Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bông hồng thôi cài áo

11/08/201102:28(Xem: 4225)
Bông hồng thôi cài áo

red_rose_47

 

T

rước 1975, nơi thị xã Nguyên ở, hằng năm cứ vào đầu tháng 7 âm lịch, trên các góc đường của ngã tư lại thấy xuất hiện các anh chị trong Gia Đình Phật Tử làm công tác cài hoa lên áo cho dân phố, nhân mùa Vu Lan về.

Đây là bông hồng nhỏ nhỏ xinh xinh được làm bằng giấy nhún, cắt dán rất khéo. Tuy hoa chỉ lớn bằng đầu ngón tay, cuống hoa còn điểm thêm chiếc lá xanh trông rất dễ thương. Đặc biệt những đóa hoa này chỉ gồm hai màu: Màu hồng dành cho những ai có diễm phúc còn Mẹ và màu trắng cho những người kém may mắn vì Mẹ đã qua đời. Hơn 30 năm trời qua, Nguyên vẫn chưa quên những hình ảnh đằm thắm mang nhiều nghĩa đó.

Được sinh ra trong một gia đình ít "nhân số" lại là con út nên Nguyên được bố mẹ và chị thương yêu nuông chiều lắm. Đây là khoảng thời gian sung sướng và hạnh phúc nhất của Nguyên. Tiếc thay bố Nguyên lại mất sớm, Mẹ phải thay bố gác vác, tảo tần sớm hôm để chị em Nguyên luôn được đầy đủ từ vật chất đến tinh thần như lúc bố còn sống. Vì thế, tuy rất đau buồn về mất bố, Nguyên lại thấy gần gũi với mẹ hơn, như thể mẹ cố gắng bù đắp vào mối tình phụ tử mà chị em Nguyên vừa bị mất. Ở lứa tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, Nguyên tiếp tục bơi lội trong dòng suối yêu thương, săn sóc, bảo bọc của mẹ, của chị. Để rồi những tháng bảy Vu Lan, Nguyên vẫn thấy cảm động, sung sướng và hãnh diện vô cùng khi được cài đóa hoa màu hồng xinh xắn lên ngực áo.

Rồi một hôm, tình cờ Nguyên mua được cuốn "Bông Hồng Cài Áo" của Thiền sư Nhất Hạnh. Cuốn sách đã ít nhiều làm xáo trộn quãng đời hoa niên bình an, vô tư lự của Nguyên. Cô bắt đầu suy nghĩ và thấy lo sợ -dù chỉ là mơ hồ, dù chỉ thoáng qua. Cái ngày bất hạnh khi mẹ không còn nữa. Cứ mỗi lần đem ra đọc, Nguyên lại chảy nước mắt, bồi hồi xúc động! Lối hành văn giản dị như những lời tâm sự nhưng đã gói ghém được những điều muốn viết, muốn diễn đạt như những tiếng chuông muốn nhắc nhờ cho Nguyên, cho những ai có diễm phúc còn được sống bên mẹ. Nên biết trân quý mối tình mẫu tử thiêng liêng mà ta chỉ có được một lần trong đời -một lần thôi- một khi đã mất không bao giờ ta có thể tìm lại được nữa!

Một người bạn học rất thân của chị Nguyên có bà mẹ vừa qua đời. Thỉnh thoảng chị đến nhà Nguyên trong chiếc áo dài đen, đầu chít vành tang trắng dài tới tận lưng. Lần nào hai chị cũng vào phòng thầm thì nói chuyện và khóc với nhau hàng giờ. Niên học sau chị ấy phải nghỉ học, ở nhà lo cơm nước và chăm sóc đàn em còn nhỏ dại. Lâu lâu chị ghé chơi, Nguyên thấy người chị như quắt lại, khuôn mặt thật buồn và già hẳn đi, mất hết những nét trẻ trung, tươi vui như ngày nào. Mỗi lần gặp chị, Nguyên lại thấy buồn, thấy sợ về những điều mà thường không dám nghĩ tới.

Rồi nước mất nhà tan, thêm một lần mẹ mất trắng của cải, chỉ có điều an ủi là mấy mẹ con vẫn bên nhau, đi đến đâu cũng có nhau. Trong mọi tình huống mẹ Nguyên vẫn luôn là cây cổ thụ che chở, là mái nhà vững chắc cho chị em Nguyên an tâm trú ngụ. Bao nhiêu thăng trầm, lo buồn, nuối tiếc tưởng đã có lúc quật ngã được mẹ nhưng có lẽ lòng thương con vô bờ bến đã giúp người vượt qua được mọi gian truân, những trận đau nguy kịch để tiếp tục sống cho con, vì con.

Rồi tình thế bắt buộc, một lần nữa mẹ Nguyên phải dứt áo bỏ lại quê hương, thân bằng, quyến thuộc, mang chị em Nguyên ra đi, không ngoài mục đích mưu cầu tự do, hạnh phúc cho các con. Nơi quê người, không thân nhân, không người bảo trợ, chị em Nguyên phải đi làm ngay để có phương tiện sinh sống. Trên xứ lạ với muôn vàn khó khăn, từ ngôn ngữ đến phong tục tập quán, từ cách sống đến suy nghĩ của người dân bản xứ quá khác biệt, chị em Nguyên còn chơi vơi lạ lẫm khi phải hội nhập vào cuộc sống mới huống chi những người lớn tuổi như mẹ Nguyên còn cô đơn lạc lõng biết chừng nào! Nhất là khi đông về tuyết rơi giá rét kéo theo những căn bịnh già không làm sao tránh được, nhưng mẹ Nguyên vẫn không một lời than van, suốt ngày dọn dẹp lau chùi nhà cửa và lo cơm nước cho con rất tận tình. Có những lúc thấy tóc mẹ như bạc hơn, lưng mẹ như còng hơn, Nguyên lại xót xa lo sợ. Lo sợ thế thôi rồi lại quay cuồng với cuộc sống, với tình cảm riêng tư của mình.

Chưa kịp đền ơn đáp nghĩa và dù rất thương mẹ, Nguyên đã vội lập gia đình, mẹ lại mang thêm gánh nặng cho cho cháu. Cả nhà đang sum họp yên vui, những tưởng cuộc đời sẽ êm đềm mãi như thế để chị em Nguyên vẫn được sống bên mẹ, vẫn được hưởng những ân sủng ngọt bùi, những thương yêu vô điều kiện của mẹ. Thì đại nạn kia đã đến, đến thật bất ngờ là Nguyên không tin đó là sự thật. Nguyên tưởng mình đang mơ, một giấc mơ hãi hùng nhất của đời người, nhưng khi nhìn thân thể mẹ im lìm bất động thì Nguyên biết chắc rằng từ nay mẹ con đôi đường cách biệt, vĩnh viễn chia lìa. Từ nay cho đến cuối đời mình không bao giờ Nguyên còn gặp lại người mẹ yêu dấu nữa. Bao nhiêu nước mắt vẫn không sao vơi được nỗi đau đớn, lòng thương tiếc trong Nguyên. Bây giờ Nguyên mới thấu hiểu được sự bất hạnh của người con khi mồ côi mẹ. Đó là niềm đau đã đạt tới tột đỉnh, là nỗi cô đơn khủng khiếp mất mát tận cùng. Cũng từ ngày ấy Nguyên như một đứa bé còi cọc, không lớn nổi mà đã già, hay tủi thân khi nhớ đến mẹ, đến những ân tình và kỷ niệm, đến những ngày vui đã qua không bao giờ trở lại khi nghe ai đó nhắc đến mẹ yêu. Bây giờ Nguyên mới nhận thấy những lời thầy Nhất Hạnh viết là đúng: "Lớn đến cách mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng thấy bơ vơ lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi!".

Ngày nhị thất của mẹ, tình cờ Nguyên mua lại được cuốn "Bông Hồng Cài Áo". Cuốn sách được in lại như xưa, từ khuôn khổ đến cách trình bày vẫn là tấm bìa trắng đơn sơ có một bông hồng với nét vẽ hơi ngả sang màu tím. Mỗi bận đem ra đọc, Nguyên vẫn chảy nước mắt, bồi hồi xúc động. Có khác chăng là giờ đây lòng Nguyên thổn thức ở một hoàn cảnh khác, một tâm trạng khác, hoàn cảnh của đứa con mồ côi mẹ, là tâm trạng tiếc thương những ân tình của đứa con mất cái diễm phúc còn mẹ. Thế là hết, từ nay về sau Nguyên không còn được cài đóa hoa màu hồng với nụ cười rạng rỡ trên môi và Nguyên đã không cầm được nước mắt trong những buổi lễ bông hồng cài áo tổ chức tại chùa nữa !

Hơn 10 năm trôi qua, nỗi cô đơn và sự mất mát kia tuy không còn xôn xao như ban đầu, nhưng trong một góc của hồn Nguyên, chúng vẫn lặng yên mà âm ỉ, đằm thắm mà rõ ràng. Để nhiều đêm trong giấc mơ, Nguyên vẫn nước mắt ngắn dài, ướt đẫm mặt gối vì bỗng hiện về những kỷ niệm êm đềm xưa cùng những khuôn mặt thân yêu cũ của một thời yêu thương, hạnh phúc đã qua và đã chìm sâu khuất lấp.

Ngày mẹ mất, Nguyên như chênh vênh hụt hẫng, Nguyên đã bám vào Phật Pháp như một cứu cánh giúp cô vượt qua cơn nghiệt ngã của cuộc đời. Hôm nay Nguyên biết tới và đến với Tam Bảo là nhờ mẹ hay nói đúng hơn từ sự ra đi của mẹ. Âu đó cũng là duyên lành, làm món quà tinh thần vô giá cuối cùng mà mẹ đã tặng cho Nguyên.

Lúc mẹ còn sinh tiền, vào mùa báo hiếu, Nguyên không biết cầu an cho mẹ được tăng phước thọ, sống lâu trăm tuổi; điều này cứ làm Nguyên ray rứt ân hận mãi. Để bây giờ khi mẹ mất rồi, Nguyên mới biết hồi hướng những công đức có được để cầu siêu cho mẹ, dù muộn màng chậm trễ nhưng vẫn còn hơn không!

"Cầu xin chư Phật mười phương, chư Đại Bồ Tát từ bi thương xót gia hộ cho hương linh cho mẹ chúng con được siêu sanh Tịnh Độ.

Cám ơn bố mẹ đã sinh ra con.

Cám ơn tất cả những ân tình mà bố mẹ đã cho con từ thương yêu, lo lắng đến khổ đau cũng vì con.

Như con- luôn luôn hãnh diện là gạch nối yêu thương cuối cùng của bố mẹ".

 

Mùa Vu Lan Ất Dậu

Hoàng Thị Doãn

München - ĐQ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/08/2022(Xem: 2787)
Lễ Vu Lan Báo Hiếu là một trong những ngày đại lễ của Phật giáo Việt Nam, có thể gọi là ngày nhớ về nguồn cội hoặc ăn quả nhớ kẻ trồng cây nhằm khuyên các Phật tử lấy Đạo Hiếu làm đầu là một trong Tứ Ân mà Đức Phật đã dạy chúng ta cần phải luôn quý trọng, giữ gìn và báo đáp bằng sự cung kính, vâng lời, phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già. Vì thế, mỗi hàng năm các Tự Viện khắp nơi luôn tổ chức Đại Lễ Vu Lan Báo HIếu và chùa Phổ Hiền tại Strasbourg Pháp quốc cũng không ngoại lệ.
18/08/2022(Xem: 3688)
“Mẹ, con không có lời nào để diễn tả hết tâm trạng của con ngay lúc này, ngày mai và cả phần đời còn lại của con. Con chưa bao giờ nghĩ mình phải viết đăng những hàng chữ như thế này cho mẹ. Mẹ! Mẹ là một người hùng. Con cứ nhủ đây là điều không thật. Con chỉ muốn được nghe giọng mẹ lúc này mẹ ơi. Con muốn được nghe cái giọng cất cao buồn cười nói với chú cún nhà mình làm cả nhà thức dậy buổi sáng. Con muốn nghe mẹ nói “Nanis đã thức rồi” bởi con cứ tắt đồng hồ báo thức. Con muốn ôm mẹ lần cuối và nắm đôi tay chai cứng của mẹ vì mẹ không chỉ dạy học cả ngày mà còn làm biết bao điều khác ở nhà.
16/08/2022(Xem: 2435)
Mùa Thu Tình Mẹ (tác giả Quý Luân, Ca sĩ Thùy Linh trình bày)
16/08/2022(Xem: 2311)
Trộm nghĩ Chúng sinh căn cơ đa dạng, tinh tế Cần hoà nhập nương nhau theo Đạo thực hành Nhẫn nhịn tha thứ …trái tim trong lành Giữa lòng cuộc đời …nghiệm lời kinh Phật
16/08/2022(Xem: 4489)
Đạo Làm Con, Sư Chánh Kiến giảng tại chùa Thiên Quang (Bình Dương) Mùa Vu Lan Báo Hiếu 2022
15/08/2022(Xem: 2953)
Lễ Vu Lan PL 2566 (2022) tại Chùa Phật Quang, Victoria, Úc Châu
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]