Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Gương báo hiếu của người xuất gia

05/08/201100:30(Xem: 5075)
Gương báo hiếu của người xuất gia

GƯƠNG BÁO HIẾU CỦA NGƯỜI XUẤT GIA
Thích Phước Sơn

Mỗi năm đến mùa Vu Lan báo hiếu, người Phật tử tại gia thường noi gương hiếu thảo của Tôn giả Mục Kiền Liên báo đáp công ơn cao dày của cha mẹ đã qua đời cũng như còn tại thế, mà cách phổ thông nhất như ca dao từng bảo:

Cha già là Phật Thích Ca,
Mẹ già như thể Phật Bà Quan Âm

Nhớ ngày xá tội vong nhân

Lên chùa lạy Phật đền ơn sanh thành.

Đó là một trong những cách báo hiếu đơn giản nhất của người sơ cơ học đạo. Còn những Phật tử thì vào dịp này, thường sắm sửa phẩm vật, thiết lễ trai tăng cúng dường thập phương tăng chúng - sau ba tháng thanh tịnh tu học - để hồi hướng công đức cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được phước thọ tăng long, và phụ mẫu quá cố được sinh về nhàn cảnh. Thế còn người xuất gia báo hiếu cha mẹ bằng cách nào?

I. BÁO HIẾU VỀ MẶT VẬT CHẤT LẪN TINH THẦN

Vào thời đức Phật có Tôn giả Tất Lăng Già Bà Ta, sau khi xuất gia hành đạo, chạnh lòng nghĩ đến cha mẹ già yếu, nghèo khổ không ai nuôi dưỡng. Ngài muốn đem y phục và thực phẩm cúng dường cha mẹ, nhưng vì sợ phạm giới luật. Ngài bèn trình bày nỗi băn khoăn của mình lên Thế Tôn. Nhân đó, đức Đạo sư họp các Tỳ kheo và truyền dạy: "Nếu có người nào suốt cả trăm năm, vai phải cõng cha, vai trái cõng mẹ, và dù cha mẹ có đại tiểu tiện trên vai mình, cũng chưa thể gọi là làm tròn hiếu đạo. Hoặc đem những thứ y phục và ẩm thực quý nhất trên đời cung phụng cha mẹ cũng chưa đủ báo đền công ơn cha mẹ trong muôn một. Từ nay Ta cho phép các Tỳ Kheo suốt đời hết lòng cúng dưỡng cha mẹ. Nếu ai không cúng dường thì phạm tội nặng". (1)

Vâng lời Phật dạy, hàng ngày Tôn giả đi khất thực đem về chia cho cha mẹ hai phần, còn mình thọ dụng một phần, và thường dâng cho cha mẹ những nhu yếu khi cần.

Trường hợp trên đây cho chúng ta thấy, dù là người xuất gia vẫn có bổn phận cưu mang cha mẹ nếu cha mẹ không người nuôi dưỡng. Trường hợp Tổ Liễu Quán (1667-1742) sau đây cũng tương tự như thế. Tổ mồ côi mẹ lúc vừa sáu tuổi, thân phụ bèn dẫn đến chùa Hội Tôn cho thọ giáo với Hòa thượng Tế Viên. Nhưng theo hầu được bảy năm thì Hòa thượng viên tịch. Tổ liền vượt núi băng ngàn tìm ra Thuận Hóa thọ học với Giác Phong Lão Tổ chùa Báo Quốc. Được một năm, lại hay tin cha già không người chăm sóc. Tổ phải trở về nhà, hàng ngày lên núi đốn củi, đem về đổi gạo nuôi dưỡng phụ thân. Dù hoàn cảnh gia đình thanh bạch, Tổ vẫn săn sóc cha già chí tình, chí hiếu, cho đến khi thân phụ qua đời. Sau khi lo việc ma chay chu đáo, Tổ mới trở ra Thuận Hóa tiếp tục con đường tu học. (2)

Tấm gương của Tổ Liễu Quán có phần nào giống với hoàn cảnh của Lục Tổ Huệ Năng (638-713). Lục Tổ khi còn bé cha mất sớm, chỉ còn một mẹ già, gia cảnh lại nghèo khó. Do đó, hàng ngày Tổ phải lên non đốn củi, gánh ra chợ bán, rồi đổi lấy gạo đem về nuôi mẹ. Một hôm nghe người ta tụng kinh Kim Cương đến câu "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm", Tổ cảm thấy như bừng tỉnh, nên có ý định xin phép mẹ đến núi Hoàng Mai thọ giáo với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Nhưng vì mẹ già không ai phụng dưỡng, nên lòng còn trù trừ chưa nỡ xuất gia. Bỗng có người hiểu được tâm nguyện của Tổ, bèn trợ giúp mười lạng bạc, và hứa sẽ thay mặt Tổ để trông nom nuôi dưỡng bà cụ đến trọn tuổi già. Nhờ thế, Tổ mới an tâm, từ thân xuất gia học đạo, và đã trở thành một trụ cột độc sáng của thiền tông Trung Hoa. (3)
Nhìn lại nước ta vào thời kỳ vàng son của Phật giáo đời Trần, cũng có vị Tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là thiền sư Huyền Quang (1254-1334). Tổ là một vị trạng nguyên xuất chúng, mặc dù thi đỗ, làm quan, nhưng xem phú quý như bèo bọt. Một hôm, Tổ theo vua đến chùa Vĩnh Nghiêm tham dự pháp hội, thấy Quốc sư Pháp Loa đang hành đạo, liền nhớ lại duyên xưa, bùi ngùi than rằng: "Làm quan lên bồng đảo, đắc đạo đến Phổ Đà; trên cõi nhân gian là tiên, cảnh giới Tây phương là Phật. Phú quý nào khác lá vàng mùa thu, mây trắng mùa hạ, đâu nên lưu luyến mãi hoài".

Thế rồi, dâng biểu xin vua xuất gia học đạo tu hành. Bỗng một hôm nghe tiếng chim khách kêu vang trên cành ở trước sân, Tổ chạnh lòng nhớ đến cha mẹ già yếu, nghĩ đến công ơn sinh dưỡng sâu dày, liền sắm sửa hành trang trở lại cố hương, hầu thăm cha mẹ. Về nhà, trông cha mẹ còn khỏe mạnh, và biết ông bà cụ rất sùng tín Tam Bảo, lòng Tổ rất hoan hỉ. Nhân đó cho xây một ngôi chùa ở phía tây nhà, đặt tên là chùa Đại Bi, lấy ý từ câu: "Đại từ đại bi Quán Thế Âm Bồ Tát cứu độ cha mẹ hướng về Phật đạo". Bấy giờ cha mẹ đã có ngôi bảo điện để hàng ngày tụng niệm, khuây khỏa tinh thần, thấm nhuần pháp vị, di dưỡng tuổi già, Tổ mới an tâm tiếp tục sứ mệnh hoằng dương chánh pháp. (4)

II. BÁO HIẾU TRÊN PHƯƠNG DIỆN TINH THẦN

Thiền sư Hư Vân (1840-1959) lúc mới sinh được bảy ngày thì thân mẫu từ trần, được kế mẫu thương yêu nuôi dưỡng. Đến năm mười bảy tuổi, Ngài có chí xuất trần, nhưng thân phụ không cho phép. Vì ông đang làm quan, tính tình lại nghiêm khắc, hơn nữa Ngài là con trai độc nhất của gia đình. Thế nhưng, do động cơ xuất gia mãnh liệt, cuối cùng, Ngài đã lặng lẽ thoát ly gia đình, để hoàn thành chí nguyện cao cả của mình. Đến khi thân phụ qua đời, Ngài ân hận đã làm cho cha già phiền lòng, lại nhớ thương mẹ hiền vắng bóng từ lúc còn thơ ấu. Do đó, Ngài phát nguyện hành hương đến Ngũ Đài Sơn - nơi di tích của Bồ Tát Văn Thù - cứ đi ba bước lạy một lạy với mục đích sám hối tội lỗi không phụng dưỡng mẹ cha trọn đạo, đồng thời hồi hướng công đức để nguyện cầu cha mẹ sinh về cảnh giới an lành.

Tấm gương hiếu thảo của thiền sư Hư Vân làm cho chúng ta phải thán phục. Thế còn thiền sư Hám Sơn (1545-?) lúc còn bé đã là một đứa trẻ khác thường. Năm lên ba tuổi, Ngài chỉ thích ngồi lặng lẽ một mình hơn là đi chơi với những đứa trẻ khác. Mẹ Ngài lại là một Phật tử thuần thành, suốt đời thờ đức Đại Sĩ Quán Âm. Năm ngài lên bảy tuổi, bà gởi con đến một ngôi trường cách nhà một dòng sông. Một hôm, sau khi về thăm mẹ, Ngài trở lại nhà trường, được mẹ tiễn chân ra tận bờ sông, nhưng vì quá quyến luyến mẹ, Ngài không muốn rời khỏi tay bà. Đang cơn tức giận, bà liền túm tóc con, ném xuống sông rồi quay về nhà mà không một lần ngoái lại. Lúc ấy, bà nội của Ngài có mặt ở đó, kêu cứu, Ngài mới thoát chết. Sau đó, mẹ Ngài nhiều lần đứng khóc một mình trên bờ sông và phân trần với mẹ chồng: "Con phải làm thế để cho nó vượt qua cái tính quá đa cảm mà học hành nghiêm chỉnh".

Năm mười hai tuổi, Ngài từ giã mẹ cha, dấn thân trên con đường du phương học đạo. Suốt thời gian ấy, mẹ Ngài luôn luôn theo dõi tin tức con mình. Khi nghe tin Ngài đang tham học ở Ngũ Đài Sơn, bà liền hướng về đó đảnh lễ và niệm danh hiệu đức Bồ Tát Quán Âm. Nhờ thế, bà cảm thấy lòng mình trở nên khuây khỏa.
Sao bao năm xa cách, Ngài trở về nhà thăm lại song thân và định chọn đất xây mộ cho hai người. Một buổi sáng, Ngài cùng cha mẹ đi thăm mồ mả tổ tiên để tỏ lòng tôn kính. Lúc ấy thân phụ Ngài đã 80 tuổi. Ngài nói đùa với ông: "Hôm nay con chôn cha, như vậy giúp cha khỏi trở lại thế gian này lần nữa". Vừa nói Ngài vừa gõ cuốc xuống đất. Mẹ Ngài lập tức giật lấy cuốc và tiếp: "Phần mụ để mụ tự đào mồ lấy, không cần ai lo cho mụ cả". Rồi bà bắt đầu đào đất một cách vui vẻ.
Về sau, Ngài mới hiểu rằng mình có một bà mẹ rất khác thường, và đó chính là một trợ duyên thật quý báu để Ngài thành tựu được đạo nghiệp rạng rỡ. (5)

Thiền sư Động Sơn Lương Giới (807-869), vị Tổ khai sáng tông Tào Động Trung Hoa, cũng có một bà mẹ rất đặc biệt. Ngài đã trình bày quan niệm hiếu thảo và cách thức báo hiếu của người xuất gia đối với cha mẹ, cũng như sự mong đợi của cha mẹ đối với người con đi tu, qua hai bức thư trao đổi giữa Ngài và mẹ Ngài. Trước hết là lá thư Ngài gởi cho mẹ trình bày lý do và xin phép xuất gia.
"Được nghe chư Phật ra đời đều do cha mẹ mà có thân. Muôn loài hàm linh phải nhờ trời đất che chở. Thế nên, không có cha mẹ thì chẳng sinh, không có trời đất thì chẳng trưởng. Nhưng, tất cả hàm thức đều chịu định luật vô thường chi phối. Nghĩ đến ân bú sú thâm trọng, cũng như công nuôi dưỡng cao dày, nếu đem của cải thế gian phụng dưỡng, hoặc cùng máu thịt thân này dâng hiến, cũng không thể đáp đền. Hiếu kinh nói: "Dù một ngày giết đôi ba con vật để cung hiến cha mẹ vẫn là bất hiếu. Vì sẽ lôi nhau vào vòng sanh tử, chịu muôn kiếp luân hồi". Do đó, muốn đền ân sâu dày của cha mẹ đâu bằng công đức xuất gia. Vì sẽ cắt đứt dòng sông khát ái sinh tử, vượt qua bể khổ trầm luân, đáp ân cha mẹ nghìn đời, đền nghĩa từ thân muôn kiếp. Kinh nói: "Một người con xuất gia, chín họ đều sinh lên cõi trời". Con nguyện bỏ thân mạng đời này, để thành tựu đạo quả Bồ đề, đem căn trần muôn kiếp mà thắp sáng trí tuệ Bát nhã. Cúi mong cha mẹ mở lòng hỷ xả, dứt nỗi nhớ mong, noi gương đức vua Tịnh Phạn và Thánh Mẫu Ma Da, hẹn sẽ gặp nhau trong hội Long Hoa. Còn hiện nay xin cam chịu lìa nhau. Chẳng phải con quên ân dưỡng dục, mà chỉ vì thì giờ chẳng đợi người. Cổ đức từng nói: "Thử thân bất hướng sinh thân độ, cánh hướng hà thân độ thử thân? Thân này chẳng nhắm đời này độ, còn đợi đời nào độ thân này?"

Kính xin cha mẹ lòng chớ nhớ mong!
Nhận được thư con, mẹ Ngài hồi âm:

"Mẹ cùng con đời trước có nhiều nhân duyên nên mới kết thành tình mẹ con. Kể từ lúc mẹ hoài thai, sớm chiều cầu thần khẩn Phật, mong sinh được con trai. Thai bào đủ tháng, mạng sống như chỉ mành. Sinh được con trai, mẹ rất toại nguyện, xem như châu báu, không nề hôi hám nhơ uế, chẳng ngại bú sú nhọc nhằn. Con vừa thành người, mẹ dắt đến trường cho con học tập. Mỗi khi con đi chơi về trễ, mẹ đứng tựa cửa ngóng trông. Nay con viết thư về quyết xin xuất gia. Cha con đã mất, mẹ già, anh yếu, em nghèo, mẹ biết trông cậy vào ai! Con có ý bỏ mẹ, chớ mẹ nào có dạ quên con. Từ khi con cất bước tha phương, ngày đêm mẹ thường rơi lệ, khổ thay! Khổ thay! Nay con lại thề chẳng về nhà, mẹ cũng tùy theo chí nguyện của con. Mẹ không dám mong con như Vương Tường nằm giá, như Đinh Lai khắc cây, mà chỉ mong con như Tôn giả Mục Liên, độ mẹ thoát khỏi trầm luân, tiến lên Phật quả. Nếu mẹ không như vậy, e phải có tội. Mẹ cầu mong cho con hoàn thành chí nguyện của mình". (6)

Trên đây, chúng tôi đã trình bày một vài tấm gương báo hiếu của người xuất gia, mỗi người có mỗi hoàn cảnh riêng, nhưng chung quy ai cũng mang nặng ân tình của cha mẹ. Vì nhờ cha mẹ mới có thân ta. Do đó, mở đầu bức thư Ngài Động Sơn đã nói "Chư Phật ra đời đều nhờ cha mẹ mới có thân này". Và nhờ có thân này mới tu thành chánh quả cứu độ quần sinh. Thế nên, sự báo hiếu cha mẹ đương nhiên là bổn phận thiêng liêng, không một ai được phép quên lãng.

Vì vậy, người xuất gia, nếu cha mẹ già yếu, cô độc, không người nuôi dưỡng, vẫn có bổn phận phụng dưỡng cha mẹ cho đến trọn đời. Trái lại, nếu cha mẹ đã có người chăm sóc tạm được an lành, thì người tu sĩ cần dốc chí tu học, hoàn thành đạo nghiệp, rồi vận dụng tâm lực, hồi hướng công đức, cứu vớt cha mẹ khỏi vòng trầm luân khổ hãi. Thiết nghĩ, đó là cách báo hiếu chân chính của đạo từ bi, và thích hợp với những ai đã chọn con đường thoát tục.

Chú thích:
(1) Luật Ngũ Phần, Đ.22, tr. 140c
(2) Theo văn bia Tổ Liễu Quán, do T.T Giới Hương phiên dịch
(3) Kinh Pháp Bảo Đàn
(4) Tam Tổ Thực Lục, bản chữ Hán, tr. 50b-54a
(5) Thiền đạo Tu Tập, Trương Trừng Cơ, Như Hạnh dịch, Kinh Thi XB 1972, tr.188-219
(6) Theo bản dịch của H.T Thanh Từ trong băng giảng

Source: thuvienhoasen
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 3997)
Đêm bệnh-viện, sầu tơi trên tóc trắng, Người già nằm, bóng hạc lắng chiều sương, Mắt ngu ngơ như nắng lỡ độ đường, Nhìn con gái dựa bên giường gà gật.
10/04/2013(Xem: 4052)
Tác giả, 63 tuổi, là cư dân Westminster, thành phố Little Saigon. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện một cựu tù nhân chính trị đến Mỹ theo diện HO-8 đi tìm gặp vợ con sau nhiều cuộc đổi đời. Đứng trong hàng rào kẽm gai của khu thăm nuôi. Bé Mai cố nhướng mắt để tìm người cha thân yêu của mình trong số những đoàn người gầy guộc, xanh xao, vàng vọt đang lếch thếch cất bước trên đường về trại tù.
10/04/2013(Xem: 4666)
Tóc sâu nhổ giúp mẹ xưa Chỉ mươi sợi đục đặt vừa lòng tay Năm năm . . .Tháng tháng . . .Ngày ngày . . . Tóc con xanh, tóc mẹ phai nhạt dần. Mỗi lần trông mẹ vấn khăn Giật mình: Sợi bạc còn ngần ấy sao?
10/04/2013(Xem: 5146)
Truyền thống Việt Nam từ ngàn xưa vốn coi đạo Hiếu là lửa thiêng un đúc tinh thần gia tộc. Từ lúc bập bẹ còn ngồi ghế nhà trường các con đã được học “Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ HIếu mới là đạo con” và nó đã trở thành như một bài Kinh nhật tụng trong lòng mỗi người. mà xét cho cùng, ai không cư xử tốt với cha mẹ là người đứt ruột đẻ ra mình thì ắt gì cư xử tốt với tha nhân.
10/04/2013(Xem: 4129)
Lời người dịch: Những cơn mưa cứ chợt đến chợt đi trong mùa đông giá lạnh, nhưng đối với QT những cơn mưa rã rít, cái lạnh của mùa đông lại là dấu hiệu của một mùa Vu Lan sắp đến, mùa Vu Lan ấm áp tình thương, mùa của bao dung và độ lượng, mùa Vu Lan nhắc nhớ ân nghĩa sinh thành, mùa báo hiệu kết thúc mùa An Cư…
10/04/2013(Xem: 4587)
Tôi đã được thông báo là hôm nay sẽ nhận thêm một cô học trò mới vào lớp mình và cứ nghĩ đến có thêm học trò mới vào cái lớp đặc biệt này là tôi phát sợ, cái lớp vốn học trò cứ hơn thua, tranh giành lẫn nhau. Từ khi hành nghề gõ đầu trẻ, tôi chưa có dạy cái lớp nào hơn cái lớp này cứ hay ganh tị lẫn nhau và cả thế giới như thế này. Vào giờ ăn trưa tôi cứ nghe đi nghe lại: “Nó có nhiều hơn tao đó”, “Mày cứ để cho nó đứng đầu hai lần đi rồi tới phiên tao dẫn đầu”.
10/04/2013(Xem: 4549)
Kinh Thi viết: “Phụ hề sinh ngã. Mẫu hề cúc ngã. Ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao. Dục báo thâm ân, hạo thiên võng cực”
10/04/2013(Xem: 3825)
Ông Tư bị ung thư và biết chắc không thể sống lâu hơn sáu tháng. Ông bình tỉnh chờ cái chết, và vui vẻ sống những ngày ngắn ngủi còn lại, mà không bi ai, không sợ hãi. Ông muốn sau khi chết, gia đình làm đám tang theo ý riêng của ông. Bà vợ nghe dặn dò cách thức làm đám tang kỳ dị, thì nói giọng buồn, với đôi mắt cầu khẩn:........
10/04/2013(Xem: 3661)
“Trang sử Phật Đồng thời là trang sử Việt, Trải bao độ hưng suy Có nguy mà chẳng mất….”
10/04/2013(Xem: 4698)
Năm 2010 này, quý chư Tôn đức vùng Santa Ana cùng Hòa Thượng Trù Trì Thích Quảng Thanh có tổ chức Khóa Bảy Ngày An Cư Kiết Hạ thời gian từ ngày 19.07.2010 đến ngày 26.07.2010 tại Chùa Bào Quang, Orange County, California. Trong chương trình an cư, mỗi buổi chiều có tiết mục thảo luận Phật Pháp. Con (TKN Giới Hương) được nằm trong danh sách thuyết trình đó với đề tài «Trầm Tư về Vũ Trụ Xung Quanh Chúng ta». Nay con xin phép được tường trình lại buổi pháp thoại đó.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]