Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ý NGHĨA CỦA VIỆC ĂN CHAY TRONG PHẬT GIÁO

17/09/201001:21(Xem: 6205)
Ý NGHĨA CỦA VIỆC ĂN CHAY TRONG PHẬT GIÁO

Ý NGHĨA CỦA VIỆC ĂN CHAY TRONG PHẬT GIÁO
Hoang Phong

anchaytrongphatgiao-01Đã có rất nhiềusách vở, bài viết đề cập đến về vấn đề ăn chay. Mở lại chủ đề này có vẻ như đẩymột cánh cửa đã mở rộng, vì vậy bài viết ngắn này chỉ ước mong được đóng gópthêm vài ý kiến về ý nghĩa của việc ăn chay, giới hạn trong một vài quan điểmPhật giáo mà thôi.

Ăn chay thực sự không phải là một điểm đặc thùcủa đạo Phật vì nhiều tôn giáo khác cũng chủ trương ăn chay, thí dụ như trườnghợp đạo Ja-in của Ấn độ. Nhiều người không theo Phật giáo hoặc bất cứ một tôngiáo nào cả nhưng họ vẫn ăn chay rất nghiêm túc, trong số này có nhiều ngườiTây phương. Trái lại một số người Phật giáo thì lại ăn thịt cá. Như vậy ý nghĩathực sự của việc ăn chay theo tinh thần Phật giáo là gì?

Phần thứ nhất của bài sẽ điểm quavấn đề ăn chay dưới khía cạnh hiểu biết khoa học. Phần thứ hai nêu lên vài quanđiểm đại cương về việc ăn chay theo kinh sách Phật giáo và các học phái Phậtgiáo khác nhau. Phần thứ ba sẽ lạm bàn về vấn đề ăn chay một cách cởi mở hơn.

1. Ăn chay dướikhía cạnh khoa học

Con người là một sinh vật ăn chayhay ăn thịt? Khoa học cho biết một cách minh bạch rằng từ nguyên thủy con ngườilà một sinh vật ăn hoa quả, rễ, lá, củ và thân thực vật. Bộ răng của con ngườikhông phải là răng dùng để ăn thịt, nghĩa là không có nanh nhọn và dài. So vớikích thước của thân thể thì bộ ruột của con người quá dài, trung bình 18m. Đólà đặc tính của loài sinh vật ăn cỏ, vì ruột dài giúp hấp thụ các chất dinhdưỡng thấp trong thực vật hiệu quả hơn.

Tổ tiên loài người sống trên cây,sau đó thích ứng với đời sống dưới đất, và từ đó bắt đầu ăn thêm côn trùng bắtđược dưới những tảng đá, trong cỏ hay hốc cây… Khoa học gọi lối ăn này là lốiăn tạp, có nghĩa là ăn bất kể thứ gì. Thích ứng với đời sống dưới đất thì phảicanh chừng thú dữ chung quanh, vì thế mà tổ tiên con người phải tập đứng nhóntrên hai chân để nhìn thấy xa hơn, và nếu muốn thoát thân thì phải chạy bằnghai chân, vì chạy bằng hai chân sẽ nhanh hơn bốn chân. Đó là một vài trong sốrất nhiều lý do khác thúc đẩy sự tiến hoá của giống người.

Khi tổ tiên con người dần dần biếtđứng trên hai chân thì vị trí của đầu đối với xương sống cũng thay đổi, giúpcho sọ phát triển dễ dàng hơn về phía sau, tạo cho con người có bộ óc lớn hơn.Nhờ vào bộ óc phát triển lớn và hai tay được tự do nên con người biết sáng chếra dụng cụ như đá đẽo, cung tên…dùng vào việc săn bắt những con thú lớn và khônlanh hơn những loại côn trùng hay sinh vật nhỏ bé nấp dưới các tảng đá hay hốccây. Từ đó lối ăn tạp cũng biến đổi đi và con người bắt đầu ăn thịt nhiều hơn.

Theo dòng tiến hoá, con người biếttạo ra những dụng cụ ngày càng tinh xảo, giết được các con thú to lớn và hungdữ. Trong số những dụng cụ tinh xảo đó phải kể đến súng đạn và bom hạt nhânngày nay. Tiếc thay những khí cụ nguy hiểm này không còn dùng để săn bắn nữa,vì thú vật ngày càng trở nên quá ngây ngô và khờ khạo so với con người. Nhữngvũ khí ấy lại được con người mang ra dùng để giết hại lẫn nhau với mục đíchtranh giành và bảo vệ miếng ăn, mặc dù các nước hùng mạnh sản xuất được các khígiới ấy cũng đã có dư thừa thực phẩm.

Cũng nhờ vào bộ óc mà con người sángchế ra ngôn ngữ. Ngôn ngữ gồm nhiều loại khác nhau và ngày càng trở nên phứctạp hơn. Con người biết suy nghĩ về những vấn đề rắcrối và trừu tượng hơn, biết dùng những hình ảnh và biểu tượng để diễn đạt suytư của mình để rồi sáng tạo ra văn chương, thi phú, và cả…triết học. Con ngườibiết tìm ra mọi thứ thức ăn và ăn không chừa một thứ gì, lại còn sáng chế rathật nhiều món ăn thật cầu kỳ bằng da thịt của những sinh vật đủ loại.

Tuy nhiên thì những công trìnhnghiên cứu khoa học và thống kê y khoa, một sản phẩm khác của con người, đồngthời lại khẳng định là những người ăn chay có sức khoẻ tốt hơn, ít bịnh tậthơn, nhất là các bịnh về tim mạch và ung thư, và họ sống lâu hơn những người ănthịt. Nhờ vào những hiểu biết khoa học, rất nhiều người Tây phương cũng đã ănchay để tránh bớt ô nhiễm cho thân xác và hạn chế bớt sự tàn phá môi sinh, bớtđưa vào cơ thể những độc tố và lượng dinh dưỡng quá cao từ thịt và mỡ thú vật.Những bài viết về ăn chay theo chiều hướng này rất nhiều, lại được kèm thêmnhững chứng minh bằng thống kê, bằng những giải thích về y khoa, phân tích vềsinh hoá, sinh lý học v.v…

2. Ăn chay theoKinh sách nhà Phật và các Học phái Phật giáo

Tại sao phần lớn những người Phậtgiáo lại ăn chay? Đức Phật có bảo thẳng ta phải ăn chay hay không ? Những lờikhuyên dạy đó được ghi chép trong kinh sách nào? Những kinh sách đó có đíchthực hay không? Và thắc mắc cuối cùng mà một vài bài viết đã nêu lên là ĐứcPhật có…ăn chay hay không? Bất cứ mộtquan điểm khẳng định nào cũng đều có thể đưa đến những cuộc tranh luận bất tận,do đó phần trình bày dưới đây không có chủ đích trả lời trực tiếp các câu hỏitrên mà chỉ nêu lên và khai triển một vài khía cạnh của vấn đề mà thôi. Ngườiđọc sẽ tự tìm lấy những câu giải đáp thích nghi cho mình, dù rằng câu giải đápđó theo chiều hướng này hay chiều hướng khác.

Thật sự ra thì việc ăn chay do đạoJa-in chủ trương đã có từ thế kỷ thứ VI trước Tây lịch tức là trước hoặc cùngmột thời kỳ với Đức Phật. Ngoài ra khi Phật giáo Bắc tông được tái lập và bànhtrướng vững chắc vào thế kỷ thứ II sau Tây lịch và chủ trương một cách khẳngđịnh việc ăn chay thì tập tục này cũng đã được phổ biến rộng rãi trong dân gianrất lâu trước đó ngay từ thế kỷ thứ III trước Tây lịch, bằng cớ là hoàng đếA-Dục (Asoka, 304-232 trước TL) cũng đã ăn chay, cấm giết hại thú vật và khuyêndân chúng nên ăn chay.

Kinh sách nhà Phật thật phong phú,nhưng vấn đề khuyến cáo trực tiếp và chi tiết về việc ăn chay thì không hề thấyđề cập đến nhiều, có thể vì việc này là một điều quá đương nhiên đối với ngườitu Phật hay chăng? Kinh sách chỉ thường xuyên nhắc đến việc cấm sát sinh. Tuynhiên nếu nhìn trên một bình diện khác, ta cũng không nên chờ đợi và căn cứ mộtcách đơn giản và duy nhất vào kinh sách để chọn một cách xử thế thích hợp chota và môi sinh chung quanh ta. Ta không thể và cũng không nên tự ghép mình theokinh sách một cách từ chương. Kinh bảo thế nào thì làm thế ấy, còn nếu không bảothì tự do làm gì thì làm. Chúng ta cũng đã thấy cái tai hại của một vài truyềnthống mà các tín đồ tự buộc chặt vào những giáo điều bất di dịch.

Theo thống kê thì có tất cả là 58000 bộ kinh ghi chép những lời giảng huấn của Đức Phật. Con số khá lớn, dù choĐức Phật đã thuyết giảng trong bốn mươi lăm năm liền đi nữa. Đó là chưa kể đếnsố kinh sách bị mất mát, chẳng hạn như hàng triệu quyển kinh đã bị người Hồigiáo đốt sạch, thí dụ như trường hợp của thư viện Phật giáo tại Vườn Lộc Uyển(Sarnath) mà ngày nay chỉ còn sót lại một nền gạch mà thôi.

Có tất cả ba lần kết tập kinh điểnchính, lần thứ nhất xảy ra tại thành Vương Xá (Rajagrha) một năm sau khi ĐứcPhật tịch diệt. Lần thứ hai được tổ chức tại Vệ-xá-li (Vesali), 110 năm sau khiĐức Phật tịch diệt. Trong lần kết tập thứ hai đã thấy có nhiều bất đồngchính kiến giữa các tăng đoàn, nói chungthì có hai hệ phái khác nhau đã được nêu lên trong dịp này. Lần kết tập thứ balại còn rắc rối hơn nữa. Theo kinh điển tiếng Pa-li (Nam tông) thì lần kết tậpnày diễn ra tại Hoa-thị-thành (Pataliputra) vào năm 137 sau khi Đức Phật tịchdiệt. Theo kinh sách Bắc tông thì lần kết tập thứ ba được tổ chức chậm hơn, tứclà vào năm 160 sau khi Đức Phật tịch diệt, và theo các tài liệu này thì địađiểm kết tập cũng không phải ở Vệ-sá-li mà ở Ja-lan-đa-ra (Jalandhara, thuộcvùng Cachemire ngày nay). Trong lần kết tập thứ ba, đã thấy xuất hiện 18 hệphái và có bốn ngôn ngữ khác nhau được sử dụng để ghi nhớ những lời giảng huấncủa Đức Phật. Vì tính cách phức tạp và phong phú của kinh sách và giáo lý chonên trong lần kết tập thứ ba này có thể Tam tạng kinh gồm Kinh Luật, Kinh Tạngvà Kinh Luận đã được ghi chép bằng chữ viết (?),tuy nhiên không có dấu tích gìhay bằng chứng cụ thể nào lưu lại. Theo các học giả Tây phương thì các kinhđiển Nam Tông ghi chép bằng chữ viết chỉ bắt dầu xuất hiện từ thế kỷ thứ Itrước Tây lịch cho đến giữa thế kỷ thứ I sau Tây lịch; kinh sách Bắc tông thìcũng được ghi chép vào giữa thế kỷ thứ I trước Tây lịch và tiếp tục kéo dài chođến thế kỷ thứ VI đối với một số kinh sách xuất hiện muộn. Nói như thế để hiểurằng trên phương diện kinh sách ghi chép bằng chữ viết thì không thể khẳng địnhgiữa kinh sách Nam tông và Bắc tông thì kinh sách nào lâu đời hơn hay đích thựchơn. Trước đó, người xuất gia cũng như người cư sĩ tất cả đều phải học thuộclòng kinh điển để truyền khẩu cho nhau, hết thế hệ này sang thế hệ khác, hàngtrăm năm trước khi được ghi chép hẳn hoi trên lá bối. Lý do chính yếu là vàothời kỳ bấy giờ, những lời truyền khầu được xem như mang tính cách sinh động,thiêng liêng và tôn kính, hơn hẳn những gì khô khan ghi chép bằng chữ viết. Dođó việc truyền khẩu cũng là một hình thức tu tập, vì người xuất gia trước hếtphải học thuộc lòng kinh điển và người thế tục ít ra thì cũng phải trực tiếpnghe giảng và ghi nhớ.

Phương tiện truyền khẩu và sự xuấthiện muộn của kinh sách gián tiếp nhắc nhở chúng ta phải thận trọng và không nên căn cứ một cách từ chương và quácâu nệ vào kinh điển. Phật giáo Nam tông cho rằng không có giới luật nào trongPhật giáo ngăn cấm tín đồ không được ăn thịt. Trong số các kinh sách này thì cótập Trung bộ kinh(Majjhima-Nikaya), một trong năm tậpthuộc Kinh Tạng trong Tam tạng kinh, có kể câu chuyện về Đề-bà-đạt-đa(Devadatta), em họ và cũng là đệ tử của Đức Phật tự đứng ra chủ trương lối tukhổ hạnh. Người này xin Đức Phật ban giới cấm bắt buộc hàng tỳ kheo tuyệt đốikhông được ăn thịt, Đức Phật không chấp thuận và dạy rằng : « Ăn thịt có thể coi như trong sạch trong batrường hợp, người ăn không thấy, không nghe, không có lòng hoài nghi con vật bịgiết riêng cho mình». Tiểu sử về Đề-bà-đạt-đa do kinh sách ghi chép lạicũng khá rắc rối, đấy là một người có vẻ khá cực đoan và đã nhiều lần muốn ámhại Đức Phật.

Như vậy thì ta phải hiểu thế nào vềnhững luận cứ vừa kể trên đây? Ta biết rằng Đức Phật dạy ta phải giữ giới, vàđiều thứ nhất trong giới luật là cấm sát sinh. Khi còn tại thế thì Đức Phậtcũng đã tổ chức cách sinh hoạt của tăng đoàn sao cho phù hợp với Đạo Pháp vàmôi sinh, chẳng hạn như việc an cư kiếthạ. Mùa mưa ở Ấn độ là mùa hồi sinh của thiên nhiên và vạn vật, đấy là mùamà cây cỏ, côn trùng và muôn thú đều vươn lên sức sống, sinh sôi và phát triển.An cưđể tránh không vô tình tàn pháthiên nhiên và dẫm đạp lên những sinh vật nhỏ bé dưới chân. Phật dạy phải an cư, chẳng lẽ Phật lại cho phép ănthịt cá khi các đồ đệ của Ngài "khôngthấy, không nghe, không có lòng hoài nghi con vật bị giết cho riêng mình"?

ĐứcPhật thường nhắc đi nhắc lại câu sau đây trong kinh sách : "Các con phải cẩn thận, phải cảnh giác vàcanh chừng tâm thức của các con. Tâm thức luôn luôn tìm cách đánh lừa cáccon...". Tiếp tục ăn miếng thịt, khi không thấy, không nghe, không hoài nghivề nguồn gốc của miếngthịt, tức là cố tình mượn tâm thức của mình để tự đánh lừa mình đấy. Khái niệmvề tương liên, tương tác và tương tạo của Đạo Pháp cho biết rằng mỗi hành động,mỗi tư duy trong tâm thức và mọi hiện tượng chung quanh ta đều liên hệ và tươngtác với nhau một cách chặt chẽ. Sự kiện "không biết, không nghe, không hoài nghi" có thể tháo gỡ đượcquy luật tương liên của vạn vật hay chăng? Nếu như luật nhân quả cũng lỏng lẻonhư thế thì còn có giá trị gì nữa?

Chẳng hạn khi ta ăn thịt heo, tuyrằng ta không thấy, không nghe, khônghoài nghi con vật bị giết cho ta và vì ta,thì mỡ heo vẫn có thể làm nghẽntim mạch của ta, và nếu con heo bị sán lãi thì ta cũng có thể bị sán lãi nhưthường. Nói chung là ta sẽ gánh chịu trực tiếp hậu quả từ việc ăn thịt. Xungnăng thúc đẩy ta muốn ăn thịt, sự thèm khát đó chuyển thành hành động cụ thể đểmang lại nghiệp không tốt cho ta. Nghiệp nguyên nghĩa của nó là "hànhđộng" và "hành động" ăn một miếng thịt bắt buộc phải có một sinhvật đứng ra gánh chịu sự đau đớn và cái chết, sự đau đớn và cái chết ấy lànguyên nhân và động lực mang lại nghiệp không tốt cho ta, nhưng chỉ vì vô tâmmà ta không hề hay biết mà thôi.

Tuy nhiên vấn đề ẩm thực của Phậtgiáo nguyên thủy, nếu giữ đúng theo ý nghĩa và nghi thức được ghi trong kinhsách Nam tông thì thật là tốt : chỉ ăn một lần trước ngọ để giới hạn sự tham ănvà ăn quá nhiều ; khất thực và ăn bất cứ gì để tránh cho tâm thức không vướngmắc và lo âu vì miếng ăn ; ăn nguội lạnh và lẫn lộn mọi thứ thức ăn của ngườithế tục cúng dường trong bình bát để không xem đó là một nguồn thích thú, khôngkích động sự thèm khát, kén chọn hay bám víu. Kinh sách thuật chuyện về mộttrong mười sáu vị La-hán là ngài Tân-đồ-la Bạt-la-nọa-xà (Pindola Bharadvaja)như sau : vị La-hán này đã bốc ăn một cách bình thản ngón tay cái của một ngườimắc bịnh cùi hiến dâng thực phẩm và đã vô tình đánh rớt ngón tay lở loét củamình trong bình bát. Nhưng tiếc thay, ngoại trừ trường hợp của những vùng nôngthôn thuộc các quốc gia Nam tông ra thì việc khất thực không còn thích nghi vớitổ chức xã hội nơi đô thị ngày nay nữa. Hầu hết các chùa chiền ngày nay đều cóbếp núc để phục vụ tăng đoàn, chẳng lẽ các tỳ kheo lại không hề hay biết chuyệnấy để "cố tình" không bao giờ ghé vào bếp để không thấy, không nghe, không biết

Người Phật giáo Bắc tông ăn chaynghiêm túc hơn, nhưng lại ăn quá nhiều, ăn đến hai hoặc ba bữa và có khi ăn rấtcầu kỳ, bắt chước gần như thật các món ăn bằng thịt cá của thế tục : nhìn giốngnhư đúc, kể cả mùi vị cũng giống. Đó cũng có thể là một cách đánh lừa tâm thứcmình, nuôi nấng sự thèm khát và bám víu của mình. Vì thế người tu hành dù làngười xuất gia hay thế tục đều phải thật cảnh giác trong từng hành động củachính mình. Ý nghĩa trong hành động ăn chay quan trọng hơn là thực phẩm dùngvào việc ăn chay. Trong trường hợp mà ta không còn cưỡng lại được trước mộtmiếng thịt hay một miếng cá thì ta cũng nên nghĩ đến thân xác của một sinh vậtphải gánh chịu sự đau đớn và cái chết để mang lại sự thích thú cho ta và nuôidưỡng thân xác tứ đại của ta. Đồng thời khi đang nhai thịt của một sinh vật thìta cũng nên ý thức rằng thân xác của ta cũng vô thường như thế đó.

Đến đây có lẽ người đọc cũng đã tựtìm thấy câu trả lời cho các câu hỏi được nêu lên trước khi khai triển phânđoạn thứ hai này. Tuy nhiên, câu hỏi "Đức Phật có ăn chay hay không?" được nêu lêntrong một số bài viết thường thấy là một câu hỏi rất tế nhị đáng cho chúng taphải suy nghĩ cẩn thận. Hỏi như thế tức là ta muốn so sánh hành vi của ta vớihành vi của Phật, so sánh sự hiểu biết nhị nguyên, công thức và quy ước của tavới sự hiểu biết siêu nhiên, nhất nguyên và vô phân biệt của Phật, so sánh tấmmàn vô minh của ta và Trí Tuệ thức tỉnh của Phật, so sánh tâm thức vướng mắccủa ta với Tâm thức Giác ngộ của Phật. Nêu lên câu hỏi đó tức là ta tự đồng hoáta với Phật, tự so sánh ta và Phật. Vì thế, theo thiển ý, đây là một câu hỏiđặt sai và đã là một câu hỏi đặt sai thì không thể có một câu trả lời đúngđược.

Đức Phật từ bỏ cung điện và mọi thứcao lương mỹ vị để chọn một cuộc sống khổ hạnh và quyết tâm ấy nhất định khôngnhắm vào mục đích tìm kiếm miếng ăn ngon. Tu khổ hạnh thì nhiều khi chỉ đượcphép ăn một hạt mè mỗi ngày. Tuy rằng sau đó thì Đức Phật đã ý thức được lốiluyện tập sai lầm ấy nhưng không phải vì thế mà Ngài quay ra tìm những món caolương mỹ vị. Đức Phật sống còn để ban cho chúng ta Đạo Pháp cũng chỉ đơn giảnnhờ vào một bát cơm do một người tớ gái trong một ngôi làng gần đó hiến dâng.Vì vậy thiển nghĩ ta không nên thắc mắc về việc Đức Phật đã dùng những thựcphẩm gì mà trái lại ta nên tự hỏi rằng ta có đủ sức để hiểu được những lờigiảng huấn của Đức Phật hay không.

Đại-bátniết-bàn kinh(Mahaparinibana-sutta)kể về bữa ăn cuối cùng của Đức Phật và một món ăn không biết rõ là gì : thịtheo hay nấm heo ? Nhiều người Tây phương đã bỏ công nghiên cứu và tìm hiểu ngônngữ thời bấy giờ để sau cùng đã quả quyết cho rằng đấy là một loại nấm gọi lànấm heo. Nấm có tên gọi như thế vì người ta phải nhờ đến khứu giác bén nhạy củaheo để tìm ra loại nấm này, giống như hiện nay người Âu châu vẫn dẫn heo và chóđánh hơi để đi tìm loại nấm gọi là truffe rất quý mà người ta thường gọi là"kim cương đen" vì rất đắt tiền. Có người lại nghiên cứu thẳng về cácloại nấm trong vùng nơi Đức Phật tịch diệt để xem đích thực là loại nấm nào, kểcả việc tìm tòi các món ăn cổ truyền dùng đến nấm. Có người lại dựa vào các thổngữ xưa vùng Bắc Ấn độ để quả quyết đấy là một loại thịt heo khô xay nhỏ (?),có lẽ như loại thịt bông của ta (?)… Kết quả là ngày nay có nhiều bài viết xoayquanh vấn đề vừa kể. Đây là một thí dụ điển hình của sự câu nệ, buộc chặt ta vào kinh điển đã trải qua hàng nhiều trăm nămtruyền khẩu, và cũng là một trường hợp tiêu biểu chứng minh sự vướng mắc rất thô thiểncủa tâm thức tamà thôi. Vướng mắc vào một chữ không rõnghĩa để nghiên cứu, tranh cãi… để rồi chính mình cũng có thể tự buộc vào tâmthức mình một chút hoài nghi vô ích, nếu không muốn nói là nguy hiểm.

Nhằm mục đíchgiải thích thêm quan điểm trên đây, chúng ta có thể nhìn vào một thí dụ nhưsau, mặc dù có thể không hoàn toàn đúngvới những gì trong Đạo Pháp nhưng có tính cách cụ thể và dễ hiểu. Với sự hiểubiết thông thường mang tính cách quy ước, công thức và nhị nguyên của ta thì tagọi đây là một miếng thịt, đây là một cái nấm. Tuy nhiên đối với một người tutập, dù ở cấp bậc thấp đi nữa thì cũng có thể sử dụng cách nhìn như sau : xemhai thứ ấy chỉ là những kết hợp từ những hạt nguyên tử do nhiều cơ duyên tạora. Nếu nhìn trên phương diện kết hợpnguyên tử thì miếng thịt hay cái nấm không khác gì nhau vì những hạt nguyên tửkết hợp để tạo ra hai thứ ấy đều tương tợ như nhau, nghĩa là mỗi nguyên tử gồmcó phần hạt nhân và những electron xoáy lộn trong một khoảng không gian trốngrỗng mà thôi. Tóm lại với tư cách của một người tu tập thì ta phải chọn chomình những loại thực phẩm nào bây giờ? Như đã được trình bày trên đây thì tấtcả các loại thực phẩm đều giống nhau vì đấy chỉ là những thứ "trống rỗnggồm các hạt nguyên tử kết lại với nhau", nếu phải chọn thì người tu tậpchỉ nên chọn nếu có thể được những "cấu hợp nguyên tử" dưới nhữngdạng thể nào không gây ra khổ đau cho các chúng sinh khác và không tạo thêm cơduyên mang lại cho mình những nghiệp tiêu cực mới.

Tóm lại thì việc tu tập không nêndừng lại ở những vướng mắc nhỏ nhặt mà nên nhìn xa hơn, hướng tâm thức cao hơn,nhắm thẳng vào bản chất sâu kín của mọi hiện tượng, khai mở lòng Từ bi, pháthuy Trí tuệ để mang lại sự Giác ngộ và Giải thoát, chứ đừng nghĩ đến miếng ănmột cách quá đáng, đừng thắc mắc là phải ăn cái gì và không nên ăn cái gì.

3. Lạm bàn về ýnghĩa của ăn chay

Phân đoạn này cũng xin được mở đầubằng những câu hỏi. Người đọc có bao giờ ăn chay hay chưa ? Nếu có ăn chay, thìăn chay từ bao giờ, ăn chay tùy hứng, theo định kỳ nhất định hay là ăn chaytrường? Đối với trường hợp những người hoàn toàn không ăn chay bao giờ cả thìchủ đề bản bàn thảo và những gì được trình bày dưới đây sẽ có thể không phải làmột mối quan tâm cho họ. Trái lại, đối với những người có ăn chay thì các câuhỏi sau đây rất quan trọng : Ta ăn chay trong trường hợp nào? Lý do gì đã khiếnta ăn chay?

Có khá nhiều người ăn chay và việc ănchay của họ được thúc đẩy bởi nhiều nguyên nhân và mục đích khác hẳn nhau. Tuynhiên chúng ta có thể tạm phân chia thành ba trường hợp như sau :

- Trường hợp thứ nhất :người ăn chay nhắm vào mục đích bảotồn sức khoẻ, muốn tránh mọi bịnh tật ngặt nghèo. Đó là lối ăn chay đã đượctrình bày trong phần một, có nghĩa là ăn chay dưới khía cạnh khoa học. Y khoavà khoa học đã nghiên cứu rất nhiều về vấn đề ăn chay. Có nhiều người Phật giáolà bác sĩ y khoa, dược sĩ, dinh dưỡng học, sinh lý học…đã từng trình bày vàkhai triển chủ đề này. Các bài viết đó chứng minh sự lợi ích của việc ăn chaytrên lãnh vực sức khoẻ. Nêu lên mục đích của việc ăn chay trong chiều hướng đócũng tốt, nhưng thật ra thì không có gì gọi là Phật giáo cả. Đó chỉ là cáchkhuyến khích việc cố gắng bám víu vào xác thân tứ đại và vô thường của ta bằngcách ăn chay, và trên một khía cạnh khác thì đấy cũng là một cách gián tiếp đểcủng cố thêm ảo giác của cái « ngã ».

Người tu Phật chỉ biết ăn chay màthôi, không chờ đợi gì cả, hậu quả về sức khoẻ là một việc thứ yếu hoặc đươngnhiên, dù sao thì sức khoẻ của ta còn tùy thuộc vào vô số nghiệp và cơ duyênkhác nữa. Người ăn chay trường vẫn có thể bị ung thư hay bị nghẽn tim mạch nhưthường vì trong những trường hợp như thế, tuy rằng đã ăn chay nhưng việc ănchay vẫn không đủ sức hoá giải những nghiệp khác quá mạnh. Ngoài ra cũng cónhiều người miễn cưỡng phải ăn chay vì truyền thống hay vì bị gia đình ép buộc,hoặc chỉ vì rơi vào một hoàn cảnh nào đó chẳng hạn như bệnh tật mà tự bắt buộcphải ăn chay…Bài viết này xin không bàn xa hơn về tất cả những trường hợp nhưvừa kể.

- Trường hợp thứ hai :ngườiăn chay được thúc đẩy bởi một điều gì đó sâu xa hơn. Xin kể ra trường hợp mộtnhà vô địch hạng nặng về nhu đạo của Pháp, đã nhiều lần đạt chức vô địch Âuchâu, vô địch Thế vận hội và vô địch Thế giới. Một lần bị tai nạn xe mô-tô, bắpchân của ông bị rách toạc ra, ông thấy thịt mình đỏ lòm giống như một miếngthịt bít-tết, mùi máu rất tanh, và thế là từ đó ông không ăn thịt bít-tết nướngcòn máu nữa. Một thi dụ tinh tế và sâu xa hơn là trường hợp của thi hào Phápthuộc thế kỷ XIX tên là Alphonse de Lamartine. Ngày còn nhỏ, một lần theo mẹ đingang một lò sát sinh, ông thấy máu chảy lênh láng ra đến tận đường đi, mùi tửkhí và mùi máu hôi tanh không chịu nổi. Khi về đến nhà thì ông xin mẹ được ănchay.

Những câu chuyện vừa kể không cóchút màu sắc Phật giáo nào cả, nhưng ta cũng thấy có một cái gì đó trong tâmthức của những người trong câu chuyện đã thúc đẩy và kích động họ một cách kínđáo. Điều ấy chưa hẳn là từ bi, nhưng có thể là một chút từ tâm nào đó đã hé lộtrong tâm thức họ, mặc dù còn rất mơ hồ. Đó là một thứ xúc cảm phát lộ khi tâmthức tiếp xúc và bị kích động trước cảnh khổ đau của chúng sinh hay đồng loại.Những trường hợp như thế xảy ra rất nhiều, biến dạng tùy theo hoàn cảnh vàtrường hợp. Nếu chú ý thì chúng ta cũngsẽ thấy những cảnh khổ đau ấy một cách dễ dàng trong cuộc sống hằng ngày chungquanh chúng ta, chẳng hạn như khi thấy cảnh thọc huyết heo, cắt cổ gà, thấy tainạn xe cộ, hay một con vật bị cán chết trên đường cái. Đứng trước những cảnhtượng đó thì ta xúc động nhưng khi vừa rời khỏi nơi ấy thì ta lại quên ngay.Chẳng qua hạt mầm của lòng từ tâm trong ta vẫn còn bị che lấp ít nhiều bởi"cái ngã" hay sự ích kỷ chỉbiết có ta mà thôi : con vật bị giết, bị xe cán bẹp hay một người bị thương máume chảy ra đường không phải là ta. Những xúc động tích cực và từ bi vừa hé lộấy rất dễ đi vào quên lãng, nếu chúng ta không đủ sức để nhận biết đấy chính làcác hạt giống thật quý cần phải được chăm sóc và chúng ta có bổn phận phải vunxới giúp cho chúng vươn lên và lớn lên như những gốc cổ thụ, vì những hạt giốngấy là một chút gì đó tượng trưng cho Phật tính trong lòng chúng ta.

Có lẽ cũng không nên luận bàn xa hơntrong trường hợp "ăn chay" do những kích động "mơ hồ" nơimỗi người. Những kích động như thế tuy rằng có thể đưa đến việc ăn chay, nhưnglại không có liên hệ mật thiết gì đến ý nghĩa ăn chay trong Đạo Phật.

- Trường hợp thứba :những người Phật giáo ăn chay và ý thức một cách rõ rệt quyếttâm ăn chay của mình. Đối với những người ấy thì ý nghĩa của hành động ăn chaylà gì? Phần này sẽ được trình bày chi tiết hơn với một số thí dụ cụ thể cho mỗitrường hợp :

Thí dụ thứ nhất: Một số ngườichỉ ăn chay khi nào có nhu cầu mà thôi. Chẳng hạn như khi có con sắp đi thi thìngười ấy cầu khẩn chư Phật một cách hết sức thành tâm và kính cẩn, xin cho conmình thi đậu và nguyện là nếu đứa con thi đậu thì họ sẽ ăn chay ba tháng. Sauđó đứa con thi đậu thật, và người này ăn chay ba tháng. Trong trường hợp nàythì ý nghĩa của việc ăn chay nằm ở chỗ nào? Chẳng những hành động ấy không cómột chút gì gọi là Đạo Pháp mà đúng hơn chỉ là một sự mua bán và mặc cả với chưPhật mà thôi. Người tu Phật phải hiểu rằng đứa nhỏ thi đậu hay thi rớt là donơi trí thông minh và sự cố gắng của nó…tức là những gì liên hệ mật thiết vàtrước hết với nghiệp của chính nó, dù rằng xuyên qua hiện tượng tương liên thìnghiệp của nó cũng ít nhiều liên hệ với nghiệp của chính mình, nhưng đấy chỉ lànhững hậu quả thứ yếu. Hành động quyết tâm ăn chay ba tháng của một người khác,tức là cha mẹ là một việc hoàn toàn không bắt buộc phải liên hệ trực tiếp vớiviệc thi đậu của đứa con.

Câu chuyện nguyện ước trên đây còncó thể xoay chuyển tệ hại hơn. Trong trường hợp đứa nhỏ thi rớt thì người nàylại có thể trách chư Phật đã bất lực và vô tình trước sự cầu khẩn chân thànhcủa họ. Hoặc câu chuyện có thể lại biến chuyển theo một chiều hướng khác nữa.Chẳng hạn đứa nhỏ thi đậu và người nguyện ước bắt đầu ăn chay, nhưng chỉ saumột tháng thì chịu hết nổi, vừa ăn chay vừa đếm từng ngày chờ cho đủ ba thángsẽ mua tất cả những gì mình thèm để ăn cho thoả thích. Vừa đếm từng ngày lạivừa hối tiếc đã ra giá quá cao với chư Phật, và nghĩ rằng con mình dù sao cũnghọc giỏi, phải chi ra giá một tháng ăn chay thì nó cũng dư sức thi đậu! Hoặccảnh huống cũng có thể biến chuyển tệ hại hơn như thế nữa tức là sau khi ănchay được một tháng thì người này không còn chịu đựng được nữa, bèn thắp hươngxin tạ lỗi với chư Phật để ngưng ăn chay, tự nhủ rằng dù sao đứa nhỏ cũng đãthi đậu rồi!

Qua những thí dụ trên đây thì việcăn chay chẳng những không có gì gọi là Phật giáo cả mà lại còn là một cực hình.Chư Phật luôn thương xót chúng sinh và không bao giờ bày ra những thứ cực hìnhnhư thế. Đấy là vô minh đã kích động ta và xúi dục ta tự chọn lấy sự đau khổcho chính mình mà thôi.

Thật sự thì màn vô minh hiển hiện ởmọi thể dạng. Chẳng hạn như dù cho người ăn chay xem lời nguyện của mình là mộtviệc phấn khởi đi nữa thì họ sẽ ăn chay với lòng hân hoan để trả nợ chưPhật và để giữ trọn lời hứa của mình. Sau ba tháng người này thấy nhẹ nhõm vàsung sướng. Cái nhẹ nhõm đó, cái sung sướng đó là do nơi tâm thức tạo ra để lừaphỉnh ta, đó là cái sung sướng phù du, vô nghĩa và sai lầm. Tóm lại và nói mộtcách khác thì tất cả những thứ cảm thọấy, dù đấy là khổ thọhay lạc thọ,thì cũng đều do vô minh tạo racho ta mà thôi, hoàn toàn không có ý nghĩa gì trên phương diện Đạo Phápcả.

Thí dụ thứ 2 : Trường hợp xảy ra đối với hai người ăn chay đúng theo tinh thần Phậtgiáo, tức là ăn chay rất nghiêm túc mỗi tháng hai lần vào ngày rằm và ngày mùngmột. Một người bán cá và một người đi chợ mua cá. Người bán cá ở chợ đang chặtđầu ếch lột da và ném vào một cái thau cạnh bên. Người mua bước đến chọn mộtcon cá lóc. Người bán vẫn tiếp tục chặt đầu ếch và ra giá. Ngã giá xong, ngườibán cân cá và sau đó nắm lấy đầu cá, hai ngón tay luồn vào hai mang cá để giữcon cá cho thật chặt và sau đó lấy một khúc cây đập lên đầu cá nhiều lần thậtmạnh, con cá giẫy giụa, tiếp theo người bán cá vừa cầm dao gọt da và vẩy cá,vừa hàn huyên với người mua. Con cá chưa chết hẳn, khi gọt da, nó lại dẫy dụa,cơ quan xúc giác của cá tập trung vào hai đường dài dọc theo hai bên lườn củathân cá, khi lưỡi dao cắt vào đấy sẽ làm đau đớn lắm. Vì con cá vẫn còn dẫydụa, người bán cá không gọt vẩy được lại phải cầm khúc cây đập thêm vài cái nữavào đầu nó. Gọt vây xong, người bán cá chặt bỏ hai mang cá, chặt đuôi, chặtvây, chặt mõm cá gần tới vị trí của hai mắt, lưỡi cá lòi ra khỏi miệng, sau đóbỏ cá vào một cái bao và đưa cho người mua. Trong khi chờ người mua đếm tiềnthì người bán lại tiếp tục chặt đầu ếch. Trong thau, những con ếch mất đầu vàbị lột da vẫn co giật vì hệ thống thần kinh của ếch không tập trung hết ở nãomà còn phát triển dọc theo tủy xương sống để giúp vào việc điều hợp cử động củatứ chi được hiệu quả hơn.

Ăn chay để phát lộ lòng từ bi, nhưngtrước cảnh những con vật đang bị hành hạ và chịu đau đớn mà cả người mua lẫn kẻbán không hề tỏ lộ một chút xúc cảm nào cả. Chẳng qua cũng chỉ vì những hìnhảnh đó đã trở nên quá quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày khiến họ không cònnhìn thấy những đau đớn mà các sinh vật phải gánh chịu. Vì cuộc sống, nếu bắtbuộc phải bán và phải mua, thì ít ra ta cũng giữ yên lặng để nhìn thấy cái khổđau và chịu đựng của những sinh vật đang bị hành hạ trước mắt ta, đấy là tháiđộ tối thiểu của một người tu Phật. Ăn chay đối với hai người vừa kể trên đâykhông có một ảnh hưởng gì trong thái độ và hành vi của họ. Vô minh đã che lấp tâmthức họ mất rồi. Vô minh trong trường hợp này phát sinh từ thói quen, vô tâm vànhững hiểu biết quy ước không suy xét, từ giáo dục và lối sống trong xã hội màhọ đã hấp thụ từ nhỏ. Để phá vỡ thứ vô minh này ta phải tỉnh thức, quán xét vàphân tích những hiện tượng chung quanh ta. Tóm lại hành vi ăn chay của haingười vừa kể trên đây, tuy rằng có phần nào chân thật, nhưng không có một ýnghĩa gì về Phật giáo, hay ít ra cũng không có một lợi ích gì cho họ cả. Có thểxem đấy như là một thứ cảm thọtrunghoà, tức xả thọhay vô cảm.

Thí dụ thứ 3: Đây là trường hợp những người biết giữ giới, ăn chay trường theotinh thần Phật giáo, chẳng hạn như tăng đoàn nơi chùa chiền và một số cư sĩ tạigia. Ăn chay đối với họ là một việc tự nhiên. Ăn chay trường giúp cho họ khôngsuy nghĩ gì và không thắc mắc gì nữa về sự chọn lựa món ăn, không tìm cách ănngon, không lo nghĩ tìm kiếm nhà hàng nào có món ăn đặc biệt, các món đặc sảnđể thưởng thức…Kinh sách Bắc tông thường đưa ra hình ảnh sau đây : một người Bồ-tát không thể nghĩ đến việc ănthịt một sinh vật, cũng như một người mẹ không thể nào nghĩ đến việc ăn thịtđứa con do chính mình sinh ra. Ý nghĩ ăn thịt thoát ra ngoài tâm thức củahọ, nói một cách khác tâm thức của họ đã được giải thoát khỏi một phần nàođó những vướng mắc trùng trùng điệp điệpcủa thế gian này.

Những người ăn chay trong trường hợpthứ 3 trước hết có mục đích giữ giới, sau đó là vì lòng từ bi. Phải giữ giới vìPhật đã dạy như sau trong Lăng già kinh(Lankavatara-sutra) : "Không đúng khi cho rằng hợp lý và có quyềnăn thịt một con vật không phải do chính ta [là một người tu hành]đứng ra giết nó, hay không phải do chính tasai kẻ khác giết nó (…). Có thể rồi sau này cũng có người (…) dưới ảnh hưởngcủa sự ham thích ăn thịt sẽ dựng lên hàng loạt những luận chứng phức tạp để bàochữa cho hành vi ăn uống của mình (…), ăn thịt dù dưới hình thức nào, bằng cáchthức nào hay bất cứ nơi nào, dứt khoát phải tuyệt đối cấm đoán, không có mộtngoại lệ nào cả (…). Ta không cho phép bất cứ ai ăn thịt, Ta cấm hẳn việc ănthịt, và Ta sẽ còn vĩnh viễn cấm việc ấy (…)". Những lời trên đây củaĐức Phật được trích dịch lại từ một quyển sách của Philip Kapleau, một thiền sưPhật giáo người Mỹ (A buddhist case for vegetarism, Ed. Rider, London, 1983,tr. 29).

Lục tổ Huệ Năng, sau khi thừa kế tổHoằng Nhẫn phải bỏ trốn và sinh sống với những người thợ săn, đã kể chuyện lạinhư sau trong Kinh Pháp Bảo đàn : "Khi nấu ăn, họ [tức những người thợ săn]nấu chung rau cải với thịt trong một nồi. Khi họ mời tôi ăn, tôi nói vớihọ rằng trong đĩa thức ăn tôi chỉ ăn rau mà thôi". Việc cấm sát sinhđược nhắc đi nhắc lại trong nhiều kinh điển Phật giáo chẳng hạn như trong Luật tạng(Vinaya-Nikaya), Tăng nhất bộkinh(Anguttara-Nikaya), Tương ưng bộ kinh(Samyuttara-Nikaya), v.v…Giới luật là một thành phần của Đạo Pháp,Đạo Pháp vô Giới luật sẽ không còn phải là Đạo Pháp. Nếu Phật giáo không chủtrương ăn chay thì Phật giáo có thể sẽ không còn là Phật giáo nữa, và biết đâuPhật giáo cũng không còn tồn tại đến ngày nay.

Sự kiện ăn chay còn có ý nghĩa caohơn là một hành động giữ giới. Phật giáo tập cho chúng ta nhận thức được sự khổđau cùng khắp trong thế giới luân hồi. Ăn chay để làm giảm bớt đi những khổ đauđó cho chúng sinh, tập cho chúng ta trở thành những người " bất bạo động". Người ăn chay theo ýnghĩa của Phật giáo là một người "thậtcan đảm", "bất hợp tác","đứng ra ngoài cuộc" để"không tự trói mình" trongchuỗi dài bất tận của thèm khát và giết chóc. Tuy nhiên chúng ta cũng cần chú ýrằng nếu người ăn chay cố chấp vào việc ăn chay của mình, câu nệ từng li từngtí, "không đụng chén đụng đũa với người ăn thịt", thì đó cũng là mộthình thức của sự bám víu, đi ngượcvới giáo lý nhà Phật.

Xintrở lại một điều đã nêu lên trong phần nhập đề, tức cái cảm giác đẩy một cánhcửa đã mở rộng khi nêu lên chủ đề ăn chay. Hầu hết những gì thường viết haygiảng về vấn đề ăn chay cũng đều giống như một cánh cửa đẩy ra phía bên ngoài,hướng tâm thức ta vào phần thân xác của riêng mình và sự sống của các sinh vậtvật khác, hoặc phóng tâm thức ta xa hơn và rộng hơn vào môi sinh chungquanh : nói chung có nghĩa là ăn chay để giữ giới, bảo vệ cho thân xácđược tinh khiết, thực thi lòng từ bi... Mặc dù cánh cửa đã được mở rộng nhưthế, nhưng thiết nghĩ ta cứ nên bạo dạn tiếp tục đẩy cánh cửa thêm nữa, nhưnghãy đẩy nó vào phía bên trong, mở thẳng nó vào tâm thức của chính mình để thửquán xét sự tương liên của tâm thức và hành động của chính mình về việc ăn chayxem sao?

Thật vậy, ăn chay không phải đơngiản chỉ để giữ giới, không phải để cầu mong cho thân xác được tinh khiết, hoặccũng không phải là để cứu vớt một số chúng sinh khỏi chết…Dù ăn chay trườngnhưng ta cũng không cứu vớt được bao nhiêu sinh linh trước sự tàn phá của vôminh và bản năng tham ăn và thích ăn của con người. Nếu ý nghĩa ăn chay dừng ởmức độ như vừa kể trên đây thì thực sự là ta vẫn còn vướng trong sự trói buộccủa vô minh. Việc ăn chay chắc chắnlà phải có một ý nghĩa cao cả hơn và tích cực hơn như thế nữa.

Ăn chay là một phương thức tu tậphằng ngày của ta, luôn luôn nhắc nhở ta về lòng từ bi. Ăn chay là để cải thiệnchính tâm thức ta, giúp cho tâm thức ta an bình hơn, từ bi hơn, một tâm thứctrong sáng, rộng lớn và bén nhậy trước những khổ đau của chúng sinh. Khi lòngtừ bi được phát huy đến cực độ thì sẽ đưa tâm thức đến Trí tuệ và Trí tuệ tứclà Giác ngộ. Lòng từ bi như thế mới chính thực là Từ bi của Phật giáo. Ăn chaynhư thế mới gọi là ăn chay theo Phật giáo. Đó là một hành động tích cực, cao cả, can trườngbất bạo động. Thức ăn chay là thực phẩmnuôi dưỡng lòng Từ bi, và Từ bi là mảnh đất giúp cho Trí tuệ nẩy mầm và pháttriển. Một vị Bồ-tát tham thiền trong một hang động trên núi cao, chịu lạnh,chịu đói, không phải để cứu vớt một vài con vật trong lò sát sinh, nhưng đểphát lộ và khai triển lòng Từ bi vô biên, trải rộng lòng Từ bi đó ra tám phươngtrời, mười phương Phật, để đến gần với từng sinh vật nhỏ bé trong bốn miềnkhông gian.

Ăn chay phải tích cực và ta phảibiết sử dụng việc ăn chay như một phương pháp tu tập để biến cải tâm thức. Ănchay mà vô cảmhay xả cảmthì chỉ là một việc vô ích màthôi. Từ điểm này chúng ta hãy thử lạm bàn xa hơn nữa, cao hơn nữa, đưa tâmthức vượt lên trên mọi khái niệm nhị nguyên của ăn chay và không ăn chay, vượtlên trên mọi gò bó, bám víu, câu nệ của giới luật, của tích lũy đạo hạnh, củatừ chương trong kinh sách và vượt lên trên tất cả những gì đã được trình bàytrên đây. Chủ đề này khá rộng nên sẽ xin được trình bày trong một phân đoạn mớisau đây.

4. Ăn chay, môi sinh và sự sống

Dù có mở rộng cánh cửa ăn chay hướngvào phía trong để bước thẳng vào tâm thức mình, nhưng nếu ta vẫn còn phân biệtbên trong và bên ngoài, phân biệt tâm thức ta với ngoại cảnh, với môi sinh,phân biệt giữa sự sống của ta và của những sinh linh khác thì như thế tức làcòn cảm nhận và bám víu vào ý tưởng về "sự sống của chính ta". Đểnuôi dưỡng cho sự sống đó ta quyết định "ăn hay không ăn"sựsống của những sinh linh khác và phân biệt như thế tức là một cách bám chặt vàocái ngã. Như vậy thì đâu là vị trí vàsự tương quan của thân xác, tâm thức và sự sống của chính mình đối với sự sốngnói chung của tất cả chúng sinh trong cái thế giới ta bà này?

Một vài tác giả Phật giáo viết bàibênh vực chủ trương ăn thịt cá của mình bằng cách lý luận rằng những người ănchay khi luộc rau cũng đã sát hại vô số sinh linh nhỏ bé trong rau cỏ và trongnước. Nhận xét này rất đúng, vì ta không thể hoàn toàn tránh hết mọi sự hungbạo và ngược đãi đối với tất cả chúng sinh, dù vô tình hay cố ý, dù chủ trươngbất bạo động hay tu khổ hạnh cũng vậy. Từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước, khimà loài người chưa có kính hiển vi thì Đức Phật đã dạy rằng trong một giọt nướccũng có vô lượng chúng sinh. Khi uống một ngụm nước, khi tắm rửa… là ta đã đưasự sống của ta va chạm và làm thiệt hại đến sự sống của những sinh linh khác.Nhưng ta cũng nên hiểu rằng, sự sống của những vi sinh vật ấy còn thô sơ lắm,chưa có những xúc cảm, chẳng hạn như lo sợ hay thương yêu, giống như những sinhlinh có giác cảm tiến hoá hơn.

Như vậy thì chúng sinh và sự sốngthật sự là gì? Kinh sách phân chia thế giới luân hồi thành ba lãnh vực hay cõi,gọi là tam giới(tridhatu) : dục giới, sắc giớivô sắc giới.

Cõi dục giới(kamadhatu) gồmcó sáu loại chúng sinh phân bố theo sáu cấp bậc tiến hoá từ thấp lên cao :địa ngục, quỷ đói (preta), súc sinh,con người, chư thần (asura) và thiênnhân (hay chư thiên, deva). Tuynhiên, riêng trong một cấp bậc con người cũng có thể xảy ra những cảnh địangục, chẳng hạn như bị tù tội, đọa đày, bệnh tật, rơi vào hoàn cảnh đói khổ, bịngược đãi, hà hiếp và nô lệ, hoặc những trường hợp hung dữ, tham lam và nhamhiểm giống như quỷ đói, hoặc đần độn và khờ khạo như hàng thú vật, hoặc nhữngtrường hợp cao cả như chư thần, chư thánh hay thiên nhân. Đặc tính chung củanhững sinh linh có giác cảm như vừa kể trong cõi dục giớimuốn ăn,muốn dâm sợ chết. Đó là những bản năng sâu kín và tiêu biểu nhất của chúngsinh nơi cõi luân hồi, và đó cũng là những động cơ mãnh liệt và khuấy động nhấtbuộc chặt chúng sinh trong chu kỳ bất tận của tái sinh và hiện hữu. Những bảnnăng đó là nguồn gốc của vô minh nguyênthủy.Ăn chay là một phương pháp góp phần để hoá giải bản năng muốn ănsự bám víu mù quáng vào sự sinh tồn của chính ta. Muốn dâmsợ chếtđòi hỏi các phương pháp hóa giải khác không thuộc vào chủđề ăn chay.

Sinh linh trong cõi dục giớimang mười chín khả năng mà kinhsách xem chúng mang bản chất "ô nhiễm", đó là : a) sáu khả năng giáccảm (ngũ quan và tâm thức, Phật giáo xem tâm thức là giác cảm thứ sáu) ;b) khả năng sinh tồn (sự sống) ; c) hai khả năng dục tính (tính dục nam vànữ) ; d) năm khả năng tạo nghiệp gồm các khả năng mang đến sự sảng khoái(sukhendriya), sự đau khổ(duhkhendriya), sự thích thú(saumanassyendriya),những khổ đau tinh thần(daurmanasyendriya), và sự vô tâm(upeksendriya) ; e) năm khả năng đưa đến đạo hạnh gồm có lòng tin(sraddhendriya), sự cần mẫn(viryendriya), tinh tấn(smrtindriya), thiền định(samadhindriya), và sự hiểubiết minh bạch(prajnendriya).

Để giúp cho bảng phân loại trên đâyđược đầy đủ hơn, chúng ta có thể điểm qua thêm những đặc tính thuộc hai cõikhác của tam giới, ấy là các cõi sắc giớivà cõi vô sắc giới. Cõi Sắc giớilà cảnh giới của chư thần chư thánh, tức là những sinh linh còn mang hình tướng(đặc tính của vật chất), tuy nhiên những sinh linh này chỉ mang mười lăm khả năng, tức bớt được bốn khảnăng so với mười chín khả năng của các sinh linh nơi cõi dục giới, bốn khả năng ấy là khả năng dâm tính và ba trong tổng sốnăm khả năng tạo nghiệp.

Cõi vô sắc giớilà cảnh giới của những vị đại thiên, những sinh linhvượt ra khỏi hình tướng vật chất và chỉ còn giữ lại tám khả năng: bớt được bảy khả năng về hình tướng (năm khảnăng giác cảm và hai khả năng dục tính, chỉ còn lại khả năng tâm thức), đồngthời cũng bớt thêm được bốn trong số năm khả năng tạo nghiệp.

Trên đây là những gì mà kinh sách đãmô tả và phân loại chúng sinh trong cõi ta-bà. Trên thực tế, trong cõi dục giới, ta nhận biết dễ dàng các loạisinh linh sống chung đụng và sát cánh với nhau trong nhiều cấp bậc, từ địa ngụccủa ngạ quỷ (những cảnh đọa đày), quỷ đói (những người nham hiểm và ác độc),súc sinh và những sinh linh đần độn và khù khờ (súc vật), trên đó là con ngườivà trên nữa là những sinh linh tinh khiết và cao cả. Hai cõi sắc giớisắc giới thì cao hơnvà tinh tế hơn so với cõi dục giới,vượt ra khỏi sự nhận biết nhị nguyên và quy ước của chúng ta, kể cả khoa học.Những sinh linh trong hai cảnh giới này vẫn còn chung đụng với chúng ta trongthế giới luân hồi, nhưng chỉ có một số nhỏ trong chúng ta có tâm linh bén nhậyvà vi tế nhờ vào sự tu tập lâu dài thì mới cảm nhận và tiếp xúc được với cácsinh linh hiện hữu trong hai cảnh giới đó. Biết đâu trong giây phút này chúngta đang "tiếp xúc" với những sinh linh tinh khiết và cao cả trong cõisắc giớinhưng chúng ta không hề haybiết, họ là những « con người » thật từ bi và rộng lượng, ngay thậtvà nhân từ. Có thể là chúng ta đang đi bên cạnh họ hay đang sống chung với họnhưng chúng ta không « nhìn thấy » được họ chỉ vì tâm thức bị vô minhche lấp khiến cho ta cứ tưởng họ tầm thường như những kẻ khác. Đối với các sinhlinh trong cõi vô sắc giớihoàn toànkhông còn mang các khả năng vật chất nữa (tức đã vượt khỏi năm giác cảm) chỉcòn giữ lại phần tâm thức mà thôi, thì sự nhận biết và tiếp xúc với những sinhlinh ấy lại còn khó khăn cho chúng ta hơn nhiều vì cần phải có một tâm thứcthật tinh khiết và bén nhạy.

Trên phương diện khoa học thì cõi dục giớicủa chúng ta được mô tả như thếnào? Khoa học chia cõi này thành ba giới : giới khoáng vật, giới thực vậtvà giới động vật. Giới khoáng vật nói chung là giới vật chất không hàm chứa sựsống. Tuy nhiên giới đó cũng biến động, thoái hoá và tạo tác không ngừng tùythuộc vào các điều kiện vật lý. Chẳng hạn như nước dưới không độ C sẽ đôngcứng, trên 100° C sẽ bốc thành hơi. Muối ăn hòa tan trong nước, ta không trôngthấy muối, nhưng khi nước bốc hơi, độ đậm đặc trở nên cao hơn và muối sẽ kếtthành tinh thể. Những biến dạng này khá đơn giản, lệ thuộc vào một vài điềukiện vật lý và khá dễ cho ta nhận thấy. Tuy nhiên, giới vật chất thật ra cònphức tạp và biến động một cách "tinh vi" hơn thế rất nhiều, khoa họccho thấy ranh giới giữa vật chất và năng lượng không thể phân biệt được mộtcách minh bạch, đối với thế giới cực vi (vật lý lượng tử) hay cực đại (thiênvăn học) phải dùng những máy móc tối tân hoặc toán học để chứng minh hay phỏngđoán những gì không thể hiểu hay quan sát trực tiếp được, cũng như ánh sáng cóthể xem là những hạt photon hay là những làn sóng. Tất cả những biến động đó,từ thô thiển đến vi tế của thế giới vật chất được Phật giáo gọi chung là sự tạotác bằng điều kiện, vì thật sự không có một vật thể nào hay một hiện tượng nào,dù là vi tế hay thô thiển, tự nó có thể độc lập được, kể cả không gian và thờigian, tất cả đều tùy thuộc vào điều kiện. Một phần những vật thể biến động ấytạo ra tứ đạicủa thân xác con người,hoặc nói rộng hơn là « thân xác » của tất mọi chúng sinh trong cõiluân hồi. Vì vậy tất cả mọi sinh linh, sự sống, tâm thức phát sinh từ sự sống,cho đến hành động, nghiệp báo…, đều phát xuất từ những tạo tác bằng điều kiện.

Ngoài giới khoáng vật vừa được mô tảtrên đây thì còn lại hai giới thực vật và động vật. Thông thường chúng ta chỉnhìn thấy hai giới này ở thể dạng đa bào (nhiều tế bào kết hợp, chẳng hạn nhưnhững sinh vật khá lớn thấy được bằng mắt thường). Đối với thế giới của nhữngsinh linh cực thô sơ như siêu trùng (virus), vi khuẩn kể cả thực vật và độngvật đơn bào thì cần phải dùng các phương pháp và dụng cụ khoa học để quan sát,như kính hiển vi chẳng hạn. Vì chúng quá nhỏ nên chúng ta không nhìn thấy trựctiếp được chúng bằng mắt thường, nhưng thật sự ra thì chúng hiện diện ở khắpmọi nơi trong không gian, trong những môi sinh khắt khe nhất, trên thân xác ta,trong ngũ tạng của ta, trong miệng, trong mũi, trong nách, trong háng, tronghậu môn của ta…Chúng tạo ra lợi ích cũng có mà tai họa cũng có : chúng làthành phần cơ bản của thức ăn cho sinh vật đa bào, và cũng là nguồn gốc củabịnh tật, tai ương, truyền nhiễm và có thể giết hại vô số những sinh linh khác.

Các sinh vật đơn bào thuộc vào haigiới thực và động vật không khác nhau nhiều, các nhà sinh học cho biết ranhgiới phân chia giữa hai giới này rất mong manh ở thể dạng đơn bào. Nhưng khikết hợp để tạo ra những sinh vật đa bào thì khác, động vật có nhiều khả nănghơn. Kinh sách cho biết trong cõi dụcgiớicủa chúng ta, các sinh linh "hữu tình" (đúng hơn thì nên gọilà sinh linh có giác cảm) có 19 khảnăng : giác cảm, sinh tồn, dục tính, tạo nghiệp v.v., như đã kể ra trong phầntrên đây. Trong khi ấy, trong giới thực vật thì các khả năng trên đây không đầyđủ, hoặc tiềm năng tác động của chúng rất thấp. Chính là dựa vào điểm then chốtnày mà người ăn chay chỉ ăn thực vật mà thôi. Tuy nhiên, trong giới thực vật,sự sống lắm khi cũng khá phức tạp. Chẳng hạn như cây mắc cỡ, còn gọi là cây xấuhổ hay gọi một cách văn hoa là cây trinh nữ, cũng biết cách tự vệ trước nguyhiểm bằng cách co rúm lá và cuống khi có một vật khác chạm vào chúng. Đây lànhững phản ứng thô sơ do sự teo nhỏ hay trương nở của các tế bào ở nách lá vàcuống lá gây ra bởi hiện tượng rút thêm nước hay dồn nước sang các tế bào khác.Khám phá khoa học mới nhất và gần đây về thực vật cho biết rễ của vài loại câycó thể tiết ra một độc tố giết hại các cây khác chung quanh để tranh giành vàbảo vệ môi trường sống riêng cho chúng. Có những thí nghiệm cho thấy khi trồngcây và đồng thời vặn nhạc êm dịu thường trực thì cây cối sẽ xanh tốt và maulớn, những hiện tượng này khoa học có thể ghi nhận nhưng không giải thích được.Trên đây là một vài thí dụ nhỏ cho thấy sự sống khá tinh tế của thực vật.

Sự sinh sản của cả hai phái thực vàđộng vật ở thể đơn bào có thể xảy ra bằng cách chia cắt tế bào làm hai (vôtính), hoặc bằng cách phối hợp hai tế bào đực và cái (dục tính). Hoa đực và hoacái là dục tính khá phức tạp của thực vật. Nhân giống vô tính (clonage) rấtthông thường trong giới thực vật (giâm cây, chiết cây, cấy mầm… không cần đếnhạt giống là sản phẩm của dục tính), ngày nay khoa học cũng có thể nhân giốngđộng vật tiến hoá (trường hợp con trừu Dolly).

Trướcsự phức tạp đó của sự sống thì việc ăn chay đứng vào vị trí nào và phảiđược định nghĩa như thế nào? Nếu cố chấp vào việc ăn cái này là chay, ăn cáikia không phải là chay, thì nhất định ta sẽ gặp nhiều trường hợp bối rối. Tómlại, ranh giới giữa động vật và thực vật không phải là tiêu chuẩn tuyệt đối, màchỉ là tiêu chuẩn tốt nhất để định nghĩa việc ăn chay. Mặt khác như đã đượctrình bày trên đây nếu muốn nhận định vị trí và sự tương liên của ta đối vớicác sinh linh khác trong cõi dục giớinói riêng và toàn thể cõi ta bàhay luân hồinói chung quả thật là khó. Tuynhiên và đồng thời thì việc nhận định vị trí và mối tương liên của chúng tagiữa sự sống này dựa theo những tiêu chuẩn khoa học cũng không phải là chuyệndễ : vì tất cả mọi hình thức của sựsống liên hệ với nhau, liên kết với nhau, hỗ tương cho nhau và hủy hoại lẫnnhau. Trong bối cảnh tương liên như thế, xác định việc ăn chay cũng rất tếnhị. Ta có nên vượt lên trên sự gò bó của ăn chay, ăn cái này không ăn cái kia,để đạt đến một thể dạng hoàn toàn hội nhập với sự sống hay chăng? Sự hội nhậpấy biết đâu có thể là một lối thoát : quên cái ngã của ta và đem sự sống của riêng ta để hội nhập với sự sống củatất cả muôn loài chúng sinh? Khi ý thức và hình dung hành động ăn chay trênchiều hướng đó thì ta sẽ hiểu rằng ăn chay có nghĩa là kính trọng và yêu thươngsự sống của muôn loài giống như yêu thương và kính trọng sự sống của chínhmình. Thực sự ra thì trong sự sống của tất cả muôn loài có cả bóng dáng của sựhiện hữu của chính ta trong đó nữa, dù rằng trong sự sống đó sự hiện diện củata chỉ tượng trưng cho một phần rất nhỏ, có thể nói là vô nghĩa và rất khiêmnhường.

Ernst Haeckel (1834-1919), một nhàđộng vật học và phôi học nổi tiếng người Đức, khi nghiên cứu quá trình hìnhthành của bào thai (phôi) của một hài nhi chẳng hạn, đã nhận thấy rằng quátrình đó bắt đầu từ dạng thể đơn bào và sau đó là dạng thể kết hợp đa bào củamột sinh vật thô sơ, tiếp theo là dạng thể cá của thai nhi trong một bọc nướcvới mang và đuôi, kế tiếp là đặc tính của ếch nhái, bò sát và sau cùng thai nhimang các đặc tính tiến hoá của loài có vú. Sự hình thành của thai nhi lập lại tất cả quá trình tiến hoá của giớiđộng vật. Ernest Haekel đã đưa ra một câu tuyên bố nổi tiếng trong giớisinh học : "Sự hình thành củaphôi là cách tóm lược ngắn gọn từ sự hình thành của cả chủng loại" (L’ontogénèse est une courte récapitulationde la phylogénèse – Ontogenesis is a short recapitulation of phylogenesis). Nếu đúng như thế thì một cá thể cũng liên hệmật thiết với quá khứ và suốt quá trình tiến hoá của chủng loại kể cả sự sốngnói chung. Quá trình tiến hoá đó kéo dài hàng tỷ năm, từ một vi sinh vật thô sơcho đến những động vật phức tạp như giống người ngày nay trên địa cầu. Nhận xétcủa E. Haeckel cũng là một phản ảnh triết lý của khái niệm tương liên trongPhật giáo, sự tương liên này bao hàm cả quá khứ, hiện tại và tương lai của sựsống của tất cả mọi sinh linh.

Tóm lại, khi nhận định được nhữnghiểu biết trên đây, ta sẽ hiểu rằng cách cư xử thân thiện, yêu thương, tránhmọi hung bạo một cách vô ích đối với tất cả mọi sinh linh, từ bỏ cái ngãcủa ta, hội nhập một cách hài hoàvới tất cả mọi hình thức của sự sống chung quanh ta, từ một cánh hoa đến mộtcọng cỏ, từ con người đến thánh nhân, cho đến những côn trùng trong cỏ dại,kính trọng và yêu thương mọi dạng thể của sự sống trong quá khứ, trong hiện tạivà trong tương lai, thì đấy mới chính thực là cách cư xử của một người tu Phật.Cách cư xử phóng khoáng và rộng lớn như thế sẽ vượt lên trên khái niệm đơn giảnxoay quanh cách định nghĩa thông thườngcủa việc ăn chay.

5. Lời kết

Việc ăn chay dựa vào những hiểu biếtvà các khám phá khoa học trong mục đích giúp cho thân xác ít bịnh tật hơn thì không có gì gọi là Phật giáo cả. Dù cho khoẻ mạnh đếnđâu thì thân xác đó sớm muộn gì cũng gặp vấn đề, vì nó không thể tránh khỏibịnh tật và cái chết. Xem ăn chay như một hình thức mua bán hay trao đổi vớichư Phật là tự tạo cho mình một món nợ hay một cực hình và như thế chẳng nhữngkhông phải là Phật giáo mà thật ra còn rất nguy hại cho thân xác và cả tâmthức. Ăn chay nhưng hoàn toàn vô tâmtrước khổ đau của chúng sinh là một hành động vô ích. Ăn chay để phát lộ lòngTừ bi, kiến tạo một mảnh đất cho Trí tuệ mới đích thực là ăn chay trong tinhthần Phật giáo. Nếu ăn chay nhưng đồng thời vượtlên trên ý niệm của ăn chay và không ăn chay, để hội nhập một cách hài hoàgiữa tâm thức và thân xác mình với tất cả những sinh linh khác dù nhỏ bé cáchmấy, dù vô hình hay hữu hình, thuộc quá khứ hay vị lai, dù đần độn và đángthương, dù hung dữ như quỷ đói, hay hiền hoà và cao thượng như chư thiên và chưthánh trong ba cõi dục giới, sắcgiớivô sắc giới, thì như thế lại còn tốt hơn nữa.

Để góp thêm vào phần kết luận ngườiviết xin được ghi lại một bài thơ. Những vần thơ này thật ra đã được viết từlâu và chỉ xin ghép thêm vào bài viết này trong mục đích nêu lên hai chủđề : Thứ nhất là khái niệm về sự tương liên, tương tác, tương tạo của mọivật thể và mọi biến cố trong thế giới chung quanh chúng ta, và thứ hai là tínhchất biến động, tạo tác và hủy hoại liên tục của mọi hiện tượng và sự sống nóiriêng. Trong sự biến động liên tục đó chúng ta không thấy cái ngã của mình ở đâu cả. Kết luận của bàithơ là nụ cười của Phật, tượng trưng cho sự Giác ngộ.

Bức tượng gỗ

Trên bệ, bức tượng Phật ngồi im,
Tôi nghe âm vang trong từng thớ gỗ,
Có tiếng chim trong rừng,
Cả tiếng rì rào của lá,
Thì thầm, tiếng hẹn hò của sâu.
Trên đường vân mặt gỗ,
Tôi thấy màu xanh trên cành,
Ửng ánh hồng màu mây.
Trên vết gân kẻ nứt, có nắng ấm mặt trời,
Mạch tế bào hơi thở.
Trên hình thù nét mặt, có bóng hình người thợ.
Trong ánh mắt hiền hòa, có bàn tay người khắc.
Thấm trong từng mạch gỗ,
Dòng nhựa cây từ đất,
Mạch nước nguồn từ sông.
Trong hương thơm, Tượng ngồi im trên bệ.
Trong khói mê, tôi ngồi im trên chiếu.
Bỗng nhiên tôi nghe thấy tiếng gặm nhấm,
Của mối mọt trong cây ?
Của sâu bọ trong chiếu ?
Trong xác thân tôi, vi sinh vật nhiều như cát của sông Hằng,
Chúng cũng đang sống, sinh sôi và gặm nhấm.
Giật mình trong hốt hoảng,
Ngước nhìn lên qua làn khói mỏng,
Hiền hòa và nhân hậu,
Tượng mỉm cười trong hương.

Các nhà khoa học nói rằng trên mỗiphân vuông của thân thể ta có khoảng 200 000 vi sinh vật thuộc loài sâu bọ,loại ve (acariens), sinh sống nhờ hơi ẩm của mồ hôi, hơi ấm của da thịt và nhờlớp da chết đào thải dùng làm thức ăn. Trong miệng, mũi, tai, mắt, nách, háng,hậu môn, cơ quan sinh dục... có vô số vi sinh vật sinh sống. Trong ruột, baotử,... hàng triệu vi trùng sống chung với ta, vừa ký sinh vừa giúp đỡ ta trongviệc tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng,... Nếu không có chúng thì thân xác tacó tồn tại được chăng? Chúng gắn liền với sự hiện hữu của xác thân này. Ngoàira cũng còn có những con vi trùng khác đang chờ đợi hoặc đang âm ỉ tàn phá ta.Vậy thì xác thân này là nhà của ta hay là đất của chúng? Hay chỉ là mảnh đấtchung mà thôi. Thương chúng tất thương ta, thương ta hóa ra là thương chúng.

Đang ngồi im trên chiếu, bỗng tôigiật mình và hoảng hốt, một luồng chấn động lan truyền khắp mạch máu và tế bàotrong cơ thể tôi. Nhìn lên, trong cái bất động của Pho tượng gỗ, tôi thấy sứcsống của cả vũ trụ này, liên đới và buộc chặt với sự tồn vong và hạnh phúc củatừng vi sinh vật trong xác thân tôi, và trong cái sâu thẳm của yên lặng mênhmông nơi gương mặt của Pho tượng gỗ, tôi chợt thấy một Nụ cười.

Tôixin quỳ xuống và úp mặt lên chiếu, ước mong vạn vật bất cứ ở hình thức nào, từhạt cát, cọng cỏ, cho đến những sinh vật bên trong và bên ngoài xác thân tôi,dù nhỏ nhoi cách mấy, hữu hình hay vô hình, trong lòng đất sâu, trên mặt địacầu hay bên ngoài vũ trụ, ngạ quỷ hay thánh nhân, nơi a tì hay thượng giới, tấtcả đều được an vui và hạnh phúc. Mong lắm thay, ước mơ lắm thay.

Tôi xin được ngàn năm úp mặt xuốngchiếu để gần gũi với cái hạnh phúc của muôn loài sinh vật quanh tôi, trên thânthể tôi và trong xác thân tôi. Chúng tôi xin nhường nhịn nhau, chia sẻ với nhautừng hơi thở ấm áp cho đến những rung cảm mong manh phát sinh trên mảnh đấtchung vô nghĩa và nhỏ nhoi này, và tôi chỉ dám ước mơ cầu xin được giữ lại chotôi một nụ cười.

Bures-Sur-Yvette(Pháp quốc), 17.02.07

Đọc lại và sửa chữa, 21.02.08

HoangPhong

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
31/12/2010(Xem: 4561)
Hòa tan các vật liệu của phần gia vị trong 1 chén nhỏ. Ðể một bên. - Ðặt một chảo không dính lên bếp, cho dầu ô-liu vào.
31/12/2010(Xem: 4418)
Chao tán nhuyễn rồi hòa tan với nước tương và đường. Ướp hỗn hợp chao vào đậu hủ khoảng 5-10 phút.
28/12/2010(Xem: 4670)
Hòa tan các vật liệu của phần gia vị trong 1 chén nhỏ. Ðể một bên. - Ðặt một cái chảo không dính trên bếp lửa trung bình.
26/12/2010(Xem: 3679)
Trộn chung tất cả vật liệu cho phần chả với nhau. Nhồi đều. Nêm nếm cho vừa ăn. Nếu thích ăn cay thì thêm vào chút ớt bột.
26/12/2010(Xem: 4400)
Cho đậu hủ và tất cả các gia vị vào máy xoay nhuyễn, khi máy đang xoay thì rải bột mì căn từ từ vào để tránh chả đậu hủ không bị đóng cục.
25/12/2010(Xem: 4933)
Ưu điểm của recipe này là thời gian làm không lâu. Chả rất dính với nhau, và có thể xắt ra ăn được khi mới vừa hấp xong, còn nóng.
25/12/2010(Xem: 4385)
cho một gói đậu hủ ky vào nồì nước sôi nấu mềm khoản 5 phút. - cho vào rổ thiếc để ráo nước, dùng đũa quậy cho chảy bớt nước...
24/12/2010(Xem: 5985)
Ngâm bún tàu, nấm mèo, tàu hũ ky và kim châm trong nước ấm. Nếu dùng tàu hũ ky khô thì nên ngâm trong nước sôi. Tàu hũ miếng để ra rổ cho ráo nước.
23/12/2010(Xem: 7186)
Đậu hủ rửa sạch trong nước sôi, để ráo. - Cắt miếng nhỏ rồi cho vào túi vải, vắt ráo nước. - Cho đậu hủ và tất cả các vật liệu cho gia vị ướp đậu hủ vào máy xay nhuyễn.
23/12/2010(Xem: 4492)
Bắc chảo lên bếp để lửa trung bình. Cho dầu ô-liu vào chảo, khử với hành tây cho thơm, xong cho nấm mèo và đậu hũ đã vắt ráo nước...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]