Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

16. Phẩm "Tán Thán"

28/01/202112:27(Xem: 8469)
16. Phẩm "Tán Thán"

 TỔNG LUẬN
 KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***

buddha-547

 

XVI. PHẨM TÁN THÁN.

Tiếp theo phần giữa quyển 573, Hội thứ VI, ĐBN.

(Tương đương với phẩm 15: Khen Ngợi, Kinh TTVBN)

 

Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh, Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước, Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le

 

Tóm lược:

 

Bấy giờ, đại Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ chân Phật, kéo y che vai trái, gối phải quỳ sát đất, chắp tay cung kính bạch Phật:

- Công đức của Như Lai thật là hiếm có, không gì sánh bằng, không thể nghĩ bàn. Chư Phật ba đời đều không có khác. Nếu được thấy Như Lai hoặc nghe công đức của Ngài thì loài hữu tình này cũng khó nghĩ bàn. Lại một lần nữa, hôm nay con được thấy Phật chuyển xe pháp lớn, thật là điều chưa từng có, nên hân hoan vui mừng.

Nói lời này rồi, đại Bồ Tát liền bay lên hư không cao bằng 7 cây Đa la, chắp tay khen:


Tất cả loài hữu tình,
Chỉ Phật là tối tôn.
Không có ai sánh bằng,
Huống lại có người hơn.
Ngã và pháp đều Không,
Diệu lý Vô đẳng đẳng.
Chỉ Phật Thế Tôn ta,
Sánh bằng Vô đẳng đẳng.
Phiền não và tập khí
Đều hết hẳn không còn,
Biết được tất cả pháp
Đều hoàn toàn rõ ràng,
Hoặc trí hoặc thuyết pháp
Không ai sánh bằng Phật.
Cõi Tam thiên đại thiên,
Chỉ Phật là tối tôn.
Mười lực, vô úy thảy,
Thật có chẳng hư dối.
Đế thích cùng Phạm vương,
Thảy đều không thể bằng.
Đại ân đức Thế Tôn,
Thấm khắp các hữu tình.
Việc này khó nghĩ bàn,
Nhất định không ai bằng
Thường đem tuệ vi diệu
Và phương tiện thiện xảo,
Giáo hóa các hữu tình,
Khiến đều được lợi vui.

Khi ấy, trong hội có một Thiên tử tên là Diệu Sắc, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, kéo y che vai trái, gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng Phật, dùng kệ khen:


Có kẻ nói thế gian ngang Phật,
Lời ấy là hư dối chẳng thật.
Nếu nói Pháp vương rất tối tôn,
Lời này là chắc thật chẳng dối.
Những hàng trời người đang vấn nạn,
Không ai bẻ được Đại sư ta.
Thiện Thệ hàng ma dẹp ngoại đạo,
Dẫn dắt thế gian đến giải thoát.
Bốn biện thanh tịnh nói không cùng,
Thuốc diệu Cam lồ ban hữu tình.
Quán khắp các pháp trí vô ngại,
Tất cả sát na chẳng giảm mất.
Bình đẳng đại bi xem hữu tình,
Tâm luôn thanh tịnh, đời chẳng nhiễm.
Biết rõ hoàn toàn căn, dục, tánh,
Tùy sự thích nghe mà ứng nói.
Phiền não khác nhau chẳng phải một,
Chỉ bày vô lượng môn đối trị.
Duy Phật khéo nói nhân duyên kia,
Luôn vì lợi lạc chúng hữu tình.
Gặp Phật nghe pháp chẳng chứng Thánh,
Hữu tình như thế thật khó độ.
Đại danh Như Lai phải khát ngưỡng,
Kẻ nào được thấy lợi vô hạn.
Phật trí luôn làm tâm thanh tịnh,
Được nghe chánh pháp khỏi sanh tử.
Nghe danh hiệu Phật điềm lành lớn,
Thường niệm Thế Tôn luôn hỷ lạc.
Phát tâm hướng Phật sanh trí tuệ,
Như lời dạy tu thành chủng trí.
Giới phẩm thanh tịnh không bẩn đục.
Tĩnh lự đệ nhất, tâm bừng sáng.
Trí tuệ tối thắng khó khuynh động,
Biển pháp thanh tịnh như cam lồ.
Tất cả hữu tình ưa buông lung.
Chư Phật chuyên tịnh, lìa thế gian.
Thương yêu hữu tình như con một,
Ơn đức sâu dày không đền được.
Trước nói pháp phá giặc phiền não,
Sau dẹp thiên ma quân huyễn hóa.
Thế Tôn đã nói lỗi ba cõi,
Rộng bày vô lượng đức Niết bàn,
Trăm ngàn đại kiếp khó được nghe,
Nên nay con chí thành tán lễ.

Trong hội lại có một vị Thiên tử tên là Thiện Danh, liền từ chỗ ngồi, kéo y che vai trái, gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về Phật, nói:


Như Lai bình đẳng hành đại từ,

Nếu có thể dùng trí độ người.

Đề Bà Đạt đa(1) được độ trước,

Huống gì đối với hữu tình khác.

Nay con chẳng muốn để luống qua,

Tu trì đại hạnh đền ơn Phật.

Nếu chỉ tự chứng Diệt vô lậu,

Đối ơn Phật kia chưa đền được.

Nếu có tu hành như Phật dạy,

Mới được gọi là chơn Phật tử.

Phật chịu khổ lâu vì hữu tình.

Ơn lớn vô thượng khó trả được.

Đại từ khai rõ chơn diệu pháp,

Khiến chúng tự tu và độ người.

Nếu Phật chẳng hiện ở thế gian,

Tất cả hữu tình chịu khổ lớn,

Chỉ có ác thú không trời, người,

Nghe toàn các thứ âm thanh khổ.

Chịu khổ các cõi không ai khỏi,

Do vì phiền não buộc hữu tình.

Phật muốn cởi bỏ các gút độc,

Ngược lại buộc bằng dây đại bi.

Như Lai ruộng phước lớn của đời,

Nương pháp chánh tu lìa ác thú.

Nếu trái lời Phật chẳng tu hành,

Nhất định chẳng được sanh trời, người.

Nếu ai ác tâm với đức Phật,

Hoặc chẳng ưa nghe pháp thâm sâu,

Thì hữu tình này thật đáng thương,

Quyết định ở mãi chỗ tối tăm.

Như Phật Thế Tôn trí tự biết,

Loài kia Như Lai mới hiểu rõ.

Trí Phật chẳng phải dễ so lường,

Cúi đầu đảnh lễ mười phương Phật,

Vô úy, trí, lực, pháp bất cộng,

Chỉ Phật Thế Tôn có đầy đủ.

Tướng hảo trang nghiêm, hương vi diệu,

Người xem không chán, vượt các sắc.

Ba môn khai mở chẳng tạm dứt.

Hoa Phật thanh tịnh, nay con lễ.

Duy Phật hiểu đúng Vô thượng giác,

Vĩnh viễn ra khỏi các hiểm nạn.

Phật là đệ nhất bậc Vô thượng,

Cúi đầu quy mạng đấng Lưỡng túc(2).

Phật đem công đức nước chánh pháp,

Rửa trừ sạch hết các cấu uế.

Thế Tôn xưa nay sạch trong ngoài,

Con nay đảnh lễ thân chơn tịnh.

 

Lúc này, đại Phạm vương chủ cõi Kham Nhẫn, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, kéo y che vai trái, gối phải quì sát đất, chấp tay hướng Phật, dùng kệ khen:


Như Lai đầy đủ thắng phước tu

Lợi lạc hữu tình chẳng tạm ngưng,

Thường rưới Cam lồ cứu đói khát.

Con nay cúi đầu làm lợi người.

Thế gian Người khả kính hơn hết.

Tất cả loài kia đến cúng Phật

Đầy đủ các thiện, hết các ác.

Con nay kính lạy bậc Vô đẳng.

Vì muốn cứu vớt các hữu tình,

Chẳng còn hạnh nào không tu học.

Vượt khỏi sanh tử được an vui.

Con nay đảnh lễ đấng cứu thế,

Lễ lạy thân sắc vàng vi diệu,

Lễ lạy bậc thuyết pháp cam lồ,

Lễ lạy trí thanh tịnh không bẩn,

Lễ lạy tất cả rừng công đức.

 

Bấy giờ, Phật bảo đại Phạm thiên vương:

- Lành thay! Lành thay! Những điều ngươi khen Như Lai là thật chẳng phải hư dối. Vì sao? Vì trong vô lượng kiếp, chư Phật Thế Tôn đã tu tập nhiều loại phước đức trí tuệ, do đó quả vị hoàn toàn đầy đủ. Vì sao? Vì Như Lai đầy đủ bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã Ba la mật. Ba nghiệp thân, ngữ, ý đều thanh tịnh, nên thông suốt được chơn như thật tế, vì trụ thật tế nên nói ra điều gì chẳng hư dối.

Khi ấy, đại Phạm thiên vương kéo y che vai trái, gối phải quỳ sát đất, chắp tay cung kính, bạch Phật:

- Cúi xin Thế Tôn dùng năng lực thần thông làm cho Bát nhã Ba la mật này trụ lâu ở thế gian để làm lợi lạc cho tất cả.

Phật bảo đại Phạm thiên vương:

- Tất cả Như Lai trong mười phương ba đời đều dùng đại thần thông, cùng chung hộ niệm Bát Nhã thâm sâu để trụ lâu ở thế gian, làm lợi lạc cho tất cả. Thiên ma, Phạm chí, ngoại đạo, Sa môn đều không thể phá diệt và gây trở ngại. Vì sao? Vì Ta nhớ quá khứ có Phật tên là Bảo Nguyệt Như Lai, đầy đủ mười hiệu. Nước tên Vô Hủy, kiếp tên Hỷ Tán. Phật kia có hai đệ tử Bí sô làm đại pháp sư, khéo thuyết giáo pháp thâm sâu. Một: Tên là Trí Thịnh, hai: Tên là Đế Thọ, thường theo Phật kia chuyển xe chánh pháp. Trải qua một kiếp tuyên thuyết Bát Nhã này, có trăm ngàn ức chúng ma cõi Tam thiên đại thiên đều được giáo hóa phát Bồ đề tâm. Vì thế nên các Thiên ma không có sức phá diệt và cản trở.

Đại Bồ Tát Tịch Tĩnh Tuệ kéo y che vai trái, gối phải quỳ sát đất, chắp tay cung kính bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Bảo Nguyệt Như Lai trụ ở chỗ nào? Vẫn còn trụ ở đời hay đã nhập Niết bàn rồi?

Thế Tôn bảo Tịch Tĩnh Tuệ:

- Thiện nam tử! Cách phương Đông hơn mười ngàn ức thế giới chư Phật, đã từng có thế giới tên là Vô Hủy. Trong thế giới ấy, Như Lai thọ một vạn kiếp. Ở thế giới ấy, Phật thường thuyết Bát Nhã này. Các Thiên ma và ngoại đạo v.v... không thể làm chướng ngại Kinh điển này và đều phát tâm quả vị Vô Thượng Bồ đề. Bí sô Trí Thịnh nay chính là Mạn Thù Thất Lợi. Bí sô Đế Thọ nay là Thiên vương Tối Thắng. Hai vị Bồ Tát này đã dùng các phương tiện thiện xảo ủng hộ Bát Nhã làm cho trụ lâu ở đời. Mười phương cõi Phật nếu có thuyết Bát Nhã này thì hai vị Bồ Tát ấy liền đến nghe nhận. Như ngày nay, Ta thuyết pháp môn này, phóng đại quang minh, tìm theo ánh quang minh đến đây vân tập.

 

Thích nghĩa:

(1). Đề Bà Đạt Đa: Cũng gọi Đề Bà Đạt Đâu, hoặc gọi là Điều Đạt. Gọi tắt: Đề Bà Đạt Đa. Hán dịch: Thiên Nhiệt, Thiên Thụ, Thiên Dữ. Vị Tỷ khưu xấu ác, phạm tội ngũ nghịch, phá hoại Tăng đoàn, đối địch với Phật. Đề Bà Đạt Đa là con vua Hộc Phạn chú của Phật (cũng có thuyết cho là con của Cam lộ Phạn vương, Bạch Phạn vương hoặc là con của trưởng giả Thiện Giác). Thuở nhỏ, ông học tập cùng Thái tử Tất Đạt Đa, Nan đà, tài năng ông xuất sắc nên thường tranh đua với Thái tử Tất Đạt Đa. Sau khi Thái tử Tất Đạt Đa thành Phật, ông theo Phật xuất gia, trong khoảng 12 năm đầu, ông dốc lòng tu đạo, siêng năng tinh tiến. Sau vì không được Thánh quả nên ông thoái tâm và muốn học thần thông để cầu lợi dưỡng, đức Phật không cho, Đề Bà liền đến chỗ Thập Lực Ca Diếp học thần thông, được Thái tử A Xà Thế của nước Ma Yết Đà cúng dường. Do đó, Đề Bà càng kiêu mạn hơn, muốn thay Phật lãnh đạo Tăng đoàn. Sau đó, Đề bà cầm đầu 500 đồ chúng thoát ly Tăng đoàn, tự xưng Đại sư, đặt ra năm pháp và cho đó là con đường tới Niết bàn mau chóng. Đây là việc phá hòa hợp Tăng. Về 5 pháp do Đề Bà lập ra, các bộ luận ghi chép không giống nhau. Cứ theo Hữu bộ tỳ nại da Phá Tăng sự quyển 10 chép, thì 5 pháp ấy là: Không ăn váng sữa, không ăn thịt cá, không ăn muối, khi may ca sa để nguyên tấm vải không cắt nhỏ ra, ở nơi xóm làng chứ không ở chỗ vắng vẻ. Còn theo luật Thập tụng quyển 4, quyển 36, thì 5 pháp là: - Trọn đời mặc áo vá. - Trọn đời đi xin ăn. - Trọn đời ngồi nơi đất trống. - Trọn đời không ăn thịt cá. - Trọn đời chỉ ăn một bữa. Ngoài ra, về việc giải thích các pháp nghĩa, Đề bà cũng nêu ra những dị thuyết. Từ đó, ở thành Vương Xá, nước Ma Yết Đà, Đề Bà có giáo đoàn độc lập, được Thái tử A Xà Thế ủng hộ nên thế lực mỗi ngày một lớn mạnh, Phật đã thường răn bảo các Tỷ khưu chớ tham lợi dưỡng của Đề Bà. Về sau, Đề bà xúi giục A xà thế giết cha, để cướp ngôi, A xà thế bèn bắt cha giam trong ngục tối rồi lên làm vua. Đồng thời, Đề bà cũng âm mưu ám hại Phật để lên làm Phật, nên ông ta lên núi Kì xà lăn tảng đá lớn xuống nhằm giết Phật, nhưng việc không thành và Phật chỉ bị thương ở chân. Lại thừa lúc Phật vào thành Vương xá, Đề bà cho thả voi điên ra để hại Phật, nhưng voi vừa gặp Phật liền qui phục nên âm mưu cũng bị thất bại. Bấy giờ, Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên khuyên nhủ đồ chúng Đề Bà trở về với Tăng đoàn của đức Phật, vua A Xà Thế cũng được đức Phật giáo hóa, bèn sám hối qui y. Đề Bà vẫn không bỏ tâm ác, đánh đập Tỷ khưu ni Liên Hoa Sắc đến chết; lại bôi thuốc độc vào 10 móng tay mình định nhân lúc lễ lạy Phật để hại Phật, nhưng chân Ngài khi ấy cứng chắc như đá, còn 10 đầu ngón tay của Đề bà thì bị xây xát, chất độc thấm vào máu khiến Đề Bà bỏ mạng. Trong kinh gọi 5 việc: Phá hòa hợp tăng, làm thân Phật chảy máu, thả voi điên, giết Tỷ khưu ni Hoa Sắc, 10 móng tay bôi chất độc là Đề bà ngũ nghịch và gọi riêng 3 việc: Phá Tăng, hại Phật, giết Tỷ khưu ni là Tam nghịch. Trong các Kinh điển phần nhiều có nói vì những việc làm trái với đạo lý trên đây nên sau khi chết, Đề Bà bị rơi vào địa ngục. Cứ theo điều Thất La Phạt Tất Để Quốc trong Đại Đường Tây Vực Ký quyển 6, thì về phía Đông chỗ nền cũ của Tinh xá Kỳ Viên, Ngài Huyền Trang còn thấy cái hố sâu nơi mà Đề Bà rơi xuống khi còn sống. Lại cứ theo điều Yết La Noa Tô Phạt Thích Na Quốc trong Đại Đường Tây Vực Ký quyển 10 và Cao Tăng Pháp Hiển Truyện chép, thì khi các Ngài Pháp Hiển, Huyền Trang du học ở Ấn độ, lúc đó, ở Ấn độ vẫn còn có người tuân hành theo lời di huấn của Đề Bà Đạt Đa. Ngoài ra, cứ theo Kinh Tăng Nhất A hàm quyển 47 chép, thì đức Phật bảo Đề Bà Đạt Đa sẽ phải chịu khổ địa ngục trong một kiếp và được thọ ký thành Bích Chi Phật. Kinh Tát Đàm Phân Đà Lợi và phẩm Đề Bà Đạt Đa trong Kinh Pháp Hoa quyển 4 nói, ở đời quá khứ Đề Bà là thiện tri thức, từng thuyết giảng kinh điển Đại thừa cho đức Thích tôn nghe, nhờ thế mà đức Thích tôn được thành Phật. Trong kinh còn nói, sau vô lượng kiếp ở đời vị lai, Đề Bà Đạt Đa sẽ thành Phật hiệu là Thiên Vương Như Lai.(Từ điển Phật Quang)

(2). Lưỡng túc tôn: Nói một cách vắn tắt có nghĩa là bậc tôn quý có đầy đủ phước đức trí tuệ. Lưỡng túc tôn cũng chính là danh hiệu Phật. Phật Quang từ điển tán rộng lưỡng túc tôn (兩足尊) như sau:

Lưỡng túc tôn: Phạm: Dvipadottama, Pàli: Dvipada-seỉỉha. Cũng gọi Nhị túc tôn. Tôn hiệu của đức Phật, vì Ngài có đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, thành tựu các pháp vô học vô lậu như Tận trí, Vô sinh trí và các pháp bất cộng như 10 lực, 4 vô úy, nên tôn hiệu này có nghĩa: Phật là bậc tôn quí nhất trong các loài chúng sinh ở cõi Trời người. Cứ theo phẩm Báo ân trong Kinh Đại thừa bản sinh tâm địa quán quyển 2 và luận Đại trí độ quyển 27, thì Phật là bậc nhất trong tất cả các loài chúng sinh không chân, 2 chân, 4 chân, nhiều chân, có sắc, vô sắc, có tưởng, không tưởng, chẳng có tưởng, chẳng phải không tưởng v.v... (Phỏng theo Phật Quang Từ điển).

 

Sơ giải:

 

Phẩm này các Bồ Tát, các Thiên tử, Phạm vương như Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi hay còn gọi là Văn Thù Sư Lợi, Thiên tử tên là Diệu Sắc, Thiên tử tên là Thiện Danh, đại Phạm vương chủ cõi Kham Nhẫn đều xướng kệ ca tụng công đức Thế Tôn và sau cùng là các Bồ Tát khác “xin Thế Tôn dùng năng lực thần thông làm cho Bát nhã Ba la mật này trụ lâu ở thế gian để làm lợi lạc cho tất cả”.

Nội dung phẩm này chỉ có thế, ai đọc cũng có thể hiểu. Nên không cần bàn thêm./.

 

---o0o---

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/03/2013(Xem: 10786)
Ban Điều Hành Khóa Tu Học Âu Châu kỳ 24
29/03/2013(Xem: 8084)
Khóa Tu Học Âu Châu kỳ 24: Ban Tổ Chức Địa Phương
29/03/2013(Xem: 7712)
Khóa Tu Học Âu Châu kỳ 24: Lịch giảng
29/03/2013(Xem: 8772)
Khóa Tu Học Âu Châu kỳ 24: Thời khóa tu học
29/03/2013(Xem: 8111)
Khóa Tu Học Âu Châu kỳ 24: Ban Giám Thị
29/03/2013(Xem: 8883)
Khóa tu học phật pháp Âu Châu kỳ 24 tại Birmingham Anh quốc thừ ngày 27/07 đến 04/08/2012
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]