Ăn chay đang dần trở thành xu hướng ẩm thực trong cuộc sống hiện đại ở các nước phát triển. Giữa cuộc sống bận rộn, hối hả, giới trẻ hiện đại thích đến những quán cơm chay để tìm cho mình những giây phút bình yên, hay tự chế biến những món ăn chay giàu dinh dưỡng, ấm cúng tại nhà để cùng thưởng thức với bạn bè và người thân.
Hiện nay, ở Việt Nam, phong trào “ăn chay vì môi trường” và sức khỏe trong giới trẻ đang diễn ra khá phổ biến.
Vì sao giới trẻ thích ăn chay?
Ăn chay trở thành xu hướng vì không chỉ những người theo tín ngưỡng tôn giáo hay giảm cân mới thực hiện ăn chay, mà tất cả mọi người không phân biệt tuổi tác hay giới tính đều có thể lựa chọn ăn chay như là một phương pháp phòng chống bệnh tật, giữ gìn vóc dáng, kéo dài tuổi thọ và nhiều người quan niệm ăn chay là để tâm hồn thanh tịnh, bình an. Nhìn những món ăn chay được trình bày một cách đẹp đẽ và ngon mắt khiến cho chúng ta vô cùng thích thú. Có thể khẳng định rằng, các thực phẩm chay cung cấp cho con người đầy đủ các chất dinh dưỡng cơ bản nhất bao gồm: chất bột, chất béo, chất đạm, chất xơ, các vitamin và muối khoáng. Nếu một người ăn chay mà ăn uống đủ lượng và có thành phần thực phẩm cân đối thì cũng có thể cao hơn và to lớn hơn người ăn thịt. Đặc biệt là có thể sống lâu hơn. Thực tế đã cho thấy, người Eskimo hoàn toàn ăn thịt thì tuổi thọ trung bình của họ chỉ là 36 năm, còn người Kogi (bộ tộc ở Peru - Nam Mỹ) ăn thuần chay thì tuổi thọ trung bình của họ lên tới 100 năm.
Ăn chay có lợi cho sức khỏe
Ở phương Tây đang xuất hiện “làn sóng ăn chay mới” không liên quan gì tới những người ăn chay truyền thống vì tôn giáo. Những người ăn chay mới chỉ có mục tiêu duy nhất: Giữ sức khỏe và giữ vóc dáng nên họ thích ăn hoa quả và ăn chay là ăn những thức ăn có nguồn gốc từ thực vật, không chứa dầu mỡ, các chất béo, chất gây lão hoá... Thực tế cho thấy, sử dụng thực phẩm chay không chỉ giúp chúng ta có thân hình cân đối mà còn giúp chúng ta làm đẹp, ví dụ như: ăn bưởi giúp giảm cân, ăn lạc vừng giúp giảm lượng mỡ trong máu, uống hà thủ ô cho mượt tóc... Theo các nghiên cứu khoa học, chế độ dinh dưỡng chay sẽ giúp cho việc phòng ngừa các bệnh liên quan đến tim mạch, trước hết là bệnh tăng huyết áp và bệnh mạch vành, những người ăn chay có chỉ số xơ vữa mạch máu thấp. Vì vậy, việc ăn chay được nhiều quốc gia trên thế giới khuyến khích thực hiện để phòng chống các bệnh mạn tính. Trong đồ ăn chay có ít cholesterol, ít acid béo, nhiều vitamin, có tác dụng chống ôxy hóa, nên các món chay rất thích hợp cho bạn nào muốn có vóc dáng thon gọn. Người ăn chay có tâm tính hiền hòa, dễ chịu. Ăn chay cung cấp đủ năng lượng và dinh dưỡng không thua gì ăn mặn. Khoa học đã chứng minh người ăn chay có khả năng dẻo dai và sức chịu đựng tốt hơn người ăn thịt. Người ăn chay thường có tuổi thọ cao hơn người ăn mặn. Theo nghiên cứu mới đây nhất thì thực phẩm chay có tác dụng rất tích cực đối với phụ nữ mang thai và trẻ em. Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, nếu bà mẹ trong thời kỳ mang thai lựa chọn món ăn chay có thể sinh ra những đứa bé hoàn toàn khỏe mạnh. Ngoài ra, cho trẻ ăn thực phẩm chay không những đảm bảo vệ sinh mà còn giúp cho trẻ khỏe mạnh, tâm trí an lành và có chỉ số thông minh cao.
Ăn chay tiết kiệm
Nguyên liệu để chế biến món chay là thực vật nên giá rẻ. Các bạn có thể tự chế biến những món ăn chay đơn giản như đậu hũ chiên, súp rau quả, các món rau xào thập cẩm, các món chế biến từ nấm… tại nhà đảm bảo vừa tiết kiệm, vừa an toàn vệ sinh thực phẩm. Món chay cũng có rất nhiều cách chế biến từ đơn giản đến cầu kỳ không thua gì món mặn. Nếu bạn nào khéo tay có thể mua sách hướng dẫn nấu món chay để thay đổi khẩu vị và đảm bảo dinh dưỡng. Theo các nhà khoa học, để sản xuất đạm động vật, ta phải tiêu tốn từ 3-15 lần lượng nước so với sản xuất đạm thực vật, để sản xuất 1 calorie thịt bò thì mất khoảng 78 calorie năng lượng nhiên liệu hóa thạch; 1 calorie thịt heo mất 35 calorrie năng lượng nhiên liệu hóa thạch… nhưng 1 calorie đậu nành thì chỉ bằng 1 calorie năng lượng nhiên liệu. Do đó, việc ăn chay sẽ giúp tiết kiệm nguồn nước cũng như nguồn nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ...). Tài nguyên nước, đất, rừng và các loại tài nguyên không tái tạo như than đá, dầu mỏ sẽ được hạn chế khai thác bởi việc ăn chay.
Bảo vệ môi trường
Khi nhận thức được ăn chay là một trong những giải pháp thiết thực và dễ dàng nhất để bảo vệ môi trường thì xu hướng ăn chay lại càng trở nên phổ biến, nhất là trong giới sinh viên. Các bạn trẻ đang ý thức được trách nhiệm của mình đối với môi trường và nhận biết được những tác động tiêu cực của ngành chăn nuôi đối với môi trường sống, để từ đó thấy được rằng việc giảm lượng thịt tiêu thụ trong các bữa ăn sẽ là một cách bảo vệ cân bằng sinh thái. Bảo vệ môi trường là nghĩa vụ của mỗi người, nhất là đối với các bạn trẻ. Nhiều người loay hoay với những chiến dịch lớn lao mà chưa biết rằng ăn chay cũng là một biện pháp bảo vệ môi trường hữu hiệu. Trong tình hình biến đổi khí hậu và sự nóng lên của trái đất, ngành chăn nuôi là một nguồn phát thải khí nhà kính rất lớn – là một trong những nguyên nhân gây ra sự biến đổi khí hậu, việc phá rừng để dành đất trồng trọt các thức ăn cho gia súc có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Khí CO2 phát thải từ ngành chăn nuôi nhiều hơn so với tất cả khói xe, tàu, máy bay trên toàn thế giới này thải ra. Vì ngành chăn nuôi là một trong những ngành có mối nguy hiểm đối với môi trường như vậy cho nên giảm lượng thịt tiêu thụ trong các bữa ăn là một biện pháp bảo vệ môi trường sống thiết thực.
Chúng ta có thể hiểu đơn giản rằng, ăn chay là không sát sinh. Các loài động vật sẽ được bảo vệ, được yêu thương che chở. Bảo vệ môi trường không còn là những điều xa vời nữa mà thực sự đơn giản nếu mỗi người thực hiện ăn chay và kêu gọi mọi người cùng giảm lượng thịt tiêu thụ trong các bữa ăn. Chiến dịch “ăn chay vì môi trường” là một chiến dịch mang ý nghĩa rất thiết thực để bảo vệ hành tinh của chúng ta.
Các cá nhân, câu lạc bộ hưởng ứng chiến dịch có thể ăn chay theo từng cá nhân, ăn chay theo nhóm, kêu gọi bạn bè, người thân, đồng nghiệp ăn chay tại nhà hoặc các cửa hàng ăn chay tại khu vực bạn đang sống và làm việc. Ăn chay mỗi tuần một ngày, mỗi ngày một bữa để tăng cường, bảo vệ sức khỏe, giúp cho cân bằng sinh thái và chống lại biến đổi khí hậu là việc làm thiết thực bảo vệ môi trường sống.
Theo Thanh Phúc - ĐS&SK