Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

19. Hạ thứ 11 tại Ekanala, gần Ràjagaha (năm -579)

02/03/201419:11(Xem: 20397)
19. Hạ thứ 11 tại Ekanala, gần Ràjagaha (năm -579)
phatthichca2

Sự Tích Đức Phật Thích Ca
Soạn giả : Minh Thiện Trần Hữu Danh

(Ấn bản 09/2010, có hiệu chính và bổ túc)


6- Hạ thứ 11 tại Ekanala, gần Ràjagaha (năm -579)

Chú bé chăn trâu Svastica xuất gia[1]

Trước khi về Ràjagaha để nhập hạ, Phật ghé làng Uruvelà để thăm cây Bồ-đề, nơi ngài thành đạo. Rồi Phật đến thăm Svastika, chú bé chăn trâu xưa kia đã thường đến thăm viếng và giúp đỡ ngài sau khi năm anh em ông Kondanna bỏ đi. Svastika bây giờ đã được 20 tuổi, trở thành một thanh niên vạm vỡ. Nhớ lời hứa năm xưa, Phật trở lại đây để độ chú, cho chú xuất gia, làm quen với Ràhula, rồi Phật đưa chú đến Venuvana.

Bước chân vào tinh xá Venuvana, Svastika thấy cái gì cũng lạ, cũng đẹp, cũng xinh. Chú được Ràhula dắt đi giới thiệu với các vị khất sĩ. Mặc dù chú lớn hơn Ràhula đến ba tuổi, chú tự thấy cần phải học hỏi với Ràhula rất nhiều, từ cách đi đứng ăn nói cho đến giáo lý, thiền tọa, thiền hành, cái gì cũng hay, cũng mới lạ.

Một hôm chú được ngồi nghe hai thầy Assaji và Ànanda kể công trình hành đạo của Phật trong mười năm qua. Chú nghe một cách say mê. Cùng ngồi với chú có cả ni sư Gotamì và Ràhula. Thầy Ànanda có trí nhớ lạ thường. Thầy đã nhắc rất nhiều chuyện mà thầy Assaji quên không nói tới. Svastika rất cảm phục hai thầy Assaji và Ànanda, và rất thương mến ni sư Gotamì và Ràhula. Nếu không có bốn vị này làm sao chú được dịp nghe kể từng ấy chuyện đã qua về Phật. Chú hy vọng từ nay về sau chú sẽ được thân cận Phật để được học hỏi trực tiếp với người từ giáo lý đến cách ăn ở và cách đối xử với người khác.

Tuy xuất thân là một chú bé chăn trâu, Svastika cũng có đôi chút học thức và chữ nghĩa. Đó là công trình của chị Sujàtà[2], con gái ông xã trưởng Senànì trong làng Uruvelà. Sujàtà đã dạy cho Svastika đọc và viết từ năm chú mới được chín tuổi. Mấy năm gần đây chú không được học với chị nữa vì chú đã lớn và chị phải đi theo chồng về làng Nàdika, phía nam thành phố Vesàlì.

Mặc dù Ràhula mới được mười bảy tuổi, chưa được thọ giới Tỳ kheo, nhưng chú rất rành về các uy nghi và tế hạnh của một vị Tỳ kheo. Svastika rất sung sướng được có Ràhula ở bên cạnh chỉ bảo và nhắc nhở cho chú. Có điều gì còn chưa hiểu rõ thì chú mới hỏi lại thầy Sàriputta, thầy Assaji hoặc thầy Ànanda. Ràhula nói với Svastika :

Giới luật của sa di(Sàmanera) gọi là Tiểu Giới (Pabbajjà)chỉ có mười điều là không sát sinh, không trộm cướp, không dâm dục, không nói dối, không uống rượu, không trang điểm hoặc xức nước hoa, không nằm hoặc ngồi trên giường ghế cao sang rộng lớn, không ca vũ, không sử dụng tiền bạc, không ăn sau giờ ngọ. Giới luật của Tỳ kheo(bhikkhu) còn gọi là Cụ Túc Giới[3]trong đó có một số điều về uy nghi và tế hạnh, nhưng có lẽ còn tăng lên nữa. Bốn giới đầu gọi là trọng giới(Paràjika, Ba-la-di), vị khất sĩ nào phạm vào thì không còn là một Tỳ kheo nữa, cũng như khi một cây cau bị chặt ngọn thì không còn mọc lên lại được. Bốn trọng giới là: không dâm dục, không trộm cướp, không sát hại, không tuyên bố là mình có thực chứng đạo quả khi mình chưa thực chứng đạo quả.

Ràhula kể cho Svastika nghe là trong những năm đầu chưa có giới luật gì hết mà trong giáo đoàn khất sĩ vẫn không có điều gì đáng tiếc xảy ra. Lễ xuất gia thật đơn giản, chỉ cần quỳ dưới chân Phật hoặc dưới chân một vị khất sĩ, đọc lên ba lần ba câu quy y Phật Pháp Tăng là đã chính thức thành người xuất gia. Bây giờ muốn xuất gia thì phải phát nguyện tiếp nhận và hành trì giới luật. Số người xuất gia đã trở nên đông đảo nên có những thành phần thiếu tự giác, do đó giới luật mới được đặt ra để nhắc nhở và giữ gìn cho giới xuất gia được thân tâm thanh tịnh.

Cho đến nay chỉ mới có Giới Sa-di, Bát kính pháp, Lục hòa, Thất diệt tránh pháp, và một số giới khác về khất thực, an cư ... Mỗi khi có vị khất sĩ nào làm một việc gì trái với tinh thần của đạo lý giác ngộ và giải thoát thì giáo đoàn lại được triệu tập, và một điều luật mới được ghi vào Giới Bổn gọi là Pàtimokkha (Pratimoksa, Ba-la-đề-mộc-xoa).

Phật giảng kinh Chăn Trâu[4]

Hôm nay trời mát, sau bữa ngọ trai, các vị khất sĩ lặng lẽ đi rửa bát của mình, rồi trải tọa cụ ngoài trời ngồi quây quần xung quanh Phật. Tinh xá Venuvana có rất nhiều sóc. Chúng quanh quẩn bên các thầy, không có vẻ gì sợ sệt. Nhiều con sóc leo lên các thân tre, đưa mắt nhìn xuống. Thấy Ràhula ngồi ngay trước mặt Phật, Svastika cũng rón rén đến trải tọa cụ bên cạnh Ràhula và nghiêm chỉnh ngồi xuống. Không khí thật trang nghiêm. Không ai nói với ai lời nào, nhưng Svastika biết rằng ai cũng đang theo dõi hơi thở trong khi chờ đợi Phật mở lời chỉ dạy.

Phật ngồi trên một chiếc chõng tre, cao hơn mọi người chừng vài gang tay. Ngài ngồi ung dung và uy nghiêm như một con sư tử chúa ngồi trong bầy sư tử. Ngài đưa mắt nhìn đại chúng một cách hiền hòa, nhìn Svastika và Ràhula, rồi ngài lên tiếng:

Hôm nay Như Lai sẽ nói với quý thầy về đề tài chăn trâu, và thế nào là một em bé chăn trâu giỏi. Quý thầy hãy lắng nghe. Một em bé chăn trâu giỏi là một em bé biết nhận dạng từng con trâu của mình một cách dễ dàng. Biết hình dáng của mỗi con, biết cách cọ xát tắm rửa cho trâu, biết chăm sóc những vết thương của trâu, biết đốt khói un muỗi cho trâu, biết tìm đường đi an toàn cho trâu, biết thương yêu trâu, biết chọn nơi an toàn cho trâu lội qua sông, biết chỗ có cỏ non và nước sạch cho trâu ăn uống, biết bảo trì những vùng thả trâu, và biết để cho những con trâu lớn làm gương cho những con trâu nhỏ.

“Này các thầy, một vị khất sĩ giỏi cũng phải làm như thế. Nếu em bé chăn trâu biết nhận ra được trâu của mình thì người xuất gia cũng phải biết nhận ra 32 thành phần cấu tạo nên sắc thân của mình[5].

“Nếu em bé chăn trâu biết hình tướng của mỗi con trâu thì người xuất gia cũng phải biết những hành động nào của thân, miệng và ý là những hành động đáng làm hay không đáng làm.

“Nếu em bé chăn trâu biết cách tắm rửa sạch sẽ cho trâu thì người xuất gia cũng phải biết cách buông xả và gột rửa khỏi thân tâm những tham dục, si mê và hờn oán.

Trong khi Phật nói những lời trên, Svastika có cảm tưởng rằng chú là nguồn cảm hứng của Phật trong bài pháp hôm nay. Chú nhớ lại cách nay hơn mười năm, chú đã được ngồi bên Phật hằng giờ, và Phật đã từng hỏi chú một cách tỉ mỉ về công việc chăn trâu và cắt cỏ. Vốn là một vị hoàng thái tử xuất thân, làm sao Phật có thể biết rõ như thế về nghề chăn trâu nếu chú không kể hết những chuyện đó cho ngài nghe ? Phật chẫm rãi nói tiếp :

- Nếu em bé chăn trâu biết săn sóc các vết thương cho trâu thì người xuất gia cũng phải biết gìn giữ sáu căn của mình là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý cho được thanh tịnh không bị sáu trần làm ô uế.

“Nếu em bé chăn trâu biết un muỗi cho trâu thì người xuất gia cũng phải biết đem đạo lý giải thoát giảng dạy cho người chung quanh để họ tránh khỏi những đau khổ về thể xác và tinh thần.

“Nếu em bé chăn trâu biết tìm đường đi an toàn cho trâu thì người xuất gia cũng phải biết chỉ cho người khác con đường Bát Chánh Đạo nên đi và những con đường danh lợi, sắc dục, hý trường ... nên tránh.

“Nếu em bé chăn trâu biết thương yêu trâu thì người xuất gia cũng phải biết thực hành từ bi và lục độ[6].

“Nếu em bé chăn trâu biết chọn nơi an toàn cho trâu lội qua sông thì người xuất gia cũng phải biết dùng Tứ Diệu Đế để đưa chúng sanh từ bờ mê sang bờ giác.

“Nếu em bé chăn trâu biết tìm chỗ có cỏ non nước sạch cho trâu ăn uống thì người xuất gia cũng phải biết chỉ cho người khác cách thực hành Tứ Niệm Xứ để làm nhân giải thoát.

“Nếu em bé chăn trâu biết bảo trì những vùng thả trâu thì người xuất gia cũng phải biết cẩn thận, dè dặt trong việc tiếp xúc với quần chúng và thu nhận của cúng dường.

“Nếu em bé chăn trâu biết dùng những con trâu lớn làm gương cho những con trâu nhỏ thì người xuất gia cũng phải biết nương tựa vào đức hạnh và kinh nghiệm của các bậc thầy đi trước.

“Này các thầy, một vị khất sĩ biết thực hành đúng theo những điều vừa chỉ dẫn ở trên có thể đạt đến quả vị A-la-hán trong vòng sáu năm tu học.

Vị khất sĩ trẻ tuổi Svastika lấy làm kỳ lạ. Những điều chú nói với Phật cách đây trên mười năm, Phật còn nhớ hết, và còn đem áp dụng vào việc tu học của người khất sĩ nữa. Tuy Phật đang giảng giáo lý chung cho đại chúng, Svastika có cảm tưởng là Phật đang dạy riêng cho mình nên chú chăm chỉ nghe và nhớ rành rọt từng lời của Phật. Có những danh từ chuyên môn như “sáu căn”, “sáu trần”, “tứ diệu đế”, “tứ niệm xứ”, Svastika chưa hiểu được tường tận, chú tự bảo sẽ nhờ Ràhula giảng giải cho.

Chiều lại, Svastika hỏi Ràhula về những danh từ chuyên môn trong bài pháp thoại của Phật hồi trưa, rồi nhân tiện chú hỏi thêm :

Này Ràhula, ngồi thiền phải ngồi như thế nào? và trong lúc ngồi thiền phải dụng tâm như thế nào?

Ràhula chỉ cho Svastika cách sử dụng tọa cụ[7](nisadana) và bồ đoàn[8](asana), cách ngồi bán giàkiết già. Rồi chú nói tiếp :

Về cách dụng tâmtrong lúc ngồi thiền thì có sáu phương pháp chánh gọi là Lục Diệu Pháp Môn: 1- Sổ tức, 2- Tùy tức, 3- Chỉ, 4- Quán, 5- Hoàn, 6- Tịnh.

Sổ tức(Ànàpàna sati) là dụng tâm điều khiển hơi thở theo ý muốn của mình, lúc đầu thô, lúc sau tế. Thô là hít vào bằng mũi mạnh và dài rồi ngưng. Trong lúc ngưng thở, đếm từ một đến 10, 20 hoặc 30, vừa dùng tư tưởng đưa oxy lên não bộ, rồi thở ra bằng miệng mạnh và dài như bong bóng cao su xì hơi. Làm như thế đến 10 hoặc 20 lần. Tế là hít vào bằng mũi nhẹ và dài không nghe tiếng, ngưng một lát, rồi thở ra bằng miệng nhẹ và dài không nghe tiếng, đếm 1. Lần thứ nhì đếm 2, vân vân đến 30 hay 50 mươi lần. Trong khi thở nên giữ thân tâm thoải mái. Pháp sổ tức nhằm thanh lọc không khí trong thân và làm cho thế ngồi được cân bằng, vững chãi; ngoài ra còn đoạn trừ năm triền cái[9], thanh lọc các buồn phiền lo nghĩ trong tâm.

Tùy tứccũng thuộc sổ tức nhưng chỉ dụng tâm theo dõi hơi thở tự do ra vào nhẹ nhàng bằng mũi tùy theo nhu cầu của cơ thể, miệng ngậm lại, đầu lưỡi cong lên vòm hàm trên để hơi ra vào bằng mũi được dễ dàng. Biết rõ hơi thở lúc ra, lúc vào, lúc ngưng. Nếu có chảy nước bọt trong miệng cứ nuốt vào bụng rất tốt vì rất bổ dưỡng. Pháp tùy tức làm cho thân tâm được thoải mái nhẹ nhàng thư thới.

Chỉ(Samatha) là dứt trừ phiền não và vọng tưởng bằng cách tập trung tư tưởng vào một nơi trên cơ thể, như là đỉnh đầu, tam tinh, chóp mũi, tim, rốn, lòng bàn tay, trong khi vẫn để hơi thở ra vào tự do như khi thực hành tùy tức. Trong khi thực hành Chỉ, nếu có vọng tưởng hay phiền não xen vào mà ta không thể dứt trừ được thì chuyển sang Quán đối tượng của vọng tưởng hay phiền não đó. Ví dụ như vọng tưởng là sự nghĩ tưởng về cái nhà, tức là đối tượng của vọng tưởng là cái nhà, thì ta nên quán cái nhà là sinh diệt, vô thường, không có tự tánh, lại hay làm nảy sanh phiền não, vậy ta nên nhàm chán, ly tham, xuất ly, đoạn trừ, không nên nghĩ đến cái nhà nữa.

Quán(Vipassanà) là quán sát tất cả các pháp đều vô thường, sinh, trụ, dị, diệt, vướng mắc vào đó dễ bị phiền não và đau khổ. Hoặc tìm hiểu về giáo lý như Tứ Diệu Đế[10]là gì. Hoặc thực hành phép quán Tứ Niệm Xứ[11]. Hoặc thực hành Ngũ Đình Tâm Quán[12]. Hoặc thực hành Cửu Tưởng Quán[13]... Mục tiêu của Quán là để nhận chân được ba cánh cửa giải thoát : vô thường, vô ngã và niết bàn. Vô thường là tất cả sự vật đều sanh diệt, biến chuyển luôn. Vô ngã là tất cả sự vật đều không có tự tánh chân thật. Niết bàn là mục đích của sự tu tập dứt trừ phiền não và vọng tưởng để tâm được vắng lặng, an lạc, thanh tịnh, giải thoát. Sau khi Quán liền chuyển sang Hoàn để nhận xét tâm mình xem đã dứt trừ được vọng tưởng hay phiền não đó chưa. Ví dụ như sau khi quán cái nhà liền trở lại (Hoàn) nhận xét xem đã dứt trừ được vọng tưởng về cái nhà trong tâm mình chưa. Nếu chưa thì tiếp tục Quán cái nhà; nếu đã dứt trừ được rồi thì chuyển sang Tịnh.

Hoànlà quán sát tâm mình xem hiện đang còn vọng tưởng hay phiền não nào không. Nếu thấy còn thì tiếp tục Quán để trừ; nếu thấy hết vọng tưởng, phiền não rồi thì chuyển sang Tịnh.

Tịnhlà Hỉ và Xả, không Chỉ không Quán, giữ tâm vắng lặng, an lạc, thanh tịnh, không nghĩ tưởng, trong khi vẫn thở theo tùy tức. Nhờ không nghĩ tưởng nên không sanh phiền não. Lúc đầu chưa quen thì nên trì chú để giữ tâm thanh tịnh.

“Này Svastika, pháp môn Thiền (jhana, Dhyàna) là phương pháp giữ tâm không cho chạy theo hoặc vướng mắc vào sáu trần[14]. Thiền gồm có Chỉ và Quán. Tu Chỉ (Samatha) để được Định (Samàdhi). Tu Quán (Vipassanà) để được Tuệ (Panna, Prajna). Ngoài ra còn phải trì Giới (Sìla) để được sạch Nghiệp (Kamma, karma). Giới, Định, Tuệ là ba vô lậu học, là ba môn chánh cần phải tinh tấn thực hành, là cốt tủy của Chánh Pháp vậy. Người thực hành Thiền, tùy theo trình độ sẽ tiến từ sơ thiền, nhị thiền, tam thiền đến tứ thiền. Cao hơn nữa là không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ và phi tưởng phi phi tưởng xứ. Nhưng phải đến diệt thọ tưởng định (nirodha samàpatti) mới thực sự được giải thoát, không còn pháp chấp và ngã chấp.

Svastika bỗng thở ra, nghĩ đến con đường tu học của mình còn quá dài. Ràhula hiểu ý, liền nói :

Sư huynh đừng vội thối chí. Coi vậy chứ nếu biết thực hành đúng phương pháp thì cũng mau có kết quả lắm. Sư huynh không nhớ sao ? Hồi trưa đức Thế Tôn nói vị khất sĩ nào tu đúng như một em bé chăn trâu giỏi thì chỉ cần sáu năm là có thể đắc quả A-la-hán.

Svastika nắm chặt bàn tay của Ràhula trong hai tay mình. Chú gật đầu, nói:

Tôi sẽ cố gắng, tôi sẽ cố gắng. Tôi rất may mắn có sư huynh bên cạnh để nhắc nhở và chỉ bảo cho tôi.

Phật dạy sa di Ràhula trì giới[15]

Ràhula kể cho Svastika nghe là Phật dạy chú rất nghiêm, dù chú biết Phật thương chú lắm. Hồi chú 11 tuổi, lúc chú ở lâm viên Ambalatthikà (Ôn Tuyền), có vài lần chú đã đùa chơi bằng cách nói gạt những người đến tìm Phật : Nhằm lúc Phật đang ở Venuvana (Trúc Lâm) thì chú nói Phật ở Griddhakùta (Gijjhakùta, Linh Thứu), nhằm lúc Phật đang ở Griddhakùta thì chú nói Phật ở Venuvana để những người đó phải mất công đi tới đi lui. Hay được chuyện này Phật từ tinh xá Venuvana đến lâm viên Ambalatthikà tìm Ràhula. Thấy Phật tới, Ràhula bắc ghế cho Phật ngồi, rồi lấy thau đi múc nước cho Phật rửa chân. Rửa chân xong, Phật đổ nước đi nhưng còn giữ lại một ít nước trong thau. Phật nhìn Ràhula hỏi :

Này Ràhula, nước trong thau còn nhiều hay ít ?

Bạch Thế Tôn, nước trong thau còn rất ít.

Ràhula, con nên biết người nói dối thì căn lành không còn lại bao nhiêu, ít như nước trong thau này.

Phật lại đổ hết nước trong thau đi và hỏi :

Này Ràhula, con có thấy ta đổ hết nước trong thau đi rồi không ?

Dạ, con có thấy.

Đối với những người tiếp tục nói dối thì thiện căn sẽ mất hết như cái thau không còn nước này.

Phật lật úp thau lại rồi hỏi :

Ràhula, con có thấy cái thau bị úp lại không ?

Bạch Thế Tôn, con có thấy.

Nếu ta không tu tập chánh ngữ, nhân cách ta cũng sẽ bị đảo lộn như cái thau này. Này Ràhula, con nên cẩn thận giữ gìn lời nói, không nên nói dối dù là để đùa chơi. Con có biết cái gương dùng để làm gì không ?

Dạ, cái gương dùng để soi mặt mình.

Này Ràhula, con cũng phải quán sát hành động, tư tưởng, lời nói của con như người soi gương vậy. Con phải luôn luôn tự hỏi hành động, lời nói, tư tưởng của mình có lợi cho mình, cho người, cho cả hai không, có thuộc thiện pháp không. Mỗi khi làm được một thiện pháp con nên hoan hỉ vui mừng. Mỗi khi đã lỡ làm một ác pháp con nên biết tự sám hối. Đó là pháp môn tu tập cho thân khẩu ý của mình càng ngày càng thanh tịnh đó con ạ.

Cứ mỗi tháng hai lần, vào ngày trăng tròn (rằm) và ngày trăng mới (mồng một), tất cả các vị khất sĩ phải tập họp làm lễ Bố tát (tụng giới). Các giới điều đều được tuyên đọc, và đại chúng được hỏi có vị nào phạm giới ấy hay không. Nếu đại chúng giữ im lặng tức là không có ai vi phạm. Nếu có người phạm thì vị ấy đứng dậy tự nói lỗi mình ra (phát lộ) để sám hối (xin chừa). Trừ những lỗi paràjika (ba-la-di, trọng giới) mà người phạm vào thì tự động bị khai trừ, những lỗi khác đều có thể sám hối được.

Nghe Ràhula kể, Svastika ý thức được tầm quan trọng của việc trì giới đối với một khất sĩ.

Đi tu cũng là lao động và sản xuất[16]

Phật nhập hạ thứ 11 tại đồi Ekanala, thuộc làng Dakkhinagiri, phía nam thành Ràjagaha. Dưới đây là bài kinh Kasi Bhàradvàja :

“Một thời, đức Phật ngụ tại đồi Ekanala, trong làng Dakkhinagiri, một làng theo Bà-la-môn giáo của xứ Magadha. Lúc ấy 500 tay cày làm việc cho ông Bà-la-môn Kasi Bhàradvàja sắp sửa ra đồng. Đức Phật đắp y mang bát đến nơi người ta đang phân phối thức ăn và đứng sang một bên. Vị Bà-la-môn Kasi Bhàradvàja thấy vậy nói :

Này tôn giả, tôi cày bừa và gieo mạ, nhờ đó tôi mới có ăn. Ông cũng vậy, này tôn giả, ông cũng nên cày bừa và gieo mạ để có ăn.

Này ông Bà-la-môn, Như Lai cũng cày bừa và gieo mạ vậy. Đã cày bừa và gieo mạ xong rồi, bây giờ Như Lai mới ăn.

Nhưng nào tôi có thấy cây cày, cái ách, lưỡi cày của tôn giả đâu ? Tôi cũng không thấy con bò hay cây roi của tôn giả Gotama đâu cả. Tôn giả tự xưng là nông dân, nhưng chúng tôi có thấy những lằn cày của tôn giả đâu. Vậy xin tôn giả cho chúng tôi biết tôn giả cày ở đâu ?

Đức tin (saddha) là hột giống, kỷ luật (tapo) là mưa, trí tuệ (panna, prajna) là cái ách và cây cày, khiêm tốn (hiri) là cán cày, tâm (mano) là dây cương, và niệm (sati) là lưỡi cày và cây roi.

“Như Lai sống với sáu căn thu thúc, hành động và lời nói chính đáng, ăn uống độ lượng. Như Lai đã dùng sự chân thật để cắt những cọng cỏ dại. Thành đạt đạo quả tối thượng là mở dây thả bò (giải thoát).

“Tinh tấn (viriya) là loài thú chở nặng đã đưa Như Lai đến trạng thái an tịnh (Niết bàn). Không còn phiền não, trực chỉ, thẳng tiến, không bao giờ quay trở lại nữa. Đó, lằn cày của Như Lai đã thực hiện như thế đó. Kết quả của nó là trạng thái bất sanh bất diệt. Đã kéo xong lằn cày này thì không còn phiền muộn âu sầu nữa.

Nghe xong, vị Bà-la-môn Kasi Bhàradvàja bới đầy một chén cơm trộn sữa dâng lên đức Phật và nói :

Cầu xin tôn giả Gotama độ chén cơm trộn sữa này. Tôn giả quả thật là một nông dân vì ngài đã trồng một loại cây trổ trái "vô sanh bất tử".

Vật thực nhận lãnh do sự giảng đạo không thích đáng cho Như Lai dùng. Này ông Bà-la-môn, đó là thông lệ của bậc Đại Giác. Đấng Chánh Biến Tri không thể dùng vật thực ấy. Nếu ông muốn cúng dường, xin để đến một hôm khác.

Vị điền chủ rất cảm phục, sụp xuống lạy Phật và xin được xuất gia, ít lâu sau đắc quả A-la-hán.”

Phật dạy Ràhula giữ chánh niệm trong lúc đi khất thực[17]

Sau mùa an cư thứ 11, Phật lại đi hoằng hóa về hướng tây-bắc. Cuối mùa thu năm ấy Phật tới Sàvatthi. Đây là lần đầu tiên thầy Svastika đến tinh xá Jetavana. Thầy thấy tinh xá rất đẹp và đầy đủ tiện nghi cho sự tu học. Khung cảnh đã tươi mát mà khí hậu lại đầm ấm. Thấy Svastika, thầy nào cũng chào hỏi vui vẻ vì biết rằng thầy là nguyên nhân Phật nói kinh Chăn Trâu tại Venuvana.

Một buổi sáng, trong khi ôm bát đi khất thực sau lưng Phật, Ràhula đánh mất chánh niệm[18](sammà sati). Tuy vẫn bước đi theo mọi người, tâm chú đang nghĩ vớ vẩn đến chuyện khác. Chú tự hỏi nếu ngày xưa Phật không đi tu thì không biết bây giờ Phật đang làm gì và mình đang làm gì. Chú đã nghe kể lại là khi Phật mới sanh, có các nhà tiên tri đoán rằng nếu Phật không đi tu thì sẽ trở nên một vị chuyển luân thánh vương, tức một vị đại đế có quyền hành rộng lớn trên nhiều vương quốc. Không biết đời sống của một vị chuyển luân thánh vương ra sao ? Và nếu Phật làm chuyển luân thánh vương thì chú đang làm gì ? Nhìn đức Phật đang đi phía trước, chú lại nghĩ thân hình của đức Thế Tôn, cha ta, thật uy nghiêm đẹp đẽ, thân hình của ta cũng đẹp đẽ không kém. Vì đang nghĩ vơ vẩn nên bước chân, hơi thở và dáng đi của chú không còn an trú trong uy nghi nữa. Lạ quá, Phật đi phía trước mà ngài cảm thấy được điều đó. Phật biết là chú mất chánh niệm. Ngài dừng bước, quay trở lại. Tất cả các vị khất sĩ cũng dừng bước. Phật bảo Ràhula :

Này Ràhula, con có theo dõi hơi thở và duy trì chánh niệm không ?

Ràhula cuối đầu, im lặng. Phật dạy :

Muốn an trú trong chánh niệm thì phải duy trì hơi thở có ý thức. Trong khi đi khất thực, ta phải thực tập thiền quán. Ta có thể quán sát về tính cách vô thường, vô ngã của những yếu tố tạo nên muôn loài chúng sanh là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Bất luận thân hình đẹp đẽ hay xấu xa, hay thế nào đi nữa, con cũng phải quán sát như vầy: “Cái này không phải của ta(N'etam mama); cái này không phải là ta(N'eso' ham' asmi); cái này không phải là tự ngã của ta(Na me so attà)”[19]. Nếu ta duy trì hơi thở có ý thức thì ta mới thực hành thiền quán có kết quả và không bị mất chánh niệm. Người tu hành phải luôn luôn giữ chánh niệm cũng như người hát xiếc đang đi trên dâyphải luôn luôn chú ý đến sự thăng bằng của thân mình trên sợi dây, nếu phóng tâm xao lãng tất sẽ bị té xuống.

Nói xong, Phật quay lại và tiếp tục đi. Được sách tấn, tất cả mọi người đều chú ý vào hơi thở để duy trì chánh niệm. Nhưng một lúc sau, Ràhula tách ra khỏi hàng ngũ các vị khất sĩ, đến ngồi dưới một gốc cây trong cụm rừng bên đường. Thấy thế, Svastika cũng rời hàng ngũ và đi theo Ràhula. Thấy Svastika tới gần, Ràhula nói :

Sư huynh cứ đi khất thực với các thầy đi. Tôi không còn lòng dạ nào mà đi khất thực nữa. Tôi vừa bị Phật quở (rầy) trước đại chúng là đánh mất chánh niệm. Tôi phải dành cả ngày hôm nay để thực tập thiền quán. Tôi xấu hổ lắm.

Biết không làm gì hơn được, Svastika từ giã Ràhula, trở lại nhập đoàn với các vị khất sĩ. Trên đường về, đại đức Sàriputta đã cùng Svastika ghé lại cụm rừng để đón Ràhula về tinh xá. Svastika chia xẻ phần ăn của mình xin được vào bát của Ràhula. Sau giờ thọ trai, thầy Sàriputta bảo Ràhula đến gặp Phật. Svastika xin được đi theo.

Phật dạy Ràhula tu hạnh của tứ đại[20]

Biết tâm ý của Ràhula đã thuần thục, có thể tiếp nhận giáo lý giải thoát, Phật dạy Ràhula tu theo hạnh của tứ đại :

Này Ràhula, con hãy học theo hạnh của đất. Dù người ta đổ và rải lên đất những thứ tinh sạch và đẹp đẽ như hoa, nước thơm và sữa thơm, hoặc người ta đổ lên đất những thứ dơ bẩn hôi hám như phân, nước tiểu hay máu mủ, hoặc người ta khạc nhổ xuống đất thì đất cũng tiếp nhận tất cả những thứ ấy một cách thản nhiên, không vui vẻ mừng rỡ mà cũng không chán ghét tủi nhục. Cũng thế, khi những cảm thọ khoái lạc hoặc buồn khổ phát sinh, con đừng để cho chúng làm nhiễu loạn tâm con và chiếm cứ lòng con.

“Này Ràhula, con hãy học theo hạnh của nước. Khi người ta giặt rửa những thứ dơ bẩn trong nước, nước cũng không vì thế mà cảm thấy tủi nhục, buồn khổ và chán chường. Cũng thế,khi những cảm thọ khoái lạc hoặc buồn khổ phát sinh, con đừng để cho chúng làm nhiễu loạn tâm con và chiếm cứ lòng con.

Con lại nên học theo hạnh của lửa. Lửa đốt cháy mọi thứ, kể cả những thứ dơ bẩn, vậy mà lửa cũng không vì thế mà cảm thấy tủi nhục, buồn khổ và chán chường. Cũng thế, khi những cảm thọ khoái lạc hoặc buồn khổ phát sinh, con đừng để cho chúng làm nhiễu loạn tâm con và chiếm cứ lòng con.

Con lại cũng nên học theo hạnh của không khí. Không khí có thể dung chứa và làm tan đi các thứ mùi mà vẫn không cảm thấy tủi nhục, buồn khổ và chán chường. Cũng thế, khi những cảm thọ khoái lạc hoặc buồn khổ phát sinh, con đừng để cho chúng làm nhiễu loạn tâm con và chiếm cứ lòng con.

Phật dạy Ràhula tu hạnh Từ Bi Hỷ Xả[21]

Rồi đức Phật nói tiếp :

Này Ràhula, con hãy tu tập lòng Từ (mettà) để đối trị giận hờn. Lòng Từ là lòng thương yêu tất cả chúng sanh, lúc nào cũng nghĩ đến cách đem lại niềm vui cho kẻ khác, không đặt điều kiện, không mong đền đáp.

Con hãy tu tập lòng Bi (karunà) để đối trị ý giết hại. Lòng Bi là lòng thương yêu tất cả chúng sanh, lúc nào cũng nghĩ đến cách làm vơi sự khổ đau nơi người khác, không đặt điều kiện, không mong đền đáp.

Con cũng nên tu tập lòng Hỷ (mudità) để đối trị tánh đố kỵ, ganh ghét. Lòng Hỷ là lòng thương yêu tất cả chúng sanh, vui theo cái vui của người khác, vui khi thấy người khác thành công, hạnh phúc.

Và con cũng nên tu tập lòng Xả (upekkhà) để đối trị tánh cố chấp, ích kỷ, kỳ thị.Lòng Xả là tâm không cố chấp phải/quấy, đúng/sai, mê/ngộ, hay/dỡ, tốt/xấu ... Lòng Xả là tâm không chấp ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả[22]. Lòng Xả là tâm bình đẳng giữa muôn loài chúng sanh. Lòng Xả là tâm niệm thanh thoát cởi mở đưa ta đến an lạc, thanh tịnh và giải thoát.

Này Ràhula, Từ, Bi, Hỷ, Xả là bốn tâm tư rộng lớn không bờ bến, và cũng đẹp đẽ không cùng. Đó gọi là Tứ Vô Lượng Tâm. Tu tập theo pháp này thì mình trở nên một nguồn suối mát đem lại sinh lực và niềm vui cho tất cả chúng sanh muôn loài.

Phật dạy Ràhula quán vô thường[23]

Đức Phật ngừng một lát, rồi ngài nói tiếp :

Này Ràhula, nếu con muốn vào cảnh giới bất sanh bất diệt thì con phải tập quán vô thường để trừ pháp chấp và ngã chấp. Con nên phân tách tỉ mỉ từng yếu tố cấu tạo nên thân ta[24], từng yếu tố cấu tạo nên tâm ta[25], từng yếu tố cấu tạo nên bất cứ một vật thể nào để nhận thấy rằng không có bất cứ yếu tố nào, dù nhỏ đến đâu, không có một vật thể nào, dù lớn đến đâu, có thể thoát khỏi các giai đoạn thành, trụ, hoại, không. Tất cả đều biến đổi không ngừng tùy theo nhân duyên trong mỗi thời. Tất cả đều vô thường.

“Một khi con đã nhận thức được một cách sâu xa tánh cách vô thường của muôn sự muôn vật ở thế gian, tâm con sẽ không còn ham muốn danh lợi tài sản thế gian, không còn đắm nhiễm các thú vui thế tục. Bấy giờ là lúc con bắt đầu bước chân lên con đường giải thoát đó con ạ.

Phật dạy Ràhula quán hơi thở[26]

Ngưng một lát, đức Phật nói tiếp :

Này Ràhula, mỗi ngày con cũng phải siêng năng thực tập phép quán hơi thở để giữ chánh niệm, để thân tâm được an lạc. Mỗi khi thở vào ta biết là ta đang thở vào, mỗi khi thở ra ta biết là ta đang thở ra. Trong lúc chú tâm vào hơi thở như thế ta trừ được những tạp niệm, những suy nghĩ viễn vông loạn động. Tạp niệm dứt là tâm ta được an trú trong chánh niệm. Ta biết ta đang thở, ta biết ta đang tỉnh thức, ta biết ta không bị tạp niệm[27]lôi cuốn, ta biết ta đang an trú trong chánh niệm. Trạng thái tỉnh thức đó chính là Phật tính sẵn có trong mọi người chúng ta.

“Này Ràhula, quán niệm hơi thở giúp ta giữ chánh niệm. Sống trong chánh niệm là sống trong tỉnh thức, là sống trong sự giác ngộ. Càng giữ chánh niệm được lâu thì tính giác ngộ nơi ta càng sáng tỏ và lớn mạnh.

Ngồi bên cạnh Ràhula, Svastika chăm chú nghe tất cả những lời Phật dạy. Thầy cảm thấy hân hoan sung sướng. Đây là lần thứ hai thầy được nghe Phật giảng giáo lý thâm sâu bằng những lời lẽ thật đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hành. Thầy bắt đầu tự tin rằng mình có đủ khả năng học, hiểu và thực hành có kết quả giáo lý giác ngộ và giải thoát của đức Phật. Sau khi Phật dứt lời, Ràhula và Svastika lạy tạ lui ra. Svastika rủ Ràhula đến ngồi dưới một tàng cây cổ thụ để ôn lại những lời Phật dạy và cùng nhau thảo luận về chi tiết để thực hành. Svastika thấy rằng mình cũng hiểu giống như Ràhula.


[1]Xem Đường Xưa Mây Trắng, trang 310-312.

[2]Hai chị em cô Sujàtà đã dâng bát cháo sữa cúng Phật trước ngày Phật thành đạo.

[3]Cụ túc giới(Upasampada) về sau lên tới 250 điều cho Tỳ kheo và 348 điều cho Tỳ kheo ni theo Bắc tông. Theo Nam tông thì Tỳ kheo có 227 điều và Tỳ kheo ni có 311 điều.

[4]Xem Trung Bộ 33-34: các kinh Mahà- và Culla Gopàlaka; Tăng Chi Bộ, chương 11 pháp, kinh 18: Người chăn bò; A-hàm : Kinh Phóng Ngưu.

[5]32 thành phần cấu tạo nên sắc thân(dvattinsakarapatha) là tóc, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, màn phổi, lá lách, phổi, ruột, màn ruột, dạ dày, phẩn, mật, da trong, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mao dịch, nước miếng, chất nhờn (như đàm, mũi), chất nhớt (ở các khớp xương), nước tiểu và bộ óc. Tất cả 32 thành phần của cơ thể đều do duyên hợp nên đều vô thường, không có tự ngã.

[6]Lục độlà hạnh của Bồ tát gồm có: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Thực hành 6 hạnh này là cách đưa chúng sanh trong đó có mình từ bờ Mê đến bến Giác, nên gọi là lục độ.

[7]Tọa cụhiện nay là một tấm thảm hình vuông, mỗi cạnh độ 80 cm, dùng để trải chỗ ngồi hoặc chỗ lễ bái cho sạch sẽ. Xưa kia tọa cụ là một tấm vải dày trải phía dưới cái y lúc ngồi hoặc nằm cho y khỏi lấm dơ.

[8]Bồ đoànhiện nay là một cái gối để ngồi thiền, hình trụ, đường kính độ 25 cm, bề cao độ 16 cm, khi ngồi lên còn cao lối 10 cm, bên trong dồn rơm, hoặc cỏ khô, hoặc gòn, hoặc dăm bào nhỏ.

[9]Năm triền cái: tham lam, sân hận, hôn trầm, trạo hối, hoài nghi.

[10]Tứ diệu đếlà khổ, tập, diệt, đạo.

[11]Tứ niệm xứlà bốn phép quán : thân bất tịnh, tâm vô thường, pháp vô ngã, thọ là khổ.

[12]Quán Bất Tịnh(quán thân bất tịnh để trừ ái dục), Quán Từ Bi (quán tâm từ để trừ nóng giận), Quán Nhân Duyên(để trừ ngu si, làm tăng trưởng trí tuệ), Quán Giới Phân Biệt(quán 18 giới là 6 căn, 6 trần và 6 thức đều là duyên hợp, đều là vô thường, để trừ ngã chấp và pháp chấp), Quán Sổ Tức(quán hơi thở để trừ buồn rầu, lo nghĩ và giận hờn).

[13]Cửu tưởng quánlà phép quán thân bất tịnh. Nghĩ tưởng đến chín giai đoạn tan rã của thân người sau khi chết.

[14]Sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp (ý).

[15]Xem Trung Bộ 61: kinh Ambalatthikà Ràhulovada; Tăng Nhất A Hàm 17.1; Trung A Hàm 200: Giáo La Hầu La Tiểu Kinh.

[16]XemTiểu Bộ, Kinh Tập 1.4: kinh Bhàradvàja; Tương Ưng Bộ, chương 7, kinh 11: Cày Ruộng.

[17]Xem Đường Xưa Mây Trắng, trang 316-318; Trung Bộ 62: kinh Mahà Ràhulovada.

[18]Chánh niệm : Chánh là đưa đến giác ngộ và giải thoát. Niệm là nghĩ tưởng, chú ý. Chánh niệm là sự chú ý đến giác ngộ và giải thoát. Chánh niệm là giữ tâm an định không xao lãng.

[19]Trung Bộ 62: kinh Mahà Ràhulovada.

[20]Xem Đường Xưa Mây Trắng, trang 318.

[21]Xem Đường Xưa Mây Trắng, trang 318-319.

[22]Chấp ngãlà chấp có cái Ta chân thật, chấp nhơnlà chấp Ta là người, chấp chúng sanhlà chấp Ta là một chúng sanh, chấp thọ giả là chấp Ta có thọ mạng lâu dài (thọ là sống lâu).

[23]Xem Đường Xưa Mây Trắng, trang 319.

[24]Theo trong kinh thì thân thể con người có 32 thành phần cấu tạo.

[25]Theo Duy Thức Họcthì Tâm gồm có 8 Tâm Vương51 Tâm Sở.

[26]Xem Đường Xưa Mây Trắng, trang 319.

[27]Tạp niệmcó 6 thứ : 1- Lo nghĩ tham dục; 2- Lo nghĩ giận hờn; 3- Lo nghĩ làm hại người khác; 4- Lo nghĩ đến người thân; 5- Lo nghĩ đến quê hương, xứ sở; 6- Lo nghĩ đến sự sống chết, còn mất.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]