Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vu Lan Hiếu

20/10/201009:26(Xem: 8280)
Vu Lan Hiếu
hoa_hong (8)

VU LAN HIẾU
MINH CHIẾU

Vu Lan ‘99



Tôn giả Mục Kiền Liên


NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Kính thưa quý vị,

Hôm nay ngày Rằm tháng 7, ngày lễ Vu Lan, ngày Tự Tứ của chư Tăng Kiết hạ sau 3 tháng an cư tu tập, cũng gọi là ngày Xá Tội Vong Nhân, ngày “Báo Hiếu của mọi người con Phật”.

Ngày Vu Lan đến, người ly hương cũng như kẻ còn nơi quê Cha đất Tổ đều có lòng tưởng nhớ đến Tổ Tiên, Cha Mẹ, tháng 7 là tháng nhớ ơn, là mùa Báo Hiếu, là nguồn đạo hạnh…

Kính thưa quý vị,

Cây có cội, nước có nguồn, con người thì có Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ. Cho nên đến ngày này mọi người con Phật đều một lòng nhớ tưởng đến công ân sanh thành dưỡng dục của các bậc tiền nhân của mình.

Lễ Vu Lan là một lễ rất quan trọng, là một dịp để cho những người con đền công ân sinh dưỡng của Cha Mẹ hiện tại và nhiều đời.

Dân tộc Việt Nam chúng ta xem ngày này là ngày thiêng liêng cao quý nhất, vì dân tộc ta là một dân tộc được un đúc bởi một nền văn hóa thuần túy Á Đông, rất nặng lòng gia đình, đậm tình Hiếu đạo.

Nói như thế không có nghĩa là Phật tử chúng ta không chỉ nhớ ơn Cha Mẹ trong ngày Vu Lan mà thôi, thật ra người con hiếu thảo không giờ phút nào lại không nghĩ đến ân Cha nghĩa Mẹ, nhưng sở dĩ nhắc lễ Vu Lan, vì lễ đó có một ý nghĩa quá lớn lao vậy.

Khi nói đến ân Cha nghĩa Mẹ, vì nó quá lớn lao nên người ta thường đem những danh từ: Trời, Đất, Sông, Biển, Núi, Non để so sánh.

“Lên núi nhớ ơn Cha

Xuống sông thương tình Mẹ

Ôi! Núi cao vòi vọi

Ôi! Sông rộng mênh mông

Hai vai con mang nặng

Từ vô lượng kiếp rồi


Ân Cha và nghĩa Mẹ

Lặn hụp biển luân hồi”.

Ngày xưa khi con biết đòi ăn, Cha Mẹ là người lo cho con từng miếng cháo. Khi con biết đòi ngủ, Cha Mẹ là người thức hát ru con, nếu ai đi một vòng quả đất tròn, người trông coi mỏi mòn không ai hơn Cha Mẹ. Cái vòng tay mở ra từ thuở bé, cứ rộng dần theo con trẻ lớn lên, Cha Mẹ là người cho chúng con cái tên riêng, tuy cuộc sống không hơn trăm năm lẻ, nhưng cho con dư dã tiếng khóc cười. Có một ngày không lau nước mắt cho con, là lúc ấy Cha Mẹ không còn nữa.

Do đó mà có bài thơ:

“Cha Mẹ ân thâm tợ đất trời,

Thương con nuôi dạy chẳng đầy vơi.

Mở vòng tay lớn vì con trẻ,

Hướng dẫn con đi suốt cuộc đời”.

Trong kinh Phật thường dạy: “Hiếu vi vạn hạnh chi tiên”, nghĩa là trong muôn đức hạnh của người Phật tử, Hiếu là đức hạnh trọng yếu hơn cả.

Cha Mẹ đối với con, hy sinh tất cả đời sống của mình để nuôi con, con là nguồn hạnh phúc của Cha Mẹ, nhất là bà Mẹ đã trọn đời khổ sở vì con:

“Lòng Mẹ là trời vạn nhớ thương

Vì con gánh chịu mọi tai ương

Hy sinh tất cả quên gian khổ

Lòng Mẹ là trời vạn nhớ thương”.

Chín tháng mang thai, ba năm bú mớm, nhổ ngọt không tiếc nuối, nuốt đắng không phiền hà, Mẹ nằm chỗ ướt át, nâng con chỗ ấm khô, không hiềm không mắt mũi, không ghét què chân tay, quần áo lo cho con, rách rưới Mẹ đành chịu, thân con được kín đáo là lòng Mẹ ấm áp. Những khi trở trời trái gió, con cái biếng ăn biếng chơi, thì đã lo rầu bối rối, ngồi đứng không yên, nghỉ cả ăn chơi làm lụng, để săn sóc thuốc thang, trông cho con mau lành mạnh.

Ân của Mẹ quá lớn, không làm sao đo lường được:

“Lòng Mẹ mênh mang như đại dương

Yêu con biên giới khó đo lường

Nuôi con mãn kiếp quên thân xác

Ơn Mẹ ngàn đời vẫn vấn vương”.

Một tiếng rên của con là một mũi kim đâm vào tim Cha Mẹ, một tiếng cười của con là liều thuốc bổ của Cha Mẹ:

“Con ho lòng Mẹ tan tành

Con sốt lòng Mẹ như bình nước sôi”.

“Những khi trái gió trở trời,

Con đau là Mẹ đứng ngồi không yên”.

“Có con phải khổ vì con,

Có con chẳng đứng được lâu nửa giờ”.

“Chỉ vì một chút con thơ,

Cho nên giặt chiếu đạp dơ trăm đường”.

Lúc nhỏ thì tập ăn tập nói, đến khi khôn lớn thì cho vào trường học tập, bao nhiêu hy vọng đều ký thác nơi con tất cả. Cho đến khi con trưởng thành cũng vẫn còn lo: tạo nghề nghiệp, lập gia đình, hơn nữa, mỗi khi con phải đi làm ăn ở phương xa, thì Cha Mẹ vẫn ngóng trông tin tức. Bởi thế, nên một ngày con lớn lên, là một ngày Cha Mẹ thêm già yếu, già yếu với chuỗi ngày đầy những cảm tưởng lo âu buồn sợ. Chỉ có khi tắt thở mới không còn lo cho con nữa.

Tuy nói công ân Cha Mẹ, nhưng thật sự người Mẹ là người trực tiếp chịu đựng khổ sở vì con như: chín tháng mang thai, ba năm bú mớm, lúc con cái đau ốm v.v…

Người Mẹ là người đã suốt đời tận tụy khổ sở vì con, để cho con sống, để cho con vui:

“Vì con sống, Mẹ suốt đời lam lũ

Vì con vui, Mẹ gánh hết buồn đau

Đời đắng cay riêng Mẹ dấn thân vào

Nuôi con lớn Mẹ héo mòn thân xác”.

Người Mẹ đã bao lần khổ, bao lần khóc vì con:

“Nuôi con Mẹ héo thân gầy,

Vì con nên Mẹ lệ đầy viền mi”.

Người Mẹ là người đã lấy sự an vui hạnh phúc của con làm sự an vui hạnh phúc của mình, lấy sự đau khổ của con làm sự đau khổ của mình. Người Mẹ đã thâm nhập và thể hiện Tâm Đồng Thể Đại Bi của các vị Bồ Tát:

“Nuôi con mạnh Mẹ cười hớn hở

Con se mình Mẹ thức thâu đêm”.

“Con ngã lòng Mẹ đau

Con khóc lòng Mẹ sầu

Thân con liền ruột Mẹ

Con thơ nào biết đâu!”.

Người Mẹ không chỉ khổ sở vì con mà thôi, mà đã có những bà Mẹ khổ sở cả đến đời cháu, đời chắt:

“Mẹ già tóc trắng bao lần khóc

Vẫn khóc thương hoài chuyện cháu con”.

“Một mảnh quê tình phân ra trăm lối

Một thân Mẹ già năm bảy mối lo âu”.

Lúc con còn nhỏ, Mẹ khổ đã đành, nhưng lúc lớn lên, nếu gặp những đứa con ngỗ nghịch, bất hiếu, hoang đàng chơi bời, trộm cắp bị tù tội, nỗi khổ của bà Mẹ là phải lo lắng, chạy chọt, bới xách thăm nuôi, nhất là nỗi tủi nhục mất danh dự với đời:

“Ngày xưa con khóc Mẹ ru,

Bây giờ Mẹ khóc con tù rục xương”.

Tình thương của bà Mẹ là tình thương trường cửu, là vĩnh viễn, là bất di bất dịch, đến khi tắt thở chưa chắc đã chấm dứt. Tình thương ấy không phân biệt con hiền ngoan hay ngỗ nghịch, đẹp đẽ hay tàn tật, hiếu thuận hay bất hiếu, tình thương ấy không bị thời gian hay không gian chi phối.

“Mẹ già hơn trăm tuổi

Còn thương con tám mươi

Ân ái có đoạn chăng

Chỉ hơi thở cuối cùng”.

Trước kia tôi đã nghĩ, tình thương của bà Mẹ chỉ đến khi tắt thở mới chấm dứt – Như thế là đã quá vĩ đại, đã quá bất khả tư nghì rồi! Nhưng không! Chúng ta đã lầm. Dù khi tắt thở, trái tim bà Mẹ vẫn còn tiếp tục thương con, câu chuyện thần thoại Hy Lạp nhan đề là “Trái tim người Mẹ” sẽ chứng minh điều này:

“Xưa có chàng Cô Đắc quá yêu tiên nữ Ốc Xa Na. Nàng tiên nữ ra điều kiện: Nếu ai đem trái tim của Mẹ mình dâng cho nàng thì nàng sẽ yêu người ấy.

Thế là chàng Cô Đắc vì quá say mê nàng, đã nỡ tâm giết Mẹ đem trái tim dâng cho nàng. Nhưng vì quá hấp tấp đem trái tim của Mẹ đến dâng cho tiên nữ, chàng đã vấp ngã, trái tim văng xa. Trong khi ấy, chàng nghe gần đâu đây một giọng nói dịu hiền quen thuộc: “Con có đau không con?”. Chàng Cô Đắc nhìn quanh không thấy ai, chỉ có Trái Tim Người Mẹ rớt gần đó, tiếng nói đã phát xuất từ trái tim ấy. Do đó, người đời có đặt bài thơ:

“Đường dài chân mỏi mắt hoa

Vừa lên thềm cửa chân sa ngã nhào

Tim Mẹ đập ứa máu trào

Mà con hỏi nhỏ: “Nơi nào con đau?”

Dù đã bị con giết, lòng Mẹ vẫn không oán hận. Ôi, có một tình thương nào cao cả hơn nữa chăng? Nên có lời hát:

“Mẹ vẫn bên con

Mẹ vẫn thương con…”

Đúng như trong kinh: Nếu nước mắt của chúng sanh tràn đầy bốn bể đại dương như lời Phật dạy, thì ba phần tư nước mắt ấy phải để dành cho những bà Mẹ khóc con.

Trên đời này không có một tình thương nào có thể so sánh với tình Mẹ. Tình Mẹ thiêng liêng nhất, cao cả nhất.

Có tiền người ta có thể mua được tất cả, nhưng có một thứ không thể mua: đó là tình Mẹ.

Và đây, tôi xin kể một câu chuyện về tình Mẹ, nhan đề là “Tôi muốn con tôi sống”.

Bà Mẹ này tên là Suyana, bà ta có một đứa con gái khoảng 4 tuổi.

Trong vụ động đất ở ÁtMaNi liên bang Xô Viết cũ, tháng 12 năm 1988. Trong lúc động đất, hai mẹ con bà bị nhà cửa sụp đổ đè trong đám gạch cát, rất may là hai mẹ con bà được ở trong một khoảng trống nên không bị chết. Thực phẩm duy nhất còn lại để con bà dùng là một hủ mứt nhỏ. Nhưng thời gian bị nhà cửa đè quá lâu cả tuần lễ, chưa được cấp cứu, đứa con quá đói khát đã mệt lả, bà lấy mẻ chai cắt ngón tay mình cho con nút, sau nó đòi nữa bà lại cắt ngón tay thứ hai, thời tiết lúc ấy quá lạnh bà cũng không biết đau nhức là gì, tiếp đó bà bị bất tỉnh, sau cùng hai mẹ con bà được cứu sống. Người ta hỏi: “Động lực nào đã thúc đẩy bà làm như vậy?”. Bà đáp: “Chỉ vì tôi muốn con tôi sống!”. Ôi cao quý thay tình Mẹ.

Thật xứng đáng và vinh sự với những lời ca ngợi:

“Mẹ là sứ hoa đào hương tỏa ngát

Mẹ là niềm an ủi vạn sầu thương

Mẹ là sao sáng giữa đêm trường

Mẹ là chính của lòng con bất diệt

Mẹ là cả một tâm tình tha thiết

Mẹ là vầng trăng trọn cả mùa thu

Mẹ của con yêu cả muôn đời”.

Và đây, chúng ta hãy lắng lòng và thành kính nghe một vài bài thơ về Mẹ.

Đầu tiên là bài thơ của tác giả Miên Thụy:

“Đời vui khi Mẹ vẫn còn,

Mẹ là ngọn lửa ấm nồng ngày đêm.

Mẹ là ngọn gió đưa êm,

Mẹ là dòng suối mơ huyền bao la.

Lời ru tha thiết ngọc ngà,

Ngày nào đã có bài ca về Người.

Còn Mẹ đời càng thêm tươi,

Con yêu Mẹ quá nụ cười bao dung.

Mẹ là hoa của mùa Xuân,

Con như chim nhỏ hát mừng ca vang.

Mẹ là mây biếc non ngàn,

Con yêu Mẹ quá vô vàn tình thương.

Mẹ già như chuối ba hương,

Dạt dào tình Mẹ niềm thương vô bờ”.

Và đây là bài thơ “Bên Mộ Chiều” của tác giả Phước Hữu:

“Đốt nén tâm hương

Kính dâng về Mẹ

Giữa đồi sương gió lạnh nắng vàng trôi…

Lòng chinh nhân không nén được bồi hồi

Hình bóng Mẹ… sao một trời cách biệt”.

Trên đây là công ân của người Mẹ. Còn công ân của người Cha như thế nào? Nếu nói đến người Cha thân thương thì chúng ta thấy: Nếu người Mẹ là cả một tình thương bộc lộ mãnh liệt thì tình thương của người Cha lại kín đáo, nghiêm nghị và sáng suốt hơn. Nếu người Mẹ là cả một tình thương thuần túy tình cảm thì tình thương của người Cha đã được hướng dẫn bởi một lý trí phán đoán.

Một đứa con dại đòi chơi dao, người Mẹ có khi vì đứa con, khóc lóc đòi hỏi quá mà đưa đại dao cho nó để nó nín; nhưng đối với người Cha thì không khi nào như thế, vì người Cha biết đưa dao cho con nó sẽ bị đứt tay. Một đứa con đã trưởng thành nhưng chơi bời hư hỏng, bà Mẹ có thể lén lút cung cấp tiền bạc cho nó ăn chơi, nhưng người Cha là dứt khoát giáo dục, trừng trị. Nên người đời gọi người Mẹ là Từ Mẫu, mà lại gọi người Cha là Nghiêm Phụ, Nghiêm Đường.


Nếu công ân của người Mẹ là chín tháng mang thai, ba năm bú mớm, thì công ân của người Cha là cột trụ của gia đình, tảo tần kiếm kế sinh nhai, đem tiền về cho vợ nuôi con nên tục ngữ có câu: “Con có Cha như nhà có nóc”.

Nhờ sự hy sinh vất vả của người Cha mà con cái được no cơm áo ấm; nhờ sự giáo dục nghiêm nghị của người Cha tác thành mà người con nên người; nhờ ảnh hưởng thế lực, địa vị và đạo đức của người Cha mà người con được mọi người kính nể:

“Còn Cha gót đỏ như son,

Đến khi Cha chết gót con đen sì.

Còn Cha nhiều kẻ yêu vì,

Một mai Cha thác ai thì yêu con?”

Về mặt tình cảm, người Cha lại là người thiệt thòi nhất, cô độc nhất, nhiều khi con cái ít dám gần gũi thân mật. Vì bà Mẹ là người đóng vai bà Tiên cung cấp những gì cần thiết cho con cái, thì người Cha hình như bị xem là ông quan tòa nghiêm nghị.

Người Cha như thân cây vững chắc, bám rễ thật chặt vào đất, hút nhựa, hút chất dinh dưỡng nuôi lá, nuôi hoa, nuôi trái, thì người Mẹ như những nhánh thấp để trái non xúm xít bu quanh.

Tuy Cha ít nói, nhưng một lời của Cha, một cái nhìn của Cha rất có ảnh hưởng đến sự giáo dục con cái: “Mẹ đánh một trăm, không bằng Cha ngăm một tiếng”.

Ôi! Tình thương của người Cha đối với con cái lớn lao quá, cao như núi, rộng như sông!

Nhà thơ Thạch Lam đã ca ngợi tình cảm thiêng liêng, ân đức sâu dày đó bằng những vần thơ:

“Cha là bóng cả ngã che con

Là cả tình thương chẳng xoáy mòn

Là cả cuộc đời vô biên quá!

Nặng nghĩa tình Cha như nước non”.

Tình thương của Cha là những gì cần thiết cho cuộc sống của con cái; như ánh sáng mặt trời đối với mầm non cây cối, bông hoa trên quả địa cầu:

“Mẹ là trái tim, là bông hồng âu yếm,

Cha là mặt trời, là hoa huệ trắng thơm tho”.

Còn gì đau khổ bằng khi trên trái đất này không còn ánh sáng mặt trời, khi người con mất Cha không còn nơi nương tựa:

“Cha về âm cảnh hồn phưởng phất

Con ở dương gian dạ ngậm ngùi

Hiếu đạo chưa đền ơn cúc dục

Khuất còn thêm tủi phận làm con”.

Công ân của Cha Mẹ như đã trình bày ở trên, quá mênh mông như trời cao biển rộng, thật sự con cái khó đền đáp cho xứng đáng.

Trong kinh Bổn Sự có dạy:

“Giả sử có một người một vai cõng Cha, một vai cõng Mẹ, suốt đời như vậy, không có dừng nghỉ, lại cung cấp cho Cha Mẹ đồ ăn đồ mặc thuốc thang, hết thảy các món Cha Mẹ cần dùng. Như vậy cũng chưa đủ báo đáp ân sâu của Cha Mẹ. Vì sao? Vì Cha Mẹ đối với con ân đức cao nặng sâu dày: ân đức sanh sản, từ tâm cho bú mớm, ân đức tắm giặt, nuôi nấng trưởng thành, ân đức cung cấp các món cần dùng, ân đức chỉ dạy cách sống ở đời. Cha Mẹ luôn luôn muốn con rời khổ được vui, không bao giờ xao lãng nhớ con thương con như bóng theo hình”.

Nhưng ở đời phần nhiều con cái đã không đền đáp công ơn Cha Mẹ, mà còn trở lại bất hiếu với Cha Mẹ. Những Cha Mẹ chịu chết vì con thì rất nhiều, nhưng con cái chết vì Cha Mẹ thì còn hiếm lắm.

Đây chúng ta hãy thành kính cúi đầu chịu tội trước những lời quở trách của đức Phật, tội lỗi những người con bất hiếu với Cha Mẹ trong kinh Báo Ân:

“Ân đức Cha Mẹ như trời cao biển rộng, nhưng đến khi con cái trưởng thành thì lại bất hiếu. Nói với Cha Mẹ lời tiếng hỗn hào, trợn mắt trừng ngươi. Khi lăng chú bác, đánh đập anh em, hủy nhục bà con, không còn lễ nghĩa, thầy dạy không tuân, Cha Mẹ răn bảo toàn không y cứ. Đối đãi anh em, cố ý gây gỗ. Đi ở ra vào không cần Cha Mẹ. Ngôn hạnh thô bỉ, tự chuyên manh động. Cha Mẹ quở trách, chú bác răn dè, thì sanh sân hận, chống trả phản bội, mặc dù chính ta, do Mẹ sinh ra, do Cha nuôi lớn. Ruồng bỏ bạn tốt, trìu mến kẻ xấu, huân tập thành tánh, bèn thành cuồng bạo. Thoát ly gia đình, giang hồ du đãng, hoặc chinh chiến xâm lược, hoặc bị biếm tù đày, hoặc khốn khổ đói khát, hoạn nạn nguy hiểm, vì vậy thân chết, thây phơi gió sương, xương trắng bộc lộ. Để cho Cha Mẹ nhớ thương sầu khổ, khóc đến lòa mắt, bi ai thành bệnh. Có khi buồn khổ, đến nỗi phải chết.

Hoặc thấy con cái mê tín dị đoan không lo học tập, xao lãng nghề nghiệp, cho nên Cha Mẹ buồn khổ. Thế nhưng con cái vẫn cờ bạc hoang đàng mông lung, tội lây Cha Mẹ, họa đến bà con. Trong khi đó thì Cha Mẹ đau ốm không hay, đói lạnh không biết. Thấy Cha như thấy nợ, thấy Mẹ như thấy khách, không có khi nào hỏi han đoái hoài. Cha Mẹ buồn tủi cô đơn lạnh lùng, ngủ phải ngủ nhờ, ăn phải ăn xin, ngày đêm than thở bi thảm muôn vàn, con cái vẫn không hay biết. Dầu cho hay biết, lại thấy thẹn thùng. Thẹn thùng hơn nữa, khi thấy Cha Mẹ, vì tuổi tác cao, vì lo khổ nhiều, mà phải thân hình gầy ốm xấu xí, cho nên bực tức khi lăng mắng nhiếc.

Cha Mẹ cao cả, đáng dâng xương thịt, nhưng cho một bữa, lại thấy hổ ngươi, sợ người chê cười. Còn với vợ con, cù đày phục dịch, trút hết mồ hôi, đổ cả tài sản, mà vẫn không hổ. Thê thiếp sai bảo thì nhứt thiết thi hành, Cha Mẹ nói năng lại không thèm đếm xỉa. Nếu là con gái, thì khi chưa chồng tuy có hiếu thuận, nhưng lấy chồng rồi, trở nên bất hiếu. Cha Mẹ hơi sân liền nổi oán hận, còn chồng đánh mắng, lại cam nhẫn chịu. Khác họ khác dòng, mà tình nặng nghĩa sâu, xương mình thịt mình mà coi như nước lã. Mê theo chồng con, quên ngày quên tháng, bỏ quên Cha Mẹ, không tin không hỏi, làm cho Cha Mẹ nhớ thương sầu khổ.

Ân đức Cha Mẹ vô lượng vô biên, tội lỗi bất hiếu vô biên vô lượng. Nói không bao giờ hết, tả không bao giờ cùng”.

Ở đây tôi xin dừng lại vài phút để chúng ta cân nhắc: giữa tình phụ tử, tình mẫu tử đối với tình trai gái, tình vợ chồng, cái nào thắng thế hơn?

Trớ trêu thay, trên trái đất này, tình trai gái vợ chồng, bao giờ cũng mặn nồng hơn tình phụ mẫu.

Một người con gái có chồng đã chân thành cúi đầu chịu tội bất hiếu của mình:

“Cha Mẹ bú mớm nâng niu,

Tội trời thì chịu không yêu bằng chồng”.

Còn nàng con gái chưa chồng khi bị Cha Mẹ ngăn cản cuộc tình duyên của nàng với một chàng trai nàng yêu nào đó thì lại thốt lên:

“Vì dầu Thầy Mẹ có đánh chín chục một trăm,

Đánh rồi em dậy em vẫn nhất tâm đợi chàng”.

La rầy đánh đập đã ăn thua gì! Ngày xưa có tập tục thả trôi những người đàn bà ngoại tình, mà nàng đâu có sợ:

“Dầu mà Thầy Mẹ có đang rọ thả trôi,

Thả trôi thì thả thiếp không thôi nghĩa chàng”.

Mạnh mẽ thay ái tình!

Có một người nào đó đã hỏi ông Voltaire, nhà đại văn hào Pháp: “Chồng và Cha ai đáng sợ hơn?”. Ông Voltaire trả lời: “Chồng đáng sợ hơn Cha, vì Cha không thể giết con mà chồng có thể giết vợ”.

Nhưng cũng trớ trêu thay, mấy bà vợ có ai sợ chồng đâu?

Nếu chúng ta là những người con có một chút tình hiếu thuận, nghe những tội lỗi bất hiếu với Cha Mẹ trong kinh Báo Ân mà ít nhiều chúng ta đã phạm, đâu khỏi cảm động và tự trách mình là những kẻ khốn nạn, đáng thương, đáng trách… Đã bao lần chúng ta đã làm cho Cha Mẹ đau khổ:

“Xin Mẹ nhận lạy này con bất hiếu

Đã bao lần làm Mẹ khổ ngày xưa

Đã bao lần làm Mẹ khóc như mưa

Bao nhiêu lạy cũng chẳng vừa ân Mẹ”.

Lại càng đáng trách hơn nữa, khi đối với công ơn Cha Mẹ như trời cao biển rộng kia, con cái mới đền đáp được một phần nào thì đã so đo tính toán:

“Mẹ nuôi con biển hồ lai láng

Con nuôi Mẹ tính tháng tính ngày”.

Hoặc là:

“Cha Mẹ nuôi con bằng trời bằng bể

Con nuôi Cha Mẹ con kể từng ngày”.

Có những người con khi Cha Mẹ còn sống thì để cho Cha Mẹ đói khát cực khổ, đến khi Cha Mẹ chết thì làm mâm cao cổ đầy, giết gà giết heo để cúng kính, đám tiệc linh đình, rồi mời bà con họ hàng bạn bè hàng xóm đến ăn uống, không ngoài mục đích tránh tiếng thế gian khỏi chê mình bất hiếu, trách gì ca dao không nói:

“Sống thì con chẳng cho ăn,

Chết thì xôi thịt làm văn tế ruồi”.

Họ đâu có biết những tội lỗi giết gà giết heo ấy, Cha Mẹ đều phải gánh chịu tất cả, vì họ nói cúng Cha cúng Mẹ. Trong kinh Địa Tạng nói việc này cũng như người gánh nặng đi xa, mà nay con cháu còn chất thêm nhiều vật nặng.

Lại có những người con, khi Cha Mẹ còn sống, để cho Cha Mẹ áo quần rách rưới, hất hủi xua đuổi, nhưng khi Cha Mẹ chết thì mua hàng lụa đắt tiền để may đồ tẩn liệm, và khóc lóc kể lể vì sao Cha Mẹ không ở lại với con mà vội lìa dương thế? Lại bị miệng đời mai mỉa:

“Thế gian còn dại chưa khôn,

Sống mặc áo rách, chết chôn áo lành”.

Thuở xưa, lúc đức Phật còn tại thế, một hôm ngài vào thành Xá Vệ, gặp một ông già chống gậy đi ăn xin, Phật hỏi: “Ngươi không có con cái nuôi dưỡng hay sao mà phải đi ăn xin khổ sở như thế?”. Ông già thưa rằng: “Bạch đức Thế Tôn, ngày trước tôi cũng giàu có, của cải dư dật, đến khi tôi cưới vợ cho con tôi thì tôi giao hết cả cơ nghiệp cho nó. Nào ngờ, nó ăn ở bất hiếu, không nuôi tôi nữa, nên tôi phải đi xin ăn mà độ cái thân già này cho qua ngày tháng”.

Phật nghe nói động lòng thương xót liền hỏi lại rằng: “Ngươi có thể học thuộc lòng bài kệ của ta sẽ dạy, rồi khi về nhà hay là đến xóm giềng mà đọc lại cho người khác nghe không?”. Ông già đáp: “Dạ được!”. Phật liền dạy bài kệ:

“Phàm làm Cha Mẹ xưa nay,

Yêu con còn có ai tày nữa không?

Con chơi Cha Mẹ vui lòng,

Con đau Cha Mẹ hết lòng chăm nom.

Lại còn lo kế sinh tồn,

Xót xa lòng ruột mỏi mòn chân tay.

Lo đêm thôi lại lo ngày,

Vì con Cha Mẹ hình gầy như ve.

Nuôi con đã đến kỳ khôn lớn,

Lại toan gây dựng vợ chồng,

Nào ngờ con lại phụ công,

Con yêu quý vợ, con không thương già.

Tấm thân đói khát trơ vơ,

Hai tay bị gậy lân la ăn mày.

Nghĩ như một cái gậy này,

Vô tri giác đó mà hay giúp người.

Đêm hôm đường tối tới lui,

Trâu hoang chó dữ có nơi cậy nhờ.

Còn con có thấy đâu mà?”.

Ông già học đi học lại mấy lời Phật dạy, đến khi thuộc lòng rồi, liền trở về đọc lại cho mọi người trong thân thuộc nghe, ai nấy cũng động lòng thương xót.

Người con nghe đọc mấy câu ấy lấy làm hổ thẹn, liền chạy lại ôm Cha mà khóc, rồi mời về nhà tắm rửa sạch sẽ, thay đổi quần áo. Từ ấy, Cha con sum họp đoàn viên, người con hết lòng phụng dưỡng Cha già.

Và đâu là câu chuyện bất hiếu ngày xưa ở trong kinh.

Trước nhất là câu chuyện Hoàng tử A Xà Thế giết Cha:

Hoàng tử A Xà Thế, bị Đề Bà Đạt Đa xúi giục âm mưu sát hại vua cha là Tần Bà Ta La để chiếm ngôi. Nhưng công việc bại lộ. A Xà Thế bị bắt quả tang và người Cha đầy lòng bi mẫn không đành xử phạt xứng đáng như quần thần đề nghị, mà còn nhường ngôi vàng cho Hoàng tử vì thấy con mình thèm muốn làm vua.

Để trả ân, vị Hoàng tử bất hiếu lên ngôi liền hạ ngục Cha, và ra lệnh bỏ đói cho chết dần. Chỉ một mình Hoàng Thái Hậu được phép vào thăm. Mỗi khi đi bà giấu đồ ăn trong túi áo đem cho chồng. A Xà Thế hay được quở trách Mẹ. Sau, bà lại giấu trong đầu tóc, A Xà Thế cũng biết được. Cùng đường, bà tắm rửa sạch sẽ rồi thoa vào mình một thứ đồ ăn làm bằng mật ong, đường và sữa. Vua gọt lấy món ăn này để nuôi sống. Nhưng A Xà Thế cũng bắt được và cấm hẳn Mẹ không cho vào thăm Vua Cha nữa.

Lúc ấy Tần Bà Ta La cam chịu đói, nhưng lòng vẫn không oán trách con, Ngài đã đắc quả Tu Đà Hoàn, nên thản nhiên cố gắng kinh hành, thọ hưởng hạnh phúc tinh thần.

Thấy Cha vẫn vui tươi, A Xà Thế nhất định giết cho khuất mắt nên hạ lệnh cho người thợ cạo vào ngục, lấy dao bén gọt chân Cha, xát dầu và muối vào rồi hơ trên lửa nóng.

Khi người Cha bất hạnh thấy người thợ cạo đến thì mừng thầm, ngờ rằng con mình đã ăn năn hối cải, cho người đến cạo râu tóc để rước về. Trái với sự mong ước của Ngài, anh thợ cạo đến chỉ đem lại cho Ngài cái chết thê thảm.

Cùng ngày ấy, vợ A Xà Thế lại sanh một hoàng nam. Tin lành đến Vua một lượt với tin vua Tần Bà Ta La chết trong ngục.

Tin Chánh Hậu sanh một hoàng nam được đọc trước. Nỗi vui mừng của A Xà Thế không sao kể xiết. Cả người nghe nhẹ nhàng vui sướng. Tình thương của một người Cha lần đầu tiên chớm nở trong lòng, mặn nồng sâu sắc, thấu vô từng khớp xương ống tủy. Đứa con đầu lòng là một nguồn yêu thương, là cơ hội để Cha Mẹ thưởng thức một tình thương mới mẽ đậm đà, vô cùng trong sạch. Cảm giác đầu tiên của người mới có được đứa con đầu lòng dường như đưa họ vào một cảnh giới kỳ lạ, khiến họ có cái cảm tưởng rằng máu huyết mình đã dỏ giọt ra để nối tiếp mình.

Tức khắc A Xà Thế vội vã chạy đi tìm người Mẹ yêu dấu của mình và hỏi:

- Thưa Mẫu Hậu, khi con còn nhỏ Phụ Hoàng có thương con không?

- Tại sao con hỏi lạ vậy? Mẹ tưởng trên thế gian này không tìm đâu ra một người Cha lành như Cha con. Để Mẹ thuật cho con nghe: Lúc Mẹ còn mang con trong lòng, ngày nọ Mẹ nghe thèm lạ lùng một món kỳ quái. Mẹ thèm mút vài giọt máu trong bàn tay mặt của Cha con. Mà nào Mẹ dám nói ra. Rồi càng ngày Mẹ càng xanh xao, và sau cùng phải thú nhận với Cha con.

Khi nghe vậy, Cha con vui vẻ lấy dao rạch tay cho Mẹ nút máu. Lúc ấy, các nhà chiêm tinh trong triều tiên tri rằng con sẽ là người thù của Cha con. Do đó tên con là A Xà Thế (Ajatasatty – kẻ thù chưa sanh).

Mẹ có ý định giết con ngay trong lòng nhưng Cha con không cho.

Khi sanh con ra, Mẹ nhớ đến lời tiên tri, một lần nữa muốn giết con, một lần nữa Cha con lại cản Mẹ.

Một hôm, con có cái nhọt trên đầu ngón tay, nhức nhối vô cùng, khóc suốt ngày đêm, không ai dỗ được. Cha con đang cùng bá quan phân xử việc triều đình, nghe vậy cầm lòng không đậu, bỏ cả cuộc họp, bế con trong lòng và không ngần ngại ngậm ngón tay của con trong miệng nhè nhẹ nút cho con đỡ đau. Gớm thay cái mụt nhọt bể, máu mủ tuôn ra trong miệng Cha con, và sợ lấy ra con sẽ nghe đau nên Cha con nuốt luôn vào bụng cả mủ lẫn máu! Phải, người Cha hết lòng yêu thương con, vì tình phụ tử đậm đà, đã nhè nhẹ nuốt hết cả vừa máu vừa mủ”.

Nghe đến đó, bỗng A Xà Thế đứng phắt dậy, kêu lên như điên: “Hãy chạy mau, thả ra lập tức người Cha yêu quý của Trẫm”.

Than ôi! Người Cha yêu quý ấy đã ra người thiên cổ.

Tin thứ nhì được trao tận tay nhà vua A Xà Thế. Vua xúc động rơi lệ dầm dề. Bấy giờ ông mới nhận định rằng: “Chỉ khi bắt đầu làm Cha mới biết được tình Cha thương con như thế nào”.

Vua Tần Bà Ta La băng hà và tức khắc tái sanh trời Tứ Đại Thiên Vương tên là Ja-Na-Sa-Bha.

Về sau vua A Xà Thế được gặp đức Phật, nhờ sự giáo hóa của Ngài trở nên một thiện tín lỗi lạc và tạo được nhiều công đức trong cuộc kết tập Tam Tạng lần đầu tiên.

Đại Đức NARADA

Căn cứ trên luật nhân quả, thì người nào bây giờ hiếu để với Cha Mẹ thì sau lại được con cái hiếu thuận, trái lại người nào bất hiếu với Cha Mẹ chắc chắn sau này sẽ bị con cái ăn ở tệ bạc với mình.

“Nếu mình hiếu với Mẹ Cha

Chắc con cũng hiếu với ta khác gì.

Nếu mình ăn ở vô nghì,

Đừng mong con hiếu làm gì uổng công”.

“Hiếu thuận sanh ra con hiếu thuận

Ngỗ nghịch nào con có khác chi

Xem thử trước thềm mưa xối nước

Giọt sau giọt trước có sai gì?”

Ngày xưa có một anh nọ, có một người Cha già, vì ông ta già quá nên mắt lòa và tay chân thường run rẩy, do đó thường làm bể chén bát trong lúc ăn cơm. Chị vợ thấy vậy mới than thở và khuyên anh chồng: “Cha chúng ta hay run rẩy nên làm bể chén bát luôn, mà sắm mãi thì tốn kém quá, chi bằng anh sắm cho Cha một cái muỗng dừa để Cha ăn cơm lỡ có rớt đổ cũng không can gì!”. Anh chồng nghe lời vợ, sắm cái muỗng dừa để Cha ăn cơm, mỗi lần bưng cái muỗng dừa để ăn là ông ta rơi lụy vì tự tủi cho thân mình già cả mới đến nỗi như thế.

Cách một thời gian sau, một hôm anh đi làm về thì thấy thằng con lên 5 của anh đang hì hục cạo gọt một cái muỗng dừa ra dáng thích thú lắm, anh ta hỏi: “Con làm gì thế con?”.

Đứa con trả lời: “Con làm cái chén!”.

Anh ta lại hỏi: “Chén thiếu gì mà con phải làm?”.

Đứa con vô tư đáp: “Con làm để dành sau này khi Ba già như ông Nội ba ăn”.

Nghe lời nói của con, anh liền tỉnh ngộ, trong lòng rất ân hận đã đối xử với Cha mình quá tồi tệ, từ đó anh ta hết sức săn sóc và chiều chuộng phụng dưỡng Cha già.

Lại có một câu chuyện:

Xưa có một chàng trai bất hiếu với Cha mình, Ngọc Hoàng sai Thiên Lôi xuống đánh anh ta, trước khi đánh Thiên Lôi kể tội anh ta. Anh ta nói:

- Trước khi đánh, xin cho phép tôi hỏi một điều.

Thiên Lôi nói:

- Thì hỏi đi!

- Ông phụ trách ở đây đã lâu chưa hay mới đến?

- Đã lâu! Nhưng chuyện này có dính líu gì đến chuyện đã lâu hay mới đến?

- Nếu ông ở đây đã lâu thì Trời bất công quá! Vì sao Cha tôi bất hiếu với Ông Nội tôi bằng hai tôi mà Trời lại không đánh mà nay lại đánh tôi.

Ý tôi kể câu chuyện này cũng chỉ để nhắc lại quả báo về bất hiếu mà thôi.

Và đây là câu chuyện nhan đề: “Nước mắt Mẹ hiền” hay là “Quả báo làm Mẹ đau khổ”.

Trên bãi biển của thành Ba La Nại có những căn nhà mới dựng. Đó là nhà của một người lái buôn giàu có.

Hơn 10 năm nay, anh ta đã bao lần lênh đênh trên biển cả, tìm đến những bến bờ xa lạ của các nước Ả Rập, tiếp xúc với nhiều dân tộc hiền lành cũng như hung dữ.

Sau mỗi chuyến đi, anh ta lời rất lớn, rồi anh trở thành một trong những người có nhiều của cải nhất.

Vợ anh ta là một người đảm đang, mắt nàng luôn ẩn vẻ lo buồn và ngày về của chồng với bao đồ quý giá vẫn không làm nàng vui, vì cái viễn cảnh của ngày ra đi sắp đến. Hai vợ chồng sanh được một đứa con trai, nàng đặt cho nó một cái tên thật dài Mê-tra-ca-ny-a-ca, đứa bé đã mang lại cho nàng những nỗi khuây khỏa trong lúc xa chồng.

Mê-tra-ca-ny-a-ca đã lên 6, một đêm về mùa đông, nàng thao thức không ngủ được vì sắp đến ngày Cha Métra về. Đến sáng trời bỗng trở gió, gió càng lúc càng mạnh. Tiếng gió bể ầm ầm, những nỗi lo ngại như nhiều lần trước nổi dậy.

Mãi đến chiều, đoàn thuyền vẫn chưa thấy về, người ta ra bãi bể ngóng trông. Đến gần tối một chiếc buồm xuất hiện, trong số hàng chục chiếc ra đi chỉ một chiếc trở về, và chiếc đó không phải thuyền của chồng nàng.

Người ta báo cho nàng một cái tin hung dữ: “Thuyền của chồng nàng bị đánh đắm”. Nàng ngất đi. Sự đau đớn lớn lao nhất của đời nàng ghi mãi nét buồn trên gương mặt nàng. Và tất cả hy vọng của nàng còn lại, nàng đã trút vào cuộc đời Métra.

Métra lớn lên, khỏe mạnh hơn người. Mắt hắn long lanh đen nháy, luôn luôn nhìn thẳng ra chân trời xa xăm mơ ước một đời sống phiêu bạt. Nàng đã đoán trước điều ấy, nên tìm hết cách khuyên bảo con. Đôi lúc hắn hỏi Mẹ: “Mẹ ơi! Cha con thuở trước làm nghề gì?”. Câu hỏi đó đã làm nàng nhiều đêm không ngủ yên. Nàng thấy nỗi đau xót của mình, trong buổi chiều đông năm xưa.

Nàng nói dối hắn, Cha con hồi trước làm nghề buôn trong nước. Hắn liền nuôi mộng đi buôn trong nước.

Năm năm sau, Métra trở thành một thanh niên cứng cỏi và hắn đi buôn trong nước. Trong chuyến buôn đầu, hắn lời được 4 đồng, đó là một thành công lớn đối với kẻ còn thiếu kinh nghiệm như hắn. Hắn đem tất cả 4 đồng về giao cho Mẹ hắn và yêu cầu Mẹ cúng dường giúp đỡ các vị Sa Môn, Bà La Môn, cho các người nghèo khổ ăn xin. Mẹ hắn mừng tưởng hắn an phận thích nghề này rồi.

Nhưng một hôm hắn trở về buồn dười dượi. Hắn muốn đổi nghề vì nghe nói Cha hắn làm nghề bán dầu thơm. Mẹ hắn đành chiều hắn. Ngày hôm sau hắn lập quán trong thành phố. Lần này hắn lời được 8 đồng, khá hơn lần trước. Nhưng cái nghề bán dầu thơm tầm thường nọ không làm hắn hứng thú chút nào. Lại thêm có người bảo Cha hắn trước kia làm nghề bán nữ trang. Thế là ít lâu sau, nó đem 8 đồng về cho Mẹ nó với cả ý định bỏ nghề bán dầu thơm.

Nó chuyển qua nghề bán nữ trang. Nó bán chạy và cạnh tranh với những tiệm vàng lớn trong thành phố. Nó lời tháng đầu 16 đồng, tháng sau 32 đồng. Thật là những món tiền to lớn. Hắn đem về cho Mẹ và cũng yêu cầu Mẹ làm các công việc công đức như những lần trước. Nhưng cái nghề này giữ chân hắn một chỗ và hắn thấy bực bội. Sự hoạt động của hắn bị chậm lại. Rồi có một chủ tiệm vàng đến nói với hắn: “Sao chàng không làm nghề hàng hải như ông thân chàng, mà lại đi làm nghề bán nữ trang hèn mọn tù túng này?”. Hắn bị kích thích đúng chỗ. Vậy là hôm sau, Métra bán tất cả số vàng còn lại dồn được một số vốn lớn. Bể khơi với sóng gió ngàn trùng, với các bến bờ xa lạ đang kêu gọi hắn. Hắn đã nhất quyết rồi. Hắn về nói với Mẹ: “Thưa Mẹ, có phải trước kia Cha con làm nghề hàng hải phải không? Mẹ cho con theo nghiệp Cha con đi buôn ngoài biển cả”.

Mẹ hắn sững sốt. Bà đã cảm thấy điều mong muốn này của con. Bà đã để ý đến cái nhìn đăm đăm của hắn ra tận bể khơi, như cố tìm đến bên kia bờ đại dương. Bà đã để ý con say sưa thèm thuồng cuộc đời thủy thủ trên các thuyền buồm từ xa đến. Bà cũng muốn cho con thỏa nguyện nhưng hình ảnh của cuộc ra đi không ngày trở về của Cha Métra đã làm cho nàng tìm cách ngăn con: “Phải Métra ạ! Cha con trước đây làm nghề hàng hải nhưng bị nạn chết đắm từ ngoài biển khơi. Mẹ đã đau khổ lắm rồi. Nay Mẹ chỉ có mình con, con nỡ nào bỏ Mẹ ra đi góc bể chân trời, Mẹ sẽ khô héo mà chết”.

Métra tuy cảm động, nhưng hắn đã quyết. Chiều hôm ấy hắn cho người đánh chuông rao khắp thành Ba La Nại:

- Hỡi các thương gia đáng tôn kính! Métra sắp đi buôn xa, vậy ai muốn đem hàng ra hải ngoại bán thì cứ đi chung cùng người.

Mẹ Métra khuyên răn hắn rất nhiều, hắn vẫn không đổi ý định. Đến ngày ra đi. Năm trăm lái buôn cùng đi chuyến này với hắn, bà Mẹ quá thương con. Cái cảnh ra đi giống hệt cái cảnh ra đi của Cha hắn ngày trước làm bà quá đau xót. Bà ngã xuống ôm lấy chân con mà khóc. Mọi người đều cảm động. Métra ngồi xuống một lát, nhưng hắn lại bỗng đứng dậy, rút mạnh chân ra, bước qua đầu Mẹ hắn. Hắn đi thẳng xuống thuyền không ngoái nhìn lại. Bà Mẹ chập chạp ngồi dậy và trong nước mắt bà niệm nho nhỏ:

- Con ơi! Mẹ cầu cho con khỏi bị quả báo đã bước qua đầu Mẹ con ơi!

Đoàn thuyền vượt sóng đã ba ngày trường. Đến ngày thứ tư trời bỗng biến đổi đột ngột rồi có gió mạnh. Gió cuốn từng hồi báo trước một cơn bão lớn. Mọi người lo ngại và cố sức chống chọi. Nhưng chuyện phải đến đã đến. Bão to đã đánh tan cả đoàn thuyền.

Métra đeo trên một tấm ván và may mắn trôi vào bờ xa lạ. Hắn lần lần hồi tỉnh lại và đi đến một thành phố. Đây là thành RA-MA-NA. Một chàng thanh niên của kinh thành Ba La Nại được người ta niềm nở đón tiếp. Có 4 nàng tiên đẹp đến chào hắn. Trước ngực mỗi nàng đều lấp lánh một đồng tiền vàng giống như đồng vàng hắn đã giao cho Mẹ ngày trước đây.

Các nàng tiên nói với hắn: “Hỡi chàng Métra. Đây là đền đài của các em. Đây là tất cả sự khoái lạc ở đời, chàng vào đây chung vui với các em”. Métra nhận lời. Hắn sống đầy đủ về vật chất, hình như việc thừa hưởng phước đức đã làm nên thuở trước, nhưng hình như có một nguyên nhân vô hình thúc đẩy hắn: hắn buồn ý và ra đi, xuống miền Nam.

Hắn đến thành SA-ĐA-MA-HAM. Có 8 nàng tiên xinh đẹp đến chào hắn, trước ngực mỗi nàng lấp lánh một đồng tiền vàng giống như đồng tiền của hắn đưa cho Mẹ hắn ngày trước đây. Các nàng tiên cũng nói với hắn những lời dịu dàng như những nàng trước. Hắn cũng nhận lời ở lại. Và hắn cũng đã sống đầy đủ vật chất như được thừa hưởng những phước đức đã làm nên ngày trước. Sau buồn ý hắn lại ra đi, xuống miền Nam.

Hắn đến thành NAN-ĐA-NA. 16 nàng tiên đẹp đẽ đến chào hắn. Trước ngực mỗi nàng lấp lánh một đồng tiền vàng, giống như đồng vàng hắn đã trao cho Mẹ ngày trước. Các nàng tiên dịu dàng chào hắn, mời hắn ở lại và săn sóc hắn như những nàng trước. Hắn đã sống đầy đủ vật chất như được thừa hưởng những phước đức đã làm nhiều ngày trước. Hắn lại muốn ra đi và đi đến miền Nam, mặc dù các nàng tiên hết sức khuyên can.

Hắn đến thành BRAH-MOT-TO-RA. 32 nàng tiên đẹp đẽ đến chào hắn. Trước ngực mỗi nàng lấp lánh một đồng tiền vàng, giống như đồng vàng hắn đã trao cho Mẹ ngày trước. Hắn được mời ở lại hưởng khoái lạc trong thành, đến đây nhiều điều đã làm hắn suy nghĩ: “Tại sao hắn, một kẻ có tội với Mẹ, hắn lại được hưởng những sung sướng đã qua? Phải chăng do ngày trước hắn đã trao những món tiền 4 đồng, 8 đồng, 16 đồng và 32 đồng cho Mẹ hắn để làm việc thi ân. Nhưng, sự sung sướng được hưởng của hắn quá nhiều rồi. Hắn không thể ở lại đây nữa. Hắn muốn ra đi và đi xuống miền Nam, mặc dù các nàng tiên hết sức khuyên can”.

Lần này hắn đi thật xa. Hắn đến một bức thành bằng sắt. Hắn đi nhanh vào thành thì cửa thành đóng lại. Hắn cứ đi nữa và không mấy chốc hắn gặp một người to lớn, trên đầu đội một vành sắt cháy đỏ, lửa phun rừng rực. Máu mủ trên đầu người ấy chảy tràn xuống miệng, người ấy liếm và nuốt tất cả. Hắn đến gần và hỏi: “Nhà ngươi là ai? Tại sao lại bị hình phạt đau đớn khổ sở như vậy?”.

Người ấy nén đau xót, ngẩng nhìn hắn một lát rồi trả lời: “Tôi là người đã làm cho Mẹ tôi đau khổ, nên tôi phải gánh lấy quả báo như thế này. Tôi sẽ chịu quả báo mãi cho đến khi có một người khác đã tạo nghiệp ác làm Mẹ đau khổ đi ngang qua đây, sẽ thay thế cho tôi”.

Cái quá khứ tội lỗi của Métra đã hiện lên rõ ràng trong tâm trí. Métra đã bước ngang đầu Mẹ. Đứa con bất hiếu đó đang đứng đây, và đáng nhận tất cả những hình phạt nặng nề nhất. Métracanyaca vừa nghĩ như thế, thì vành lửa nóng bay qua chụp lên đầu chàng. Métra nhìn người kia bây giờ đã khỏe mạnh, vết thương trên đầu đã lành hẳn và hỏi:

- Tôi phải chịu vòng lửa này trong bao lâu?

Người kia đáp:

- Chàng phải chịu hình phạt này đời đời kiếp kiếp cho đến khi có người phạm tội đã làm cho Mẹ đau khổ như chàng, đến thay thế chàng.

Métra đau khổ vô cùng. Lửa cháy xèo từng miếng thịt. Mặt như bị cắt đi từng đường gân máu và tê liệt từng chỗ. Tuy vậy Métra vẫn bằng lòng với hình phạt mà mình đã chịu. Chàng nghĩ rằng:

- “LẠI SẼ CÓ NGƯỜI PHẠM TỘI ĐỐI VỚI MẸ ĐẾN ĐỂ CHỊU THAY TA? KHÔNG NÊN NHƯ THẾ! CHÚNG SANH ƠI! HÃY ĐỪNG AI SANH TÂM LÀM CHO MẸ MÌNH PHẢI ĐAU KHỔ. HÃY ĐỪNG AI LÀM NƯỚC MẮT MẸ MÌNH TUÔN CHẢY VÌ MÌNH”.

Rồi Métra phát nguyện rằng: “Tôi xin nguyện đội vành này mãi mãi, xin thay chịu đau khổ cho tất cả chúng sanh”.

Lời phát nguyện của Métracanyaca thật vô cùng tốt đẹp, chứa chan tình yêu thương rộng lớn! Lời phát nguyện chân thành ấy đã giải thoát Métra khỏi vòng tội lỗi. Và vành lửa đã rời khỏi đầu Métracanyaca để bay lên hư không trả lại Métracanyaca đời sống yên lành.

Quảng Huệ

Đạo Phật là đạo Hiếu, nên trong kinh Đại Tập có câu: “Sanh đời không có Phật, khéo thờ Cha Mẹ là thờ Phật”. Cũng như kinh Nhẫn Nhục cũng có câu: “Cùng tột điều Thiện không gì hơn Hiếu. Cùng tột điều Ác không gì hơn Bất Hiếu. Vì vậy nếu một người Phật tử không biết đem lòng Hiếu để đền đáp công ơn sanh dưỡng, thì chẳng những mất cả nhân cách, mà còn phản lại tinh thần Phật tử, là tinh thần thảo thuận.

Trước khi muốn thành Phật, người Phật tử phải làm tròn bổn phận làm người mà trong đạo làm người Hiếu là điều kiện căn bản. Người mà Bất Hiếu thì không đủ tư cách làm người, chứ đừng nói đến việc thành Tiên thành Phật”.

Người đời cũng đã từng nói:

“Tu đâu cho bằng tu nhà,

Thờ Cha kính Mẹ cũng là đi tu”.

Vì thế lắm người đã mến cảnh giải thoát của Thiền môn, muốn xuất gia đầu Phật, nhưng gặp cảnh Mẹ già không ai phụng dưỡng, lại đành thương tiếc:

“Lên Chùa thấy Phật muốn tu,

Về nhà thấy Mẹ công phu chưa đền”.

Ngày xưa, tiền thân đức Phật đã từng lóc thịt mình để nuôi Cha Mẹ, đã bổ não mình để làm thuốc cho Cha Mẹ, đời hiện tại khi Vua Cha bệnh, Ngài đã thuyết pháp để hóa độ và khi Vua Cha băng hà, Ngài đã tự tay mình bưng đỡ quan tài khi tống táng, đó là những cử chỉ hiếu hạnh không đáng để cho chúng ta bắt chước hay sao?

Xưa ông Dương Phủ là một người rất chí hiếu với Mẹ già, nghe bên đất Thục có ngài Vô Tế đại sĩ là một bậc Cao Tăng Đại Đức, ông muốn qua bên ấy để yết kiến và tham học với Ngài, đi được nửa đường ông gặp một vị Lão Tăng hỏi ông đi đâu. Ông liền nói ý định của mình, vị Lão Tăng nói: “Ở nhà đã có Phật lại phải đi tìm đâu cho xa, ông hãy đi trở về, hễ thấy ai đi dép trái, tức đó là Phật”. Ông Dương Phủ vâng lời trở về. Khi về đến nhà thì trời đã khuya, ông kêu cửa, bà Mẹ nghe tiếng con thì mừng quá, lật đật xỏ dép chạy ra mở cửa, ông thấy Mẹ mình vì vội vàng nên đi lộn dép, chiếc chân trái lại đi chân mặt, chiếc chân mặt lại đi chân trái, ông liền hiểu được ý của Lão Tăng dạy. Ý nói Mẹ hiện còn sống là đức Phật trong nhà, cần phải phụng dưỡng đền đáp:

“Trong nhà đầu bạc phơ phơ,

Tây sinh Bồ Tát phụng thờ hai thân”.

Cho nên sự mong ước của người con hiếu hạnh là:

“Đêm đêm khấn nguyện Phật trời

Cầu cho Cha Mẹ sống đời với con”.

Người xưa cũng đã từng khuyên nhủ:

“Khuyên ai thương lấy Mẹ già

Sống mà ngồi đó bằng ba của tiền”.

Thật không có hạnh gì đẹp bằng Hiếu hạnh. Vì thế, các dân tộc trên thế giới đều lấy chữ Hiếu làm đầu. Chỉ trừ những kẻ vô ơn bạc nghĩa mới ngụy biện cách này hay cách khác, mới không thờ Cha kính Mẹ mà thôi.

Vì sao con phải Hiếu thuận với Cha Mẹ? Câu hỏi ấy đối với ngày nay, nhất là đối với dân tộc Việt Nam chúng ta thì thừa lắm rồi. Vì ai cũng biết rằng: Cha Mẹ là hai vị ân nhân cao cả nhất, là nguồn sống an vui vô tận của người con. Người con thiếu Cha Mẹ là người con thiếu hạnh phúc, thiếu tình thương, sẽ sống một cuộc đời bơ vơ lạc lõng.

Biết bao đứa bé vô phúc khi mới lọt lòng chào đời không biết Cha Mẹ là ai? Lại càng vô phúc hơn nữa khi vừa rời khỏi vú Mẹ, cuộc đời tàn ác đã cướp Mẹ nó đi. Thế rồi, chúng nó sống một cuộc đời đen tối, nay đây, mai đó, nơi xó chợ đầu đình để kiếm những miếng cơm thừa canh cặn. Thật không có gì đen tối và đau khổ bằng người con mất Cha mất Mẹ.

Đây tâm sự một kẻ mất Mẹ:

“Năm xưa tôi còn nhỏ

Mẹ tôi đã qua đời

Lần đầu tiên tôi hiểu

Thân phận kẻ mồ côi”.

Nhất là khi thấy cảnh âu yếm giữa những Mẹ con nhà khác, lòng người con mất Mẹ lại càng cảm thấy trống trải bơ vơ:

“Kìa nhà ai bên cạnh

Mẹ con vỗ về nhau

Tim Mẹ con không có

Lúc buồn biết trốn đâu?

Hoàng hôn phủ trên mộ

Chuông chùa lạnh rơi rơi

Tôi thấy tôi mất Mẹ

Mất cả một bầu trời!”

Ngược lại, không có gì hạnh phúc bằng người con được Cha nâng niu, được Mẹ ấp ủ vỗ về, và cũng không có gì sung sướng bằng người con đi xa trở về, nhìn được Cha, thấy được Mẹ!

Nhất là không có một nguồn an ủi nào có thể so sánh với tình thương của Cha Mẹ:

“Mẹ già như chuối ba hương,

Như xôi nếp một như đường mía lau”.

“Nhìn được Cha là ánh sáng tưng bừng

Hương ấm áp của mặt trời mới mọc

Nhìn được Mẹ là trăng vàng dịu ngọt

Hiền hòa thay cho trăm cánh thêm xinh”.

Như trên chúng ta đã biết, công ân Cha Mẹ như trời cao biển rộng, con cái cần phải báo đáp: Nhưng báo hiếu bằng cách nào đây?

Báo hiếu có nhiều cách, nhưng không ngoài mục đích làm cho Cha Mẹ vui lòng đừng vì con mà sanh nỗi ưu phiền.

Về phương diện vật chất, con cái phải lo cho Cha Mẹ sự ăn uống, thuốc thang, quần áo, nhà cửa được tươm tất sạch sẽ, đừng để cho Cha Mẹ thiếu thốn bận tâm.

Ngoài việc hiếu dưỡng và nuôi nấng phụng dưỡng Cha Mẹ, người con cần phải thực hành hiếu hạnh, tức là phải trực tiếp hầu hạ Cha Mẹ lúc già cả đau yếu. Về điểm này chúng ta thấy có nhiều người con, bỏ ra bạc triệu để lo cho Cha Mẹ một cách dễ dàng, nhưng có khi lại không chịu đựng được sự dơ dáy, hôi hám, sự khó tánh la rầy khi Cha Mẹ đau ốm, hoặc là thức hôm thức đêm để hầu hạ săn sóc.

Về phương diện tinh thần, người Phật tử muốn báo hiếu, phải tỏ lòng quý mến thương yêu Cha Mẹ, chiều chuộng để Cha Mẹ vừa lòng, tối thăm sáng viếng, mời những vị lão thành thông thái đến chuyện trò với Cha Mẹ, để cho Cha Mẹ lần lần có một tinh thần cao cả trong sạch, rộng rãi. Và cần nhất là thỉnh cầu các vị Đại Đức Tăng đến giảng giải điều tội phước, nhân quả, cách thức tu hành, quy y Tam Bảo để gieo trồng hột giống giải thoát.

Ở Việt Nam chúng ta, các tín đồ đạo Phật cũng vì muốn báo hiếu, nên khi Cha Mẹ lâm chung, trong lúc tống táng, hay ngày kỵ giỗ, thường mời chúng Tăng đến tụng kinh niệm Phật để cầu siêu độ cho Cha Mẹ.

Vì thế là người con hiếu hạnh, phải làm sao cho mọi người cảm mến, kính trọng Cha Mẹ mình, làm sao hành động của mình thơm lây đến Cha Mẹ. Nói một cách khác là phải làm sao gây được cho Cha Mẹ trước tiên cái hạnh phúc tinh thần, thứ đến mới là hạnh phúc vật chất. Như vậy, nếu một người con phụng dưỡng Cha Mẹ đầy đủ về vật chất như ăn ngon, mặc đẹp v.v… mà lại đi chọc hàng xóm để họ đến mắng vốn, chưởi bới Cha Mẹ mình đâu có thể gọi là người con hiếu hạnh.

Tóm lại, người Phật tử muốn báo hiếu, điều quan trọng nhất là lúc Cha Mẹ còn sống là phải tạo điều kiện để Cha Mẹ bỏ ác làm lành, lúc Cha Mẹ quá vãng là tạo phước đức để Cha Mẹ siêu sanh về những thế giới an lành, thoát vòng sanh tử.

Là Cha Mẹ biết suy nghĩ có bao giờ trách con cái không giàu có để cung phụng mình một cách sung túc đâu? Và lại càng không muốn con cái vì mình mà mang công đổ nợ. Mà phần đông Cha Mẹ đau khổ vì con cái đã đối xử với mình quá tệ bạc, thiếu lễ độ, thiếu yêu thương, đã có những hành động xấu xa, hèn mọn, làm nhục lây đến gia đình, họ hàng. Nếu giàu có mới có thể báo hiếu, thì những người con nghèo khổ đều bất hiếu cả sao?

Có hai chị em nuôi một người Cha già, người chị ỷ mình giàu có chu cấp tiền, mỗi lần đưa tiền cho người em đi chợ lại hỏi: “Hôm nay mày cho ông già ăn gì?”. Rồi bỏ đi một mạch, Cha mình ăn uống thế nào mặc xác. Còn người em tuy không có tiền, nhưng săn sóc từng li từng tí cho Cha già, lúc Cha ăn chị ta lại gắp đồ ăn cho Cha và hỏi Cha ăn thứ này có được không, có vừa miệng không? v.v… Như vậy người Cha cần thứ báo hiếu nào đây? Làm con cần phải suy nghĩ: Sao lại nói: “Cho ông già ăn gì?”

Trong 5 tội lớn nhất mà đạo Phật gọi là “ngũ nghịch” có tội giết Cha giết Mẹ. Điều này cũng dễ hiểu thôi! Vì một người đã phụ rẫy, phản bội, sát hại những kẻ sanh mình ra, đã hy sinh cho mình nhiều nhất, đã thương mình hơn ai hết, thì còn ai mà người ấy không phụ rẫy, không phản bội, không sát hại nữa? Nói một cách khác, Cha Mẹ là hai kẻ ân nhân cao cả nhất của đời họ mà họ còn không thương thì làm sao họ thương người khác, thương đồng bào, thương Tổ quốc. Do đó mà bên Nhật Bản có cái lệ, khi chọn người ra làm quan, điều kiện đầu tiên phải là những người con hiếu ở gia đình đã. Điều này có thể chứng minh, vì những người lính cảm tử trong đội Thần Phong của Nhật trước đây, đều là những người con chí hiếu.

Bây giờ tôi xin nhắc lại một vài gương hiếu hạnh xưa và nay:

Ngày xưa Hàn Bá Du là một người con rất chí hiếu. Mặc dù đã lớn, nhưng mỗi lần có lỗi lầm bà Mẹ vẫn bắt nằm xuống để đánh. Một hôm, sau khi bị Mẹ đánh ông ta vẫn thút thít khóc hoài, bà Mẹ hỏi: “Vì sao những lần trước Mẹ đánh con không khóc, mà lần này con lại khóc hoài. Có điều gì oan con hay sao?”. Hàn Bá Du thưa với Mẹ rằng: “Thưa Mẹ, không phải con bị Mẹ đánh oan, nhưng những lần trước Mẹ đánh con thấy đau nên con biết Mẹ còn mạnh khỏe, lần này con không thấy đau nên con biết rằng Mẹ đã suy yếu không còn sống được bao ngày…”.

Trong Nhị Thập Tứ Hiếu kể lại rằng: Mẹ Vương Thôi sanh tiền rất sợ sấm, nên mỗi lần có sấm sét là Vương Thôi chạy về nhà ôm lấy Mẹ cho bà bớt sợ. Sau khi Mẹ chết, mỗi lần trời mưa có sấm sét, Vương Thôi lại chạy ra mộ mẹ, ôm mộ và nói: “Mẹ đừng sợ! Có con ở đây với Mẹ!”.

Năm 1995, báo Công An Thành Phố có đăng tin:

Tại Sài Gòn, trong mùa Báo Hiếu, có một người con làm nghề đạp xích lô, đến chỗ bán áo quần, anh thấy một cái áo ấm vừa ý muốn mua tặng Mẹ trong dịp lễ Vu Lan, nhưng anh không đủ tiền, anh dặn bà bán áo đừng bán cho ai để chiều anh lại mua. Nhưng đến chiều tối anh vẫn không đủ tiền để mua chiếc áo, vẫn còn thiếu 10 ngàn đồng, và bán áo thấy lòng hiếu hạnh và hoàn cảnh của anh quá cảm động nên tặng anh số tiền còn thiếu.

Và đây là vài câu chuyện bất hiếu mà báo đã đăng tải:

Cùng năm 1995, báo Lao Động có đăng tin:

Ở Hà Nội, có người chuyên nuôi chó con nước ngoài để bán, anh ta có một bà Mẹ già thường đau ốm. Hằng ngày anh cho chó ăn cơm với thịt và trứng gà. Bà Mẹ thấy thèm quá, vì có khi nào anh ta cho bà ăn các thức ăn ấy đâu! Bà Mẹ năn nỉ: “Con cho Mẹ ăn ít thịt và trứng đi. Sao Mẹ thấy con quý mấy con chó hơn Mẹ!”. Anh ta lớn tiếng trả lời: “Bà làm gì ra tiền? Còn một con chó giá đến 3, 4 chỉ vàng đó!”.

Báo Công An Thành Phố ra ngày thứ tư 22/05/1996, có đăng hai bức thư tựa đề “Nước mắt chảy xuôi”. Một của người em gái nói về anh trai mình chưởi Mẹ đánh Mẹ. Một của người Cha sắp tự tử vì thằng con trai thường về khảo tiền ông để đi chơi bời. Đây là nội dung bức thư đầu:

Thủ Đức, ngày … tháng 4/96

Cháu có một người anh tính tình rất kỳ cục. Nhà chỉ có hai đứa con nên Mẹ cháu lo lắng rất chu đáo, đặc biệt yêu thương anh rất mực, nói chung những gì tốt đẹp và hạnh phúc, Mẹ cháu đều dành riêng cho anh.

Vậy mà cháu không hiểu sao anh ấy lại có những hành động và thái độ rất “mất dạy” (những từ mà bà con lối xóm dành cho anh): hễ buồn buồn là ảnh đập đồ trong nhà, chửi mắng, đánh Mẹ và cháu. Mới đầu ảnh còn làm trong nhà, riết rồi ảnh làm luôn ngoài quán (nhà cháu kinh doanh ăn uống). Sau mỗi lần như vậy, ảnh lại năn nỉ xin lỗi Mẹ, nhưng chỉ vài giờ sau lại đâu vào đó, tháng 30 ngày giống y như nhau. Mẹ cháu buồn, khóc, rồi đi lang thang đến phải nằm bệnh viện, nỗi khổ của Mẹ cháu không sao nói hết…

Anh cháu không phải là người thất học, ảnh học rất khá, có giấy khen liên tiếp từ cấp I đến cấp III. Khi vào đại học, anh ấy chọn “Trường Kinh tế đối ngoại, ngoại thương”.

Hằng ngày Mẹ cháu phải bưng bán từng tô hủ tiếu để kiếm tiền cho anh ăn học. Mỗi lần đóng tiền học phí rồi tiền học thêm cho anh, Mẹ phải chạy vạy đầu này chốn nọ, rồi lại còng lưng tiếp tục làm để trả nợ cho người ta. Vậy mà khi học xong, đi thực tập về, ảnh bắt buộc Mẹ phải cưới vợ cho ảnh vì chị kia đã mang thai. Thương con, không muốn anh bị rắc rối, Mẹ cháu đã vay tiền để tổ chức đám cưới cho họ, và kể từ đó lo thêm một miệng ăn trong nhà. Tiền lương của ảnh, ảnh đều đưa hết cho vợ, không hề phụ Mẹ được một đồng, đã vậy còn nghe lời vợ, tìm đủ cớ để chưởi Mẹ và cháu. Mỗi lần như vậy thì đồ đạc, ly chén đều bể hết.

Cháu không hiểu tại sao làm con như ảnh mà cứ đem tên cúng cơm của Mẹ ra để chưởi? Làm con mà lại đánh Mẹ? Hiện giờ Mẹ phải mướn một tấm nệm để Mẹ và cháu ngủ dưới đất. Bà con chòm xóm đến can ngăn ảnh chưởi luôn cả họ… nếu ảnh biết cháu viết lá thư này thì chắc chắn ảnh sẽ đánh cháu và Mẹ nữa, cháu đau khổ vô cùng…

N.T.T. Xóm Đình

Và đây là nội dung bức thư thứ hai:

Thị xã Vĩnh Long, ngày … tháng 4/96

Út con,

Khi con đọc những dòng này thì chắc Ba đã ra người thiên cổ. Ba biết con sẽ đau lòng nhưng đành chịu vậy thôi, bởi vì Ba đã chịu đựng hết nổi rồi!

Mới cuối tháng trước, anh Tư con lại về khảo tiền, bắt Ba phải bán thêm hai công ruộng để nó lên thành phố trả nợ gì đó cho người ta. Ba không chịu vì hai công đất đó Ba tính cho con Huệ làm của hồi môn. Nó đã chưởi mắng Ba không tiếc lời, còn xách cái gáo dừa đập lên đầu Ba làm tét một đường dài phải đi may lại ở bệnh viện. Quần áo trong rương của ba nó đã đốt hết, cả cái chuồng heo ở sau vườn nó cũng đập tan hoang. Ba đành gom góp còn mấy chỉ vàng cuối cùng giao hết cho nó để nó ra đi cho êm, kẻo chòm xóm kéo đến, hay công an xã lại còng nó thì Ba cũng không đành. Dù sao Ba chỉ có nó là con trai…

Ba mà chết đi chắc anh Tư con sẽ về quậy chị Hai, chị Ba và con để khảo tài sản. Không hiểu tại sao cùng một dòng máu mà nó lại tệ bạc như vậy? Ba thiệt rớt nước mắt nghĩ lại chắc mình có tội gì lớn lắm với Ông Bà, Tổ Tiên nên mới có thằng con bất hiếu, coi đồng tiền lớn hơn máu mủ, cứ nghĩ vậy mà không còn muốn sống nữa. Ba hy vọng cái chết của Ba sẽ làm cho nó hối cải ăn năn… Nhớ hồi xưa nó học hành sáng láng, lại là con trai một nên Ba Má rất cưng chiều, tưởng đâu cho nó ăn học tử tế mai kia dòng họ được vinh quang với người ta, ai mà dè từ khi lo cho nó lên thành phố là Ba Má đã mất thằng con ngoan ngoãn của mình rồi, thay vào đó là một thằng ma cô, cờ bạc, là chúa của thằng bần. Như vậy có phải Ba Má đã đẩy nó vào vòng tội lỗi không? Ba cứ bị dằn vặt hoài Út ơi… Con và chị Hai, chị Ba có thương Ba thì cố nhờ ai đó giữ cho được đất hương hỏa, đừng cho anh con bán đi. Ba có làm giấy để lại mà không hiểu có hợp pháp không? Các con hãy nhìn tấm gương của Ba Má để dạy dỗ mấy đứa nhỏ cho nên người.

Nguyễn Văn Cưng

Cuối bài là ý kiến của nhóm phóng viên Chính trị Xã hội như sau:

“Nước mắt chảy xuôi”, Cha Mẹ nào khi dứt ruột sinh con cũng đều mong muốn đứa con mình đẹp, tốt, trở thành người hữu dụng trong xã hội. Nếu chẳng may vì bất cứ lý do gì, đứa con mang nặng đẻ đau của mình lại đi ngược với lòng mong muốn ấy, trở nên một kẻ tán tận lương tâm, phá vỡ đạo đức con người… thì những bậc Cha Mẹ bất hạnh vẫn ngậm đắng nuốt cay cam chịu, bởi vì đó là nguyên lý của bậc làm Cha Mẹ. Nhưng đối với vị trí những đứa con như trong hai bức thư trên, dư luận xã hội sẽ phê phán chúng như thế nào? Luật pháp sẽ dành hình phạt nào cho xứng đáng?

Những người con bất hiếu với Cha Mẹ đã có những hành động tương tự như trong nội dung của hai bức thư trên nghĩ sao? Tương lai mình sẽ làm Cha làm Mẹ và con cái mình cũng có thái độ như trên thì sẽ nghĩ thế nào đây? Đó là điều các người con ấy nên suy gẫm!

Vậy duyên khởi có ngày lễ Vu Lan do ai và từ đâu?

Kinh Vu Lan chép:

Đại Đức Mục Kiền Liên sau một thời gian tinh tấn tu hành đã chứng A La Hán đủ thần thông diệu lực, muốn báo đáp ơn sanh thành dưỡng dục của Cha Mẹ. Ngài dùng thần thông xem khắp 10 phương thế giới, thấy Mẹ ngài là bà Thanh Đề sanh trong loài quỷ đói thân hình tiều tụy đói khát khổ sở… Ngài liền dùng bát cơm đã khất thực, đến chốn ngạ quỷ dâng Mẹ. Mẹ ngài lâu ngày đói khát nay được một bát cơm đầy lòng vui mừng khôn xiết, nhưng lòng tham bỏn xẻn lại nổi dậy, sợ bọn quỷ đói đến giành ăn, bà lấy tay che bát cơm, một tay bốc ăn, nhưng khi bà đưa cơm vào miệng, cơm kia hóa thành lửa nóng không sao ăn được. Ngài Mục Liên hết sức đau lòng, trở về bạch Phật xin Phật chỉ dạy phương pháp cứu Mẹ.

Phật dạy: “Mẹ ngươi khi còn sống gây nhiều tội lỗi nặng nề tham lam ích kỷ… nên khi lâm chung mới mắc quả báo khổ sở như thế, dù ngươi hiếu hạnh đến đâu, một mình cũng không thể cứu Mẹ ngươi nổi, phải nhờ sức chú nguyện của chư Tăng trong ngày Rằm tháng Bảy, vì ngày ấy là ngày chư Tăng sau 3 tháng an cư, thanh tịnh tu hành, công đức đầy đủ… ngươi nên thành tâm sắm sửa phẩm vật ngày ấy cúng dường lên chư Tăng, nhờ tịnh đức của chư Tăng chú nguyện, Mẹ ngươi sẽ được giải thoát.

Ngài Mục Kiền Liên làm theo lời Phật dạy, quả nhiên Mẹ ngài giải thoát khỏi chốn ngạ quỷ sanh lên thế giới an lạc. Và đức Phật cũng khuyến khích các đệ tử của ngài từ nay về sau nên theo phương pháp đó, thì Cha Mẹ quá cố được sanh tịnh xứ, Cha Mẹ hiện tiền thì được sống an vui trường thọ…

Lễ Vu Lan bắt đầu từ đấy, tất cả Phật tử trong mười phương đều long trọng cử hành.

Ngày Vu Lan ngoài sự báo hiếu Cha Mẹ, còn là ngày Tết của chư Tăng. Theo tinh thần giới luật của Phật, người xuất gia đã vào trong hàng Tăng Bảo, không hạn cuộc vào năm tháng của đời, không lấy ngày Tết của đời để thêm tuổi. Mà người xuất gia chỉ đánh giá mức tu hành của mình làm tuổi tác, nên sau ba tháng Hạ tinh tấn tu học, ngày Rằm tháng 7 tức là ngày mãn Hạ, là ngày Tết của chư Tăng, đánh dấu một đoạn đường tu học, mỗi vị Tăng già thêm một tuổi Hạ, gọi là Hạ Lạp.

Để kết luận buổi nói chuyện hôm nay, tôi xin nhắc lại lời đức Phật dạy:

“Mẹ Cha lìa chốn trần hoàn,

Làm con như thế mới toàn đạo con”.

Và đây là tâm trạng của thi sĩ Huyền Không về Vu Lan:

“Chiều nay theo dấu Mục Kiền Liên

Ta muốn tìm ra bóng Mẹ hiền

Chiếc nhạn tung trời theo biển gió

Mùa Thu mang nặng nỗi truân chuyên”.

Thi sĩ Trúc Diệp thì lại:

“Trung nguyên ngày hội vọng Vu Lan

Bến giác chiều Thu sóng đạo ngàn

Những ai là kẻ mang ơn nặng

Đều vận lòng thành đón Vu Lan”.

Hàng Phật tử chúng ta có được một nghi thức Báo Hiếu chân chánh như thế này, là nhờ Ngài Đại Hiếu Mục Kiền Liên làm gương mẫu hiếu hạnh cho chúng ta noi theo vậy.

Để biết ơn Ngài, trước khi dứt lời, chúng ta đồng niệm danh hiệu Ngài 3 lần, để đền đáp ơn Ngài trong muôn một.

Cầu mong toàn thể quý vị sẽ là những người con hiếu hạnh.

Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát.

Địa chỉ liên lạc:

Thầy MINH CHIẾU

Chùa PHẬT ÂN, Khu 14, Xã Long Đức,

Huyện Long Thành, Tỉnh Đồng Nai

ĐT: 0612.643334



Trang Nhà Quảng Đức chân thành cảm ơn Thầy Trung Đạo và Thầy Hiếu Niệm

đã gởi tặng phiên bản điện tử tập sách này (Thích Nguyên Tạng, 17-10-2013)



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/08/2011(Xem: 4789)
Sự truyền ngôi báu của vua Hùng cho hoàng tử Tiết Liêu đã chứng tỏ rằng, từ ngàn xưa, cha ông ta đã biết lấy sự hiếu đạo để làm tiêu chí, và làm thước đo nhân cách...
02/08/2011(Xem: 4176)
Tôi còn nhớ những lần ngồi tô màu vẽ ở bàn ăn trong nhà bếp. “Mẹ, xong rồi. Hãy nhìn tranh của con này”. “Ồ, đẹp quá”, mẹ trả lời, và tiếp tục với công việc đang làm.
02/08/2011(Xem: 5120)
Ba đã ra đi rất tuyệt vời, khiến con cảm thấy Phật pháp thật nhiệm mầu và hiểu rõ mình cần chuẩn bị tư lương cho tôt trước khi xác thân tan rã. Ba ơi!
01/08/2011(Xem: 11091)
Mùa báo hiếu sao quên thân phụ Luôn nhắc mình lòng nhủ nhớ ơn Công cha như núi Thái sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
01/08/2011(Xem: 4877)
Tôi mới chuyển nhà đến một nơi ở mới không bao lâu, và cứ mỗi ngày vào lúc trời gần sáng ở lầu trên vang ra tiếng đóng cửa rất mạnh, và kế tiếp là âm thanh của một tràng tiếng chân...
01/08/2011(Xem: 13213)
Mỗi người con khi rời xa gia đình, đều mang theo mình là cả một trời thân thương trong lời ru, trong tình thương, trong ánh mắt, trong trái tim bà mẹ.
01/08/2011(Xem: 6476)
Đức Phật của chúng ta đã dạy rất nhiều về đạo hiếu trong khắp cả các kinh điển. Chúng ta là Phật tử thì phải tâm tâm niệm niệm báo đền ân đức cha mẹ...
31/07/2011(Xem: 5167)
Một điều đáng chú ý là trong ngày hội Vu Lan Bồn, ngoài lễ nghi dâng cúng hương hoa, vật thực lên đức Phật, chư Tăng để cầu nguyện cho cửu huyền thất tổ...
31/07/2011(Xem: 5783)
Cùng chung một niềm tri ân vô hạn, ôn lại lịch sử, nhớ gương hiếu hạnh của người xưa, lòng chúng ta rung động vì mối cảm hoài đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.
31/07/2011(Xem: 12098)
Mùa Vu Lan lại về, tôi bồi hồi xúc động. Ai cũng có một người mẹ trong trái tim. Sương mù và mưa ngâu. Nhớ thương và xót xa một cái gì đã mất.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]