Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thắng duyên được tham dự chuyến hành hương chiêm bái Phật tích Ấn Độ 2024

05/01/202506:59(Xem: 293)
Thắng duyên được tham dự chuyến hành hương chiêm bái Phật tích Ấn Độ 2024

day 1-dai phap giac ngo (53) 

 Thắng duyên được tham dự chuyến
hành hương chiêm bái Phật tích Ấn Độ 2024
Bài viết của Cư Sĩ Mai Phạm Diệu Hươnhg
(Montreal, Canada)



 

 Duyên là những điều kiện cần và đủ để một việc được thành công như đúng thời cơ, đúng nguời, đúng phương tiện, đúng việc. Duyên nào đã đưa tôi được tháp tùng theo chuyến hành hương của Tu Viện Quảng Đức-Úc Châu do Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng làm trưởng đoàn, tổ chức từ 11/11/2024 đến 30/11/2024 . Chuyến đi đã khép lại nhưng những nhân duyên cùng những chuẩn bị, những kỷ niệm, những cảm nhận trước, trong và sau chuyến hành hương vẫn còn rất sống động trong tôi..... 
     Tình cờ qua 1 người bạn tôi có duyên được biết Chị Hạnh. Chị ở cách nhà tôi khoảng 750 m. Do hữu duyên, tôi thường gặp lại Chị trong những ngày tu học hay những dịp Lễ lớn ở các Chùa. Từ biết trở nên quen và rồi thân hơn. Nhiều lần Chị Hạnh rủ tôi đi hành hương chung, nhưng những lúc ấy tôi còn đi làm, còn nhiều việc phải lo nên lần nào tôi cũng từ chối vì chưa đủ duyên để đi về đất Phật như Chị.
     2016, Chị Hạnh cho hay Sư Phụ của Chị là Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng ở Úc sẽ qua Montreal và Thầy có buổi thuyết pháp ở Chùa Địa Tạng, Chị rủ tôi đi chung và để chắc chắn là tôi sẽ đi nghe pháp, Chị muốn tôi qua nhà đi cùng với Chị ấy. Nhờ vậy tôi được biết Chị Hạnh quy y với Thầy có pháp danh là Quảng Tịnh Tâm (QTT). Nhờ nhân duyên nầy tôi được biết Thầy và Trang nhà Quảng Đức (Quang Duc Homepage).  



2020, khi đại dịch Covid lan tràn trên khắp thế giới, để tránh sự lây lan, mọi nơi phải đóng cửa, việc hội họp bị cấm, ai không có việc ra đường phải ở nhà. Là nhân viên nhà thương, tôi được cấp giấy cho đi lại. Thành phố rất vắng người, xe điện ngầm bình thường đông đúc, giờ chỉ lác đác vài người ... Các buổi thuyết pháp hay tụng kinh online được bắt đầu từ đó. Duyên lành đưa đẩy, tôi được nghe vài bài pháp của Thầy giảng về 109 lạy trong Nghi Lễ Phật của Hòa Thượng Thích Trí Thủ, một nghi lễ quen thuộc mà từ nhiều năm nay mỗi lần Chùa Quan Âm tổ chức tu Bát Quan Trai tôi đều lạy theo Quý Thầy Cô trong thời công phu khuya nhưng tôi không hiểu nghĩa gì hết vì nghi lễ được viết bằng chữ Hán. Chị QTT khi biết tôi theo dõi các bài giảng của Thầy, Chị ấy rất vui, khuyến khích tôi nên tiếp tục nghe.... Nhưng việc nghe pháp của tôi không đều đặn được như Chị,  vì những căng thẳng và trách nhiệm trong công việc hằng ngày ở nhà thương trong mùa dịch, cộng thêm những ưu tư cho tình hình sức khỏe không tốt của Cha tôi ở Việt Nam, biết tôi không về được vì đại dịch, các anh em họ đã giúp tôi lo lắng cho Cụ cho đến ngày cuối.  ... Ngày Chị QTT cho hay tôi được bằng chứng nhận của Thầy, tôi rất xấu hổ vì thật ra tôi chưa nghe được hết loạt bài giảng của Thầy nhưng tôi tự hứa rằng nếu đủ duyên sẽ tìm lại để nghe trên mạng sau này.
     2022, 2 năm sau đại dịch, tôi về Việt Nam lo Lễ mãn tang Cha và sẵn dịp về làng thăm mộ ông bà nội ngoại. Các em, sau khi giúp tôi lo xong mọi việc, lên đường đi hành hương Ấn Độ. Tiễn các em đi mà tôi tự hỏi khi nào tôi sẽ có duyên để được đi.   
     Cuối tháng 07/2024, có lẻ do đủ duyên lành nên tình cờ qua facebook của Quảng Đức Homepage tôi được biết Thầy có tổ chức chuyến hành hương 20 ngày Ấn Độ, Nepal, Thái Lan. Ngày chót  để đăng ký là 10/08/2024 : chỉ còn vỏn vẹn có 10 ngày !. Tôi dự định kêu điện thoại qua các đệ tử của Thầy để hỏi thêm chi tiết, tôi thường nghe nhắc tên Chị Thanh Phi, Chị Hồng Hạnh trong các bài giảng của Thầy, nhưng lúc ấy là 13h00 Montreal, giờ Úc là 3h00 sáng.... (Úc và Montreal cách nhau 14 tiếng), kêu giờ này đúng là bất lịch sự vì phá giấc ngủ nên tôi đành viết email để hỏi. 17h00 Thầy hồi âm qua mail cho hay là tôi phải bay qua phi trường Melbourne để gặp Đoàn ngày 11/11/2024 và cùng bay vào Thái Lan và Ấn. Montreal-Melbourne... trên dưới 30 giờ bay, tôi xin Thầy cho tôi bay đến phi trường Bangkok để gặp Thầy và Đoàn, sau đó sẽ theo Đoàn cùng bay vào  Ấn. Mail vừa gởi đi vài phút thì điện thoại vang lên với số điện thoại quốc tế. Tôi có duyên được thưa chuyện với Thầy, Thầy có nhắc đến 2 đệ tử của Thầy ở Montreal là Chị QTT, Dì Khuê (tôi kêu bằng Dì vì Dì ấy quen với Cậu của tôi). Thầy bảo tôi hỏi 2 vị ấy nếu ai đi được thì đi chung tiền phòng sẽ rẻ hơn. Chị QTT và Dì Khuê không đi vì lớn tuổi, tôi về Chùa hỏi có ai muốn đi hành hương thì đi chung nhưng phải quyết định nhanh vì ngày chót là 10/08/2024. Sau đại dịch, ai cũng ngại đi xa thêm vào đó tình hình ngoại giao giữa Ấn Độ và Canada đang căng thẳng... Vậy là chỉ có mình tôi đi hành hương !. Tôi liên lạc với Thầy qua mail và hoàn thành mọi thủ tục cần thiết đúng kỳ hạn.
     Từ lúc đăng ký cho đến ngày đi, ngoài việc lo chích ngừa và các chuẩn bị khác như Thầy hướng dẫn qua các thông báo, đôi lúc tôi thối lui trước bao lời bình luận: ai cũng bảo sao tôi liều quá, dám đi xa một mình, Ấn Độ là đất nước không yên, nguy hiểm lắm, xin hủy đừng đi có được hoàn tiền lại không .... Ah ! Thôi tùy duyên vậy. Rất may lúc đó Chị QTT luôn ủng hộ, luôn động viên tôi đừng lo vì Thầy lo rất chu đáo, đi hành hương với Thầy sẽ rất an toàn. Tuy vậy, mỗi chủ nhật về Chùa, mỗi ngày Lễ Vía tôi thầm cầu xin Tam Bảo gia hộ cho con có đủ thiện duyên để tham gia chuyến hành hương về quê hương Đức Phật.

day 1-dai phap giac ngo (20)day 1-dai phap giac ngo (22)day 1-dai phap giac ngo (54)day 1-dai phap giac ngo (61)day 1-dai phap giac ngo (65)day 1-dai phap giac ngo (80)day 1-dai phap giac ngo (101)day 1-dai phap giac ngo (105)
day 1-dai phap giac ngo (114)


day 1-dai phap giac ngo (129)

day 1-dai phap giac ngo (156)day 1-dai phap giac ngo (153)
day 1-dai phap giac ngo (178)
day 1-dai phap giac ngo (189)


     Rồi cuối cùng ngày đi cũng đến. Sau gần một ngày đêm lênh đênh trên không trung, qua vài trục trặc như cửa máy bay không đóng được ở phi trường YUL, máy bay đến trễ gần 1 giờ ở phi trường chuyển tiếp (HIA), các thủ tục khi qua hải quan Thái Lan, cuối cùng tôi đã gặp được Thầy và Đoàn ở phi trường Thái Lan (BKK) và cùng bay vào đất Ẩn, mở đầu cho chuyến hành hương tìm về cội nguồn tâm linh.


     Đoàn có 24 Phật tử phần lớn đến từ Úc, 2 tour guide người bản xứ và Thầy. Ngoài 4 Thánh tích chính (Tứ Động Tâm) thường được đề cập đến trong cuộc đời Đức Phật : nơi Phật Đản Sanh-Vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini-Nepal), nơi Phật thành đạo-(Bodh Gaya-Bắc Ấn Độ), nơi Ngài thuyết bài pháp đầu tiên &Tăng đoàn được thành lập (Vườn Lộc Uyển-Varanashi-Ấn Độ); nơi Phật nhập Niết Bàn (Kushinaga-Ấn Độ), mà Đoàn sẽ đến tham bái, Thầy còn lên chương trình đi thăm các chùa ở các nước đi qua, đi phát quà từ thiện, đi du thuyền trên sông Hằng, sông Chao Praya (Thái Lan).
     Đại Tháp Giác Ngộ là địa điểm đầu tiên Đoàn đến chiêm bái trong chiều đầu tiên. Theo tour guide, tháng 11 là mùa đông ở Ấn Độ: khí hậu tuy nóng nhưng không oi bức như ở Việt Nam. Trời về chiều và tối nhanh như ở Canada. Đoàn lên xe tuk tuk, 4 người 1 xe, để di chuyển đến Bồ Đề Đạo Tràng. Trước cửa Thánh tích, đón Đoàn .... là những người ăn xin, chân tay họ co quắp với các cơ bắp bị teo (một chút méo mó nghề nghiệp !), lê lết trên đường, miệng liên tục niệm Nam Mô A Di Đà Phật, tay họ giơ ra để khơi lòng trắc ẩn của khách hành hương. Một số người Ấn khác thì tranh thủ bán hoa, chuỗi hạt, hình Phật...  Dù đã được nghe nói ở Ấn có rất nhiều người ăn xin nhưng tôi vừa bàng hoàng vừa sợ vừa xót xa khi nhìn thấy cảnh trạng này...
      Trong màn đêm, Đại Tháp Giác Ngộ thật đẹp, thật hùng vĩ. Ánh sáng các đèn điện chiếu vào đỉnh Tháp làm tăng thêm vẻ đẹp linh thiêng và kỳ vĩ của nơi này. Thầy dắt Đoàn vào Kim Cang Tòa ngồi tụng kinh dưới tàng Cây Bồ Đề cao lớn ... nơi mà 2613 năm trước đây, Đức Phật đã ngồi thiền định suốt 49 ngày và đạt đến giác ngộ.  Một cảm giác vừa hoan hỷ vừa xúc động dâng lên trong tôi : tôi đang ngồi và đang được chiêm ngưỡng Cây Bồ Đề lịch sử, tâm liên tưởng đến lời nguyện 28 của Đức Phật A Di Đà... Đạo Thọ cao hiển...  Bồ Đề Đạo Tràng là nơi Đoàn lưu lại lâu nhất trong chuyến hành hương : 4 ngày. Tôi được dịp chiêm bái nơi này dưới nhiều góc độ : ngày-đêm, tham quan 7 nơi Đức Phật đã đi qua sau khi thành Đạo, "thở hơi thở của Phật" khi Thầy cho Đoàn ngồi thiền dưới tàng cây của cội Bồ Đề trước Kim Cang Tòa, nghe tiếng thỉnh Đại Hồng Chung, chuông do HT Thích Hải Ấn, TT Thích Pháp Chơn và các phật tử Việt Nam cúng dường Bồ Đề Đạo Tràng. Dù đã được nghe tiếng thỉnh Đại Hồng Chung nhưng tại đây, tại Bồ Đề Đạo Tràng, tại nơi Phật thành đạo, một cảm xúc khó tả dâng lên, quả đúng như ... Nghe tiếng chuông, phiền não nhẹ, Trí huệ lớn, Giác đạo sanh, Lìa địa nguc khỏi hầm lửa, Nguyện thành Phật, độ chúng sanh.


     Ngoài chiêm bái Bồ Để Đạo Tràng, Đoàn còn theo Thầy leo lên đỉnh Linh Thứu Sơn-nơi Đức Phật thuyết Kinh Pháp Hoa, leo lên Khổ Hạnh Lâm-nơi Thái Tử Tất Đạt Đa tu khổ hạnh 6 năm; chiêm bái tháp thờ thí chủ Tu Xà Đa (Sujata), người đã cứu sống Bồ Tát Tất Đạt Đa khi Ngài ngất xỉu bên dòng sông Ni Liên Thiền (Neranjana), thăm Tịnh Xá Trúc Lâm (Venuvana Vihara) do Vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) cúng dường Đức Thế Tôn. Trên đường đi viếng tháp thí chủ Sujata, xe lăn bánh ngang qua sông Hằng (Ganga) trong  một ngày lễ hội. Cả một rừng người chen chúc nhau hai bên bờ sông !. Sông Hằng, dòng sông huyền thoại, dòng sông linh thiêng với người dân Ấn nhưng lại là dòng sông ô nhiễm theo các nhà khoa học !  Nơi dòng sông này, người dân Ấn đến để cầu nguyện, để tiến hành các buổi lễ kể cả hỏa táng, để tắm mát với niềm tin là dòng nước linh thiêng này sẽ gột rửa mọi tội lỗi ...  Theo như chương trình đã định, 5h00 sáng ngày 17/11/2024, Đoàn lên xe bus trực chỉ sông Hằng, Đoàn đi sớm để được ngắm bình minh trên sông, vì ai đến Ấn mà không xem được bình minh trên sông Hằng thì coi như chưa đi Ấn ! Ngoài việc du hành, Thầy còn tổ chức kinh hành bên bờ sông, phóng sanh, thả đèn cầu nguyện ... Đây là ngày tôi sẽ ghi nhớ trọn đời vì hôm nay 17 tháng 10 AL : khi thả đèn, tôi đã mang "dòng sông xanh" của miền quê Việt-Nam nhập vào dòng nước linh thiêng với lời cầu nguyện mong hương hồn Cha, Mẹ, Ông, Bà và mọi chúng sanh được siêu sinh về cõi an lạc. Bình minh trên sông thật đẹp, mặt trời từ từ ló dạng, một màu vàng cam độc nhất vô nhị ! Mọi người thay phiên nhau chụp hình lưu niệm với Thầy, với quang cảnh, trong lúc chờ đợi tới phiên mình, tôi lặng ngắm mặt trời lên trong lòng dâng lên một cảm giác nhẹ nhàng, vui sướng. Tôi đang ''đứng trên Sông Hằng'' lúc rạng bình minh, đây là hiện thực không phải trong mơ !
     Quanh Bồ Đề Đạo Tràng có rất nhiều chùa của các nước Châu Á. Đoàn được đi thăm Chùa Nhật, Chùa Tây Tạng Karmapa, Chùa Việt Nam Phật Quốc Tự của HT Thích Huyền Diệu. Tôi đã có duyên được gặp HT năm 1987 khi Thầy sang Montréal, ghé lại thăm Chùa Quan Âm. Lúc đó Thầy vừa khởi công xây dựng ngôi chùa Việt Nam ở đất Ấn. Bao năm qua, bao công sức của Thầy đã đổ ra cùng với sự đóng góp của các Phật tử xa gần để hoàn thành ngôi chùa Việt Nam đầu tiên này. Thật đáng tự hào ! HT dắt Đoàn đi xem vườn với các loại cây ăn trái, với những hàng tre, trúc xanh cao ngút .... Thật đẹp, thật thân thương như tôi đang được về quê hương Việt Nam trên đất Ấn này.
     Rời Bồ Đề Đạo Tràng, Đoàn di chuyển đi chiêm bái các Thánh tích khác trong Tứ Động Tâm tại Ấn. Hai buổi lễ Dâng Y vào nơi Tháp Phật nhập Niết Bàn và Rước cờ Phật giáo vào Vườn Kỳ Viên Cấp Cô Độc thật trang trọng. Thầy Trưởng đoàn đã cho chuẩn bị sẵn Y và Cờ, mỗi Phật tử Đoàn hành hương chia ra cùng cầm Y hay Cờ để rước vào Thánh địa. Màu áo lam của Đoàn làm tăng thêm nét đẹp trang nghiêm của buổi lễ. Khách thập phương nơi Thánh địa thay phiên nhau thâu phim hành trình đi của Đoàn. Y được đắp lên tượng Đức Thế Tôn nhập Niết Bàn với tư thế nằm nghiêng bên phải, Cờ được bao quanh Cây Bồ Đề, biểu tượng cho Đức Phật, do ngài A Nan trồng trong vườn  Kỳ Viên Cấp Cô Độc. Tại Vườn này, Thầy cho Đoàn ngồi niệm Phật nơi Hương thất của Ngài, tiếng niệm Phật của mỗi người được thâu lại để làm kỷ niệm. Đây cũng là nơi các bộ Kinh A Di Đà, Kinh Vu Lan được Phật thuyết giảng trong các mùa an cư (24 mùa an cư).
     Đoàn sang Nepal để đến chiêm bái Thánh tích Lâm Tỳ Ni-Lumbini, nơi Phật đản sanh, để tìm về thăm Cổ mộ "ông bà nội tâm linh" (Vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Maya) tại Cổ Thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu), nơi Thái Tử Tất Đạt Đa đã sống 29 năm. Thủ tục hải quan giữa 2 nước thật mất thời gian, lâu lắm rồi tôi mới có dịp sống lại việc sắp hàng chờ đợi như vậy. Như đã từng nghe mỗi mùa Phật Đản về sự hạ sanh của Phật, dấu tích cây Vô Ưu, hồ nước còn đây và trong đền thờ Hoàng hậu Maya còn lưu vết chân đầu tiên của Thái Tử. Ngoài việc chiêm bái các Thánh tích & tụng kinh tại mỗi nơi đi qua, Thầy Trưởng đoàn còn tổ chức phát quà tình thương cho người dân nghèo (300) tại Cổ Thành Ca Tỳ La Vệ và tại Chùa Nepal Maya Devi. Dưới sự hướng dẫn và điều hành của hai Thầy, TT Trưởng đoàn và TT Nanda (Nepal), mỗi Phật tử của Đoàn hành hương đã trao tận tay chút tịnh tài cho dân địa phương.
     Về lại Ấn, tại thành Xá Vệ (Shravasti), Đoàn đã theo Thầy đến thăm Nền nhà của Tôn giả Tu-Đạt (Sudatta) tức Tôn giả Cấp Cô Độc (Anathapindika), Tháp thờ Tôn giả Vô não (Agulimala), Chùa Tích Lan nơi có Xá Lợi Phật. Thấy Xá Lợi như thấy Phật ! Thật trùng hợp, hôm nay, ngày 20 tháng 11, ngày Nhà Giáo Việt Nam, Đoàn được về chiêm ngưỡng Xá Lợi Bậc Thầy của Trời Người. Sau khi chiêm bái, Thầy Trưởng đoàn xin Sư Trụ trì đặt Tháp thờ Xá Lợi Phật lên đầu của mỗi Phật tử của Đoàn. Thật quá nhiều thắng duyên ! 
     Sau 4 Thánh tích, Đoàn bay xuống miền Nam Ấn để tham quan 2 quần thể hang động Phật giáo Ajanta và Ellora. Theo Thầy, Ajanta có từ thế kỷ thứ 2 trước Tây lịch và Ellora có từ giữa thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 10. Đây là nơi lưu lại những tác phẩm điêu khắc các Vị Phật hay các điện thờ được cắt gọt trên đá. Thầy cho biết Ajanta đã được Unesco công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới từ năm 1983, Ajanta có 31 hang động, nằm lưng chừng núi, bên dưới là dòng suối Waghora uốn khúc. Chiếc cầu bắt ngang dòng suối gợi lên một hình ảnh trong phim Chiếc cầu trên dòng sông Kwai. Thiên nhiên thật hùng vỹ ! Giữa trời đất mênh mông con người thật bé nhỏ nhưng với đôi bàn tay khéo léo đã để lại cho thế giới những tác phẩm điêu khắc ngoạn mục trên đá. Ellora có 34 đền thờ & động tu của Phật giáo (12), Ấn giáo (17), Kỳ Na giáo (5). Tại 2 nơi, Thầy và Đoàn được các tour guide cắt nghĩa và huớng dẫn đi tham quan các hang động được cho phép. 
    New Delhi là nơi cuối cùng Đoàn đến trên đất Ấn. Đây là thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Đoàn không viếng đền Taj Mahal dù nơi này được nhắc đến như là một công trình kiến trúc muôn đời. Đoàn theo Thầy đi thăm Đài tưởng niệm Thánh Gandhi (1869-1948), Cổng India Gate được xây giống Khải Hoàn Môn (Arc de Triomphe) của Pháp, qua làn sương "ô nhiễm" Cổng hiện ra mờ ảo ... . Xe bus lăn bánh đưa Đoàn ngang qua Dinh Tổng Thống (Rashtrapati Bhavan), Chùa Hoa Sen (Lotus temple) của Đạo Baha'i, rất tiếc Đoàn không vào được vì Chùa đóng cửa hôm nay, đành lên goole xem vậy. Cuối cùng Đoàn đến tham quan Đồi Kailash Hill, với bản khắc trên đá sắc lệnh của Vua A Dục (Vua Ashoka) khuyến khích mọi người dân Ấn hãy sống theo lời Phật dạy để có an lạc, hạnh phúc cho bản thân và xã hội. Vua A Dục là vị vua đã lập nhiều trụ đá nơi các thánh tích trong cuộc đời của Đức Phật : Nepal, Vườn Lộc Uyển... Đây là ''Vị Vua Phật tử'' có nhiều đóng góp cho sự truyền thừa của Phật giáo.
     Rời Ấn Độ, Đoàn bay qua Thái Lan. Đây là nơi cuối cùng Đoàn đến. Theo Minh Đức, tour guide người Việt ở Thái, Thái Lan là Xứ sở của Chùa Vàng (đất nước có trên 40 ngàn ngôi chùa), của .... kẹt xe: xe kẹt từ sáng đến tối, 7 ngày trong tuần !!! Chữ Wat bên Thái Lan là Chùa, Đoàn được thăm viếng cung điện của Hoàng Gia Thái Lan & tham bái Wat Arun, nổi tiếng nhất xứ sở Chùa Vàng, Wat Phra Kew (Chùa Phật Ngọc), Wat Saket (Chùa Núi Vàng), Wat Pho (Chùa Phật nằm, dài 46 m), Wat Traimit (Chùa Phật Vàng nặng 5,5 tấn), Wat Sutha Thep (Chùa Phật Đồng), những điểm thường đến của khách du lịch tại Bangkok.. Tại Wat Anamnikayaram- Chùa Quảng Phước- Chùa có các Sư Thái gốc Việt đọc được kinh chữ Thái nhưng phát âm tiếng Việt, Đoàn đã cùng ngồi tụng Chú Đại Bi, Ma Ha Bát Nhã Tâm Kinh với các Sư Nam Tông. Minh Đức đề nghị Thầy và Đoàn ghé Chùa Khánh Vân-Wat Upairadbansung- nơi Đoàn đã đảnh lễ chiêm bái nhục thân của HT Thích Phổ Sái được tôn thờ tại Tổ đường Chùa. Đây là lần đầu tiên tôi được thấy !  Ngài lưu lại kim cang thân bất hoại, một chứng minh sống cho sự tu tập chứng đắc, chứng ngộ, một chứng minh hùng hồn để con người đời nay và đời sau có niềm tin vào ánh sáng của Phật pháp với triết lý Nhân Quả, có tu có chứng trong đạo Phật, Đạo của giải thoát và giác ngộ. Tại Wat Yannawa (Chùa có hình con Thuyền Bát Nhã), Sư Trụ trì đã cho mỗi Phật tử dây chỉ kết Katha, Thầy đã đưa phần dây chỉ còn lại cho tôi mang về làm quà cho các Phật tử Montreal. Đoàn kết thúc ngày tham quan bằng du thuyền trên sông Chao Praya. 
     Hàng ngàn người từ khắp nơi trên thế giới, (Tăng Ni, Phật tử, khách du lịch) đến để chiêm bái hay để cầu nguyện với lòng thành tín nhưng tại quê hương của Ngài, trước cửa các Thánh tích đi qua là các người ăn xin, là những đứa trẻ có khuôn mặt đẹp, đường nét sắc sảo nhưng lại đi ăn xin. Thật xót xa khi nghe họ tụng liên tục danh hiệu của các Đức Phật.... dùng tiếng niệm Phật để làm phương tiện sinh sống !. Tôi chạnh nhớ đến câu chuyện của Bà già thành Đông, quả thật Phật không độ được cho người vô duyên ! "Không có giai cấp trong dòng máu cùng mặn", nhưng bao năm qua rồi, hơn 2500 năm, các giai cấp vẫn còn ở Ấn ! Thật bùi ngùi khi nhìn thấy quê hương của Đức Phật là nơi có nhiều Thánh tích và phế tích ((phế tích Đại Học Ananda, nền nhà trơ trọi của Trưởng giả Cấp Cô Độc ...)  do sự tàn phá của thời gian, của chiến tranh, của các tôn giáo khác. Rất may các nhà khảo cổ Anh đã góp phần không nhỏ cho sự khai quật các phế tích cổ này. Giao thông ở Ấn tuy đã được cải thiện nhưng đôi lúc xe qua những ổ gà, phải gọi là "ổ voi" mới đúng, mọi người trong xe được dịp thưởng thức bay nhảy đến gần... nóc xe! 
     Chuyến hành hương đã khép lại. Sau hơn 1 ngày lang thang trên các phi trường, một đêm trải nghiệm ở "khách sạn ngàn đèn", tôi đã về lại Montreal an toàn. Chuyến đi đã thành tựu viên mãn! Mọi người ai cũng bảo là tôi có nhiều phước duyên quá! Một chuyến hành hương thật đặc sắc!  Quả thật, với kinh nghiệm tổ chức, Thầy Trưởng đoàn vừa hướng dẫn sinh hoạt, vừa truyền thụ cho Đoàn những giáo lý liên quan đến từng Thánh tích đi qua, tôi được học thêm nhiều điều, nhiều từ mới (hy vọng tôi sẽ nhớ vì .... kiến thức là những gì còn sót lại sau khi đã quên hết). Mỗi Thánh tích đi qua, mỗi nơi đến chiêm bái đều để lại trong tôi nhiều cảm xúc  ... Mỗi thành viên của Đoàn rất ý thức, đã nghiêm chỉnh chấp hành các chỉ số 5,6,7 hay 6,7,8... của Ban Tổ chức để chuyến hành hương được như nguyện, không mất thời gian vì chờ đợi sự có mặt đông đủ của các thành viên trước khi xe lăn bánh.... Có lẽ chưa lúc nào tôi được nghe, được nói tiếng Việt nhiều như vậy từ lúc rời Việt-Nam! Những bỡ ngỡ ban đầu mau chóng được xóa tan trước sự vui vẻ, cởi mở, những thân tình luôn chăm sóc cho nhau trong suốt chuyến hành hương từ các Phật tử Úc của Tu Viện Quảng Đức. Sẽ nhớ thật nhiều những lời chỉ bảo chân tình của các chị Thanh Phi, Nguyên Như, Diệu Đài, Quảng Hạnh,  những câu nói hóm hỉnh vui nhộn từ các chị Từ Ngọc, Tâm Mỹ, Lệ Phước, Diệu Thành, Diệu Ngọc, những trận cười giòn tan ..... đến đau ruột cùng các em Chúc Hoa, Huệ Mai, Quảng Diệu Trí, Viên Nguyện, nhờ các Em mà đường di chuyển bằng bus giữa các nơi đỡ thấy dài... Một nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ... các Em đã đem lại cho chị những phút vui nhộn khó quên ... Tôi còn biết thêm vài chiêu xoa bóp, bấm huyệt của Chị Mãn Hiền Thanh. Trong đoàn, tôi và Chị có phước duyên được chụp hình với TT Thích Tánh Tuệ khi tình cờ gặp Thầy trên đường đi hành hương, khiến cho tôi được dịp cho nổ tung kho đạn Long Bình khi khoe hình với các bạn đạo ở Montreal. Mong rằng Chị không bị mất ngủ khi phải cho tôi share phòng với Chị 2 đêm...  Ban Hương đăng lưu động của Đoàn: các anh Quảng An, Trí Ngộ, các chị Nguyên Như, Thanh Phi với tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng khánh theo Thầy giữ cho Đoàn sự nhịp nhàng trong các thời kinh ... Chúc mừng hai chị Quảng Huệ Tịnh, Quảng Huệ Ngọc được quy y tại Kim Cang Tòa, chúc cho hai chị Chiếu Ảnh, Đồng Ngọc Minh luôn hỗ trợ nhau trên con đường tu học kinh, giai thoại của Hai Chị thật hy hữu !...  Gia đình 3 mẹ con Quảng Thiện Duyên (Hoàng Lan) rất nhiệt tình, ngoài việc phụ trách chụp hình cho Đoàn có những hình ảnh đẹp làm kỷ niệm ở mỗi nơi chiêm bái, 3 mẹ con còn bảo đảm cho mỗi thành viên của Đoàn phòng ở tại các khách sạn khang trang, lo các thủ tục giấy tờ cần thiết trong suốt chuyến đi. Qua Thầy tôi được biết 2 cháu Jordan & An Lạc, 2 con của Hoàng Lan, đang theo đuổi việc học trong ngành y tế, chúc Hai cháu thành công vì đây là ngành rất cần những người có tâm lo cho người khác. Không thể quên hai tour guide Sonam & Bodhi rất tận tình giúp Thầy và Đoàn trên mọi lãnh vực. Cuối cùng, xin cám ơn Thầy đã tổ chức rất chu đáo và lo cho Đoàn rất đầy đủ từ thân đến tâm: tâm chúng con rất An Vui trong 20 ngày rong ruổi theo Thầy trên đường hành hương qua 3 nước Ấn Độ, Nepal, Thái Lan.
 
     Hành hương là chuyến đi tìm về cội nguồn tâm linh. Đến Ấn đến Nepal để thấy, để nhận rõ Đức Phật không là huyền thoại mà là Người bằng xương thịt vì dấu chân của Ngài khi sinh ra còn đây. Ngài với ý chí phi thường-sự khổ hạnh của Ngài vẫn còn dấu vết ở hang Khổ Hạnh Lâm, qua bao hy sinh-rời xa đời sống nơi cung vàng điện ngọc, bỏ lại sau lưng vợ đẹp con thơ, sau bao công phu nỗ lực tinh tấn, Ngài với lòng thương chúng sanh vô hạn đã tìm ra con đường thoát khỏi bể khổ và truyền lại cho hậu thế. Bài Pháp đầu tiên về Tứ Diệu Đế chỉ rõ nguyên nhân của khổ cũng như cách giải thoát ra khỏi những đau khổ, vướng mắt trong cuộc sống, hàng đệ tử của Ngài đã thâm nhập được bao nhiêu, đã hiểu, đã áp dụng được gì vào đời sống của mình. Tôi chạnh nhớ trong một lần nghe Pháp, HT Phước Đức đã khuyến tấn các Phật tử ... xin Y giáo thực hành, đừng y giáo để dành vì một kiếp người qua rất mau, không ai biết ngày mai sẽ ra sao, cuộc sống thật vô thường. Tu không chỉ là niệm Phật ...... Ngoài những nỗ lực duy trì các thời khóa tu tập, các công quả, bên cạnh việc tịnh hóa thân khẩu ý, Tu còn là rèn luyện tâm, là giữ tâm vững chải, tâm an nhiên, tâm tự tại, tâm khiêm hạ, tâm từ bi hỷ xả giữa những biến động, chông gai trong cuộc sống hằng ngày. Quà mang về từ Ấn là xâu chuỗi hạt bồ đề thơm mùi trầm, mong rằng sau chuyến hành hương, hạt giống bồ đề này sẽ giúp cho tâm Bồ Đề trong mỗi Phật tử của Đoàn được nẩy mầm vững chắc, lớn mạnh như cây Bồ Đề ở Kim Cang Tòa hay trong Vườn Kỳ Viên Cấp Cô Độc....
 
Pháp môn xin nguyện học -  Ân nghĩa xin nguyện đền - 
Phiền não xin nguyện đoạn -  Quả Phật xin chứng nên.
 
 
Kỷ niệm một chuyến đi,
Pt Diệu Hương Phạm Thị Thanh Mai

26-dieu huong
     
 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 4252)
Học Phật, nếu thấu rõ đường đi, thấy rõ kết quả thì mình vui nhiều lắm. Còn nếu mờ mịt thì sống thấy khổ, tu hành cũng dễ chao đảo, dễ mất niềm tin, mất nguồn vui. Vãng sanh là sống mà đi vãng sanh, vui vẻ cho mình, vui vẻ lớn lao cho gia đình.
10/04/2013(Xem: 3441)
Trong kinh Du Hành có chuyện một chú sa di đem tin tới cho đức Thế Tôn là thầy Xá Lợi Phất mới qua đời. Vị sa di đó tên là Cunda (Thuần Đà). Hồi đó Bụt đang ở miền Bắc sông Hằng tại thành phố Vaisali.
10/04/2013(Xem: 3422)
Cư sĩ Peter Kedge, 47 tuổi, một kỹ sư người Anh, đã trải qua mười sáu năm trong ngành kinh doanh. Hiện nay ông là Tổng giám đốc điều hành một công ty đa quốc gia ở Hồng Kông, một công việc mà ông bắt đầu với hai bàn tay không từ năm 1980.
10/04/2013(Xem: 4009)
Đây là câu kết bài thơ không đề của Liên Ẩn Thiền Sư. Nội dung bài thơ rất đơn giản, ngôn từ mộc mạc, thân thương như những lời nhắc nhở của thầy với trò, của cha mẹ với con cái, của bằng hữu với thân quen ....
10/04/2013(Xem: 4154)
Sau thời công phu sớm nay, bà Tám thắp thêm nén hương thơm trên bàn thờ Phật sau đó bà thắp hương bàn thờ ông bà. Bà chế trà sen ra ly và đặt lên bàn thờ ông Tám, thuở còn sanh tiền ông Tám rất thích uống trà sen vào buổi sáng, sau nầy dù ông đã mất bà vẫn giữ lệ cũ, pha trà cho mọi buổi sáng.
10/04/2013(Xem: 3977)
Trong tất thảy các tôn giáo, không tôn giáo nào dạy con người vừa phải sống, phải xây dựng cho cuộc sống tốt đẹp lại vừa phải từ chối nó, coi nó như áng phù vân, như hình bóng hư ảo chập chờn trên vách hang động, như ốc đảo lộng lẫy hiện lên trong trí tưởng tượng của kẻ lữ hành nơi sa mạc.
10/04/2013(Xem: 3449)
"Là một người đồng tính luyến ái mắc bệnh Aids (Sida), tôi có nhiều thời gian để chấp nhận hoàn cảnh bi đát của mình. Nhưng khi nói chuyện với Sư cô về vấn đề chết và hấp hối, tôi cảm thấy mình có một nhận thức sâu sắc về cuộc sống và chấp nhận căn bệnh quái ác này.
10/04/2013(Xem: 3942)
"Tôi làm phi công“ hay "chuyến đi không định trước“ là tiêu đề của bài viết này khi chúng tôi đã đến thăm nuớc Lào từ ngày 17 đến 19 tháng 10 năm 2005 vừa qua.
10/04/2013(Xem: 4475)
Tôi là một người sống độc thân (và không có con), năm nay tôi 50 tuổi. Tôi sinh sống ở Virginia thuộc Hoa Thịnh Ðốn, sức khỏe đầy đủ và tôi có một việc làm vững chắc. Tôi có một người cha 85 tuổi, sống tại Houston , Texas.
10/04/2013(Xem: 5143)
Khi chúng ta học Phật, chúng ta học về bản thân chúng ta, bản chất của tâm trí chúng ta. Thay vì tập trung sự chú ý vào một đấng cao cả nào đó, đạo Phật nhấn mạnh vào những vấn đề thực tế, thí dụ như làm cách nào để hướng dẫn đời sống của chúng ta.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]