Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Khóa Học Phật Pháp lần thứ 16 tại Oslo, Na Uy.

10/04/201313:29(Xem: 3863)
Khóa Học Phật Pháp lần thứ 16 tại Oslo, Na Uy.

Khóa Học Phật Pháp
lần thứ 16 tại Oslo, Na Uy

Hạnh Thức

---o0o---

Ta từ vô thủy ghé chơi đây

Ðem tâm vương vấn cõi bụi nầy

Hư hư ảo ảo nhân duyên diệt

Nghiệp quả luân hồi trong thoáng giây.

(Huệ Hồng)

Ðã 2 lần, tôi nhắc đến Na Uy trong các bài viết ít ỏi của tôi. Kỳ nầy, tôi muốn dành trọn một bài để nói về khóa giáo lý lần thứ 16 tại Oslo, được tổ chức từ ngày 23.12 đến ngày 30.12.2001. Ðộng cơ thúc đẩy tôi bỏ chút thì giờ hiếm hoi trong cuộc đời tu hành của mình để viết bài nầy chính là vì các em, những người trẻ Việt Nam đáng yêu quí...

Tầm sư...

Chúng tôi khởi hành từ chùa Viên Giác, Hannover, Ðức quốc lúc 6 giờ sáng ngày 22-12-2001. Kỳ nầy chỉ có bọn mày râu chúng tôi đi thôi, gồm có 4 Thầy, 2 chú Sa Di: tôi và Hạnh Tuệ, và một Phật tử. Các cô đã đi Hamburg từ hôm qua để dự khóa tu học dành riêng cho bên Ni tại chùa Bảo Quang của Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm. Thời tiết vào Ðông đã lâu, khí hậu bên ngoài là -1ửC nhưng trong xe +19ửC, đủ sưởi ấm cho 7 người trên đoạn đường xa vạn dặm, suốt từ sáng sớm cho đến 10 giờ đêm. Từ Ðức tới Na Uy phải băng qua 2 quốc gia khác, Ðan Mạch và Thụy Ðiển và đi phà.

Ðộ 8 giờ, chúng tôi vào một trạm xăng trên xa lộ nghỉ, ăn điểm tâm, lấy nước sôi ra chế... mìgói và uống café. Trước khi đi, Sư phụ có cho chúng tôi mỗi người 100DM. Mọi lần đi xa như vầy, đồ ăn thức uống, bánh trái mang theo các cô đều lo cho hết. Nhưng kỳ nầy vì các cô đã đi từ chiều hôm qua, nên chúng tôi hơi ...khốn đốn, chỉ đem theo được có 2 thùng mì ăn liền và hai cái bình thủy cho nước sôi và nước trà mà thôi. Nhớ lại chuyến trước, chúng tôi đi với một lực lượng khá hùng hậu, có cả 3 ‘nhà’: nhà Băng, nhà Bếp, và nhà... Thương. ‘Nhà Băng’ chính là cô Hạnh Thông. Vì cô là ‘giám đốc’ xưởng sản xuất thực phẩm Viên Giác. Bánh trái trong chùa đều do một tay cô quán xuyến cả, vừa ngon, vừa bổ, lại vừa ... rẻ, cho nên lúc nào cô cũng có tiền trong túi. Chính cái xe buýt 7 chỗ ngồi chúng tôi đang đi đây cũng nhờ đó mà có. Các Thầy thường hay nói đùa: cái xe nầy được làm bằng mấy cái bánh ...(của cô Hạnh Thông!). ‘Nhà Bếp’ là cô Hạnh Ngộ. Cô có tài nấu ăn. Ðôi đũa của cô vung lên là chúng trong chùa, khoảng trung bình trên dưới 25 người, đều no đủ. Hômnào rủi cô đi vắng một hai ngày là chúng tôi...hốc hác. ‘Nhà Thương’ là cô Hạnh Bình. Cô H. Bình rất đa tài, vừa làm bánh, vừa nấu ăn, vừa làm trên thư viện mỗi khi sách về nhiều. Cô có đặc điểm là mỗi khi đi xa, trong đãy đựng đồ của cô lúc nào cũng có bình dầu cù là thơm phức. Hễ ai bị trúng gió, cảm cúm tới mượn cô bình dầu, cạo gió là hết ngay.

Kỳ nầy, thay vào đó, chúng tôi lại có nhà băng ‘quốc doanh’ Hạnh Luận!, mới tạm thời bàn giao chức vụ thủ quỹ của Chùa từ tay thầy Hạnh Bảo, do lệnh của ...’nhà nước’ (Sư Phụ), khi thầy H. Bảo đi công du một chuyến ‘ta bà thế giới’.

Ðiểm tâm xong, chúng tôi tiếp tục lên đường. Xe chạy bon bon không có một trở ngại nào cả. Tới bến phà Ðan Mạch lúc 12 giờ trưa. Còn hơn 3 tiếng nữa mới có phà. Chúng tôi tìm chỗ đậu xe rồi vào một quán ăn nhỏ nằm trên lầu, khá xinh xắn, phiá dưới là một siêu thị. Thầy Hạnh Luận gọi 7 dĩa khoai tây chiên, tôi gọi thêm một dĩa xà lách thật lớn.Tôi móc trong túi ra còn 300 đồng tiền Thụy Ðiển nhân khóa học giáo lý Châu Âu kỳ rồi, đưa hết cho ‘nhà Băng’ Hạnh Luận giữ. Bữa ăn trưa chúng tôi gồm chừng đó cộng thêm mỗi người một tô mì ăn liền. Ăn xong, thầy Hạnh Từ, Hạnh An vàHạnh Luận ra trước. Tôi và thầy Hạnh Sa theo sau. Ra đến xe, không thấy mấy thầy kia đâu cả. Thầy H. Sa chui vô xe ngồi. Tôi thả bộ một vòng qua phố. Phố nằm khuất ở bên kia dãy nhà đối diện, trên con đường chỉ dành cho bộ hành đi, nhưng rất sầm uất, tráng lệ, có đủ loại tiệm buôn. Tôi vào một tiệm TV rất đông người chen chúc. Máy móc ở đây đắt hơn ở Ðức nhiều.

Tôi đi ngang qua một tiệm ăn, nhớ nơi nầy trước đây tôi và thầy Hạnh Luận đã ngồi uống nước để chờ phà như hôm nay. Lần đó, thầy H. Luận uống cả thảy là3 ly Café, vì chờ phà quá lâu. Nên tối hôm đó tại chùa Khuông Việt, thầy nói suốt đêm. Và vì thế, chúng tôi lại có thêm một giai thoại vui vui để thỉnh thoảng nhắc tới, nhất là mỗi khi đi ngang qua đây. Tôi bước vào, rảo mắt nhìn quanh một vòng, tìm xem thử các thầy có đây không, nhưng không thấy ai cả...

Lúc tôi về lại xe, thấy có mặt đông đủ bá quan văn võ, đang ngồi dán mắt vào màn ảnh nhỏ của cái computeur xách tay do thầy Hanh Sa mang theo, coi ...phim chưởng. Tôi ngồi vào ghế, lơ đãng nhìn lên. Thấy vài cảnh đánh nhau. Hực. Hực, tay chân múa loạn đả. Tôi cố theo dõi một lúc, nhưng chẳng hiểu ất giáp mô tê gì cả. Tôi rời màn ảnh và chuyên chú theo suy nghĩ của mình. Thỉnh thoảng, nghe có vài tiếng súng nổ. Tiếng xe Môtô chạy. Và tiếng thét la...

Ðộ một giờ sau, chúng tôi mới lên phà. Tôi và thầy Hạnh Từ tìm một ghế nệm trống nằm nghỉ..., cho đến khi thầy H. Sa tới đánh thức dậy.

Qua tới Gteborg trời đã tối tự bao giờ. Xe chạy đuổi theo hàng đèn 2 bên đường, uốn lượn, quanh co một hồi rồi ra tới quốc lộ, nhắm hướng Oslo trực chỉ. Không có xa lộ. Tôi thấy bầu trời như chùng xuống, chụp phủ lên mọi cảnh vật. Tất cả như có một sức trì giữ, niú kéo. Yếu ớt. Thưa thớt. Yên tĩnh. Nhiệt độ bên ngoài xuống -11ửC. Khoảng 7 giờ tối, chúng tôi ghé vào siêu thị bên cạnh một trạm xăng mua một lô thức ăn, gồm bánh mìvà nước uống.Trả bằng tiền Thuỵ Ðiển -cũng tương tự như tiền Nauy thôi. ‘Nhà băng’ H. Luận lại phải ra sức làm việc. Nhưng không sao, chưa thâm thủng, chỉ vừa xuýt xoát. Trạm Cảnh Sát biên giới giữa Thụy Ðiển và Na Uy bỏ trống, không người kiểm soát. Thầy Hạnh An bảo, vài tuần trước đây có cả chó Bergé ra kiểm soát nữa. Có lẽ lúc đó vừa mới xảy ra vụ Bin Laden. Cách Oslo độ chừng 70, 80 km xe vào xa lộ. Phải trả thuế đường, tiền Nauy. Lại đổi qua xa lộ khác chạy một hồi mới tới Oslo, tới chùa khoảng 10 giờ đêm.

Sau khi đảnh lễ Phật xong, chúng tôi lên trình diện Thầy trụ trì và 2 thầy Thiện Huệ, Nhất Chân -đã tới đây vài hôm trước. Thầy Trí Minh ngạc nhiên khi thấy chúng tôi qua đông như vậy. Năm ngoái chỉ có mấy chú Sa Di đi thôi. Thầy Nhất Chân cho biết kỳ nầy học Bát NhãTâm Kinh, chung với Cư Sĩ. Ðảnh lễ xong, xuống ăn hủ tiếu. Tôi thấy có nhiều Phật tử ở xa đến từ hôm qua, hôm kia, trong đó có một phật tử từ Canada, Thiện Xuân (Thu). Cô nầy đi học khóa giáo lý Châu Âu năm rồi, được nghe nói đến khóa mùa Ðông nầy, thích quá, nên quyết lặn lội ngàn dặm ‘tầm sư học đạo’ tìm đến đây. Tôi thấy có các cô Tịnh Nghiệp, Viên Diệu và Tịnh Hóa đến từ 3 chùa khác nhau bên Thụy Sĩ; chú Quảng Giới, cô Diệu Bạch, Diệu Ngọc đến từ chùa Phật Quang, Thuỵ Ðiển. Chùa vắng mấy sư huynh, sư tỉ Viên Duy, Viên Ngộ, Viên Khai... nên hơi tẻ nhạt. May mà còn thầy Viên Ðại hoạt náo tiá lia nên cũng đỡ buồn. Sáng 24.12, sau khi điểm tâm, tất cả di chuyển ra hội trường, cách đó chừng 15’ xe hơi.

Ðây, khóa học.

Nhẹ bước dạo quanh nơi tu học

Khi trắng đầy trời tuyết rơi rơi

Lòng nghe ấm lại nơi đất khách

Dù vẫn tha phương sống xứ người

Bài thơ ‘Ánh đạo vàng’ của em Thiện Hậu, được trích từ tờ báo tường do ban Vệ Sinh thực hiện, phát hoạ cho ta thấy khung cảnh và không khí tu học ở đây. Khóa tu học Phật pháp kỳ nầy cũng được tổ chức tại hội trường trường trung học Rommen Skole, Karen Platousv 31, 0988 Oslo như mấy năm trước. Ðây là một địa điểm rất lý tưởng, có thể chứa được khoảng 600, 700 người. Có nhàbếp rộng rãi; hội trường to lớn, vừa làm chánh điện, vừa làm lớp học, vừa tổ chức đêm văn nghệ mãn khóa; có nhiều phòng học dùng làm phòng ngủ và một phòng chơi thể thao rất rộng; nhà tắm... Khóa học Châu Âu 3 năm trước với gần 600 người cũng được tổ chức tại đây.

10g30’ ngày 24.12.01 khai mạc khóa học. Học viên sắp hàng tề chỉnh, ngay ngắn trước chánh điện trong hội trường, nam một bên nữ một bên, phía giữa chừa một lối đi rộng. Tôi nhìn thấy một rừng áo lam! Các em nữ lúc nào cũng nhiều hơn bên nam. Có lẽ được thân nam sướng quá nên các em lười biếng tu chăng (?). Có nhiều em thiếu nhi ngồi ở các dãy trước, một vài em cha mẹ chưa chuẩn bị kịp áo lam, có lẽ được đi dự khóa giáo lý đầu tiên.

Ba hồi chuông trống bát nhã vang lên. Các học viên bắt đầu niệm Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Tiếng khánh nghe rõ dần, rõ dần. Các Thầy tới. Dẫn đầu là mâm hương đèn, tiếp theo là các Bác, vài em thanh niên thanh nữ trẻ, cuối cùng là quý thầy. Sau khi tất cả đã vào chỗ, thầy xướng ngôn viên Viên Ðại lên giới thiệu chương trình và thỉnh chư tăng niệm Phật cầu gia bị. Cả hội trường vang lên Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật theo thầy Trí Minh 3 lần; tiếp liền là tứ hoằng thệ nguyện:

Chúng sanh vô biên, thề nguyện độ;

Phiền não vô tận, thề nguyện đoạn;

Pháp môn vô lượng, thề nguyện học;

Phật đạo vô thượng, thề nguyện thành.

Mỗi lần, khi xướng lên 4 hoằng thệ nguyện nầy lòng tôi đều cảm thấy se thắt. Ôi, biển học thật mênh mông và bể khổ chập chùng, làm sao ta có thể tát cho vơi hết được! Các Bác trong Hội Phật tử ra làm lễ tác bạch, thỉnh chư Tăng từ bi khai mở khóa học kỳ thứ 16 tại Oslo nầy, đem giáo lý Phật Ðà phổ độ quần sanh. Thầy Trí Minh và đại chúng niệm Nam Mô A Di Ðà Phật. Ðó là một cách tỏ bày sự đồng ý. Sau khi đảnh lễ 3 lạy, quý Bác lui về an tọa bên hàng ghế phía trái chánh điện, đối diện với quý Cô, chú bên nầy. Thầy Viên Ðại giới thiệu chư Tôn Ðức. Tôi thấy có thầy Pháp sư Nhất Chân, Pháp; thầy Trí Minh, Nauy; thầy Giác Thanh, Ðan Mạch; thầy Tịnh Phước, Thuỵ Ðiển; (thầy Pháp sư Thiện Huệ đi thăm phật tử nên vắng mặt). Tất cả là 13 Thầy và 13 Sa Di, Sa Di Ni. Ðông nhất là quý thầy chùa Khuông Việt và chùa Viên Giác.

Có tất cả 245 người tham dự.

Thầy An Chí, trưởng ban tổ chức, lên tuyên bố khai giảng khóa tu học Phật Pháp mùa đông lần thứ 16 tại Oslo, Nauy. Thầy nói, sự tiến bộ của khoa học trong thế kỷ vừa qua đã đem đến cho nhân loại một đời sống thật phong phú vượt bực. Nhưng bên cạnh những ưu điểm đó, cũng không tránh khỏi những khuyết điểm nặng nề trầm trọng trên mọi lãnh vực đời sống, từ thể chất đến tinh thần. Bởi vì tham dục do đó mà gia tăng. Tham dục tăng, lòng ích kỷ hẹp hòi, thù hận tranh chấp cũng theo đó mà phát triển. Ðây là thời kỳ đấu tranh kiên cố giữa con người và con người trên mọi lãnh vực, từ văn hóa, chính trị, kinh tế lẫn chủ thuyết triết học, tôn giáo... Ðức Phật xuất hiện để tuyên dương chân lý. Ngài vạch ra mộtcon đường để chúng sanh theo đó đạt đến cứu cánh hạnh phúc an lạc, qua giáo lý Tứ Diệu Ðế: Khổ, Tập, Diệt, Ðạo. May mắn biết bao! Hạnh phúc biết bao khi chúng ta được là con Phật, được tắm mình trong biển trí tuệ đó! Ðể tri ân ơn đức sâu dày của chư Phật và chư bồ tát, không gì hơn là làm theo hạnh nguyện của các ngài: cầu học Phật Pháp, và dũng mãnh phát bồ đề tâm. Như thế, mới có thể cải hóa được mảnh đất đầy phiền não nhiểm ô thành vườn hoa giác ngộ cho chính mình và cho chúng sanh, chuyển phàm phu lên thánh hiền. Ðó cũng là một hình thức báo ân gởi đến quý vị Tôn Ðức đã dạy bảo chúng ta, và đến quý bác trong Hội Phật Tử đãgóp phần tạo dựng nên khóa tu học nầy...Hơn 16 mùa xuân đã trôi qua, hôm nay có thêm những bàn tay nhỏ, tuổi đời rất bé, góp phần đẩy cỗ xe Phật Pháp đại thừa để cho tiếp tục quay mãi, quay mãi không ngừng...

Thầy Trí Minh tiếp lời, gợi lại các khóa tu 16 năm về trước, với các bác trong ban Lãnh đạo, một số vẫn còn hiện diện ở đây, một số đãvì tuổi tác, vì cuộc đời bề bộn không còn góp mặt, và một số khác đã về nơi chín suối. Khóa học đầu tiên đó Thầy chỉ ghé thăm thôi, vìmới vừa tới Nauy vài hôm trước, chưa ổn định, và chỉ có độ vài chục người và ngoài trời rất lạnh, -26ửC. Những gợi nhớ làm bùi ngùi xúc động người nghe và lên tinh thần những học viên hiện diện. Vâng, muốn có được một đạo tràng trang nghiêm thanh tịnh như ngày hôm nay, quý Thầy, quý Bác đã đầu tư rất nhiều công sức vào đó. Có nhiều em mới, rất trẻ bắt đầu nhập cuộc. Các em sẽ làhạt nhân, nở mầm cho cây trái Phật Pháp và văn hóa dân tộc trên xứ người, đem sự hiểu biết và thương yêu đến cho nhân loại, góp phần xoa dịu vết thương loang lở trong tâm hồn con người văn minh thời đại...

Thầy Nhất Chân lược qua chương trình tu học trong một tuần, sự chia lớp... Lớp đầu tiên ‘cao nhất từ trên xuống’ là lớp Oanh Vũ (đại học Oanh Vũ!); kế là lớp 1A, 1B và sau hết là lớp 2, đông nhất. Chúng tôi, tu sĩ cũng ở lớp nầy. Thầy cũng ngỏ lời chào mừng đến các em ‘rất trẻ’, và lấy làm tiếc có rất nhiều em muốn đi dự nhưng đường xá xa xôi cách trở nên không có mặt hôm nay. Thầy nói về cái lợi của việc học Phật Pháp và việc đem giáo lý áp dụng trong đời sống hằng ngày. Với lòng yêu thương vô bờ bến, sẽ bừng nở trong ta ngọn đuốc soi đường, dẫn vào từng ngõ ngách tối tăm của cuộc đời, xoá tannhững vô minh phiền trược, phơi bày ra ánh sáng chân lý và lẽ sống tươi đẹp cho nhân thế.

Tôi nhìn xuống những gương mặt trẻ, tuổi đời từ 18 đến 30...đang yên lặng chăm chú nghe. Những đôi mắt sáng, những vầng trán cao. Ôi, nét đẹp Việt Nam mến yêu! Mấy bác lớn tuổi đã được mời vào hàng ghế ngồi đối diện. Tất cả đều trang nghiêm, tôn kính.

Tôi nhìn lên chánh điện trên sân khấu, nằm sâu vào phía trong, sát vách tường. Những tượng Phật xinh xắn, đường nét nhẹ nhàng uyển chuyển theo lối Tây Tạng, Népal. Chính giữa tầng trên cùng, là tượng Bổn Sư lớn nhất, có hào quang điện tử chớp lòe liên tục, đức Văn ThùSư Lợi cầm kiếm ngồi bên tay phải, bên tay trái là ngài Phổ Hiền. Chính giữa tầng giữa là tượng Phật A Di Ðà thật to, và ngài Quan Âm, Thế Chí hai bên. Cómột tuợng Phật xanh đen nổi bật ngay chính giữa tầng dưới cùng, trông rất bi cảm, hùng tráng. Có vài tượng hộ pháp đứng xung quanh.

Tôi nhìn quanh hội trường. Phía trên cao, trước chánh điện, nơi 2 tấm màn sân khấu kéo ra khi trình diễn, có treo một tấm biển lớn: ‘Khóa tu học Phật Pháp kỳ thứ 16 tại Oslo, từ 24.12 đến 30.12.2001’. Bên phải chánh điện, từ phía cửa chính nhìn vào, một tấm biển lớn khác: ‘Hân hoan chào đón chư Tôn Ðức và quý Học Viên’. Và đối diện, ở bức tường bên kia, là tấm biển: ‘Sống trăm tuổi không thấy pháp tối thượng, không bằng sống 1 ngày thấy pháp tối thượng’. Ðây là tấm biển tôi đã thấy ở các khoá học trước, cũng như ở khóa Châu Âu...

Thầy Giác Thanh, trụ trì chùa Quảng Hương Già Lam, Ðan Mạch, được mời phát biểu. Thầy nói chậm rãi, chất phát nhưng rất vui và có ý nghĩa. Thầy nói, Thầy học Phật Pháp thấy nói tới 4 cái khổ, là Sanh Lão Bệnh Tử. Nhưng nay tại đây, Thầy học thêm được 2 cái khổ nữa, một là được mời lên nói là khổ, và hai là không biết nói gì cả là một nỗi khổ nữa! (Tất cả mọi người vỗ tay cười), vì tất cả đã được các vị lên trước nói hết rồi! Ðến lúc kết thúc, Thầy tìm mãi mà không ra một câu chúc nào cho có vẻ ‘mới mẻ’ một chút. Thầy nói, Thầy không muốn lặp lại những gì đã được nghe. Thầy cứ loay hoay mãi ở chỗ nầy để tìm chữ, làm ai nấy đều cười ồ lên một lần nữa. Cuối cùng rồi Thầy cũng tìm ra, để cho chương trình tiếp tục với lời phát biểu của ông hội trưởng Hội Phật Giáo Nauy. Thầy Viên Ðại dịch lại tóm gọn: đại ý, ông tán dương tinh thần cầu học của các em, đãbỏ những thú vui trong mấy ngày lễ, chịu khó về đây ngồi học Phật Pháp như thế nầy. Ông cũng tán dương công đức của Thầy Trụ Trì đã tổ chức được các khóa học liên tiếp trong 16 năm qua. Sau cùng, Thầy Viên Ðại thỉnh chư Tăng niệm Phật, hồi hướng và hồi qui bản vị.

Sau đay làthành phần Ban tổ chức:

Cố vấn: T.T.Thích Trí Minh/ Ð.H.Quảng

Thiện KhưuVăn Nhi/ Ð.H.Minh Chánh Nguyễn Nam

Trưởng ban: Ð.Ð. Thích An Chí/ Phó ban: Ð.H. Minh Chung Nguyễn Văn Thủy

Giám thị: Ð.Ð. Thích Hạnh Thông

Thư ký: Ð.H. Quảng Tấn Ðỗ Ðạt Thành

Thủ quỷ: Ð.H. Quảng Khai Trần Hoa

Hành chánh & xướng ngôn viên: Ð.Ð. Thích Viên Ðại/ Ð.H. Quảng Tấn/ Ð.H. Quảng Khai

Khánh tiết & phân phối phòng ốc: Ð.Ð.Thích Viên Tánh/ Ð.H. Nguyễn Văn Thanh

Văn phòng & thâu băng: Chúng Bồ Tát

Ban trai soạn: Sa Di Ni Thích Nữ Thanh Tâm và quý đạo hữu trong ban Xã Hội, ban Từ Thiện, ban Ẩm Thực.

Ban Âm thanh & ánh sáng: Ð.H. Trần Thọ & Hứa Bảo Lâm

Ban Y tế: Ð.H. Quang Tường Lê Thị Ánh Loan/ Ð.H. Minh Nguyện Phạm Thị Anh Kiều/ Ð.H.

Tuyết Tường Nguyễn Thị Hường/ Ð.H. Tuyết Nhiên Chế Bích Hồng Vân.

Ban Vệ sinh: Qúi Ð.H: Nguyễn Văn Ðồng, Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Xuân Công & Ban Tổ Chức.

Ban Quay phim, nhiếp ảnh: Ð.H. Tuyết Quang Trần Ðạt Vinh/ Ð.H. Huệ Ái Phạm Duy Anh.

Ban Liên lạc: Ð.Ð. Thích Viên Ðại/ Ð.H. Nguyễn Văn Thanh.

Ban Trật tự: Quí Ð.H. Võ Tấn Nghĩa, Nguyễn Văn Ðồng, Ðặng Văn Khưởng, Võ Ngọc Tâm, Nguyễn Xuân Công, Quách Hữu Phước, Lê Văn Phước.

Ban Giảng Huấn:

-Lớp Oanh Vũ: Các Huynh Trưởng GÐPT đảm trách.

-Lớp 1A & 1B: T.T. Thích Giác Thanh & Quý Ð.Ð. Thích Tịnh Phước, Thích An Chí, Thích Hạnh Thông, Thích Viên Tánh, Thích Viên Ðại, Thích Viên Giác.

-Lớp 2: T.T. Thích Nhất Chân, T.T. Thích Thiện Huệ, T.T. Thích Trí Minh.

Về phía học viên, được chia ra làm 3 ban: ban Hành đường (lo việc dọn cơm, rửa chén), ban Trai soạn (lo việc xắt gọt, phụ nấu ăn), ban Vệ sinh (làm vệ sinh, lau chùi, quét dọn)

Vì đã quá 12 giờ trưa nên bữa ăn đầu tiên không theo nghi thức Quá Ðường, mà là một bữa ăn thường. Có nhiều tiếng rầm rì ở phía dưới, làm Thầy An Chí phải lên tiếng ‘nhắc nhở’ giữ im lặng để cho bữa ăn được thanh tịnh. Các em thiếu nhi (độ 40 em) ngồi riêng 2 dãy bàn phía bên trái chư Tăng, cũng ăn uống chỉnh tề, trang nghiêm; được 2 chị trưởng luôn luôn túc trực đi lui đi tới chăm sóc giúp đở khi hữu sự. Nữ ngồi 2 dãy bàn dài, dọc theo hội trường; nam ngồi 2 dãy bàn bên nầy, đối diện với các em thiếu nhi.

Khai thị.

16 giờ chiều nay (24.12.01) thầy Trí Minh khai thị. Thầy nói, Ðức Phật xuất hiện trong cuộc đời nầy để ‘khai thị’ cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến. Chữ khai thị chúng ta dùng ở đây nghĩa hẹp hơn, nhưng cũng không xa rời ý nghĩa đó: để mở đầu một khóa tu học, vạch ra một con đường, một chủ đề. Ðạo Phật là gì? Là con đường, là lẽ phải, là lý tối thượng. Nhưng ở đây ta chỉ hạn hẹp ở ‘con đường’. Phật đạo. Con đường thành Phật. Thành Phật là giác ngộ. Con đường giác ngộ. Muốn như vậy phải từ từ, từng bước một. Từng giác ngộ nhỏ sẽ thành giác ngộ lớn. Một ngôi nhà chọc trời đi chăng nữa cũng đều được xây dựng bằng những hạt cát nhỏ li ti tạo thành. Không thể nói, tôi đi tu để thành Phật. Ngày mai ngày mốt tôi sẽ thành Phật. Không phải như vậy. Rất nguy hiểm. Tẩu hỏa nhập ma. Thành Phật là con đường dài vô tận. Phải tu Phước tu Huệ. Phước Huệ song tu. Phát bồ đề tâm. Ðức Phật đã từng bao nhiêu triệu kiếp làm hạnh bồ tát, xả thân vì người. Có lúc ngài là con chim oanh vũ, đi nhặt từng hạt thóc về nuôi cha mẹ mù loà. Có khi ngài là gã tiều phu, hiến mình cho cọp đói. Có lúc là một nhà tu hạnh nhẫn nhục, hy sinh cả những phần thân thể của mình mà không oán than, trách móc. Ngài đã từng cúng dường, hộ trì vô lượng chư Phật, tu biết bao nhiêu hạnh lành ...Con đường giác ngộ không phải tự nhiên mà có. Phải học. Người đời thường hay nói: tu học. Nhưng đúng ra là‘Học tu’ mới phải. Có học thì mới biết để mà tu. Tu mà không học là tu mù. Học mà không tu là ác. Ác chớ không phải là đãy sách. Ðãy đựng sách... Cuộc đời không bao lâu. 60 năm, 80 năm rồi sẽ qua cái vù. Còn gì lưu lại? Bây giờ ngồi đây nhưng biết đâu ngày mai? Ðừng phung phí cuộc đời vào những nơi trác táng chơi bời, rượu chè, hút sách. Hãy khởi hành. Phải làm cái gì cho có nghĩa. Mai mốt nhìn lại người bạn cùng trang lứa với mình ngày hôm nay -nhưng vì không có lý tưởng, đã thả trôi cuộc đời mình trong những cuộc vui chơi hoang đàn - trong một thân thể gầy còm bệnh hoạn, nghèo hèn. Ðừng lao đầu vào chốn xa hoa, phung phí thời gian như những con thiêu thân lao đầu vào đóm lửa. Như giọt mật trên lưỡi gươm. Ðừng đặt môi vào, sẽ đứt lưỡi... Phật Pháp khô khan, khó nghe khó học. Các em hy sinh những thú vui để chịu khó thức khuya dậy sớm. Các em khổ. Chư Tăng Vui. Vui trong nỗi khổ của các em! (có tiếng cười). Vìsao? Vì bây giờ có khổ, ngày mai mới được sung sướng... Ngoài giờ học lý thuyết, các em còn phải tập tu. Tu trong lúc làm việc,chấp tác, lúc ăn, lúc giao thiệp, trong các thời khóa công phu. Thanh tịnh ở ngay trong Tâm ta. Tâm thanh tịnh thì ở đâu cũng thanh tịnh cả...

Thầy nói rất nhanh, rõ ràng, hoạt bát, thỉnh thoảng điểm vài mẩu chuyện vui, làm ai nấy đều hoan hỷ, vui vẻ cười rộ...

Pháp sư.

...Lời Thầy trầm bổng thiết tha

Vẫn còn vang mãi bên tai hôm nào

Học giáo lý em càng thấm thía

Ráng tu hành em nhớ không quên

Ơn Thầy em ráng luyện rèn

Ðể thành con Phật em hằng ước mong...

Bài thơ ‘luyện rèn’ của em Nhật Liên Nguyễn Viết Hà thuộc ban Hành Ðường, nói lên niềm tri ân đó đến quý Thầy giảng sư. Chúng tôi may mắn được 2 Thầy Nhất Chân vàThiện Huệ dạy. 2 Thầy thay phiên nhau giảng, mỗi Thầy 2 buổi liên tiếp. Mỗi ngày chúng tôi có 3 buổi học, sáng, chiều, tối; mỗi buổi 1 tiếng rưỡi (1g30’). Thầy Trí Minh cũng dành cho lớp chúng tôi một buổi vào giữa khóa học.

Thầy Nhất Chân giảng Bát Nhã tâm kinh, tánh không, 18 giới, 12 xứ, 5 uẩn. Thầy nói, muốn hiểu tánh không, muốn đi vào trí tuệ bát nhã, phải hiểu các pháp căn bản nầy, vìtừ đây màphát sinh ra vô lượng vô biên thế giới. Các pháp sở dĩ có vô lượng nghiã là vì từ không mà ra (nhơn duyên sinh). Khổ là một chân lý. Khổ đế bao trùm tất cả, từ dục giới đến vô sắc giới. Khổ là vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều vô thường, biến hoại...

Thầy Thiện Huệ nói về ‘Duy Tuệ thị nghiệp’. Văn, Tư, Tu. Có trí huệ lànhìn ra chân lý, thấy được sự thật, được thực tướng của các pháp. Làm thế nào để hiểu hết mọi cái giả, và mọi cái thật. Muốn cứu độ tất cả chúng sanh phải có trí tuệ. Muốn hiểu được Phật thìphải học cách tư duy, phân tích của Phật. Và phát bồ đề tâm, hành bồ tát đạo. Nếu không được như thế, làgiác ngộ chưa viên mãn. Chuyện nhà tu nhẫn nhục và vua Ca Lợi. Sở dĩ ta làm chưa được là vì Văn, hoặc Tư, hoặc Tu chưa chính xác. Chỉ một cái thành tựu viên mãn là 2 cái còn lại kia cũng thành tựu. Muốn độ sinh thì dùng Thân- và Khẩu giáo. Ðạo Phật không có đấu tranh với địch thủ. Ðịch thủ của đạo Phật là sự vô minh. Một ví dụ để thấy sự khác biệt thù thắng trong lối suy nghĩ của đạo Phật với các đạo khác: hãy nhìn cách giải quyết sự tranh chấp khác nhau: giữa Mỹ với Hồi Giáo, và giữa Tây Tạng với Trung Hoa. Không có gì nguy hại cho bằng việc mất Thiện pháp. Không có gì bảo vệ mình được cho bằng Thiện pháp. Nguyện từ nay cho đến muôn đời vị lai, không để mất Thiện pháp...

Thầy Trí Minh mở đầu bằng: nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não. 5 thừa: Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, và Bồ tát thừa. Và 9 điều: 1.Bố ma phá ác, 2.Hào quang, 3.Kinh thiên động địa, 4.Tam muội Ðà la ni (tài năng), 5.Thần thông, 6.Ứng hóa thọ sanh, 7.Phước báu, 8.Phật gia hộ, và 9.Tịnh độ... Thầy Trí Minh giảng rất vui, với mọi đề tài bao quát, từ lý thuyết đến thực tế sống đạo. Những kinh nghiệm thực tiễn truyền trao quí báu của Thầy giúp ích học viên rất nhiều.

Nếu Thầy Nhất Chân ru chúng ta vào tánh không, trút bỏ hết mọi phiền não, bay bỗng lên tận khung trời Ðâu Xuất, thì Thầy Trí Minh đã tát một gáo nước lạnh đánh thức chúng ta dậy, trở về với thực tế khổ đau. Hãy nhìn cho rõ mặt cuộc đời. Ðề phòng. Cẩn thận. Nếu không thì ‘bức sô’ ngay (chữ của Thầy). Ðộ người phải lựa đúng người. Không độ cho những ai không có duyên với Phật pháp. Coi chừng. ‘Bức sô’...(Ý Thầy muốn nhắc đến những kinh nghiệm trong cuộc đời tu hành của mình, nhất là những đau thương trong lần bị chính quyền Diệm đàn áp, đến cái đêm 20/8/1963 (?)).

Trường nằm trên một ngọn đồi vắng vẻ thưa thớt đìu hiu. Bên kia là một ngọn đồi khác, với nhiều dãy nhà dân cư đông đúc. Ban đêm, từ khung cửa sổ nhìn ra, là một biển sáng nhấp nhô đèn vàng, trông giống như một thành phố trên biển cả. Mỗi buổi trưa sau khi dùng cơm xong, chúng tôi thường hay thả bộ một vòng. Muốn qua dãy phía bên kia phải lội xuống đồi, chui qua một cái hầm nhỏ, rồi lên trở lại một ngọn đồi khác, mất độ 20’. Ở đó có một thương xá rất lớn, đông đúc. Trời giữa trưa nhưng mặt trời nằm chếch về phía cuối chân trời. Ánh nắng yếu ớt không đủ sưởi ấm lòng đất. Tất cả bao phủ một màu trắng mênh mông. Tuyết bò lên khắp mọi nơi, trên trần xe, ôm kín cả xe chỉ chừa có 4 cái bánh; trên mái nhà, những ống khói, cây cối; trên những lan can chạy dài quanh nhà; trên tất cả những vật dụng để chung quanh nhà... Những hạt tuyết lấp lánh ánh nắng, phản chiếu muôn màu, muôn sắc. Những nơi nằm che khuất ánh mặt trời, tuyết mịn như những sợi tơ, đưa chân đá nhẹ cũng làm tung toé muôn ngàn bụi trắng. Bên phố có nhiều người đi, nhưng không ai nói với nhau lời nào. Tất cả đều tĩnh lặng, câm nín. Con người đãbị thiên nhiên và khí hậu khắc nghiệt khuất phục.

Giữa khóa học có ngày giỗ kỵ cố thượngtọa Thích Quán Không. Thầy được Hội Phật Giáo (lúc đó còn là Chi Hội) trực tiếp bảo lãnh từ trại tỵ nạn Thái Lan qua, là cố trụ trì chùa Khuông Việt (lúc đó còn là niệm Phật đường Vạn Hạnh). Thầy Thích Quán Không tục danh là Nguyễn Thi, sinh năm 1954, đếnNauy vào tháng 1.1987 (sau Thầy Trí Minh một hai tuần), nguyên trụ trì chùa Qui Thiện, Huế. Lúc xây ngôi chùa mới nầy, Thầy là trưởng ban xây dựng, thảo kế hoạch và kiểu cách ngôi chùa. (Thầy Trí Minh là Giáo Hội Trưởng GHPGVNTN Na Uy, trưởng ban Vận động). Thầy cũng là Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Nghi lễ GHPGVNTN/CÂ kiêm trưởng ban hoằng pháp tại Nauy. Với công tác hoằng pháp, T.T. đã vất vả rất nhiều trong các khóa tu học Phật pháp mùa đông nầy, kể từ năm 1987 (khóa 2), cho đến năm 1994. Năm 1995, quá lao lực vì ngôi chùa đang xây cất, Thầy đãngã bịnh viêm gan; vào bệnh viện được 3 tháng thì viên tịch tại đó, vào ngày 14.11 năm Ất Hợi (tức đầu tháng giêng 1996), lúc khóa tu học Phật pháp kỳ 10 vừa làm lễ bế giảng, và chùa Khuông Việt cũng trong giai đoạn sắp hoàn thành. Thầy phục vụ đạo pháp tại Nauy đúng 9 năm (từ 1.1987- đến 1.1996).

Tối ngày thứ năm 27.12, sau khi Thầy Nhất Chân giảng xong Bát Nhã tâm kinh, có lễ thọ tam quy, ngũ giới. Tất cả 27 giới tử, đa phần tuổi từ 15 đến 25. Cũng có vài em rất trẻ. Thầy Trí Minh cho Pháp danh chữ đầu làMinh- cho con trai, và Huệ- cho con gái. Và 6 giờ sáng hôm sau có giới đàn thọ Bồ Tát giới tại gia, và thọ Sa Di Ni cho cô Tịnh Hoá, đệ tử Thầy Thiện Huệ. Có 24 giới tử Bồ Tát và 10 em ‘nhắp kéo’ gieo duyên xuất gia sau nầy, trong đó có 3 em cạo nhẵng tóc, xúng xính trong bộ áo vạt hò, trông giống như các cô, chú Sa Di thực thụ.

Về chúng Bồ Tát ở đây, phải nói đó làmột thành công rất lớn của Thầy Nhất Chân và Thầy Thiện Huệ. Từ ‘không biết gì cả, ngay cả bát quan trai giới cũng không’ (lời Thầy Thiện Huệ), nay các em đãlà những Bồ Tát tại gia. Chú Như Tâm cho tôi biết, giới Bồ Tát ở đây bắt đầu xuất hiện từ năm 1994, với 46 vị; năm sau 76 vị, và năm tiếp theo là 108 vị (cao điểm ?); từ đó đén nay, mỗi năm đều có người thọ giới, nhưng số lượng ít lần (vì đã thọ hết rồi), cho đến năm nay là24 vị. Ða số là những người trẻ, tài năng. Rất nhiều em đã có những địa vị rất ưu tú trong xãhội (Tây Phương).

Văn hóa, văn nghệ.

Chiều nay 28.12, chúng tôi được xem báo tường do các em làm. Có tất cả 4 tờ, được trình bày đẹp đẽ, trang nhãdo các em trong các ban Trai Soạn, Hành Ðường, Vệ Sinh và Oanh Vũ thực hiện. Ðẹp nhất là tờ của ban Trai Soạn, được trình bày mỹ thuật, màu sắc tươi sáng, có 4 chữ Hán viết rất đẹp: Hoa Khai Kiến Phật (chắc nhờ mấy Thầy viết giùm? ). Các sáng tác đa phần là thơ, chuyện vui. Các em Oanh Vũ thì vẽ hình hoặc kể chuyện, một em vẽ hình Ðức Phật ngồi thiền, một em hình Bồ Tát Quan Thế Âm, một em vẽ bàn tay bắt ấn... Có nhiều bài hàm chứa sâu sắc triết lý nhà Phật, như bài ‘Vướng’ của Huệ Hồng, ban Trai Soạn... Bài ‘Ánh đạo vàng’ của Thiện Hậu, ban Vệ Sinh, cho ta một nét phác họa rất thần tình về khung cảnh và không khí lớp tu học (các bài nầy đã trích ra ở trên).

Và đây là một bài khác:

Ðừng tìm về quá khứ

Ðừng nghĩ tới tương lai

Quá khứ đãkhông còn

Tương lai thì chưa tới

Hãy quán chiếu sự sống

Trong giờ phút hiện tại

Hãy cùng nhau tu học

Kẻo không kịp ngày mai.

(Ngọc Phi, ban Vệ Sinh)

Ðêm văn nghệ được tổ chức vào lúc 8 giờ tối thứ bảy, 29.12.01, ngày trước hôm bế giảng. Sân khấu được thiết lập ngay dưới sàn nhà trong hội trường, khán giả học viên ngồi bệt dưới đất, trước mặt quý Thầy. Các bác lớn tuổi ngồi vào những dãy ghế sắp hai bên hông.

Nếu nói,văn nghệ chứng tỏ được nếp văn hóa, tình cảm, suy nghĩ, cách sống... của một tập thể thì đêm sinh hoạt văn nghệ nầy cho thấy điều đó một cách rõràng nhất. Các tiết mục đều do các em tự biên tự diễn, rất hồn nhiên, vô tư, sống động, trẻ trung và sâu sắc. Có rất nhiều màn vũ, và kịch (cần phải tập dượt công phu). Tất cả đều độc đáo, tươi vui và không kém phần điêu luyện. Các hoạt náo viên điều khiển Chương trình (MC), 2 nam một nữ: Hường, Thọ và Bích Liên rất tự nhiên, linh hoạt. Quan khách bên ngoài -khôngtham dự khóa học- đến xem rất đông, ngồi chật cả hội trường. Các em xem rất hào hứng. Hình như đây cũng là lần đầu tiên, các Thầy lớn ngồi coi suốt đến lúc bế mạc mới ra về. Các Thầy Hạnh Luận, Viên Giác cũng bị sức sống hồn nhiên của các em nhiếp phục, tình nguyện tham gia vào ban nhạc với 2 cây Gitar thùng đệm cho các em hát suốt buổi. Thêm vào đó, ban tổ chức chơi rất ‘điệu’, thỉnh thoảng các khay bánh trái, nước ngọt, nước trà được mang ra, đi khắp phòng mời khán giả. Trong đạo từ trước khi kết thúc, Thầy Trí Minh cũng đãtán thán tài năng của các em. Thầy nói: Hay như thế nầy, nếu mà bán vé chắc là thâu vô quỹ được một số tiền lớn! phải biết tài nghệ của các em như thế nào!

Có những bài hát, điệu vũ nói lên được tình ca quê hương, dân tộc, như bài ‘Chung một dòng sông’ do MC Hường và một chị trưởng GÐPT hợp ca; Mỹ Dung (Thiện Nghi) với bài ca ‘Quê hương là con đò nhỏ, mẹ về chiếc nón nghiêng nghiêng; Quê hương là đêm trăng tỏ, hoa cau rụng trắng đầu hè...’ làm se thắt lòng người viễn xứ.

Những điệu vũ duyên dáng, mềm mại nói lên nét đặc thù, hiền thục của người thiếu nữ Việt, như vũ khúc ‘Sơn ca’ (ban Oanh Vũ nữ) rất đáng yêu, thơ ngây; vũ khúc ‘Ðôi cánh nhỏ’ do 2 em nữ, 1 lớn 1 bé trình diễn rất dễ thương; vũ khúc ‘Chờ người’ (ban Hành Ðường) với 6 tà áo dài trắng học trò và chiếc nón bài thơ rất duyên dáng...

Những vở kịch đầy ý nghĩa, sâu sắc như vở ‘Sự tích trống, chuông, mõ’ (3 em Oanh Vũ nam) nói lên được ý nghĩa 3 loại pháp khí nầy, với cá là mõ, rắn là chuông, và bò là trống. Ðặc biệt màn kịch rất ngắn ‘người ta đãbỏ con rồi Chúa ơi’ do MC Hường và Bích Liên diễn, mang rất nhiều ý nghĩa: Người con gái phải lựa chọn một trong hai con đường, hoặc giữ đạo, hoặc bỏ đạo để theo chồng vìanh ta là người theo đạo Chúa. Và cô đã can đảm dứt khoát lựa chọn, để cho anh chàng phải thốt lên một cách đau khổ như vậy...

Có nhiều vở kịch đem lại những trận cười thoải mái, như màn hài mở đầu ‘Sớ Táo Quân’ do 3 ông Táo trình diễn; như hoạt cảnh đối thoại qua lại giữa 2 em nam (ban Trai Soạn) diễn xuất rất tự nhiên, vui tươi, điêu luyện không thua gì Phi Thoàn và Hoài Linh...

Nhiều bài ca nói lên được tình đời nghĩa đạo, như Thầy Thích Viên Giác với bài ‘thuyền Bát Nhã’ rất sâu sắc, ý nghĩa; em Võ Tiểu Hải, 22 tuổi ca vọng cổ rất mùi...

Ðặc biệt màn độc tấu Piano do một em nam trình diễn rất xuất sắc, công phu; bài ‘Tình phai’do một em nam ban Hành Ðường ca và tự đệm đàn Guitar rất điêu luyện...

Tất cả chứng tỏ tài năng bao la, phong phú của những người trẻ Việt Nam.

Chương trình tạm ngưng để tuyên bố kết quả tranh giải Thể thao và Bích báo. Về phần Bích báo, ban Trai Soạn đứng nhất. Tiếp theo là các ban Vệ Sinh, Hành Ðường và Oanh Vũ.

Sau đó, chương trình tiếp tục với 3 màn trình diễn nữa và kết thúc vào lúc 10 giờ 30’, với kết quả Văn Nghệ như sau: đứng hạng I làban Oanh Vũ; II, ban Trai Soạn; III, ban Hành Ðường; và IV, ban Vệ Sinh. Trong khi khán giả tiếc nuối ra về, các em xin phép quý Thầy được ở lại chơi với nhau đến 12 giờ khuya mới chấm dứt.

Bế giảng.

Lễ bế giảng lúc 10 giờ 30’ ngày chủ nhật 30.12.01 với lời phát biểu của quý Thầy trưởng ban Tổ Chức An Chí, và Thầy Trí Minh, Thầy Nhất Chân... Thầy An Chí nói rất lâu và tha thiết, bộc lộ tình cảm của mình dành cho khóa học. Hầu như tất cả mọi người đều bị khóa học nầy nhiếp phục, từ Thầy Trí Minh, Nhất Chân, An Chí, Viên Giác, Hạnh Luận đến quí Bác ... Có 3 quan khách người Nauy tới tham dự, trong đó có ông hiệu trưởng trường trung học Rommen nầy. (Ông có lên phát biểu cảm tưởng, được biết trường nầy có 580 học sinh với 70% làngười ngoại quốc, và có 2 giáo sư người Việt dạy ở đây. Chùa Khuông Việt ngày nay là biểu tượng cho cả Bắc Âu; nhắc đến nó, không người dân Nauy nào là không biết). Ban tổ chức báo cáo phần chi thu. Vừa đủ, không thâm thủng. Thầy Trí Minh trao quà lưu niệm cho quan khách và quý Bác có công. Ban Tổ Chức tuyên bố kết quả thi trắc nghiệm giáo lý và phát phần thưởng cho các học viên xuất sắc.

Hơn 13 giờ, tất cả mọi người lên xe ra về, mang theo trong lòng niềm tiếc nhớ không nguôi.

Thay lời kết:

Tại hải ngoại, có hai Trung Tâm tu học Phật Giáo qui tụ nhiều người trẻ VN nhất, đó làChùa Làng Mai, tại Pháp và Khóa Giáo Lý Nauy nầy. Mỗi bên đều có một sắc thái riêng. Trong khi ở Làng Mai các em -với tà áo dài đủ màu sắc và chiếc khăn đóng- được hướng dẫn về Thiền, thiền tọa, thiền hành, quán chiếu thân tâm..., được học cách tháo gỡ nội kết, tái lập nhịp cầu cảm thông giữa cha con, chồng vợ, tuổi tác, 2 nền văn hóa cách biệt...(là những điều rất cần thiết cho cuộc đời đầy gian nan trắc trở của người cư sĩ tại gia); thì ở đây, các em chân chất với chiếc áo tràng lam đầy đạo vị, được hướng dẫn sâu vào giáo lý nhà Phật với tánh không, bát nhã...

Ðó là 2 mặt của một hình hài, cần bổ xung lẫn nhau để thân thể VN được trưởng thành toàn diện. Cái hay ở đây là các em tự động vào nề nếp, giữ gìn và bảo vệphẩm cách. Rất ít khi các Thầy la rầy, quở phạt. Thầy An Chí chỉ thỉnh thoảng sau mỗi giờ cơm, năm thì mười họa, mới nhắc đến, để các em cẩn thận giữ gìn, đừng có làm ‘bể gương, bể bóng đèn...’. Thế mà, đâu vào đấy. Trật tự. Ðàng hoàng. Ngăn nắp. Sạch sẽ...Hình như trong thâm tâm, các em cảm thấy một niềm tự hào kiêu hãnh đã có được một đạo tràng trang nghiêm thanh tịnh như vậy, mà mỗi em là một thành viên góp phần vào việc kiến tạo nên đạo tràng đó. Ôi cảm động biết bao, tuổi trẻ Việt Nam! Các em chính làniềm tự hào của dân tộc, đã đóng góp vào sự thành công vẻ vang của người Việt ở khắp năm châu... Với lòng từ bi vô hạn, với tâm nguyện độ sinh, rồi đây các em sẽ đi vào đời, cứu vớt những khổ đau trùng điệp cho mọi loài. Tôi xin các em một điều, hãy gởi về Việt Nam trái tim của mình, nơi nền văn hóa, đạo đức đang suy đồi sau những năm tháng chồng chất hận thù đấu tranh, nơi các bạn cùng trang lứa đang hụp lặn trong vũng lầy xìke ma túy, nghiện ngập...

Nhưng đồng thời, chúng ta cũng không khỏi tủi nhục, khi thấy những sự chia rẽ, chửi bới, bôi nhọ lẫn nhau trong cộng đồng, giữa các hội đoàn... Không. Chia rẽ không phải là bản chất thật của con người Việt Nam. Nó được du nhập từ bên ngoài vào và có âm mưu. Thật xấu hổ biết bao! họ nhạo báng ngay đến cả các thánh nhân Việt Nam! Cha ông chúng ta đã có những lỗi lầm, xin đừng tiếp tục trao truyền những lỗi lầm đó đến cho chúng con. Xin hãy tự hào với tuổi trẻ VN hôm nay, mà điển hình là khóa Phật Pháp mùa đông tại Oslo, Nauy nầy.

Dĩ nhiên, để trở thành toàn hảo, chúng ta còn phải học hỏi và ra sức cố gắng nhiều hơn nữa. (Trong khi ở Làng Mai đã biết cách dinh dưỡng đúng khoa học với gạo lứt, bánh mì đen và không dùng hóa chất, bột ngọt... thì ở đây vẫn còn tùy tiện ‘theo truyền thống’!).

Chúng con cũng xin đê đầu đảnh lễ chư vị Pháp Sư Nhất Chân vàThiện Huệ. Các Ngài đã soi sáng nguồn đạo trong con, dẫn dắt chúng con lần bước trên con đường tu học, ngõ hầu mai hậu chóng viên thành Phật quả. Ân đức đó thật quá sâu dày, chúng con làm sao quên được. Xin nguyện đời đời kiếp kiếp, bất cứ nơi đâu chúng ta cũng luôn luôn được làbạn Pháp với nhau.

Chúng con cũng thành kính tri ân Thượng Tọa Thích Trí Minh, người đứng mũi chịu sào trong suốt 16 năm qua, đem hết sức mình lèo lái, lo toan, tổ chức, nuôi dưỡng để cho khóa học được tồn tại cho đến ngày hôm nay và mãi mãi về sau.

Chúng con cũng tri ân Quý Bác trong Hội Phật tử, những người đã khai sáng ra khóa giáo lý nầy ngay từ những bước đầu tiên. Trong đó, có những vị đãkhông còn hiện diện ngày hôm nay và có những vị vẫn còn tiếp tục đóng góp công sức, hầu đưa con thuyền Phật Pháp nầy đến bờ vinh quang, như các Bác Quảng Thiện Khưu Văn Nhi, Quảng Tấn Ðỗ Ðạt Thành, Quảng Khai Trần Hoa, ...

Xin một lần nữa, nghiêng mình đảnh lễ giác linh cố Thượng Tọa Thích Quán Không./.

Hạnh Thức (Minh Vinh)

07-01-02

--- o0o ---


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/10/2010(Xem: 4998)
Bìa Kỷ Yếu An Cư 2013
04/08/2010(Xem: 7086)
"Đời sống mong manh, chết là điều chắc chắn" Đó là câu châm ngôn nổi tiếng trong Phật Giáo. Biết rõ Chết mong manh và là một hiện tượng tự nhiên mà mọi người phải đương đầu, chúng ta không nên sợ cái chết. Nhưng tất cả chúng ta đều sợ chết vì không nghĩ về điều không tránh được. Chúng ta thích bám víu vào đời sống, vào xác thân và phát triển quá nhiều tham dục và luyến ái.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]