Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật Giáo, Y Học và Sức Khỏe

12/06/201408:00(Xem: 8677)
Phật Giáo, Y Học và Sức Khỏe

Phat_Duoc_Su_1

Phật Giáo, Y Học và Sức Khỏe
 Nguyên tác: Hòa Thượng Tinh Vân 
Dịch Việt: Tâm Quang Nguyễn Cảnh Lâm


 
Theo Đạo Phật, Giáo Pháp tinh khiết và kỳ diệu là loại y dược toàn hảo nhất cho một tâm trí suy nhược, cũng như một cơ thể đau yếu.

I. Mở Đầu

Từ buổi sơ khai ở cõi trần gian, sinh, lão, bệnh, và tử đã không thể nào tránh khỏi. Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhartha) biết được chân lý này khi Ngài mạo hiểm vượt ra khỏi cung điện và đến viếng thăm một khu vực nghèo nàn trong thị trấn. Ở nơi đây, giữa những kẻ ăn xin, người bệnh tật, và lớp tuổi già yếu, Ngài đã trực tiếp thấy được những thực tế của cuộc đời. Ngay lập tức, một niệm mong muốn khởi sinh trong tâm để giúp đỡ họ giảm bớt nỗi đau đớn và niềm khốn khổ. Vì thế, Ngài đã từ bỏ cuộc sống nhung lụa và trở thành một vị đạo sư, với hy vọng rằng bằng chính thiền định và tu dưỡng, Ngài có thể tìm ra giải pháp cho những kẻ nghèo nàn và đau yếu.

Ngay từ lúc ban đầu, Đức Phật nhận định ra rằng cũng giống như một người bị dằn vặt bởi thân bệnh, họ cũng có thể bị khổ đau do tâm bệnh. Nhằm trị liệu cho cả hai căn bệnh thân và tâm, Đức Phật đã dành trọn cả cuộc đời mình để truyền đạt các kiến thức trong Tam Tạng Kinh[1]. Trong khi Đức Phật tìm cách chữa trị cả đôi phần thể chất và tâm thần, điều hệ trọng được đặt cao vào phần tâm lý. Ngài sử dụng Giáo Pháp để chữa lành những căn bệnh phát sinh từ tam độc: tham lam, sân hận, và si mê. 
 
Y dược của Đức Phật trị những căn bệnh bắt đầu từ tâm thức, và rồi chữa lành tam độc cho họ. Các nhà tâm lý học cũng chữa bệnh bằng cách điều trị tâm trạng của bệnh nhân, nhưng phương pháp này lại hoàn toàn khác biệtvới cách thức thực hành của Phật giáo về việc trị liệu tâm thần. Theo Đạo Phật, Giáo Pháp tinh khiết và kỳ diệu là loại y dược toàn hảo nhất cho một tâm trí suy nhược, cũng như một cơ thể đau yếu.

Để giữ gìn cả hai phần tâm và thân cho khỏe mạnh là việc rất quan trọng, vì thân thể là công cụ mà chúng ta dùng để thực hành Giáo Pháp. Cũng giống như tất cả mọi điều, tâm và thân phụ thuộc lẫn nhau; sức khỏe của tâm ảnh hưởng đến sức khỏe của thân, và ngược lại - sức khỏe của thân tác dụng đến sức khỏe của tâm. Với một thân thể khỏe mạnh như một công cụ, chúng ta có thể tu dưỡng một tâm thức từ bi và một tinh thần trong sáng. Với một tâm thần du dưỡng, chúng ta có thể tự kiểm soát chính mình, thấy rõ bản chất của các vấn đề, và rồi hành động để giải quyết chúng. Lúc đó chúng ta sẽ tiếp cận tới con đường dẫn đến một sức khỏe trung thực.

II. Phật Giáo Và Khoa Học Y Tế
Trong các kinh điển, chúng ta có thể tìm thấy sự so sánh mô tả Đức Phật là vị bác sĩ, kiến thức về Giáo Pháp là thuốc giải, những tu sĩ là ban y tá, và tất cả mọi người là bệnh nhân. Theo lối so sánh y học này, Phật giáo được coi là một loại y dược với một ý nghĩa bao trùm - một loại thuốc có thể chữa trị các thứ bệnh tật ở tất cả mọi khía cạnh cuộc sống. Thông thường, nhưng với trường hợp ngoại lệ, y học Tây phương điều trị trong phạm vi nhỏ hẹp hơn. 
 
Tây y thường thường được dùng cho bệnh tật do các triệu chứng về thể chất. Phương pháp này có khuynh hướng tạm thời làm giảm sự đau đớn và loại bỏ các triệu chứng trong khoảng một thời gian, nhưng khi các triệu chứng đó chẳng hiện hữu, không có nghĩa là những nguyên nhân gốc rễ đã được xác định và triệt tiêu. Vì vậy, sự tiêu trừ hoàn toàn căn bệnh đã không được thể hiện. Phật giáo mang lại cho bệnh nhân không chỉ là sự giảm thiểu về triệu chứng, mà còn hướng dẫn tinh thần để bảo đảm một sức khỏe tổng quát và lâu dài.

Trong khi các nhà nghiên cứu Tây y tiến hành những cuộc thí nghiệm vĩ đại về bệnh học, dược học, miễn dịch học, và cơ thể học, để họ phát triển các kỹ thuật y tế tinh vi hơn, các nhà khoa học vẫn nghi ngờ rằng tôn giáo không thể nào giải thích nổi nguyên nhân của bệnh tật. Nếu không có sự xác định vai trò của tôn giáo về bệnh tật, những khoa học gia vẫn giữ khoảng cách khá xa đối với định nghĩa của bệnh tật, nguyên nhân, và phương pháp điều trị như sự quán thông từ góc độ tôn giáo. Theo Phật giáo, không đủ để lý giải y học một cách đơn giản như chỉ tiêu trừ các triệu chứng; khía cạnh tinh thần về bệnh tật và nguyên nhân gốc rễ với biện pháp khắc phục tâm thức bắt buộc phải là sự nhận định chủ yếu.

Chỉ gần đây khoa học và tôn giáo mới bắt đầu giao tiếp và hòa hợp ở mức độ khai mở để thu hẹp khoảng cách giữa giải đáp khoa học đối với bệnh tật và phương pháp bắt nguồn sâu xa từ tôn giáo. Ví dụ như, chính phủ Hoa Kỳ phối hợp các hội nghị quốc tế về "Mối Liên Hệ Giữa Tôn Giáo Và Y Tế." Ngoài ra, Trường Đại Học Y Khoa Harvard có mở một lớp học mang tên "Thực Chất Của Y Học." Tôn giáo dần dần ảnh hưởng đến y khoa về sinh vật học, tâm lý học, và xã hội học với thế giới Tây phương. Phật giáo đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thống nhất tâm linh học và y học ở Tây phương.

Ở Đông phương, tôn giáo đã ảnh hưởng đến lĩnh vực sức khỏe và y học từ xa xưa. Những người thực nghiệm y học Đông phương không bao giờ nghi ngờ vai trò của tôn giáo đối với bệnh tật; hai phần này đã được phối hợp cả hàng ngàn năm. Qua hàng ngàn tài liệu trong Tam Tạng Kinh, có một số lượng đáng kể chứa đựng văn thư về y học Phật giáo. 
 
Khi giáo điều thuyết giảng và kinh điển đưa đến Trung Hoa, những khía cạnh nổi bật nhất của Phật giáo Ấn Độ được pha trộn với mọi mặt đáng giá của y học Trung Quốc. Qua bao sửa đổi và cải tiến được đóng góp bởi nhiều bậc Đại Sư trong quá khứ và hiện tại, hệ thống y học Phật giáo Trung Quốc đã phát triển để thành hình như ngày hôm nay. Trong những trang tiếp theo sau, tôi sẽ khuếch trương sâu xa hơn về sự hiểu biết của Phật giáo về bệnh tật, và phương pháp Phật giáo đối với y học và điều trị.

III. Đức Phật Như Một Đại Y Sĩ 
Khi Đức Phật còn trẻ, Ngài học tập môn khoa học y tế[2]. Ngài vì thế rất am tường về bản chất và cách trị liệu bệnh tật. Theo kinh điển, một vị lương y nổi tiếng tên là Kỳ Bà (Jivaka) liên tục thăng tiến trong việc thực hành nghành y học, và tinh thông thêm các kỹ năng bằng cách học hỏi và đi theo sự hướng dẫn của Đức Phật. Kỳ Bà thực hiện một số phẫu thuật phi thường, gây một thanh danh đáng kính trọng trong lĩnh vực y khoa. 
 
Một trong những cuộc mỗ xẻ nổi tiếng liên quan đến việc chữa bệnh ruột kết. Kỳ Bà thực hiện cuộc phẫu thuật này, sử dụng liên tục các kỹ thuật tương tự như lối thực hành hiện đại: gây mê, mổ vùng bụng, chữa trị ruột kết, và cuối cùng khép vết mổ lại bằng chỉ may. Mặc dù đã là một lương y được huấn luyện, Kỳ Bà trở nên thông thạo hơn trong nhiệm vụ làm tinh xảo y học dưới sự hướng dẫn tinh thần và y học của Đức Phật.

Ngoài những ghi chép về Đức Phật và Kỳ Bà, nhiều kinh điển như Kinh Phật Chuân Đoán, Kinh Đại Y Vương Phật, Kinh Liệu Trĩ Bệnh, Kinh Tâm Bệnh Phiến Loạn Bởi Phi Thiền Định, Kinh Trị Bệnh Nha, Kinh Đà La Ni Chữa Bá Bệnh, Kinh Đà La Ni Chữa Bệnh Từng Mùa, Kinh Kim Quang Minh, Luật Ngũ Mục, Luật Tứ Mục, Luật Thập Tụng, và Đại Tập, chứa đựng nhiều tài liệu tham khảo khác với kiến thức của Đức Phật về y học. Đức Phật thực sự xứng đáng được xem là đấng thế tôn lỗi lạc của y học Phật giáo. Ngài có khả năng chữa trị không những chỉ là thân bệnh mà còn là tâm bệnh, đó là nét đặc thù. 
 
Ngày hôm nay, khi bệnh nhân tìm sự chăm sóc của một y sĩ cho căn bệnh thể chất, vị y sĩ thường chỉ chú ý đến các triệu chứng đau đớn trong cơ thể, bỏ qua những nguyên nhân và những khổ đau trong tâm thức. Khi không điều tra và phát hiện ra nguồn gốc thực sự của căn bệnh, họ chỉ thành công một phần trong sự điều trị tối hậu. Họ thực hiện rất ít ỏi trong việc chữa lành nỗi khốn khổ của bệnh nhân, vì không nhận định ra và hiểu biết được nguyên nhân chính của chu kỳ đời sống con người qua sinh, lão, bệnh, và tử. Họ không nghĩ rằng những gì nghiệp và tâm tạo tác có liên hệ tới nguồn gốc của bệnh tình.

Sự thấu đáo của Đức Phật về những gì gây ra vòng luân hồi vô tận và các giai đoạn của quá trình lão hóa, bệnh tật, và tử vong, đã cho quyền Ngài hướng dẫn mọi người để sống với sức khỏe tối thượng về thể chất lẫn tinh thần. Đức Phật triệt tiêu căn bệnh bằng cách trực tiến vào tâm điểm của nguyên nhân và rút tỉa từ kiến thức của Ngài để làm biện pháp khắc phục đích đáng. Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Phật giải thích rằng sự mất quân bằng của sinh lực[3], sự dư thừa của đờm, và sự tăng hoặc giảm nhiệt độ của cơ thể có thể được điều trị bằng bơ, mật ong, và thực phẩm chứa dầu, theo thứ tự.

Liên quan đến sức khỏe tâm thần, tham lam, sân hận, và si mê, được hiểu như là ba căn bệnh tâm lý trầm trọng. Đức Phật dạy rằng tham lam có thể chữa trị được bằng cách quán xét lấy cấu uế, sân hận bằng cách quán xét và thực hành nhân ái, và si mê bằng cách quán xét chân tánh của vạn vật và tu dưỡng lấy trí tuệ. Đây là những y dược mà Đức Phật khuyến khích tất cả mọi người sử dụng để chữa lành căn bệnh của cả thân và tâm.

Trong Kinh Phật Chuẩn Đoán, Đức Phật giải thích rằng vị lương y nên tiến hành bằng bốn biện pháp khi giúp đỡ một bệnh nhân. Vị lương y phải: 1) phát hiện ra nguồn gốc của căn bệnh, 2) đạt được sự hiểu biết thấu đáo về căn bệnh, 3) quy định loại thuốc thích hợp để chữa trị căn bệnh, và 4) hoàn toàn chữa khỏi căn bệnh không cho tái phát. Ngoài bốn tiêu chuẩn thông thạo này, một vị lương y giỏi luôn luôn thực hành với một tâm hồn rộng lượng khi điều trị bệnh nhân, coi họ như những người bạn thân yêu nhất của mình.

Đức Phật cũng xác định năm thực hành quan trọng đối với người chăm sóc - y tá, người trong gia đình, bạn bè, và mọi người khác - phải lưu ý khi chăm sóc cho bệnh nhân. Ngài khuyến khích người chăm sóc phải: 1) bảo đảm rằng bệnh nhân được trông nom bởi lương y tốt và giỏi, 2) thức dậy sớm và đi ngủ muộn hơn bệnh nhân và luôn luôn cảnh giác với nhu cầu của bệnh nhân, 3) nói chuyện với bệnh nhân bằng giọng nói êm ái và từ bi khi họ cảm thấy chán nản hoặc khó chịu, 4) nuôi dưỡng bệnh nhân bằng thực phẩm thích hợp với số lượng và khoảng thời gian chính xác, tùy theo bản chất của căn bệnh và theo sự hướng dẫn của lương y, và 5) nói chuyện trong sự khéo léo và nhẹ nhàng về Phật Pháp với bệnh nhân; hướng dẫn họ chăm sóc sức khỏe cho thích hợp với thân và tâm.

Sau hết, Đức Phật đưa ra lời khuyên nhủ cho bệnh nhân để giúp họ chữa trị nhanh chóng và triệt để. Ngài dặn các bệnh nhân rằng: 1) phải thận trọng và chọn lọc các thực phẩm, 2) tiêu thụ thực phẩm vào những khoảng thời gian thích nghi, 3) giữ liên lạc với các lương y và y tá, luôn luôn hành động thân thiện và ân cần đối với họ, 4) giữ lấy niềm triển vọng lạc quan hoặc hứa hẹn, và 5) tử tế và quan tâm đến những người đang chăm sóc cho mình. Đức Phật tin tưởng rằng nỗ lực hòa hợp giữa lương y, người chăm sóc, và bệnh nhân sẽ tạo ra kết quả tốt đẹp nhất trong việc điều trị. Đức Phật không phải là một vị y sĩ trung bình; Ngài là một đại lương y hiếm có với sự sắc bén và sáng suốt.

IV. Lý Thuyết Y Học Trong Phật Giáo
Theo y học Trung Hoa, các căn bệnh được gây ra bởi bảy nội tố và sáu ngoại tố. Các yếu tố bên trong là những mức độ cùng cực của hỷ lạc, giận dữ, lo lắng, đắn đo, buồn bã, sợ hãi, và khủng hoảng. Các yếu tố bên ngoài là lạnh, hè nóng, khô, nóng, ẩm ướt, và gió. Bảy yếu tố nội bộ, còn gọi là những cảm xúc, được xem là điều gây ra bệnh tật vì chúng trực tiếp ảnh hưởng đến sự hoạt động lành mạnh trong năm cơ quan chính của con người. Mức độ cùng cực của niềm hân hoan hay sợ hãi làm thiệt hại tim, giận dữ hại gan, lo âu hại phổi, tâm đắn đo hại lá lách, và khủng hoảng hại thận. Theo y học Trung Hoa, một đời sống tình cảm lành mạnh và quân bằng là điểm thiết yếu trong việc duy trì sức khỏe thể chất cá nhân.

Nhiều kinh điển Phật giáo khác nhau mô tả nguyên nhân của bệnh cũng tương tự như nhau. Ví dụ, Kinh Phật Chuẩn Đoán nói rằng có mười nguyên nhân và tình trạng của bệnh tật. Những lý do này là: 1) ngồi quá lâu trong một thời gian dài mà không di chuyển, 2) ăn quá nhiều, 3) buồn bã, 4) mệt mỏi, 5) ham muốn tình dục quá mức, 6) giận dữ, 7) trì hoãn đại tiện, 8) trì hoãn tiểu tiện, 9) giữ hơi thở, và 10) giữ hơi ga. Tiếp cận các nguyên nhân gây bệnh từ một góc độ hơi khác biệt, Đại Luận Xả Và Thiền Minh Sát vạch ra sáu nguồn gốc về bệnh tật. Chúng được mô tả là: 1) mất quân bằng trong bốn tứ đại (đất, nước, lửa, và gió), 2) thói quen ăn uống không đều đặn, 3) phương pháp thiền định sai lạc, 4) rối loạn bởi thần linh, 5) quỷ ám, và 6) nghiệp lực xấu. 
 
Căn bệnh bắt nguồn từ hầu hết các căn gốc này có thể được chữa khỏi nếu mọi người cải tiến cách ăn uống, ý thức hơn về quá trình tự nhiên của cơ thể, và cố nghỉ ngơi thật nhiều. Tuy nhiên, ba nguyên nhân sau cùng 4) - 6) có liên quan đến nghiệp quả, và ta phải thi hành để cải thiện cá tánh và thanh tịnh hóa tâm để hầu mong được chữa khỏi. Một người bị ảnh hưởng trong ba lý do sau cùng cần phải dành nhiều thời gian tu tâm, sám hối, và làm điều chân thiện. Chỉ có khi đó căn bệnh mới bắt đầu biến mất. 
 
Đại Trí Độ Luận (Mahaprajnaparamita Sastra) nói rằng căn bệnh được gây ra bởi các nguyên nhân và điều kiện từ nội bộ hoặc ngoại bộ. Tuy nhiên, Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) đề cập đến các nguyên nhân khác của bệnh tật, nhưng quá nhiều để liệt kê ở đây. Tất cả các lý thuyết về những nguyên nhân khác biệt của bệnh tật có thể được chia thành hai loại chính: A) sự mất quân bằng trong tứ đại và B) sự hiện hữu của tam độc tham, sân, và si. Sau đây là chi tiết bàn luận về hai phân loại này.

A. Mất Quân Bằng Của Tứ Đại
Theo Phật giáo, cơ thể được bao gồm bốn yếu tố (tứ đại) vô thường - đất, nước, lửa, và gió. Chỉ có thần thức được tái sinh một trong sáu cõi. Lý thuyết này là nền tảng của khoa học y tế Phật giáo Ấn Độ. Y học Trung Hoa tin rằng cơ thể được bao gồm một hệ thống đặc biệt của những mạch phụ để thuyên chuyển sinh lực (chi), máu, dinh dưỡng, và các chất hệ trọng thông qua năm giác quan và sáu vùng nội bộ trong cơ thể con người. Khi hệ thống lưu thông phức tạp này được di chuyển hợp thức, tứ đại nằm trong sự quân bằng, các bộ phận chính có thể thực hiện các hành động thiết yếu, và cơ thể giữ vững khỏe mạnh.

Súc Tích Luận Xả Và Thiền Minh Sát ghi rằng mỗi một trong tứ đại có thể gây ra 101 bệnh, với tổng số 404 bệnh có thể xảy ra. Mỗi phần tứ đại được kết nối với một số loại bệnh. Ví dụ, yếu tố đất có liên quan đến các bệnh làm cho cơ thể trở nên nặng nề, cứng, và đau đớn, chẳng hạn như viêm khớp xương; yếu tố nước công kích cơ thể gây ra tiêu chảy, đau dạ dày, khó tiêu hóa; yếu tố lửa gây ra sốt, táo bón, và các vấn đề đi tiểu; cuối cùng, yếu tố gió liên quan đến khó thở và nôn mửa.

Tập thứ ba của Nanhai Ji Gui Neifa Zhuan ghi rằng, "Nếu các căn bệnh liên quan đến tứ đại, chúng thường được gây ra do ăn quá độ hoặc cố gắng quá sức.” Sự mất quân bằng trong tứ đại và kết quả của các bệnh tật cũng có thể xảy ra do lối ăn uống không phù hợp với bốn mùa. Khi bốn mùa thay đổi và nhiệt độ biến chuyển từ mát tới lạnh tới ấm tới nóng, điều quan trọng là phải cải cách lối ăn uống trong một phương thức mới để cho phép cơ thể hoạt động tốt nhất. Trong Kim Quang Minh Kinh (Suvarnaprabhasottama Sutra), một thanh niên hỏi cha là vị y sĩ, "Làm thế nào để chúng ta chữa khỏi nỗi khổ đau của nhân loại và trị lành các căn bệnh phát sinh từ sự mất quân bằng trong tứ đại?” 
 
Vị y sĩ trả lời đứa con trai rằng, "Chúng ta sống qua bốn mùa mỗi ba tháng, hoặc sáu mùa mỗi hai tháng trong một số địa hạt trên thế giới. Dẫu rằng bốn hay sáu, chúng ta phải sống theo từng mùa, ăn thực phẩm tương ứng với nóng và lạnh, ấm áp và mát mẻ. Bằng phương pháp này, cơ thể chúng ta sẽ được lợi ích. Một vị y sĩ giỏi có đủ khả năng quy định các thực phẩm và thuốc men chính đáng để thích hợp với tứ đại và nuôi dưỡng cơ thể bệnh nhân trong từng mùa riêng biệt. Khi mỗi mùa và thực phẩm cân đối, cơ thể do đó cũng được quân bằng."

Ăn uống với số lượng vừa phải và cải chính những gì chúng ta ăn tùy theo những thay đổi của từng mùa là hai yếu tố quan trọng để duy trì sự quân bằng giữa tứ đại và cho phép sinh lực lưu hành không chút cản trở qua toàn cơ thể. Chúng ta tự động mặc quần áo khác biệt khi những mùa thay đổi để thoải mái và được che chở vì sự biến chuyển của nhiệt độ hay tình trạng thời tiết. Nếu chấp nhận lấy thực hành này và điều chỉnh lại cách ăn uống đối với thời tiết và mỗi mùa, chúng ta tự giúp cơ thể giữ vững quân bằng và chống lại bệnh tật.

B. Tham Lam, Sân Hận, và Si Mê
Tham, sân, và si, đôi khi được gọi là "tam độc", cũng là lý do tại sao mọi người cùng bị tai họa với bệnh tật. Khi một ai bị mắc kẹt vào bất kỳ một trong những trạng thái tinh thần suy nhược này, chúng ta tự mở cửa và mời mọc bệnh tật vào. Kinh Duy Ma Cật (Vimaỉakirti Sutra) ghi rằng, "Tất cả các bệnh tật tôi đang mang bây giờ được chuyển hóa từ những ý nghĩ hão huyền mà tôi đã có trong quá khứ ... bởi vì con người chấp thủ vào một "bản ngã", phiền não và bệnh tật liền có cơ hội được nảy nở trong cơ thể họ.” Khi một người tự cho phép bản thân bị điều khiển bởi tam độc, các mối hiểm nguy về sức khỏe tâm lý và vật lý trở thành vô hạn và gây suy nhược. Những diễn giải sau đây đưa ra tầm nhìn sâu sắc về cách thức nào tham, sân, và si, gây nên bệnh tật:

1. Tham Lam
Tham lam được định nghĩa là niềm mong mỏi không phù hợp và quá lố cho một điều gì đó. Ví dụ, một người thường hay ăn quá độ khi có một bữa ăn hợp khẩu vị. Tham lam như thế có thể dẫn đến bội thực và thức ăn sẽ không được tiêu hóa bình thường. Hoặc, một người có thể rất thích thức ăn nọ khiến họ ăn quá mức hơn thường xuyên. Đây là loại tham muốn mà khi không thể nào được thỏa mãn có thể gây ra bệnh béo phì, mỏi mệt, và trở ngại về tim. Tham lam không bao giờ chẳng có hậu quả.

Con người cũng có những khát vọng quá lố qua kinh nghiệm giác quan. Trong Đại Xả Luận Giải và Thiền Minh Sát, có nhận định rằng quá nhiều chấp thủ với những gì chúng ta cảm nhận bằng âm thanh, mùi vị, thị giác, vị giác, và xúc giác có thể gây ra cả hai thứ bệnh tâm lý và thể chất. Một người bám víu vào kinh nghiệm của ngũ căn, có thể gây ra sự mất quân bằng trong tư tưởng hữu lý và khuấy động khả năng chọn lựa đạo đức. Những vấn đề về sức khỏe thể chất cũng có thể phát sinh. Trong lý thuyết sức khỏe Phật giáo, những người quá lệ thuộc vào ngoại hình sẽ bị bệnh gan. Những người quá lệ thuộc vào âm thanh sẽ bị bệnh thận. Những người quá lệ thuộc vào hương vị sẽ bị bệnh phổi. 
 
Những người quá lệ thuộc vào mùi vị sẽ bị bệnh tim mạch; và những người quá lệ thuộc vào sờ mó sẽ bị bệnh lá lách. Vì vậy, khi chúng ta chạm trán với vô số những cảm giác đó, mà chúng tự nhiên là một phần của đời sống thường nhật, tốt nhất là duy trì một thái độ cân xứng và thực hành Trung Đạo[4]. Để duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần cho được thuận lợi, Trung Đạo cũng là cách tốt nhất để tiếp cận ngủ nghỉ, ăn uống, và tập thể dục. Khi một người ngủ quá mức, họ sẽ không có một tâm trí sáng suốt. 
 
Khi một người ăn quá nhiều thực phẩm có chất lượng mỡ màng và đường cao, họ dần dần gia tăng nguy cơ đến sức khỏe và cuối cùng có thể phải đối mặt với căn bệnh kinh niên, như bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim. Trong xã hội vùn vụt hiện đại nhằm thúc đẩy mức lao động quá đáng và ngồi xem cả hàng giờ truyền hình, mọi người không tập thể dục đầy đủ, và rồi thế nào sự việc này cũng có ảnh hưởng bất lợi đến cơ thể. Hơn nữa, hiện nay mọi người luôn luôn tiếp xúc với môi trường ồn ào và căng thẳng, có thể làm cho họ bệnh hoạn dễ dàng hơn. Nếu một ai giảm thiểu lòng tham lam và khát vọng, và tiếp cận cuộc sống với thái độ Trung Đạo, họ sẽ tiến đến một cuộc sống lành mạnh hơn.

2. Sân Hận
Quyển thứ mười bốn của Đại Trí Độ Luận (Mahaprajnaparamita Sastra) ghi rằng, " Sân hận là cảm xúc độc hại nhất so với hai loại độc kia; tác hại của nó vượt xa tất cả các phiền não khác. Trong chín mươi tám sự giày vò[5], sân hận là điều khó khăn nhất để khuất phục; trong tất cả các vấn đề tâm lý, sân hận là điều khó khăn nhất để chữa trị." Mặc dù sân hận là một vấn đề tâm lý, nó cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về thể chất. Ví dụ, khi lo âu và giận dữ nảy sinh ra ở một người, các mạch máu siết lại, gây ra độ tăng áp huyết, và do đó vượt thêm phần nguy cơ cho cơn đau tim.

Khi viết về sự sân hận, Hòa thượng Punengsong từ triều đại nhà Thanh nói với chúng ta rằng, Một y sĩ giỏi luôn luôn phát hiện Nguyên nhân gây ra căn bệnh ban đầu. Sân hận rất là tai hại Cho những ai mắc bệnh. Mối liên hệ giữa nhịp tim bệnh nhân Và căn bệnh thật là tinh tế. Với đơn thuốc chính xác, Chúng ta có thể chữa lành bệnh tật.

Khi bác sĩ khám bệnh nhân để xác định nguyên nhân gây ra căn bệnh và kê toa thuốc đúng quy định, một trong những điều quan trọng nhất của sự điều trị là làm dịu cảm xúc của bệnh nhân. Giận dữ gây cho máu lưu thông không đều hòa, có thể tạo ảnh hưởng hiểm hại trên toàn bộ cơ thể. Nó hoạt động như một sự tắc nghẽn, khiến cho thân thể và tâm trí khó tiếp thu trong lúc chữa trị. Khi những cảm xúc kích động được giảm dần và bệnh nhân có thể trải nghiệm một cảm giác an lạc, sự hồi phục sẽ dễ dàng hơn và nhanh chóng hơn. Giận dữ và thù hận đặc biệt là điều bất lợi cho quá trình điều trị, và trong thực tế, thường làm vấn nạn thêm phần trầm trọng.

3. Si Mê
Khi một kẻ ngu muội, họ không thể hiểu được hoặc nhìn thấy những điều như chính sự chân thật. Đa số trong chúng ta đều như vậy khi nói đến bệnh tật. Chúng ta không thể nào hoặc không sẵn sàng xem xét tận gốc rễ của căn bệnh. Thay vì xác định rõ ràng các nguyên nhân và kết quả chân thực để giúp chúng ta triệt tiêu bệnh tật, và thay vì sử dụng trí tuệ để hướng dẫn chúng ta đến sự chăm sóc đích đáng, chúng ta lại đi đường tắt và trở thành phân tâm bởi những biện pháp vô hiệu quả. Đôi khi chúng ta tìm kiếm một "cách chữa lẹ làng,” sử dụng những phương pháp vô căn cứ, những lối điều trị phản khoa học, và các bác sĩ hư giả. Trong khi đó, chứng bệnh thường gây cho chúng ta khổ não về cả hai mặt thể chất và tâm thần. Sử dụng lấy trí tuệ để điều tra ra nguyên nhân thực sự của căn bệnh sẽ giúp chúng ta đặt chân lên con đường đi đến mức phục hồi toàn hảo và lâu dài.

Trong khi thường thường các triệu chứng của căn bệnh cơ thể dễ dàng phát hiện, chúng ta vẫn không biết gì về chứng bệnh tâm lý. Chúng đi theo ta như bóng với hình. Chúng ta không quán sát những cấu trúc của tâm với trí tuệ và nhận thức, và thế nên sức khỏe tâm lý kém cỏi liền bám theo sau. Nếu chúng ta vẫn còn mù quáng về các căn bệnh tâm lý, những trở ngại đó có thể gia tăng và gây ra chứng bệnh nghiêm trọng hơn trong cơ thể. Các nhà khoa học hiện đại đồng ý rằng mức cùng cực của cơn giận dữ, vui mừng, lo âu, sợ hãi, buồn bã, và những cảm xúc khác có thể ảnh hưởng đến một thân thể lành mạnh. 
 
Theo nghiên cứu y học gần đây, "Khi một người không vui vẻ, tức giận, hay bị áp lực, não bộ của họ phát tác ra các kích thích tố được gọi là adrenaline và nor- adrenaline, có thể hoạt động như loại độc tố." Hơn nữa, nếu cơ thể bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc cực đoan qua một thời gian dài, căn bệnh gây ra bởi sự mất quân bằng vì mặt tâm lý hoặc sự căng thẳng sẽ khó khăn hơn để chữa trị. Ví dụ, sự hỗn loạn tiêu hóa bắt nguồn từ trạng thái tâm lý lâu dài sẽ thật khó khăn điều trị hơn căn bệnh khó tiêu hóa do một yếu tố bên ngoài. Với bằng chứng khoa học, và không chỉ là lý thuyết tôn giáo, những cảm xúc thật sự có ảnh hưởng đến hoạt động lành mạnh của cơ thể. Vì vậy, là điều lợi ích tột cùng nhất cho chúng ta trau dồi nhận thức về tình trạng cảm giác, xử lý cảm giác cho thích đáng, và không nên quá gắn bó hay bị điều khiển bởi cảm giác.

Trong Phật giáo, có tám vạn bốn ngàn phương pháp được sử dụng để chữa trị tám vạn bốn ngàn căn bệnh. Ví dụ, Đức Phật dạy rằng để loại trừ tham lam, một người có thể quán chiếu sự ô nhiễm. Khi một người thiền định về ô nhiễm, họ sẽ trải nghiệm được sự giảm thiểu cho cơn khát vọng. Đức Phật dạy mọi người bị thống trị bởi cơn giận dữ hay sự thù hận phải thực hành lòng từ bi bao quát và rồi bớt dần thái độ thù nghịch. Khi họ cảm thấy mình trở nên giận dữ, phải lưu tâm đến ý nghĩa của lòng nhân ái. Bằng cách đó, họ sẽ hiểu rằng khi cơn giận nổi lên không phải là một phản ứng chính đáng hoặc hữu ích. Dần dần, lời nói và suy nghĩ dữ dằn sẽ tiêu tan.

Nếu con người còn si mê, họ nên quán sát nhân quả và luật vô thường, để giúp họ nuôi dưỡng những tư tưởng không chấp thủ. Không có gì khởi sinh bên ngoài sự phụ thuộc căn bản và không có gì khởi sinh sẽ kéo dài vĩnh cửu; tất cả các hiện tượng sẽ có một ngày chấm dứt sự hiện hữu. Khi tất cả mọi thứ hành xử như hạt bụi, chỉ đến và đi, thì có mục đích gì để gắn bó với nó? Nhận thức rằng không có gì ngoại lệ đối với vô thường sẽ giúp định hướng lại tâm thức chúng ta từ si mê sang trí tuệ và cho phép chúng ta sống với sức khỏe tổng quát khả quan hơn.

Đạo sư Hàn Sơn Đức Thanh từ triều đại nhà Minh nói: "Không một ai có thể bệnh, già, chết, hoặc sinh ra thay thế cho ai. Đau khổ này, chỉ có người đó gánh chịu. Tất cả cay đắng và ngọt bùi một người phải tự chính mình trải qua." Nếu chúng ta có thể chấp nhận khổ đau là điều không thể nào tránh khỏi và thấy vô thường trong sự thanh thản, việc đó cũng giống như uống một thang thuốc tuyệt hảo nhất. Vì vậy, khi chúng ta điều chỉnh lại những cảm xúc, khuất phục được tính khí giận dữ, và hành động rộng lượng đối với người khác, chúng ta sẽ nhận diện được lối đi qua các vấn nạn của cuộc đời một cách dễ dàng hơn và giảm thiểu cơ hội sanh xôi bệnh tật. 
 
Nếu chúng ta áp dụng những nguyên tắc của y học Phật giáo để nuôi dưỡng tâm linh và phục hồi cơ thể, lòng quảng đại sẽ nẩy sinh từ tánh tham lam, lòng từ bi sẽ nẩy sinh từ cơn giận dữ, một trí tuệ sẽ nẩy sinh ra từ thức vô minh, và sức khỏe sẽ nẩy sinh từ cơn bệnh tật. Khi chúng ta xử lý với các độc hại của tâm linh và hành động bằng sự thanh thản trong mọi tình huống, đó là sự hài hòa của thân và tâm vì thế bệnh tật sẽ bị trấn áp.

V. Y Dược Của Phật giáo
Sự xuất hiện của một căn bệnh liên quan chặt chẽ đến sức khỏe tâm thần, sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm linh, tư cách, thói quen, môi trường sống, và thậm chí luôn cả xã hội và văn hóa, mà một người đang sống. Hòa đồng tất cả những yếu tố này và xúc tiến vào những thực hành cụ thể có thể giúp đem lại một sức khỏe tối ưu và ngăn ngừa bệnh tật. Thu nhập thêm nhận thức về nguyên nhân gây ra bệnh tật và cư xử cuộc đời bằng phương cách nuôi dưỡng và duy trì sức khỏe tốt đẹp cho lâu dài, và rồi chúng ta tự thăng tiến sự lành mạnh tổng quát. Đức Phật cho chúng ta vài điều khuyên nhủ và thực hành mà được coi như là loại y dược sử dụng cho tất cả các khía cạnh của cuộc đời:

Thưc Hành Thói Quen Ăn Uống Lành Manh: Thành ngữ Trung Quốc có câu, "Vấn nạn được gây nên bằng lời nói thoát ra từ cửa miệng; bệnh tật gây ra bằng thực phẩm cho vào cửa miệng." Bằng sự thận trọng và chừng mực với những gì chúng ta tiêu thụ là một thực hành quan trọng cho sức khỏe an khang. Trước khi dùng bất cứ thức ăn nào, chúng ta nên xác định xem thực phẩm có được tươi tốt, có được rửa sạch sẽ, và số lượng nào hợp lý để ăn. 
 
Kinh Phật Đại Thừa Kế ghi rằng, "Khi chúng ta ăn, chúng ta nên coi thực phẩm như y dược, vì tiêu thụ quá nhiều hoặc quá ít đều không lành mạnh. Một hạn lượng đều đặn và thích đáng có thể hỗ trợ cơ thể, trị cơn đói, dịu cơn khát, và ngăn ngừa bệnh tật. Như ong hút nhụy, chúng chỉ tiêu thụ những gì cần thiết, nhưng không phạm đến toàn bộ cánh hoa." Như ngài Xingshi Chao nói, chúng ta nên cải cách các loại thực phẩm chúng ta dùng tùy theo mùa, tiêu thụ tổng hợp các loại thức ăn khác nhau để duy trì trạng thái cân bằng cho cơ thể. Cơ thể của chúng ta dễ bị nhuốm nhiều loại bệnh tùy theo từng mùa, và lối ăn uống ý thức theo thực tế này cho ta cơ hội khả quan hơn để giữ gìn sức khỏe.

Quy chế của Tu viện Chan nêu lên năm quán chiếu để lưu tâm khi chúng ta dùng bữa: Tôi chấp nhận nỗ lực cần thiết, Để trồng trọt và nấu nướng thức ăn; Tôi tri ơn cội nguồn thực phẩm. Trong việc quán chiếu đạo đức này; Nếu toàn hảo trong tâm và tim, Tôi xứng đáng hưởng cúng dường này. Tôi sẽ tự chính mình bảo vệ tâm, Từ những bẫy rập của lỗi lầm; Tôi sẽ tự bảo vệ bản thân mình, Đặc biệt chống lại tham lam. Đê trị một thân thê suy nhược, Tôi tiêu thụ thực phâm này nhưy dược. Đặt bước chân lên con đường, Của sự tu dưỡng tâm linh; Tôi chấp nhận lấy thực phâm này, Như một sự cúng dường.

Một người phải duy trì lối ăn uống quân bằng và xem thực phẩm bằng thái độ thanh thản. Khi cơ thể chúng ta tiêu thụ số lượng thực phẩm chánh đáng, những cơ quan tiêu hóa sẽ hoạt động đúng mức, và sự trao đổi thể chất sẽ" trong tình trạng ưu tú, do đó ngăn ngừa các chứng bệnh tiêu hóa và các vấn đề sức khỏe khác. Khi lưu tâm và biết tri ân với các thực phẩm mà chúng ta tiêu thụ sẽ góp phần cho sức khỏe tâm thần cũng như cơ thể.

Thiền Định: Tâm chúng ta luôn luôn khám phá thế giới xung quanh và kết quả là những ý tưởng hão huyền luôn luôn sinh và diệt. Tâm quá mức hoạt động hiếm khi nào có cơ hội để nghỉ ngơi. Những dòng tư tưởng liên tục mà chúng ta trải nghiệm có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung mà chẳng khi nào gián đoạn và có tác động tiêu cực đến đời sống thường nhật. Ngoài các nguy cơ cho sức khỏe tâm lý, sinh lý của một người cũng có thể bị ảnh hưởng bất lợi bởi số lượng hoạt động tinh thần quá cực độ. Bộ não có thể ngừng hoạt động đích đáng do những ý tưởng lộn xộn không ngớt hay trường hợp kích thích tâm thần trầm trọng. 
 
Ví dụ, khi ta trải nghiệm một sự ngạc nhiên to lớn, khuôn mặt có thể chợt đổi màu, bàn tay và bàn chân trở nên lành lạnh, và khả năng tập trung thông thường sẽ bị sút kém. Tuy nhiên, nếu họ hít một hơi thở thật dài để hạ xuống nhịp tim đập và trầm tĩnh những cảm xúc, sự hiện hữu của sự thanh thản sẽ trở lại với cơ thể trong trạng thái bình thường và cơ hội làm nguy hại bất kỳ các bộ phận thiết yếu nào sẽ được giảm thiểu.

Qua việc thực hành thiền định bằng cách hít thở chậm chạp và tập trung vào hơi thở, tâm lý và sinh lý lành mạnh của một người có thể thăng tiến rất đáng kể. Trong Y Học Chan, được viết bởi một y sĩ Nhật Bản, ba lợi ích đặc trưng cho thân thể xuất phát từ thiền định đề cập tới: 1) tăng trưởng sinh lực và kéo dài thời gian của tuổi thanh xuân, 2) cải tiến mức tuần hoàn của máu, và 3) hồi phục hệ thống nội tiết[6]. Bằng thiền định, cơ thể của chúng ta đạt được một trạng thái cân bằng tốt đẹp hơn và sự hô hấp trở thành quy định. Tâm trí trở nên tập trung, rõ ràng, và thứ tự. 
 
Những khát vọng từ từ phân hủy và những tư tưởng bất chánh được loại trừ. Khi tâm chúng ta trong sáng và tập trung ở bất kỳ lúc nào, ngay cả khi đi, ngồi, và ngủ, chúng ta sẽ được an lạc và yên bình, đặt kết quả cuối cùng của sức khỏe tổng quát nằm ở một cao độ khả quan hơn - cả về tinh thần lẫn thể chất. Đạo sư Tianti Zhizhe thừa nhận rằng thiền định tác động thật đáng kể đối với sức khỏe tổng quát. Ông nói rằng nếu thiền định được luyện tập thường xuyên và áp dụng cho mọi sự việc hằng ngày cùng với trí tuệ, tất cả 404 bệnh có thể được chữa khỏi.

Với tâm thần được tự tại từ sự kiệt quệ và hỗn loạn bởi những suy nghĩ miên man, chúng ta có thể thực hiện những điều quan trọng trong cuộc sống, thay vì chỉ đơn thuần nghĩ ngợi đến dự định làm. Bằng hành động, thay vì chỉ nghĩ suy, một người có thể trải nghiệm đích thực hơn qua từng thời điểm và sau rốt trực diện với sự thật của cuộc sống.

Tôn Kính Đức Phât: Những lợi ích khi tôn kính Đức Phật thì vô hạn và trong nhiều hình thức, nuôi dưỡng cả hai phần sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Cúi lạy Phật làm tăng cường sức mạnh và dẻo dai cơ thể. Khi một người cúi lạy, phần cổ, bàn tay, cánh tay, thắt lưng, và bắp chân duỗi ra, khiến toàn bộ cơ thể có cơ hội được luyện tập. Bằng cách duỗi dài cơ thể, độ cứng đờ của toàn thân được giảm thiểu và máu huyết lưu thông tăng trưởng, do đó làm bớt nguy cơ sanh bệnh.

Mặc dù cúi lạy dẫn đến những lợi ích cho cơ thể, hành động cúi lạy và phúc lợi thu hoạch thì liên quan nhiều với trạng thái tâm thần hơn là hoạt động thân thể. Tâm hiện hữu khi cúi lạy thật vô cùng quan trọng. Khi chúng ta cúi lạy, phải nên tôn kính và chân thành, tập trung thật lắng sâu trong lúc cúi xuống lạy chầm chậm. Bằng cách tỏ lòng tôn kính theo phương pháp này, chúng ta quán tưởng Đức Phật và rồi mở rộng trọng điểm để bao gồm vô lượng chư Phật trong tất cả muôn hướng. Khi chúng ta tỏ lòng tôn kính với vô lượng chư Phật, vô lượng chúng sinh cũng được lợi lạc. Chúng ta, Đức Phật - trong thực tế tất cả chân tâm bổn tánh đều là không. 
 
Tuy nhiên, mặc dù là tánh không, nếu cúi lạy trước Đức Phật với tâm chân thành và tôn kính, một kinh nghiệm tâm linh tuyệt diệu có thể xảy ra. Quán xét sự thật của tánh không dạy cho chúng ta phải định hướng lại bản ngã của con người và nhận thức ra rằng khái niệm về cái tôi chỉ là ảo tưởng. Cúi lạy, do đó được thi hành không chỉ để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Đức Phật và tất cả chư Phật, mà còn là một phương cách hữu hiệu để loại bỏ vô minh, giảm bớt sự chấp thủ vào cái tôi, lần diệt gánh nặng của nghiệp, và tu dưỡng sự thực tập tâm linh. Như chúng ta thấy, cúi lạy là một cử chỉ lành mạnh để nuôi dưỡng cả thân và tâm.

Sám Hối, xưng tội là một thực hành để giúp khôi phục và duy trì sức khỏe. Nó cũng giống như nước trong rửa sạch bùn bẩn từ trong tim và bụi bặm từ trong tâm. Câu chuyện về Quốc sư tên là Ngộ Đạt cho chúng ta một ví dụ về cách sám hối có thể là nhân tố trị bệnh. Quốc sư Ngộ Đạt đã giết một người trong kiếp sống trước đó. Để tìm cách trả thù trong những kiếp sống vị lai, người đàn ông kia tái sinh thành một mụt nhọt ở chân Quốc sư Ngộ Đạt. Không có vị lương y nào có thể chữa khỏi mụt nhọt nọ vì nó là biểu hiện của Quốc sư Ngộ Đạt ác nghiệp. Sau khi tìm thấy sự hướng dẫn của một vị A La Hán đã giúp ông nhận định việc làm bất chánh của mình, Quốc sư Ngộ Đạt ăn năn trong thành tâm, rửa sạch vết thương bằng nước tinh khiết, và mụt nhọc kia tự biến mất. 
 
Chỉ có tâm sám hối mới có thể chữa trị được sự đau đớn của Quốc sư Ngộ Đạt. Như vậy, tất cả chúng ta phải sám hối những lỗi lầm và điều sai lạc với Đức Phật và nguyện không lặp lại những hành vi tương tự mà tạo tác thêm ác nghiệp. Ngoài ra, với trái tim và tâm trí của một vị Bồ Tát, chúng ta có thể từ bi sám hối cho tất cả các chúng sinh, do đó sẽ bớt dần sự khổ đau cho họ cũng như chính mình. Theo tâm lý, sám hối được xem là sự buông xả của những tư tưởng không tinh khiết và cảm giác tội lỗi, mà chúng hành động như độc tố trong cơ thể. Nó làm thuyên giảm bao gánh nặng tinh thần và khử trừ cơ hội mắc bệnh.

Tung Mât Chú1: Mật Chú có nhiều quyền lực trong việc chữa trị bệnh tật khi tụng bằng tâm chân thành, tập trung sâu sắc, và ý định chính đáng. Chú Đại Bi và Chú Phật Dược là hai ví dụ như vậy. Khi tụng, mỗi Mật Chú tạo ra số lượng công đức to tát và có tác dụng chữa bệnh và biến đổi tuyệt vời.

Niêm Phât: Nhiều người khốn khổ bởi vì lo âu, kích động, mong cầu không thiết thực, và suy nghĩ hão huyền. Những hành hạ này không chỉ làm phiền toái đến sức khỏe tâm lý và kết cuộc lại hại mất đi một phần sức khỏe bản thân, chúng cũng cản trở khả năng để cảm nhận sự chân thật của cuộc sống và đạt đến giác ngộ. Khi chúng ta niệm Phật, sự hành hạ của những suy nghĩ bất chính và viễn vông sẽ chấm dứt và tâm giận dữ sẽ tan biến. 
Tim hạ nhịp xuống, tâm được tỉnh thức và tinh khiết, và không có tham, sân, si, hoặc những độc tố khác sẽ phát sinh, do đó cho chúng ta được bảo vệ mỹ mãn hơn để khỏi mắc bệnh và đưa chúng ta ra khỏi vòng mê muội. Niệm Phật cũng giúp giảm bớt ác nghiệp, triệt tiêu bao nhiêu lầm lỗi nhiều như cát sông Hằng. Một câu nói Phật giáo dạy cho ta rằng, "Niệm Phật một câu làm giảm đi một ác nghiệp, và cúi lạy Đức Phật là tăng thêm thiện nghiệp." Như vậy, niệm Phật là một thực hành hữu hiệu để chữa lành các phiền não của tâm và thân, cũng như gây lợi lạc trong việc tu dưỡng, và đánh thức chúng ta thấy được sự thật của cuộc sống.

Sử Dung Chánh Phap Như Y Dươc: Thế giới chúng ta đau yếu ở phạm vi rộng lớn của các bệnh tật hiện đại, trong khi không thực sự phân loại là các bệnh y tế tiêu chuẩn, vẫn gây ra quá nhiều khổ đau và cần phải được điều trị. Một số này là các thứ bệnh môi trường, trong đó bao gồm ô nhiễm, hủy hoại tài nguyên, và tiếng ồn ào, và các bệnh xã hội, bao gồm bạo động, quấy rối, duy vật, bắt cóc, và tội phạm. Ngoài ra còn có, bệnh giáo dục, chẳng hạn như hành hạ thể chất và tinh thần của học sinh và càng ngày càng thiếu tôn trọng với nhà trường, và các bệnh kinh tế, chẳng hạn như lạm dụng, tham lam, và tham nhũng. 
 
Còn có các bệnh tôn giáo, mà có thể được giải thích như mê tín dị đoan, các tôn giáo khuyến khích thực hành bạo động, và những giải thích sai lạc về khái niệm tôn giáo. Những bệnh giao tiếp ám chỉ đến bội tình, đa thê, và hãm hiếp, và các bệnh tâm thần bao gồm ghen ghét, nghi ngờ, và oán giận. Chúng ta có thể tìm sự giúp đỡ của một vị bác sĩ cho bệnh sinh lý, nhưng những căn bệnh được liệt kê trên chỉ có thể được chữa khỏi bằng nỗ lực phát triển cá tính, tu dưỡng trí tuệ, và thực hành Giáo Pháp. 
 
Phật giáo có thể được sử dụng như một y dược để trị những tư tưởng hiểm họa và suy đồi, mà chính chúng tạo ra điều kiện cho tất cả các căn bệnh nói trên. Một tâm thanh tịnh tạo ra một thế gian tinh khiết, và Giáo Pháp kỳ diệu là y dược toàn hảo để hướng dẫn chúng ta đến những suy nghĩ lành mạnh, hành vi chân thiện, với cuộc sống yên vui.

Đặc biệt, lục độ Ba La Mật[7] có thể được sử dụng để chữa sáu loại bệnh trong Phật giáo: 1) Rộng lượng chữa trị tham lam, 2) Trì giới chữa trị phạm giới, 3) Nhẫn nhục chữa trị hận thù, 4) Tinh tấn chữa trị giải đãi, 5) Thiền định chữa trị tâm nhiễu loạn, và 6) Bát Nhã (trí tuệ) chữa trị vô minh. Y dược của lục độ Ba La Mật cho phép chúng ta điều phục tâm và kiến tạo ra mối an bình và hòa hợp với tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống. Khi chấp nhận lấy Phật Pháp, chúng ta có thể giải quyết những xung đột trong cuộc sống thường ngày một cách dễ dàng hơn, và phát triển một tâm trí lành mạnh và một cá tính độ lượng.

VI. Sự Đóng Góp Của Các Tu Sĩ Vào Y Học
Tại Ấn Độ, hầu hết các tu sĩ được đào tạo đại tài trong năm ngành khoa học, đặc biệt là y học, mà họ cần phải học hỏi. Bởi vì kiến thức y học là điều bắt buộc đối với những tu sĩ, trong suốt lịch sử Phật giáo có rất nhiều vị y sĩ, các học giả y tế, và nhiều từ ngữ y học nổi tiếng. Ví dụ, trong các kinh điển Phật giáo, chúng ta tìm thấy vô số tài liệu tham khảo và nhiều thảo luận về y học. Bằng chứng cũng cho thấy rằng Phật giáo đã có những đóng góp thật đáng kể vào thế giới y học, không chỉ bằng sự phát triển về những lý thuyết và phép tắc đáng phục về sức khỏe, mà còn thông qua lối thực hành trung thực. Trong khi không phải là một danh sách toàn hảo, sau đây là những tường thuật ngắn gọn về các Đại sư đã nổi bật trong lịch sử y học Phật giáo.

Ở Trung Quốc, Đại sư Phật Đà Tăng Ha đã được xem là Quốc Sư danh dự của nhà Đông Chu với các hoàng đế Shile và Shihu. Ngài đặc biệt tài ba về cách tụng điều trị và thực hành y học. Ngài chăm sóc nhiều bệnh nhân bị tê liệt, lúc họ đau đớn và tuyệt vọng trong việc tìm kiếm phương pháp điều trị. Đại sư Phật Đà Tăng Ha không bao giờ từ bỏ họ, trung thành dành cả con tim của ngài để chăm sóc cho họ, quy định y dược thích hợp, và tìm cách chữa dứt khỏi căn bệnh.

Đại Sư Zhu Fatiao đến Trung Quốc từ Ấn Độ, và hầu hết ở lại trong Chùa Changshan trong suốt khoảng thời gian. Ngài nổi tiếng với khả năng chữa bệnh cho mọi người và những bệnh nhân khởi đầu cuộc hành trình hàng trăm dặm đến tìm ngài giúp đỡ. Sau khi phân tích bệnh tình tỉ mỉ và quy định cách điều trị thích hợp, hầu như tất cả các bệnh nhân của ngài đều được khôi phục lại sức khỏe an lành.

Đại sư Faxi sống vào thời đại nhà Đường. Khi cư ngụ ở điện phủ, ngài tự đảm nhận hoàn toàn trách nhiệm cho tất cả các nhu cầu và chăm nom cho bệnh nhân, luôn cả dọn dẹp tiểu tiện của họ. Ngài không bao giờ phàn nàn về nhiệm vụ này hoặc xem đó là việc dơ bẩn hay khó khăn. Ngược lại, ngài luôn luôn nhiệt tình và vui vẻ khi gặp bệnh nhân. Cả bệnh nhân và tu sĩ đồng ca ngợi hành vi từ bi này của ngài. Đại sư Faxi không những trị bệnh thân thể, ngài cũng kiên nhẫn mang lại cho họ những kiến thức về Phật pháp để an ủi khi họ cảm thấy tuyệt vọng hay đau đớn.

Phật giáo được ghi nhận đã đóng góp trong việc chữa bệnh cùi, một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mà mọi người thường xa lánh. Tuy nhiên, nhiều Phật tử đã chọn lựa không né tránh những nạn nhân của bệnh cùi, thay vì vậy họ hành động để giúp đở giảm bớt nỗi khổ đau và chữa trị căn bệnh hiểm nghèo. Nhiều vị tu sĩ cố nỗ lực thật tuyệt vời để giúp bệnh nhân phong cùi, chăm sóc, khuyến khích, thay đổi băng bó, rửa phần nhiễm dơ lở loét, và cả giặt dủ. Những vị này đã hy sinh cuộc đời mình bằng cách thực hiện các công tác mà hầu hết mọi người tránh xa. Sự dịu dàng của họ gây xúc động cho muôn người.

VII. Kết Luận
Như chúng ta đã thảo luận, thật nhiều những căn bệnh về thân và tâm gây vấn nạn cho chúng ta và tạo tác ra bao đau khổ. Trong khi lý thuyết y học Phật giáo thừa nhận và điều trị các ảnh hưởng hiểm nguy của thân bệnh, tâm bệnh được xem là hiểm họa nhất cho sức khỏe và hạnh phúc. Theo Phật giáo, con người khổ đau từ căn bệnh khi họ:

Không thể
Ổn định tâm an lạc
Kiểm soát cơn giận dữ
Giải tỏa mối hận thù
Điềm tĩnh tim sợ hãi
Xóa tan buồn lo lắng
Không thể
Chấm dứt lời tranh cãi
Ngưng đọng cuộc đấu tranh
Khiêm nhường và khoan dung
Yên lặng khi thích đáng
Quân bằng sinh lực khỏe
Không thê
Chịu đựng đời gian nan
Theo cuộc sống đơn giản
Thực hành nghi thức đúng
Dứt sợ hãi tử vong
Chỉnh ý thức sai lầm

Tất cả các loại bệnh này gây ra do tập tính quá chấp thủ của chúng ta - tới ý tưởng, niềm tin, con người, ngoại hình, sở hữu, cảm xúc, địa vị, hoặc kinh nghiệm - với bất cứ một điều gì. Nếu chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa thực sự của sự buông xả và bản chất chân thực của tánh không, và điều trị lấy tất cả các căn bệnh bằng tri thức này, lúc đó chúng ta sẽ có y dược toàn hảo và nhiệm mầu để loại bỏ bao gốc rễ của bệnh tật. Cả hai phần thân và tâm cần được chăm sóc, và y dược của Phật giáo là biện pháp khắc phục lý tưởng. Sử dụng chánh Pháp để trị lành tâm thức, và con đường tiến tới sức khỏe thực sự sẽ mở rộng ra cho bạn. 
Chúc các bạn nhiều sức khỏe và hạnh phúc!
_______________________________

[1] Tam Tạng Kinh là kinh sách về giáo huấn của Phật Giáo, bao gồm Kinh (thuyết pháp của Đức Phật), Luật (giới và luật của Đạo Phật), và Luận (lý luận về giáo huấn của Đức Phật)

[2] Y học là một trong năm môn học bắt buộc cho các tu sĩ. Bốn môn kia là ngôn ngữ, hội họa và toán học, lô-gic, và triết lý Phật Giáo.

[3] Theo y học Trung Hoa, sinh lực là năng lượng hay lực sinh sống được vận chuyển qua toàn thân thể; sức lực hệ trọng này lưu hành trong toàn thể vũ trụ.

[4] Khi thực hành Trung Đạo, một người tránh cả hai cực đoan giải đãi và khổ hạnh.

[5] Đôi khi còn được ám chỉ là "quyến rũ" hay "nỗi khốn khổ", những thứ tâm giày vò này như tham lam, giận dữ, hôn trầm, ganh ghét, và nhiều loại khác, ngăn chặn một cá nhân đồng trụ vào tâm chính đáng, cơ bản, và thanh tịnh

[6] Hệ thống của những tiếp tuyến tiết ra nội tiết tố (hocmon) trực tiếp vào bạch huyết cầu hay mạch máu.

[7] Thật xác nghĩa là "vượt qua bờ bên kia," ba la mật là những đức tính cơ bản của con đường Bồ tát.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/12/2010(Xem: 4683)
Hoa lơ (súp lơ) là loại rau rất tốt cho sức khỏe, nó chứa nhiều vitamin và khoáng chất, có lợi cho tiêu hóa, dễ chế biến, ăn ngon miệng mà không bị béo.
12/12/2010(Xem: 5362)
nếp vo sạch, cho dầu ăn, nước lá dứa và nước dừa (dừa non sợi để dành riêng để làm nhân) trộn đều ngâm một đêm, vài tiếng sau xới gạo nếp...
12/12/2010(Xem: 14855)
Trộn đều hai loại “ham” chay. Sau đó, trộn đều các vật liệu còn lại (gồm gà chay, đậu Hòa Lan, cà-rốt, nấm mèo, củ hành). Nêm muối, tiêu cho vừa ăn.
12/12/2010(Xem: 6006)
Cho vào chảo 1 tí dầu (1 teaspoon), chờ nóng cho cua vào đảo cho chín, trút ra bát cho nguội, xong cho mayonaise, tiêu, bột muối tỏi, hành lá vào trộn đều...
12/12/2010(Xem: 6542)
Bắc chảo lên bếp lửa trung bình, chảo khô, cho chút dầu ăn vào, cho hành tây vào xào cho thơm, cho "ham" chay, thịt chay và đậu xanh tán nhuyễn...
11/12/2010(Xem: 7371)
Bắt khuôn bánh khọt lên bếp lửa trung bình. Khi khuôn nóng, thao dầu đều, hay dùng chai PAM sịt vào khuôn. Múc một muỗng bột đổ vào khuôn khoảng 2/3 khuôn...
11/12/2010(Xem: 4035)
Nấm đông cô, nấm mèo ngâm nước cho nở, rửa sạch, vắt ráo, thái sợi. Nếu dùng hành lá: rửa sạch, thái nhỏ. "Ham" chay (hoặc đậu hủ) chiên vàng, thái sợi.
11/12/2010(Xem: 6811)
Nếp vo sạch, ngâm 6 tiếng đồng hồ cho mềm. Khi nếp nở, vớt ra cho ráo nước. Trộn 2 muỗng cà-phê muối, xốc cho thật đều.
08/12/2010(Xem: 4434)
Uống nước là một trong những cách đơn giản nhất mà bạn có thể làm cho bản thân. Bằng cách chọn nước tinh khiết, sức khỏe sẽ được cải thiện nhờ tránh xa được những hợp chất gây hại.
06/12/2010(Xem: 10480)
Ăn đậu rất tốt cho sức khỏe song không phải ai cũng biết chế biến sao cho ngon…
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]