Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

8. Ðậu Nành Và Bệnh Tim Mạch

14/06/201114:14(Xem: 4015)
8. Ðậu Nành Và Bệnh Tim Mạch

ĐẬU NÀNH - NGUỒN DINH DƯỠNG TUYỆT HẢO
Biên Soạn: Tâm Diệu

Chương 2
ĐẬU NÀNH VÀ NGĂN NGỪA BỆNH TẬT

Bệnh Tim Mạch

Trong mười năm qua, số người chết ở Hoa Kỳ vì bệnh tim mạch tương đối đã bớt đi, phần lớn nhờ vào những thay đổi lối sống hàng ngày của người dân, chương trình giáo dục quốc gia về cholesterol của chính phủ và những tiến bộ trong cách trị liệu bệnh nghẽn mạch vành tim (coronary artery disease) và bệnh tai biến mạch máu não (stroke), như là kỹ thuật giải phẫu ráp nối mạch vành tim (coronary artery bypass surgery). Tuy nhiên, ở Hoa Kỳ, bệnh nghẽn mạch vành tim vẫn dẫn đầu về nguyên nhân làm chết người và bệnh tai biến mạch máu não vẫn đứng hàng thứ ba. Người viết gọi chung các bệnh nghẽn mạch vành tim, nhồi máu cơ tim (heart attack), bệnh tai biến mạch máu não hay nhồi máu não (stroke), bệnh suy tim (congestive heart failure), bệnh nghẽn mạch máu chân, và bệnh cao huyết áp là bệnh tim mạch.

Chắc có lẽ bạn đã biết về tầm mức quan trọng của cholesterol trong máu và sự tác dụng của chất mỡ béo (fat) và chất xơ (fiber) ảnh hưởng đến hàm lượng cholesterol và mức độ nguy cơ lâm bệnh tim mạch. Nhưng phần lớn chúng ta không biết đến chất dinh dưỡng khác ngoài chất mỡ béo và chất xơ. Loại protein chúng ta ăn có thể xác định chúng ta bị những bệnh liên hệ đến tim mạch hay không, và protein đậu nành giúp chúng ta giảm lượng cholesterol như thế nào.

Bệnh Tim Là Gì?

Trái tim của bạn có kích thước bằng một nắm tay. Nó có nhiệm vụ bơm máu đến tất cả các mạch máu trong cơ thể hầu liên tục cung cấp máu tươi mang theo chất dưỡng khí (oxygen) và những chất dinh dưỡng tới các bộ phận cơ thể. Sau khi giao dưỡng khí, máu trở về phổi tiếp nhận dưỡng khí mới. Lẽ dĩ nhiên, giống như các bắp thịt khác, trái tim cũng cần cho chính nó dưỡng khí và các chất dinh dưỡng, mà nó lấy từ dòng máu lưu chuyển qua hệ thống mạch vành tim (coronary arteries). Chuyển động bóp nhả của trái tim để bơm máu gọi là nhịp đập (heartbeat). Trung bình một ngày 24 giờ, nhịp tim đập của bạn là 100.000 lần. Trong suốt 70 năm sống của bạn, trái tim thân yêu của bạn phải đập liên tục không ngừng nghỉ 2 tỷ 500 triệu lần (2.500.000.000).

Khi chúng ta ra đời, toàn bộ hệ thống mạch máu của chúng ta sạch sẽ, máu luân lưu dễ dàng và trái tim bơm máu làm việc bình thường. Dần dà theo thời gian, mạch máu chúng ta bị chất mỡ béo và cholesterol xấu bám và tích tụ vào bờ thành xung quanh mạch máu, làm mạch máu nhỏ hẹp lại và do đó trái tim phải bơm mạnh hơn và áp xuất máu gia tăng, đây gọi là áp huyết cao (high blood pressure), và là yếu tố chính (major risk factor) trong các yếu tố nguy hiểm đến bệnh tim mạch.

Nếu mạch máu bị ngăn cản hoàn toàn, máu không thể lưu thông được. Các bộ phận cơ thể tùy thuộc vào các mạch máu này để tiếp nhận dưỡng khí và các chất dinh dưỡng do máu đem đến sẽ chết. Khi một phần của bộ phận tim không nhận đủ dưỡng khí, phần bộ phận đó chết và bệnh nhồi máu cơ tim xảy ra (heart attack).

Tiến trình làm cứng và nghẽn các mạch máu bởi cholesterol và các chất mỡ béo được gọi là tiến trình xơ cứng động mạch (atherosclerosis). Đây là một tiến trình phức tạp, có lẽ bắt đầu với mức lượng cao của cholesterol trong máu tạo nên một số hư hại cho xung quanh bờ thành mạch máu. Hút thuốc lá cũng góp phần vào tiến trình này.

Ở các quốc gia Tây phương, những người già thường hay bị xơ cứng động mạch. Tuy nhiên có một số quốc gia khác trên thế giới, nơi mà có chế độ dinh dưỡng khác với người Tây phương lại không. Các khoa học gia cho biết rằng ở Hoa Kỳ, tiến trình xơ cứng động mạch bắt đầu từ lúc còn trẻ. Trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, các nhà khoa học đã giải phẫu gần 2.000 quân nhân Mỹ tử thương để nghiên cứu về các vết thương chiến tranh. Họ lấy làm ngạc nhiên khi thấy ba phần tư binh lính tử trận này, có tuổi trung bình là 22, đều có tình trạng xơ cứng động mạch. Giai đoạn bắt đầu của tiến trình xơ cứng động mạch cũng tìm thấy ngay ở trẻ em. Vì thế chúng ta không ngạc nhiên khi thấy thống kê cho hay là 45 phần trăm các nạn nhân bị bệnh nhồi máu cơ tim (heart attack) là những người dưới 65 tuổi.

CHOLESTEROL Và Bệnh Tim Mạch

Nhờ cuộc Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai người ta đã khám phá ra rằng tại những nước, vì thiếu thịt và các thực phẩm có nguồn gốc từ thịt đành phải ăn rau đậu thì lại có tỷ xuất chết về bệnh tim mạch thấp.

Vì cuộc quan sát này mà các nhà khoa học đã phát khởi những cuộc nghiên cứu sâu rộng khác về sự liên hệ giữa việc dinh dưỡng và bệnh tim mạch. Một công trình nghiên cứu lớn nhất thế giới được thực hiện từ năm 1949 và vẫn còn tiếp diễn đến ngày nay với 5.000 người nam và người nữ tham dự ở Framingham, thuộc bang Massachusetts. Trong số những kết quả được công bố là những người đàn ông 50 tuổi có lượng cholesterol cao hơn 295 mg/dl có mức độ nguy cơ lâm bệnh nhồi máu cơ tim (heart attack) nhiều hơn 9 lần những người có lượng cholesterol 200 mg/dl. Ngoài ra, họ không tìm thấy một người nào có lượng cholesterol dưới 150 bị bệnh nhồi máu cơ tim.

So sánh với Hoa Kỳ, nơi mà tỷ xuất tử vong về bệnh tim mạch là một phần hai, tại thành phố Thượng Hải (Sanghai) Trung Hoa, tỷ xuất tử vong về bệnh tim mạch chỉ có một phần mười lăm. Trung bình cholesterol tại Thượng Hải là 165, so sánh với Hoa Kỳ là 200.

Cũng nên biết, ở Hoa Kỳ, hơn 100 triệu người có hàm lượng cholesterol cao trên 200, với phân nửa những người này có hàm lượng trên 240. Thêm vào đó có 26 triệu trẻ em có mức lượng cao hơn bình thường của lứa tuổi. Theo Drs. M.S. Brown and J.L. Goldstein, khôi nguyên Nobel Prize về cholesterol thì hàm lượng trung bình tự nhiên của cơ thể trong khoảng từ 100 đến 150 mg/dl. Mức cholesterol này được thấy nơi những vùng dân số có chế độ dinh dưỡng ít chất béo và nhiều chất xơ.

Nhưng tổng cộng hàm lượng cholesterol trong máu mới chỉ cho thấy một phần. Thực tế chúng ta có loại cholesterol xấu, có loại cholesterol tốt. Chúng tôi sẽ trình bày rõ ràng sau đây.

Có Mấy Loại CHOLESTEROL?

Cholesterol là một chất giống như chất béo, hoặc chất sáp (wax), đóng một vai trò quan trọng trong việc kiến tạo các tế bào và sản xuất một số kích thích tố (hormone) và vitamin D. Bởi vì tính chất của cholesterol giống như chất béo, tự nó không thể lưu thông được trong dòng máu nên phải nhờ một loại protein để chuyên chở. Đó là lipoprotein. Hỗn hợp protein, chất cholesterol, và chất béo được gọi tên chung là lipoprotein.

Một số lipoprotein được gọi là HDL (High-Density Lipoprotein), và một số được gọi là LDL (Low Density Lipoprotein), tùy thuộc tỷ trọng của hỗn hợp lipoprotein thấp hay cao. Hai loại này rất là khác biệt nhau về nhiệm vụ. LDL chuyển vận cholesterol tới các mô cơ thể. Nếu bạn có nhiều LDL cholesterol, bạn sẽ có cholesterol nổi bềnh bồng trong dòng máu, mà nó có khuynh hướng thích kết tụ xung quanh bờ thành các mạch máu tạo nên tình trạng xơ cứng động mạch. Hàm lượng LDL cholesterol càng cao càng nguy hiểm cho các bệnh tim mạch, ngay cả ở lứa tuổi còn trẻ. Ngược lại, HDL mang cholesterol trở về gan, để gan phá vỡ và loại bỏ ra khỏi cơ thể hay tái sử dụng. Thực tế, HDL kéo cholesterol ra khỏi bờ thành xung quanh các mạch máu về gan để thải hồi. Vì thế, HDL cholesterol là loại cholesterol tốt có tác dụng ngăn ngừa bệnh tim mạch.

Nếu tổng số lượng cholesterol ở mức trung bình hay thấp hơn thì tốt, nhưng điều quan trọng là nên so sánh hai con số HDL và LDL. HDL cao và LDL thấp vẫn luôn luôn tốt hơn.

Phần lớn cholesterol, khoảng 80% tức khoảng 1000 mg hàng ngày, là do gan sản xuất ra bằng cách kích thích chất béo bão hòa [saturated fats]. Việc gan kích thích chất béo bão hòa để sản xuất ra cholesterol giúp ta thấy được một điều là khi chúng ta dùng một loại thực phẩm tuy không có cholesterol nhưng lại chứa nhiều chất béo bão hòa thì cơ thể con người cũng có cơ làm gia tăng hàm lượng cholesterol, như khi chúng ta dùng dầu dừa hay nước cốt dừa để nấu ăn chẳng hạn.

Một phần cholesterol khác, khoảng 20% tức khoảng 300 mg là do chúng ta ăn trực tiếp các thực phẩm có nguồn gốc thịt động vật như là thịt, cá, tôm, cua, sò ốc, trứng, bơ, sữa. v..v... Nên nhớ là các thực phẩm có nguồn gốc thực vật không có cholesterol.

Cơ thể chúng ta tự sản xuất đủ hàm lượng cholesterol cần thiết hàng ngày, vì thế chúng ta phải ngăn ngừa không cho lượng cholesterol lên cao qua việc điều hòa chế độ ăn uống [diet] bằng cách loại bỏ tất cả thực phẩm có nguồn gốc thịt động vật vì thịt động vật có hai thứ làm gia tăng LDL cholesterol (xấu), là chất béo bão hòa saturated fat và cholesterol.

Tập thể dục thường xuyên cũng như không hút thuốc, không uống rượu và ăn một vài loại rau trái cây như cam, chuối, cà rốt, khoai lang, bí ngô và tỏi, cũng có thể giúp tăng lượng HDL cholesterol (tốt) trong máu.

Chất Béo Bão Hòa (SATURATED FAT)

Loại bỏ các thúc ăn có chứa cholesterol là một điều quan trọng, nhưng có một điều quan trọng khác không kém là phải hạn chế việc tiêu thụ chất béo bão hòa. Chất béo bão hòa cũng làm gia tăng nhiều cholesterol xấu LDL. Chất béo bão hòa tìm thấy nhiều nơi thịt, các thực phẩm bơ sữa và lòng đỏ trứng gà. Cũng tìm thấy nơi dầu dừa, dầu palm, chocolate cùng các bánh kẹo biến chế bán trên thị trường.

Triglycerides không phải là cholesterol mà là chất béo [fats], được cung cấp bởi các loại thực phẩm chúng ta ăn vào và cũng do cơ thể chúng ta tự sản xuất ra qua tiến trình chuyển hóa năng lượng. Triglycerides gồm có ba loại mà chúng ta được biết đến qua danh từ y khoa là fatty acids hay phổ thông hơn là: (1) chất béo bão hòa [saturated fats], (2) chất béo không bão hòa đơn tính [monounsaturated fats], và (3) chất béo không bão hòa đa tính [polyunsaturated fats].

Tất cả chất béo chúng ta ăn từ bất cứ nguồn gốc thực phẩm nào cũng chứa ba loại chất béo này, nhưng có hàm lượng khác nhau. Phần lớn chất béo từ thực phẩm có nguồn gốc thịt động vật là loại chất béo bão hòa. Chất béo từ thực phẩm không có nguồn gốc thịt bao gồm cả ba loại.

Chất béo dùng để tạo năng lượng hoạt động cho cơ thể. Mỗi gram chất béo cung cấp 9 kilo ca lo ri, trong khi ấy mỗi gram chất đạm [protein] hay chất carbohydrate [chất đường] cung cấp 4 kilo ca lo ri. Số ca lo ri dư thừa sẽ được hoán đổi thành triglyceride và dự trữ ở các mô tế bào dưới dạng mỡ.

Như trên đã trình bày, chất béo bão hòa là loại chất béo xấu vì nó có khuynh hướng làm gia tăng lượng cholesterol xấu LDL trong máu. Ngược lại chất béo không bão hòa ở cả hai dạng được xem là chất béo tốt vì nó có khuynh hướng làm giảm lượng cholesterol xấu LDL.

Hàm lượng tổng cộng cholesterol, cholesterol tốt HDL, cholesterol xấu LDL và chất béo triglycerides trong máu được đo lường để thẩm định mức độ nguy hiểm báo trước có thể xảy ra chứng bệnh nhồi máu cơ tim hay còn gọi là động tim (heart attack) và chứng bệnh tai biến mạch máu não (stroke).

Như vậy lượng cholesterol và triglycerides bao nhiêu gọi là cao? Theo Viện Quốc Gia Tim, Phổi, Mạch Hoa Kỳ và Chương Trình Quốc Gia Giáo Dục Cholesterol thì hàm lượng cholesterol và triglycerides được khuyến cáo như sau:

Tổng Lượng Cholesterol Tinh Trạng
Dưới 200 mg/dl Bình thường
Từ 200 đến 239 mg/dl Ranh giới cao
Từ 240 hay cao hơn Cao
HDL CHOLESTEROL  
Từ 35 mg/dl trở lên Bình thường
Dưới 35 mg/dl Không tốt
LDL CHOLESTEROL  
Dưới 130 mg/dl Bình thường
Từ 130 đến 159 mg/dl Ranh giới cao
Từ 160 mg/dl trở lên Cao
TRIGLYCERIDES  
Dưới 200 mg/dl Bình thường (xem bên dưới)
Từ 200 đến 399 mg/dl Ranh giới cao
Từ 400 đến 999 mg/dl Cao
Từ 1000 mg/dl trở lên Rất cao
Tổng Số Cholesterol / HDL Bằng hay nhỏ hơn 5/1 là tốt

Trước đây, các nhà khoa học chỉ lưu tâm đến hàm lượng cholesterol trong máu để thẩm định mức độ nguy hiểm có thể xảy ra chứng bệnh đau tim và tai biến mạch máu não. Ngày nay họ đã nghiên cứu và khám phá ra rằng hàm lượng triglycerides trong máu cao cũng là dấu hiệu báo trước về bệnh tim mạch có thể xảy ra.

Trong một nghiên cứu khoa học, Bác sĩ Michael Miller, giám đốc cơ quan phòng ngừa bệnh tim mạch tại University of Maryland Medical Center ở Baltimore đã khảo cứu tình trạng chất béo triglycerides của 460 người nam và nữ ở lứa tuổi từ 30 đến 80 trong năm 1977 và 1978, và 199 bệnh nhân khác có kinh nghiêm về bệnh tim mạch trong suốt 18 năm sau đó, đã thấy rằng cả hai phái nam và nữ có lượng triglycerides trên 190 mg trong mỗi deciliter máu dễ bị bệnh tim gấp hai lần những người có lượng thấp hơn.

Nghiên cứu này cho rằng lượng triglycerides có tình trạng bình thường như trình bầy ở bảng nêu trên được xem là quá cao, không phù hợp với những khám phá mới.

Lượng bình thường chất béo triglycerides có trong máu được đề nghị là từ 35 đến 160 mg/dl.

Một nghiên cứu khác được thực hiện bởi Bác sĩ Robert Rosenson, giám đốc Preventive Cardiology Center at Rush Medical College ở Chicago cũng xác nhận kết quả trên và cho biết thêm là triglycerides ở mức lượng 190 mg/dl bắt đầu làm máu lưu chuyển chậm, cơ tim phải hoạt động nặng nhọc hơn.

Thay đổi chế độ ăn uống bằng cách giảm tất cả thực phẩm có chứa chất béo [low fat diet], có thể làm giảm cholesterol, nhưng không được nhiều. Chỉ có chế độ ăn thuần rau đậu ngũ cốc trái cây, không ăn thịt cá, tôm cua sò hến và trứng bơ sữa [vegan] là hữu hiệu nhất. Cholesterol trung bình của những người này là 150 mg/dl. Chỉ riêng chất xơ [fiber] có trong cám gạo, cám oat cũng có khả năng hữu hiệu làm giảm cholesterol. Vitamin C, E và Beta Caroten có nhiều trong rau quả nhất là đậu nành, cà rốt, khoai lang, broccoli và cam có tác dụng gia tăng lượng cholesterol tốt, làm cho máu lưu chuyển dễ dàng và loại trừ các cặn độc trong máu. Riêng đối với tỏi (garlic), không những có tác dụng làm giảm tổng lượng cholesterol mà còn có tác dụng hữu hiệu gia tăng hàm lượng HDL-cholesterol. Những nghiên cứu mới đây của trường đại học y khoa New York Medical College ở Valhalla cho biết, tỏi có khả năng làm giảm từ 10 đến 29 phần trăm tổng lượng cholesterol, giảm 7,5 phần trăm LDL-cholesterol, giảm 20% triglycerides và gia tăng 31 phần trăm HDL-cholesterol.

Tuy nhiên, những người ăn thực phẩm rau đậu thuần túy (vegan), làm việc văn phòng, lại không thường xuyên tập thể dục, thường có lượng chất béo triglycerides cao hơn bình thường (trên 190, có người cao tới gần 400). Điều này cũng dễ hiểu vì hàm lượng triglycerides có liên hệ mật thiết với sự thặng dư ca lô ri, bởi vì số ca lo ri không được tiêu dùng hết sẽ được cơ thể chuyển đổi thành triglycerides. Chất carbohydrate (chất đường) đóng một vai trò không nhỏ trong việc gia tăng lượng trigycerides.

Như trên đã trình bày, hàm lượng chất béo triglycerides cao trong máu cũng có độ nguy hiểm về bệnh tim mạch như là cholesterol. Vì thế những người ăn thực phẩm ra đậu, ngoài việc kiêng cữ chất đường và dầu, cần phải tập thể dục thường xuyên như là đi bộ nhanh hay tập aerobic bốn ngày một tuần và mỗi lần khoảng 40 phút. Tập thể dục thường xuyên, ăn nhiều rau trái cây có vitamin C, E và Beta Caroten cũng như là tỏi, có tác dụng làm giảm chất béo triglycerides, đồng thời lại có thể tăng thêm cholesterol tốt HDL và giảm cholesterol xấu LDL.

TRANSFATTY ACIDS

Tưởng cũng nên biết có một thứ chất béo tên gọi là transfatty acid, chưa được sắp loại, vì nó không phải là chất béo bão hòa hay chất béo không bão hòa. Nó được các nhà dinh dưỡng gọi là mỡ ma (phantom fat) vì chưa được liệt kê vào nhãn hiệu thực phẩm.

Transfatty acid được hình thành khi các nhà biến chế thực phẩm biến đổi dầu thảo mộc không bão hòa ở dạng thể lỏng sang dạng thể cứng hay biến đổi thành loại dầu thảo mộc thương mại có thể chiên nhiều lần và làm cho thực phẩm được dòn. Khi dầu được biến đổi như vậy nó có tính chất giống như chất béo bão hòa và vì thế trans-fatty acid có khuynh hướng làm gia tăng lượng cholesterol xấu LDL, đồng thời làm giảm lượng cholesterol tốt HDL, do đó gia tăng mức nguy cơ lâm bệnh tim mạch.

Hiện nay trans-fatty acid mằm trong thành phần monounsaturated fats hoặc không nằm trong thành phần nào, nơi nhãn hiệu thực phẩm. Vì thế những thực phẩm biến chế dưới dạng "deep fried" như chip, crackers, cookies và pastries đều có loại dầu ma này, mặc dầu nhà sản xuất quảng cáo là cholesterol free hay low saturated fats. Bạn muốn biết hàm lượng mỡ ma này bao nhiêu, hãy làm con toán. Thí dụ, nhãn hiệu thực phẩm potato chip ghi như sau:

Total fat: 15 grams
Polyunsaturated fat: 5 grams
Saturated fat: 2 grams
Monounsaturated fat: 1 gramNhư vậy, hàm lượng còn lại 7 grams, chính là trans fatty acids (15 grams - 8 grams = 7 grams)

OMEGA-3 FATTY ACIDS

Fatty acids là những đơn vị hóa chất căn bản của chất béo (fat). Nó có thể là saturated, mono-unsaturated hay poly-unsaturated, tùy thuộc vào số lượng phân tử atoms lập thành. Tất cả thực phẩm đều có đủ ba loại fatty acids này, nhưng với hàm lượng khác nhau.

Đậu nành có chứa một hàm lượng cao poly-unsaturated fatty acids và là nguồn omega-3 fatty acids, có khả năng làm giảm lượng cholesterol xấu LDL đồng thời làm gia tăng lượng cholesterol tốt HDL trong máu. Nhiều nghiên cứu khoa học đã xác nhận tiêu thụ nhiều omega-3 fatty acids có trong các loại thực vật như đậu nành, hạt pumpkin, walnuts, hemp, flax và các lá rau xanh giúp chống lại sự phát triển các căn bệnh về tim mạch. Tưởng cũng nên biết omega-3 fatty acids còn gọi là alpha-linolenic acid, gồm hai thứ EPA và DHA cũng có trong một vài loại cá biển và trong fish-liver oil supplements. Những loại nầy cũng có khả năng giống như omega-3 trong thực vật nhưng có thêm một cái không tốt là nó có tác dụng làm cho các phân tử tế bào cơ thể trở nên không ổn định, tức sản sinh ra các chất oxygen free radicals là những chất gây ra ung thư và gây xáo trộn chất insulin, sinh ra chứng tiểu đường. Vì thế các khoa học gia thuộc Viện Đại Học Arizona và Viện Đại Học Cornell đã công bố sự nguy hiểm của omega-3 fatty acid trong cá và dầu cá. Ngoài ra những nghiên cứu dân số Eskimos ở những vùng Greenland cho biết là tỷ xuất bệnh nhồi máu cơ tim có thấp nhưng ngược lại bệnh tai biến mạch máu não và bệnh xuất huyết mũi lại cao.

Phòng Ngừa Bệnh Tim Mạch Bằng SOY PROTEIN

Một vài nghiên cứu đầu tiên cho rằng protein đậu nành có tác dụng giảm lượng cholesterol trong máu đã được thực hiện bởi Drs. S.D. Koury và R.E. Hodges, M.D., thuộc University of Iowa Medical School, vào những năm 1960s.

Gần mười năm sau, vào năm 1977, Dr. C.R. Sirtori, M.D., thuộc University of Milan đã nghiên cứu về sự tác dụng của protein đậu nành với lượng cholesterol trong 1.000 bệnh nhân. Ông đã tìm thấy kết quả là protein đậu nành đã làm giảm tổng lượng cholesterol từ 8 đến 25 phần trăm và từ 15 đến 25 phần trăm hàm lượng LDL cholesterol. Kết quả này không có liên hệ với chất béo vì chất béo trước và sau thử nghiệm không thay đổi.

Trong suốt 25 năm qua, kể từ khi những cuộc nghiên cứu đầu tiên hoàn thành, nhiều nghiên cứu khác tiếp tục cũng cho những kết quả tương tự. Dr. Kenneth Carroll thuộc University of Western Ontario, Canada, đã lượng giá kết quả của 40 nghiên cứu khác nhau về tác dụng protein đậu nành và cho biết là 34 nghiên cứu đã cho thấy là cholesterol giảm trung bình 15 phần trăm.

Gần đây, một nhóm các nhà nghiên cứu Italian đã nghiên cứu sự tác dụng của protein đậu nành nơi những bệnh nhân có hàm lượng cholesterol cao familial hypercholesterolemia. Đây là những trường hợp mà đa số cao vì di truyền. Các nghiên cứu gia áp dụng chế độ dinh dưỡng low fat trong bốn tuần cho các bệnh nhân. Kết quả cho biết hàm lượng cholesterol không thay đổi. Sau đó họ thay thế hoàn toàn protein đậu nành cho các bệnh nhân. Kết quả cho biết là hàm lượng cholesterol giảm 26 phần trăm. Do kết quả tốt của những nghiên cứu này, Bộ Y Tế Quốc Gia Italy đã quyết định cung cấp miễn phí protein đậu nành cho tất cả bệnh viện điều trị cho bệnh nhân liên hệ đến tim mạch.

Trong một nghiên cứu khác, Dr. Susan Potter và các đồng nghiệp của bà thuộc Viện Đại Học University of Illinois đã thêm 50 grams protein đậu nành vào dinh dưỡng trong bốn tuần và kết quả cho thấy là hàm lượng cholesterol giảm thấy rõ. Với những người thật cao cholesterol, chỉ cần thêm vào 25 grams protein đậu nành cũng có kết quả tốt. Những kết quả này cũng tương tự như kết quả tìm thấy tại Nhật Bản, khi họ cho thêm 20 grams protein đậu nành vào thực phẩm cho những người đàn bà có tình trạng cholesterol bình thường. Sau một tháng, hàm lượng cholesterol những người này giảm 10 phần trăm.

Một trong những kết quả của những nghiên cứu mới nhất của University of Kentucky đã được đăng tải bởi the New England Journal of Medicine số ra ngày 3-8-1995. Bác sĩ James W. Anderson, M.D., giáo sư y khoa và dinh dưỡng cùng các đồng nghiệp của ông đã dùng máy vi tính phân tích 38 công trình nghiên cứu trong 7 năm thử nghiệm 730 người tình nguyện. Kết quả cho biết là cholesterol xấu LDL giảm 13 phần trăm nhưng không làm giảm cholesterol tốt HDL. Tiêu thụ 47 grams protein đậu nành một ngày trong một tháng làm giảm 9,3 phần trăm LDL cholesterol.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/01/2011(Xem: 3519)
Dưa leo, càng đặc ruột càng ngon, để vỏ, chẻ dọc moi bỏ hột, cắt xéo thành lát mỏng, xốc trộn với ít muối bọt...
11/01/2011(Xem: 3781)
Đậu hủ bóp nhỏ đem trộn với bún tàu + nấm rơm + nấm mèo + kiệu bằm nhỏ + 2 muỗng súp chao nghiền...
10/01/2011(Xem: 3265)
Cho dầu ăn vào chảo, khi dầu nóng, cho thịt chay vào xào chín, khoảng 5 phút.
09/01/2011(Xem: 3536)
Củ cải, cà rốt, củ đậu (củ sắn), trái táo gọt vỏ, thái miếng (trừ táo, táo để nguyên trái). Cho vào nồi, đổ nước ngập cao hầm lấy nước ngọt.
06/01/2011(Xem: 9828)
Nhiều chuyên gia Âu Mỹ cho rằng: Phật tử cũng như người Ấn Độ rất hiền hậu, không thích gây hấn, và rất dễ chung sống hòa bình với người khác. Nhìn Đạo Phật, thấy luôn, đó là những người mang tính hòa giải rất cao. Phật tử không chỉ hòa giải với người khác mà họ còn hòa giải với từng con vật bé nhỏ. Họ không sát sinh, như thể sợ rằng, mình ăn thịt chúng, rồi không thoát được kiếp luân hồi sinh tử, đến một ngày nào lại phải trở thành một con vật nào đó, để cho con vật đã từng bị mình ăn thịt ăn lại.
06/01/2011(Xem: 3406)
Lê, táo, ổi giòn trộn chua cay với các gia vị. Gỏi thanh tịnh vị rất mát, tao nhã.
06/01/2011(Xem: 3025)
Mít xé nhỏ hoặc thái theo chiều miếng mít. - Đậu hủ chiên vàng và thái nhỏ.
06/01/2011(Xem: 3276)
Nấm rơm gọt ngâm nước muối, rửa sạch, tai nào lớn chẻ làm tư, nhỏ chẻ hai, vắt ráo, xào qua nếm chút muối.
03/01/2011(Xem: 4707)
Lưu thông máu kém có thể là thủ phạm gây đau đầu, lạnh tay chân, mệt mỏi… Hãy thử những mẹo dưới đây xem sao nhé.
02/01/2011(Xem: 9103)
Món này chỉ có rau củ xào, một món chay nhẹ nhàng, thanh mát, ăn nhiều mà không lo béo.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]