Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vấn đề ăn chay trong đạo Phật

10/04/201312:00(Xem: 11791)
Vấn đề ăn chay trong đạo Phật
Các Bài Viết Về Ăn Chay


Vấn Đề Ăn Chay Trong Đạo Phật

Tỳ-kheo Thích Hạnh Bình
Nguồn: Thích Hạnh Bình


Vấn đề ăn chay không phải là quan điểm cá biệt của Phật giáo, có thể nói nó là quan điểm chung của các tôn giáo cổ xưa. Do vậy, nội dung và ý nghĩa ăn chay của mỗi tôn giáo đều tùy thuộc vào chủ trương và quan niệm của tôn giáo đó, từ đó có những hình thức ăn chay khác nhau. Ví dụ ăn chay có thể là hình thức kiêng cữ không được ăn heo chỉ ăn thịt loài thú khác, hoặc không được ăn thịt bò, nhưng lại ăn được các loại thịt khác, hoặc không được ăn thịt cá chỉ ăn những loại thảo mộc…thậm chí có những tôn giáo cho rằng, ngày chay là ngày tiết chế dục vọng, giảm thiểu việc ăn uống…

Chỉ riêng trong Đạo Phật cũng đã có hai trường phái lớn có chủ trương ăn chay khác nhau. Phật giáo Nam truyền hay còn gọi là Nam Tông, vì muốn giữ truyền thống khất thực của đức Phật, thời Phật giáo Nguyên thủy, cho nên phái này chủ trương ăn chay theo cách 'Tam tịnh nhục', có nghĩa là những loại thịt nào mà mình không thấy người ta giết, không nghe tiếng kêu la của loài thú bị giết, hay không có sự nghi ngờ nào người khác vì mình mà giết, những loại thịt đó Tỷ kheo được thọ dụng, không phạm giới. Thế nhưng, Phật giáo Đại thừa ở Trung Quốc thì không chấp nhận cách ăn chay này, họ quan niệm rằng ăn chay không được ăn thịt cá, chỉ ăn các loại rau đậu….Lý do tại sao có sự khác biệt này, đó là nội dung của bài viết này. Tất nhiên, ở đây người viết không phê bình đánh giá cách ăn chay của trường phái nào đúng và trường phái nào sai, chỉ căn cứ vào các sử liệu, tiến hành phân tích và trình bày vấn đề tại sao có quan niệm ăn chay theo Phật giáo Nam Tông hay cách ăn chay theo Phật giáo Bắc Tông – Trung Quốc mà thôi.

Ở đây, người viết cũng không có tham vọng làm việc so sánh cách ăn chay giữa Phật giáo và các Tôn giáo khác. Do vậy phần nhận định đúng sai, xin nhường lời lại cho độc giả.


1. Ý nghĩa ăn chay trong Phật giáo

Thông thường chúng ta được hiểu khái niệm ăn chay là chỉ ăn những thức ăn thuộc thực vật, như rau cải, các loại đậu…, không phải các loại thuộc động vật như thịt cá. Thật ra, ý nghĩa ăn chay này chỉ đúng với quan niệm ăn chay theo Phật giáo Đại thừa ở Trung Quốc, hay những nước Phật giáo chịu ảnh hưởng của Phật giáo nước này, nhưng nó không phù hợp ý nghĩa ăn chay theo truyền thống Phật giáo Nam Tông. Tại sao cùng là Phật giáo lại có sự khác biệt và yếu tố nào dẫn đến sự dị biệt này ? Đây là những vấn đề được trình bày ở phần 2 và 3 trong bài viết này. Ở phần này chỉ giải thích ý nghĩa ăn chay trong Phật giáo.

Bất luận Phật giáo Nam Tông hay Bắc Tông, mục đích cũa sự ăn chay là làm tăng trưởng lòng từ bi, giảm bớt lòng sân hận, bằng cách tu tập không sát sinh, biết thương yêu người đồng loại và ngay cả các loài vật khác. Khi đã có lòng từ bi, không nỡ giết loài cầm thú, thì người ấy khó có thể giết người. Đó là lý do tại sao đức Phật đưa ra giới cấm: 'không được sát sinh'. Giới này cũng chính là nhân tố để hình thành quan điểm ăn chay trong đạo Phật.

Như vậy, vấn đề cần được tìm hiểu trước tiên là giới không sát sinh. Thế nào gọi là không sát sinh và ý nghĩa của nó như thế nào ? Từ thực tế mà nói, là con người sống trong cuộc đời này không thể nào sống mà không sát sinh. Vì nhu cầu đi lại là hình thức sát sinh, dùng lửa nấu ăn cũng phải sát sinh… nói cách khác, nhất cử nhất động của con người không nhiều thì ít đều có sát sinh dù là vô tình hay cố ý. Thế thì vấn đề ăn chay có ý nghĩa gì ? Như tôi vừa trình bày, mục đích việc ăn chay là để tăng trưởng lòng từ bi đối với mọi loài chúng sinh, nhất là con người. Thế nhưng, điều đó không đồng nghĩa không sát sinh là được thành Phật, hoặc người sát sinh không thể thành Phật, tức giác ngộ giải thoát. Thật ra, điều kiện quyết định cho sự giác ngộ và giải thoát tùy thuộc vào vai trò của trí tuệ, không phải tùy thuộc vào hình thức không sát sinh, nếu giác ngộ giải thoát tùy thuộc vào yếu tố không sát sinh thì một số loài động vật không ăn thịt đã giác ngộ và giải thoát, không cần đức Phật phải khổ nhọc đi tìm chân lý, con người cũng không cần phí sức tu học Phật pháp. Lẽ tất nhiên người đã giác ngộ giải thoát là người có lòng từ bi, không có tâm giết hại chúng sinh, nhưng nó không đồng nghĩa người đó hoàn toàn không có sát sinh, vì dù đã chứng ngộ nhưng còn thân người thì vẫn còn nhu cầu ăn uống đi lại, như vậy vẫn còn có sự sát sinh vô ý. Đây chính là ý nghĩa câu: 'Vô tâm bất phạm, có nghĩa là hành vi ác, nhưng không cố ý thì không phạm tội[1]. Đây chính là lý do tại sao đạo Phật đặc biệt chú trọng vai trò 'ý nghiệp' trong 3 nghiệp[2], đó là ý nghĩa xuyên suốt và thống nhất từ tư tưởng Phật giáo Tiểu thừa cho đến Phật giáo Đại thừa. Đặc biệt Phật giáo Đại thừa đề cao và phát huy tư tưởng này.

Đây cũng chính là quan điểm cơ bản hình thành quan điểm người xuất gia được ăn các loại thịt thanh tịnh (sẽ được trình bày ở phần mục 2 dưới đây) của Phật giáo Nam Tông. Nói một cách khác, quan điểm nhà Phật tuyệt đối ngăn cấm các đệ tử của mình không được cố ý sát hại chúng sinh, không thể ngăn cấm hành vi vô ý.

Thế nhưng, TÂM hay Ý là cái rất trừu tượng, khó bề hiểu được cái tâm ấy như thế nào. Vì để cụ thể cái tâm ấy, để chúng sinh dễ dàng nhận biết cái gì là tâm tốt cái gì là tâm xấu, cho nên phải cụ thể hóa nó thành giới điều: "Không được sát sinh", là một trong 5 giới cấm cơ bản trong Phật giáo. Thật ra, 5 giới này trừ giới thứ 5 là 'không được uống rượu' (là giới cấm của Phật giáo), nó là nguyên tắc chung cho các tôn giáo ở Ấn Độ, cụ thể là giới điều của Kỳ Na giáo. Từ tinh thần 'từ bi' cụ thể hóa thành 'không được sát sinh' hay từ nội dung chuyển thành hình thức đôi khi gặp nhiều trở ngại, vì có những trường hợp hình thức không phù họp với nội dung. Ví dụ, người xấu lợi dụng hình tướng của người xuất gia để trục lợi. Như vậy hình tướng người xuất gia bên ngoài và việc trục lợi từ nội tâm là mâu thuẫn. Một ví dụ khác, khi người Phật tử giết kẻ khủng bố cũng là sự mâu thuẫn, hình thức và tinh thần không hợp nhau, hình thức giết người là ác, nhưng với tâm giết người là thiện. Trong trường hợp này, theo tinh thần của đạo Phật cho phép người Phật tử được phép giết kẻ khủng bố, vì hành vi giết đó với tâm cứu người, giết với tâm từ, được quyết định từ tâm sáng suốt, không phải tâm sân hận với lòng vô minh. Qua trường hợp này cho thấy, Phật giáo lấy lòng từ bi được xây dựng trên cơ sở trí tuệ làm gốc, không phải là lòng từ bi được xuất phát từ tâm ngu muội. Đây chính là ý nghĩa 'Kinh Đại Câu Si La' trong "Kinh Trung A Hàm" đức Phật giải thích sự khác biệt giữa 'thiện' và 'căn bản thiện'.

"Thế nào là biết bất thiện ? Ác hành của thân là bất thiện, ác hành của khẩu là bất thiện, ác hành của ý là bất thiện. Đó là biết về bất thiện. Thế nào là biết bất thiện căn ? Tham là căn của bất thiện, nhuế, si là căn của bất thiện. Đó là biết về căn của pháp bất thiện."[3]

Qua nội dung và ý nghĩa của đọan kinh vừa dẫn, khái niệm 'bất thiện' được đức Phật phân chia thành hai lọai: 'bất thiện' và 'căn bản bất thiện'. Bất thiện là những hành vi không tốt được thể hiện cụ thể bằng thân hay bằng lời nói. Như là sát sinh, lấy của không cho, tà hạnh… Ngược lại, căn bản bất thiện không phải là cái được biểu hiện cụ thể bên ngoài, tức là động cơ sai sử từ bên trong, chính là lòng tham lam sân hận và ngu si. Như vậy theo Phật giáo cái gốc của hành vi bất thiện là tham sân và si. Cái gì được thúc đẩy bởi lòng tham lam sân hận và si mê đều gọi là bất thiện, cho dù hành vi đó núp dưới hình thức hay danh nghĩa nào, dù là dưới danh nghĩa là thiện. Đây chính là lý do tại sao 'Kinh Ngũ Chí Vật Chủ" Trong "Kinh Trung A Hàm"[4] đức Phật không đồng tình với dị học sa môn Văn Kì Tử, khi ông cho rằng: Thân không tạo các nghiệp ác, miệng không nói lời ác, sống không tà mạng là người thiện, là bậc phạm hạnh. Đức Phật đã phủ nhận quan điểm này bằng câu hỏi: Nếu như quan điểm ông là đúng thì đứa trẻ vừa mới sinh có phải là người thiện, bậc phạm hạnh chăng ? Vì trẻ sơ sinh cũng không sát sinh, trộm cắp, dâm dục…

Theo quan điểm nhà Phật không làm việc ác chưa hẳn là thiện, nếu như đó là thiện thì người bịnh không có khả năng làm ác hay đứa trẻ sơ sinh cũng trở thành người thiện người phạm hạnh sao ? Đạo Phật không chấp nhận quan điểm như vậy, cho rằng con người là chủ nhân để giải quyết vấn đề, không ai có thể thay thế. Con người là một sinh vật có lý trí, lấy lý trí để giải quyết vấn đề. Cuộc sống khổ hay vui đều tùy thuộc vào cách giải quyết hợp lý hay không hợp lý đó. Do vậy, đứa trẻ sơ sinh chưa trưởng thành không có khả năng làm điều ác, nó chưa hẳn là người thiện. Chúng ta cũng không nên nhầm lẫn cho rằng, giới luật Phật giáo giống như chiếc lồng sắt, nhốt mọi người vào chiếc lồng ấy, tự cho rằng là những người tốt người thiện, họ bị nhốt trong lồng có làm gì đâu mà cho là thiện ? Theo Phật giáo khái niệm thiện được thiết lập khi con người sống trong thế giới tiền tài danh lợi, nhưng không bị chúng làm ô nhiễm tâm thì mới gọi người ấy là người tốt người thiện, không phải là người không có khả năng hay cơ hội tiếp cận danh lợi, lại cho người đó là người thiện, như vậy không phù hợp ý nghĩa thiện trong đạo Phật.

Một điểm khác nữa cần được chú ý. Người ta làm vườn rào vì mục đích bảo vệ hoa màu trong vườn, nhưng trong vườn lại mọc toàn là cỏ dại, như vậy việc làm hàng rào có ý nghĩa gì ? Cũng vậy, mục đích của việc ăn chay, không sát sinh là để phát triển lòng từ bi biết thương yêu đồng loại, sau đó là thương đến chúng sinh những loài cầm thú, nhưng cha mẹ, người thân của chính mình lại không thương, ngược lại có tâm độc ác, tìm cách hại người này, mắng nhiếc mạ nhục người khác thì việc ăn chay có ý nghĩa gì ? Cha mẹ là người sinh ra mình, nuôi mình khôn lớn mà không thương, lại thương người khác, tình thương ấy có vấn đề; người đồng loại không thương tìm cách ám hại, lại thương thú vật, tình thương ấy bắt nguồn từ sự hiểu biết không chân chính. Cũng vậy, giới cấm không được sát sinh là cách thể hiện hay nuôi dưỡng lòng từ bi, nếu như người không sát sinh mà không có lòng thương chúng sinh, nhất là người đồng loại thì việc giữ giới trở thành vô nghĩa, không có giá trị gì.

Đó là lý do tại sao trong kinh Phật thường mô tả giới sát: "hoặc tự giết, hoặc bảo người giết, hoặc thấy người giết mà vui theo" là cách mô tả nói lên hành vi và ý chí có sự quan hệ mật thiết. Hành vi mà không có ý thức tham gia, hành vi ấy không thành nghiệp. Đây chính là nội dung và ý nghĩa của 'Kinh Tư" trong "Kinh Trung A Hàm".

"Nếu kẻ nào cố ý tạo nghiệp, Ta nói rằng kẻ ấy phải thọ quả báo, hoặc thọ ngay trong đời hiện tại, hoặc phải thọ vào đời sau. Nếu tạo nghiệp mà không cố ý, ta nói rằng người ấy chắc chắn không phải thọ quả báo."[5]

Đức Phật xác định, nếu như việc làm bất thiện nào của thân và lời không có ý thức thì hành vi ấy không thọ quả báo của nghiệp ác, điều đó cũng mang ý nghĩa, việc làm thiện nào mà không có lòng từ bi tham gia thì việc thiện đó cũng không có kết quả lành. Như vậy, không thể căn cứ vào hình thức ăn chay đi đến kết luận, người ấy có đạo đức, là người có tu tập, hoặc xem đó như là điều kiện cơ bản cho sự giác ngộ giải thoát. Về nguyên tắc chung, người muốn được giải thoát cần có sự giác ngộ, muốn giác ngộ cần phải có trí tuệ. Do vậy, theo đạo Phật cấm không được sát sinh mang ý nghĩa làm tăng trưởng lòng từ bi. Nó là nhân tố gián tiếp để hình thành một xã hội không có chiến tranh, sống trong hòa bình.


2. Quan điểm ăn chay theo Phật giáo nguyên thủy

Trong Phật giáo có hai trường phái lớn: Đại thừa và Tiểu thừa hay còn gọi là Phật giáo Nguyên thủy hay Nam Tông, nếu chúng ta tìm hiểu vấn đề ăn chay qua hai trường phái này thì quả nhiên mỗi phái có quan niệm khác nhau. Theo Phật giáo Nam Tông, người xuất gia được phép thọ dụng các thức ăn thịt cá… do thí chủ cúng dường, gọi là 'tam tịnh nhục', nhưng theo truyền thống Phật giáo Đại thừa ở Trung Quốc người xuất gia không được ăn mặn, cho dù những loại thịt đó là tam tịnh nhục. Lý do tại sao có sự dị biệt này, chúng ta cần làm sáng tỏ. Ở đây, trước tiên chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa ăn chay qua các kinh điển Phật giáo Nam Tông. Đề cập đến truyền thống ăn chay theo truyền thống Phật giáo Nam Tông được tìm thấy từ 'Kinh Jivaka' (Jivakasuttam) số 55 trong "Kinh Trung Bộ" tập 2 , với nội dung và ý nghĩa được mô tả như sau:

"Này Jivaka, những ai nói như sau: "Vì Sa môn Gotama, họ giết hại sinh vật. Sa môn Gotama biết thế mà vẫn thọ dụng các loại thịt được giết vì mình, được làm cho mình", những người ấy không nói chính lời của ta, họ xuyên tạc ta, không như chân, như thật. Này Jivaka ta nói trong 3 trường hợp thịt không được thọ dụng: Thấy nghe và nghi (vì mình mà giết). Này Jivaka, Ta nói trong 3 trường hợp, thịt được thọ dụng: Không thấy, không nghe và không nghi (vì mình mà giết). Này Jivaka, ta nói trong 3 trường hợp này, thịt được thọ dụng."[6]

Ở đây, đức Thế Tôn phủ nhận lời xuyên tạc cho rằng, Ngài biết người khác vì mình mà giết hại sinh vật, nhưng Ngài vẫn thọ dụng các loại thịt ấy. Mặt trái của lời phủ nhận này, lại xác định Thế Tôn là người thọ dụng các loại thịt được cúng dường, nhưng Ngài hoàn toàn không hay biết gì về sự giết hại đó. Thật ra đức Phật còn tại thế và Tăng đoàn đều ăn chay theo nguyên tắc này. Ai cúng thức ăn gì, Ngài thọ dụng thức ăn ấy, không đòi hỏi, tuyệt đối không khuyến khích người khác vì mình mà giết hại sinh vật, chính mình cũng không thấy người khác giết hại, hay thấy người giết mà đồng lòng. Qua đó, Ngài xác định có 3 loại thịt không được thọ dụng, và 3 loại thịt được thọ dụng. 3 loại thịt không được thọ dụng là thấy nghe và nghi. Thế nào gọi là thấy nghe và nghi ? Có nghĩa là khi thấy người khác giết hại sinh vật mà không ngăn cản, lại thọ dụng loại thịt đó, như thế là vi phạm; khi nghe tiếng kêu la của các loài sinh vật bị giết, mà không tìm cách ngăn cản hành vi giết hại, lại ăn những loại thịt này, như thế là vi phạm; thứ 3 là hoài nghi người nào đó có ý định giết hại sinh vật, nhưng lại không tìm cách ngăn cản, thịt đó không được thọ dụng. Ngoài ra, còn một trường hợp nữa, thịt cũng không được thọ dụng là tự mình giết hại.

Ngược lại, thế nào là 3 loại thịt được thọ dụng ? 3 loại thịt được thọ dụng là không thấy không nghe và không nghi. Không thấy có nghĩa là không thấy người khác giết hại sinh vật; không nghe là không nghe thấy tiếng kêu la của loài cầm thú bị giết; không nghi là không nghi ngờ ai đó giết hại sinh vật. Thịt được cúng dường trong những trường hợp này Tỷ kheo được thọ dụng, không phạm giới sát sinh. Nói cách khác, những loại thịt nào không cố ý giết, không bảo người khác giết, cũng không thấy người khác giết tỏ ý đồng thuận vui theo, những loại thịt đó Tỷ kheo được thọ dụng. Có nghĩa là Tỷ kheo đi khất thực, được tín thí cúng dường bất cứ loại vật thực gì, ngay cả cá thịt… Tỷ kheo thọ nhận và ăn vật ấy. Tỷ kheo không được quyền lựa chọn, không được bảo thí chủ nên cúng dường vật này, không nên cúng vật kia, thí chủ cúng gì ăn nấy, cúng dường thịt ăn thịt, cúng dường rau đậu thì ăn rau đậu, không được khen chê.

Khi đức Phật còn tại thế, Ngài và Tăng đoàn cũng sống theo hình thức khất thực này, sống bằng những vật thực do tín thí cúng dường, là các loại thức ăn của người dân sống hằng ngày, họ lấy ra một phần nhỏ trong phần ăn của mình để cúng dường Tăng sĩ, bao gồm những vị Tăng sĩ của những tôn giáo khác. Có thể nói, đây là bài kinh cơ bản để hình thành quan điểm ăn chay theo Phật giáo Nam Tông, cho đến ngày nay Phật giáo Nam Tông vẫn còn giữ hình thức ăn chay này. Khái niệm ăn chay ở đây mang ý nghĩa 'sống bằng đời sống khất thực, không cố ý sát sinh', nhưng nó không đồng nghĩa với cách ăn chay theo Phật giáo Đại thừa ở Trung Quốc, hay những nước Phật giáo chịu ảnh hưởng Phật giáo này.

Có người đặt nghi vấn: Theo tinh thần giới luật của Phật giáo Nam Tông và Bắc Tông đều qui định: Tỷ kheo vi phạm giới sát sinh thì phạm giời Ba la di, là một trong 4 giới trọng của Phật giáo, thế thì tại sao là vị xuất gia lại ăn thịt sinh vật ? Nếu bảo rằng, các loại thịt không thấy không nghe không nghi được thọ dụng, có nghĩa là những thịt cá làm sẵn được thọ dụng. Thế thì vấn đề được đặt ra là, nếu không có người mua thì làm gì có người bán ? có nghĩa là vì có người ăn thịt cho nên có người sát sinh, người giết là trực tiếp sát sinh, người ăn là gián tiếp sát sinh, cả hai đồng phạm tội sát. Thế thì tại sao cho rằng, ăn thịt thuộc 'tam tịnh nhục' thì không phạm tội sát ?

Thật ra, những nghi vấn này đã giải thích một cách tổng quát ở phần một. Nhưng dù sao đã thành nghi vấn thì người viết cũng xin được trình bày ý kiến riêng của mình. Điểm chung nhất giữa các luật, trong 4 tội Ba la di, tội thứ 3 là cấm Tỷ kheo không được 'sát sinh'. Nội dung và ý nghĩa của tội này qui định: "Nghiêm cấm Tỷ kheo không được cố ý sát hại sinh mạng cho dù dưới hình thức nào"[7]. Với ý nghĩa này, Phật giáo Nam Tông ăn chay theo quan điểm 'Tam tịnh nhục' tức không thấy không nghe và không nghi thì nó không trái với tinh thần giới luật, vì cố ý giết hại. Nếu cho rằng, 'tam tịnh nhục' là loại thịt Tỷ kheo không trực tiếp giết, nhưng nó vẫn mang ý nghĩa Tỷ kheo gián tiếp giết hại, có nghĩa là Tỷ kheo ăn thịt là vi phạm tội sát sinh. Nếu như chúng ta chấp nhận cách lý giải này, điều đó đồng nghĩa cho rằng giới cấm 'không sát sinh' của đức Phật là vô nghĩa, vì không ai sống trên cuộc đời này lại không sát sinh, ngay cả người xuất gia, hay người đã chứng quả. Vì còn là con người thì còn đi lại, còn có nhu cầu ăn uống, nấu nướng…còn ăn uống nấu nướng là còn sát sinh. Thế thì với tư cách là con người làm thế nào triệt để tuân giữ giới không sát sinh ? Nếu như mọi người không ai tuân giữ được giới này, như vậy phải chăng giới luật nhà Phật là những giới điều vô nghĩa, không có giá trị gì với cuộc sống con người ? Nếu như Ngài từng tuyên bố rằng: "Giáo pháp của ta là thiết thực hiện tại", có nghĩa là lời giảng dạy của Ngài có liên hệ, gần gũi với cuộc sống và ai cũng có thể làm được, thế thì tại sao có sự mâu thuẫn này ? Theo tôi, sự mâu thuẫn này bắt nguồn từ sự nhận thức không đúng của chúng ta, không phải là giáo lý của Ngài. Để lý giải vấn đề này, theo tôi, bản chất cuộc sống của con người là như vậy, không thể tránh khỏi những sự sát hại vô tình, cho nên Ngài chỉ khuyên con người không nên cố ý giết hại sinh vật.. Đó là nguyên do tại sao Phật giáo đề cao vai trò ý nghiệp trong 3 nghiệp, lấy ý nghiệp làm tiêu chuẩn để đánh giá đạo đức, thiện ác...


3. Quan điểm ăn chay theo Phật giáo Đại thừa ở Trung Quốc

Ở đây, tôi gọi Phật giáo Đại thừa là chỉ cho Phật giáo Đại thừa ở Trung Quốc, ngay cả những nước Phật giáo chịu ảnh hưởng Phật giáo nước này, trong đó có Việt Nam, sở dĩ tôi phải làm cuộc khoanh vùng này, vì cùng là Phật giáo Đại thừa nhưng có một số nước không có truyền thống ăn chay như Trung Quốc, như Phật giáo Tây Tạng, Mông cổ… Tại sao có trường hợp dị biệt này, đó là nội dung được trình bày trong phần này.

Trước tiên, chúng ta thử tìm hiểu quan điểm văn hóa của đất nước Trung Quốc có liên quan gì đến vấn đề ăn chay của nước này. Như chúng ta biết, văn hóa khất thực ở Ấn Độ được người dân Ấn Độ xem đó là hình ảnh cao quí, là người có đạo đức trong xã hội, do vậy người dân rất tôn kính những người hành khất thực. Thế nhưng, người Trung Quốc có quan niệm ngược lại, họ cho rằng, người hành khất thực là người ăn xin (cái ban). Người ăn xin không thể là người thanh cao, có tài có đức trong xã hội. Do vậy truyền thống khất thực của Phật giáo không thể phát huy tại đất nước Trung Quốc. Nếu thế thì hàng Tăng lữ ở đây duy trì mạng sống bằng cách nào ? Đứng từ góc độ kinh điển tìm hiểu, nếu như kinh điển Tiểu thừa (Thượng tọa bộ) ca ngợi hạnh khất thực, thì kinh điển Đại thừa ca ngợi sự bố thí – cúng dường. Dẫu rằng tư tưởng Phật giáo Đại thừa phát sinh tại Ấn Độ, nhưng nó được đơm hoa kết trái lại ở Trung Quốc. Bố thí là một trong sáu ba la mật được Phật giáo Đại thừa triển khai triệt để. Bố thí là một phương tiện tu tập của Bồ tát, nhưng mặt khác của nó là phương pháp giải quyết vấn đề kinh tế cho giới Tăng lữ. Tư tưởng này phát triển đến giai đoạn nào đó, Phật giáo vấp phải một số vấn đề như: 1. Giới Tăng lữ càng ngày càng đông, có những tự viện lên đến hàng vạn người xuất gia. 2. Vì để cầu phước, cho nên các địa chủ, quan lại đem ruộng nương điền thổ cúng dường nhà chùa, do vậy nhà chùa trở thành người có ruộng đất nhiều nhất. Tăng chúng đông, ruộng đất nhiều, bên cạnh đó chế độ cúng dường bị phê phán, cho nên chế độ 'tự cung tự cấp' phải được triển khai. Chế độ này được Bách Trượng gọi là 'Nhất nhựt bất tác, nhất nhựt bất thực', có nghĩa là: Một ngày không làm, một ngày không ăn. Qui định này nhắm vào thành phần xuất gia, xuất gia cũng phải làm việc để sống, không thể dựa vào tín đồ. Đây là hoàn cảnh và nhu cầu thực tế của xã hội Phật giáo Trung Quốc bấy giờ, cũng là điểm đặc thù của Phật giáo nước này. Nó cần được nghiên cứu nghiêm túc để gợi ý và đề ra một biện pháp kinh tế hợp lý và hữu hiệu cho Phật giáo Việt Nam trong thời hội nhập hiện nay.

Phải chăng chính vì phong tục tập quán, văn hóa nước này như vậy, cho nên người Trung Quốc tỏ ra không mấy hấp dẫn với hệ tư tưởng kinh điển Thượng tọa bộ (Tiểu thừa), chỉ chấp nhận quan điểm của Phật giáo Đại thừa, vì tư tưởng Phật giáo Đại thừa và Lão Trang có những điểm na ná tương đồng ? Phải chăng vì lý do đó mà 'kinh Jivaka' như đã được trình bày ở trên, nó không được dịch sang chữ Hán, vì nó không phù hợp với truyền thống văn hóa ở đây ? Đây là điểm đáng được chú ý và tìm hiểu.

Một điểm văn hóa khác nữa là trong hệ thống triết học Trung Quốc, Đạo gia đề cao cõi Tiên. Từ đó đưa ra quan điểm, ai muốn thành Tiên, người ấy cần phải tiết dục, kiêng cữ rượu thit, nên ăn những thức ăn là những loại thảo mộc, để thân thể được nhẹ nhàng, dễ bề thăng Thiên. Có lẽ đó cũng là lý do để chúng ta tìm hiểu việc hình thành quan điểm ăn chay theo Phật giáo Trung Quốc.

Như chúng ta đã biết, Phật giáo Trung Quốc hay những nước Phật giáo chịu ảnh hưởng theo Phật giáo Trung Quốc, đều có quan niệm chung về việc ăn chay là không ăn thịt các loài động vật, cho dù là loại thịt không thấy không nghe và không nghi. Thậm chí cho rằng, ai mà ăn thịt người ấy phải đọa vào địa ngục và không thể thành Phật. quan điểm ăn chay này, bắt nguồn từ đâu ? Đó là câu hỏi mà bất cứ người nghiên cứu nào cũng đặt ra và tìm hiểu, bản thân người viết cũng không ngoại lệ.

Để trả lời nghi vấn này, chúng ta có thể dựa vào tác phẩm "Trung Quốc Phật giáo sử" của nhà sử học Quách Bằng để tìm hiểu vấn đề ăn chay này. Trong tác phẩm này, chương thứ 3, tiết thứ 3 là chuyên đề thảo luận về: Vua Lương Võ Đế (502 ~ 536)[8] và vấn đề ăn chay. Tác giả trích dẫn một số sắc lịnh của nhà vua, từng ban hành bắt buộc Tăng ni phải triệt để ăn chay, không được ăn mặn. Ở đây chúng ta cũng cần hiểu sơ lược về nhà vua này, Lương Võ Đế vốn là nhà vua rất thuần thành tín ngưỡng Phật giáo, ông là người có công kiến tạo nhiều ngôi chùa đồ sộ ở Trung Quốc, lập đàn tràng trai tăng chẩn tế, còn thay mặt Tăng già giảng kinh nói pháp, ngay cả việc chú giải kinh điển. Một quan điểm đặc biệt của ông có ảnh hưởng sâu sắc đến hậu thế là đề xướng vấn đề ăn chay (hoàn toàn không ăn thịt cá). Vì muốn toàn thể Tăng Ni triệt để thực thi, cho nên nhà vua đã ban ra tổng cộng 4 sắc lịnh, với nội dung bắt Tăng Ni phải triệt để ăn chay. Trong đó có đoạn ông viết: "Nay, các Tăng ni, các vị trụ trì, cần phải cảnh giác, nghiêm dạy chúng tăng (không được ăn mặn); nếu giải đãi, không tuân lệnh…sẽ trị tội" hay "Nếu Tăng chúng không tuân lệnh…vẫn còn ăn mặn, đệ tử (Lương Võ Đế) sẽ căn cứ theo pháp lệnh trị tội".

Từ đó, Tăng Ni Phật giáo Trung Quốc bắt đầu ăn chay theo kiểu này. Có lẽ đó là lý do chính đáng để lý giải tại sao Phật giáo Đại thừa ở Trung Quốc lại ăn chay không ăn mặn. Nó khác với một số nước Phật Giáo Đại thừa như Tây Tạng, Mông Cổ, họ không ăn chay như Phật giáo Trung Quốc. Nhưng một số nước chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc, như Việt Nam, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản đều ăn chay, không ăn mặn.

Sự hình thành cách ăn chay này có nhiều lý do, trước nhất là yếu tố cơ bản về tâm từ bi của Phật giáo, trong đó có cả yếu tố lòng nhiệt thành của nhà vua đối với Phật Pháp, ngang qua địa vị của mình nhà vua đã nới rộng lòng từ bằng cách không ăn thịt. Xét thấy, nó không không những không trái với lòng từ bi của Phật giáo, còn phù hợp với bản sắc văn hóa của Trung Quốc, cho nên việc ăn chay hình thành.


4. Lời Kết

Ăn chay không phải là quan điểm riêng của Phật giáo, các tôn giáo khác cũng có quan niệm ăn chay. Ngày nay vấn đề ăn chay lại càng phổ biến hơn, ăn chay không phải chỉ vì phát triển lòng từ bi - đạo đức, chủ yếu vì sức khỏe. Từ đó, tùy theo lập trường và quan điểm của mỗi tôn giáo mà hình thức ăn chay cũng có sự dị biệt.

Chỉ trong Phật giáo cũng đã xuất hiện hai trường phái ăn chay khác nhau. Phật giáo Nam truyền hay còn gọi là Phật giáo Nam Tông có truyền thống ăn chay theo 'tam tịnh nhục', có nghĩa là các loại thịt không thấy không nghe và không nghi Tỷ kheo được phép thọ dụng, không vi phạm giới sát. Qui định này chắc chắn có liên quan đến đời sống khất thực. Buổi sáng Tỷ kheo vào thôn xóm khất thực, thí chủ cúng gì ăn nấy, ngay cả thịt cá là thức ăn mặn, Tỷ kheo không được đòi hỏi hay lựa chọn. Đó là lối sống giản dị, vì đức Phật không muốn Tỷ kheo bận bịu việc ăn ở, dành mọi thời gian cho việc tu tập. Ngài cũng không vì sự sinh tồn của Tăng già mà làm phiền quá nhiều người tín thí, thí chủ chỉ lấy một phần thức ăn trong ngày của mình cúng dường cho chư Tăng là được rồi, không vì Tăng già mà phải sắm sửa riêng. Đó là lý do tại sao có hình thức khất thực ăn chay này.

Phật giáo truyền đến Trung Quốc được nhà vua Lương Võ Đế ủng hộ và phát huy. Vì tính chất đặc thù của địa phương, cộng sự nhiệt tâm của nhà vua, đã lấy tư tưởng từ bi của Phật giáo kết hợp với bản sắc văn hóa dân tộc, tạo thành cách ăn chay, hoàn toàn không ăn thịt cá, nó không những chỉ phù hợp với giáo lý từ bi của đức Phật, còn gói gém trong đó phong cách văn hóa của Trung Quốc. Nó không những chỉ có giá trị về mặt đạo đức, văn hóa mà còn có giá trị về mặt dưỡng sinh, thẩm mỹ… giúp cho con người có nhiều sức khỏe và đẹp hơn. Nó đã tạo thành phong trào ăn chay trên thế giới, được mọi người ưa chuộng.

Riêng tôi rất tán đồng cách ăn chay này, tuy nhiên, không chấp nhận góc độ cực đoan: Thứ nhất, người quá đề cao việc ăn chay, thường xem nó như là thước đo đạo đức hay sự tu tập của người khác, thậm chí nghĩ rằng, ăn chay là yếu tố chính để được giác ngộ và giải thoát, cố tình xem thường sự học tập tìm hiểu Phật pháp, chính điều đó là yếu tố gián tiếp làm cản trở cho sự phát triển Phật giáo, đưa Phật giáo đến với xã hội ngày nay. Thứ hai, chúng ta cũng không thể dựa vào tư tưởng Kinh Jivaka để bào chữa cho thói quen không tốt về việc ăn uống của mình. Việc ăn chay theo 'tam tịnh nhục' được đức Phật chế định, nó có liên hệ đến đời sống khất thực và điều kiện kinh tế yếu kém lúc bấy giờ, không phải là hoàn cảnh xã hội hiện nay, là xã hội có kinh tế dồi dào, thức ăn phong phú, đời sống Tăng già lại định cư, vật thực được thí chủ mang đến cúng dường, hay được nấu nướng tại tự viện, không phải vào thôn xóm khất thực. Một đời sống tiện nghi như vậy, ắt hẳn việc ăn chay không ăn mặn vẫn phù hợp với tinh thần từ bi của đức Phật hơn.


Đài Bắc ngày 8 tháng 8 năm 2007



KINH SÁCH THAM KHẢO

- HT. Minh Châu dịch, "Kinh Tương Ưng Bộ" tập 1, Viện NCPHVN ấn hành năm 1993.
- HT. Minh Châu dịch, "Kinh Trung Bộ" tập 1,2 và 3, Viện NCPHVN ấn hành.
- Thích Tuệ Sỹ dịch, "Kinh Trung A hàm" trong bộ "Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh" tập 3, Hội Văn Hóa Linh Sơn Đài Bắc xuất bản, năm 2000.
- Thích Hạnh Bình, 'Quan điểm nghiệp trong Phật giáo Nguyên thủy' trong "Tìm Hiểu Giáo Lý Phật Giáo Nguyên Thủy", Nhà Xuất Bản Phương Đông, 2007..
[1] Viện CĐPHHĐ Nha Trang dịch, 'Kinh Tư' trong "Kinh Trung A Hàm" tập 4, Viện NCPHVN ấn hành 1992, trang 137.
[2] Tham khảo Thích Hạnh Bình, 'Quan điểm nghiệp trong Phật giáo Nguyên thủy' trong "Tìm hiểu Phật giáo Nguyên thủy", Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội 2004, trang 134 -140.
[3] Viện CĐPHHĐ Nha Trang dịch, 'Kinh Tư' trong "Kinh Trung A Hàm" tập 1, Viện Nghiên Cứu Phật học Việt nam ấn hành 1992, trang 332.
[4] Viện CĐPHHĐ Nha Trang dịch, 'Kinh Ngũ Chí Vật Chủ' trong "Kinh Trung A Hàm" tập 4, Viện Nghiên Cứu Phật học Việt nam ấn hành 1992, trang 97~107.
[5] Viện CĐPHHĐ Nha Trang dịch, 'Kinh Tư' trong "Kinh Trung A Hàm" tập 4, Viện Nghiên Cứu Phật học Việt nam ấn hành 1992, trang 137.
[6] HT. Minh Châu dịch, "Kinh Trung Bộ" tập 2, Viện NCPHVN ấn hành 2000, trang 72.
[7] Thao khảo: "Thập Tụng Tỷ Kheo Ba la dề mộc xoa Giới Bổn" (T23, Số 1436, trang 471).
[8] Trịnh Bằng, "Trung Quốc Phật Giáo Sử", NXB Văn Tân, Taipei Trung Hoa Dân Quốc năm 82, trang 79~81.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/01/2011(Xem: 4256)
Nhân dồn vào bên trong đậu phụ chiên gồm: Nấm rơm băm nhuyễn + đậu phụ bóp nhuyễn...
02/01/2011(Xem: 4023)
Ướp đậu hủ với nước xốt ướp khoảng 1-2 tiếng cho thấm. - Đặt chảo lên bếp.
02/01/2011(Xem: 4877)
Đậu hũ rửa sạch, xắt thành từng lát, chiên vàng trong dầu nóng, vớt ra để ráo. - Xào ớt xanh và ớt đỏ trong dầu...
01/01/2011(Xem: 5075)
Ăn chay đang dần trở thành xu hướng ẩm thực trong cuộc sống hiện đại ở các nước phát triển. Giữa cuộc sống bận rộn, hối hả, giới trẻ hiện đại thích đến những quán cơm chay...
01/01/2011(Xem: 4470)
Trong khi nấu cơm, chuẩn bị cho đậu hũ mềm vào dĩa, cho lên xửng hấp chín. - Bắc chảo, cho tí dầu + gừng bầm nhỏ...
01/01/2011(Xem: 3840)
Ngó sen gọt kỹ, rữa sạch, để ráo nước và bào nhỏ, trộn với gia vị để làm nhân (vắt khô nước nếu nhân không được ráo).
01/01/2011(Xem: 3999)
Đậu hũ tráng qua nước, xắt miếng hình tam giác, để ráo. Củ mì gọt vỏ, xắt sợi. Dưa leo rửa sạch, xắt sợi. Giá đỗ trụng qua nước sôi...
01/01/2011(Xem: 4180)
Cắt đậu phụ non thành hình chữ nhật dài 7cm, rộng 4.5cm, dày 1.5cm. - Cho dầu vào chảo, đợi dầu nóng
31/12/2010(Xem: 3927)
Cà rốt, gọt vỏ rửa sạch, xắt thành miếng dài cỡ ngón tay, luộc sơ trong nước sôi khoảng 10 phút cho mềm.
31/12/2010(Xem: 4612)
Hòa tan các vật liệu của phần gia vị trong 1 chén nhỏ. Ðể một bên. - Ðặt một chảo không dính lên bếp, cho dầu ô-liu vào.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]