CẢM NIỆM VỀ MẸ
(Kính dâng mẹ cụ bà Nguyễn thị Sáu)
Hư Thân Huỳnh Trung Chánh
Sống bù cho con
Đối với các bà mẹ già, dẫu con cái mình lớn tuổi bao nhiêu, nó vẫn là thằng bé con “nhỏ xíu” của mẹ như thuở nào. Mẹ tôi tíu tít đón mừng tôi, trở lại Virginia chăm sóc bà trong thời gian anh tôi đi về Việt Nam năm tuần lễ. Bà trìu mến nhìn tôi thật lâu, vuốt tóc tôi, rồi bỗng buồn hiu chép miệng hỏi : “Ô kìa! Sao tóc con độ rày bạc nhiều quá vậy?” Mẹ tôi đã tròm trèm ở tuổi 90, thằng con của bà cũng đã 67, nhưng chắc bà đinh ninh nó vẫn là đứa bé con như thuở nào, nên khi chợt khám phá ra mớ tóc bạc của nó, bà bùi ngùi xót thương. Tôi cà rỡn :
- Má già, thì con cũng lẻo đẻo già theo má! Rồi ngày nào đó, má đi theo ông bà ngoại, thì con cũng đâu chịu thua, con theo bén gót má cho coi!
Mẹ tôi cười hề hề :
- Thì ai cũng đi tới đó, sớm hay muộn vậy thôi! Dì Tám con theo Ông bà rồi đó! kể ra, chết sớm cũng là một điều hay!
- Chêt sớm thì có gì hay ho đâu má?, tôi thắc mắc.
- Ậy! Ông bà già xưa mình thường nói : “Thà làm trẻ ma hơn già lú lẫn! đó mà!”
Tôi rất ngạc nhiên vì chưa từng nghe qua câu phương ngôn, hàm ý “chết trẻ được thương tiếc còn chờ đến già yếu lú lẫn rồi thì chẳng còn ai thương” nầy. Có lẽ má tôi suy tư nhiều về cảnh có thể bị lú lẫn làm khổ con cháu, nên câu phương ngôn vốn xâm nhập và nằm yên trong ký ức của bà từ thời niên thiếu bỗng bật ra như thế. Tôi không muốn bà bị ám ảnh bởi tư tưởng bi quan nầy nên khỏa lấp :
- Nhận định nầy không đúng đâu má! Theo con thì kẻ đã khó ưa dẫu sống hay chết, già hay trẻ gì thì cũng ưa hổng vô! còn người dễ thương thì chết sớm trễ gì cũng khiến cho mình đau lòng thương tiếc cả! phải không má?
- Ừa!
Bà trầm ngâm một lúc, rồi lẩm bẩm tiếp lời :
- Má đã già khụm rồi, mà chưa lẫn lộn. Kể ra thì may quá! Ừ! May thiệt là may!
Mẹ tôi quả thật tuy hay quên, đôi khi quên những chuyện rất gần hay quên cả mảng thời gian hằng mươi năm, nhưng bà vẫn có những suy tư sáng suốt, đối đáp còn bén nhạy. Mẹ tôi có cái nhìn rất thản nhiên đối với lẽ chết sống trên đời : Chết là chuyện bình thường chẳng có gì đáng lo sợ, lúc nào chết thì sẵn sàng chết; còn Sống với tuổi già lọm khọm sức khỏe suy sụp thì cũng nhẫn nại hồn nhiên mà vui sống, dù rằng thỉnh thoảng bà cũng buột miệng cằn nhằn : “Sao má và dì Năm sống dai quá vậy kìa?” Với dì Năm thì con cái giữ kín các loại tin buồn, nhất là tin tức liên quan đến thân thích từ trần vì sợ bà xúc động, còn với mẹ tôi thì chúng tôi chẳng cần phải dấu diếm gì cả. Bà bao giờ cũng tỏ ra rất bình tĩnh trong mọi biến cố xảy ra trên cuộc đời nầy. Hai tuần trước, khi anh tôi thông báo tin buồn của dì Tám, mẹ tôi đón nhận tin đó rất bình thản, khiến anh còn ngạc nhiên, chẳng biết bà có nghe rõ và hiểu rõ không? Nào ngờ, mấy hôm sau khi thằng cháu vào thăm nội, bà kể cho nó nghe chuyện bà Tám qua đời tại Việt Nam với lời “phê bình” : “sanh, lão, bệnh, tử, lẽ đương nhiên mà con! Có ai tránh được đâu!” Thì ra, mẹ tôi đã hiểu rất rõ, bà bình thản trước tin buồn vì bà nắm vững lý vô thường, chớ không phải vô tâm, bằng chứng là dạo nầy bà cứ nhắc đến Ông Bà Ngoại, nhắc những kỹ niệm bé thơ, kể lể hoàn cảnh và tánh tình của từng chị em, đã sống hay chết như thế nào? Nói đến dì Tám thì bao giờ bà cũng cũng nhắc đến tật khóc dai vô địch của dì khi còn bé, và cơn bệnh trầm kha của dì mấy năm cuối đời, rồi thở phào nhẹ nhõm nói : “Giờ thì nó khỏe, không còn khóc, không còn bệnh liệt giường nữa rồi!...” Nghe mẹ nhắc đến dì Tám, tôi cũng góp lời :
- Từ khi được tin dì từ trần, mỗi ngày ba thời con đều niệm chú vãng sanh hồi hướng cho dì! Má ạ!
Mẹ tôi hăng hái khoe :
- Chú vãng sanh má cũng thuộc nữa!
- Vậy thì mẹ con mình đồng niệm chú cầu nguyện cho dì Tám nha má!
- Ừa!
Mẹ tôi liền trang nghiêm niệm trôi chảy bảy biến Vãng sanh tịnh độ đà la ni : “Nam mô A Di Đa bà giạ, đa tha già đa giạ, đá địa giạ tha. A di rị đô bà tì. A di rị đá, tất đam bà tì. A di rị đá, tì ca lăng đế. A di rị đá, tì ca lăng đá. Già di nị, già già na. Chỉ đa ca lệ, ta bà ha”.
Già ở lứa tuổi 90 mà vẫn tụng đà la ni làu làu đã là việc hiếm hoi, riêng đối với trường hợp của mẹ tôi, tôi có thể nói đây là một sự kiện lạ lùng kỳ diệu. Bạn đọc chắc không đồng ý với tôi về quan niệm nầy, nên có lẽ tôi nên kể lể dài dòng một chút. Gia đình bên ngoại của mẹ tôi rất sùng mộ đạo Phật, Ông cố đã hiến đất và yểm trợ xây dựng ngôi chùa cổ kính Bữu Lâm, tục gọi là chùa Tổ tại Cái Bèo, Mỹ Xương (Sa Đéc), cả nhà đều quy y Tam Bảo và thọ ngũ giới với hòa thượng Hải Huệ và đều thấm nhuần ít nhiều đạo pháp. Do đó, tuy Ông ngoại tôi theo nho gia, không thiết tha đến Phật Pháp, vào những ngày lễ lớn hằng năm bà ngoại vẫn đơn thân dẫn đám con về chùa Tổ sống trọn vẹn một ngày trong chùa (không rõ có phải là tu Bát quan trai không?) để thành tâm lễ bái, mẹ tôi đã học thuộc chú Vãng Sanh từ dạo đó. Sau khi lập gia đình, vì bên Nội tôi theo đạo thờ Ông bà, theo nghĩa là thờ cúng tổ tiên, kèm theo những hủ tục mê tín cúng kiến thánh thần tạp loại để cầu tài, cầu lợi... nên bà chẳng còn nhớ gì đến chùa chiền và đạo pháp nữa. Đến khi cha tôi bị lâm nạn, mẹ tôi đôn đáo cầu cứu khắp nơi : chùa chiền, đồng cốt, bùa chú, xăm quẻ, bói toán...
Điều đáng tiếc là mẹ tôi không gặp được bậc chân tu hướng dẫn, mà chỉ toàn gặp những kẻ giả dối đội lốt tu hành để lường gạt bốc lột thiện tín : tiền dâng cúng nhiều thì niềm nỡ vẽ vời lắm trò lễ lộc, tiền eo hẹp thì bị khinh khi ruồng bỏ. Điều đáng tiếc khác là mẹ tôi cứ lầm tưởng đồng cốt, xăm bói... tạp nhạp cũng là “phó sản” của đạo Phật, nên niềm tin của bà đối với đạo Phật bị sụp đổ toàn vẹn. Trong hoàn cảnh khổ đau cùng cực, mẹ tôi được các tín hữu đạo Tin Lành tìm đến, an ủi, vồn vã đưa đi nhà Thờ, kiến tạo cho bà niềm tin và sức sống. Từ đó, mẹ tôi và em gái tôi trở thành con chiên ngoan đạo, phần tôi có lúc cũng nghiêng về đạo Chúa, nhưng nhờ duyên may theo bạn viếng chùa Linh Sơn, mến đạo và trở thành Phật tử, riêng anh tôi thì chẳng mấy quan tâm vấn đề tôn giáo.
Sau khi định cư tại Hoa Kỳ, dầu mẹ tôi sống với ai, chúng tôi đều đưa bà đi nhà thờ sinh hoạt hàng tuần. Mấy năm nay, đi đứng khó khăn bà không đi hầu việc Chúa nữa, rồi lần lần dường như bà đã quên hẳn đạo Chúa, cũng chẳng nhớ gì lời cầu nguyện “Lạy Cha chúng con ở trên Trời” nữa, thế nhưng bài chú bà nghe từ thuở ấu thời chìm sâu trong quên lãng cả bảy tám mươi năm nay, bỗng hiện hành để mẹ tôi có thể đọc tụng trôi chảy, thì đây chẳng phải là điều kỳ diệu sao?
Trong kinh sách ghi chuyện là vào thời Đức Phật Thích Ca còn tại thế, một hôm có một Ông lão chừng 90 tuổi đến tịnh xá Kỳ Hoàn xin xuất gia, các vị A la Hán đệ tử sau khi quan sát nhận thấy trong tám đại vạn kiếp lão chưa từng gieo trồng căn lành nên từ chối. Đức Phật nghe biết sự việc trên, Ngài cho ông lão xuất gia, và sau khi được Phật khai thị, ông liền đắc Sơ quả. Sau đó, Đức Phật mới giải thích cho các đệ tử hiểu, là xa hơn 80 vạn kiếp về trước, có lần ông lão là một tiều phu bị cọp dữ rượt phải trèo lên cây trốn tránh. Tưởng yên thân nào ngờ cọp dữ quyết cạp cho thân cây gãy để vồ mồi, gả tiều phu trong cơn sợ hãi bỗng nhớ đến Phật liền niệm lớn “Nam mô Phật”. Cọp dữ nghe tiếng la bỏ chạy đi, gả tiều phu thoát nạn rồi tiếp tục kiếp sống buông lung không hề gieo trồng căn lành nào nữa trong 80 đại kiếp về sau. Bất ngờ, đến giây phút nầy, căn lành niệm Phật ngày xưa trở nên thành thục nên lão ta được Phật độ và đắc Sơ quả. Chỉ niệm Phật một câu thôi, là đã gieo thiện căn rồi, thì công đức niệm chú của mẹ tôi chắc chắn cũng có ngày thành thục.
Tụng chú xong mẹ tôi còn khoe bà còn biết chú “Án ma ni bát mê hồng” và biết tán hương nữa, bà liền ê a tán hương như sau :
“Mỗi nhật thần hôn, nhất chú hương
Tạ thiên tạ địa tạ quân vương
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .(*)
Cữu huyền thất tổ độ gia nương
Phụ mẫu tại đường tăng long phước thọ
Phụ mẫu quá khứ trực vãng Tây phương
Sở cầu xứ xứ hiền hòa thục
Hữu mạng nhơn nhơn thọ mạng trường
Quốc hữu trung thần phò xã tắc
Gia vô nghịch tử não gia nương.
Mam mô Hương Vân Cái Bồ Tát Ma Ha Tát”
Bài tán hương xuất phát từ thuở còn quân vương của thế kỷ thứ 19, tưởng đã chôn vùi biệt tích, nay bỗng nhiên tái xuất hiện, nên dầu bài tán hương có điểm thiếu sót (*) và thật ra cũng không mấy đặc sắc, nhưng tôi sẽ trân quí giữ gìn như một kỹ vật của mẹ, một cổ vật tuy có vết nứt rạn nhưng hiếm hoi do mẹ tôi khai quật từ hang ổ sâu thẩm trong tiềm thức của bà.
Nhân lúc mẹ đang hào hứng, tôi bạo dạn thưa hỏi :
- Khi má từ trần má có cho phép con tụng chú vãng sanh cho má không?
- Má chết rồi! Đứa nào muốn làm gì thì làm!
- Con xin phép má cẩn thận, bởi vì, sau khi chết rồi thì cái hồn - tôi muốn dùng chữ thần thức nhưng sợ bà không hiểu - vẫn còn nghe biết rất rõ, nếu má đồng ý thì sau nầy khi hồn má nghe con tụng niệm má hài lòng mà tụng theo thì rất tốt, vì con tin tưởng rằng nhờ má hoan hỷ mà má sẽ sanh vào cõi lành. Ngược lại, nếu lúc đó má không đồng ý mà con bướng bỉnh tụng niệm, hồn má có thể bất mãn, sanh giận hờn thì rất nguy hiểm, vì sự giận hờn đó nó sẽ kéo mình đào thai vào cõi xấu. Vì vậy, con cần hỏi kỹ má lần nữa, má có thật sự bằng lòng, má có vui không?
- Ừa! má vui, má hứa đó!
Cứ vài ngày thì tôi hỏi bà lại lần nữa, rồi hai mẹ con đồng niệm chú Vãng Sanh. Tôi lập lại mãi, để bà có cơ hội xác định suy tư của bà về việc nầy, và hi vọng suy sư đó sẽ lần lượt huân tập vào tàng thức bà, giúp thân tâm bà an ổn vào những giờ phút lâm chung sau nầy.
Vấn đề khác biệt tôn giáo trong gia đình là vấn đề gai góc khó giải quyết. Đã bao lần, mẹ tôi vì quá thương con sợ con theo một tôn giáo lầm lạc nên đã viện trợ các vị mục sư cùng các tín hữu thuyết phục tôi “trở về với Chúa” gây cho tôi bao nỗi phiền toái.
Phần tôi, là một Phật tử thuần thành dĩ nhiên tôi cũng tha thiết mong muốn mang ánh sáng Phật Pháp đến với người mẹ thương yêu của mình, thế nhưng, đã hàng trăm lần tôi ngập ngừng gợi chuyện rồi đành lặng lẽ chuyển hướng, vì tôi tự biết mình bất lực : thuyết giáo bất thành, mà tình cảm mẹ con lại có thể bị thương tổn nữa. Do đó, ngày ngày, trong những thời công phu, tôi chỉ biết hồi hướng cầu nguyện cho mẹ “sống khỏe mạnh an vui, chết thì sanh về cõi Thiên của Chúa”, chớ nào dám cầu mong bà hướng về Phật đạo. Giờ đây, bất thình lình ánh sáng đạo pháp bỗng lóe lên trong tâm thức của bà : mẹ tôi tụng chú vãng sanh, nhờ vậy, tôi mới bạo dạn đề nghị tụng niệm cho bà khi lâm chung và đã được bà đồng ý. Kể từ nay, tôi có thể an lòng hồi hướng cho mẹ “sống an vui, chết nhẹ nhàng và sáng suốt nương theo vãng sanh đà la ni để quy ngưỡng về cõi tịnh độ phương Tây”. Tôi tin tưởng rằng đây là một phước duyên, phước duyên hy hữu mà Phật Pháp nhiệm mầu đã từ bi gia hộ cho mẹ con tôi.
Trách nhiệm khó khăn khác của tôi trong những ngày gần gũi săn sóc bà là “công tác” thực hiện thời dụng biểu trị liệu vận động tay chân cho bà, mỗi ngày ba lần, mỗi lần khoảng 35 phút, sao cho đúng “chỉ tiêu” mà anh tôi quy hoạch. Lạ một điều là với anh tôi thì bà lẵng lặng thi hành vì “nó là dân nhà binh kỷ luật sắt không khiếu nại được”, còn với tôi thì bà than thở, kỳ kèo, đòi giảm một bớt hai... có khi bà còn “dọa” không thèm tập nữa. Nếu tôi năn nỉ bà thì may ra còn có kết quả, chớ còn giải thích lý luận cách nào bà cũng làm ngơ, vì vậy, bấy lâu nay tôi cứ phải thỏa hiệp, nhượng bộ ít nhiều để đổi lấy sự vui vẻ hợp tác của bà. Thế nhưng sức khỏe của bà ngày càng yếu, việc vận động đối với bà ngày càng cấp thiết mà cũng nặng nhọc hơn nên lần nầy tôi dặn lòng phải “gồng mình” cứng rắn để “thuyết phục” bà tập thể dục nghiêm túc mới được. Tuy thầm quyết định như vậy, nhưng tôi nghĩ đây là chuyện gian nan khó thực hiện lắm, vì lòng dạ tôi yếu ớt, dễ dầu gì ép buộc mẹ già. Sau khi anh tôi rời nhà, vừa chuẩn bị thời khóa thể dục đầu tiên, tôi chưa kịp mở lời thì bà đã ra vẻ buồn buồn gạ gẫm:
- Con ơi! sao hôm nay má làm biếng quá! Nghỉ một bữa nghe con!
- Má tập không đầy đủ thì chân tay yếu ngay, anh Hai căn dặn con hằng chục lần là không được bớt động tác nào hết, má à! Má nhớ không, lần trước anh Hai về kiểm soát xem má đi như thế nào, má đi lết bết hơn ngày thường khiến ảnh cằn nhằn con “quá xá cỡ”. Đáng lẽ, má thương con thì má nên ủng hộ con chớ! má ráng đi ngon lành thì con đâu bị rầy như vậy!
Bà cười hì hì :
- Ừa! Thôi từ nay, “thương con mẹ phải bù đi cho con” vậy! Được không?
Thật không ngờ diễn tiến lại tốt đẹp và dễ dàng như thế nầy, tôi mừng rỡ, cố tình nhảy dựng như đứa con nít :
- Hay lắm! Má chịu bù đi thì tập thể dục không được khiếu nại, không đòi bớt nữa nghen!
- Ừa!
Mẹ con tôi nhìn nhau cười thật là vui.
(Thuở nhỏ, mẹ tôi thường kể con cái nghe chuyện một bà mẹ được ba đứa con trai hiếu thảo luân phiên nhau nuôi dưỡng mỗi người ba tháng. Để đánh giá lòng hiếu thảo của nhau, trước khi bàn giao mẹ cho đứa con kế tiếp, đám con kiểm soát sức khỏe mẹ bằng cách cân lường sức nặng của bà lên hay xuống. Vì đứa con út nghèo, cơm nước cho mẹ không đầy đủ, thân thể mẹ gầy gò, nên nó rất lo lắng bị hai anh quở trách. Bà mẹ thương thằng con nghèo, bèn bao che nó bằng cách lén dấu trong mình mớ chì cho nặng cân khi bàn giao, vì vậy mới có câu “thương con mẹ phải bù chì cho con”. Phần tôi thì lơ là, không hướng dẫn bà thao tập đúng mức khiến chân bà yếu đi, nên mới rất cần “bù đi” mới không bị anh la rầy. Mẹ tôi lớn tuổi rồi mà còn minh mẫn mượn câu chuyện nầy ví von thay chữ bù chì thành bù đi, khiến tôi kinh ngạc mà cũng vui tột cùng)
Tưởng mẹ tôi chỉ đùa cho vui thôi, nào ngờ mẹ thực hiện lời hứa bù đi rất “oanh liệt”. Kể từ hôm đó về sau, mẹ tôi nhẫn nại hoàn tất thời khóa, khi mệt quá bà đứng lại thở hổn hển, vừa cười cười giải thích : “ngưng tập đi để má tập thở cái đã!”. Nghỉ một chút lấy lại sức, bà cố gắng tiếp tục chớ chẳng đòi hỏi giảm bớt một động tác thể dục nào cả. Thấy mẹ thao tác vất vả, tôi thương đứt ruột, mà chỉ biết hôn hít bà tán thưởng mỗi khi bà hoàn tất một động tác nặng nhọc. Thuở nhỏ, tôi chưa bao giờ biết hôn mẹ, bây giờ già rồi, mới tập hôn mẹ mà vẫn chưa quá trễ để khám phá được nguồn thương yêu tràn ngập trong lòng. Ngoài ra, chẳng biết đỡ đần mẹ cách nào, tôi cùng tập theo động tác của bà, nhân đó, múa men làm hề, hay nói chuyện tầm phào, nói đớt đát quê mùa, nhái giọng đặc sệt địa phương để bà cười vui mà quên mệt. (Thuở nhỏ khi học chuyện Ông lão họ Lai, tuổi đã bảy mươi mà còn mặc áo xanh đỏ, bắt chước trẻ thơ làm trò cho cha mẹ vui, tôi chưa hiểu được. Giờ đây, tôi mới khám phá ra là dù mình già đến cỡ nào, ở bên mẹ, mình cũng chỉ là thằng bé con của ngày xưa, muốn bày trò vui nhộn gì cho mẹ vui cũng dễ cả.) Mỗi khi bà bắt đầu chán nãn, ngán ngẩm chuyện thể dục, tôi liền tìm cách chọc bà cười, chuyện khó chịu bực mình nào cũng biến thành chuyện tiếu lâm cười cợt được. Đại khái, như khi bà di chuyển phải cầm cáng đẩy cái khung bánh xe nặng nề, bà cằn nhằn : “Tập đi mỏi chân thì ít, mà mỏi tay quá chừng hà!” thì tôi cười cợt chen vào :
- Má đi đứng mỏi tay cũng bình thường thôi. Con đây, mà nói chuyện có khi còn mỏi tay nữa kìa!
- Ủa! Sao kỳ lạ vậy?, mẹ thắc mắc.
- Có gì lạ đâu! Chỉ vì con nói tiếng Mỹ dở ẹt, phải quơ tay lia lịa làm dấu, nên mỏi tay vậy thôi.
Mẹ tôi hiểu ra cười hề hề. Nụ cười rộn rã vui tươi nhất là vụ cười lén ông anh hiếu thảo và chu đáo của tôi. Một hôm, sau khi vừa hoàn tất xong chương trình thể dục, bà đứng thở dốc cười cười, rồi càm ràm :
- Mình theo nó (tức anh Hai tôi) tập xong đã hụt hơi rồi, vậy mà nó còn căn dặn “Khi nào má rảnh, má nhớ tập thêm một mình càng nhiều càng tốt nghen!”
Vụ căn dặn : “nếu rảnh tập thêm” cũng có ghi trong cẩm nang của anh để lại, dĩ nhiên tôi làm lơ không áp dụng, vì tập đầy đủ theo chương trình đã nặng nề, tôi thầm lo ngại bị mẹ phản đối rồi kêu nài giảm bớt, huống chi cầu mong bắt bà tập “giờ phụ trội” nữa.
Tuy vậy tôi cũng thừa dịp bà than vãn, ra giọng diễu cợt nói lén anh cho vui :
- Xin lỗi nghe anh Hai, nói thật anh nghe chớ...mẹ con tui làm biếng lắm, đâu có h...u...ỡ...n và hơi sức đâu mà tập thêm! a anh Hai!
Mẹ tôi khoái chí quá cười ngất từng chập :
- Hì! Hì! Rảnh thì nằm nghỉ chớ ai h...u...ỡ...n đâu mà tập thêm! Hì!..hì!..
Chuyện chỉ có vậy thôi, mà mỗi lần nhắc lại thì như là chuyện mới, mẹ tôi vui vẻ cười rộn rã chẳng bao giờ nhàm chán.
Năm tuần lễ sống hủ hỉ ấm áp với mẹ trôi nhanh. Sau khi bàn giao mẹ cho anh Hai, tôi vào phòng riêng của bà thân mật cười giỡn, nói chuyện tầm phào, tận dụng những giờ phút thân thương bên mẹ trước khi từ giả. Mẹ tôi vốn hiền hậu, không cau có giận hờn nặng nhẹ một ai, những năm sau nầy mẹ tôi lại càng dễ dãi, không giận, không than, không trách móc, và lúc nào cũng hài lòng vui tươi với cuộc sống, với nỗi già nua còm cõi của mình. Do đó, ngoài việc nghe mẹ kể chuyện xưa cũ, tôi thường ngắm nhìn mẹ thật kỹ, ghi nhớ từng nét dễ thương vô tận của bà, để biết rằng mình có diễm phúc được bà mẹ hiền hậu tươi mát, sự tươi mát mà chính tôi ước mong sau nầy mình có thể học được nơi mẹ. Trong tình thương ngập tràn, tôi nói với mẹ :
- Con không biết sau nầy con có được vui tươi thoải mái như má không?
Mẹ tôi cười hề hề, khoát tay :
- Chuyện dễ mà!
Tôi giải thích :
- Vui tươi thoải mái như má không phải là chuyện dễ đâu! Má biết không? Khi già yếu thân thể bệnh hoạn khó chịu nên người ta thường sanh tật : rắc rối, giận hờn, cáu kỉnh, gây phiền nhiễu, gây kinh hoàng cho con cháu! Con sợ vài năm nữa con sẽ lâm vào cảnh nầy, sanh tật khiến con cháu xa lánh thì nguy lắm, má ạ!
Dường như mẹ tôi chẳng để ý gì về lời giải thích nầy, bà dí dởm mĩm cười ra vẻ bí mật, lên tiếng :
- Con đâu có già! Má nghĩ như vầy thì thấy các con trẻ hoài hà! Bớt đi sáu mươi tuổi tuổi, thì anh con tỉ như mới mười tuổi, con lên bảy, em con lên năm chớ bao nhiêu đâu! Nhỏ xíu hà!
Hài lòng với sự so sánh diễu cợt của mình, mẹ tôi thích chí vang, tôi cũng cười phụ họa, nên bầu không khí rất vui nhộn. Nhân dịp nầy, tôi mở lời từ giả mẹ :
- Thằng bé bảy tuổi nhỏng nhẻo với má nè! Má ơi! Mai con trở về Cali, má ở lại, khi nào rảnh nhớ tập thêm dùm con nhe má!
Nghe câu nói giỡn hàng ngày, mẹ tôi lại cười tươi lên. Tôi tỏ vẻ nghiêm trang đính chánh :
- Lần nầy con không nói giỡn đâu. Con xin má vận động thiệt tình mà! Má vận động thì má khỏe. Má khỏe thì má sống lâu với tụi con thêm một chút.
Mẹ tôi cười cười lặng yên ra vẻ chẳng muốn bận tâm gì với chuyện sống chết cả. Tôi tiếp lời :
- Ờ! Thì biết rằng trước sau gì cũng có ngày đó, nhưng má ráng vận động thêm đi để sống bù cho tụi con một chút vậy mà!
Suffolk, VA Xuân Ất Dậu (2005)
Ghi chú :
* Bài tán hương nầy có lẽ thịnh hành vào thời điểm miền Nam có tục lệ lập trang thờ nho nhỏ trước nhà để thờ “Thiên Địa”, tục gọi là “bàn thờ Ông Thiên”. Bài tán hương có vài điểm không ổn, và thiếu ít nhất là một câu, câu thứ ba tạ ơn Tam Bảo, có thể tương tợ như là : “Thập phương Tam Bảo thường gia hộ”. Bạn đọc nào hiểu biết rõ, xin chỉ dẫn để người viết sửa lại cho đúng. Xin cảm tạ.