Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Luận 12. Bát Nhã Kỳ Cùng Có Phải Là Thực Tại Cứu Cánh Không?

12/04/202119:24(Xem: 8761)
Luận 12. Bát Nhã Kỳ Cùng Có Phải Là Thực Tại Cứu Cánh Không?

 TỔNG LUẬN
 KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***


buddha-570

 

III. PHẦN THỨ III TỔNG LUẬN:

 

TÁNH KHÔNG BÁT NHÃ

(Với những nguyên lý chỉ đạo của nó)

 

 

Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh, Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước, Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le

LUẬN #12. BÁT NHÃ KỲ CÙNG CÓ PHẢI LÀ

THỰC TẠI CỨU CÁNH KHÔNG?

 

 

Phần trên nói về công đức oai thần Bát Nhã(LUẬN #10), kinh hết sức tán tụng: Bát nhã Ba la mật như người mắt sáng trong số tất cả người mù bẩm sanh. Có tất cả mà thiếu Bát Nhã thì giống như con thuyền không người lái ở giữa đại dương mênh mông. Bát Nhã là cảnh giới bất khả tư nghì. Bát Nhã là tối thắng, tối tôn, vi diệu... không có gì bằng. Bồ Tát học Bát Nhã dùng một ngón tay có thể ngăn chận cuồng phong, lửa dữ đốt cháy hay đập tan cả tam thiên đại thiên thế giới thành tro bụi v.v... Bát Nhã có vô lượng vô biên công đức oai thần như thế không thể tính đếm, nghĩ lường. Kế đến LUẬN #11 lại nói Bát Nhã sâu xa, không ngằn mé, rộng lớn vô biên.

Nhưng cuối cùng, kinh lại khuyên tu học Bát Nhã chớ quán các pháp có chút khá trụ, khá vượt; Bát Nhã không phải là thực tại cứu cánh, thực tại tối hậu hay Bát Nhã không phải là hiện hữu tuyệt đối hoặc hiện hữu siêu việt hay giây phút thường hằng nào cả. Điều này làm cho chúng ta ngờ vực?

Nhưng đây là hai vấn đề riêng rẽ: Tán tụng công đức của người thọ trì là một chuyện, Thần-thánh-hóa Bát Nhã là một chuyện khác. Tán tụng công đức của người thọ trì Bát Nhã để khuyến khích những người con Phật, tu học Bát Nhã là điều cần thiết. Nhưng suy tôn, Thần-thánh-hóa Bát Nhã là điều cần răn đe, nếu không muốn nói là cấm đoán. Vì sao? Vì nó sẽ đưa đến hậu quả không tốt chỉ gây cuồng tín hay quá khích. Đó là thiên chấp, nguy hiểm tạo tình trạng tranh đoạt hơn thua! Đạo Phật là hòa bình, nhẫn nhục. Không có gì cần phải biểu dương ở đây. Nên mới có mục thuyết Bát Nhã kỳ cùng không phải là thực tại cứu cánh.

Thời Phật còn tại thế, đạo Bà la môn là một đạo lớn, tranh dành ảnh hưởng nhiều nhất đối với các tôn giáo khác kể cả đạo Phật. Phật coi đạo Bà la môn là ngoại đạo. Ngoại đạo không phải là một danh từ khinh miệt mà ngoại đạo là đạo nằm ngoài đạo Phật. Phật cấm những đệ tử thi thố thần thông. Phật cũng cấm suy tôn hay Thần-thánh-hóa một nhân vật. Mười danh hiệu Phật chỉ do người đời đặt ra, không phải Phật tự xưng.

Tập tục nhân gian thời bấy giờ là mỗi khi gặp Phật, tất cả hàng vua chúa, đại thần cho đến thứ dân đều quỳ lạy, trật áo bên vai phải để tỏ lòng khiêm hạ đối với Thế Tôn, hay hôn chân Phật để chứng tỏ sự thương yêu kính trọng đối với đấng cứu thế. Chắc Phật cũng không lấy gì làm hãnh diện với các tập tục đó, vì Phật cũng thuộc vào dòng dõi vua chúa.

Ngày nay, người con Phật cảm thấy danh từ Bụt hay Cù Đàm dễ thương và gần gũi hơn so với các danh xưng to lớn khác. Chủ trương bình đẳng là giáo lý tuyệt đỉnh của Phật đạo! Nói cao hạ, thường hay phi thường, siêu việt hay không, chỉ là phù phiếm, không phải chủ trương của Phật. Không có gì quan trọng, phi thường hay siêu việt trên cõi đời này!

 Hai đoạn Kinh sau đây chứng minh lời nói đó:

 

1. Tu hành Bát Nhã chớ quán các pháp có chút khá trụ khá vượt…

 

Phẩm “So Lường Công Đức”, quyển 165, ĐBN. Phật bảo:

“Lại nữa, Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam thiện nữ, vì kẻ phát tâm Vô thượng Bồ đề tuyên nói Bát nhã Ba la mật, hoặc nói Tĩnh lự hoặc nói Tinh tấn hoặc nói An nhẫn hoặc nói Tịnh giới hoặc nói Bố thí Ba la mật, tác lời như vầy: Thiện nam tử! Đến đây, ta sẽ dạy ngươi tu học Bát Nhã cho đến Bố thí Ba la mật. Khi ngươi tu học, chớ quán các pháp có chút khá trụ khá vượt, khá vào khá đắc, tất cả khá chứng khá thọ, chỗ được coi là công đức và tùy hỷ hồi hướng Bồ đề. Vì sao? Vì đối Bát Nhã cho đến Bố thí Ba la mật, rốt ráo không có chút pháp trụ khá vượt, khá vào, khá đắc, khá chứng, khá thọ, chỗ được coi là công đức và khá tùy hỷ hồi hướng Bồ đề. Vì sao? Vì tự tánh tất cả pháp đều không, không có sở hữu. Nếu không có sở hữu, tức Bát Nhã cho đến bố thí Ba la mật. Đối Bát Nhã cho đến bố thí Ba la mật đây, rốt ráo không có vào có ra, có sanh có diệt, có đoạn có thường, có một có khác, có đến có đi mà khá được ấy”.

Chẳng có gì kỳ đặc, vi diệu, nhiệm mầu hay không nhiệm mầu ở đây. Nên Phật khuyến dẫn  “... tu học(Bát nhã Ba la mật), chớ quán các pháp có chút khá trụ khá vượt, khá vào khá đắc, tất cả khá chứng khá thọ, chỗ được coi là công đức...”. Có trụ là có chấp, có chấp là có thủ giữ, nắm bắt, nên bị chướng ngại. Muốn vượt lên trên hết là còn phân biệt cao thấp; muốn chứng muốn đắc là còn sở cầu, sở đắc. Tu là tu không, vô tướng, vô tác. Đó là tôn chỉ!

 

2. Bát Nhã không phải là thực tại cứu cánh:

 

Bát nhã Ba la mật như thế thành tựu công đức quảng đại thù thắng; Bát nhã Ba la mật như thế thành tựu công đức thù thắng vô lượng; Bát nhã Ba la mật như thế thành tựu công đức thù thắng vô đối, vô tận, vô giới hạn, khó nghĩ bàn; Bát nhã Ba la mật như thế công đức chẳng thể nói hết v.v...

- Công đức Bát Nhã thành tựu cái gì cũng thù thắng như thế, nhưng tại sao phần “Bát Nhã Ba La Mật”, quyển 596, Hội thứ XVI. Xá Lợi Tử ngạc nhiên bạch Phật:

- “Bạch Thế Tôn! Kỳ lạ thay! Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tuy thuyết Bát nhã Ba la mật, nhưng nói Bát nhã Ba la mật không phải là thực tại cứu cánh? (1)

Phật bảo Xá lợi Tử:

- Này Xá lợi Tử! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói, Ta nói Bát nhã Ba la mật không phải là thực tại cứu cánh. Vì sao? Xá lợi Tử! Vì ngũ uẩn không phải là thực tại cứu cánh, nên Ta nói Bát nhã Ba la mật không phải là thực tại cứu cánh. Thập nhị xứ, thập bát giới cũng không phải là thực tại cứu cánh, nên Ta nói Bát nhã Ba la mật không phải là thực tại cứu cánh.

Xá lợi Tử! Cho đến Niết bàn và tất cả pháp hoặc thiện, hoặc phi thiện đều không phải là thực tại cứu cánh, nên Ta nói Bát nhã Ba la mật không phải là thực tại cứu cánh.

Xá Lợi Tử! Như hư không vô sắc, vô kiến, vô đối, vô tánh chẳng phải là thực tại cứu cánh. Như vậy, Bát nhã Ba la mật vô sắc, vô kiến, vô đối, vô tánh chẳng phải là thực tại cứu cánh.

Xá lợi Tử! Ví như cầu vồng tuy có đủ màu sắc đẹp hiện ra nhưng không chút thật có. Cũng vậy, Bát nhã Ba la mật tuy mượn các thứ ngôn ngữ trình bầy nhưng sự trình bày không có tánh khá đắc.

Bát Nhã không người năng thấy, không người năng ngộ vì người thấy, người ngộ đều bất khả đắc. Bát Nhã lấy vô tánh làm tự tánh. Bát Nhã lấy vô tánh của uẩn, xứ, giới làm tánh; lấy điên đảo, triền cái, tà kiến, ái hành làm tự tánh; lấy vô tánh của ngã, hữu tình cho đến cái thấy, cái biết làm tự tánh; lấy vô tánh của lục đại chủng làm tự tánh; lấy vô tánh của Dục, Sắc, Vô sắc giới làm tự tánh; lấy vô tánh của bố thí, keo kiệt, giữ giới, phạm giới, nhẫn nhục, sân hận, tinh tấn, giải đãi, tĩnh lự, tán loạn, diệu tuệ, ác tuệ làm tự tánh; lấy vô tánh của các Bồ đề phần pháp, Thánh đế, chỉ quán, vô lượng thần thông, tĩnh lự giải thoát, đẳng trì, đẳng chí, minh thoát làm tự tánh; lấy vô tánh của tận ly, nhiễm diệt làm tự tánh; lấy vô tánh của vô sanh trí, diệt trí, Niết bàn làm tự tánh v.v…

Bát nhã Ba la mật không vì pháp thành tựu, hoại diệt mà hiện tiền; không vì duyên pháp làm phương tiện mà hiện tiền. Bát nhã Ba la mật đối với tất cả pháp không vì tăng giảm mà hiện tiền; không vì vượt khỏi tất cả pháp mà hiện tiền; không vì tổn hại hay tăng ích mà hiện tiền. Bát nhã Ba la mật không vì tập hợp xa lìa tất cả pháp mà hiện tiền; không vì giữ, bỏ, điều phục mà hiện tiền. Bát nhã Ba la mật không vì đối với pháp tạo ân oán mà hiện tiền; không vì đối với pháp có khởi, không khởi mà hiện tiền; không vì đối với pháp có chút tương ưng, chẳng tương ưng mà hiện tiền; không vì đối với pháp có chút cộng trụ, hay không bất cộng trụ mà hiện tiền. Bát nhã Ba la mật không vì đối với pháp có chỗ sanh khởi, không chỗ sanh khởi mà hiện tiền; không vì đối với pháp có lưu chuyển, không lưu chuyển mà hiện tiền; không có chút pháp làm dụng làm cụ mà hiện tiền. Bát nhã Ba la mật không vì đối với pháp chứng tánh bình đẳng, tánh không bình đẳng mà hiện tiền; không vì đối với pháp có lấy, bỏ mà hiện tiền; không vì đối với pháp có sự tạo tác mà hiện tiền. Nói chung, Bát Nhã không vì tất cả pháp mà hiện tiền”.

Bát Nhã không phải lấy tất cả pháp nhiệm mầu, vi diệu cao siêu... làm tự tánh. Bát Nhã lấy: “... vô tánh của uẩn, xứ, giới làm tánh; lấy điên đảo, triền cái, tà kiến, ái hành làm tự tánh; lấy vô tánh của ngã, hữu tình cho đến cái thấy cái biết làm tự tánh... Bát Nhã lấy vô tánh của Dục, Sắc, Vô sắc giới làm tự tánh; lấy vô tánh của bố thí, keo kiệt, giữ giới, phạm giới, nhẫn nhục, sân hận, tinh tấn, giải đãi, tĩnh lự, tán loạn, diệu tuệ, ác tuệ làm tự tánh v.v...”  Điều đó có nghĩa là Bát Nhã lấy cả tốt lẫn xấu làm tự tánh. Đó là nhân bản vì nó gần gũi với con người, gần gũi thế gian. Thế gian là như vậy, bởi vì nó là như vậy. Chẳng có gì là thần Thánh hay siêu việt ở đây.

 

- Cũng cùng đoạn kinh của quyển 596, Phật bảo tiếp:

“Thường, vô thường, khổ vui, ngã, vô ngã, tịnh bất tịnh, vắng lặng không vắng lặng, điên đảo không điên đảo, các triền cái, kiến hành, tăng ích, tổn giảm, sanh, trụ, dị, diệt, tập, khởi, ẩn, mất không phải là những thực tại cứu cánh, nên Ta nói Bát nhã Ba la mật không phải là những thực tại cứu cánh.

Thiện, phi thiện, hữu lậu, vô lậu, thế gian, xuất thế gian, có tội, không tội, hữu vi, vô vi, hữu ký, vô ký, đen trắng trắng đen, chống trái thâu nhiếp, liệt, trung, diệu, tham, sân, si không phải là những thực tại cứu cánh, nên Ta nói Bát nhã Ba la mật không phải là những thực tại cứu cánh.

Thấy, nghe, hay, biết, nương, chấp, an trụ, tầm, tứ, sở duyên, dối nịnh, ganh ghét, tham lam, hòa hợp, nhị tướng, vô sanh, vô tác, chỉ quán, minh giải, tận ly, nhiễm diệt, vứt bỏ các chỗ nương tựa, thế tục, thắng nghĩa không phải là những thực tại cứu cánh, nên Ta nói Bát nhã Ba la mật không phải là những thực tại cứu cánh.

Chơn thật, thanh thoát, vắng lặng, cực vắng lặng, rất cực vắng lặng không phải là những thực tại cứu cánh, nên Ta nói Bát nhã Ba la mật không phải là những thực tại cứu cánh.

Thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, tướng hảo đầy đủ, các lực vô úy, mười tám pháp Phật bất cộng không phải là những thực tại cứu cánh, nên Ta nói Bát nhã Ba la mật không phải là những thực tại cứu cánh.

Niết bàn cho đến tất cả pháp hoặc thiện, hoặc phi thiện đều không phải là những thực tại cứu cánh, nên Ta nói Bát nhã Ba la mật không phải là những thực tại cứu cánh.

Như hư không rộng lớn, không sắc, không thấy, không ngăn ngại, không Tánh không phải là những thực tại cứu cánh. Như vậy, Bát nhã Ba la mật không sắc, không thấy, không ngăn ngại, không tánh nên không phải là những thực tại cứu cánh. Ví như cầu vồng tuy có đủ màu sắc đẹp hiện ra nhưng không chút thật có. Cũng vậy, Bát nhã Ba la mật tuy mượn các thứ ngôn ngữ trình bầy nhưng sự trình bầy không có tánh để đắc”.

Vì vậy, nên kinh nói: “Bát nhã Ba la mật tuy nương vào các thứ ngôn ngữ trình bầy nhưng chưa từng thấy có chút tự thể là thực tại cứu cánh”.

Bát Nhã không vì tất cả pháp đối đãi hay không đối đãi, Bát Nhã không phải là pháp thành tựu hay hoại diệt, không phải là pháp sở duyên hay không sở duyên, không phải là pháp tăng hay giảm, không phải là pháp tập hợp hay xa lìa. Bát Nhã cũng không phải là pháp lưu chuyển hay hoàn diệt, cũng chẳng phải là pháp có lấy có bỏ, có tạo tác hay không tạo tác... Bát nhã Ba la mật là vô sắc, vô kiến, vô đối, vô tánh, chẳng có chút khá trụ khá vượt, khá vào khá đắc, khá chứng khá thọ, chỗ được coi là công đức. Bát Nhã không vì tất cả pháp xấu hay tốt mà hiện tiền. Bất cứ chỗ nào, ở đâu Bát Nhã cũng nói đến các pháp đối đãi, các pháp lưỡng nguyên... Bát Nhã là vô tri.

Kỳ cùng Bát Nhã chẳng phải là thực tại cứu cánh. Một khi Bát Nhã đạt được cứu cánh rồi, Bát Nhã không còn là cứu cánh nữa. Cứu cánh dỡ nón ra đi.

Vậy, chẳng có gì gọi là kỳ đặc, phi thường, chẳng có gì được thần-thánh-hóa hay tôn sùng ở đây. Pháp nhĩ (2) tự nhiên thôi! Vì vậy, Phật thuyết pháp 49 năm mà tuyên bố “Ta chẳng nói một chữ”. Pháp tự nhiên thành dù có Phật hay không có Phật. Khi thấu đạt như vậy, thì nói huyền thuyết diệu làm gì cho nhọc?

Nói về cứu cánh hay đòi hỏi một cái gì tuyệt đối là rơi vào vực thẳm tuyệt mù không đáy. Tất cả sự thật phơi bầy trước mắt, nó là nó, là như như, là bình đẳng… giản dị thế thôi. Đừng nghĩ tưởng gì khác! Nhất niệm khởi, trần lao dậy sóng!

Tới đây, chúng ta rõ ra rằng nhờ thấy mặt trái mới biết mặt phải, nhờ thấy tục nên mới hiểu chân, nhờ đứng ở bờ bên này nên mới biết bờ kia... Không có gì là huyền ảo, huyễn hoặc trong Bát Nhã. Tùy theo thế tục mà Phật phương tiện giả nói, không thi thiết thì không thể hiểu pháp. Vậy, nói đa thù hay nhất thể, tương đối hay tuyệt đối, chân hay tục, hữu hạn hay vô hạn hay gì gì chăng nữa... cũng được, miễn đừng phân biệt, chấp đắm. Chúng ta có thể tìm thấy giáo pháp này khắp trong 600 quyển Đại Bát Nhã Ba La Mật.

Chẳng có gì kỳ đặc hay siêu việt ở đây. Nếu đối diện với Thiền sư mà đặt các vấn về “dao to búa lớn” có lẽ bị các Ngài cho ăn ba mươi gậy. Đói ăn mệt ngủ là đời sống đạo hay nói như Thiền sư Nam Tuyền “tâm bình thường là đạo”.

 

Có một vị Thiền sư trụ trì chùa Thê Hiền ở Lư Sơn từng nói với Tăng đồ: “Chỉ cần ra khỏi cổng tăng đường, nhìn thấy ngọn Ngũ Lão phong, là chuyện tham học một đời coi như đã đủ”. Tại sao thế? Vì ngọn Ngũ Lão trong câu chuyện này là biểu trưng của sự hiện tiền. Vậy, ngày ngày sáng trưa chiều tối lúc nào cũng nhìn thấy Ngũ Lão phong hiện diện trước mắt. Đó là cái hiện tiền, “cái ấy”, cái sẵn có trước mắt.

Thấy như vậy biết như vậy là đủ, chẳng lãng phí một đời tu học. Đó là trí tuệ, tìm đâu xa, nó là nó!

Giây phút thường hằng chính là sát na hiện tại. Đừng nghĩ tưởng xa xôi!

 

Kết luận:

(Cho phần Bát Nhã kỳ cùng có phải là pháp tối cao không?)

 

Những trang sách cuối cùng của ĐBN như quyển 596, Phật nói những điều hết sức giản dị thông thường. Phật không muốn chúng sanh như các Sư chép lời Phật dạy vào một quyển sổ nhỏ như một thứ huyền chỉ mầu nhiệm, rồi dấu kín trong chéo áo, không cho ai xem.

Phật bảo “Bát Nhã lấy vô tánh của uẩn, xứ, giới làm tánh; lấy điên đảo, triền cái, tà kiến, ái hành làm tự tánh; lấy vô tánh của Dục, Sắc, Vô sắc giới làm tự tánh; lấy vô tánh của bố thí, keo kiệt, giữ giới, phạm giới, nhẫn nhục, sân hận, tinh tấn, giải đãi, tĩnh lự, tán loạn, ác tuệ làm tự tánh... Lấy vô tánh của các Bồ đề phần pháp, lấy vô tánh của vô sanh trí, diệt trí, Niết bàn làm tự tánh v.v... Bát Nhã lấy tất cả xấu lẫn tốt của thế gian làm tự tánh. Đó là nhân bản, nó gần gũi với con người, bởi vì nó là những biểu thị của thế gian, nó cũng từ thề gian mà ra. Và tất cả cái gì Phật thuyết cũng tùy thuộc thế gian này. Vậy, đừng bao giờ nói cái gì có tánh cách thần thoại, phi thường hay kỳ đặc ở đây. Tất cả là không, như huyễn như mộng!

Tu mà nói huyền thuyết diệu, nói cao nói hạ, nói Thần nói Thánh, nói mầu nhiệm phi phàm... là nói trăng nói cuội. Chả có gì mầu nhiệm phi phàm ở đây, đừng tưởng tượng bốc cao mà rơi vào hố thẳm mịt mù không đáy! Tuy nói như thế mà như không nói, bậc Thánh thì chẳng muốn chúng sanh nói huyền thuyết diệu, vì không muốn chúng sanh trở thành huyễn hoặc. Nhưng chúng sanh lúc nào cũng so đo phân biệt nhảm nhí nên mới nói nọ nói kia. Nói như thế nào đi nữa miễn đừng vướng mắc thì pháp nào cũng là hoa vàng rực rỡ, chim hoàng oanh đứng hót líu lo thôi!

Thích nghĩa cho phần Bát Nhã có phải là thực tại cứu cánh:

(1). Thực tại cứu cánh hay còn gọi là hiện hữu tuyệt đối, hiện hữu siêu việt hay giây phút thường hằng.

(2). Pháp nhĩ: 法爾; C: făěr; J: hōni;  1. “Theo quy luật” tất nhiên, tự nhiên. Sự vận hành của quy luật vũ trụ (s: dharmatā); 2. Sự tất định (s, p: niyati); 3. Từ ban đầu, bẩm sinh (Từ điển Đạo Uyển).

 

---o0o---

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/03/2013(Xem: 6075)
Thế giới thi ca tư tưởng Bùi Giáng (PDF)
29/03/2013(Xem: 14992)
Cuộc di tản bi thương ngày nào, đối với đại đa số chúng ta, nhữngngười trong cuộc, không thiếu những người vẫn coi như mới, đêmngủ vẫn kéo theo những hình ảnh hãi hùng, kinh khiếp, tiếp nối bằng những kỷ niệm của những ngày bỡ ngỡ trên đất tạm dung
29/03/2013(Xem: 9284)
Mưa nguồn là tập thơ đầu tay, cũng là tập thơ nổi tiếng nhất của Bùi Giáng (trung niên thi sĩ)[1]. Tập thơ này in lần đầu năm 1963 tại nhà in Sơ Khai (Sài Gòn). Cho đến nay đã tái bản lại vài lần, riêng trong lần tái bản năm 1994, tác giả có sửa chữa những lỗi ấn loát. Theo như tác giả ghi ở trang 3, thì "Mưa nguồn" là để "tặng ba người con gái chiêm bao ở bờ cỏ Phi Châu". Tập thơ không có bài tựa, tác giả dẫn dắt người đọc vào bằng những câu thơ lục bát: Xin chào nhau giữa con đường Mùa xuân phía trước miên trường phía sau Phần tác phẩm gồm có 139 bài, sáng tác từ thập niên 1950 tới năm 1963, bằng các thể loại: Thơ 8 chữ (nhiều nhất), thơ lục bát, thơ thất ngôn, thơ tự do:
29/03/2013(Xem: 6331)
Chuyện nàng Điểm Bích trong “Tổ gia thực lục” - một trứng tu hú trong tổ chim sâu
29/03/2013(Xem: 8166)
1000 năm Thăng Long nhìn lại bài thơ « Vịnh nga » - Một đường hướng ngoại giao trong thời kỳ đầu tự chủ của nước ta
29/03/2013(Xem: 8897)
Đức Đại Lão Hòa thượng Chánh Thư Ký Xử Lý Viện Tăng Thống GHPGVNTN là thế hệ thứ 8 của phái Thiền Thiệt Diệu Liễu Quán, Pháp danh Trừng Nguyên, Hiệu Đôn Hậu. Xuất gia và thọ cụ túc với Hòa thượng Bổn sư là Tổ Tâm Tịnh, khai sơn Chùa Tây Thiên Huế, sau các Pháp huynh là quý Hòa thượng Giác Nguyên, Giác Viên, Giác Tiên, Giác Nhiên. . .
29/03/2013(Xem: 14156)
Những ngôi mộ sống - Living graves
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]