Hồi mình khổ sở trong trại tị nạn, hai mẹ con cùng xin đi Mỹ, nhưng má được Mỹ nhận trước rồi đưa má đi ngay, vài tháng sau tới phiên con cũng được đi Mỹ, cuối cùng mình cũng gặp nhau. Nếu lúc đó, má ngần ngừ không chịu đi trước thì nguy lắm vì hồ sơ có thể bị dẹp bỏ, xin lại không dễ, rồi tương lai mẹ con mình chẳng biết ra sao nữa. Bởi vậy, lúc nào Phật rước thì má nhớ theo liền, đừng chần chờ quyến luyến đứa con nào mà gặp nguy hiểm rắc rối, nghen má!

- Ừa! má hiểu rồi, má sẽ theo Phật liền mà!

Vụ mẹ tôi ngưng xem phim bộ bằng ngõ ngách nào đã đến tai anh tôi. Tuy anh đã hứa cho tôi trọn quyền lo cho mẹ cách nào cũng được, nhưng theo quan niệm của anh, phim bộ là nguồn vui tối cần thiết, không có nó bà buồn khổ và điên loạn... Tôi giải thích rằng bà không khổ và điên chút nào mà ngược lại rất vui vì tôi dành nhiều thời giờ kề cận chuyện trò, nhưng anh không tin tôi. Thấy thuyết phục mà tôi cứ loanh quanh không trả lời dứt khoát, anh gợi ý tôi cho mẹ nghe đài truyền hình tiếng Việt phát sóng từ Nam Cali trong hệ thống cable, dĩ nhiên tôi cũng lơ là. Anh cứ áp lực tôi mãi chẳng buông tha nên cuối cùng tôi đành kêu gọi anh tôn trọng quyền tự do lo cho mẹ, mà anh em đã giao kết với nhau. Anh giận, gác điện thoại và kể từ đó tình anh em sứt mẻ khó lòng hàn gắn. Tôi rất thông cảm anh tôi, anh rất thương mẹ và mong mỏi tôi sẽ cung ứng các loại giải trí mà anh tin là “thần diệu”, nhưng tôi lơ là nên bất mãn cũng là chuyện thường tình. Phần tôi thì cũng vì thương mẹ sợ rằng trong thời gian cận tử mà tâm bị nhiễm độc bởi bầu không khí yêu ghét thù hận ác độc lừa đảo... của các loại giải trí tạp nhạp thì khó thoát khỏi đọa lạc vào ác đạo. Mẹ tôi biết bụng dạ của hai đứa con trai, nên mới tâm sự với sư cô Hạnh Giác rằng “về già may mà có hai đứa con trai săn sóc, nhưng mỗi đứa thương một cách...” Đúng như vậy đó, tôi thương mẹ theo cách của tôi chớ biết phải làm sao bây giờ?

Thật ra, chỉ nội cái việc có người thỉnh thoảng điện thoại cho mẹ gợi những chuyện bực mình cũ xì làm xao động tâm bà cũng khiến tôi mất ngũ rồi. Có lần ai đó đã phóng đại và bi thảm hóa chuyện nhà cửa ruộng vườn của Ông ngoại rằng “thằng đó - người anh bạn dì của tôi – nó phá tan hoang hết rồi, nó đốn cây bừa bãi bán đổ bán tháo, gạch đá cạy đem bán, đất vườn nó cũng cắt xẻ ra bán tuốt...” Ngôi nhà và thửa vườn nầy chứa chan bao kỳ niệm của mẹ, nên bà đau khổ ngẩn ngơ, lâu lâu lại áo não chép miệng than: “ngôi vườn của ngoại con tan hoang cả rồi!”. Tôi cố gắng giải độc: “Mình vượt biên thì nhà cửa mất hết, nếu anh ấy cũng vượt biên như mình thì thửa vườn của ngoại thành của thiên hạ. Nhờ ảnh ở lại giữ vườn nên nó mới còn, mình phải cám ơn ảnh mới phải, ảnh có công giữ thì có quyền buôn bán, chớ trách móc nỗi gì?” Thoạt nghe qua bà có vẻ đồng ý, nhưng phải cần đến hai ngày bà mới quên hẳn chuyện nầy.
Chính vì vậy cho nên tôi tránh né giao du, thân hữu muốn thăm mẹ, cực chẳng đã không có cách nào từ chối tôi mới buộc lòng tiếp xúc. Vì vậy, cũng có người không hiểu nguyên do đã phàn nàn tôi về chuyện nầy. Nhân đây tôi xin chân thành xin lỗi quý thân hữu có lòng tốt muốn viếng thăm mẹ mà vì lý do khó giải thích đã ngăn trở họ toại nguyện.

Mùa đông năm nay giá lạnh quá, dịch cảm cúm tràn lan khắp miền Bắc Cali. Trừ tôi ra, cả nhà đều bị cúm, bệnh nặng nhất là nhà tôi, phần mẹ thì tương đối nhẹ, uống thuốc cảm hai ngày đã có vẻ sắp hết, chỉ còn chảy mũi sơ sài. Sinh hoạt của mẹ ngày 04.01.07 vẫn diễn tiến bình thường cho đến 04.00 giờ chiều, khi chuẩn bị cho bà ăn buổi lỡ (bữa ăn bổ túc giữa trưa và chiều), thì mới khám phá hơi thở của bà khò khè mệt nhọc. Dù được cả nhà xúm xích tận tình săn sóc, nhịp độ khó thở lại gia tăng, nên chúng tôi quyết định gọi xe cứu thương khẩn cấp đưa vào bệnh viện Sutter điều trị. Mẹ bị viêm phổi (pneumonia) cấp tính nặng nên ngộp thở, nguyên nhân vì hệ thống nuốt hoạt động không bình thường, thức ăn uống đi lạc vào cuốn phổi mà sinh ra chứng viêm. Sau một tuần điều trị, bệnh viêm phổi hầu như chấm dứt, nhưng do phản ứng công phạt của trụ sinh, sức lực mẹ bị kiệt quệ không đi đứng được. Ngày 12.01.07 nhà thương chuyển mẹ sang trung tâm an dưỡng nhằm phục hồi khả năng đi đứng, và theo dõi hệ thống nuốt vẫn chưa hoạt động tốt, cần tuân theo chế độ ăn uống toàn chất sền sệt và xay thật nhuyển. Mẹ ngày càng yếu không hồi phục nổi, trung tâm an dưỡng không giúp ích gì về phương diện trị liệu, nhưng họ cung cấp được tấm nệm đặc biệt xoay chuyển tự động, và toán trợ tá giúp mẹ thay đổi độ nằm, tránh tình trạng lở lưng và mông vì nằm bất động.

Thời gian nầy tuy phải nằm một chỗ nhưng mẹ chỉ khó thở hai ngày đầu nhập viện, ngoài ra, tuy sức khỏe từ từ khô kiệt như ngọn đèn cạn dầu, nhưng trí óc vẫn linh hoạt, vẫn vui tươi và “tếu” rất đúng lúc, và đặc biệt Niệm Phật tinh tấn và thiết tha hơn trước nhiều.

Khi đứa cháu hỏi :

- Con có mập không nội?, bà “tếu” liền :
- Mập gì đâu! Chỉ có thịt bọc xương thôi hà!
Một người bạn của tôi viếng thăm, mời bà ăn bánh :
- Mời bác ăn một cái bánh cho vui!
Bà cười dí dởm đáp :
- Ăn mười cái mới vui, chớ ăn một cái chưa đủ vui đâu?

“Bà cụ có nụ cười dễ thương nhất trên đời!”, các cô y tá trợ tá đua nhau tán tụng bà như vậy. Mẹ không biết tiếng Mỹ, chỉ biết “I’m fine. Thank you”, vậy mà cũng đủ sức chinh phục mọi người, mấy mươi y trợ tá từng liên hệ với bà thương mến bà đã đành, các người làm việc nơi khác, nghe bạn bè kể chuyện bà cũng dẫn nhau tìm đến ngắm nhìn bà. Mẹ tôi xưa nay vẫn tươi vui, nhưng đạt được nụ cười dễ thương hồn nhiên tươi mát có sức thu hút mọi người có lẽ nhờ lòng thiết tha tinh tấn Niệm Phật, đã chuyển mình - duyên trần nhẹ hửng nụ cười hồn nhiên - và cũng chuyển người - niềm thương yêu tràn ngập -.

Bà già gốc Mễ 72 tuổi ở chung phòng không có phước như mẹ tôi, bị y trợ tá bỏ bê, tự múc ăn một mình đổ tháo tùm lum. Tôi chăm sóc cho mẹ, rảnh một chút, vội chạy đi chạy về đút cơm cho bà ta, giúp bà đỡ cô đơn buồn tủi và cũng đỡ đói nữa. Mẹ thương tình bảo chia thêm phần bánh ngọt và bánh ngũ cốc (cereal) của mẹ cho bà.

Có người ở chung phòng đôi khi cũng bất tiện, nhất là vào lúc mẹ con tôi đang Niệm Phật. Lần đó thân nhân họ đến cười nói ồn ào quá khiến mẹ bị phân tâm mãi, tôi liền nhắc nhở :

- Khi mình Niệm Phật thì chỉ lo Niệm Phật thôi, má đừng để ý chuyện người ta.

- Ừa! Niệm Phật thì không được lo ra phải không?

Chữ “không lo ra” nghiệm kỹ nghe thấm thía lắm, nó giản dị dễ hiểu làm sao, xài “nhất tâm bất loạn” cao siêu chi cho rắc rối. Từ đó, mỗi khi bà phân tâm, tôi chỉ nhắc bà “đừng lo ra” thì bà thúc liễm thân tâm tức khắc.

Một hôm bà kể chuyện chiêm bao thấy một sư cô lần chuỗi niệm “Nam mô Phật, nam mô Phật...” rồi thắc mắc chẳng biết niệm như vậy có đúng không? Tôi đáp :

Niệm Nam mô Phật thôi thì cũng tạm được, nhưng không rõ ràng không tốt bằng niệm đầy đủ “Nam mô A Di Đà Phật” vì ở đây mình nắm vững rõ ràng địa chỉ mình muốn đến để quyết lòng đi tới cùng, gặp người tốt giúp mình họ cũng nắm vững ý hướng mình để đưa tới nơi tới chốn. Còn Nam mô Phật ngắn có nghĩa mình chỉ muốn thoát khỏi thế giới nầy, nhưng chưa biết đi đâu về đâu thì ai giúp đỡ mình được.

Chừng một tuần sau, nhân khi tình nguyện lo cho nội thay tôi, thằng cháu rủ bà niệm Quan Thế Âm Bồ Tát, vị Bồ Tát mà cháu hằng kính ngưỡng. Mẹ phản đối tức khắc :

- Không đúng đâu. Ba con dặn chỉ niệm Nam mô A Di Đà Phật mà thôi!

Lúc sau nầy, tuy thỉnh thoảng tôi vẫn cẩn thận nhắc nhở bà “nhớ lời ước hẹn gặp nhau cõi Phật và Phật rước theo liền”, nhưng tôi hằng nghiêm mật quan sát bà, tôi hiểu tâm bà đã nhẹ tênh rồi, con cháu săn sóc thì sống vui với nó khi nó hiện diện, ngoài ra, chẳng vướng bận, chẳng màng chuyện đời nào cả. Có thể nói “Mẹ là lão thật, lòng dạ sáng trưng, tham sân si bỗng nhiên không còn hiện diện, tâm rổng rang chẳng bợn chuyện trần, nên Niệm Phật câu nào “chắc mẻm” câu đó. Vì vậy, tuy mẹ chỉ mới bắt đầu Niệm Phật khoảng tám tháng nay, nhưng tôi thực sự tin tưởng rằng mẹ sẽ vãng sanh. Con đường vãng sanh cùa mẹ, tôi cảm tưởng mình thấy rất rõ, trong khi cá nhân tôi, dầu đã Niệm Phật mấy mươi năm, mà còn đa sự nhiễm trần, nên tôi nhận thấy vẫn còn mù mịt vô cùng, càng nghĩ kỹ càng lo sợ hãi hùng.

Tuần cuối cùng bà đột ngột bỏ ăn, nài nĩ lắm chỉ chịu uống sữa và gà hầm thuốc Bắc, rồi đến ngày 16, 17 tháng 05, thì chỉ còn uống sữa. Dù vậy, tinh thần bà vẫn minh mẫn, bà vẫn cố gắng Niệm Phật mươi câu rồi nằm im lặng nghe tôi niệm tiếp, bà vẫn vui vẻ hỏi han cháu nội từ San Jose đến, cười đùa với mấy nữ trợ tá thăm hỏi bệnh tình. Sáng và trưa ngày 18, mẹ chỉ uống sâm, than mệt lắm nhưng vẫn ráng mấp máy Niệm Phật đôi câu. Đến tối không còn nói nổi, chỉ có thể thấm sâm vào miệng bằng một que vải sốp (sponge-cloth) mà thôi, dù vậy, khi tôi ngồi cạnh Niệm Phật, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe thấy bà thì thào niệm theo. Đến 10.00 giờ tối thằng cháu đến thăm, thấm cho nội tí nước, nội vẫn nằm ngủ yên.

Khi tôi bước vào trung tâm vào khoảng 07.15 sáng ngày 19.05.07, dự định hỏi sơ bệnh tình mẹ thì cô trợ tá đã vui vẻ thông báo : “Bữa ăn sáng đã chuẩn bị sẵn sàng. Bà cụ đợi ông đó!”. Tôi hấp tấp bước vào phòng, mẹ đã được lau mặt, chảy đầu tươm tất, ngồi dựa trên giường nệm đã được thu dọn thẳng nếp, trước mặt là khay thức ăn đặt trên cái bàn di động nhỏ. Vừa nhìn mẹ tôi bỗng cảm giác là bà đã ra đi, tôi bước nhanh đến sát bên bà, nhận thấy bà như thanh thản nhắm mắt yên ngủ, sờ trán còn ấm nhưng hơi thở không còn nữa. Tôi bước ra ngoài điện thoại bảo nhà tôi và con đến ngay, đoạn gọi cô trợ tá theo tôi vào quan sát mẹ. Cô trợ tá bối rối xin lỗi và quả quyết khi săn sóc mẹ tôi cùng với người bạn vào lúc 7 giờ sáng, mẹ vẫn bình thường – như vậy, thời điểm mẹ từ trần khoảng từ 7 giờ cho đến 7.15 giờ sáng mà thôi -. Cô chạy vội tìm hai y tá đến khám nghiệm chánh thức, cả hai kết luận mẹ qua đời. Tôi yêu cầu họ không quấy rầy chúng tôi trong tám giờ, và kéo màn che kín.

Tôi nhắc nhở mẹ :

- Thưa má! giờ nầy má khỏe má sung sướng không còn bị cái thân bệnh hoạn già nua làm bực mình khó chịu nữa rồi. Thế gian nầy xấu xa, ác độc, bệnh tật... toàn là khổ đau phải không má. Bởi vậy, mẹ con mình mới quyết định Niệm Phật để sanh về cõi Phật, nơi mình có thể vĩnh viễn sống an vui, hoàn toàn không có chuyện khổ. Bây giờ, má phải tiếp tục Niệm Phật hoài hoài, khi được Phật rước thì theo ngay, đừng chần chờ nghen. Giờ thì mẹ con mình cùng nhau Niệm Phật, không nên lo ra nghen má!

Tôi vặn máy Niệm Phật và nương theo khởi niệm. Trong tình huống đặc biệt nầy, tôi tự nhiên không cố gắng mà bao nhiêu chân tình dường như tập trung vào câu Niệm Phật, nên cảm thấy nhất tâm và tương giao cảm ứng với mẹ hơn bao giờ hết. Chừng nửa giờ thì nhà tôi và thằng út đến, rồi hai đứa con lớn từ San Jose lên hội nhập cùng nhau luân phiên hộ niệm không gián đoạn. Điều may mắn nhứt là trong lúc bất thình lình, và vào thời điểm tăng ni các chùa đang chuẩn bị lễ Phật đản, mà khi con tôi đến chùa Phổ Minh thỉnh ni sư Như Phương đến hộ niệm, ni sư đã hoan hỷ đi ngay. Tháp tùng còn có ni cô Như Hiệp, chùa Phật Tánh, Trà Ôn, Việt Nam vừa mới đặt chân đến Sacramento ngay chiều hôm trước.

Ni sư khai thị, ban pháp danh cho mẹ là Diệu Phước, rồi bắt đầu hướng dẫn Niệm Phật. Nhờ có hai sư cô tận lực tha thiết hộ niệm, uy lực câu Niệm Phật khởi sắc rõ rệt : hùng hậu và sâu xa hơn. Khi nhận thấy hai vị Niệm Phật liên tục hơn hai giờ đã mệt đuối, tôi cảm tạ và thỉnh hai vị về chùa nghỉ. Phần gia đình thì vẫn luân phiên hộ niệm đúng tám giờ, đến khi nhà quàn Oak Hill, San Jose đến rước thi thể (3.15 giờ chiều) mới chấm dứt.

Sau tám giờ hộ niệm, theo ni sư Như Phương(3) và nhận xét riêng tôi thì mặt mẹ vẫn tươi nhuận, lưỡi bà có phần tươi hơn(4), và khi nhà quàn cho bà nằm xuống để chuyển đi, thi thể vẫn mềm mại bình thường.

Vì thể lệ chôn cất tại Hoa Kỳ nghiêm nhặt, tang sự không thể tiến hành nhanh như tôi tưởng. Ngày thuận tiện và sớm nhứt mà nhà quàn chấp nhận được là ngày thứ sáu 25 tháng 05. Trong thời gian sáu ngày chờ đợi nầy, hằng ngày trước bàn thờ bà, tôi vẫn “động viên” mẹ : “Má ơi! Giờ nầy dù má đã hay đang về cõi Phật, xin má thương con tiếp tục Niệm Phật nghen má. Má Niệm Phật cho má mà cũng Niệm Phật để ủng hộ con nữa, thì mới mong mẹ con mình cùng sanh về cõi Phật!”.

Trong khi thỏ thẻ với bà, vào ngày thứ hai sau khi bà lìa đời, tôi bỗng cảm ứng ra một bài kệ nôm na, mà bạn đọc có thể đánh giá như là một bài thơ con cóc ngô nghê. Riêng tôi khi đọc tụng bài kệ nầy, tôi cảm thấy lòng mình ấm áp, tràn ngập thương yêu và niềm tin, nên xin ghi lại để cống hiến quý đọc giả :

Má thương con thì má Niệm Phật
Con thương má thì con Niệm Phật

Mẹ con mình đồng Niệm Phật

Nam mô A Di Đà Phật

Nam mô A Di Đà Phật

Nam mô A Di Đà Phật
(5)

Đến ngày 25 tháng 05 thi thể mẹ được chuyển ra phòng tang lễ Phong Lan (Orchid chapel), mặc áo dài Việt Nam, vẻ mặt tươi vui, nhưng kém đi phần thanh thản. Sau đó, bắt đầu chánh thức tổ chức lễ phát tang lúc 10 giờ và tiếp theo là phần thăm viếng của quí thân hữu. Mục thăm viếng kéo dài đến ngày hôm sau, và kết thúc với lễ an táng, di quan và hạ huyệt. Mọi việc đều tiến hành thuận lợi và rất tốt đẹp, đúng theo nghi lễ Phật giáo, dù với vài trở ngại không đến nổi quá đáng phát xuất từ sự bất mãn của cô em đạo Tin Lành. Thượng Tọa Pháp Chơn và chư tăng chùa Liểu Quán chủ trì hai nghi lễ chánh thức phát tang và an táng rất tươm tất, trang nghiêm, phần khai thị thâm trầm nghĩa lý cao xa mang nhiều lợi lạc cho mọi người. Thân hữu tham dự khá đông, và tràng hoa đẹp thi đua tràn ngập chật nứt cả gian phòng hành lễ.

Đặc biệt nhất là tràng hoa của nhóm Trí Đức liên hữu, hoa lá kết thành một đài sen, với hai hàng chữ : “Kính dâng hương linh cụ”, và “Nguyện hương linh an vui miền Tịnh Thổ”. Mẹ tôi vốn thâm nhập giáo lý vô thường, sống vui mà chết cũng vui, nên tôi không buồn, huống chi, tôi có niềm tin mãnh liệt rằng bà đã đới nghiệp vãng sanh nên lòng vô cùng hoan hỷ. Do đó, khi gởi cáo phó đến thân hữu, tôi đã viết là “trân trọng thông báo”, chớ không là “khấp báo” hay “vô cùng thương tiếc báo tin buồn...” Tôi chân thành cảm tạ tất cả thân hữu đã có lời chia buồn, nhưng thành thật mà nói, chỉ riêng nhóm Trí Đức Liên Hữu không chia buồn mới đúng là bậc tri âm, hiểu rõ tâm cang tôi, khiến tôi vô cùng cảm khích. Chiều thứ sáu, thượng tọa Thiên Phước đưa nhóm Trí Đức Liên Hữu đến tụng niệm tiển đưa mẹ tôi. Thầy là vị đạo đức tăng tu hành nghiêm mật tôi vô cùng kính trọng, nhưng vì quá bận rộn chuyện nhà, tôi chỉ hân hạnh diện kiến thầy một lần, nên thật tình không dám ước mơ mời thầy, không ngờ thầy ưu ái đến chủ lễ. Thầy nghiêm cẩn dạy tôi : “Giờ nầy cụ đã về cõi Phật rồi, nhưng mình vẫn hành lễ cho cụ”. Nhóm Trí Đức được vị minh sư dìu dắt đã lâu, kỹ thuật hợp tán tụng nhịp nhàng, nên nghi thức “nghi thiết lâm sàng” do thầy chủ lễ vừa trang nghiêm vừa sinh động. Tôi chỉ mường tượng như lời duy nguyện :

Thần về an dưỡng
Nghiệp xả trần lao

Sen khai chín phẩm bay cao

Phật thụ nhất thừa quả mãn.
..”(6)

có điểm đặc biệt nhưng vốn kém hiểu biết về lễ nghi nên không hiểu ra.

Sau đó, tôi được một liên hữu giải thích rằng ngay sau khi nghe tin mẹ tôi từ trần thầy đã chỉ dạy ghi lời chúc là “an vui miền Tịnh Thổ” vì mẹ tôi đã được vãng sanh rồi, cũng chính vì cảm nhận nầy, thầy đã hướng dẫn nghi lễ khác hơn bất cứ tang ma nào khác anh đã dự, đặc biệt thầy đã xướng duy nguyện 3 là phần anh tự hỏi chẳng biết có phải thầy đã coi cụ như là một tăng sĩ chăng?

Câu hỏi đó chính là điều mà tôi cũng phân vân. Mẹ tôi chỉ đi chùa khi còn bé thơ, không có điều kiện nào học Phật, nhưng bỗng nhiên bà hiểu giáo lý khổ, lý vô thường tường tận, biết sống an vui trong hiện tại... và vừa bắt đầu Niệm Phật cũng vững vàng tha thiết. Tôi nghĩ có lẽ mẹ kiếp trước nếu không là tu sĩ thì cũng là cư sĩ dày công tu học, đến kiếp nầy tuy phải vòng vo trả nghiệp, nhưng công đức tu tập tiền kiếp đã đến lúc thành thục, nên mới vừa thoạt quày đầu là đã về cõi Phật. Thật ra, dù tích trử được thiện nghiệp cỡ nào cũng không thể nào tự nhiên quày đầu được nếu không có sự gia bị nhiệm mầu của Chư Phật, Chư Bồ Tát. Bao năm qua, tôi đã không làm nên trò trống gì cả, tôi quá nãn lòng vì bất lực chẳng chuyển hóa được mẹ, rồi tôi chỉ biết chân thành Niệm Phật, phó thác tất cả cho Đức Phật A Di Đà lo liệu. Thế rồi, tất cả đã thay đổi một cách tuyệt vời và vô cùng hy hữu, mà cá nhân tôi chỉ có thể phủ phục đảnh lễ chư Phật xưng tán “Phật lực nhiệm mầu bất khả thuyết, bất khả thuyết, bất khả thuyết...”

Sacramento, ngày 17.06.2007

Ghi chú :

1. Nguyên văn : “Anh feel bad vì đã dump má cho em trong lúc nầy”

2. Tôi dùng những câu giản dị và rất riêng tư như các câu dưới đây :
-Mình Niệm Phật bền bĩ cho tâm mình trong sạch không còn xấu xa, tham lam... nữa.

-Niệm Phật cho tâm mình trong sạch gần gũi với tâm Phật mới về cõi Phật được

-Cõi nầy bệnh hoạn già nua về cõi Phật không còn già nua bệnh hoạn nữa.

-Trả lời câu hỏi: “Tại sao niệm Phật A Di Đà mà không niệm Phật khác”. Tôi đáp : “Hồi ở trại tị nạn, nhờ những vị hiểu biết hướng dẫn, mình chỉ xin đi Mỹ nhờ vậy đi nhanh. Còn mấy người nạp đơn xin lung tung nhiều nước thì gặp rắc rối rất chậm. Cũng như vậy đó, Đức Phật Thích Ca là bổn sư dạy mình niệm Phật A Di Đà, mình cứ nghe theo mà hết lòng niệm Phật A Di Đà thì mới về cõi được Phật.”

3. Đây là nguyên văn lời tán thán nhiều lần của Ni sư Như Phương: “Sư cô hộ niệm rất nhiều người mà chưa thấy người nào ra đi với vẻ mặt thanh thản an lạc, và có chuyển tướng lưỡi tươi nhuận như bà cụ. Sư cô thấy thương quá nên mới vuốt trán bà chớ tự hồi nào đến giờ sư cô chưa đụng chạm đến thi thể ai cả, ngay đứa em ruột của sư cô cũng vậy nữa”

4. Vì hàm răng giả đã tháo gở từ hai hôm trước, miệng hơi hở, nên lưỡi bị khô và có vẻ như hơi dầy, khi Niệm Phật chừng ba giờ, nhìn kỹ lại thấy lưỡi hết khô và dầy, trở nên thanh và tươi như bình thường.

5. Bài kệ nầy khi tụng chung với các con tôi, chúng tôi sửa lại như sau :
Nội thương chúng con thì nội Niệm Phật

Chúng con thương nội thì chúng con Niệm Phật

Gia đình mình đồng Niệm Phật

Nam mô A Di Đà Phật

Nam mô A Di Đà Phật

Nam mô A Di Đà Phật

6. Nghi Thiết Khoa Nghi, trích trong quyển Pháp Sự Khoa Nghi, Hòa Thượng Thích Huyền Quang biên soạn.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/08/2011(Xem: 4674)
Mẹ ơi! Đường về nhà sao vắng vẻ quá, vẫn ngôi nhà đó, mảnh vườn ngày nào mẹ còn ra vào nhổ cỏ, hái rau. Thế mà nay cỏ mọc đầy mà rau thì lụi tàn đâu mất.
22/08/2011(Xem: 6224)
Tiếng “mẹ” “cha” ôi sao quá giản dị, quá mộc mạc. Thế nhưng, ẩn chứa bên trong sự mộc mạc, giản dị ấy là cả tình yêu thương bao la, là sự hy sinh bất tận...
20/08/2011(Xem: 4422)
PGVN cùng là hệ phái Bắc Tông, vì thế có nhiều điểm tương đồng gặp nhau và dễ chấp nhận nhau, từ đó trở thành thói quen trong nhận thức lẫn trong hình tượng.
14/08/2011(Xem: 4833)
“Cha” và “mẹ” (hoặc “ba, má” hay “bố, mẹ” ) thường là các từ đơn đầu tiên mà chúng ta bặp bẹ nói được. Điều đó có lẽ là đương nhiên, vì người dạy cho chúng ta những tiếng đầu tiên thiêng liêng ấy, đâu ai khác ngoài Cha Mẹ chúng ta. Những âm đầu tiên đó, chúng ta phát ra đâu được tròn trịa là “bố” “mẹ” đâu, mà chỉ là những chuỗi âm tương tự mà thôi.
13/08/2011(Xem: 4119)
Ân cha, nghĩa mẹ quả thật bao la, rộng lớn, chính vì thế mà trong Kinh Vu Lan Đức Phật đã khuyên dạy các hàng đệ tử: “Dù vai trái cõng cha, vai mặt mang mẹ...
13/08/2011(Xem: 5393)
Đạo Phật quan niệm, khi vẫn trong cảnh sanh tử lưu chuyển, thì hiện đời có cha mẹ; quá khứ, tương lai trong bao đời sanh tử lại có vô số mẹ cha.
13/08/2011(Xem: 3989)
Tháng Bảy âm lịch, mùa Vu Lan cũng là mùa báo hiếu của con cái với ông bà, cha mẹ. Tuy nhiên, nhịp sống hiện đại cùng với cuộc sống bận rộn khiến nhiều người không có thời gian quan tâm đến ông bà, cha mẹ. Và nhiều người lý giải rằng, trong các gia đình hiện đại, không hẳn mọi thành viên đã hoàn toàn thờ ơ với chữ hiếu, nhưng biểu hiện của nó cũngthay đổi ít nhiều.
13/08/2011(Xem: 4853)
Hằng năm vào dịp Rằm tháng Bảy, các Phật tử cử hành lễ Vu Lan báo hiếu một cách trang trọng, đầy cảm động, theo truyền thống Phật giáo Bắc phương, đó là một sinh hoạt tôn giáo bao hàm rất nhiều ý nghĩa. Sự tích báo hiếu này phát xuất từ kinh Vu-lan-bồn, qua tấm gương cứu mẹ của tôn giả Mục-kiền-liên, vào thời đức Phật còn tại thế, ở nước Ấn-Độ...
13/08/2011(Xem: 5151)
Tiết Vu Lan bâng khuân nhớ Cha công dưỡng dục, mùa Báo hiếu bùi ngùi thương Mẹ đức cù lao... Thích Hạnh Tuệ
12/08/2011(Xem: 14230)
Bà Thanh Đề là mẹ của ngài Mục Kiền Liên (cũng gọi là Mục Liên). Bà tính tình tham lam, độc ác, không tin Tam Bảo, tạo ra nhiều tội lỗi nặng nề, gây ra nhiều "nhân" xấu nên khi chết đi chịu "quả" ác, bị đày vào ác đạo, sinh làm loài ngạ quỷ, đói khát triền miên trong đại địa ngục.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]