Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Giải trình ý nghĩa Vu Lan

13/08/201100:16(Xem: 4854)
Giải trình ý nghĩa Vu Lan

GIẢI TRÌNH Ý NGHĨA VU LAN
THÍCH PHƯỚC SƠN

Hằng năm vào dịp Rằm tháng Bảy, các Phật tử cử hành lễ Vu Lan báo hiếu một cách trang trọng, đầy cảm động, theo truyền thống Phật giáo Bắc phương, đó là một sinh hoạt tôn giáo bao hàm rất nhiều ý nghĩa.

Sự tích báo hiếu này phát xuất từ kinh Vu-lan-bồn, qua tấm gương cứu mẹ của tôn giả Mục-kiền-liên, vào thời đức Phật còn tại thế, ở nước Ấn-Độ. Đến khi Phật giáo truyền vào nước ta, kết hợp với truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam, Vu-lan đã trở thành một ngày lễ mang đầy tính cách thiêng liêng. Do thế, ngày nay Đại lễ Vu lan không còn là ngày lễ riêng của người Phật tử, mà đã trở thành ngày truyền thống chung cho cả dân tộc. Bởi vì, tất cả mọi người có mặt trên cõi đời này, từ một em bé thơ ngây đến những cụ già đầu bạc, từ một người dân bình thường cho đến các bậc cao sang quyền quí, không một ai là không do cha mẹ sinh thành, không một ai là không do cha mẹ dưỡng nuôi chăm sóc từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành–ngoại trừ một số ít người bất hạnh. Chính nhờ cha mẹ mà ta mới có hình hài này, và nhờ có hình hài này ta mới chu toàn được nghĩa vụ của một người công dân lương thiện, hầu đóng góp sức lực nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng một xã hội công bằng văn minh và thịnh vượng.

Như vậy, Hiếu đạo hiển nhiên là một đạo lý nghìn đời của những dân tộc văn minh, mà dân tộc ta từng tự hào là một dân tộc có bốn nghìn năm văn hiến. Do thế, trong quá khứ, các nhà đạo đức của nước ta đã có công sưu tập những mẩu chuyện hiếu thảo của tiền nhân gom thành 20 sự tích, viết thành một quyển sách lấy tên là Hai Mưoi Gương Hiếu, nghĩa là 20 tấm gương hiếu thảo. Nội dung tập sách này dùng để giáo dục mọi người giữ gìn hiếu đạo. Mà trong đó các tấm gương hiếu thào của vua Trần Anh Tông đối với Phụ hoàng, vua Tự Đức đối với Mẫu hậu là tiêu biểu hơn hết. Những tấm gưong này lâu nay đã được lưu truyền trong dân chúng và cũng từng được nhiều người ngưỡng mộ noi theo, dù chưa được phổ cập rộng rãi. Có điều, chúng ta phải công bằng mà nhìn nhận rằng trải qua hàng nghìn năm dân tộc ta từng chung sống và chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa không ít. Thế nên, từ bao đời, chúng ta đã hiểu thế nào là Tam cương, ngũ thường, thế nào là Tam tùng, Tứ đức, thế nào là Nhân nghĩa lễ trí tín, thế nào là Phụ từ tử hiếu, Phu xuớng phụ tùy v.v. . . Khi nói về Đạo hiếu thì chúng ta nhớ đến một câu nói trong kinh Thi Phụ hề sinh ngã, Mẫu hề cúc ngã, ai ai phụ mẫu sinh ngã cù lao, dục báo thâm ân, hiệu thiên võng cực (Cha sinh ra ta, mẹ bồng bế ta, thương thay cha mẹ, sinh ta khó nhọc, muốn báo ân sâu, khác nào như trời cao khôn cùng) như một lời tuyên ngôn về Hiếu đạo. Còn khi đề cập đến công ơn từ mẫu thì đã có công thức chín chữ Cù lao Sinh (đẻ ra), cúc (nâng đỡ), phủ (vuốt ve), súc (nuôi cho bú mớm), trưởng (nuôi cho khôn lớn), dục (dạy dỗ), cố (trông nom), phục (xem tính tình mà bảo ban), phúc (bảo vệ). Đồng thời các nhà luân lý Trung Hoa cũng sưu tập các gương hiếu thảo cổ kim viết thành một quyển sách gọi là Nhị thập tứ hiếu (24 tấm gương hiếu thảo). Mà trong đó có những tấm gương tiêu biểu như vua Hán Linh Đế đích thân sắc thuốc dâng cho mẹ, mỗi khi Mẫu hậu ốm đau. Đinh Lăng khắc tượng cha mẹ để thờ, và hằng bữa dâng cơm nước lên hai đấng sinh thành như lúc song thân còn sống. Còn Mạnh Tông thì khóc măng, Quách Cự chôn con, Vương Tường nằm giá v.v..., toàn là những tấm gương hiếu thảo rất gây ấn tượng và xúc động lòng người . Nhưng đặc biệt nhất là đức Khổng Tử đã đề xuất cách báo hiếu rất minh bạch và sâu sắc. Ngài bảo rằng bổn phận làm con không những cung phụng cho cha mẹ những tiện nghi vật chất mà điều cần thiết là phải thể hiện tình cảm chân thành, thương yêu cha mẹ hết lòng. Ngài nói: “Hiếu tử chi sự thân, cư tắc trí kỳ kính, dưỡng tắc trí kỳ lạc, bệnh tắc trí kỳ ưu, tang tắc trí kỳ ai, tế tắc trí kỳ nghiêm” (Người con hiếu phụng dưỡng cha mẹ, ăn ở cư xử phải cực kỳ cung kính, nuôi duỡng cha mẹ phải hết sức vui vẻ, khi cha mẹ đau ốm phải lo lắng hết lòng, khi lo việc ma chay phải cực kỳ thương xót, khi cúng tế cha mẹ phải rất mực trang nghiêm) (Minh Tâm Bảo Giám).

Đó là những nguyên tắc báo hiếu rất thấu đáo và thiết thực. Có thể nói, từ ngàn xưa dân tộc ta đã thấm nhuần những chuẩn mực đạo đức rất nhân bản và thấm đượm tình người. Nhờ đó, tạo tiền đề cho một nếp sống lấy nhân nghĩa làm gốc, theo tinh thần ơn đền nghĩa trả, ăn quả nhớ người trồng cây, xem tiền tài như tro bụi, trọng nhân nghiã tựa nghìn vàng. Chính nhờ tuân thủ những đạo lý này mà nhân dân ta có một nếp sống thuần lương đức hạnh, duy trì được tôn ty trong gia đình, ổn định được trật tự ngoài xã hội, giữ gìn kỷ cương của đất nước, tạo nên một nét nhân văn rất đặc sắc.

Về mặt thế thường và thực tiễn thì những cách báo hiếu như vừa trình bày trên đây thật sự tỏ ra có hiệu quả và khá tốt đẹp; điều đó không một ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, nếu hiểu báo hiếu theo nghĩa rốt ráo, vừa vật chất, vừa tinh thần, xuyên suốt quá khứ, hiện tại và vị lai, thì có lẽ chỉ có Phật giáo mới giới thiệu một mô hình báo hiếu tương đối hoàn thiện, như tấm gương báo hiếu của tôn giả Mục-kiền-liên mà kinh Vu-lan-bồn đã đề cập.

Kinh này trình bày sự kiện tôn giả Mục-kiền-liên vâng lời Phật dạy thỉnh cầu chư Tăng mười phương chú nguyện cầu siêu độ cho mẹ mình vào dịp Rằm tháng Bảy, ngày chúng Tăng Tự tứ. Và nhờ sức chú nguyện của Tăng chúng mà bà Thanh Đề đã thoát khỏi cảnh ngạ quỉ, sinh về thiên giới. Qua sự tích này, chúng ta có thể khởi lên một vài thắc mắc và xin được mạo muội giải trình:

Thứ nhất, kinh Vu-lan-bồn được biết là do chính Phật tuyên thuyết tại Ấn Độ, rồi truyền sang Trung Hoa, sau đó đến nước ta, trải qua thời gian khá lâu. Trong đó, có thể có một vài chi tiết bị thay đổi ít nhiều, nhưng đại thể vẫn là bắt nguồn từ một câu chuyện có thật, mang tính khái quát về phương pháp báo hiếu cha mẹ theo tinh thần Phật dạy. Mà đức Phật vốn là bậc: “Chân ngữ giả, thật ngữ giả, như ngữ giả, bất cuống ngữ giả, bất dị ngữ giả” (Người nói đúng đắn, nói chắc chắn, nói như thật, nói không hư dối, nói không mâu thuẫn). [kinh Kim Cương]. Hoặc như lời phát biểu của tôn giả A-nậu-lâu-đà trong kinh Di Giáo: “Bạch Thế Tôn, mặt trăng có thể làm cho nóng lên, mặt trời có thể làm cho lạnh đi, nhưng chân lý mà Thế Tôn dạy thì không thể nào làm cho khác được”. Đức Phật lại là bậc Vô Thượng Chánh Giác có Ngũ nhãn, Lục thông. Ngũ nhãn là: Nhục nhãn, Thiên nhãn, Tuệ nhãn, Pháp nhãn và Phật nhãn. Nhục nhãn là cái thấy của những người thường như chúng ta, Thiên nhãn là cái thấy của chư Thiên, Tuệ nhãn là cái thấy của hàng Nhị thừa, Pháp nhan là cái thấy của các vị Bồ tát, và Phật nhãn là cái thấy của chư Phật. Mà Phật có đủ Ngũ nhãn nên Ngài thấy được quy luật nhân quả tường tận, không những thấy được những sự việc hiện tại mà còn thấy cả những sự kiện thuộc quá khứ và vị lai. Không những thấy được những sự vật hữu hình mà còn thấy cả những sự vật vô hình. Về không gian thì Ngài thấy khắp tam thiên đại thiên thế giới.
Về thời gian thì Ngài thấy suốt từ vô thỉ cho đến vô chung. Thế còn cái thấy của chúng ta thì dựa trên cơ sở nhục nhãn của một tâm trí còn đầy ắp vô minh cát bụi. Cho nên tầm nhìn của chúng ta còn rất nhiều hạn chế là lẽ đương nhiên. Vì vậy, chúng ta không nên đem cái thấy biết hạn cuộc của mình ra làm chuẩn mực để đo đạc tri kiến của Phật, rồi sinh tâm hoài nghi những điều Phật dạy. Huống nữa, đức Phật đã từng tuyên bố: “Như Lai vì lòng thương đời, vì hạnh phúc của chư Thiên và nhân loại nên thị hiện trong cỡi đời này”. Qua đó có lẽ chúng ta đã lãnh hội đưọc phần nào hoài bão của Phật qua những lời kinh còn truyền lại.

Một điểm thắc mắc nữa là có chắc chư Tăng đủ đạo lực hóa giải được tội báo của bà Thanh Đề hay không?–Thiển nghĩ, việc này thật khó trả lời. Vì nó quá huyền nhiệm. Nhưng có lẽ ai có tu thì mới biết được giá trị của sự tu hành là như thế nào, giống như nguời uống nước lạnh hay nóng chỉ có mình mới rõ. Tuy thế, chúng ta thường nghe trong nhân gian người ta từng nói: “Chúng đức như hải”, nghĩa là đức độ của chúng tăng bao la như biển cả. Hay, “Đạo cao long hổ phục, đức trọng quỉ thần kinh” (Những bậc đạo hạnh cao siêu thì cọp rồng đều nép phục, và những vị có đức độ sâu dày thì quỉ thần đều kiêng nể). Và trong kinh Pháp Cú cũng minh họa hình ảnh của một bậc A-la-hán đã hoàn toàn giái thoát

Thành thị hay xóm làng,
Thung lũng hay đồi cao,
La-hán trú chỗ nào,
Nơi ấy được an lạc.

Ngoài ra, cổ đức cũng từng mô tả về chân dung của một bậc thiện nhân cao khiết: “Dữ thiện nhân cư như nhập chi lan chi thất” (Cùng sống chung với bậc hiền thiện như vào trong ngôi nhà được chất đầy những đóa hoa lan).

Đó là đôi nét về hành trạng của những bậc Thánh thiện, giải thoát. Chúng ta vẫn biết rằng trong số chư Tăng mà Mục-liên thỉnh cầu chú nguyện cho thân mẫu của mình không phải ai cũng đã đắc đạo, nhưng có điều chắc chắn là trong đó có nhiều người đã thành tựu đạo nghiệp đến một mức độ nhất định, cũng như không ít người suốt đời tâm nghĩ điều lành, miệng nói lời lành, thân làm việc lành. Với những người có đức độ như vậy huớng tâm lực nguyện cầu cho bà Thanh Đề, ắt hẳn tâm bà sẽ chuyển biến từ ác niệm sang thiện niệm. Mà niệm ác thì chuốc lấy quả khổ, còn niệm thiện thì hưởng được phước lành. Vì tam giới do tâm tạo. Tâm giống như một họa sĩ có thể vẽ nên địa ngục mà cũng có thể tạo ra thiên đường. Cho nên: “Tiền tâm tác ác như vân phú nhật, hậu tâm khởi thiện như cự tiêu ám” (Tâm trước làm ác như đám mây che khuất mặt trời, tâm sau khởi thiện như ngọn đuốc xua tan bóng tối) [Kinh Luật Dị Tướng]. Khi tâm bà Thanh Đề đã chuyển hướng, kết hợp với mãnh lực chú nguyện của các bậc Thánh Tăng giàu lòng từ mẫn, thiết nghĩ, bà được giải thoảt khỏi cảnh u đồ, sinh lên thiên giới là điều có thể hiểu được. Trái lại giả sử tâmbà vẫn giữ ác niệm trước sau như một, thì dù cho với đạo lực từ bi cao cả như chư Phật, chung cục cũng không thể nào cứu vớt được bà.

Qua sự kiện này nhắc nhở cho chúng ta biết rằng chết chưa phải là hết mà vẫn còn diễn tiến liên tục qua nhiều đời sống khác. Mọi người sống trên thế gian này, nếu như chưa chứng được Thánh quả, giải thoát khỏi khổ đau, đạt đến Niết-bàn vĩnh cửu, thì còn bị định luật sinh tử luân hồi chi phối, trôi lăn trong ba cõi, sáu đường, sinh tử, tử sinh bất tận; hễ làm phước thì hưởng quả vui, gây ác thì chuốc khổ báo. Tất cả loài hữu tình đều phải chịu trách nhiệm về ba nghiệp do mình tạo ra. Thế nên, trong hiện tại phải nỗ lực vun bồi công đức, gây tạo phước lành, tránh xa việc ác để mai sau được mãi mãi thăng tiến trên con đường Thánh thiện.

Như vậy là chúng ta đã có thể tin tưởng được luật nhân quả gieo nhân nào gặt quả nấy. Thế nhưng, dựa vào niềm tin này có người sẽ nêu lên câu hỏi: “Cha mẹ tôi lúc sinh tiền làm nhiều việc phước thiện nên sau khi chết, nếu như không thành bậc Thánh thì cũng được sinh lên cõi trời hưởng mọi phước lạc, chứ đâu có đọa vào ngạ quỉ khổ sở như bà Thanh Đề mà phải gây tạo công đức, cầu thỉnh chư Tăng cứu độ?”

Qua thắc mắc này, người viết xin được trao đổi như sau: Chúng ta từng nghe Phật dạy: “Hà nhân vô quá, hà giả vô khiên” (Ai mà không có lỗi, ai mà không có tội); cho nên, ngoại trừ các bậc Thánh đã đoạn trừ hết ba độc, còn tuyệt đại đa số chúng ta đang sống trong cõi đời này thì mấy ai dám cho là mình không gây ra ít nhiều lầm lỗi. Mà đã có lỗi thì sau khi qua đời thường bị đọa lạc, mà đã đọa lạc thì rất cần đến thân nhân làm phước hồi hướng để cứu vớt cho mình, đó là lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, nếu như cha mẹ ta đều được giải thoát, không còn đọa lạc, thì những công đức mà mình đã tạo ra để hồi hướng cho họ vẫn còn nguyên vẹn chứ không hề suy suyển chút nào. Những công đức ấy giống như một thứ ngân khoản mà mình ký gởi vào ngân hàng–một loại ngân hàng bất hoại, vĩnh cửu, không có bất cứ một thứ gì có thể phá huỷ được–hễ khi nào cần đến thì mình lấy ra sử dụng. Hơn nữa, hành vi báo hiếu của mình không những có kết quả ở tương lai mà có kết quả ngay trong hiện tại. Vì lẽ, khi ta thực hiện một nghĩa cử cao đẹp, làm một việc hợp với đạo lý thì tâm hồn ta cảm thấy nhẹ nhàng thanh thản, mà những người xung quanh cũng nhìn ta với đôi mắt ái mộ và đầy thiện cảm. Nhờ đó, khi cần tham gia một việc công ích nào thì nhân cách của mình được mọi người tín nhiệm, lời nói của mình được mọi người tin tưởng. Thiết nghĩ, sống trên cuộc đời nầy mà được tha nhân mến mộ, tin cậy, thì quả thật là một phần thưởng cực kỳ cao quí.

Một điểm đặc biệt khác là trong thế gian này, có thể có những người không hiếu thảo với cha mẹ, nhưng không một ai là không mong muốn con cháu hiếu thảo với mình. Mà muốn cho con cháu có lòng hiếu thảo thì không có cách nào hữu hiệu hơn là chính bản thân mình phải làm gương tốt. Tấm gương hiếu thảo của mình đối với cha mẹ là một bài học sống, một hình thức thân giáo đầy thuvết phục, có tác dụng rất sâu sắc đối với con cháu của chính mình; do thế, ta có quyền hy vọng chúng sẽ noi theo gương mình mà chu toàn hiếu đạo. Điều này các bậc tiền bối đã từng lý giải:

“Hiếu thuận hoàn sinh hiếu thuận tử,
Ngỗ nghịch hoàn sinh ngỗ nghịch nhi.
Bất tín đàn khán thiềm đầu thủy,
Điểm điểm trích trích bất sai di”
(Nếu mình hiếu với mẹ cha,
Mai sau con hiếu với ta khác gì.
Nếu mình ăn ở vô nghì,
Đừng mong con thảo làm gì uổng công.
Kìa xem giọt nước xuôi dòng,
Giọt sau, giọt trước cũng đồng một nơi)

Hiện nay các phương tiện truyền thanh, truyền hình giới thiệu những loại hình nghệ thuật những phim ảnh rất đa dạng. Tuy nhằm mục đích giải trí và làm phong phú kiến thức của công chúng về những chân trời mới, trong đó tiềm tàng những gương sáng, cách giáo dục đạo đức hiếu thuận; nhưng thị trường điện ảnh, sách báo còn lọt không ít những loại phim ảnh sách báo chứa đựng khá nhiều độc tố. Đối với người lớn, vì phần đông đã được trang bi bằng những vốn liếng văn hóa truyền thống, đã từng trải nghiệm cuộc đời, nên khi thưởng thức các loại hình ấy biết cách gạn đục khơi trong, tiếp thu những phương diện tích cực, loại bỏ những khía cạnh tiêu cực; do đó, tương đối ít nguy hiểm. Thế nhưng, đối với giới trẻ là những người đang dồi dào sinh lực, thường có khuynh hướng phiêu lưu mạo hiểm, bản thân lại chưa thấm nhuần đạo đức truyền thống, chưa trải qua kinh nghiệm trường đời, cho nên khi thuởng thức những loại hình nghệ thuật ngoại lai, không những họ tiếp thu nét tinh hoa của chúng mà cùng lúc hấp thụ luôn cả những độc tố. Những độc tố ấy đến khi phát tác sê làm cho thể xác tàn tạ, tâm hồn băng hoại, đưa đến gia đình tan rã, xã hội rối loạn, và đất nước bất ổn. Vì vậy, thiết nghĩ các bậc phụ huynh, các nhà giáo dục cần phải hết sức cảnh giác đề phòng, và giới chức có thẩm quyền cần phải quan tâm nhiều hơn nữa gạn lọc những độc tố tiềm tàng trong các loại phim ảnh ngoại lai, chọn lựa cẩn thận những loại hình nghệ thuật đứng đắn, trước khi cho trình chiếu. Có như vậy, may ra mới tránh bớt những hậu quả đáng tiếc mà lâu nay báo chí đă phản ảnh khá nhiều.

Thế còn các loại hình nghệ thuật và những mô thức giáo dục truyền thống thì sao? Thiển nghĩ, các loại hình này đã trải qua nhiều đời, các bậc hiền nhân thánh triết của ta đã tốn nhiều công sức gạn lọc, loại bỏ những nhược điềm và tô bồi những ưu điểm. Do thế, những mô hình ấy tương đối bảo đảm tính an toàn; nếu như không làm thăng hoa phẩm hạnh của con người đến đích chân thiện mỹ, thì cũng không đến nỗi gây ra những tác hại nghiêm trọng.

Thiết nghĩ, dịp lễ Vu-lan báo hiếu cũng là một cơ hội tốt đẹp để cho những người con Phật chu toàn hiếu đạo dối với tứ thân phụ mẫu, với cửu huyền thất tổ và những thân nhân quá cố. Mà làm tròn đạo nghĩa cao đẹp của một con người cũng là phương thức khẳng định nhân cách của một công dân lương thiện, trong một đất nước có truyền thống văn minh. Xin thành tâm kính chúc quí vị, ai nấy đều là những dâu hiền, con thảo, bản thân được nhiều an lạc, gia đình tràn đầy hạnh phúc, trong mùa báo hiếu Vu-lan.

Source: thuvienhoasen
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/08/2024(Xem: 1187)
Vào lúc 09:30 am ngày 25/8/2024, chùa An Lạc tọa lạc tại số 1647 E. San Fernando Street, thành phố San Jose, tiểu bang California đã trang nghiêm tổ chức Lễ Vu Lan Báo Hiếu tại Chánh điện và Lễ Trai đàn Chẩn tế Bạt độ chư Hương linh tại tháp linh cốt.
26/08/2024(Xem: 974)
Lễ Vu Lan Báo Hiếu Phật Lịch 2568 (25/8/24) tại Chùa Thiện Minh, Lyon, Pháp Quốc
26/08/2024(Xem: 888)
Sáng ngày 25/08/2024 (nhằm ngày 22 tháng 7 Giáp Thìn), Chùa Đức Sơn, Bothwell, Tasmania đã trang nghiêm tổ chức Lễ Vu Lan Báo Hiếu Phật Lịch 2568. Đại Đức Thích Đăng Từ, Tri Sự Tu Viện Quảng Đức, Úc Đại Lợi đã từ bi quang lâm chứng minh cho buổi lễ. 🌷🌷🌷🙏🙏🙏🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️
23/08/2024(Xem: 1388)
Thêm một Vu Lan nưã lại về Lòng con quay quắt nhớ chiều quê Mẹ ngồi vá áo cho con trẻ Chiếc võng đong đưa những trưa Hè.
22/08/2024(Xem: 847)
Chiều ngồi nhìn lá thu rơi Ép dòng dư lệ trùng khơi nổi sầu Ơn cha, nghĩa mẹ, liên thâu Mắt tràn khóe mắt rầu rầu ruột gan
22/08/2024(Xem: 840)
VU LAN 2024 Năm 2024 là năm có nhiều biến cố trong cuộc sống:- kinh tế - thiên tai – dịch bệnh – chiến tranh xảy ra lan tràn khắp tinh cầu, nhưng truyền thống Vu Lan của Phật giáo Bắc tông vẫn không vì thế mà bị mai một! PGVN đang trãi qua một giao động như đợt sóng ngầm, một phần phản ảnh kinh tế xã hội, một phần do biến chứng nội tại từ một vài thành phần chưa đúng chuẩn mực của một tu sỹ để cộng đồng mạng đồng loạt lên tiếng. Nước đục được hiện lên những cáu bẩn khi dùng phèn chua khuấy lọc, cũng thế, những hiện tượng lâu nay ẩn tàng trong Phật giáo được xem là mặc nhiên, bổng nổi cộm khi xuất hiện một tu sỹ hành pháp “đầu đà” xuất hiện. Độc tố vốn sẵn có trong cơ thể bổng hiển lộ khi sử dụng thuốc xổ độc gan thanh lọc cơ thể. Độc tố tuy nguy hiểm, nhưng cần thiết để cơ thể phát hiện thải trừ khi được phát hiện . Trong lúc bệnh, cơ thể vẫn cần bồi bổ cùng lúc với thuốc men,Qua cơn bạo bệnh, cơ thể phục hồi nhanh và khỏe; cũng thế,những thời đại Phật giáo thăng trầm, nhờ n
22/08/2024(Xem: 1333)
Vu Lan Thắng Hội – Hội huy hoàng QUẢNG ĐỨC muôn trùng dậy tiếng vang NGUYÊN TẠNG chân tâm châu viên nguyệt Lam viên Tu Viện mãn hoa quang Hiếu Tâm TÂM ẤN LÀ Tâm Phật Từ Đức Đức lưu phương Thế gian Hoằng pháp vi gia vụ : “ Đại Nguyện” Úc Châu thắng hội hội viên hoàn.
22/08/2024(Xem: 753)
Con đã thấy khắp nẻo đường đất nước Hình ảnh cha yêu rong ruổi ngược xuôi Tay lấm chân bùn dải nắng dầm mưa Nhẫn nhục tận tụy vì con vất vã. Lê chân trần hay trên chiếc xe lăn Cha khẩn cầu mời người mua vé số Mong người xót thương cảnh đời cơ khổ Có chút tiền nuôi vợ bệnh con khờ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]