3 nhà khoa học giành giải Nobel Y học 2017
3 nhà khoa học giành giải Nobel Y học năm 2017 (Ảnh: Nobel Prize Twitter)
Theo Guardian, giải Nobel Y học năm 2017 đã được trao cho Jeffrey C. Hall, Michael Rosbash và Michael W. Young vì những phát hiện của họ về cơ chế phân tử kiểm soát cơ chế nhịp sinh học hay còn gọi là đồng hồ sinh học của cơ thể.
Trong vòng nhiều năm qua, các nhà khoa học đã nhận thức được rằng mỗi cá thể sống, bao gồm cả con người, có một đồng hồ sinh học ở ngay bên trong cơ thể của mình, giúp các cá thể có thể dự đoán và thích nghi với nhịp sinh học bình thường trong một ngày.
Các công trình nghiên cứu của 3 nhà khoa học Jeffrey C. Hall, Michael Rosbash và Michael W. Young đã giúp giải thích cơ chế vận hành thực sự của đồng hồ sinh học. Những phát hiện của họ đã giúp giải thích cách thức làm thế nào để cây cối, động vật và con người có thể thích nghi nhịp sinh học của mình, từ đó phù hợp với sự tiến hóa của Trái Đất.
Sử dụng ruồi giấm để làm mô hình cá thể mẫu để nghiên cứu, các nhà khoa học giành giải Nobel năm nay đã phân tách được gen kiểm soát nhịp sinh học hàng ngày. Họ phát hiện ra rằng gen này đã mã hóa protein được tích tụ trong tế bào vào buổi đêm và sau đó giảm dần vào ban ngày. Theo đó, họ nhận dạng các thành tố protein bổ sung của cơ chế này, phát hiện cơ chế kiểm soát đồng hồ sinh học ngay bên trong tế bào.
Công trình nghiên cứu của 3 nhà khoa học Jeffrey C. Hall, Michael Rosbash và Michael W. Young đã chỉ ra rằng đồng hồ sinh học vận hành theo cùng một nguyên tắc trong tế bào của các cơ thể đa bào, bao gồm cả con người.
Năm 2016, giải Nobel Y học đã được trao cho nhà khoa học Nhật Bản Yoshinori Ohsumi, 72 tuổi, nhờ phát hiện của ông về các cơ chế phân tách và tái tạo tế bào. Công trình nghiên cứu của ông Ohsumi có ý nghĩa quan trọng vì nó giúp giải thích cơ chế bất thường trong một loạt căn bệnh, từ ung thư đến Parkinson.
Trước đó, giải Nobel Y học năm 2015 được trao cho 3 nhà khoa học Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc nhờ khám phá ra phương pháp điều trị sốt rét và ký sinh trùng.
Các giải Nobel do Alfred Nobel, một doanh nhân và là nhà phát minh người Thụy Điển, trong đó nổi bật nhất là phát minh về thuốc nổ, sáng lập. Giải Nobel đầu tiên được trao tặng lần đầu tiên vào năm 1901, năm năm sau khi ông Nobel qua đời.
Ban đầu giải thưởng chỉ có 5 hạng mục bao gồm các lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Y học, Văn học và Hòa bình. Đến năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển đã đưa thêm vào một giải về lĩnh vực kinh tế.
Theo nguyện vọng của Alfred Nobel, giải Nobel Hòa Bình được quyết định bởi Ủy ban Giải Nobel Na Uy do Quốc hội Na Uy lập ra. Trong khi đó, các giải Nobel khác được trao tại Thụy Điển và do Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển quyết định.
Giải Nobel Hòa bình được trao hàng năm vào ngày 10/12, ngày mất của Alfred Nobel, tại thủ đô Oslo của Na Uy, trong khi các giải khác được trao ở Stockholm, Thụy Điển. Người trẻ nhất được trao giải Nobel Vật lý cho đến nay là nhà khoa học Lawrence Bragg, 25 tuổi vào năm 1915 cùng với cha mình.
Hiện tại, mỗi giải thưởng Nobel bao gồm một huy chương vàng, một giấy chứng nhận và số tiền thưởng trị giá 8 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 930.000 USD).
Thành Đạt